CẢM XÚC

Theo cáo trạng, chị Trần Thị Xuân Hoa và chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, nhà ở cùng hẻm 166, đường Tạ Quang Bửu, phường 3, quận 8. Ngày 27-6-2010, nhà chị Hoa bị sập làm hư hỏng 5 căn nhà liền kề, trong đó có nhà của chị Nga.

Sau đó, chị Hoa đã xây dựng lại 4 căn nhà để đền bù thiệt hại, riêng chị Nga không đồng ý cho xây mà yêu cầu phải bồi thường bằng tiền mặt. Yêu cầu không được đáp ứng nên chị Nga làm đơn khởi kiện ra tòa. TAND quận 8 buộc chị Hoa phải bồi thường hơn 160.000.000 đồng cho chị Nga.

Nhưng đến ngày 11-3-2013 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận 8, chị Hoa và chị Nga đã tự thỏa thuận với nhau là chị Hoa sẽ xây dựng lại nhà cho chị Nga mà không phải bồi thường bằng tiền mặt. Sau đó, chị Hoa đã đập nhà của mình để xây dựng lại cùng với nhà chị Nga, nhưng do chị Nga chưa xin giấy phép xây dựng nên thanh tra xây dựng phường 3, quận 8 buộc dừng thi công dẫn đến hai bên phát sinh mâu thuẫn.

Ngày 19-4-2013, hai người xảy ra đánh nhau, rồi chị Hoa nảy sinh ý định muốn chết chung với chị Nga. Trở về nhà, chị Hoa đã mua 20.000 đồng tiền xăng tự tưới vào người rồi đứng chờ ở đầu hẻm. Thấy chị Nga, chị Hoa lấy xăng hất lên người chị Nga và định châm lửa đốt. Lúc này, một người dân phát hiện đã giật bật lửa ném đi, chị Hoa bị bắt giao cơ quan công an xử lí.

Tại tòa, chị Hoa đã khai nhận một cách thành thực mọi hành vi phạm tội trong nước mắt. Là một người phụ nữ cùng lúc phải gánh chịu nhiều nỗi đau: Chồng chết, nhà sập kéo theo sập nhà hàng xóm nên một mình phải bồi thường thiệt hại, phải nuôi mẹ già không còn sức lao động và hai con nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, đã khó lại càng khó hơn, bị cáo dường như tuyệt vọng, tinh thần hoảng loạn, túng quẫn không lối thoát. Chính vì vậy mà chị Hoa đã nảy sinh ý định tự tử vào năm 2011 nhưng không thành. Bản thân lại có tiền sử mắc bệnh về thần kinh, rối loạn tiền đình.

Người mẹ già của bị cáo ngồi lặng lẽ ở hàng ghế phía sau, nước mắt cứ rơi mà khóc không thành tiếng. Còn bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì khóc òa như một đứa trẻ. Cái dáng người lom khom, khuôn mặt đau khổ đã khiến cho tất cả những người dự khán thấy được bị cáo thực sự hối hận.

Khi vị chủ tọa hỏi: 

- Bị cáo mua xăng và mang theo quẹt lửa để làm gì?

Chi Hoa trả lời trong nước mắt: 

- Bị cáo vừa đốt hương cho chồng xong nên tiện tay bỏ quẹt lửa vào trong túi.

Chị Hoa tiếp tục phân trần: 

- Sau khi nhà bị sập cùng với 5 nhà hàng xóm, bị cáo đã phải vay mượn ngân hàng, anh em để khắc phục hậu quả. Cứ tưởng mọi việc đã xong, không ai ngờ lại xảy ra cớ sự này.

Luật sư bào chữa cho chị Hoa khẳng định: 

- Bị cáo đã bồi thường nhưng do sức ép của chị Nga nên bị cáo đã bị dồn vào bước đường cùng.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, tình nghĩa làng xóm giữa gia đình chị Nga và gia đình bị cáo không còn nữa. Tại tòa họ còn không nhìn mặt nhau, không một câu chào hỏi.

Chị Hoa được nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án: 

- Bị cáo chỉ mong được giảm tội để về với con.

Trong khi chờ tuyên án, người mẹ già của bị cáo cứ đi đi, lại lại quanh phòng xử để mong được lại gần con. Nhưng điều đó là không thể, bởi lúc này người thân không được tiếp xúc với bị cáo. Còn chị Hoa ngồi một mình trước vành móng ngựa trong sự sợ hãi và ân hận. Thỉnh thoảng bị cáo cố ngoái lại phía sau để nhìn người thân của mình. Khi tòa tuyên án, một tiếng thở phào nhẹ nhõm của người mẹ già và những người con của bị cáo ở hàng ghế phía sau. Chị Hoa được dẫn giải ra xe tù trở về trại giam, mọi người chạy theo và đưa tay chào tạm biệt.

**   **   **  **

Cuộc sống là vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc cảm xúc như nối tiếp nhau: buồn, vui, hạnh phúc, chán nản, thất vọng, vui tươi, xót xa… của hàng loạt số phận. Những niềm vui nho nhỏ, những nỗi buồn man mác tiếp nối nhau, đan xen những giây phút ấm áp, tươi vui....

Y học định nghĩa cảm xúc là trạng thái hóa học của não bộ. Do lượng máu tuần hoàn cung cấp cho não bộ liên tục đổi mới, và luồng thần kinh cũng liên tục thay đổi để đưa thông tin về các diễn biến của môi trường bên ngoài hay của những kinh nghiệm ứng đối đã được ghi chép sẵn trong kho lưu trữ não bộ, nên bất cứ trạng thái hóa học nào của não cũng sẽ được "rửa sạch" sau chừng mười lăm phút. Vì vậy, bản chất của cảm xúc là tạm thời.

Dù có những cảm xúc như ghen tuông hay hận thù kéo dài tới hàng chục năm trời, nhưng tần số hoạt động của chúng luôn thay đổi. Mỗi lần cảm xúc phát sinh sẽ mang thêm một kiến thức mới và một kinh nghiệm mới, làm cho năng lực của nó mạnh hơn hay yếu hơn. Hoặc nó sẽ chuyển hướng đột ngột, như đang tức giận điên tiết cũng có thể biến thành yêu thương cuồng nhiệt nếu bản ngã bất ngờ được tôn trọng hay nâng niu (dù ở dạng này hay dạng khác).

Có thể nói cảm xúc là phần phản ứng cạn cợt của tâm lý. Công việc của nó là tống ra một nguồn năng lượng để bày tỏ thái độ hài lòng hay không hài lòng, thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, nên nó thường mang lại sự hối tiếc cho chúng ta ngay sau đó. Vì thế, người nào bị cảm xúc khống chế thường trực thì người ấy sẽ có lối hành xử rất cạn cợt. Dù biết nhiều điều hay lẽ phải, nhưng mỗi khi cảm xúc tốt hay xấu bùng vỡ thì họ nghe theo cảm xúc ấy như trẻ con - rất bản năng và bất chấp hậu quả.

Đời sống không thể thiếu cảm xúc, bởi cảm xúc chính là những cung bậc tình cảm của con người. Nhưng nếu cảm xúc bị khai thác đến mức vượt qua tầm kiểm soát của lý trí thì đó chính là tình trạng tự đánh mất chủ quyền với bản thân, nó khiến ta phạm sai lầm và gánh chịu nhiều hậu quả sau khi cảm xúc đi qua.

Trong tình yêu, người ta thường muốn con tim dẫn đường hơn là dùng cái đầu nhận xét. Điều này nghe thật dễ rung cảm, có vẻ như chúng ta đang muốn đem hết con người của mình ra để yêu chứ không muốn cân nhắc hay suy tính. Nhưng kỳ thực chính chúng ta cũng không biết mình đang không kiềm chế nổi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc. Vì nếu sử dụng lý trí thì buộc chúng ta phải ức chế sự thỏa mãn ấy. Đó là lý do tại sao khi đã nhàm chán nhau thì chúng ta không thể vì ân nghĩa mà tiếp tục chung sống với nhau; hoặc dù biết rằng tha thứ và chấp nhận nhau là điều hay nhất để giải quyết vấn đề nhưng chúng ta vẫn không làm được. chúng ta đã không vượt qua nổi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc nhưng chúng ta lại nghĩ do trái tim mình đã hết sức chứa.

Lẽ dĩ nhiên sống là phải hưởng thụ. Nhưng càng hưởng thụ thì chúng ta càng dễ nghiện ngập và trở nên yếu đuối. Trong khi đó, cuộc sống không phải lúc nào cũng mang tới đầy đủ điều kiện thuận lợi cho chúng ta. Nếu chúng ta không tiếp tục được hưởng thụ ở mức độ đã quen thuộc thì cảm xúc xấu sẽ phát sinh và tao thành những cơn đau hành hạ. Do đó, khôn ngoan phải biết hy sinh những cảm xúc tốt không cần thiết, chấp nhận những cảm xúc xấu cần thiết để vươn tới những mục đích cao cả hơn - những loại hạnh phúc lâu bền và chân thật.

Phiền não vốn là hiện tượng nên cảm xúc cũng là hiện tượng. Chúng được sinh ra từ sự vận hành sai lệch của cơ chế tâm lý, mà nguyên nhân chính là do nhận thức sai lầm về bản ngã. Hãy đừng quên, chúng ta không thể dùng ý chí đàn áp nhận thức này để thay vào bằng nhận thức khác.

"Văn ôn võ luyện" 

Thế cho nên, điều cần làm là siêng năng duy trì thói quen quan sát mọi diễn biến trong tâm ở mọi tình huống thì chúng ta sẽ nhìn ra tính chất không thật của những cảm xúc ấy. Vì khi những mong cầu và chống đối không còn nữa thì phiền não hay cảm xúc cũng sẽ tan biến.
"Đợi đến khi khát nước mới đào giếng làm sao kịp"

Đời người dài lắm là 6, 7 mươi năm. Lúc bình an, êm ả mãi lo tranh giành đuổi bắt, tranh danh đoạt lợi. đến khi đối diện, va chạm các nổi khổ từ các duyên nghiệp, các sự việc, các con người gì đâu mang tới, rồi ngửa mặt than thở kêu trời.... làm sao đỡ nổi, làm gì kịp?