ĐI XE NHỚ...GẠC CHÂN CHỐNG !

Bác ơi gạc chống lên! gạc chống xe lên em ơi! con ơi, anh ơi… cũng có khi gấp quá chỉ kịp kêu lên “Gạc chống”. Có cái gì đó nuối tiếc buồn buồn khi người lái xe chạy quá nhanh hay vì quá lơ đãng mà không nghe được tiếng nhắc nhở của ai đó bất chợt thốt lên. Có cái gì đó an ổn nhẹ nhàng khi ai đó bớt ga, gác chống, nở vội nụ cười tỏ vẻ cảm ơn người đã nhắc mình rồi phóng xe tiếp trên con đường…

Việc cơm áo gạo tiền làm đầu óc con người luôn căng thẳng nên thường dễ quên nhiều thứ. Việc quên gác chống xe trong đời ai cũng từng bị một lần. Hậu quả của việc lơ đãng này có thể ảnh hưởng đến sinh mạng như chơi khi chống xe quẹt nhằm gò đá hay va vào đường ở những khúc quanh, nguy hiểm hơn khi xe chở nặng, khi có sự va chạm thì xác suất khiến xe mất thăng bằng và ngã xuống đường là rất cao.

"Chân chống" là bộ phận khi cần dừng lại để nghỉ ngơi!

Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng có nhiều cơ hội để dựa dẫm vào những chiếc "chân chống". Ai mà chẳng thích sự tiện lợi? Ở những nước kinh tế phát triển cao thì những việc cỏn con người ta cũng dùng đến "chân chống". "Chân chống" gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng càng dựa vào "chân chống" bao nhiêu thì ta càng đánh mất khả năng vốn có của mình bấy nhiêu.

Nhiều người tìm tới môi trường tâm linh nương tựa sau những thất bại nặng nề do những tranh chấp trong cuộc sống. Họ gửi gắm một phần hay toàn phần tinh thần vào các đấng thiêng liêng như một sự phó thác. Họ tin rằng, là đấng thiêng liêng thì chắc sẽ không làm cho họ thất vọng như con người. Nương nhờ vào những chiếc "chân chống" tâm linh mà bản thân không hề có sự luyện tập và chuyển hóa nào thì đó chắc chắn không phải là thái độ tu tập đúng đắn.

Cuộc đời mỗi người không bao giờ là những cung đường thẳng tắp, mà luôn luôn có những khúc cua, lên dốc xuống dốc, trồi sụp ghồ ghề rất vất vả và cực nhọc. Vì thế, những chiếc "chân chống" là cần thiết để dừng lại nghỉ ngơi. Thế nhưng: "Này, Bác ơi! Nhớ gạc chân chống."