Đám cưới của Kim Loan và Nhân được tổ chức
thật tưng bừng. Theo ý kiến của Loan, hai người chọn ngày lễ Độc lập của Mỹ để
làm ngày đám cưới vì trong ngày đó, dân chúng được quyền đốt pháo. Loan muốn
lúc rước dâu, pháo phải được nổ giòn tan như Tết. Ba Loan chìu con, nối những
phong pháo vào nhau thành một dây dài đến ba thước, treo sẵn trên nhánh cây sồi
trước sân nhà; rồi tự tay ông trang trí bảng “Vu Quy” với hình đôi loan phượng
chầu mỏ vào nhau, ngậm chữ vu quy vàng ánh kết bằng hoa vạn thọ.
Ngày cưới, xe đàng trai đậu ở đàng xa,
phái đoàn đi hàng một, ôm những mâm lễ vật có phủ vải đỏ. Hai phù rể đi trước;
người bưng mâm đựng đôi đèn lễ, người bưng mâm rượu tây. Kế đó là chú rể trịnh
trọng bưng khay nữ trang sính lễ. Theo sau là những mâm heo quay, xôi gấc, trái
cây và bánh cưới. Đàng trai toàn là giới trẻ; người đại diện chủ hôn cũng chỉ
trạc tuổi bốn mươi là cùng, ông là bạn cũ của chú rể ở tiểu bang khác bay sang.
Tất cả người thân trong gia đình Nhân đều còn ở Việt Nam; người cha già, cậu em
trai và cô em gái út mà ngày xưa Nhân rất cưng chìu. Sự thiếu vắng thân tộc họ
hàng trong ngày vui là một sự trống trải lớn trong tâm hồn Nhân, nhưng chàng
cũng được phần nào an ủi vì từ đây chàng chính thức gia nhập vào gia đình Loan,
một gia đình vui vẻ hạnh phúc mà trong đó ai cũng thật lòng yêu mến Nhân.
Sống trong một xã hội “cá nhân chủ
nghĩa” mà lòng Nhân luôn mơ tưởng một đại gia đình mà trong đó có ông bà cha mẹ
con cháu quây quần đầm ấm bên nhau. Xa nhà đi du học đã lâu, nỗi khát khao đó
càng ngày nung nấu trong lòng Nhân. Sau biến cố 30 tháng 4, chàng hy vọng gia
đình cũng di tản sang đây để cùng nhau sum họp, nhưng sự thật không dễ dàng như
vậy. Vì cha chàng trước đây cũng có thời gian tham gia nội các giữ chức vụ bộ
trưởng cho nên chỉ sau một tuần Cộng sản nắm quyền, họ đến nhà vào lúc nửa đêm
áp giải ông đi học tập cải tạo, mặc dù ông đã già va đã rút lui khỏi chính trường
năm năm về trước. Bây giờ đã hơn sáu năm trôi qua mà cha chàng còn biền biệt
nơi rừng xanh núi thẳm, sức khỏe ngày một yếu mòn. Giấy tờ bảo lãnh gia đình
chàng đã lo xong và gửi về Việt Nam cho các em nhưng xuất cảnh xin hoài mà chẳng
được; mà các em cũng không tha thiết lắm trong việc ra đi vì không ai muốn để
cha già chịu khổ một mình, mặc dù cô em út đã tình nguyện ở lại để thăm nuôi
cha hàng tháng.....
Mãi thả hồn về dĩ vãng, Nhân không hay
bàn thờ đã lên đèn và người chủ hôn đã trình sính lễ. Chàng nhìn quanh: phòng
khách hôm nay rực rỡ hẳn lên với đèn treo hoa kết và mọi người đều im lặng chờ
cô dâu bước ra, mặc ai cũng lộ vẻ hân hoan pha lẫn một chút gì trang trọng.
Minh, người bạn thân phù rể thúc nhẹ vào hông Nhân khi thấy bức màn trúc khẽ
lay động và cô dâu rụt rè bước ra. Cô dâu Loan hôm nay trông thật lộng lẫy
trong chiếc áo dài gấm màu hoàng yến, đầu đội khăn vành dây, chân đi hài nhung
trắng có đính cườm và hạt trai, tay ôm bó hoa hồng đỏ thắm.
Mặc dầu khách hôm nay đều toàn là nhưng người họ hàng cùng bạn bè quen biết
nhưng chẳng hiểu sao Loan cũng cảm thấy hồi hộp, lo ngại đến nỗi cô chỉ dám cúi
đầu, không dám liếc nhìn chú rể cũng ăn vận rất thanh lịch: bộ vest trắng, áo
đuôi tôm có đính nụ hoa hồng trước ngực. Hai người chầm chậm tiến đến phía trước
bàn thờ làm lễ gia tiên, trầm hương tỏa ra khắp nhà.... Máy quay phim, máy ảnh
thi nhau làm việc.
Sau đó cô dâu chú rể mời rượu và lễ cha
mẹ. Cha Loan cảm động đỡ con và rể đứng lên, ông cầm tay Loan và ân cần nói:
- Con gái của ba. Con xứng đáng được hưởng
hạnh phúc. Con đã lo lắng chu toàn mọi bổn phận đối với cha mẹ và anh em. Từ
đây con bắt đầu cuộc đời mới vơi những bổn phận mới. Cha chúc hai con mãi mãi hạnh
phúc bên nhau.
Mẹ Loan cũng không cầm được giọt lẹ sung
sướng, bà tiếp lời:
- Con yêu của mẹ, hãy tận hưởng những gì
con đang có, đó là phước đức của con. Nhưng con cũng đừng quên bổn phận đối với
gia đình bên chồng. Thời con gái con ở với cha mẹ, con đã thương yêu chăm sóc mọi
người trong nhà như thế nào thì bây giờ đối với bên chồng con cũng nên cư xử
như vậy. Hãy xứng đáng là người vợ hiền, dâu thảo. Được như thế, hạnh phúc của
con sẽ vẹn toàn.
Loan bỗng òa lên khóc nức nở và quỳ xuống
ôm chầm lấy mẹ. Nàng khóc vì cảm động trước những lời dạy dỗ đầy ân tình của
cha mẹ và cũng chợt ý thức rằng chỉ trông chốc lát nữa thôi, nàng sẽ phải xa
cha mẹ anh em và rời mái nhà thân thuộc này.
Nhân cũng xúc động không kém. Chàng nhìn
cha mẹ vợ với đôi mắt thán phục: ông bà đã dạy dỗ con cái chu đáo quá! Chính những
mẫu người này đã duy trì nét đẹp của nền luân lý Á Đông trên đất Mỹ.
Nhân khẽ dìu Loan đứng lên, rút khăn chặm
nước mắt cho nàng và nói đùa một câu thật nhỏ chỉ đủ cho một mình Loan nghe:
- May nhờ anh thuộc câu thơ: “khấp như
thiếu nữ vu quy nhật” nên anh thủ sẵn cái khăn này trong túi áo đó em!
Nghe nói, Loan cũng muốn bật cười nhưng
cố gượng lại. Nhân có tài pha trò thật hay và có thể thay đổi hẳn bầu không khí
buồn tẻ hay sầu thảm thành sự vui vẻ bình thường.
Kim Yến, em Loan, rất tinh mắt. Cô tiếp
tay ông anh rể phá tan bầu không khí này ngay:
- Yêu cầu các máy ảnh ngưng hoạt động trong
chốc lát để cô dâu thoa lại tí phấn hồng!
Mọi người cười rộ lên. Và ngay sau đó,
ngững chai Champagne được khui, nút bung nổ “bốc bốc” thật vui tai. Quan khách
hai họ ngồi dùng bánh uống rượu. Tiệc buổi tối đã đặt sẵn cỗ nhà hàng, hai mươi
lăm bàn cho tất cả bà con và bạn bè.
Đúng giờ rước dâu, ông chủ hôn bên đàng
trai chững chạc đứng lên xin phép đón dâu, nói đôi lời cảm ơn và cáo từ. Ngoài
sân, cậu út đã canh sẵn, châm ngòi dây pháo ngay khi cô dâu chú rể bước ra khỏi
cửa. Tiếng pháo nổ giòn tan, khói pháo tỏa đầy sân và xác pháo hồng vung vải
lên tóc, trên áo cô dâu chú rể như những lời chúc tốt lành.
Hai bên đường, có nhiều người Mỹ đứng
nhìn đám cưới, thậm chí những xe đang chạy cũng ngừng lại xem. Đám cướic Việt
Nam đối với họ thật đẹp mắt và tiếng pháo nổ trong ngày vu quy làm vui nhộn cả
đường phố. Tiếng pháo kỷ niệm ngày độc lập của Mỹ từ đây cũng là kỷ niệm ngày
cưới của Loan, ngày nàng được bước chân vào ngưỡng của hạnh phúc, không còn
bóng đen của dĩ vãng quấy rầy và ám ảnh nữa.
¯ ¯ ¯
Kim Loan đang sống những ngày thật an
vui, thật sung sướng bên người chồng lý tưởng. Loan ưng làm vợ Nhân không phải
vì chức vụ bác sĩ, cũng không phải vì dáng dấp thanh tao lịch sự của chàng. Ở
Nhân, nàng tìm được sự nương tựa, sự vỗ về an ủi. Với đức tính độ lượng khoan
dung. Nhân dễ thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác; thánh chàng lại
giản dị cởi mở và nụ cười thường nở trên môi nên ở gần Nhân, Loan dần dần lấy lại
niềm tin tưởng yêu đời.
Một tháng sau ngày cưới, hai vợ chồng
mua một căn nhà mới xây thật rộng, nằm ở lưng chừng đồi, cảnh trí đẹp đẽ nên
thơ, Nhân nói:
- Anh sẽ hoàn toàn hạnh phúc nếu gia
đình anh đều được qua đây, cùng chung sống dưới một mái nhà. Không khí của gia
đình em làm anh thèm thuồng quá! Tội nghiệp cha anh, già cả rồi mà chưa yên
thân.
Loan không biết nói gì để an ủi Nhân,
nàng đánh lãng sang chuyện khác:
Nhà này đến bốn phòng, đôi khi em thấy rộng
quá!
- Bây giờ em thấy rộng chứ cừng gia đình
sang đây là vừa đủ chỗ đó em!
Lúc nào Nhân cũng nghĩ tưởng đến gia
đình ở Việt Nam và hy vọng ngày đoàn tụ. Đó là điều làm Loan nghĩ ngợi và lo
âu: không biết Nhân yêu mình bằng yêu gia đình cảu Nhân không?
Có lần Loan điện thoại về Mẹ:
- Mẹ à! Mẹ có khỏe không? Ba con và các
em vẫn thường chứ? Con nhớ nhà rồi, cuối tuần vợ chồng con về thăm nhà; mẹ nấu bún thang cho con ăn nhé! Con phải học
nấu ăn mẹ ạ, con nấu chưa vừa miệng nhà con.
Mẹ mắng yêu:
- Trước đám cưới mẹ đã bảo thế mà con cứ
thối thác mãi; ở đâu cũng vậy, người phụ
nữ phải khéo léo trong việc bếp núc, nhà cửa thì mới giữ chân chồng được.
Loan ngập ngừng:
- Giữ chân chồng con thì dễ chứ, giữ tâm
hồn mới khó mẹ ạ!
- Con nói thế nghĩa là sao?
Hình như ảnh yêu con có một nửa, còn một
nửa tâm hồn ảnh để bên Việt Nam, lúc ảnh cũng nhắc kỷ niệm Việt Nam, ngày náo ảnh
cũng mong thư nhà, đôi khi con cảm thấy bực ghê... Hồi ảnh theo con, ảnh đâu có
thế.
Mẹ biết con không kiềm chế được tánh ích
kỷ ghen tương của người phụ nữ thường tình. Bà ôn tồn nói:
- Cây có cội, nước có nguồn con ạ. Đứa
nào biết lo nghĩ cho gia đình, đứa ấy mới có tình nghĩa thủy chung. Chồng con
như thế, con mừng mới phải, sao con lại trách nó?
Ngưng giọng một tí, bà lại nói tiếp:
- Hồi trước nó không thố lộ tình cảm gia
đình với con vì con chưa là vợ nó. Bây giờ, con là người thân yêu duy nhất bên
cạnh nên Nhân cần con hiểu biết để cùng chia sẻ những buồn vui, như vậy tình vợ
chồng mới mặn nồng khắng khít hơn.... Con nghĩ lại xem, nếu là vợ chồng mà mạnh
ai nấy sống, không ai biết đến những nỗi vui buồn hay lo nghĩ của nhau thì tuy
là mang tiếng lập gia đình mà hai người ấy đều cảm thấy cô đơn. Những cặp ấy sớm
muộn gì cũng tan rã. À, mẹ mới nghe cuốn băng giảng của thầy; thầy giảng về
tình thương hay lắm. Để mẹ bảo ba thâu sẵn cho con một bản, cuối tuần con sang
chơi rồi mang về luôn.
Loan vốn rất phục mẹ về sự hiểu biết của
bà đối với Phật giáo. Nào ai biết được trong dáng vẻ quê mùa mộc mạc ấy mà bà lại
có kiến thức sâu sắc về khá nhiều vấn đề. Đối với bà, đạo với đời vốn không
hai, và đạo không phải là mớ lý thuyết suông nằm trong sách vở, lại càng không
phải là tín ngưỡng dựa trên sự cầu nguyện, van xin. Những gì bà học được trong
kinh sách, trong các bài giảng, bà thường đem áp dụng vào đời sống. Càng áp dụng,
bà càng thấy rõ sự mầu nhiệm của giáo lý nhà Phật, và khi có dịp, bà giúp đỡ
người chung quang rất hữu hiệu bằng những lời khuyên nhủ rất sáng suốt, hợp lý
của bà; mà những lời khuyên ấy dựa trên căn bản của Phật Pháp.
Loan nghe mẹ nói thầy giảng về tình
thương thì thắc mắc ngay:
- Con nghe tục ngữ có câu: “Tu là cội phúc, tình là giây oan”. Sao
thầy không bác bỏ tình cảm yêu thương mà lại còn giảng về vấn đề ấy?.
Con chưa hiểu nên nói thế, chứ đạo Phật
có bao giờ bác bỏ tình cảm của con người đâu! Chúng sanh là sinh vật hữu tình
chứ đâu phải là gỗ đá vô tri. Người đi tu không phải là người muốn diệt bỏ hết
mọi cảm giác, mọi ý tưởng và tình cảm để ngồi yên như pho tượng gỗ con ạ! Tu là
sửa, là chuyển hóa. Sửa đổi tư tưởng sai lầm thành sự thấy biết chơn chánh;
chuyển đổi tình cảm vị kỷ thành tình cảm vị tha, chuyển đau khổ thành an lạc
thì mới gọi là tu chứ!
Loan vẫn chưa chịu thua, hỏi tiếp:
- Thế tình thương mà thầy giảng đó, có
phải là tình yêu trai gái, vợ chồng không?
Mẹ biết Loan gài mình vào thế bí, nhưng
bà vẫn mỉm cười, nói tiếp:
- Từ tình cảm thiêng liêng như tình mẹ
con, tình cốt nhục đến tình vợ chồng, thậm chí đến tình yêu trai gái...tất cả
tình cảnh ấy đều không sai khác trên căn bản, trên điểm xuất phát của nó vì làm
người, ai cũng có nhu cầu thương yêu. Nhưng có người khi yêu rồi thì cảm thấy đau
khổ và đồng thời làm cho người yêu của mình bị khổ lây. Trái lại, người biết
cách yêu thương, họ sẽ cả thấy sung sướng khi trái tim được rộng mở và biết làm
cho người yêu của họ được hạnh phúc, vui tươi.
Loan vẫn còn thắc mắc:
- Cùng là yêu cả mà sao có người bị khổ
đau, có người được hạnh phúc.
- Khổ đau hay hạnh phúc là tùy theo cách
yêu của mình. Ví dụ như mẹ yêu mà muốn con phải hoàn toàn thuộc về mẹ; mẹ không
cho con có những sở thích riêng tư, lại cấm đoán mọi giao tiếp của con vì mẹ
ghen với bạn bè của con; mỗi ngày mẹ âu yếm hôn lên trán con mà không cần biết
đến những ý nghĩ, tình cảm hay sự mơ ước nào trong tâm hồn con thì con có vui vẻ
trong tình yêu của mẹ chăng?
Loan tinh ý biết mẹ muốn nhắc khéo mình
trong vấn đề tình cảm vợ chồng, đừng nên chiếm hữu Nhân một cách ích kỷ mà hãy
cùng chàng chia sẻ những buồn vui, những ước mơ, hoài vọng....
Từ ngày bé Việt ra đời, Loan mới thực sự
yên tâm vì thấy chồng mình có vẻ phấn khởi hơn trong cuộc sống và hình như nỗi nhớ
nhà cũng tạm thời phôi phai. Nhân yêu con vô cùng; cái cười, cái khóc của bé,
Nhân đều thấy dễ thương. Chàng thường thủ sẵn máy hình để chụp nhiều bức ảnh rất
ư độc đáo: bé ngáp này, bé đang ị này....rồi cẩn thận dán vào quyển album nhật
ký của bé; hễ có bạn bè tới là mang ra khoe, làm như chỉ có bé Việt mới biết
làm như vậy.
Các bạn thông cảm anh “cha già con muộn”
của Nhân nên cũng rối rít khen cho Nhân vui:
- Cháu có tướng tốt đấy nhé! Trán cao
thông minh học giỏi, tai Phật vừa sống lâu vừa có hậu.
- Cháu khóc có tiếng thì tốt phổi đấy!
- Cháu cười trông có duyên tệ!
Nhân sung sướng đón nhận những lời khen ấy
nhưng trong thâm tâm, chàng chưa thấy ai “gãi đúng chỗ ngứa” của chàng mà khen
rằng: cháu giống ông nội của cháu đến thế!
Mà thật vậy, gửi hình Việt về gia đình,
cả nhà đều hân hoan và công nhận bé Việt giống ông quá! Điều đó làm Nhân ấm
lòng và xoa dịu được nỗi nhớ nhung.
Loan thấy Nhân vui, lòng nàng cũng sung
sướng. Cho đến bây giờ nàng mới cảm nhận mối liên hệ gắn bó trong tình chồng
nghĩa vợ: nàng không thể vui riêng một mình nếu Nhân còn ôm nỗi buồn sâu kín
trong tâm.
Từ ngày làm vợ Nhân, Loan thường tỏ ra rất
xứng đáng; tuy chồng có địa vị cao trong xã hội, nhà cửa đẹp khang trang mà
nàng không đua đòi chưng diện, cũng không thích giao du bè bạn hội hè; cả ngày ở
nhà lo dọn dẹp sạch sẽ, hết việc trong nhà lại đến ngoài sân; vườn rau, hoa kiểng,
mỗi thứ đều vén khéo.
Lúc chưa sinh bé Việt nàng lại dùng thì
giờ đọc sách, những quyển sách có giá trị do chính tay Nhân chọn mua để giúp
nàng mở rộng kiến thức phổ thông. Mỗi cuối tuần, hai vợ chồng thường lái xe về
thăm gia đình. Trong lúc Nhân hầu bố vợ đôi ván cờ là lúc Loan xuống bếp học nấu
ăn và tíu tít tâm sự cùng mẹ, cùng các em.
Nhìn mẫu mực và cách sống đơn giản của
Loan hiện nay, đâu ai dám nghĩ rằng đã có thời gian Loan sống phóng túng để chạy
theo đồng tiền! Đến khi bé Việt ra đời. Loan là một người mẹ hiền, yêu thương
và chăm sóc con thật chu đáo.
Nhân thường khen vợ:
- Anh may mắn mới có được người vợ như
em; em cho anh hạnh phúc nhiều hơn anh mơ tuởng!
Loan sung sướng ngã đầu lên vai chồng:
- Chính anh mới là người mang hạnh phúc
đến cho đời em!
Bé Việt vừa tròn một tuổi thì Loan sinh
bé Nam. Thấy vợ chồng Loan sản xuất nhanh, các bạn trêu:
- Một đứa thì sợ nó buồn bèn sinh thêm đứa
nữa cho có bạn. Hai đứa lại đánh nhau, phải sinh thêm đứa thứ ba để can
gián.... Cứ thể mà tiến lên cho đủ tiểu đội phải không bạn?
Gần đến ngày đầy tháng của bé Nam, hai
tin vui đến cùng một lúc; Nhân được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện; thư nhà lại
báo tin cha Nhân đã được trả tự do, gia đình lo đón cha về.
Vợ chồng Loan hớn hở, bàn nhau sẽ làm tiệc
lớn đãi bà con bạn bè nhân ngày đầy tháng của bé, đồng thời cũng để mừng các
tin vui.
Khi Loan hí hửng điện thoại cho mẹ để
báo tin dự định ấy của hai vợ chồng, thì mẹ trả lời:
- Nếu vợ chồng con muốn thiết tiệc để ăn
mừng việc thăng quan tiến chức thì mẹ không dám phản đối vì đó là lệ thường xưa
nay; nhưng nhớ tránh việc sát sinh hại vật để làm món ăn ngon miệng. Ăn vào
chưa thấy béo bổ mà đã thấy tổn phước của mình rồi.
Còn ngày đầy tháng của bé Nam, tốt hơn hết
chỉ nên cúng hoa quả xôi chè! Làm các món ăn mặn rồi chén chú chén anh chỉ tội
nghiệp cho đứa trẻ, ấy là người lớn làm rồi đổ tội cho nó đấy thôi. Con nghĩ xem
có phải thế không?
Ngưng một giây, bà nói tiếp:
- Bố chồng con vừa khỏi cảnh tù tội, như
thế nên mừng cụ đã trả nghiệp xong. Chuyện cần thiết phải làm là lo vấn đề sức
khỏe của cụ; phục hồi sức khỏe người già không phải là chuyện dễ dàng đâu. Bày
vẽ chuyện ăn mừng cho cụ, mẹ chẳng thấy những không ích lợi gì mà còn vô tình
gây tạo thêm nghiệp khác cho cụ đấy thôi.
Loan nghe mẹ giảng một hồi, chỉ biết làm
thinh. May mà lúc đó có tiếng con khóc, nàng xin mẹ ngưng cuộc đối thoại.
Buổi chiều Nhân đi làm về, chờ chồng ăn
uống nghỉ ngơi một lúc, nàng mới thỏ thẻ:
- Anh à, sáng nay em vừa nói chuyện với
mẹ. Em có nói chúng mình định mở tiệc ăn mừng nhưng mẹ không muốn mình đãi rượu
thịt trong ngày đầy tháng của bé Nam vì làm vậy tổn phước cho con.
- Mẹ hiểu đạo nên mới khuyên chúng ta
tránh làm những điều sai lầm. Mình phải nghe lời mẹ. Anh quý mẹ lắm!
Loan cảm thấy hãnh diện và nàng cũng muốn
“lấy điểm” với Nhân. Nàng nhắc chồng:
- Anh nhớ gửi tiền về Việt Nam ngay để
gia đình có đủ phương tiện chăm lo sức khỏe cho ba.
Nhân cúi xuống hôn con rồi âu yếm trả lời
vợ:
- Em chu đáo quá!
Lời khen của Nhân bỗng nhiên làm Loan thấy
ngượng. Đôi khi nàng cũng không biết con người thật của mình ra sao? Tốt hay xấu?
Lúc còn ở Việt nam nàng đã từng hy sinh tuổi mộng mơ để mong làm giàu; đồng tiền
đối với nàng thời đó là chiếc đũa thần xóa tan cảnh nghèo túng của gia đình nên
nàng rất trọng vọng tiền bạc. Rồi thời cuộc làm nàng trở lại trắng tay khiến
nàng như được ai đánh thức, bàng hoàng tỉnh mộng giàu sang vì ôm giữ bạc tiền
như nắm cát trong tay. Nhưng tỉnh rồi lại mê. Sống ở Mỹ, trong xứ sở của tiện
nghi vật chất, Loan lại thấy đồng tiền có sức mạnh vô song. Ở xứ này mà không
có đủ tiền để thanh toán nợ nần hàng tháng là một đại họa. Hồi mới qua Mỹ, Loan
đi làm chiêu đãi viên nhà hàng, đồng lương không được là bao, mỗi ngày chỉ
trông cậy vào tiền “típ” của khách. Muốn được khách thưởng khá, nàng phải nói
cười luôn miệng và nhanh nhẩu đôi chân. Sau khi tiệm đóng cửa, Loan về đến nhà
thì đã gần nửa đêm; tuy miệt đừ nhưng cũng rán đếm tiền rồi cất vào hộp, để
dành cuối tháng trả tiền mướn nhà và tiền góp xe. Cuộc sống cứ y như là kéo cày
trả nợ! Càng ham muốn, càng mua sắm thì nợ càng nhiều; có người phải đi làm
hai, ba chỗ để có đủ tiền thanh toán các món nợ trả góp.
Đến khi về làm vợ Nhân, nhờ lương chồng
khá cao, Loan không còn phải chắt chiu từng đồng như trước nhưng nàng vẫn mong
có dư tiền kha khá để hàng năm trả bớt món nợ nhà. Thiếu ngân hàng những hai
trăm ngàn, Loan cứ phập phồng, lo sợ vẫn vơ, rủi Nhân có bề nào chắc ngân hàng
chủ nợ tống cổ mẹ con nàng ra khỏi cửa!
Tánh Loan lo xa và dè xẻn trong công việc
chi tiêu nhưng ngược lại, Nhân ăn xài rộng rãi, rất tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ
những người bạn nghèo, lại còn gửi tiền thường xuyên về Việt nam cho gia đình;
lúc một ngàn khi hai ngàn....Loan tiếc của nhưng phải bấm bụng làm thinh vì
Nhân là người làm ra tiền, Loan chỉ ở nhà nội trợ, có kiếm vào được đồng nào
đâu!
Bây giờ cha chồng mới được trả tự do,
Loan biết thế nào Nhân cũng gửi tiền về cho cha nên nhanh miệng, nhắc trước để
Nhân thấy nàng cũng biết săn sóc ông già chồng, vậy lời đó có xuất phát từ lòng
hiếu thảo thực sự của nàng dâu không? Loan không dám nghĩ tiếp vì tự cảm thấy hổ
thầm.
Trong lúc Loan nghĩ ngợi vẩn vơ như thế
thì Nhân đã bé con đến gần nàng từ lúc nào:
- Em xem, bé Nam càng lớn càng giống bé
Việt, cả hai đều giống ông nội, nội sẽ cưng lắm đấy!
- Anh nói thế! Bộ không giống thì nội
không cưng sao?
Nhân cười:
- À há! Anh lẩm cẩm thật!
Thấy vợ vui, Nhân tiếp luôn:
- Anh định bàn với em kỳ này mình gửi tiền
về kha khá để lo thuốc men cho ba.
Loan cố giữ giọng bình tĩnh, hỏi thật nhẹ
nhàng:
- Thế anh định gửi bao nhiêu?
- Chắc khoảng ba ngàn.
Người ta bảo đồng tiền là núm ruột, quả
thật không ngoa. Loan nghe chồng tính gửi ba ngàn, ruột nàng cơ hồ bị thắt lại
vì đấy là một phần ba số tiền trong trương mục tiết kiệm! Nhưng đã trót đóng
vai dâu thảo, nàng đâu dám phát biểu ý kiến gì khác. Loan đành gật đầu:
- Anh tính sao cũng được?
Rồi nàng tiếp thêm, như tự nhắc nhở mình:
- Miễn anh vui là em vui!
Nhân vô tâm, chàng đâu biết được những ý
nghĩ lộn xộn trong đầu óc vợ. Chàng hôm trán Loan rồi trao con cho nàng:
- Em bế con, anh sang phòng Việt thăm
con ngủ nghê ra sao rồi anh còn phải chuẩn bị bài nói chuyện cho buổi họp ngày
mai.
Nhân đã bước ra khỏi phòng, Loan còn ngồi
yên thẩn thờ. Vừa tiếc tiền, vừa nghĩ tới viễn cảnh cả gia đình chồng sang đây ở
chung nhà với mình làm Loan khổ sở vô cùng. Nàng phải làm dâu à? Ngay trên đất
Mỹ này? Lúc thiếu thời, đi làm sở Mỹ, quen sống phóng túng, rồi lại ở trên đất
Mỹ gần tám năm nay, Loan cũng tiêm nhiễm khá nhiều nếp sống tự do của người Âu
Mỹ, nàng thấy khó ép mình trong cảnh làm dâu, gò bó trong khuôn khổ nhà chồng!
“Ai cũng bảo mình lấy Nhân là có phúc lớn, nhưng có biết đâu rồi đây cái khổ
cũng to lắm!”. Loan tự nghĩ thầm như vậy và tự
nhiên thấy buồn.
¯ ¯ ¯
Buổi chiều màu hạ, trời thật oi nồng.
Mây đen vần vũ ở chân trời từ từ theo những cơn trốt lan rộgn ra che lấp cả bầu
trời, báo hiếu cơn mưa giông sắp đến Loan đang với tay đóng kín cửa sổ chợt
nghe xe chồng về.
Loan ra mở cửa cho Nhân định hỏi “sao
hôm nay anh vê sớm thế?” nhưng chỉ đứng lặng im, lo lắng nhìn chồng. Mặt Nhân
nhợt nhạt, tóc tai rũ rượi, còn đôi mắt thì đỏ ngầu, mất thần.
Loan dịu chồng vào phòng, đỡ Nhân lên
giường rồi lấy khăn thấm nước đắp lên trán chàng. Bấy giờ, nước mắt Nhân trào
ra, dàn dụa; và chàng òa lên khóc tức tưởi như trẻ thơ.
Loan ngạc nhiên, bối rối và lo sợ quá,
chẳng biết chuyện gì đã xảy ra khiến Nhân khổ sở đến chừng ấy? Ngày thường, lúc
nào Nhân cũng tỏ ra vui vẻ yêu đời, ít khi nào thấy những nét phiền muộn lộ ra trên khuôn mặt
phúc hậu của anh. Hôm nay có chuyện gì làm Nhân đau khổ đến thế? Loan kiên nhẫn
ngồi yên lặng một lúc lâu, mãi đến khi cơn tức tưởi của Nhân dịu bớt, nàng khẽ
cầm tay chồng, hỏi nhỏ:
- Anh có sao không?
Nhân khẽ lắc đầu, đôi mắt vẫn nhắm nghiền.
- Anh làm em lo quá, có chuyện gì thế
anh?
Bấy giờ Nhân mới rút trong túi ra một tờ
Fax đưa cho vợ. Loan liếc nhanh mấy dòng chữ trong thư: “Chúng em đau lòng báo
tin anh rõ: cha đã qua đời ngày....lúc...”; “tức là chỉ một tuần sau khi cha về
nhà. Vi trùng sốt rét đã xâm nhập vào gan quá lâu nên các bác sĩ vô phương cứu
chữa....”
Trong giây phút này, Loan chỉ biết có mẹ
mới giúp được vợ chồng nàng. Loan điện thoại báo tin và mời cha mẹ đến ngay.
Khi hay tin cha mẹ vợ đến, Nhân gắng gượng
đứng lên rửa mặt chải tóc rồi ra tiếp ông bà.
Quả thật những lời an ủi của ông và sự
giảng dạy của bà giúp Nhân lấy lại bình tĩnh.
Bà nói:
- Đức Phật dạy rằng: hễ có sinh thì có tử,
đó là lẽ tự nhiên không ai tránh được. Cụ ông đã ngoài bảy mươi, tuổi thọ cũng
đã khá. Cụ ngã bệnh trong thời gian ngắn rồi qua đời, ấy là nhẹ nghiệp. Tôi biết
nhiều người dở sống dở chết trong tình
trạng hoặc là hôn mê, hoặc bán thân bất toại, muốn chết mà không chết được, như
vậy mới thật là khổ. Nghiệp chưa tiêu cũng như nợ trả chưa xong, không thể dứt
ra đi. Bây giờ các con phải mang ảnh cụ đến chùa nhờ sư cô làm lễ thọ tang và
cúng thất cho cụ. Ở nhà cũng phải lập bàn thờ hương khói cho ông.
Nhân buồn quá nói:
- Cha mẹ khó nhọc nuôi con đến ngày khôn
lớn, đến nay con đã thành danh phận mà không được phụng dưỡng mẹ cha ngày nào.
Con khổ tâm vì tự nghĩ rằng con là đứa bất hiếu.
- Con hiểu chữ hiếu là thế nào? Không phải
chỉ biết phụng dưỡng lúc cha mẹ già là hiếu đâu! Ngay thưở nhỏ, con biết vâng lời,
biết lo học, biết làm cha mẹ vui lòng là đã có hiếu rồi. Đi du học một thâm nơi
xứ người mà con không sa ngã, không ham chơi lại nên danh phận rạng rỡ cả dòng
họ, ấy là con đối với gia đình, đúng là một tấm lòng vàng! Đừng để mặc cảm sai
lạc ám ảnh, con đừng tự làm khổ mình như thế.
Ngày thường cha rất ít nói, nay thấy cha
khuyên giải Nhân một cách lưu loát, Loan ngạc nhiên lắm. Trong khi cha ngồi nói
chuyện với Nhân, Loan nhờ mẹ chỉ dẫn cách lập bàn thờ. Nàng sốt sắng trong việc
tang ma bố chồng đến nỗi mẹ nàng lấy làm lạ. Bà hỏi lại:
- Con thật tình muốn tụng kinh cầu siêu
cho bố chồng con mỗi đêm, cho tới bốn mươi chín ngày chứ?
Thưa mẹ vâng, con muốn làm cho chồng con
được an tâm trong vấn đề hiếu sự.
Mẹ sẽ soạn kinh và hướng dẫn con cách sử
dụng chuông mõ. Có thể mẹ sẽ tụng với con ba ngày đầu cho con quen. Nhưng con
phải biết là tụng kinh cần phải dùng lòng chí thành tha thiết thì mới có sự cảm
ứng được.
Câu nói của mẹ làm Loan chột dạ. Nàng
cũng tự hỏi động cơ nào lại khiến mình quá sốt sắng như vậy? Có phải vì nàng cảm
động trước tấm lòng chí hiếu của Nhân nên muốn vì chồng báo hiếu? Hay là chỉ muốn
dùng hình thức nghi lễ bên ngoài để xoa dịu nỗi đau đớn của Nhân?
Nàng nghiệm xét kỹ lại lòng mình: từ nơi
sâu thẳm của “cái tôi vị kỷ”, tin cha chồng mất khiến nàng cảm thấy dễ chịu như
vừa trút được gánh nặng vì khỏi phải là dâu. Nhưng ý tưởng đó lại kèm theo sự hổ
thẹn. Càng thấy tâm tình hiếu thảo của Nhân đối với cha, nàng càng thêm hổ thẹn
cho sự ích kỷ vô tâm của mình. Có lẽ đây là lý do chánh khiến nàng muốn làm một
cái gì để chuộc tội với lương tâm...
Lời kinh kệ quả thật có sự nhiệm mầu. Chỉ
sau mấy tuần siêng năng tụng niệm. Nhân cảm thấy nỗi khổ sở vơi dần. Mặc dầu niềm
thương nỗi nhớ vẫn còn đấy nhưng lý vô thường của nhà Phật giúp chàng yên ổn
hơn.
Chàng tâm sự cùng vợ:
- Mỗi lần tụng bài sám Hồng trần là anh
muốn buông bỏ tất cả em ạ. Công danh, sự nghiệp, gia đình thân quyến rồi thì
cũng hoàn không! Mạng sống con người ngắn ngủi quá, sao mình lại phí thì giờ
cho những việc không đâu! Những vị xuất gia đi tu vậy mà sướng em nhỉ? Sống đời
đạm bạc, không tham danh vọng nên tâm hồn được thảnh thơi.
- Em cũng nghe thầy giảng rằng hễ mình
tham đắm vào cái gì thì mình khổ vì cái đó. Người không tham, không chấp thì dù
ở đâu cũng không khổ. Họ sống tại gia mà tâm hồn cũng như kẻ đã xuất gia.
Nhân tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Em cũng thường nghe băng giảng à?
Loan mỉm cười, nụ cười vừa e thẹn vừa có
hãnh diện:
- Trước kia thì không, nhưng từ khi bắt
đầu tụng kinh đến nay, tự nhiên em thích nghe giảng nên em đã mượn một số băng của mẹ về nghe.
Nhân vói tay véo nhẹ vào mũi vợ; chàng
cười, mắng yêu:
- Vợ tôi hay nhỉ, thế mà giấu chồng,
không cho chồng cùng nghe!
Loan sung sướng nhìn thấy dấu hiệu của sự
yêu đời trở về trên khuôn mặt, trong ánh mắt của Nhân, nàng âu yếm nắm tay chồng:
- Em chỉ sợ anh không có thì giờ. Nếu
anh sắp xếp được thì chúng mình sẽ cùng nghe cho có bạn. Chắc anh sẽ hiểu nhiều
hơn em, có gì thắc mắc em sẽ hỏi anh.
- Chuyện tu hành không cốt ở nghe nhiều,
biết nhiều mà quan trọng là chỗ thực hành, áp dụng để sửa đổi sự sai lầm, cố chấp
của mình thì tâm hồn mới an lạc được em à.
Có tiếng bé Việt bập bẹ kêu “ba ba”, cả
hai vợ chồng ngưng câu chuyện để nhìn con đang chập chững bước tới. Nó giở hai
cánh tay bụ bẫm lên đầu để lấy thế bước đi, vậy mà người nó cũng ngả nghiêng
như say rượu. Nhân dang tay chở con đến với ánh mắt đầy yên thương và sung sướng.
Hình ảnh ấy bắt chợt làm Loan nghĩ tới
những người em của Nhân nơi quê nhà. Họ vừa mất cha, họ cũng đang cần vợ chồng
Nhân dang tay đón chờ như thế. Tấm lòng càng mở rộng, hạnh phúc càng thênh
thàng.
“Không có sự an vui nào được xây dựng bằng
lòng ích kỷ”.
Loan tự thầm nhủ như vậy và mỉm cười.