Mân mê trên tay 4 tờ 500 đồng cũ kĩ trên
tay, bà cụ bán vé số đi đi lại lại trước cửa quán cơm xã hội Nụ Cười 1, rồi rụt
rè hỏi những người xung quanh: “Có thật là chỉ 2.000 đồng cho một bữa cơm không
cô?”.
Thấy vậy, một người khách quen của quán
”Cơm trưa 2.000 đồng” (số 6 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM) vừa dắt tay cụ già vào
bàn tiếp viên vừa nói: “Thật đấy cụ ạ, chỉ ngần ấy tiền, cụ có thể vừa ăn no, vừa
thấy sạch lại ngon nữa. Cụ chỉ cần mua phiếu ở bàn này là vào ăn ngay thôi”.
Khách đến ăn ở quán cơm Nụ Cười 1 chủ yếu
là khách nghèo
Không riêng gì cụ già
bán vé số, nhiều khách đi ngang đường nhìn thấy tấm biển “Cơm trưa 2.000 đồng –
ngon, no, sạch” cũng tỏ vẻ lạ lùng. Nhiều người ngần ngại bước tiếp, nhiều người
quyết định vào quán để nếm mùi vị của cơm 2.000 đồng xem có ngon như quán “quảng
cáo” hay không. Đến khi được ngồi vào một chiếc bàn sạch sẽ với những món ăn gà
kho gừng, canh mướp đắng nhồi thịt… thì không ai thắc mắc nữa mà nói: “Ở giữa
Sài Gòn thời buổi này vẫn còn có quán cơm 2.000 đồng để ăn ư!?”.
Chỉ với 2.000 đồng...
Với chú Hồng, 53 tuổi ở Quảng Ngãi làm
nghề bán vé số, được ăn bữa cơm 2.000 đồng giúp chú giảm nhẹ phần nào những lo
toan mà chú đang mang vác trên đường đời. Chú tâm sự: “Ngày trước tiền ít nên
chỉ dám ăn bậy ăn bạ cho qua ngày nên sức khỏe không đảm bảo, đi bộ được một chặp
là hoa mắt chóng mặt. Từ ngày biết quán cơm này, giá vừa rẻ vừa no cái bụng lại
còn dư thêm mấy đồng thêm vào tiền nuôi đứa con đang bị bệnh đao nữa. Tôi vui lắm!”.
Ngồi cạnh ông Hồng là một người đàn ông
mặc chiếc áo cũ mèm. Ông tên Trần Văn Xuân, quê ở Tiền Giang lên đây bán vé số
được 4 tháng nay. “Cứ tưởng lên đây lạ nước lạ cái ai ngờ gặp được quán cơm với
giá bán như cho không thế này, lại còn được cơm bưng cho mình, đối xử như người
nhà…”. Ông vui mừng cho biết thêm, mỗi ngày ông kiếm được chừng hơn một trăm
ngàn, mỗi tháng cũng gửi được về dưới quê gần 1,5 triệu nuôi đứa cháu ngoại ăn
học.
... nhưng vẫn khiến họ no cái bụng và giảm
bớt gánh nặng mà họ đang phải gánh vác trên đường đời.
Lẫn trong các thực khách là một cô gái
chừng gần 30 tuổi ánh mắt đục mờ, đang ngồi ăn chậm rãi đĩa cơm của mình. Hỏi
ra được biết, chị tên Chung, quê ở Củ Chi, TP.HCM. Chưa tròn 2 tuổi, mắt chị đã
mù hẳn. Chị lớn lên trong thế giới của bóng tối và những ngày dài đói cơm rách
áo. Đến năm 25 tuổi chị lập gia đình và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.
Thế nhưng, khi con chưa tròn tháng, chồng chị đã lẳng lặng bỏ đi.
Cảnh nhà khó khăn, chị phải lên Sài Gòn ở
trong khu nhà trọ tồi tàn và vào làm việc tại cơ sở mát xa do Hội Người mù ở Cống
Quỳnh, Q.1 quản lý. Ngày ngày chị phải mò mẫm đi làm bằng xe bus, nuôi con bằng
đồng lương ít ỏi của mình. “Cũng may ở gần chỗ làm có quán cơm 2 ngàn nên mấy
chị em thường rủ nhau ra đây ăn để thêm đồng ra đồng vào, thêm sức để chèo lái
con thuyền gia đình qua cơn bĩ cực”, chị Chung nói.
Những khách hàng đặc biệt
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp ông chủ
quán tốt bụng thì chị Kiều Vân, nhân viên của quán bảo rất khó lòng để gặp được
người đàn ông này. Bởi cho đến nay, không chỉ có quán Nụ cười 1 mà còn có thêm
4 quán Nụ cười khác nằm rải rác ở các quận trên địa bàn TP.HCM nên ông chủ phải
luân phiên chạy đi chạy lại các quán.
Quán cơm đã giúp cô gái mù
này tiết kiệm một khoản chi phí để lo cho gia đình qua cơn bĩ cực.
Kim Vân cho biết thêm, khách
đến với quán không chỉ là những người bán vé số, thợ hồ, người mù… mà còn có cả
những khách hàng “đặc biệt”. Đó là hai thanh niên ăn mặc khá lịch sự, ăn xong đứng
dậy hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một lúc sau, 2 thanh niên bất ngờ quay lại
đưa cho quán 1 triệu đồng gọi là chút quà giúp người nghèo thêm ấm bụng.
Một anh chàng khác, chạc ngoài 30 ăn
xong, chẳng nói chẳng rằng cho người chở thẳng bao gạo đến trước quán rồi đi,
không chịu nói tên tuổi. Hay hai người phụ nữ đã ngoại tứ tuần, sau một lần đến
ăn đã quay trở lại quán mua thêm phiếu nhưng không phải để ăn thêm mà góp cho
quán…
Tình nguyện viên hầu hết là
những sinh viên, nhân viên làm ở những công ty... tuổi đời còn rất trẻ.
Cũng có những người vô tình
đến quán ăn này và trở thành một tình nguyện viên gắn bó của quán. Đó là một cô
gái người Pháp đến học 2 tháng ở Trường Đại học Hoa Sen. “Trong quá trình làm đề
tài từ thiện, nhóm bạn người Việt có dẫn cô gái tới đây để ghi nhận. Sau khi đề
tài hoàn tất, nhóm bạn cô không thấy đến nữa, chỉ có cô quay trở lại quán và
quyết định làm tình nguyện viên để giúp đỡ những người nghèo khiến nhiều người
cảm động. Mỗi tuần, bạn ấy đến giúp quán khoảng 2 ngày”, Vân kể.
Hầu hết các tình nguyện viên đều là sinh
viên, nhân viên của các công ty thường tới quán làm các công việc từ nấu nướng,
bưng bê rửa chén bát đến làm kế toán. Mỗi ngày quán mở cửa từ 11h15 – 12h30 và
trung bình bán được 800 – 900 suất/ngày. Thỉnh thoảng vào một số ngày chẵn
trong tháng, quán cơm Nụ Cười 1 còn đổi từ cơm thành bún bò Huế với giá chỉ
1.000 đồng, gọi là “Ngày Hạnh phúc”.
“Ăn cơm riết cũng ngán, có bún bò đổi
món cho bà con thêm ấm cái bụng”, chú Phan Bình Ái, tình nguyện viên của nhóm
nói.
Thúy Ngà