LÒNG TIN

Một học trò bảo với thầy giáo là không tin thầy nữa vì thầy nói dối.

Thầy hoảng quá hỏi:

- Nói dối cái gì?

Học trò đáp:

- Hôm qua thầy bảo bốn cộng với năm là chín, bây giờ thầy lại bảo ba cộng với sáu là chín.

Chuyện này vui ngộ nghĩnh, vô hại, nó chẳng thuộc về đạo đức. Nhưng chuyện sau đây thì khác:

Một kẻ đến phố Trần Nhân Tông hỏi mua chiếc quần Âu. Người bán hàng bảo giá trăm rưỡi. Kẻ mua mặc cả sáu chục rồi bảy chục rồi tám chục, đến tám chục thì chủ hàng đồng ý bán. Kẻ mua giật mình tưởng bị hớ bèn kiếm cớ đi có việc tý nữa quay lại sau đó biến mất tăm. Chủ hàng làu bàu chửi, sư nó, cả cái quần gần trăm chỉ lãi được có tám nghìn bạc mà còn chắc lé.

Vâng, kẻ mua không tin vào người bán. Còn kẻ bán không có lòng tin vào người mua cũng khá nhiều:

Tới cửa hàng hỏi mua một cái tủ lạnh, sau khi xem xét, mặc cả giá xong người mua cho số nhà, số điện thoại để chở hàng đến rồi sẽ thanh toán, ấy vậy mà chủ hàng vẫn ngọt nhạt xin đặt trước một khoản tiền. Lạ lùng chưa kìa, người ta có địa chỉ hẳn hoi, có nhu cầu hẳn hoi mà vẫn không tin. Với lại cái tủ lạnh nó bằng sắt thép, nó to tổ bố ra đấy, có phải như chiếc bánh ngọt đâu mà bảo nuốt vào bụng rồi chối.

Lòng tin như đồ trang sức quý hiếm ai ai cũng muốn có vì thế trong ngôn ngữ giao tiếp hiện nay phần lớn người ta đều đem trưng nó ra. Sau mỗi thông tin thường kèm theo những câu đại loại: em nói thật đấy, em thề, thú thực là, thật một trăm phần trăm… Nếu đã nói như thế rồi mà nghe chừng kẻ kia vẫn không tin thì lập tức sử dụng chiêu thề bồi. Tất cả những gì hữu hình hay siêu hình đều có thể biến thành đối tượng để thề bồi, từ trời đất đến ông bà ông vải, từ vợ con cho đến sinh mạng chính mình. Cái kho ngôn ngữ thề bồi chưa khi nào phong phú, mạnh mẽ như thời này. Thế nhưng lòng tin chỉ chấp nhận hiện diện cùng với sự trung thực mà thôi.

Trong xã hội hiện đại khi lợi nhuận được đặt lên cao nhất thì lòng tin bị xói mòn nghiêm trọng. Giờ đi đâu ở đâu thì cũng thấy những hệ thống báo động, thấy camêra, thấy bảo vệ, thấy một người bán chục người canh, thấy trong ví anh nào chị nào cũng có vài tờ giấy cam kết, vài tờ giấy biên nhận. Tất cả những cái kia đều cần thiết, đều đúng nhưng dùng cảm tính mà ngẫm thì thấy nó cứ thế nào ấy. Chả lẽ con người đã mất hết lòng tin với nhau hay sao?

Cái bệnh nghi ngờ lan vào đủ các ngõ ngách, ở công sở, ở hàng ăn, ở nơi vui chơi hội hè. Kẻ đi xin việc nghi kẻ tuyển việc lừa mình, biên tập viên nghi bản thảo nhà văn gài cái gì đấy nguy hiểm cho cơm áo của mình, trong phòng làm việc thấy hai người thì thầm lập tức nghi họ nói xấu mình, thấy có mùi khác lạ trên áo vợ chồng nghi lẫn nhau, cấp phó nghi cấp trưởng không tiến cử mình, cấp trưởng nghi cấp phó hạ bệ mình…

Khi chúng ta gửi cho đời một niềm tin thì đời sẽ gửi lại cho chúng ta một niềm tin. Cuộc đời sẽ mầu nhiệm biết bao nhiêu nếu ai nấy đều nhìn nhau bằng ánh mắt tin tưởng, ai cũng có khả năng thấy được cái hay cái đẹp của nhau dù nó đang hiện hữu hay đang lẩn khuất ở dạng này dạng khác. Niềm tin luôn dẫn tới tình thương và nuôi dưỡng cho cây tình thương trổ hoa kết trái.

Thương yêu mà thiếu tin tưởng nhau, lúc nào cũng sợ người kia sẽ phản bội hay gây tổn hại cho mình thì không còn là thương yêu nữa. Người kia dù có tuyệt vời như thế nào thì cũng sẽ bị thiêu rụi bởi năng lượng thiếu tin tưởng của ta. Cho nên chúng ta hãy luôn tự hỏi mình có đủ đức tin nơi người mình thương chưa, chứ đừng quá lo lắng họ có xứng đáng với mình hay không. Người kia chưa xứng đáng có thể là do niềm tin mà chúng ta dành cho họ còn quá yếu ớt. Người ta không thể sống hay hơn khi những người sống chung quanh mình không xem mình là một đối tượng đáng tin cậy.
(Cát Bụi) Phù Du