Đi
hết vùng đá vôi hoang dã, chúng tôi tới một thung lũng mát mẻ, xanh tươi, đó là
thung lũng sông Đoocđônnhơ. Chúng tôi ghé lại đây nhiều ngày liền. vì đất phì
nhiêu và dân phong phú. Chúng tôi diễn trò liên tiếp và với cái bát con, Capi
cũng thu được nhiều tiền.
Một
cái cầu lửng lơ trên không như treo bởi những sợi dây của Thánh Mẫu, nằm ngang
trên con sông, nước chảy lửng lơ, đó là cầu Cupdăc và sông Đoocđônnhơ.
Một
thành phố hoang tàn với những hầm, những hố , những tháp và những bức tường đổ
nát của một tu viện ở giữa, có cây cối mọc um tùm và tiếng ve kêu ra rả. Đó là
thành phố Thánh Emiliông.
Tất
cả những cảnh tượng hỗn độn đó lu mờ trong óc tôi, duy có cảnh trí sau này hiện
rõ rệt trong trí nhớ đến ngày nay.
Chúng
tôi lưu lại một đêm trong làng nhỏ. Sáng hôm sau chúng tôi đến một khoảng mênh
mông, phong cảnh hiện ra trước mắt như một bức tranh.
Một
con sông lượn quanh trái đồi mà chúng tôi vừa đến. Bên bờ sông, nổi lên san sát
những mái nhà; những tháp chuông của một thành phố vươn mãi tận chân trời. Biết
cơ man nào là nhà! Cơ man nào là ống khói! Một vài ống khói ngất nghểu như những
cái cột cao vượt hẳn lên, nhả ra những cuộn khói đen, tỏa theo chiều gió, rồi
tan ra thành một đám sương mù mờ trên thành phố. Dưới sông, thuyền đậu chen
chúc bên nhau. Những cột buồm, dây buồm, cánh buồm đâm lên chi chít như đám cây
rừng, trong đó những sắc cờ phần phật bay ngang. Người ta nghe thấy những tiếng
ù ù, tiếng sắt, tiếng nồi súp-de, tiếng búa, thêm vào đó có cả tiếng xe cộ chạy
ầm ầm trên bến nữa. Ông Vitali bảo tôi:
-
Thành phố Boocđô đấy!
Đối
với những đứa trẻ như tôi, từ bé đến giờ chỉ được trông thấy những xóm làng
nghèo khổ ở vùng Crơdơ, hơn chút nữa là những tỉnh nhỏ tình cờ được trông thấy
khi đi đường, thì thành phố này là một cảnh tiên.
Không
nghĩ ngợi gì, tôi đứng ngay lại, yên lặng nhìn đằng trước tôi, chỗ gần, chỗ xa
và khắp cả xung quanh tôi. Song, mắt tôi chăm chú vào một điểm: khúc sông có
tàu thuyền đậu. Thực vậy, chỗ đó có một hoạt động tưng bừng mà tôi chưa nhìn thấy
bao giờ.
Có
những chiếc tàu, căng cánh buồm, nghiêng mình chạy xuôi, những chiếc khác, chạy
ngược dòng, chậm hơn. Cũng có chiếc đứng như những hòn đảo. Cũng có chiếc quay
tròn như cánh chong chóng. Sau cùng, cũng có những chiếc không cột, không buồm,
nhưng có một cái ống nhả từng cuộn khói đen lên trời, chạy ngang, chạy dọc rất
nhanh, rẽ làn nước vàng và để lại ở đằng sau luồng bọt trắng xóa.
Thấy
tôi ngơ ngác, thầy Vitali giảng nghĩa cho tôi:
-
Đến giờ nước triều lên, những tàu này mới ở biển vào. Chúng đã đi xa và đi lâu
nên nước sơn đã bạc, và vỏ ngoài đã gỉ. Những chiếc kia vừa rời bến. Còn những
chiếc đang quay ở giữa sông là chúng xoay quanh neo để hướng mũi tàu về phía ngọn
nước đang lên. Còn những chiếc đang chạy hiên ngang trong đám khói đen kia là
những chiếc tàu kéo.
Tôi
được nghe bao nhiêu tên lạ và trông thấy bao nhiêu điều mới! Khi chúng tôi đi đến
chiếc cầu nối liền Baxti với Boocđô thì thầy Vitali không có đủ thì giờ để trả
lời lấy một phần trăm câu hỏi tôi muốn hỏi. Từ trước đến giờ, không bao giờ chúng
tôi nghỉ lâu ở những tỉnh đã đi qua vì chúng tôi ít trò quá, phải đi mỗi ngày một
nơi để diễn thì mới có khách xem. Với những kịch sĩ như trong gánh xiếc trứ
danh của đoàn Vitali, chương trình khó lòng mà biến hóa cho nhiều. Vì thế khi
chúng tôi đã diễn xong "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ", "Cái chết
của đại tướng", "Sự đắc thắng của người chính trực", "Liều
thuốc tẩy", và ba bốn vở nữa coi như là hết. Khán giả xem đủ và cho là đủ
rồi. Phải đem "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" hay "Liều thuốc tẩy"
đến một nơi khác mà công chúng chưa được xem.
Nhưng
thành Boocđô là một đô thị lớn, khán giả thay đổi luôn luôn. Chúng tôi chỉ luân
chuyển đi các phố là có thể diễn ba suất mỗi ngày. Công chúng không đến nỗi kêu
như ở Caho: Cứ mãi một trò!
Ở
Boocđô được ít lâu, chúng tôi lại phải đi tỉnh Pô. Từ ngoại thành Boocđô đến
dãy núi Pyrênê, chúng tôi phải qua một bãi sa mạc người ta thường gọi là
Lăngđơ.
Tôi
tuy không phải là con chuột nhắt nói trong ngụ ngôn, trông thấy cái gì cũng lạ,
cũng hay và cũng sợ, nhưng trong đoạn đầu cuộc hành trình trên sa mạc, tôi bị mỗi
cái nhầm to khiến thầy tôi cười mãi và chế nhạo mãi đến tỉnh Pô mới thôi.
Rời
Boocđô được bảy tám ngày, sau khi theo bờ sông Garon đến Lănggôn thì chúng tôi
sẽ sang đường đi Môngmacsăng. Không còn vườn nho, không còn đồng cỏ, không còn
vườn quả nữa. Chỉ toàn rừng thông và bụi rậm. Những nhà dân mỗi ngày một tồi
tàn hơn. Rồi chúng tôi đi qua một vùng đồng không mông quạnh, mặt đất mấp mô và
bát ngát đến chân trời. Không có chỗ nào cày cấy, không có rừng, xa xa toàn đất
xám. Gần chúng tôi, hai bên đường rêu phủ, lác đác có những bụi gai khô và những
cây kim tước cằn cỗi. Thầy Vitali bảo tôi:
-
Chúng ta đang ở bãi Lăngđơ đấy. Còn phải đi trong sa mạc này từ hai mươi đến
hai lăm dặm nữa. Con phải dồn hết can đảm vào hai chân con đấy.
Tôi
nghĩ không những phải dồn hết can đảm vào hai chân, mà còn phải để vào óc và
tim nữa, vì đi trên con đường hình như vô tận này, tôi cảm thấy một nỗi buồn
khó có thể xua tan được.
Sau
này, tôi đã nhiều lần đi biển. Mỗi khi tôi ở giữa biển khơi mà không trông thấy
bóng một cánh buồm nào là lòng tôi lại thấy phảng phất một nỗi buồn khôn tả như
nỗi buồn mà tôi cảm thấy trong bãi sa mạc này. Khác nào như ở trên biển cả,
chúng tôi đưa mắt nhìn khắp bốn phương, cho tới chân trời chìm đắm trong màn
sương mù chẳng thấy gì cả, chỉ thấy màu đất xám mênh mông, hiu quạnh ở trước mặt
chúng tôi.
Chúng
tôi cứ tiến. Lắm lúc, ngước mắt nhìn chung quanh, tôi tưởng chừng như vẫn giậm
chân nguyên một chỗ, không tiến được bước nào, vì cảnh tượng cứ y nguyên: vẫn bụi
gai, vẫn khóm kim tước, vẫn đám rêu và vẫn những cỏ dương, lá rậm và mềm, nhấp
nhô theo làn gió như những lớp sóng gợn.
Từng
quãng rất xa mới lại thấy những khu rừng nhỏ. Nhưng những khu rừng này cũng chẳng
làm phong cảnh thêm vui mắt như ở các chỗ khác. Rừng toàn là những cây thông chặt
hết cành. Khắp thân đều mang vết chém sâu. Ở những vết thương đó chảy ra những
giọt nhựa bám vào cỏ cây như những giọt lệ trắng kết tinh. Khi những cơn gió to
thổi qua rừng, một âm thanh rên rỉ phát ra khiến ta tưởng tượng như nghe thấy
tiếng của những thân cây khốn nạn kia đang than khóc phận mình.
Thầy
Vitali bảo tôi đến chiều hôm đó thì tới một làng mà chúng tôi có thể nghỉ chân
được. Nhưng chiều đến, chúng tôi chẳng nhìn thấy dấu hiệu gì tỏ ra là đã đến gần
làng đó. Không có đồng ruộng hoa màu, không có trâu bò ăn cỏ, mà ở xa cũng chẳng
thấy một đám khói xanh nào chứng tỏ nơi đó có dân cư.
Từ
sáng sớm, tôi đã thấy mệt rồi. Đến bây giờ thì thân thể đau như dần. Thế mà đi
mãi vẫn không thấy cái làng hạnh phúc đó nổi lên ở đầu con đường bất tận này.
Tôi
cố giương mắt nhìn xa, vẫn chỉ trông thấy toàn bãi hoang là bãi hoang. Những bụi
cây hỗn loạn chìm dần vào trong bóng tối mỗi lúc một dày thêm.
Tưởng
rằng sắp tới nơi nên ai nấy đều rảo bước. Thầy tôi vốn quen đi đường trường,
cũng thấy mệt rồi. Thầy tôi bảo dừng lại và nghỉ một lúc ở bên vệ đường.
Đáng
lẽ phải ngồi bên thầy tôi, tôi lại muốn leo lên trái đồi kim tước gần đó, xem
quanh đấy có ánh đèn, lửa của một làng mạc nào không.
Tôi
gọi Capi cùng đi với tôi. Nhưng nó cũng nhọc và giả điếc. Đó là cái mánh lới vẫn
quen áp dụng với tôi mỗi khi nó không thích nghe lời tôi. Thầy Vitali hỏi:
-
Con sợ à?
Câu
đó làm tôi không rủ Capi nữa, mà nhất quyết đi khám phá một mình. Nghĩ đến câu
nói của thầy tôi, tôi trở nên mạnh dạn. Tuy nhiên, đêm tối, không trăng, chỉ có
những ngôi sao lấp lánh trên trời tỏa sáng yếu ớt xuống vùng không khí ít nhiều
hơi mù mỏng nhẹ.
Tôi
vừa đi vừa nhìn hai bên. Tôi nhận thấy lúc chạng vạng này làm cho mọi vật có một
hình dáng kỳ lạ. Phải nhìn mãi mới đoán ra được đây là bụi rậm, là khóm kim tước
và đằng xa kia là mấy cây nhỏ, thân cong queo, cành vặn vẹo. Xa hơn nữa, những
bụi cỏ, những khóm cây trông giống những loài vật thuộc một thế giới huyền ảo.
Thật
kỳ lạ. Trong bóng tối lờ mờ, cánh đồng biến dạng hẳn, hình như chứa đầy những
quái vật hiện hình.
Tôi
nghĩ một người khác vào địa vị tôi có lẽ phải khiếp sợ trước những hình thù kỳ
quái đó. Điều đó có thể xảy ra được, vì thầy Vitali chẳng đã hỏi tôi rằng
"con sợ" à? Tuy nhiên, tôi tự hỏi mình và tôi không hề sợ sệt chút
nào.
Tôi
càng leo lên đồi thì những cây kim tước càng to dần ra, những bụi rậm cao hơn
lên. Những ngọn cây nhiều chỗ vượt khỏi đầu tôi và lắm lúc tôi phải chui dưới
cành lá.
Chẳng
mấy lúc tôi đã lên tới ngọn đồi. Tôi nhìn chung quanh, chả thấy tí ánh lửa nào.
Tôi nhìn sâu vào trong bóng tối, chỉ thấy những hình mập mờ, những bóng đen kỳ
dị, những cây lim tước giơ cành ra như những cánh tay vớ lấy tôi, những bụi rậm
nhảy nhót chung quanh tôi. Không nhìn thấy gì tỏ ra là có nhà nào ở gần đó, tôi
cố lắng tai nghe xem có tiếng động gì không: tiếng bò kêu, tiếng chó sủa chẳng
hạn.
Tôi
đứng im một lúc, nín thở để nghe cho rõ hơn, chợt tôi sởn người, cảnh vắng lặng
của cánh đồng làm cho tôi hoảng hốt: Tôi sợ. Sợ gì? Tôi cũng không hiểu. Có lẽ
sợ sự yên lặng, sợ sự vắng vẻ và sợ đêm tối chăng? Dù sao, tôi cảm thấy hình
như có một sự nguy hiểm gì sắp đến nơi.
Giữa
lúc tôi hoang mang nhìn xung quanh, thì thấy một bóng đen cao lớn đang cử động
trên ngọn những cây kim tước, đồng thời tôi nghe thấy tiếng sột soạt trong đám
lá cây.
Tôi
cố trấn tĩnh cho rằng vì tôi sợ quá thành ra hoảng hốt, cái bóng đen kia có lẽ
là một cây to mà lúc trước tôi chưa nhìn thấy.
Nhưng
tiếng sột soạt kia ở đâu ra? Lúc đó không có một tý gió nào. Những cành cây dù
nhẹ đến đâu cũng không thể tự cử động được, phải có gió thổi hoặc có ai lay thì
chúng mới lay động.
Có
người chăng? Nhưng không, không thể là người được, cái thân hình to đen đang tiến
đến phía tôi. Có lẽ là một con vật mà tôi chưa trông thấy bao giờ, hay một con
chim khổng lồ đi ăn đêm, hay một con nhẹn rừng có bốn chân, lêu đêu đó đang lều
khều bước trên các bụi rậm dưới ánh xanh lợt của trời sao. Có điều chắc chắn là
con vật đó chân rất dài và đang bước gấp rút đến chỗ tôi.
Đích
thị là nó trông thấy tôi và đang đuổi tôi. Nghĩ thế, tôi liền quay lại, cắm cổ
chạy xuống sườn đồi về chỗ thầy Vitali.
Nhưng
lạ quá! Tôi thấy tôi xuống chậm quá không bằng lúc leo lên. Tôi vướng chân ngã
dúi dụi vào các bụi cây. Gỡ được ra, tôi nhìn lại đằng sau, con vật đã đến gần,
nó sắp theo kịp tôi.
May
sao, tôi đã xuống chân đồi, hết bụi rậm, đường lại phẳng, nên tôi chạy băng
băng trên ngọn cỏ.
Tôi
chạy đã nhanh, con vật còn bước nhanh hơn. Tôi không cần ngoảnh lại cũng biết
con vật đã đến sau lưng tôi. Tôi không thở được nữa và tối cả mặt mũi lại. Tôi
chạy đến chân thầy tôi và ngã lăn ra. Ba con chó giật mình tỉnh dậy sủa rầm
lên. Tôi chỉ nói được hai tiếng:
-
Con vật! Con vật!
Tôi
nghe thấy tiếng cười lớn phát ra trong những tiếng chó sủa. Đồng thời, thầy vỗ
vai tôi, bắt tôi quay mặt lại và bảo:
-
Con vật vẫn là con đấy. Con hãy nhìn lại một tý. Có dám nhìn không?
Tiếng
cười, nhất là lời nói của thầy đã làm tôi vững dạ. Tôi dám mở to mắt và nhìn
phía tay ông chỉ.
Con
quái vật đuổi tôi bây giờ cũng dừng lại. Nó đứng im trên đường cái. Tôi xin thú
thực, vẫn còn run và kinh. Nhưng có thầy tôi đây, lại có đàn chó nữa, nên tôi
trấn tĩnh lại, tôi nhìn kỹ hình thù đó.
-
Có phải con vật không? Có phải con người không?
Giống
người vì nó có mình, có đầu và hai cánh tay. Giống con vật vì da nó có lông lá
và nó có hai cái cẳng chân dài khẳng kheo, đến hai, ba mét.
Mặc
dầu trời tối đen, tôi cũng nhận rõ những chi tiết đó vì cái bóng đen của con
quái vật "hằn" rõ trên nền trời lờ mờ ánh sao.
Tôi
đang nghĩ phân vân không biết đó là vật hay người, thì thầy tôi cất tiếng hỏi
bóng đen đó:
-
Có làng xóm nào gần đây không? Chỉ giúp chúng tôi!
Đó
là người à? Vì thầy tôi đang nói với nó.
Một
tiếng cười the thé như tiếng chim đáp lại.
Đó
là giống vật à?
Thế
mà thầy tôi cứ cố hỏi, tôi thấy là cả một sự vô lý, vì ai chẳng biết rằng dù giống
vật đôi khi có thể hiểu ta nói gì, nhưng nó có nói được bao giờ mà ta hỏi. Tôi
rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy con vật đó trả lời rằng chung quanh đây không có
nhà cửa gì, chỉ có cái trại chăn cừu, nếu muốn đi thì nó đưa đến.
Nó
nói được, sao nó lại có cái cẳng dài?
Nếu
tôi bạo gan, thì tôi đã đến gần sờ xem hai cái chân nó thế nào. Nhưng dù nó
không có vẻ gì là dữ tợn, tôi cũng không có can đảm làm thế. Tôi đành nhặt túi
xách và yên lặng đi theo thầy tôi, không nói gì. Thầy tôi hỏi tôi:
-
Con đã nhìn rõ con quái vật nó làm con sợ hết hồn chưa?
-
Con nhìn rõ rồi. Nhưng con không hiểu. Thế ra ở vùng này có những người khổng lồ
à?
-
Phải khi họ đo cà kheo.
Rồi
thầy tôi cắt nghĩa cho tôi nghe. Những dân miền Lăngđơ muốn qua được bãi cát
hay bãi lầy thường dùng cà kheo để đi cho khỏi tụt chân xuống cát, xuống bùn,
những đôi cà kheo là những cái gậy dài bên trên có bàn guốc để xỏ và buộc chân
vào.
Vì
thế, họ thành những người khổng lồ với những đôi hài bảy dặm trước con mắt những
trẻ em hay sợ hão huyền.
xem tiếp: * Chương 10 - Trước Cửa Công
xem tiếp: * Chương 10 - Trước Cửa Công
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...