Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền
não, khổ đau, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật Tổ cùng hỏi về một vấn đề:
- Con nên làm thế nào, mới
không còn những điều phiền muộn, khổ đau?
Phật Tổ cho đáp án đều như
nhau:
- Chỉ cần buông bỏ, con sẽ
thôi không còn phiền não nữa.
Có một người thanh niên, cho rằng mình
thông minh tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật Tổ và hỏi:
- Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn
người, thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não. Nhưng, Người cho họ giải
pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy chẳng buồn cười lắm hay sao?
Phật Tổ không nổi giận, chỉ
hỏi ngược lại chàng thanh niên:
- Buổi tối con ngủ có thường
hay nằm mơ không?
- Đương nhiên là có! Chàng trai trả lời.
- Vậy, mỗi buổi tối nằm
mơ, giấc mơ đều như nhau không? - Phật Tổ lại hỏi.
- Đương nhiên là khác nhau rồi! - Chàng
trai trả lời - Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần
giấc mơ.
Phật Tổ mỉm cười nói:
- Nhưng cách kết thúc giấc
mơ, đều như nhau cả, đó là:
TỈNH DẬY!
++
+ ++ ++ ++
Cái luẩn quẩn nhất của con người trong
thời đại này chính là không xác định được cái gì là phương tiện và cái gì là mục
đích sống nên mới phiền muộn, đau khổ. Tất cả những vật chất kia chỉ đem tới sự
thoải mái dễ chịu hơn trong cuộc sống, nó không phải là lý do lớn nhất để chúng
ta sống.
Chúng ta sống vì chúng ta là một sinh
linh, một thực tại mầu nhiệm, nên chúng ta cần được phát huy đúng bản chất của
mình là được thảnh thơi, bình yên và hạnh phúc. Bất kỳ hành vi nào của chúng
ta, dù thương yêu hay làm kinh tế cũng phải phản ánh được mục đích cao cả ấy.
Không thể nói chúng ta đang còn bận làm ra phương tiện, để năm hay mười năm nữa
thì chúng ta mới nắm được mục đích, nắm được mục đích thì hết khổ đau, phiền muộn.
Bây giờ chúng ta còn kẹt cứng trên
phương tiện, bị phương tiện khống chế đến phờ phạc, thì làm sao chúng ta dám chắc
sẽ dùng nó để đạt được mục đích, đạt được hạnh phúc? Với thái độ sống như thế
thì rất có khả năng chúng ta sẽ ngã quỵ và chết gục ngay trên chính phương tiện
ấy, chết dần theo năm tháng với khổ đau và phiền muộn.
"Bạn biết chăng cuộc đời đầy đau khổ,
Bởi con người mãi gieo rắc hận thù,
Gây đau thương, gây tang tóc ngục tù,
Rốt cuộc rồi cũng là cơn ác mộng"
(TS.Thanh Từ)
Mấy mươi năm bôn ba, hoạch
tính biết bao dự định, mơ tưởng biết bao nhiêu điều hạnh phúc phía trước rồi
thèm thuồng đuổi bắt. Thế nhưng, "nắm được rồi nhìn lại chỉ tay
không".
Cuộc đời là một giấc mộng
dài nhưng mấy ai chịu tỉnh dậy!
Gọi mãi, lay hoài, mở mắt
ngái ngủ nổi quạu giãy đạp lung tung.
Thi thoảng một lúc nào đó
trong đời, chúng ta gặp biến cố như bệnh hoạn, người thân chết chóc, tai ương,
hoạn nạn trên tự thân thì chúng ta tạm thời tỉnh dậy trong chốc lát. Cũng như
bèo dạt rồi lại tấp vào nên trong chốc lát rồi lại tiếp tục vùi đầu vào trong
giấc mộng Nam Kha.
Bhutan là một trong những nước nghèo nhất
thế giới. Nhưng lúc nào họ cũng có sẵn nụ cười trên môi và luôn cảm thấy hạnh
phúc với cuộc sống hiện tại. Người dân nơi này ý thức rằng một đất nước phát
triển không có nghĩa là phải hy sinh môi trường hay hạnh phúc cộng đồng. Cho
nên, họ đặt ra tiêu chí GNH (Gross National Happiness – tổng hạnh phúc quốc
gia) để có thể chạm được mục đích của đời sống ngay trong thực tại, mà không cần
thông qua con đường viển vông và đầy nguy hiểm của vật chất cao cấp. Nhờ “không
giống ai” mà đời sống của họ rất an ninh, mức độ tội phạm hay ly dị rất thấp,
và hơn hết là họ tận hưởng giá trị cuộc sống từng ngày nên tuổi thọ rất cao.
Lối xây dụng hạnh phúc này ngày càng thu
hút sự chú ý của nhiều nước phát triển. Họ bắt đầu tập lắng nghe những khát
khao sâu sắc của người dân mà quyết định giảm chí số GDP (Gross Domestic
Product – tổng sản phẩm quốc nội), để mọi người giảm giờ làm mà có cơ hội trở về
với những sinh hoạt căn bản trong cuộc sống. Tại Anh, khoảng 81% người dân đề
nghị chính phủ chỉ nên tập trung vào việc làm cho người dân sống hạnh phúc hơn
là giàu có.
Họ yêu cầu cấm quảng cáo nhằm vào đối tượng
trẻ con để hạn chế khuynh hướng tôn sùng vật chất. Còn Nhật Bản thì hoảng hốt
khi nhìn lại mức độ tội phạm và làm việc tăng giờ không hề giảm so với thập
niên 80, mặc dù kinh tế của họ đứng nhất nhì thế giới. Các vị lãnh đạo cấp cao
đã nhìn vào tấm gương sống “biết đủ” của Bhutan nên đã mạnh dạn lên nhiều dự án
“làm ít hơn, chơi nhiều hơn” để chỉ số GDP luôn song hành với chỉ số GNH. Nghĩa
là kinh tế phải đi liền với hạnh phúc.
Vấn đề “hạnh phúc quốc gia” cũng đã thu
hút sự quan tâm của nhiều thành phần xã hội, từ nhà kinh tế, triết gia, bác sĩ
tâm lý, nhà sinh vật học và cả nhà tâm linh. Nhưng thực tế cho thấy xây dựng
GNH khó gấp trăm ngàn lần so với GDP. Bởi vì trước tiên con người cần phải có ý
thức đúng đắn về giá trị hạnh phúc, rồi phải trải qua một thời gian khá lâu để
thuần phục bản năng hưởng thụ quá lớn của mình thì mới đủ sức gạt bỏ bớt những
phương tiện hấp dẫn. Thay đổi thói quen để giảm bớt những cảm xúc tốt là một
thách đố rất lớn. Nhưng nếu toàn xã hội cùng làm thì khó khan ấy sẽ dần được chấp
nhận và hóa giải.
Chờ đợi một chính sách ban hành để mọi
người cùng làm thì sẽ rất khó và rất lâu. Phần lớn mọi người vẫn chưa tin sống
ít vật chất là có thể hạnh phúc, và nhiều người vẫn cho rằng con người phải đạt
tới đỉnh cao vật chất thì mới chịu quay trở lại giá trị tinh thần. Nhưng thực tế
cho thấy “nhà giàu cũng khóc”, và chẳng có mấy ai muốn từ bỏ lối hưởng thụ cao
cấp. Một khi lòng tham của con người đã giãn nở ra rồi thì rất khó thu lại. Và
khi ấy thì chúng ta còn hồn phách nữa đâu để cảm nhận và giữ gìn những giá trị
hạnh phúc. Mảnh đất tâm của chúng ta đã khô cằn và chai sạn bởi cái gọi là nhu
cầu vật chất mất rồi.
Một kiếp người rất ngắn ngủi.
Không ai biết được mình sẽ sống bao lâu, vì thế xin đừng hững hờ với nó để lao
theo vật chất. Ngày mai nếu phải ra đi mà chúng ta chưa kịp sống sâu sắc cho ra
một kiếp người đó thì chẳng phải là niềm ân hận rất lớn hay sao?
Hãy tỉnh dậy thôi!