GIẬN DỮ

Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không được hài hòa.
Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm thành tật này. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.

Một hôm, một người đã nói với bà :
- Ở gần đây có một vị Thiền sư, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu Thiền sư có thể giúp được cho bà.

Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với Thiền sư.

Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ Thiền sư đó. Thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một căn phòng, sau đó khóa cửa căn phòng và rời khỏi đó.

Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của Thiền sư, nhưng không ngờ Thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một căn phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, Thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.

Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin Thiền sư thả mình ra, nhưng Thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.

Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài phòng mới có tiếng nói của Thiền sư hỏi:
- Bà còn giận không ?

Thế là bà ta giận dữ trả lời:
- Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.

Thiền sư ôn tồn nói :
- Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ? Nói xong Thiền sư lại im lặng.

Sau một thời gian im lặng, Thiền sư lại hỏi:
- Bà còn giận không ?

Bà ta trả lời :
- Hết giận rồi !

Thiền sư:
- Tại sao hết giận!

Bà ta:
- Tôi giận thì có ích gì? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao?

Thiền sư nói với vẻ lo lắng :
- Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn. Nói xong, Thiền sư lại quay đi.

Lần thứ 3, Thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời :
- Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận!

Thiền sư nói :
- Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.

Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi Thiền sư :
- Thưa Thiền sư, ngài có thể nói cho tôi biết tức giận là cái gì không ?

Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay.
Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.
……………………………

… Mỗi khi nổi giận chúng ta thường cho rằng chính người kia là thủ phạm đã làm cho chúng ta giận, như thể cơn giận đang ở trong chúng ta là do họ đem tới vậy. Vì thế chúng ta luôn tìm mọi cách để trả đũa, dù ít nhất là một câu nói hay một hành động khiến người kia phải đau điếng hay tức giận thì chúng ta mới hả dạ. Chúng ta cho rằng mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không còn dám chọc giận mình nữa. Sự thật là càng trả đũa thì cơn giận càng lớn mạnh và khiến chúng ta càng đuối sức. Vì khi giận năng lượng trong chúng ta bị đốt sạch, cơ thể liên tục phóng thích ra các chất kích thích gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể, nhất là nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng "hôn mê tạm thời", nhìn mọi thứ đều sai lệch, suy nghĩ không sáng suốt và không kiểm soát nổi mọi hành vi của mình.

Sau mỗi cơn giận, chúng ta thường cảm thấy hối tiếc và ray rứt vì những phản ứng dại dột và thấp kém của mình. Ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần chúng ta đánh mất hình tượng đẹp và làm suy giảm niềm tin yêu trong mắt người khác, nên lòng cứ dặn lòng sẽ không để cho cơn giận thao túng mình thêm lần nào nữa. Thế nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, chạm đến lòng tự ái và nhất là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự, là cơn giận cứ không hẹn mà đến. Ngay lúc ấy dù được người khác nhắc nhở chúng ta cũng gạt ngang, lý trí cũng phải đứng lặng chào thua cảm xúc. Từ thất bại này đến thất bại khác, chúng ta dần trở nên căm ghét cơn giận của mình. Rồi có khi ta quay sang trách giận cha mẹ trao chi cái tính làm khổ mình khổ người như thế.

Thật ra, nếu hạt giống giận trong chúng ta không được nuôi dưỡng thường xuyên thì nó không đủ sức làm cho chúng ta khổ. Chúng ta đã vô tình tạo ra nó từ những điều bất như ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày mà chúng ta không hay biết như: kẹt xe, xếp hàng mua đồ, gọi điện, nhắn tin cho người yêu nhưng không nhấc máy trả lời, thức ăn không vừa miệng, dắt xe ra chạy được đoạn xe tắt máy phát hiện xe không còn một giọt xăng (lý do mấy thằng “dịch giặc” đêm qua đi chơi về không đổ), người kia quên chào hỏi... (hi hi)

Đến những phiền toái do chính mình gây ra như: mở nhầm chìa khóa, máng áo lên móc nhưng cứ bị rớt hoài, quét nhà gom rác mà gió cứ lùa tứ tung, đến khi trời nóng chuẩn bị đồ đi tắm (xin lỗi) khi đã "tháo" hết đồ ra rồi mới phát hiện vòi xả không còn giọt nước (Có tức không chứ! Tức sao không tức), uống nước vô tình bị bỏng miệng, trượt chân ở cầu thang, tìm mãi không ra quyển sách, hồi tưởng về quá khứ đau buồn.....Nếu chúng ta không quan sát và hóa giải bớt những phản ứng chống đối một cách âm ỉ từ những việc như thế, thì cơn giận chắc chắn sẽ hình thành như một quy luật tự nhiên. Khi nguồn năng lượng giận gần như được mặc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động không dễ thương hay một hoàn cảnh trái ý nho nhỏ cũng đủ khiến cho nó bị kích động. Nó sẽ nhanh chóng biến thành cơn giận dữ dội mà chính chúng ta cũng rất bất ngờ. Thử hỏi tại sao lâu ngày chúng ta không thành lão bà bà như câu chuyện kể trên chứ!

Đời sống ngày càng nhiều áp lực, điện thoại thì hai, ba, bốn cái nghe gọi liên tục. Thông tin báo chí, truyền hình, email, tin nhắn……có khi là sinh tố, có lúc là độc tố. Đáng sợ nhất là lúc tâm thức, tinh thần đã cạn kiệt năng lượng và đầy ắp rác rến thải ra sau mỗi lần tiếp nhận thông tin đến khi tiêu xài không đủ tỉnh táo phân loại, gạn lọc gây nên, tạo ra căng thẳng, chưa kịp dọn dẹp lau chùi lại phải tiếp nhận thêm độc tố mới. Chỉ mỗi kinh tế và thông tin thôi cũng đủ khiến người ta “phiêu bạt hồn vía” rồi, nên việc bỏ bê bản thân và hành động sai sót cũng rất đỗi thường tình.

Một cái computer (máy tính) hoạt động mãi mà không dọn dẹp hệ thống và ngơi nghỉ thì có lúc cũng bị “treo” bị “dump”. Một tinh thần vận hành mãi mà không được thư giản, ngược lại càng thêm nhồi nhét, vứt bỏ rác rưởi vào thì đến lúc cũng “nổi điên”. Nổi điên (tức giận) là một hiện tượng, một chu trình phóng xả độc tố, tháo ngòi căng thẳng, tuôn trào cảm xúc tiêu cực. Cái khốn khổ cho mỗi lần xả thải như thế cũng như một nhà máy xả thải không qua hệ thống thanh lọc. Nhiễm bẩn thì bản thân, người xung quanh bị ô nhiễm khí thở, rác thải, đờm giải.

Với người bình thường thì ngủ nghỉ là một cách giải phóng các ức chế, dồn nén thông tin, nới lỏng các liên kết các vùng não xảy ra trong ngày. Nhưng ngủ nghỉ mộng mị, giấc ngủ chập chờn, thì cũng không cải thiện được nhiều. Với người tập Yoga, Tĩnh tâm thì kết hợp hơi thở coi như một trong những cách thư giản, thả lỏng tinh thần. Nhưng phải khéo léo, vì bản thân hơi thở đã là tự nhiên rồi, dù muốn dù không thì hơi thở nó vẫn ra vào đều đều. Cho nên nếu dùng ý muốn can thiệp vào hơi thở ra vô không khéo lâu ngày lại rơi vào ức chế hơi thở, đè nén tâm thức. Đó là lý do tại sao các nhà “khí công, nội công” đòi hỏi phải mạch lạc, mềm mại trong sự vận hành hơi thở là vậy. Đọc các tác phẩm võ hiệp Kim Dung, Thiên Cổ Lạc….chúng ta thấy hiện tượng các lão Đạo, Tiên ông sống lâu ngày trên hang trên núi nhưng hễ bị kích động là xách gươm xách đao, nổi sân nổi giận ầm ầm đi chém đi giết. Đó chẳng qua cũng là biện pháp “lấy đá đè cỏ” lâu ngày. Lúc tập thì đè, lúc hết tập thì nhấc đá ra, cỏ phát triển còn tàn bạo hơn vì sự đè nén. Ra khỏi trung tâm thì mặt mày hớn hở phơi phới, đụng chuyện bất như ý vài lần rồi thì cũng cau có, nhăn nhó, mắt nheo.

Phiền não vốn rất tinh tế. Nếu không có một kỹ năng quan sát thật tốt thì chúng ta khó mà phát hiện hết sự vận hành của nó. Để rồi một ngày nào đó chúng ta không thể ngờ cơn giận cuồng điên bỗng từ đâu tràn ra như thác lũ. Cũng do chúng ta thường quá chủ quan tưởng mình không còn giận hờn nữa, hoặc nghĩ rằng mình chỉ giả bộ để ra uy, hay cố gắng trình diễn để lấy lòng kẻ khác, mà chúng ta không thấy những đợt sóng tức giận đang ngấm ngầm bên trong. Mỗi ngày một chút, năng lượng giận hờn kết tinh thành một khối rất lớn mà người ta thường gọi đó là “nội kết”. Khối nội kết này gần như chi phối mọi hành vi của chúng ta. Lúc nào nó cũng khiến chúng ta cau có hay gây sự với đối tượng ấy, mặc dù họ chẳng làm gì ta cả. Hóa ra, chúng ta đã không hiểu hết cái tâm cố chấp và chưa đủ độ lượng của mình, dù trong ý chí chúng ta cho rằng những chuyện ấy không đáng chi cả. Thế mới biết, thấu hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm còn quan trọng hơn là dập tắt được một cơn giận.

Khi phát hiện ra cơn giận đang nổi lên và sắp sửa "bung" ra thành lời nói hay hành động, chúng ta hãy mau chóng tìm cách tách ly ra khỏi đối tượng vừa mới tác động vào cơn giận của mình. Lý tưởng nhất là ngồi trong căn phòng yên tĩnh, hay dạo bước trên con đường râm mát. Trong trường hợp không thể thể tách rời khỏi hoàn cảnh thì chúng ta hãy ngồi yên đó, cố gắng đừng mở lời nói thêm một câu hay một từ nào, dù chúng ta cho đó là lời giải thích thỏa đáng. Mọi hành vi xảy ra trong cảm xúc giận hờn đều sẽ khiến ta hối tiếc sau này. Chúng ta hãy cố quên đối tượng kia đã làm hay đã nói điều gì với chúng ta, mà chỉ đem hết tâm ý tập trung vào hơi thở để làm lắng dịu cơn bão cảm xúc. Nếu chúng ta đã có sẵn kỹ năng theo dõi hơi thở để định tâm thì chỉ 15 phút sau là chúng ta sẽ vượt khỏi. Cũng như khi căn nhà của chúng ta bất ngờ bị cháy thì chúng ta chỉ cần lo chữa cháy để cứu lấy những tài sản quý báu bên trong, chứ đừng vội vã truy cứu hay trừng phạt kẻ mà chúng ta tình nghi đã đốt nhà. Chuyện đó "hạ hồi phân giải"…

Cái giận làm tôi xấu
Biết vậy tôi mỉm cười
Quay về giữ gìn ý
Từ quán không buông lơi (thi kệ N.H)
- Kẻ Nhiều Chuyện -