Sáng hôm sau, tôi sắp xếp hành lý, lưỡng
lự một hồi rồi đành phải chìa tay xin bố tôi tiền đi đường. Từ khi học tiểu học
đến khi tốt nghiệp đại học, mười mấy năm trời không biết tôi đã chìa tay xin bố
bao nhiêu lần. Duy nhất lần này tôi lại do dự ái ngại. Tôi tự nhủ lòng mình:
“Đây là lần cuối cùng xin tiền của bố”.
Tôi đi tìm bố. Không biết bố đi đâu mà
không thấy. Mẹ đang nấu ăn sáng nói vẻ buồn buồn: “Bố con lên thị trấn từ sáng
sớm để lo tiền cho con. Đi ra ngoài lạ nước lạ cái, không có tiền xoay sở thế
nào được. Hoàn cảnh nhà ta chắc con biết rồi”.
Gần nửa buổi thì bố tôi về, theo sau là
một người buôn bán lương thực. Bố tôi phải bán số lúa mạch còn lạ trong nhà.
Với người dân quê, lương thực
dự trữ là tối cần thiết. Những lúc thật bí bố vẫn không muốn bán, nhưng lần này
bố phải bán đi mấy tạ lấy tiền cho tôi đi đường.
Không đợi tôi mở mồm, bố đặt vào tay tôi
2 ngàn đồng. Tôi cảm động ứa nước mắt, lúng túng nói không ra lời. Nhưng thái độ
tiếp theo của bố làm tôi không hài lòng. Bố nghiêm nét mặt giọng lạnh lùng: “Số
tiền này là bố cho con vay. Con phải viết một giấy vay nợ. Con đã lớn rồi, con
phải tự chịu trách nhiệm và lo liệu cho bản thân mình”.
Lời nói của bố dứt khoát. Tôi trố mắt đứng
nhìn bố như nhìn một người xa lạ. Sau đó bố lấy giấy bút đặt lên bàn, thái độ của
bố không hợp với tình người làm cho tôi vô cùng thất vọng. Trước lúc tôi ra đi,
bố không khuyên tôi một câu gì tốt lành mà lại lạnh lùng bắt tôi viết giấy vay
nợ!
Nỗi uất hận trào dâng trong lòng, tôi cầm
lấy bút viết rất nhanh rồi cúi đầu bước khỏi nhà, nước mắt ròng ròng. Tôi ngấm
ngầm thề rằng phải rất nhanh trả lại món nợ này để bố biết tôi không phải là đứa
con vô dụng.
Tôi lên thành phố cố gắng xoay xở, một
ngày, hai ngày, ba ngày…Tôi như con kiến leo cành cộc đi khắp thành phố để tìm
việc làm. Một tuần sau tôi thử việc ở một công ty quảng cáo và được nhận vào
làm. Nửa năm sau tôi chuyển đến làm cho một tờ báo có tiếng trong thành phố.
Trong thời gian này, tôi chỉ hai lần gọi điện về nhà cho có lệ, mỗi lần tôi đều
lấy lý do công việc bận rồi vội vàng tắt máy, trong lòng vẫn tràn đầy uất hận với
bố.
Khi lĩnh tháng lương đầu tiên ở tòa báo,
tôi tranh thủ về nhà ngay. Bố như cảm thấy bất ngờ khi tôi về nhà mà không báo
trước. Bố hỏi tôi sống ở trên thành phố như thế nào, có vất vả không, lần này về
nhà có việc gì gấp à? Tôi chỉ ậm ừ trả lời cho qua chuyện rồi sau đó trịnh trọng
lấy ra 2 nghìn đồng trả khoản nợ cho bố.
Bố nhìn tôi đưa trả tiền mà ngây người
ra nhìn rồi đi vào trong nhà, lấy ra tờ giấy vay nợ. Bố không đưa cho tôi mà xé
nó nát vụn rồi ngồi xuống rút ra một điếu thuốc, nói vẻ xót xa: “Lúc bấy giờ bố
bắt con phải viết giấy vay nợ là sợ con còn trẻ ngông cuồng, giữa đường đứt
gánh nên bố phải bức con phải tự vươn lên. Nhìn ánh mắt của con lúc ra đi đến
bây giờ bố vẫn không chịu nổi. Nếu nói về nợ thì con nghĩ xem, liệu 2 nghìn này
có đủ không?”.
Mặt tôi đỏ bừng. Đúng là tôi trẻ tuổi bồng
bột, không hiểu được nỗi khổ tâm của bố.
- Ở thành phố phải chi tiêu nhiều, tiền
cầm lấy mà dùng. Điều tốt nhất của con cái đền đáp lại bố mẹ là có thể tự lực tự
cường, ở đâu cũng có thể sống tốt bằng chính bàn tay và trí tuệ của mình.
Bố nói xong, lấy bàn tay thô ráp lau nước
mắt làm cho tôi thấy đau nhói trong lòng. Tôi ngồi xuống nhặt những mảnh của tờ
giấy vay nợ rồi dán nó lại. Tôi sẽ giữ nó suốt đời vì nó là một kỷ niệm mà tôi
không bao giờ quên
Nguyễn Thiêm (dịch)