TỰ TỬ

Người dân xóm nhỏ giáo xứ Vĩnh Trung đến giờ vẫn không khỏi bàng hoàng và xót thương trước sự ra đi đột ngột của một cô giáo chưa tròn 23 tuổi.
“… Theo lời bà Điền kể lại thì hai vợ chồng anh Linh và chị Thu mới lấy nhau hôm 30/4, đến 30/6 này mới tròn 2 tháng. Vì chị Thu làm việc ở Bình Dương nên tuy mới cưới nhưng thời gian sống ở nhà không nhiều. Hai vợ chồng ra ở ngoài nhà riêng gần mặt đường vì bà Điền có hai ngôi nhà, được ít lâu thì cả hai đều chuyển vào Bình Dương sinh sống. Cả hai cũng mới về nhà bà Điền chơi cách đây không lâu.

Người dì ruột của chị Thu có mặt trong buổi tối định mệnh ấy kể lại sự việc với bà Điền. Buổi sáng hôm trước khi xảy ra cái chết của chị Thu, hai vợ chồng vẫn còn vui vẻ đi cạo mủ cao su với nhau, buổi tối về anh Linh có qua nhà hàng xóm đánh bài.
Chị Thu đi làm về, không thấy chồng đâu nên mới hỏi bố đẻ thì biết chồng đang chơi bên nhà hàng xóm. Chị Thu qua nhà hàng xóm và cằn nhằn chồng: “Làm thì không lo làm, suốt ngày chơi đánh bài thì lấy gì mà ăn”. Hai vợ chồng bắt đầu to tiếng, anh Linh bỏ về nhà bố vợ. Thấy hai đứa cháu cãi nhau, dì ruột của chị Thu mới khuyên can nhưng cả hai đều không nghe. Tức giận vì câu nói của vợ nên anh Linh đã lao qua giường và đạp vào người chị Thu một cái. Thấy cháu nằm ngã dưới đất nên người dì và bố chị Thu lại bế con lên nhưng vì cả hai cũng luống tuổi nên không bồng được.
Lúc anh Linh sang đỡ chị Thu dậy nhưng chị Thu không đồng ý. Anh Linh phóng xe về ngôi nhà riêng của hai vợ chồng. Lúc sau chị Thu cũng về nhà nhưng lại tiếp tục cằn nhằn chồng về cái tật hay đi đánh bài. Hai vợ chồng lại bắt đầu to tiếng. Biết vợ chồng đang mâu thuẫn nên người dì ruột có ghé qua nhà khuyên can nhưng cả hai đều không nghe. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, anh Linh tức giận buông lời: “Ở được với nhau thì ở, không ở được thì chia tay”. Nói xong anh Linh cầm giấy ra ngoài bàn viết đơn ly dị.
Cũng chỉ vì một câu nói của chồng cộng với sự uất ức và bồng bột mà chị Thu đã đi ra phía sau nhà và uống chai nước rửa chén để tự tử (nước rửa chén nhãn hiệu của Mỹ - theo lời kể của người dì). Thấy tiếng nước xả bồn cầu, người dì ruột cũng chỉ nghĩ là chị Thu đi vệ sinh nhưng một lúc sau nghe tiếng nôn ọe nên người dì mới hốt hoảng chạy xuống thì thấy chị Thu đang nằm quằn quoại ở đó. Hốt hoảng, anh Linh chỉ biết hô hoán kêu cứu. Sau đó vài phút, bà con hàng xóm và anh Linh đã nhanh chóng đưa chị Thu đi cấp cứu tại Bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Sau một thời gian cấp cứu, các y bác sĩ vẫn không thể cứu sống được chị Thu khỏi cái chết quá đỗi bất ngờ….
* * * *
Tuy chúng ta có tài năng để kiếm thật nhiều tiền hay làm cho người khác ngưỡng mộ, nhưng đối với cơn giận ta thường hay bất lực. Thậm chí ta còn chưa biết cơn giận là của chính mình thì làm sao ta có được kỹ năng điều phục nó. Mỗi lần lửa giận bốc cháy chúng ta chỉ biết khơi mào và đuổi theo người kia để trả đũa, tại vì ta nghĩ làm như vậy ta mới hết giận.
Nếu không túm được kẻ kia thì chúng ta cũng sẽ tìm cách để tống năng lượng giận hờn ra ngoài, để cho nó thiêu rụi mọi thứ chung quanh thì chúng ta mới hả dạ. Lần nào cũng như lần nấy, khi bị cảm xúc giận hờn khống chế chúng ta như tê liệt hoàn toàn, cũng như em bé ba tuổi khi đói khát hay nóng bức thì chỉ biết khóc thét lên chứ không biết làm gì khác.
Trong khi đuổi theo kẻ khác thì ngọn lửa giận vẫn tiếp tục đốt cháy thân và tâm chúng ta. Dù chúng ta có trừng phạt được kẻ kia, làm cho họ thật khổ sở và chúng ta có cảm giác hài lòng thì sự thực chính chúng ta vẫn là kẻ thiệt thòi nhất. Một cái giá rất đắc phải trả cho cơn giận… đó là:
“….. Người chồng ngồi mất hồn bên quan tài, bố mẹ ruột của chị Thu cũng đã lặng người trước sự ra đi của cô con gái vẫn còn quá trẻ. Có lẽ họ không còn đủ nước mắt để khóc lên thành tiếng, giờ đây chỉ còn lại những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, những tiếng khóc như xé lòng, tiếng kinh cầu nguyện xen lẫn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xạm đen của những người dân lao động nơi đây.
Dường như ai cũng xót thương cho đôi vợ chồng trẻ. Niềm hạnh phúc còn chưa trọn 60 ngày. Trong dòng người ấy, nhiều bạn bè với cô giáo Thu cũng bày tỏ tình cảm của mình với người bạn gái xấu số.
Có lẽ chỉ vì một phút chốc nông nổi, một chút nóng giận từ những mâu thuẫn gia đình mà ngôi nhà nhỏ giờ đây chỉ còn chiếc giường cưới thơm mùi gỗ mới, đôi gối còn thêu hình rồng phượng cũng nằm chỏng trơ trên giường. Giá như mỗi người chồng, người vợ hiểu và biết chia sẻ cho nhau, biết nhẫn nhịn mỗi khi cãi vã thì giờ đây không có cái cảnh gia đình mất con, chồng mất vợ. Nỗi đau này đâu của riêng ai!.....”
Nguyên nhân bắt đầu chỉ từ một cơn giận dữ. Vậy cơn giận từ đâu tới?
Rất nhiều! Tạm đơn cử vài nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất là bản năng tự nhiên. Nghĩa là do di truyền từ thế hệ ông bà cha mẹ. Từ AND, từ môi trường. Nếu may mắn được lớn lên trong môi trường an lành, những nguồn tưới tẩm chung quanh mà đặc biệt nhất là sự chăm sóc của cha mẹ chứa đầy chất liệu hiểu biết và thương yêu thì coi như hạt giống giận hờn trong chúng ta bị cô lập và yếu ớt. Còn lỡ phải rơi vào hoàn cảnh mà những người sống chung quanh luôn vung vãi những năng lượng bực tức, sợ hãi, kỳ thị, hận thù thì chúng ta nghiễm nhiên trở thành người mang tánh khí giận hờn mạnh mẽ.
Thứ hai là thói quen tập dợt. Trong di truyền không mang nặng tính giận hờn, nhưng vì hoàn cảnh sống nào đó chúng ta đã đem cơn giận ra để ứng phó mỗi ngày như cách thể hiện bản ngã, cho bên kia thấy rõ uy lực hay cả khổ đau của mình. Không ngờ cách sử dụng giận hờn như kiểu phương tiện đó đã vô tình tập dợt cho năng lực của nó ngày càng lớn mạnh.
Thứ ba là tâm lý bế tắc. Thỉnh thoảng có vài cơn giận le lói trong tâm hồn, phải có sự tinh tế lắm thì chúng ta mới nhận ra được. Do những tâm lý buồn tủi, chán chường, nghi ngờ, mặc cảm… âm thầm hoạt động và đã chạm tới hạt giống giận vốn đang nằm yên trong chiều sâu tâm thức. Đó là tình trạng của những nỗi giận hờn vu vơ.
Thứ tư là nhận thức sai lầm. Chung ta thường hay có thói quen phán đoán mà không chịu tìm hiểu sự thật. Một khi cơn giận bao trùm hết tâm thức thì những năng lượng tốt đẹp khác không còn cơ hội để giúp bản ngã sáng suốt nhìn nhận lại vấn đề cho đúng với bản chất thực của nó.
Thứ năm là khả năng chấp nhận. Khi tinh thần an ổn, năng lượng dồi dào, cộng với một hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc điệu hòa sự sống thì khả năng chấp nhận trong chúng ta sẽ rất cao. Nghĩa là trái tim chúng ta có một dung lượng rất khá, có thể chứa đựng được rất nhiều đối tượng khó khăn mà vẫn không đau khổ. Chúng ta hãy nhìn những người trải nghiệm vững vàng trong cuộc đời, hoặc những người có tấm lòng lớn thì những cuộc tấn công lẻ tẻ bên ngoài không bao giờ làm cho họ nao núng hay thương tổn. Trái lại họ có thể ôm ấp những kẻ u mê dại khờ kia vào lòng và giúp họ thoát khỏi những kiến chấp sai lầm để bước lên con đường xán lạn.
Nếu chúng ta đã thấy được sức tàn phá của một cơn giận quá lớn mà chính chúng ta là kẻ chịu tổn thất nặng nề nhất, thì hãy cố gắng thức tỉnh mỗi khi hạt giống giận hờn bị kích động là chúng ta kịp thời ý thức trách nhiệm bảo vệ chính mình mà không theo thói quen cũ cứ lo truy cứu kẻ khác. Nắm được nguyên tắc này thì đỡ khổ nhiều lắm, dù chưa có khả năng kềm tỏa được cơn giận hoàn toàn nhưng chúng ta sẽ bớt dần thái độ trách móc hay đổ hết lỗi lầm cho người kia. Tại vì cơ hội quay về thay đổi chính chúng ta bao giờ cũng nhiều hơn đi thay đổi người khác.
Tất nhiên người kia cũng có lỗi, vì vô tình hay cố ý mà họ đã buông ra lời nói hay hành động có tính chất tưới tẩm vào hạt giống giận hờn trong ta. Nhưng trừng phạt họ không phải là cách giải quyết vấn đề của người có tình thương và hiểu biết. Chúng ta cần nói cho người kia biết họ đã sai và đừng bao giờ lặp lại hành động đó, nhưng để làm được như vậy ta cũng cần có một thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng để người kia có thể cảm thông mà chấp nhận.
Khi cơn giận bắt đầu phát hiện chúng ta phải khôn ngoan tìm cách tách ly ra khỏi hiện trường. Lỡ không đi đâu được, trong cơn cảm xúc chúng ta chỉ nên thực tập không nói năng hay hành động gì thêm nữa, dù đó là một thái độ giải thích mà chúng ta cho là thỏa đáng.
Thứ hai là tìm chỗ nương tựa nơi tự thân. Hơi thở là chỗ dễ dàng và an toàn nhất của tâm ý. Chỉ cần tập trung vào hơi thở vào ra chừng năm phút là cảm xúc giận hờn sẽ lắng dịu.
Thứ ba là tìm cách làm phát sinh năng lượng hiểu biết và thương yêu, nếu chúng ta chưa có sẵn, hoặc do cuộc sống lâu ngày đã làm chai lì, nhàm chán.
Nhiều lần thực hành điều phục cơn giận như vậy chúng ta sẽ phát hiện ra, sở dĩ chúng ta dễ nổi giận vì lòng kính trọng đối phương đã bị bào mòn, mối quan hệ thường ngày đã đưa đến chỗ nhàm chán. Từ đó sự lắng nghe và chia sẻ tình thương của chúng ta giành cho người kia đã bị dập tắt. Lúc này chúng ta đã biết mình phải làm gì rồi!

(Nguồn tổng hợp)