
Sinh vào nhà cha mẹ là ai, hoàn cảnh như
thế nào… là điều mà ta không thể tự quyết được, tất cả đều do nghiệp duyên quá
khứ của mình dẫn dắt.
Rồi khi lớn lên, trong
cuộc chạy đua tìm kiếm mưu sinh đầy biến động thì không phải ai cũng đi đến
thành công. Người được gia đình hỗ trợ bước đầu về nhiều phương diện thì cũng đỡ
vất vả nhưng không lấy gì đảm bảo là họ sẽ làm ăn thành đạt. Lại có không ít
người khởi nghiệp từ chút vốn cỏn con hoặc thậm chí là hai bàn tay trắng, đơn
thương độc mã nhưng lần hồi đã gặt hái thành quả giàu sang. Khi đứng trước thềm
vinh quang, khá nhiều người nghĩ rằng nhờ mình thông minh tài trí hơn người.
Suy nghĩ như vậy không sai nhưng cạn cợt, thấy bề nổi mà chưa thấy hết bề sâu.
Bởi người tài trí như mình ở trên đời không phải là hiếm, lại “có tài mà cậy
chi tài”, tài trí thì đã đành nhưng phải có phước nữa mới hội đủ duyên để thành
đạt.
Mọi phước đức giàu sang đều do bố thí,
san sẻ với mọi người mà nên. Ngược lại, nghèo hèn do vì xan tham, keo lẫn chỉ
lo cho riêng mình mà phải gánh chịu. Đức Phật đã dạy về nhân duyên sâu xa của
giàu sang và nghèo hèn như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà,
vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp này khiến người bần tiện
chẳng được tài sản. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người khác bố thí, liền cấm
chế; lại tự mình chẳng chịu bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến
người bần tiện không có tài bảo. Này các Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người
phú quý. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người cho người khác vật, liền hoan
hỷ trợ giúp; tự mình cũng thích bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp khiến
người phú quý. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học bố thí, chớ có tâm tham!
- Có hai pháp khiến người sanh trong nhà
bần tiện. Thế nào là hai pháp? Chẳng hiếu đễ với cha mẹ, các bậc sư trưởng,
cũng không thừa sự người hơn mình. Ðó là, này các Tỳ-kheo, có hai pháp này, khiến
người sanh trong nhà bần tiện. Này các Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người
sanh trong nhà hào tộc. Thế nào là hai pháp? Cung kính cha mẹ, anh em, tông tộc,
đem của cải nhà mình bố thí. Ðó là, này các Tỳ-kheo, có hai pháp này sanh trong
nhà hào tộc. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong,
vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến
thỉnh,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.308)
Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ, nếu tự thân
biết bố thí và hoan hỷ tán trợ hạnh bố thí của người khác chính là tác nhân chủ
yếu để hưởng phước phú quý, giàu sang. Ngược lại, nếu mình không biết bố thí, tệ
hại hơn còn ngăn cản người khác bố thí, thì chắc chắn sẽ chịu quả báo nghèo
hèn, bần tiện. Nên trong quá trình làm ăn mà liên tục gặp thất bại, thậm chí
vương phải nợ nần thì ngoài các lý do khách quan, hãy tự trách mình quá khứ
không bố thí. Muốn khá lên thì cần vun bồi phước đức bằng cách tu hạnh thí xả.
Giả như hiện tại không có tài vật nào đáng để cho thì hãy tùy hỷ thí – trợ giúp
và hân hoan ca ngợi hạnh bố thí của người khác – may ra mới tích lũy được phước
phần.
Mặt khác, song hành với bố thí thì “cung
kính cha mẹ, anh em, tông tộc” chính là những tác nhân của phước báo sanh vào
nhà hào tộc, có uy danh và thế lực lớn trong xã hội. Cho nên, những người con
Phật chân chính hãy tự mình thực hiện hai hạnh lành bố thí và hiếu thuận, hướng
dẫn cho con cháu cũng như những người xung quanh thực hành hai hạnh lành cao
thượng này. Ai làm được như thế thì chắc chắn về sau sẽ được phước báo sanh vào
nhà tôn quý, lớn lên gặt hái nhiều thành công phú quý, giàu sang.
Thích
Quảng Tánh