Xóm tôi ở có chú láng giềng nuôi được
con chim sáo, lột lưỡi cho nó biết nói. Lũ trẻ chung quanh mỗi ngày đến chọc ghẹo,
rồi dạy nó làm sao mà rốt cuộc câu nó nói thường xuyên nhất là: “Mầy khùng hả?
Mầy khùng hả?”. Cả xóm thích thú, càng thêm chọc ghẹo cho nó nổi sùng lên mà
véo von như thế.
Bạn tôi lại có một con
két cũng biết nói y vậy, nhưng mở miệng ra là chửi thề khiến ai nấy hoảng hồn
không dám đến gần.
Bạn lắc đầu: “Mình đi làm, treo lồng chim trong hàng rào, mấy
đứa chung quanh tới xem rồi dạy chim vậy đó. Thiệt khổ! Giờ sửa lại rất khó!”.
Quả thật, mấy con sáo két khi đã nhập tâm câu nói nào thì gần như nó gắn chặt với
câu ấy, sửa lại vô cùng gian nan, mà hầu hết là chẳng sửa được.
Hôm tôi đi Đà Nẵng, ghé
một ngôi chùa nhỏ, ấn tượng vô cùng. Chùa có vị sư già nuôi một bầy chim thú
như một cái duyên dễ thương. Một con chó bị người ta đem đi giết vì nó hay nổi
khùng cắn người lung tung, thầy bắt gặp trên đường bèn xin nó, người ta cho ngay.
Lạ kỳ, đem về chùa là nó hiền như đất, thầy cho ăn chay cũng chịu ăn, không hề
đòi thịt cá. Hai con gà trống cũng có duyên gặp thầy trên đường khi người ta
đem đi làm thịt, thầy bỏ tiền chuộc mạng. Về chùa, hai chú ngoan ngoãn lạ lùng,
tối tối vô chánh điện đứng yên nghe thầy tụng kinh, rồi khi thầy lên giường chuẩn
bị ngủ là hai chú nhảy tót lên bụng “sư phụ” dụi dụi như đứa trẻ nhõng nhẽo với
cha. Và những con cá lượn lờ trong ao sen cũng do người ta phóng sanh đem đến…
Nhưng thú vị nhất chính là con chim sáo
màu đen thầy nuôi trong lồng. Chiều ấy tôi đang ngồi nói chuyện với thầy thì bỗng
nghe một giọng khàn khàn cất lên:
“Chú Quang ơi, chú Quang! Chú Quang ơi, chú
Quang! Mô Phật! Mô Phật! Mô Phật!”.
Tiếp theo là tiếng ho khục khặc của một
người già. Tôi nhìn quanh quất, chẳng thấy ai. Thầy cười chỉ vô cái lồng. Trời,
thì ra tiếng của con chim sáo! Tôi bước tới gần…
Nó lại cất tiếng:
“Mô Phật! Mô Phật! Mô
Phật!”. Nó niệm Phật liên hồi kỳ trận. Niệm tới mệt thì kêu:
“Chú Quang ơi, chú
Quang! Chú Quang ơi, chú Quang!”.
Tôi không nhịn nổi, phá lên cười một trận. Mấy
cô Phật tử trong chùa cũng cười và nói:
“Người chủ của nó bận rộn quá nên chán
nuôi, xách luôn cái lồng vô cho thầy mặc tình “xử lý”. Thầy dạy nó niệm Phật
đó. Còn cái câu gọi chú Quang là nó bắt chước thầy kêu chú tiểu trong chùa mỗi
khi có việc cần.
Cô nghe kỹ, có phải giống giọng thầy hay
không?”. Ờ, giống thiệt. Nhất là cái giọng ho của người già. Nó mà ho gì, nó bắt
chước thầy đó. Mấy cô Phật tử thuyết minh cho tôi. Tôi thích quá, lại gần khều
nó nữa cho nó niệm Phật mà nghe. Tiếng niệm Phật đều đặn cứ vang lên ấm áp cả
ngôi chùa.
Từ chuyện chim, tôi bỗng ngộ ra chuyện
người. Khu xóm tôi ở có nhiều đứa trẻ sinh ra trong những gia đình mà cha mẹ
thường xuyên cãi cọ, chửi thề, đánh bạc, tôi thấy chúng lớn lên y chang không hề
sai khác. Cũng chửi thề, đánh bạc, chửi nhau. Còn những đứa con của gia đình Phật
tử thì biết ăn chay, lạy Phật, tối tối theo mẹ tụng kinh, miệng thuộc kinh, thuộc
chú, thân ngay ngắn chỉnh tề, dễ thương vô cùng. Nghe các em đọc tụng, biết là
đã huân tập chủng tử thiện lành, hy vọng có sức đề kháng với cái xấu vây quanh.
Đứa nhỏ như con chim kia, một khi đã gắn
với tiếng niệm Phật thì nó sẽ không gắn với tiếng chửi thề, nói tục. Cha mẹ dạy
con thì phải dạy cho sớm, đừng đợi khi nó tập nhiễm rồi thì khó mà sửa đổi.
Cũng đừng lơ là với những nhân tố chung quanh, biết đâu khi mình chưa kịp dạy
nó thì hàng xóm, bạn bè đã “dạy” nó mất rồi, mình trở tay không kịp. Gần mực
thì đen, cho nên gia đình và cha mẹ phải là thành lũy kiên cố, phải dạy con thật
sớm trước khi nó tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Gia đình là cái nôi đầu tiên, trường học
đầu tiên, cha mẹ không thể giao khoán hoặc đổ thừa cho nhà trường, xã hội. Nếu
mình có chuẩn bị kỹ càng cho con mình, thì khi ra môi trường xã hội bên ngoài nếu
có tập nhiễm thì chỉ một phần mà thôi, vẫn còn lại cái nền tảng cơ bản, cái dây
neo vững chắc cho đời của nó.
Cánh chim non sẽ bay khỏi bàn tay cha mẹ,
nhưng là cánh chim đã được đào luyện, bớt sợ giông bão cuộc đời, bớt sợ nghiệp
chướng trùng trùng vây hãm…
Diệu Kim