Có một con quạ khao khát một ngày kia nó
sẽ được đẹp như công. Nó tỏ ra coi thường bầy đàn của mình, nó ghét bộ lông đen
xì, xấu xí của quạ, muốn có bộ lông đầy màu sắc như của công để được mọi người
xung quanh chú ý và khen ngợi. Và nó nghĩ ra một kế hoạch, hàng ngày nó bay qua
chỗ những con công sinh sống và nhặt nhạnh lông công rơi rụng mang về. Nó sửa
sang, bện lại thành một bộ lông vừa vặn và khoác lên mình. Từ đó, nó tự coi
mình là công nên quyết định sẽ phải đến sống ở chỗ những con công.
Khi con quạ bay đến nơi bầy công sinh sống,
các con công tròn mắt nhìn một con chim lạ nửa quạ nửa công. Không thể chấp nhận
con chim lạ này, chúng cùng nhau xông vào tấn công con quạ, xé te tua đám lông
công trên thân quạ khiến cho nó phải rất khó khăn mới bay thoát thân được.
Khi con quạ bay được về đến nơi ở cũ thì
bầy quạ cũng rất khó chịu khi nhìn thấy bộ lông công trên mình nó. Các con quạ
quyết không sống chung với con quạ nửa công và chúng liền xông vào mổ cho con
quạ một trận tơi bời khiến con quạ một lần nữa phải vùng vẫy tháo chạy. Con quạ
ngu ngốc bay vào sâu trong rừng và xé bỏ hết đám lông công trên mình, nó cay đắng
hiểu ra rằng không chỉ vì bộ lông công khoác bên ngoài mà nó có thể trở thành
công được và chẳng ai chấp nhận được một kẻ mạo danh sống cùng trong cộng đồng
cả.
**
** ** & *** ** **
Xã hội hiện đại luôn tạo ra những con quạ
khoác lên mình một bộ lông công để thực hiện những màn trình diễn hàng ngày với
cộng đồng mà nó sống trong đó với những mối quan hệ, những lần gặp gỡ, khiến
cho đối tượng tiếp xúc luôn có một ấn tượng tốt về nó.
Và những điều đó trở thành sự che đậy
khi nó nhắm tới mỗi mục đích để cộng đồng dân cư các loài chim bay trên trời,
thú chạy dưới đất đánh giá cao, khen tặng, tung hô và tạo nên sự nhìn nhận khác
biệt với dòng giống của nó, đem nhiều lợi ích về cho nó.
Trong cuộc sống, mỗi cá nhân được che đậy
bởi các hình thức khác nhau mà lắm khi chính chúng ta cũng tưởng lầm mình đang
sống vì kẻ khác. Các loài vật đến mùa giao phối, xuất phát từ bản năng, chúng
cũng biết cách khoe mẽ với các đối tượng mà chúng tìm cách gạ gẫm. Thật may là
phần lớn các loài động vật thì không có ý thức cộng sinh suốt đời nên chúng
không đối diện với các sự thật phủ phàng. Nhưng với loài người thì sự khoe mẽ
ban đầu là thảm họa nối tiếp sau đó, khi mà những chiếc lông công mỗi ngày bị mổ,
vặt, rỉa rơi xuống.
Các vụ án, các vụ việc xảy ra từ trong
gia đình ra đến xã hội mỗi ngày, nếu không nói phải chủ quan thì hầu như bắt nguồn
từ sự phủ phàng khi ban đầu rõ ràng là công, khi ở riết - sống chung – gần gũi
thì hóa ra là quạ. Và kết thúc người trong cuộc phát biểu: “những cái tốt và
cái đẹp nếu không đi chung với cái chân thật thì cái đó chỉ làm một thứ trang sức
hời hợt”.
Tâm lý chung của tất cả loài người là rất
dễ bị thu hút bởi những lời nói ngọt lịm, trau chuốc và đầy lễ độ. Cho nên để
được thang điểm cao trong mắt người khác, chúng ta không ngần ngại và có khi phải
cố gắng thu lượm những chiếc lông công để xâu kết, để nặn ra những chiếc áo
choàng thật đẹp, thật phù hợp với suy nghĩ hay sở thích của mọi người, và thật
nực cười là sau bộ cánh lông công đó chỉ là một bộ lông đen của họ nhà quạ.
Xã hội hôm nay, bước ra đường khó ai có
thể biết chúng ta đang là quạ, đang chật vật trong đời sống vật chất hay đang
có những bế tắc khổ đau trong tâm hồn. Lúc nào chúng ta cũng cố tỏ ra mình là
công, cố cười thật tươi và ra vẻ như rất hạnh phúc. Chúng ta rất sợ người khác
biết được sự thật về mình nên cứ cố gắng bưng bít, che đậy. (Trong một hoàn cảnh
nào đó, chúng ta vẫn biết và cũng đâu muốn sống như thế nhưng cũng đành phải chấp
nhận thể hiện như thế.)
Thương lắm cho cái nhận thức sai lầm ban
đầu của con quạ, tưởng rằng sự vay mượn giả tạo có thể che đậy được những bế tắc
khổ đau hay những ước vọng sâu thẳm cả đời. Đến lúc loài công không thể chấp nhận
cái hình thù dị hợm “nửa công nửa quạ” và cả đồng loại xua đuổi, nó mới hiểu.
Như một căn nhà hoang tàn đổ nát qua một trận cuồng phong, quạ ta nhìn lại thân
thể mình, chỗ nào cũng lộ da trắng toát, cũng trống quơ, dù không cam tâm cũng
đành chịu bộ dạng xơ xác lầm lũi đi vào nơi cô quạnh!
Người xưa đã nói: “Chiếc áo
không làm nên thầy tu…”. Chấp nhận những gì mình có và hoàn thiện nó dựa trên
khả năng của chính bản thân mình, chúng ta sẽ dần đẹp lên trong mắt cộng đồng.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” Nói thì dễ nhưng con mắt loài người vẫn thích nhìn
lông công hơn là lông quạ nên “….Ông thầy tu không thể không có chiếc áo”. Thôi
kệ, biết sống sao cho vừa lòng công, lòng quạ nên "có sức chơi thì có sức
chịu" vậy.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...