NHỮNG NĂM THÂN ĐI VÀO LỊCH SỬ


Năm 1284 (Giáp Thân): Diễn ra Hội nghị Diên Hồng

Hội nghị Diên Hồng là hội nghị năm 1284 do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Hội nghị diễn ra khi quân Nguyên âm mưu và đang chuẩn bị kéo quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai để trả thù cho lần thất bại đầu tiên (1258), gỡ danh dự và uy thế của nước lớn.

Trước khi Hội nghị bắt đầu, nhà Trần thăm dò và biết được quân Nguyên huy động một lực lượng rất lớn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: số quân nhà Nguyên điều là 50 vạn từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với cả gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên; tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt. Đối phó với đạo quân hùng mạnh như vậy, nhà Trần khôn khéo triệu tập hội nghị - đầu tiên là Bình Than (1282) bàn về chiến lược đánh giặc của tướng soái và quân nhà Trần. Ý thức được rằng, muốn chiến thắng được đội quân khổng lồ của nhà Nguyên, cần có sự tham gia của nhân dân.

Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Thượng hoàng đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận hoàng cung để bàn quốc gia đại sự, tinh thần của các vị bô lão phấn chấn khác thường.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.

Thứ nhất, hội nghị này sẽ có tác dụng thăm dò, đo lường mức độ căm phẫn của nhân dân đối với kẻ thù, mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền, từ đó đánh giá được nội lực trước khi vạch ra chiến lược chiến tranh.

Thứ hai, hội nghị này là một động thái thể hiện sự tôn trọng của triều đình đối với các bô lão - vốn được hưởng cái gọi là “lão quyền” trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Hội nghị này có tác dụng đoàn kết các sắc dân, củng cố mối quan hệ nhân dân - chính quyền. Mặc dầu địa vị người dân lúc đó rất thấp nhưng tài lực cho cuộc chiến thì nhà vua vẫn phải dựa vào họ.

Thứ ba, hội nghị này sẽ làm cho hoạt động của chính quyền trở nên minh bạch hơn, tạo niềm tin cao hơn cho người dân; gầy dựng sự chính danh cho chính quyền khi quyết định cuộc chiến. Nếu giữa chừng của cuộc chiến có điều gì bất lợi, thì hội nghị này ngay từ đầu đã loại bỏ sự đổ lỗi từ phía xã hội cho chính quyền.

Thứ tư, chính quyền đã biết sử dụng bô lão là tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội làm chiếc loa phóng thanh phổ biến đường lối của tầng lớp cầm quyền. Các bô lão khi “đã thông tư tưởng” thì trở thành những tuyên truyền viên tự nguyện cho nhà nước, góp phần tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.

Như vậy, trưng cầu dân ý với tư cách là quyền của người dân thì chưa hề xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, nhưng bốn chức năng chính trị nêu trên của trưng cầu dân ý đã được vua Trần khéo léo sử dụng từ thế kỷ 13.

Bên cạnh góc độ quyền của người dân - một thiết chế bảo đảm dân chủ, thì đứng về phía những người cầm quyền, trưng cầu dân ý rất có lợi cho Đảng và Nhà nước, sẽ là công cụ để nắm lòng dân, củng cố sự cầm quyền

Hai chữ Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua-tôi, trên dưới… Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân như một giá trị truyền thống mang ý niệm “dân chủ” sau này được xác lập trong thời kỳ lịch sử cận và hiện đại.

Năm 1428 (Mậu Thân): Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế

Lê Lợi, sinh ngày 06 tháng 8 năm Ất Sửu (tức 10-9-1385) là con trai thứ ba của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là một người phi thường.

Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú v.v... chính thức phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.

Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.

Sau hội thề Đông Quan, ngày 29 tháng 12 năm 1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 03-01-1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.

Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên, xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố "Bình Ngô đại cáo" đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 của tổ quốc ta.

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), hưởng thọ 49 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Thanh Hoá, trị vì được 5 năm.

Năm 1788 (Mậu Thân): Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Quang Trung


Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (21-12-1788): Nguyễn Huệ nhận tin cấp báo, quyết định tổ chức lễ đăng quang, lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, lấy danh chính ngôn thuận mà lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược.

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788): Lễ đăng quang, tuyên đọc tờ “Chiếu lên ngôi” của Nguyễn Huệ được long trọng cử hành ở ngọn núi Bân (mạn nam sông Hương), và liền đó, tân vương Quang Trung dẫn quân lên đường.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15-1-1789): Đại quân Tây Sơn ra đến Tam Điệp, Quang Trung Nguyễn Huệ gặp Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, khen ngợi “nước cờ Tam Điệp” của họ: Rút quân từ Thăng Long về Tam Điệp, cho giặc vào Thăng Long “ngủ trọ vài đêm” để rồi sẽ quét sạch chúng đi. 

Tối 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (25-1-1789): Bắt đầu “Chiến dịch giải phóng Thăng Long”.

Trưa Mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789): Sau những trận Hà Hồi, Ngọc Hồi – Đầm Mực, Khương Thượng – Đống Đa, kết thúc đại thắng lợi “chiến dịch giải phóng Thăng Long”. 

Sưu tầm nhiều nguồn