ĐẠI BÀNG

Một con đại bàng chúi xuống và chộp được một con cá bằng móng vuốt của nó. Thế nhưng con cá lại rất to, có lẽ ngoài dự tính của con đại bàng. Khi nó bắt đầu bay vào bờ, nó cảm giác mình không đủ sức, thế là nó quyết định thả con mồi xuống.

Thế nhưng những móng vuốt của nó đã bấu quá chặt vào con mồi nên giờ đây không thể thả ra. Nó vùng vẫy nhưng vô vọng. Con đại bàng từ từ chìm xuống nước và chết vì...không thể thoát khỏi con mồi của nó!

==   =  =  =  ==

Chúng ta thường nghĩ rằng để có hạnh phúc thì cần phải nắm bắt càng nhiều điều kiện tiện nghi càng tốt, cho nên hễ có cơ hội là chúng ta cứ tha hồ tích góp mà không hề biết chối từ. Để phục vụ cho cơn cảm xúc nhất thời ấy, ta đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tinh thần, đến khi căng thẳng, bất an, cạn kiệt năng lượng ta mới có ý thức nhìn lại và buông bỏ thì ôi thôi “móng vuốt đã bấu chặt” vào các tiện nghi, các nhu cầu hưởng thụ.

Buông bỏ bao giờ cũng đem lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, nó là một nghệ thuật sống rất cao cấp nhưng không phải dễ làm. Không dễ làm bởi vì chúng ta không dễ đón nhận cảm giác khó chịu, chúng ta hoang mang khi thói quen hưởng thụ không còn được phục vụ như trước nữa.

Xã hội ngày càng văn minh, ngoài nhu cầu ăn ngày ba bữa, tắm rửa vài lần thì con người ta càng cố làm ra thật nhiều hơn nữa để mua sắm, để thu gom tạo ra nhiều tiện nghi, để nâng cấp sự hưởng thụ. Ngày xưa con người không có những tiện nghi đó họ vẫn sống được, sống tốt và sống rất an toàn nữa là khác. Thực sự có cần phải lấy hết năng lượng, lấy hết thời gian một ngày, một đời người hay không?

Bây giờ con người có thật nhiều và biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng lạ lùng là càng bấu víu, càng tích góp bao nhiêu thì con người càng thấy khó khăn, thấy thiếu thốn và lạc lõng bấy nhiêu. Nhiều khi biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng lại không thể hay không đủ nội lực tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Đơn giản là móng vuốt đã bấu thật sâu và cuộc đời dường như đã tự giam mình vào những điều kiện tiện nghi từ lâu cho nên trở nên biếng nhác, yếu đuối. Giả dụ có muốn rút lui thì tâm hồn và thể xác cũng trở nên quạnh hiu, xơ xác một cách thảm hại.

Lúc trẻ thì luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên cuồng, nông nổi để giành lấy con mồi, giựt lấy những thứ hấp dẫn bên ngoài, cho đến khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, thì chúng ta mới nhận ra mình không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ cô đơn, lặng lẽ đáng thương. Kết thúc bài học cho cả cuộc đời lăn lộn chỉ đơn giản là: càng gom góp nhiều tiện nghi hưởng thụ nhiều thì càng dựa dẫm, càng mất mác, càng khổ đau hơn mà thôi.