“Này các tỳ kheo, những vị Sa môn, Bà la
môn nào có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, có mạng sống
không thanh tịnh, những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ
hãi khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có mạng sống không thanh tịnh… Ta tự
quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, cảm thấy lòng tự tin được xác chứng
hơn khi sống trong rừng núi.”
“Này các tỳ kheo, những Sa môn hay Bà la
môn nào có tâm sân hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang
vu… những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất
thiện khởi lên…
Những Sa môn hay Bà la môn nào dao động,
tâm không an tịnh, những Sa môn, Bà la môn nào còn ham muốn lợi danh, tiếng
tăm….
Những Sa môn, Bà la môn nào thất niệm,
không chú ý… những Sa môn, Bà la môn nào không có tâm định tĩnh, tâm bị tán loạn
mà sống tại các trú xứ vắng trong rừng núi hoang vu…. những tôn giả Sa môn, Bà
la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên… (Kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, Trung Bộ Kinh I )
Trong kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, Trung Bộ
Kinh I, chúng ta được nghe Đức Phật trình bày rốt ráo nguyên nhân nỗi sợ hãi âm
thầm đè nặng trên tâm thức con người muôn thuở.
Chúng ta sợ đủ thứ: sợ chết, sợ khốn khổ,
sợ bị chê bai chỉ trích, và trên tất cả, hình như chúng ta rất sợ sự thật. Vì sợ
hãi chúng ta lao mình vào công việc làm ăn, vào các thú tiêu khiển, lập gia
đình, gia nhập các đoàn thể, nỗ lực tạo mãi tiền của, danh vọng, tri thức, tài
khéo, cốt làm sao để chứng minh mình không phải là một con số không dưới mắt mọi
người và nhất là dưới mắt mình. Nhưng cảm giác khó chịu về số không vẫn còn mãi
đấy.
Càng lao tâm lao lực, cuộc sống chúng ta
càng bận rộn chừng nào, với càng nhiều bạn bè, sở hữu, quyến thuộc chừng nào,
chúng ta càng thấy rõ sự nghèo nàn cô độc vô vị trống rỗng của nó chừng nấy,
khi mà chúng ta bắt buộc một mình đối diện với cuộc tử sinh của chính mình. Vì
sợ hãi, chúng ta tạo ra những thần linh bất diệt để có thể đặt niềm tin vào đấy,
để có chỗ bám víu ở giữa một thế giới đầy dẫy những lọc lừa tráo trở. Rồi chúng
ta gắn cho thần linh ấy đủ các tính xấu của chúng ta, nghĩa là cũng đầy ngã chấp
nhỏ nhen, có thể rất từ bi với một tín đồ trung kiên, nhưng cũng có thể rất độc
ác với kẻ nào phản bội.
Tuy vậy, chúng ta thà có một tín ngưỡng
bất toàn hơn không có gì cả. Voltaire nói: “Nếu Thượng đế không thật có, thì
cũng cần phải tạo ra một Thượng đế.” Như những con cừu xích lại gần nhau để tìm
hơi ấm, chúng ta cũng ưa quần tụ, gia nhập hội này đoàn nọ, vì không thể chịu
được mặc cảm cô đơn. Chúng ta nói tiếng nói của tập thể, ưa thích và lựa chọn
giống như sự ưa thích và lựa chọn của mọi người, để khỏi bị xem là “không giống
ai”. Quả thế, vì sợ hãi cô độc, chúng ta thà làm một con cừu ngoan ngoãn trong
bầy cừu ấm áp hơn là làm một vì sao cô độc trên nền trời giá băng.
Đức Phật không chấp nhận những giải pháp
tạm bợ mà chúng ta thường dùng để đối trị nỗi sợ hãi âm thầm ngự trị trong ta.
Ngài đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tìm những nguyên nhân sâu xa của nó để có
thể nhiếp phục sợ hãi. Những nguyên nhân ấy theo lời Đức Phật dạy, là những
thói xấu cố hữu trong ta như tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, giao động,
hoài nghi, khen mình chê người, lười biếng thất niệm, ham danh lợi, thân nghiệp,
khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh.
Một trong những phản ứng
thông thường của chúng ta trước sự sợ hãi là chạy trốn: “Tẩu vi thượng sách”. Sự
chạy trốn mang nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta trốn vào trong những cuộc
vui, trốn vào trong những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi
phải đối mặt với hư vô và với chính mình: ngồi thiền sở dĩ rất khó khăn là vì
thế, chúng ta phải đối diện với chính mình trong khi độc cư thiền tịnh…….