VẼ GÌ DỄ?

Một anh họa sĩ vẽ hình cho Tề Vương (Vua Tề). Một hôm Tề Vương hỏi anh:

- Nhà ngươi vẽ cái gì khó nhất?

- Thưa bệ hạ, vẽ chó, ngựa là khó nhất.

- Vậy vẽ cái gì là dễ nhất?

- Thưa bệ hạ, vẽ ma quái là dễ nhất.

- Sao lạ vậy?

- Dạ thưa! Bởi vì chó ngựa ngày ngày đều xuất hiện trước mặt mọi người, ai cũng quen thuộc chúng nó, nên vẽ không phải dễ. Còn loài ma quái chúng không có hình dạng nhất định, chưa có ai nhìn thấy chúng bao giờ, nên vẽ rất dễ.
===<>===

Quả thật là cho đến nay chưa có ai trả lời thỏa đáng được hình dáng con ma, con quỷ nó ra làm sao cũng như thỏa mãn được các thắc mắc: “Vì sao tôi sinh ra?” "Tôi tồn tại để làm gì?” "Sau khi chết tôi sẽ đi về đâu?"

Những thắc mắc trên là một phần trong cái tôi gọi là “nhu cầu tâm linh” của con người. Nó luôn gặm nhấm, cào cấu tri thức của con người và làm cho họ ray rức mãi từ khi những nhu cầu sinh tồn cần kíp nhất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở phải được tương đối đảm bảo.

Vì vậy người ta không ngừng cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Bằng nhiều cách khác nhau.

Có những nhóm người dùng trí tưởng tượng để vẽ vời, chế đặt ra các nguồn gốc “thiêng liêng” cho con người. Họ đồng thời sản xuất ra đủ loại thần linh, ma quỷ đi kèm theo để hù dọa hay hỗ trợ, hoặc để thuyết phục sự chế đặt đó. Đó là một nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của tôn giáo.

Đạo Phật chính xác không phải là tôn giáo. Lời dạy của Đức Phật không có bản quyền. Không phải độc tôn, nhưng chính xác Đức Phật không ngồi cùng, ngồi chung chiếu với các vị thánh thần của các tôn giáo khác là vậy.

Đạo Phật chỉ là con đường giúp mọi người vượt ra khỏi sự đốt nóng của khổ đau khi đã nhận thức được đống lửa có mặt ngay kiếp sống này. Bất cứ hình thức nào gá đặt hình tượng Đức Phật Thích Ca kèm theo một vài tư tưởng của Ngài rồi vẽ ra cảnh giới này dễ sợ, cảnh giới kia hấp dẫn hoặc để hăm dọa hoặc để mời mọc quần chúng, tất cả đều là sản phẩm của các nhóm người nào đó.

Cũng vì vẽ ma vẽ quỷ dễ như anh chàng họa sĩ nói mà từ xưa đến giờ trong danh mục các thầy: Thầy bói, thầy địa lý, thầy cúng, thầy pháp, thầy... tha hồ vẽ vời ra lắm loài ma, loài quỷ, linh hồn, vong hồn, siêu thoát hay còn vất vưởng để hù dọa những người nhẹ dạ cả tin, mê hình chụp bóng, lên đồng nhập cốt, trai đàn chẩn tế, bạt độ giải oan, khấn vái cầu xin, hình nhân thế mạng, tiền tốn tật mang, buôn thần bán thánh....

Có một sự thật khó phủ nhận, đó là mỗi người chúng ta sinh ra một mình và rồi sẽ chết một mình.

Có những lúc trong đời, con người khát khao muốn biết chuyện gì xảy ra cho họ bên ngoài hai thời điểm sinh và tử ấy. Như lữ hành trong sa mạc, họ vọng tưởng về những ốc đảo với hàng cây xanh và suối nước ngọt; lần lượt hết ảo ảnh nầy đến ảo ảnh khác.

Trí tưởng tượng của mỗi nhóm người khác nhau, vì vậy mỗi tôn giáo có những huyền thoại giải thích sự hiện hữu của con người khác nhau và những thần linh khác nhau. Trong lịch sử nhân loại cho đến nay ước lượng đã có vài trăm ngàn tôn giáo khác nhau. Đại đa số những tôn giáo nầy đều đã bị đào thải vì những “câu trả lời” của chúng đã trở thành quá ngây ngô, lỗi thời và sai bậy để có thể chấp nhận được. Những tôn giáo hiện hành rồi cũng sẽ tuân theo luật đào thải nầy và sẽ được thay thế bởi những tôn giáo khác...

Gặp nhau thế giới này,
Xin nói lời chân thật,
Vì chỉ trong phút giây,
Chắc gì còn gặp mặt...

(Ai cũng hiểu nhưng rồi cũng có người không muốn hiểu)
HK.14/08/2016