Một hôm, Phật ghé thăm trú sở của Đạo sĩ
Ca Diếp, ông ta đang lãnh đạo khoảng 500 vị du sĩ. Họ chăn nuôi thú vật để ăn
và để thờ cúng.
Trưa hôm ấy, Phật nhận lời thọ trai cùng
ông Ca Diếp. Buổi chiều ngồi đàm đạo, Phật nói:
- Này Ca Diếp! Ông hãy nói cho tôi nghe
tại sao thờ thần lửa lại đem cho chúng ta sự giải thoát?
Ca Diếp bắt đầu nói về lửa như là bản chất
uyên nguyên của Vũ Trụ. Ông nói:
- Lửa có nguồn gốc từ Phạm Thiên. Lửa
phá tan bóng tối, lạnh lẽo...vạn vật đều có một nguồn gốc và có thể trở về nguồn
gốc đó.
Đức Phật giải thích:
- Nhưng tôn giả Ca Diếp! Vạn vật trong
vũ trụ đều nương nhau mà có mặt. Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây: Đất,
nước, hơi nóng, hạt mầm, thân cây, đám mây, mặt trời, thời gian và không gian đều
là nhân duyên giúp cho chiếc lá này có mặt, nếu thiếu một trong những nhân
duyên ấy thì chiếc lá không thành. Tất cả các loại đất đá, thảo mộc và cầm thú
đều tuân theo luật duyên sinh ấy.
Tôn giả Ca Diếp! Chiếc
lá mà tôi cầm trong tay đây là do tất cả các pháp trong vũ trụ hợp lại để tại
thành, trong đó có cả nhận thức của ông.
Ca Diếp hỏi Phật:
- Ngài nói rằng con người cũng do tập hợp
của nhiều nhân duyên mà có mặt. Vậy thì khi các nhân duyên tan rã, con người đi
về đâu?
Phật nói:
- Đã từ lâu, chúng ta quen nghĩ rằng khi
thân xác ta tan rã, cái ngã ấy vẫn tồn tại và trở về với nguồn gốc của nó là Phạm
thiên.
Tôn giả Ca Diếp ạ! Đó
là một sai lầm căn bản, lầm đường lạc lối biết bao nhiêu thế hệ. Ông nên biết,
vạn pháp từ nhân duyên mà sinh, cũng từ nhân duyên mà diệt. Đó là đạo lý duyên
sinh màu nhiệm mà tôi đã khám phá được bằng thiền quán.
Ca Diếp ngước mắt lên nhìn Phật:
- Vậy nếu không có ngã, không có ác ma
thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát? Giải thoát cho ai và ai là người
được giải thoát?
Phật nói:
- Tôn giả Ca Diếp! Khi nguyên do của khổ
đau có mặt thì khổ đau có mặt. Vậy khi nguyên do của khổ đau vắng mặt thì khổ
đau có vắng mặt không?
Tôn giả Ca Diếp:
- Tôi công nhận khi nguyên do của khổ
đau không còn thì khổ đau không còn!
Phật nói:
- Này Ca Diếp! Nguyên do của khổ đau là
si mê, tức là nhận thức sai lầm về thực tại, đời vô thường mà chúng ta ngỡ là
thường còn đó là si mê. Thực tại không có tự ngã mà chúng ta cho là có tự ngã
đó là vô minh. Từ vô minh phát sinh ra tham vọng, giận hờn, sợ hãi, ghen ghét
và bao nhiêu khổ đau khác.
Con đường giải thoát là
con đường quán chiếu thực tại để thực chúng được vô thường, vô ngã và duyên
sinh của vạn hữu. Con đường ấy là con đường diệt trừ si mê. Khi si mê diệt thì
phiền não diệt và khổ đau diệt, đó là giải thoát, cần gì có tự ngã mới có giải
thoát.
Ca Diếp im lặng một lúc lâu, ông hỏi tiếp:
- Vậy theo Ngài, quả giải thoát chỉ có
thể do công phu đem lại. Như vậy những nghi thức thờ phụng, khấn nguyện hoàn
toàn vô ích hay sao?
Phật chỉ tay qua bên kia sông:
- Này ông Ca Diếp! Nếu một người đứng
bên này sông, muốn qua bên kia sông thì người ấy phải làm gì?
Ông Ca Diếp thưa:
- Người ấy phải lội qua sông, bơi qua
sông hay dùng thuyền chèo qua sông.
Phật nói tiếp:
- Cũng thế! Nếu một người không tu tập,
quán chiếu diệt trừ si mê, phiền não thì không thể đạt đến bến bờ giải thoát được
dù họ có tế lễ, cầu khẩn, xin xỏ suốt cả cuộc đời.
Đạo sĩ Ca Diếp bỗng nhiên sụp lạy dưới
chân Phật khóc nức nở, ông nói:
- Sa môn Gotama! Con đã lầm lỡ hơn nửa đời
người, giờ đây xin thầy chấp nhận con và số đệ tử của con quy y với thầy để con
có được cơ hội tu tập và học hỏi con đường giải thoát.
(Trích
Kinh tạng Nikaya)