Có
một người cưỡi một con ngựa đang phi như bay trên đường. Khi anh và con ngựa
chạy ngang qua một khu phố, có vài người đứng bên đường thấy vậy gọi với theo:
-
Anh kia có việc gì phải đi đâu mà vội vã thế?
Anh
ta ngoái đầu lại và nói lớn:
-
Tôi cũng không biết nữa, hỏi con ngựa kìa!
== == === == === ==
Sự tiến bộ trong xã hội của chúng ta ngày nay cũng được ví
giống như con ngựa trong câu truyện ấy, chúng ta là những kỵ sĩ rạp mình đang
phi như bay nhưng nào có biết mình đang đi về đâu?
Sống
trong xã hội hiện nay hầu như ai cũng ngày càng bận rộn. Gần như ai nấy cũng
phải chạy thật nhanh mới có thể làm hết việc của mình. Việc ở đâu mà nhiều thế?
Cũng tự nơi chúng ta đề ra thôi, xã hội đi tới đâu chúng ta phải lao mình đi
tới đó, người ta có cái gì thì chúng ta cũng phải có cái đó. Chưa bước vào thì
tự nhủ với lòng tham gia một cách thong thả nhẹ nhàng, khi dấn thân vô thì cứ
theo dòng xoáy cuốn phang đến độ mất mình, không còn nhớ ta là ai, đang đi đâu
và đi về tới đâu nữa.
Chúng
ta hay nghĩ rằng đời sống văn minh là đời sống bắt kịp tri thức và lối sống
hiện đại nhất của nhân loại. Trong đó, những thành tựu vật chất - công danh
luôn được đem ra làm thước đo cho sự nghiệp của mỗi người. Chúng ta quên mất
rằng phía trước những thành tựu đó là những vực thẳm chôn vùi vô số người và
ngựa của stress, trầm cảm, tâm thần, tự tử trên khắp thế giới.
Bởi
lẽ càng thể hiện mình, thể hiện cái tôi, cái của tôi, con tôi, nhà cửa tôi, xe
hơi của tôi, các nhu cầu cần thiết và không cần thiết của tôi, càng muốn thể
hiện đẳng cấp của mình, càng hưởng thụ thì chúng ta phải lao đầu vào, phải bỏ
nhiều thời gian và năng lực ra để gom góp và chế biến, và cũng thật buồn cười
là càng tích góp bao nhiêu thì chúng ta càng không có thời gian, không có cơ
hội để tận hưởng bấy nhiêu. Đến khi mệt rã rời thì tự an ủi với chính mình: “thôi
ráng, lỡ phóng lao, lỡ leo lên lưng ngựa (cọp) rồi, thôi thì 1 năm, 2 năm…. đâu
đó ổn định rồi thì mình thả ngựa đi nước kiệu thong dong”
Mặc
dù chúng ta xác định rõ mục tiêu phía trước - trước khi leo lên lưng ngựa,
nhưng bắt đầu từ sự lo lắng về một vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm trong
một thời gian ấn định. 1 tháng sau, 2 tháng sau,……. 1 năm sau, 2 năm sau….. tất
cả vẫn còn ở phía tương lai và chưa có giải pháp cụ thể, nên não bộ cứ liên tục
nhắc nhở vấn đề khiến ta phải nhớ – rồi lại lo lắng vì chưa tìm được giải pháp
– rồi lại nhớ vấn đề – rồi lại nôn nóng giải quyết nhưng chưa được – rồi lại lo
lắng…
Mỗi
vòng lặp lại như vậy sẽ làm cho mức độ cảm xúc xấu tăng dần, dồn nén liên tục
cảm xúc, cảm xúc dồn nén cảm xúc, áp lực máu tăng cao, các mạch máu căng ra phá
vỡ sự cân bằng và thanh thản ban đầu và rồi chúng ta chấp nhận thúc ngựa đi
nước rút, tuyên chiến với thời gian, lao mình về phía trước, bất chấp tiếng gió
rít vì vù bên tai. Thế rồi những chuẩn mực sống chúng ta đề ra hôm nào nhân những
ngày nghỉ tết: “thả vó ngựa nước kiệu”, “thong thả cỡi ngựa xem hoa” “thảnh
thơi, thanh thản, thư thả”…. dường như chỉ còn là chiếc bánh vẽ mờ mờ ảo ảo để
nhắm nháp mỗi khi đêm về.
Trong
tâm thức ai cũng muốn kiềm hãm vó ngựa để được hít thở trong một không gian
bình an vắng lặng sự rủi dong. Nhưng vì cuộc sống, lắm khi vì tham vọng, cho
nên thức ăn có đầy trong tủ lạnh chúng ta vẫn cứ phải xơi cơm lề đường lòng chợ
một cách qua loa, nhà cửa đầy đủ tiện nghi máy lạnh điều hòa nhưng mỗi ngày
chúng ta vẫn cứ phải giang nắng chạy rong suốt ngoài đường. Vì đâu vậy? Hãy hỏi
con ngựa ấy! Vậy nên mới nói, bận rộn quá thì làm sao sống, làm sao có đủ năng
lực để kiểm soát và điều tiết được bản thân, làm sao có thể thừa hưởng được
những giá trị hạnh phúc đang hiện hữu?