LONG, LÂN, QUY, PHỤNG LINH VẬT TƯỢNG TRƯNG CHO ĐIỀU TỐT LÀNH

Thời xưa ở Trung Quốc, Kì lân, Phượng hoàng, Rùa và Rồng được gọi chung là "tứ linh" (bốn giống vật linh thiêng). Truyền thuyết nói rằng: "Kì lân tín nghĩa, Phượng hoàng trị loạn, Rùa báo điềm lành, còn Rồng có phép biến hoá".

Nói vậy cũng có nghĩa Kì lân là biểu tượng của đức hạnh đôn hậu, tượng trưng cho đời thịnh trị thái bình; Phượng hoàng giữ gìn cuộc sống bình yên; Rồng có thể hô phong hoán vũ nên tượng trưng cho quyền lực và sự tôn nghiêm; Rùa biết trước tương lai, và cũng là con vật tượng trưng cho sự trường thọ.

Vì thế bốn loài này được coi là những con vật tiêu biểu cho sự tốt lành. Nhưng trong số đó chỉ Rùa là có thực, còn lại đều là những con vật thần thoại hoặc nói cách khác là những hình tượng nghệ thuật do con người sáng tạo ra.

Kì lân trong truyền thuyết thân giống hươu, đầu mọc một sừng duy nhất, có vẩy như cá, đuôi như đuôi trâu, tính ôn hòa, thuần nhã, độ lượng cho nên được coi là loài thú nhân hậu, có đức hạnh. Các bậc đế vương Trung Quốc mọi thời đại đều coi Kì lân là điềm tốt lành kì lạ của đất nước, còn trong dân gian thì có truyền thuyết Kì lân tống tử

Thời cổ đại xa xưa Rồng và Phượng hoàng được sùng bái, coi là thủy tổ tượng trưng của nhiều bộ lạc và được thờ cúng.

Rồng là tôtem (vật tổ) của dân tộc Hoa Hạ ở miền Tây Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Rồng có chín bộ phận trên cơ thể giống các loài vật khác là sừng hươu, đầu và cổ rắn, mắt tôm, tai bò, bụng ngôi mộ tổ giống loài sò hến, vẩy cá chép, vuốt chim ưng và bàn chân hổ.

Phượng là tên gọi tắt của chim thần phượng hoàng, là tôtem của hàng loạt bộ lạc cư trú ở miền Đông Trung Quốc. Theo truyền thuyết, chim Phượng cao sáu thước, đầu gà, cổ rắn, hàm yến, lưng hổ và có năm sắc.
Về sau vua chúa phong kiến coi Rồng là biểu tượng cho quyền lực và sự tôn nghiêm của mình. Long bào (áo rồng) và phượng quán (mũ phượng) trở thành những vật dụng chỉ dành riêng cho vua và hoàng hậu.

Còn trong dân gian, Rồng và Phượng là biểu tượng của sự tốt lành, vì thế mà có câu "Long Phượng trình tường" (Rồng Phượng báo điềm lành).

Trong tứ linh, Rùa là con vật có thật. Rùa giỏi chịu đựng đói và khát có sức sống cực kì mạnh mẽ nên tượng trưng cho sự trường thọ; lại vì được cho là linh thiêng biết trước điều may rủi nên Rùa còn được coi là con vật trung gian giữa người và thần linh.

LIÊU KIỆN HOA