Việc người Việt bị kỳ thị và phân biệt đối
xử tùy theo cấp độ, dạng thức khác nhau đã xuất hiện ở nhiều nước và đang có
nguy cơ gia tăng theo thời gian. Không phải tự dưng mà họ đối xử với mình như vậy.
Lâu nay, mình chỉ quen tâng bốc nhau về
những giá trị viển vông kiểu AQ. Khi nói về những thói xấu người Việt, nhằm
đánh động lòng tự trọng và cả tự hào dân tộc để sửa sai, nhiều người lien bị chụp
mũ “nói xấu người Việt”.
Một số bạn nước ngoài, có thời gian sống
và làm việc khá lâu ở Việt Nam thường có chung nhận định: Người Việt đang từng
ngày làm xấu hình ảnh đất nước. Từ việc xả rác, khạc nhổ, vệ sinh tùy tiện cho
đến hàng gian, hàng giả, tham ô, lãng phí…Chẳng ai nỡ đối xử với nhà cửa và gia
đình của mình như vậy.
Thật ra, người Việt
cũng có nhiều tính cách cao đẹp nhưng chỉ bộc lộ trong những điều kiện và hoàn
cảnh nhất định. Ngược lại, những hành động xấu xí của người Việt lại diễn ra mọi
lúc, mọi nơi. Ngay cả người Việt cũng cảm thấy khó hiểu và khó chịu với chính
người Việt. Người Việt rất khó khăn khi phải nói từ “xin lỗi”, kể cả khi đã lỗi
mười mươi. Chả bù cho người Mỹ, cứ mở miệng là “Excuse me” là “I’m sorry” hoặc
“Please” nên khó mà giận được nói chi việc gây sự.
Một bộ phận người Việt hung hăng, hễ va
quệt là muốn ăn thua đủ. Một bộ phận người Việt đố kỵ, chẳng muốn ai hơn mình,
càng không thể giúp ai để họ hơn mình. Một số người Việt khôn ranh, cái gì cũng
muốn hơn thiên hạ, kể cả việc phá giá chơi nhau và tư duy kiểu thằng Bờm; không
trung thực từ việp xếp hàng, khai báo, mua sắm…
Vẫn còn nhiều trường hợp đi du lịch rồi
trốn ở lại hoặc đi hợp tác lao động rồi bỏ ra ngoài bất hợp pháp; kết bè, lập đảng
gây rối trật tự; nguyên nhân chính dẫn đến việc chính quyền các nước hạn chế
người Việt nhập cảnh. Nhiều việc bình thường ở xứ mình nhưng tối kỵ ở xứ người...
Nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, lắm lúc tôi xấu hổ muốn độn thổ vì thói xấu
của người Việt. Có không it người Việt thích nói dối, chuộng hình thức và ít
chú trọng thực chất. Lòng tự trọng vốn là phẩm chất tốt đẹp của cha ông giờ gần
như mai một. Khi lòng tự trọng quá hiếm thì biết xấu hổ cũng là chuyện lạ.
Ra nước ngoài, người Việt ít chịu xếp
hàng. Ăn buffet cứ chen ngang dưới nách Tây và lấy đồ ăn thừa mứa, chưa kể còn
lén đem về. Vào thang máy hay lên tàu điện chẳng chịu nhường ai; trong chưa ra,
ngoài đã ào vào. Ra đường mà như đang ở nhà mình, cứ vô tư mặc đồ ngủ. Các thói
quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, đi bộ sai luật, hay ngậm tăm sau khi ăn…cứ tưởng
chỉ có ở dân quê mà cả cánh trí thức, nhà văn, chủ doanh nghiệp cũng hành xử
như vậy. Tham quan ít chịu nghe thuyết minh, không quan tâm đến văn hóa, lịch sử
bản xứ mà cứ ào đi chụp ảnh. Không thấy ai là dẫm lên cỏ, ngồi lên hoa chụp
hình dù có bảng cấm. Thích khoe của, khoái phô trương và luôn tìm cách trốn vé,
ăn gian khi mua hàng vì “Ăn vụng thú vị và đã hơn”. Có người còn xem đó là chiến
tích.
Đã quá trễ nhưng muộn còn hơn không, người
Việt phải nghiêm khắc nhìn lại mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “Không có
lửa sao có khói?”. Không ai tự nhiên gây sự khi mình ra nước ngoài, đem tiền và
đem sức làm giàu cho xứ họ. Chung quy cũng bởi những người Việt xấu xí luôn tìm
cách “xuất khẩu tệ nạn”. Không còn “Con sâu làm rầu nồi canh” nữa mà là “Bầy
sâu làm hỏng nồi canh”. Từ việc lợi dụng các lễ hội để móc túi, giựt dọc đến việc
mãi dâm và lao động trái phép với nhiều tệ nạn nhưng Việt Nam chưa có động thái
tích cực nào để chấn chỉnh. Ở nhiều nước, không chỉ có Việt kiều mà còn có “Việt
liều” (ở và lao động trái phép). Các nước như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật
Bản… đều có bảng cảnh báo về thói xấu của người Việt. Có nước còn cấm hẳn một số
tỉnh phía Bắc nhập cảnh.
Làm sao để người Việt bớt xấu xí trong mắt
bạn bè? Điều này phải chứng minh bằng hành động cụ thể. Mỗi cá nhân cho đến các
tập thể cần có những việc làm thiết thực. Phải chấn chỉnh từ trong nước. Thời đại
internet, bất cứ việc tốt xấu gì xảy ra trên trái đất này, chỉ cần vài phút là
cả thế giới biết. Cần tăng hình phạt và xử lý nghiêm những người Việt xấu xí ở
nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn. Giận thiên hạ thì ít mà buồn và xấu hổ
cho mình thì nhiều. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, e rằng những chuyến
đi xa ngày càng có thêm nhiều vị đắng, người Việt càng tiếp tục bị khinh thường.
Chỉ có ta mới giúp ta được. Không thể bắt thiên hạ phải nghĩ tốt trong khi mình
còn nhiều cái xấu mà không chịu sửa.
Nguyễn Văn Mỹ
(Bài viết thể hiện văn phong
và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM)