GIA TÀI VÔ GIÁ

Có một ông lão ăn xin ngồi ở bên lề đường đã hơn ba mươi năm… Ngày nọ, có một người khách lạ đi qua, ông lão đưa tay chìa chiếc nón cũ ra và nói:

- Xin ông có chút tiền lẻ nào cho tôi?

Người khách đáp:

- Tôi chẳng có gì để cho ông, nhưng kìa, ông đang ngồi trên cái gì vậy?

Lão ăn xin trả lời:

- Đó chỉ là chiếc hòm cũ thôi, tôi đã lê lết với nó từ rất lâu rồi!
Người khách lại hỏi:

- Ông có bao giờ để mắt nhìn xem bên trong có thứ gì không?

Lão ăn xin hờ hững trả lời:

- Chưa bao giờ!

Rồi lão nói thêm:

- Nhưng mở ra để làm gì chứ, tôi đã biết nó chẳng có gì bên trong mà!
Ông khách vẫn khuyến khích:

- Nhưng bây giờ ông hãy thử mở xem nào.

Lúc đó, vì nể lời vị khách nên lão ăn xin miễn cưỡng đưa tay mở nắp chiếc hòm ra. Vừa nhìn vào trong – ông lão bỗng sửng sốt – không thể tin vào mắt mình: Bên trong chiếc hòm cũ kỹ ấy chứa đầy những thỏi vàng…

=  =  =  =  =

Qua những hình ảnh về miền trung và nhiều hình ảnh động đất, bão lũ, giặc giã, đói khát.....khắp nơi trên thế giới đôi lúc chúng ta tự nghĩ chính chúng ta có thể là người khách qua đường ấy hoặc là lão ăn xin kia, chúng ta không có gì để tặng nhau, chỉ biết khuyên nhau nên quay vào bên trong, không chỉ nhìn vào cái hòm gỗ như trong câu chuyện ngụ ngôn trên, mà chúng ta hãy nhìn vào một nơi còn gần hơn thế nữa: Nhìn vào trong chính mình.

Nhìn vào để thấy chúng ta có rất nhiều thứ khác mà người khác không có: mắt, tai, mũi, lưỡi, tay chân lành lặn, .......Còn gì hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh chết chóc, lầm than, cơ cực, đói khát, vườn tan nhà nát, bì bõm lội nước, trong khi chúng ta đang ngồi bên mâm cơm ngon, mái ấm che mưa, đêm về chăn êm nệm ấm.

Chúng ta có thể bất mãn thốt lên: “Nhưng tôi không phải là kẻ ăn xin ấy!”.

Thật ra, bất cứ ai dù có sản nghiệp đồ sộ đến đâu đi nữa, mà vẫn chưa nhận ra niềm vui của sự ung dung tự tại và niềm an lạc sâu thẳm không gì có thể lay động của bản thân thì người đó vẫn chỉ là một người hành khất trong cuộc đời này.

Ngay cả khi những người đang sở hữu sự giàu có và thừa thãi về vật chất, họ vẫn luôn đi tìm những mảnh vụn của những lạc thú nhất thời, sự thỏa mãn của bản thân để muốn chứng minh cho mình một giá trị, một cảm giác khẳng định. Họ không hề biết rằng họ vốn đã và đang sở hữu một kho báu ở bên trong. Gia tài vô giá ấy còn to lớn và ý nghĩa hơn bất kỳ những gì mà thế giới này có thể mang đến cho họ.

Thực ra khi sống thì phải vật lộn vì miếng cơm manh áo, nhưng mỗi khi say thì hãy nhủ lòng mình, chúng ta còn cầu mong gì nữa khi một cơn lũ quét, một trận bão giông, một cơn sóng thần, một chiến tranh giặc giã, một cơn địa chấn.....?