Mấy hôm trước, cây cỏ còn co ro trong
hơi lạnh tàn Đông, thế mà chỉ sau vài đợt nắng ấm, cỏ non đã trải đều trên sân.
Kim Loan bất chợt khám phá một nụ hoa vàng vừa nở ở góc vườn. Cánh hoa tuy còn
e âp nhưng cũng là một nét chấm phá của mùa xuân mới. Đẹp nhất là những búp lộc
non trên những cành cây ven đường đang rung rinh trong gió nhẹ dưới bầu trời
xanh lơ. Hàng cây này không cao lắm vì mới trồng vài năm nay. Cây tràn đầy sức
sống nên lộc tủa đầy khiến Loan liên tưởng đến chợ mai trong tết ở Việt nam.
Thấm thoát Loan đã xa quê nhà hơn năm
năm rồi. Những kỷ niệm thời thơ ấu, hễ có dịp, là hiện về trong trí nhớ. Vào những
tháng cận tết, cà chua chín mọng từ các vùng ngoại ô đổ về Sài gòn rất nhiều mà
trời lại lạnh nên ai cũng nghỉ tới hàng bún riêu trước khi vào chợ. Gia đình
Loan có một hàng bún riêu ở đầu chợ Thái bình. Vào những ngày này sức bán rất mịnh,
tiền lời lại cao vì giá cà chua đang mùa rất rẻ. Nhờ hai tháng cuối năm mà mẹ
có thể sắm sửa ăn tết và mấy anh chị em Loan, mỗi người được một bộ đồ mới. Ba
Loan là thư ký ở Bưu điện; đồng lương khiêm tốn; gia đình gồm những tám miệng
ăn, nếu không nhờ hàng bún riêu chắc cảnh nheo nhóc, đói nghèo không tả được.
Nhà có sáu anh chị em, Loan là chị lớn.
Người anh cả đi lính xa nhà, đời thủy thủ bềnh bồng trôi nổi nên chuyện trong
ngoài mẹ chỉ nương cậy một tay Loan. Từ lúc mười tuổi, Loan đã biết chợ búa cơm
nước, giặt giũ,săn sóc em thô. Lớn hơn chút nữa, Loan đã lo chuyện thiếu hụt
trong nhà. Loan sợ những ngày mưa dầm, chợ thưa người, mẹ bán ế. Cả nhà ăn bún
riêu thế cơm, mẹ phải cạy ống heo đóng tiền góp vay. Mỗi lần như vậy, Loan buồn
lắm vì biết rằng ống heo là tiền để dành phòng khi đau yếu cho cả nhà...Mà con
heo đất có nhiều nhỏi gì cho cam, nó chứa toàn là tiền cắc, họa hoằn lắm mới có
vài đồng bạc chì. Chả bù với cô bạn láng giềng: Anh Thư có riêng một con heo đất,
đựng toàn tiền giấy, nhũng tờ một đồng hai đồng mới tinh được xếp thẳng nếp bỏ
vào đầy ắp. Thư vẫn khoe là chờ tới gần sinh nhật mới đập heo để tổ chức tiệc mừng
sinh nhật. Đối với Loan, tổ chức sinh nhật là chuyện người giàu có dư tiền,
Loan không dám mơ ước; Loan chỉ mong mình có riêng một con heo đất để dành dụm
mua được bộ đồng phục áo lam và vào Gia Đình Phật tử ở ngôi chùa đầu ngõ. Thấy
họ sinh hoạt vui nhộn mà phát ham.
Mẹ biết sự ao ước của Loan, có lần mẹ cầm
tay Loan âu yếm nói:
Tội nghiệp con tôi, trót sinh ra trong cảnh
nghèo nên phải chịu cực khổ và thua súc bạn bè. Mẹ hy vọng chừng trả xong mấy mối
nợ là mẹ có thể lo bộ đồng phục cho con
Nhưng khổ nỗi, món nợ nầy chưa trả xong
là có món nợ khác rồi vì cậu em út gốc ho suyễn, mỗi lần trái gió trở trời là
đau ốm liên miên.....
Khi hy vọng trở thành mong manh, niềm
tin trong lòng Loan bắt đầu rạn nứt. Loan thấy mẹ ăn ở hiền lành, tin tưởng Phật
trời lại chịu khó làm công quả, ngày nào cũng xin rau cải của mấy bạn hàng quen
trong chợ rồi gánh về cho chùa, tháng nào cũng đến chùa lạy sám hối, đôi khi
còn đi nghe giảng giáo lý; vậy mà sao cứ phải sống hoài trong cảnh tối tăm chật
vật.....
Có lần Loan hỏi mẹ:
- Mẹ à, có thật hễ mình tu thì mình có
phước không hở mẹ?
- Thật vậy chứ sao không! Mẹ trả lời thật
mạnh dạn.
- Nhưng sao mẹ tu mà nhà mình cứ nghèo
hoài vậy?
Mẹ cười vì đoán trước được câu trả hỏi của
con. Sẵn dịp mẹ giảng:
- Nếu trước đây vài năm mà con hỏi câu ấy,
chắc mẹ khó trả lời. Nhưng bây giờ thì mẹ có thể trả giải đáp cho con một cách
rõ ràng. Mẹ nhớ rõ, trong bài giảng “phước
huệ song tu” thầy có nói rằng: bố thí cho người nghèo khổ, giúp đỡ người hoạn
nạn, lỡ đường, cúng dường, làm công quả là tu phước. Tu phước thì được hưởng quả
giàu sang phú quý. Đó là luật nhân quả. Nhưng nhân phải trải qua thời gian mới
thành quả cho nên không phải mình bố thí hôm nay thì ngày mai mình hóa ra giàu
có liền. Giống như gieo mạ mới thành cây lúa, rồi trổ bông, và phải chờ lúa
chín. Kiếp này mình mới tu, phước đức chưa đáng bao nhiêu mà cứ mong giàu có
như người thì làm sao được! Có khi kiếp này mình gieo, kiếp sau mới được hưởng
con ạ. Bây giờ nhà mình nghèo vì kiếp
trước vụng tu, nhân quả phải dính liền ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, dù nôn
nóng cũng không ích lợi gì. Tuy nhiên thầy nói đến chùa chỉ để tu phước thôi
thì uổng lắm vì phước báu hữu lậu không vững bền. Phải lo tu huệ mới là phần
chính yếu.
Nghe sao lạ tai, Kim Loan hỏi ngay:
- Tu huệ là gì hả mẹ?
- Tu huệ nghĩa là học hỏi giáo lý để
phân biệt chánh tà, phá trừ vô minh và tiến tới sự giải thoát. Người có trí tuệ
thấu rõ chân lý của muôn sự vật, biết cảnh đời giả tạm, mạng sống vô thường nên
lòng không sinh tham đắm, nhờ không ham muốn gì nên không đau khổ, dù sống
trong cảnh nghèo, họ vẫn vui vẻ an nhiên. Thầy giảng nhiều lắm, mẹ không nhớ hết,
nhưng nhớ phần nào mẹ chiêm nghiệm lại thấy phần nấy và thấy đúng lắm con ạ...
Loan nín thinh, nghĩ ngợi: “nghèo, khổ
quá chừng, làm sao vui nổi!....
Cái nghèo ám ảnh Kim Loan suốt cả thời
thơ ấu. Đầu óc cô chỉ mong tìm cách nào để thoát khỏi cảnh sống hiện tại. Người
giàu, đời sống của họ nhàn hạ, đầy đủ, sung sướng, hưởng thụ, như thế mới vui,
chứ như ông thầy tu ngày một bữa cơm tương rau đạm bạc, sớm chiều gõ mõ tụng
kinh thì có gì là sung sướng đâu!
Khi Kim Loan thi đậu bằng Trung học Đệ
nhất cấp xong là lúc phong trào đi làm sở Mỹ lên cao. Loan nghĩ học văn hóa, mượn
tiền theo học lớp Anh văn đàm thoại cấp tốc hai tháng. Nhờ người quen giới thiệu
và cũng nhờ sự lanh lợi không ngoan. Loan được vào làm sở Mỹ với chức tùy phái
chạy việc. Cũng nên nói thêm là chuyện Kim Loan đi làm sở Mỹ là cả một sự đấu
tranh quyết liệt với gia đình. Cha Loan vốn dòng dõi nho phong, bảo thủ, không
muốn con gái vào làm sở Mỹ, sợ khó tránh được sự cám dỗ của đồng tiền. Nền luân
lý Á Đông đang bị lung lay trước sức mạnh của đồng đô la Mỹ; ông sẽ không chịu
đựng nổi nếu một ngày kia con gái ông cũng phấn son lòe loẹt, ăn mặc hở hang,
thuốc lá phì phèo, cặp tay lính Mỹ đi dạo phố phường... Cả dòng họ, chú bác cô
dì sẽ nhìn vào gia đình ông với cặp mắt phê phán, bà con lối xóm sẽ xầm xì, dị
nghị....Ông nói:
- Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Danh
giá gia đình trên hết! Nếu con đem danh giá đổi lấy đồng đô la thì thà cha chịu
chết đói còn hơn!
Mẹ Loan dịu dàng hơn nhưng lý lẽ rất thực
tế:
- Ba đứa em gái của con nên hay hư là do
tấm gương của con đó! Con muốn hy sinh lo cho gia đình, đó là điều tốt, nhưng nếu
con làm điều ô nhục gia phong thì con lại trở thành một đứa con bất hiếu, cha mẹ
sẽ chẳng dám nhìn mặt bà con lối xóm nữa.
Đang khi không khí gia đình còn căn thẳng
như vậy thì một buổi chiều, trên đường đạp xe về nhà, cha Loan bị xe đụng, phải
chở vào nhà thương cứu cấp. Biến cố này làm gia đình điêu đứng và khiến Loan mạnh
dạn hơn trong quyết định của mình: phải làm ra tiền.
Chỉ sau ba tháng làm việc, Loan thanh
toán xong các món nợ nần, mẹ Loan rảnh rang không còn phải lo tiền góp ngồi góp
đứng, cha Loan nhờ đầy đủ thuốc men và thức ăn bổ dưỡng nên đã phục hồi sức khỏe,
tiếp tục đi làm như cũ. Các em Loan không còn phải nhịn ăn sáng, đứa nào cũng
được phát tiền quà trước khi đi học, hớn hở cấp sách đến trường.
Kim Loan không đẹp lắm nhưng nhờ sự lanh
lợi, duyên dáng và khéo cư xử nên được lòng mọi người trong sở. Nhân dịp cô thư
ký sắp đổi ra Vũng tàu, Loan được cử đi học đánh máy và Anh ngữ ban đêm để vài
tháng sau có đủ khả năng thay thế cô ấy. Được lên chức, lương tăng gấp đôi,
Loan mừng lắm. Nửa năm sau, mức sống gia đình cô đã khác hẳn: mẹ chơi hụi để
dành hốt chót, không cần bỏ ống heo đất nữa, cha có chiếc xe gắn máy đi làm,
các em quần áo tươm tất, ông anh thỉnh thoảng về phép thăm nhà cũng được biếu
món tiền trở về đơn vị.
Mẹ Loan cảm thấy như vậy quá đủ. Mỗi chủ
nhật bà nghỉ bán để đi thọ bát, sống cả ngày ở chùa, hưởng niềm vui thanh tịnh.
Cha Loan ban đầu còn lo ngại băng quơ nhưng cảm thấy con gái cũng không có gì
quá đáng nên dần dần sinh yên tâm, cùng bạn bè vui với những nước cờ cao thấp.
Bây giờ Kim Loan có thể sắm cùng một lúc
cả chục bộ đồng phục áo lam nhưng Loan không còn thích những sinh hoạt hồn
nhiên ấy nữa. Cô bắt đầu học nhảy để đi dự các buổi tiếp tân vì đây là những dịp
may, những cơ hội giúp cô tiến thân. Mặc cảm nghèo hèn thưở nhỏ luôn luôn thúc
đẩy cô phải bằng mọi cách bước lên địa vị cao sang. Lương hàng tháng đâu đáng kể
bằng những lần trúng mối áp phe. Chỉ cần khéo ngoại giao và biết điều với mấy
ông Mỹ ở P.X thì việc gì cũng xong. Dần dần, Loan trở thành tình nhân của một
viên chức Mỹ. Ban đầu Loan dấu diếm gia đình nhưng thói thường “trong nhà chưa
tỏ, ngoài ngõ đã hay”.
Chuyện này thiên hạ xầm xì tới tai mẹ,
bà buồn lắm và tìm dịp nói chuyện với con:
- Loan à! Lối xóm bắt đầu to nhỏ về con
rồi đó, mẹ chẳng hiểu sự thật thế nào nhưng dạo này mẹ thấy con đi về giờ giấc
thất thương lắm. Có khi cả tuần mẹ chỉ gặp con vài ba tiếng đồng hồ thôi, con
đi lu bù....
Loan lanh miệng chận lời mẹ:
- Thôi đi mẹ ơi, hơi nào mà nghe dư luận.
Họ có nuôi mình đâu! Tại họ thấy mình khấm khá họ ghét nên nói xấu mình đấy
thôi....
Dư luận không nuôi mình nhưng lại có thể
giết cuộc sống yên ổn bình thường của mình đó con ạ!
Loan lảng sang chuyện khác:
- Con định bàn với ba mẹ về việc dời
nhà. Con định mua một căn nhà khang trang rộng rãi hơn ở vùng yên tịnh chứ ở
đây đông đúc ồn ào quá. Càng đông người càng sinh nhiều chuyện.
Ba mẹ ở đây hơn hai mươi năm rồi, tình
bà con lối xóm rất thân, xóm này lại hiền, không có nạn cao bồi du đãng, mẹ
không muốn dọn đi nơi khác....
Kim Loan làm thinh nhưng trong lòng cảm
thấy khó chịu. Loan muốn thay đổi bộ mặt bên ngoài của gia đình để có thể gia
nhập vào thế giới của những người giàu sang, như con sâu được hóa bướm chứ cư
ngụ trong xóm bình dân này mãi thì làm sao bôi xóa được gốc gác của mình.
Loan đề nghị thêm:
- Hay là mẹ nghỉ bán bún riêu đi, bán cực
nhọc lắm, mà mẹ thì ngày càng yếu. Con có thể lo cho gia đình đủ mọi thứ, bây
giờ con giàu rồi.
Lời nói của Loan vô tình chạm tới nỗi
đau của bậc làm cha mẹ. Hai ông bà đều có cảm giác rằng lúc sau này đồng tiền của
Loan mang về hình như không phải là tiền lương kiếm bằng mồ hôi, bằng sự khó nhọc
của Loan. Tại sao chỉ mới một năm thôi mà trong nhà đầy những tủ lạnh, máy hát,
tivi, bàn ghế sa lông mới tinh: còn thức ăn và trái cây Mỹ thì nhà chẳng thiếu
món gì. Loan mặc toàn y phục thời trang đắt tiền, lái xe Honda mới tinh. Các em
Loan cũng đầy những quần Jean, áo thun ngoại quốc, áo đầm đủ kiểu.
Cha mẹ Loan không phải là loại người ham
tiền, chỉ cần đủ ăn không thiếu nợ là ông bà mừng rồi.... Ông bà chỉ thích sống
cuộc đời thanh bạch đơn sơ mà được mọi người thương yêu kính nể vì danh dự uy
tín của mình. Nay bỗng dưng phải nhờ vả con mà biết con mình đã và đang làm những
việc mờ ám để kiếm tiền, ông bà lâm vào tình trạng khó xử. Muốn rầy con mạnh mẽ
như thưở nào, ông bà không thể làm được vì Loan được nắm quyền chi xuất cho cả
gia đình, mặc nhiên Loan được coi như trụ cột của gia đình. Loan tập cho các em
nếp sống hưởng thụ xa hoa nên ông bà không còn đủ sức cung cấp cho các con được
nữa. Tiếp tục gánh nổi bún riêu ra chợ bán để tự trấn an rằng mình sống bằng đồng
tiền chánh đáng do mình làm ra thì bị các bạn hàng chợ nói gần nói xa, nói bóng
nói gió khiến bà khó chịu.
Gia đình tự nhiên chia làm hai phe: hai
vợ chồng già như hai cây cổ thụ cằn cỗi đứng cô đơn trước cơn bão tố của đời sống
vật chất xa hoa, còn Loan và các em như những con thiêu thân cứ muốn tắm mình
trong ánh sáng quyến rũ của văn minh hưởng thụ mà không cần biết đến sự nguy hại
lớn lao của nó. Không khí gia đình vì vậy sinh ra ngột ngạt khó chịu.
Một lúc sau, bà mẹ mới cất tiếng:
- Con gánh vác cho gia đình bao nhiêu đó
đủ rồi.... Giờ là lúc con phải nghĩ tới tương lai của con, hãy kiếm người bạn
trăm năm xứng đáng, hãy nghĩ tới chuyện hôn nhân.
Đề nghị của mẹ khiến Loan bối rối. Một
là Loan chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề đó, lúc nào Loan cũng chỉ lo làm ra tiền
vì cho rằng tiền bạc mới là nguồn hạnh phúc của con người. Hai là ở xã hội Việt
Nam thời đó, một người con gái trót giao du thân mật với Mỹ kiều thì khó trở lại
được với đời sống êm đềm của người nội trợ bên người chồng đứng đắn, đàng
hoàng.
Mặc cảm nghèo hèn thưở nhỏ chưa xóa nhòa
giờ lại thêm một mặc cảm khác trong Loan, tuy còn mơ hồ nhưng cũng khá ray rức:
làm sao tính chuyện hôn nhân? Ngay cả tính chuyện hôn nhân với Mỹ kiều – dĩ nhiên
là với viên chức có địa vị - đã là khó vì đa số đều đã có gia đình tại bản xứ,
họ đến đây công tác thời gian ngắn rồi trở về với vợ con. Còn với thanh niên Việt
Nam con nhà gia giáo lại còn khó hơn nữa vì hình như một bức tường vô hình nào
đó đã ngăn cách Loan với họ từ lâu rồi.
Loan cảm thấy nhức đầu. Cuộc sống không
giản dị như Loan tưởng. Hễ được cái này thì mất cái kia! Chưa đầy hai mươi mà
Loan phải đối phó với quá nhiều vấn đề. Loan che miệng ngáp:
- Con mệt quá, con đi ngủ mẹ ạ!
J J J
Những ngày tháng 4 năm 1975, Sàigon lên
cơn sốt nặng. Mọi sinh hoạt đều khẩn trương và hàng triệu trái tim cơ hồ như muốn
ngừng đập vì lo sợ những biến chuyến nhanh chóng của lịch sử. Ông nhân tình Mỹ
đã lên phi cơ về nước không kịp từ giã Loan. Kim Loan nhận rõ tình thế nguy ngập
nên suốt tuần lễ bỏ ăn quên ngủ để xin được giấy nhập cảnh cho cả gia đình. Bây
giờ đã là 20 tháng 4, bộ đội cộng sản đang tiến dần về phương Nam.
Cầm giấy nhập cảnh trong tay như báu vật
vô giá, Loan trở về hối thúc gia đình lo chuẩn bị đi tản. Nghe nói được đi Mỹ
các em Loan mừng rỡ tưởng như sắp được đến xứ “cây vàng trái bạc” nơi đó ai
cũng giàu có, nhàn rỗi và có đủ mọi thú vui trên đời.
Cha Loan thì do dự: sợ cộng sản thì cũng
sợ vậy nhưng bỏ xứ ra đi là một niềm đau đớn. Hồi trước, từ miền Bắc di cư vào
Nam. Tuy lạ phong thổ nhưng rồi cũng còn là đồng bào với nhau, còn cùng chung lịch
sử, ngôn ngữ, tập quán, vậy mà ông vẫn tơ tưởng nhớ nhung Hà Nội 36 phố phường,
còn bây giờ thì.....
Mẹ Loan giản dị hơn:
- Các con ở đâu thì mẹ ở đó, nhưng mẹ chỉ
bằng lòng đi khi nào anh Bằng của các con về đây cùng đi chung. Mẹ không thể
nào bỏ nó lại đây một mình.
Thế là Loan chạy đôn chạy đáo khắp nơi để
kêu anh về nhưng bây giờ đơn vị nào cũng cấm quân tại chỗ, Loan đành bất lực
thôi. Mẹ khóc bù lu bù loa như nhà có đám tang làm lòng Loan rối bời, may mà một
ngày trước khi lên phi cơ, Loan bắt được tin anh nhắn về, hẹn sẽ gặp nhau tại đảo
Guam vì mọi người Việt Nam di tản đều sẽ tập trung tại đây.
Mỗi người chỉ mang được cái xắc tay nhỏ,
ngồi chen chúc nhau trên chiếc máy bay quân sự, mặt ai cũng lộ vẻ đăm chiêu.
Loan nhìn lại thành phố Sàigon lần cuối, lòng mênh mang buồn. Ai dè chuyện đời
biến chuyển đột ngột và ác liệt đến thế! Mấy năm nay Loan gánh chịu búa rìu dư
luận cốt chỉ để làm giàu, bao nhiêu tiền bạc đều bỏ vào nhà băng sinh lợi, nay
bỗng thành mây khói. Gia tài còn lại chỉ vỏn vẹn vài món tư trang....Những ngày
sống ở đảo chờ định cư thật rảnh rang. Mẹ có dịp gần gũi Loan nhiều hơn. Biết
con buồn, bà thường khuyên lơn an ủi:
- Con mới di cư một lần chưa quen chứ cảnh
xảy ra những hai lần trong đời mẹ rồi. Còn người còn của con à, hơi đâu mà buồn.
Riêng mẹ, mẹ không tiếc gì cả, Phật dạy rằng: “đời là vô thường, không có chi tồn
tại mãi được”. Bởi vậy mẹ chẳng ham làm giàu. Tiền bạc chỉ cần đủ sống thôi, có
nhiều tiền không hẳn là hạnh phúc, mà cũng không chắc gì mình giữ nó được.
Được dịp, bà nhắc khéo con:
- Ba mẹ quan niệm rằng ở đời sống sao
cho không thẹn với người, không xấu hổ với lương tâm thì tâm hồn được yên ổn,
đó là hạnh phúc rồi. Càng sống giản dị càng hạnh phúc con ạ. Chứ một khi mình
khởi tâm ham muốn rồi chẳng thể dừng lại vì hễ được cái này xong là mong có
thêm cái khác, cứ như phải trèo dốc núi mà đi, cực khổ song chẳng dừng chân được.
Tội chi chạy theo những thứ phù phiếm đó, ‘như dã tràng se cát biển Đông, nhọc
lòng mà chẳng nên công cán gì”.
Mẹ càng nói. Loan càng thấm thía. Nhờ có
trải qua rồi Loan mới thức tỉnh và công nhận mẹ có lý. Loan tự nhủ: “mình phải
làm lại cuộc đời mới nơi môi trường này”.
Được định cư tại Florida, vùng khí hậu ấm
áp ven biển, ba mẹ Loan mừng lắm. Mướn được căn nhà ba phòng có sân chung quanh
khá rộng, cả nhà đều vừa ý.
Ba vui vẻ, nhìn cây đào trước ngõ, nói:
- Thế là xuân về mình được ngắm hoa đào
đấy nhé!
Mẹ thì thích cây xoài ở sân sau:
- Ông xem, ai dè xứ này cũng có xoài. Thật
quý hóa, còn đòi hỏi gì hơn!
Loan bây giờ có thêm anh Bằng bên cạnh để
cùng lo cho gia đình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của người bảo trợ, ba và anh Bằng
được làm việc ở cây xăng, Loan khá tiếng Anh và nhanh nhẹn, được nhận làm chiêu
đãi viên nhà hàng. Mẹ ở nhà lo việc nội trợ, còn bốn người con nhỏ tiếp tục cấp
sách đến trường.
Ba mẹ vui lòng thấy Loan trở lại cuộc sống
lành mạnh, Bằng khỏi đi lính xa nhà và các cô cậu học sinh đều tỏ ra siêng
năng. Hai ông bà mừng thầm: “Nhờ hồng phúc tổ tiên, các con mình cũng còn
ngoan. Chỉ sợ chúng quen thói sống hưởng thụ ngày trước rồi sinh ra biếng lười,
chùn bước trước những khó khăn...
Bốn năm sau, người em kế Loan – Kim Yến
– tốt nghiệp ngành y tá và có việc làm tại địa phương; cậu em út bắt đầu vào Đại
học. Kim Yến tánh sôi nổi nhiệt tình và có nhiều bạn. Thấy chị mình từ dạo sang
Mỹ đến nay cứ rút mình trong sự trầm lặng cô đơn, Yến luôn luôn tìm cách giúp
chị lấy lại phong độ trẻ trung ngày xưa, nhưng Loan vẫn lừng khừng thế nào ấy....
Yến đâu hiểu được rằng từ nơi sâu thẳm của tâm tư Loan, mặc cảm nghèo nàn thời
thơ ấu tuy không còn nữa nhưng mặc cảm tội lỗi của thời gian sống buông thả vẫn
còn đeo đẳng dày vò khiến Loan trở nên nhút nhát và sợ bạn bè, sợ đám đông. Mẹ
hiểu được điều ấy. Nhưng giải tỏa mặc cảm của một người không phải là chuyện dễ
dàng. Mặc cảm là một sự ám ảnh, một nghiệp lực chi phối tư tưởng và hành động của
con người một cách mãnh liệt. Người sống với mặc cảm như một kẻ mộng du, họ
cũng đi đứng nói năng mà thật ra không có một chút ý thức nào về hành động của
mình.
J J J
Loan chợt cảm thấy lạnh, cô trở vào nhà.
Ba Loan đang vén bức màn ngắm cây đào trước sân. Thấy cô, ông vui vẻ nói:
- Cây đào năm nay có nhiều nụ hơn năm
ngoái, chắc nhà mình sắp có tin vui.
Hiểu ý cha, Loan mỉm cười rồi im lặng đi
xuống bếp. Thấy mẹ đang đãi đậu, Loan đến gần hỏi:
- Hôm nay sao mẹ làm cơm sớm thế? Mà mẹ
định làm món gì?
- Mẹ làm món bánh xèo cho cậu Nhân cùng
ăn trưa với gia đình ta.
Loan làm thinh nghĩ ngợi: “Nhân được lòng
cả nhà, Nhân hoàn toàn quá, nhưng chính vì sự hoàn toàn ấy mà mình ngại ngùng.
Phải chi Nhân chỉ là một anh chàng thư ký, một y tá điều dưỡng thì mình sẵn
sàng....Mình đâu có xứng đáng với ai, huống hồ chi Nhân lại là một bác sĩ y
khoa...
Loan buột miệng nói:
- Nếu anh Nhân cầu hôn Yến thì tốt hơn mẹ
nhỉ?
Mẹ mắng yêu:
- Cậu Nhân cảm con sao lại hỏi Yến cho
được? “ruộng ai thì nấy đắp bờ, duyên ai nấy gặp”, con à! Mẹ nghĩ theo luật nhân
quả của nhà Phật, trước đây con đã hy sinh, lo lắng cho gia đình, bây giờ là
lúc con được hưởng quả phúc đấy.
- Nhưng con sợ....
Mẹ hiểu ý Loan nên đỡ lời:
- Người ta chỉ sợ khi nào người ta cố
tình che giấu, như cây kim trong bọc thế nào cũng có ngày lòi ra. Trái lại, nếu
con thẳng thắn trình bày mọi sự.
Loan cúi đầu:
- Thưa me, con đã kể hết cho anh ấy nghe
rồi.
Thế cậu ấy nói sao?
- Anh ấy bảo: quá khứ là chuyện đã qua,
anh không cần biết biết đến, anh chỉ thương cô Loan của hiện tại thôi.
Mẹ mau mắn tiếp lời:
- Phải rồi! Thầy cũng đã dạy rằng: quá
khứ không còn nữa, tương lai thì chưa đến, chúng ta thì nên sống trọn vẹn với
hiện tại thôi. Bám víu vào quá khứ dễ sinh ra mặc cảm, hoặc là tự tôn, hoặc là
tự ti. Còn mãi nghĩ về tương lai, mình dễ sinh sợ hãi, sự sợ hãi rất vô lý, do
tưởng tượng mà ra.
Loan ôm vai mẹ nói đùa:
- Mẹ nói triết lý hay thế!
Nhưng mẹ nghiêm giọng không nói đùa:
- Đó là lời dạy, mẹ nhớ rõ và áp dụng
trong đời sống hàng ngày, bởi vậy
ba mẹ sống rất thoải mái, ít lo âu, sầu
muộn.
Loan có vẻ suy nghĩ. Cô ngẩng nhìn mảnh
trời trong qua khung cửa sổ và nhủ thầm: Bấy lâu nay tự mình đã đánh mất mùa
xuân!
Bỗng có tiếng chuông. Và khi Loan mở cửa,
một bó hoa hồng tươi thắm được trao tận tay nàng. Loan nhìn tấm danh thiếp, khẽ
đọc: “Mong ước sao mỗi ngày có mỗi nụ hoa nở trong tâm hồn Loan cho mùa xuân
còn mãi”