SA MẠC CÔ ĐƠN

Tin bác Tường có tài xem bói không biết do ai tung ra mà đã làm sôi nổi cả nhóm sinh viên Phật tử ở đây. Dù biết rằng Phật tử không nên quá chú trọng vào bói toán hay tin tưởng những điều mê tín dị đoan nhưng ai cũng có vẻ náo nức chờ đợi ngày họp mặt sắp tới vào đêm trăng rằm tháng Tám để được gặp bác Tường, trưởng nhóm tu học.

Theo thường lệ, ngày rằm là ngày họp mặt cắc đạo hữu để làm lễ sám hối. Sau phần nghi thức tụng niệm là trà đàm, Pháp thoại. Buổi trà đàm trong ngày Trung thu này khá đặt biệt: có bánh dẻo, có lồng đèn và được tổ chức ngoài sân.
     
Ghế được xếp thành vòng tròn trên sân sỏi vốn là bãi đậu xe của gia đình bác Tường. Cái bàn nhỏ đặt ở chính giữa, trên có sẵn bình trà nóng, chục cái tách và ba cái dĩa bánh. Những lồng đèn xanh, vàng, tím, đỏ do mỗi người tự làm lấy được mồi nến và treo rải rác trren những cành cây. Trăng chiếu sáng trên bầu trời trong veo, gió nhẹ và mát. Khung cảnh này làm mọi người cảm thấy dễ chịu và phấn chấn.

Sau khi mọi người đã an vị, bác Tường cất lời:

- Bữa nay chúng ta ăn tết Trung thu. Ở Việt Nam, Tết Trung thu còn gọi là tết Nhi đồng vì ngày này đặt biệt là ngày vui của trẻ em.

Hội láu táu pha trò:

- Hồi nhỏ, Trung thu nào cháu cũng khóc vì lồng đèn bị cháy hoài, có vui gì đâu!
     
Tánh của Hội vẫn thế, thích pha trò, thích bông đùa nhưng không biết cách ăn nói thành ra những câu pha trò thường trở nên nhạt nhẽo, đôi khi làm cho người chung quanh khó chịu vì những lời nói đâm ngang của anh.

Ái giơ tay xin nói:

- Thưa quý vị đạo hữu, theo chương trình thì tối nay chúng ta sẽ được tự do đàm luận. Nhân đây, thay mặt cho một số anh chi em, cháu xin hỏi bác Tường một câu.

Bác Tường nhún vai, làm ra vẻ sợ hãi:

- Ôi chao, có gì quan trọng mà đạo hữu vào đề kỹ thế?

- Tụi cháu nghe đồn bác xem tướng số hay lắm nên cháu xin hỏi: trong bài ca dao “Mười thương” có câu:
Một thương tóc xõa đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Vậy xin bác cho biết nếu muốn “ăn nói mặn mà có duyên” thì mình phải tập luyện hay vì tướng mạo làm cho mình tự nhiên thành duyên dáng.
     
Thay vì trả lời, bác Tường hỏi ngược lại:

- Thế các anh chị cho rằng tướng mạo tạo ra sự duyên dáng à? Thí dụ thử xem nào!

Cả bọn nhao nhao lên:

- Má lúm đồng tiền!

- Răng khểnh!

- Mặt rổ hoa mè ăn nói có duyên!

- Còn gì nữa không? Nếu không, tôi xin phát biểu ý kiến của tôi. Người có má lúm đồng tiền và người có răng khểnh thường hay cười để khoe cái đẹp của mình phải không? Bởi vì nếu không cười, làm sao thấy má lúm đồng tiền, làm sao mình thấy cái răng của họ? Nhờ họ hay cười nên mặt mày luôn tươi tắn, ít ai thấy sự quặn quọ của họ nên khi ở gần, mình cảm thấy dễ chịu và sinh ra có cảm tình. Từ chỗ có cảm tình, họ nói chuyện mình thấy hay, thấy có duyên chứ gì?

Ái vẫn còn thắc mắc:

- Còn người mặt rổ thì sao?

- Cũng may, ở đây không ai mặt rổ hoa nên tôi dễ nói. Người bị bịnh đậu mùa, sau khi lành, trên mặt còn lưu lại rất nhiề sẹo tròn nhỏ. Rổ hoa mè là rổ dày đặc, sẹo này nằm sat sẹo kia. Người mặt rổ có lẽ tự biết mình không đẹp nên ý tứ giữ gìn lời ăn tiếng nói để gây cảm tình với người chung quanh. Có lẽ vì vậy mà khi thốt ra lời nào, lời ấy đều làm đẹp dạ mát lòng người nghe nên được khen là có duyên.
     
Kim nãy giờ ngồi im theo dõi câu chuyện. Cô cũng đồng ý rằng sự duyên dáng không phải do tướng mạo sinh ra mà do cách ăn nói dễ thương, cách bông đùa ý nhị. Chứ như Hội nhà ta, trông bề ngoài cũng lịch sự bảnh trai mà không ai chịu nói cách ăn nói cà rỡn vô duyên của anh chàng!
     
Kim và các bạn cũng thừa hiểu rằng, Ái đặt câu hỏi vừa rồi là để giúp Hội có dịp tự kiềm điểm lại lời ăn tiếng nói của mình.
     
Thấy bầu không khí đột nhiên có vẻ im lìm, bác Tường gái vói tay rót trà và chuyền mấy dĩa bánh cho anh em.
     
Bác Tường nhâm nhi miếng bánh dẻo, nhâm nhi tách trà nóng rồi vừa cười vừa hỏi:

- Các bạn có tin tướng số không?
     
Được “gãi đúng chỗ ngứa”, cả bọn trẻ đồng thanh trả lời:

- Dạ tin!

Bác gật gù:

- Tôi cũng vậy, hồi nhỏ thì tôi tin lắm và có khảo cứu về khoa tướng số khá nhiều nhưng sau năm 34 tuổi thì tôi bỏ hết, không còn chú ý gì đến tướng số nữa.

Kim lên tiếng hỏi, giọng Huế thật nhẹ nhàng:

- Vì sao có sự thay đổi như thế, thưa bác?

Bác Tường đặt tách trà xuống bàn, cười nhẹ:

- Câu này muốn trả lời cần phải có thời giờ. Nếu anh em cho phép thì buổi nói chuyện đêm nay, tôi sẽ kể sơ về cuộc đời của tôi cho các bạn nghe, gọi là chia sẻ chút kinh nghiệm bản thân.
     
Trung thu mà được quây quần bên nhau cùng ăn bánh uống trà dưới ánh trăng rằm lại còn được nghe kể chuyện xưa thì thật thú vị. Cả chục đôi mắt đều hướng về bác Tường tỏ vẻ nôn nao chờ đợi.....
     
Bác Tường là con chim đầu đàn của nhóm tu học tại đây. Ai cũng mến sự vui vẻ và phục tài biện luận cũng như công phu hành trì của bác. Hình như tâm hồn của bác là cả một mùa xuân mặc dù tuổi tác đã cao, mái tóc đã ngã màu sương tuyết.
     
Bác Tường tằng hắng lấy giọng. Ai cũng tưởng bác sẽ bắt đầu câu chuyện bằng hai tiếng “ngày xưa....” nhưng đột nhiên bác hỏi:

- Các bạn thấy tôi hiền hay dữ?

Liêm cười, trả lời:

- Cả xóm này có ai thấy bác giận bao giờ đâu, nói chi là dữ! Con ruồi, con kiến bác còn không nỡ sát hại nữa là..!

Lộc tỏ vẻ rành hơn:

- Cháu là bạn của con bác, hầu như ngày nào cháu cũng đến đây để học bài chung với Tài thế mà có bao giờ cháu nghe bác rầy la to tiếng gì với con cái đâu! Bác hiền như....
     
Nói đến đây Lộc giơ tay gãi đầu vì chưa tìm ra được chữ nào để so sánh.
Mai cười khúc khích thêm vào:

- Hiền như cục đất!

Bác gái che miệng cười trong khi bác trai lắc đầu:

- Các bạn không có tí căn bản nào về khoa xem tướng cả! Mặt mày tôi thế này mà dám bảo là hiền à?
      
Này nhé, hãy nhìn khuôn mặt của tôi xem, nó như hình vuông ấy; xương quai hàm lại bành ra, đây là mặt của võ tướng. Đôi mày thì to và xếch, đó là tướng dữ. Còn đôi mắt của tôi thưở bé như có ánh lửa vì thị lực rất mạnh. Lúc tôi mới ra trường Trừ bị Thủ Đức, tuy chỉ mang lon chuẩn úy thôi ma cấp dưới sợ tôi hơn ông Đại úy già Tiểu đoàn trường rất nhiều. Tôi quắc mắt nhìn ai là người đó run. Giọng nói của tôi thì ồ ề, tôi hét một tiếng thì người nghe phải khiếp. Lính đặt tên tôi là “ông ba mươi’ tức là ông cọp. Trán tôi lại vồ: thông minh nhưng cứng đầu. Tóc dày và cứng tua tủa: ngang bướng, không chịu thua ai. Xét về tuổi thì tôi thuộc mạng hỏa nửa chứ! Tướng và số trùng hợp tạo ra một thằng tôi hung dữ, ngang bướng và kiêu mạn lắm!

Nói đến đây, bác Tường liếc nhìn vợ, mỉm cười, tiếp:

- Gia đình tôi thuộc vào hàng nho phong lễ giáo, trót sinh ra một đứa con như tôi, cả nội tộc ngoại tộc đều lo buồn. Cha tôi thường đánh tôi mỗi khi tôi ngỗ nghịch làm trái ý người. Những trận đòn chí tử không sửa được cái nết của tôi chỉ làm cho tôi càng hung bạo.
     
Trong trường thì tôi vô lễ, ngang tàng, coi thầy giáo không ra gì; các bạn trai trong lớp tự động coi tôi như ông vua con, tôi ra lịnh gì thì bạn bè nghe theo răm rắp. Còn ở lối xóm, đứa nào lạng quạng dám tỏ vẻ khinh thị tôi (vì cha mẹ tụi nó cấm không được chơi với tôi) thì thế nào nó cũng bị u đầu hoặc gãy răng.
     
Còn mẹ tôi, bà thương tôi lắm, tôi biết vậy. Mỗi lần tôi bị đòn xong, bà ôm tôi khóc ngất và lấy dầu thoa trên những lần roi ngang dọc, sưng vù, bầm tím của tôi và hôn lên trán tôi. Nằm trong đôi cánh tay êm ái của mẹ hiền, lòng tôi như dịu lại, tôi tự hứa sẽ sửa đổi tánh nết cho mẹ tôi được vui. Nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy!
     
Khi lên Trung học, tuy bề ngoài bớt hung hăng nhưng bên trong tôi ngấm ngầm làm “chuyện lớn”. Tôi tụ họp 7, 8 đứa cũng có “máu anh hùng’ như tôi và lập ra đảng “Trừ gian diệt bạo’. Trong đầu óc non nớt của những học sinh đệ lục, đệ ngũ, chúng tôi không biết thế nào là gian, thế nào là bạo. Đảng tí hon của tôi cứ nhắm vào những thằng con trai nhà giàu làm phách mà ra tay một cách kín đáo. Thưở ấy, chúng tôi rất lấy làm tự hao về những thành tích. “Trừ gian diệt bạo” và cảm thấy mình rất là anh hùng, lại càng thích thú hơn khi nghe dư luận trong trường xôn xao vì dấu hiệu TGDB mà không biết ai là kẻ chủ mưu.
     
Có lẽ cái cảm giác tự hào làm tôi phấn khởi nên tôi bắt đầu thích học và muốn học cho giỏi. Môn nào tôi cũng gắng đứng đầu, không chịu thua ai. Năm đệ tứ, tôi được học truyện Kiều. Ai khen truyện Kiều hay thế này, thế nọ....riêng tôi, tôi như gặp được con người lý tưởng của tôi là chàng Từ Hải.
     
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tôi tự cho mình là gương mặt giống Từ Hải và tôi muốn làm chuyện lớn lao như Từ Hải để sang bằng những bất công trong xã hội.
     
Kết quả học tập xuất sắc của tôi năm đệ tứ làm cho mẹ tôi vui vẻ hài lòng và ba tôi bắt đầu an tâm. Nhưng tánh tôi kỳ khôi lắm, tôi không muốn ép mình trong khuôn khổ, mẫu mực đã định sẵn. Tôi không muốn làm người học trò ngoan để thầy cô khen ngợi, được ba tôi vuốt tóc như một đứa trẻ con và được ông nội tặng cho ít tiền thưởng. Vì thế năm đệ tam, tôi ì ra không chịu học hành gì cả.
     
Bây giờ nhóm “Trừ gian diệt bạo” của tôi chỉ còn lại ba đứa nên tôi dành thì giờ để đào tạo “mầm non” và gây dựng thành một “đảng” có tổ chức, có mục tiêu hoạt động và làm những chuyện lớn hơn. Cũng may là trong thời gian này, tôi không gây nên những chuyện táo bạo, phạm pháp.
     
Cuối năm đệ nhị, trong lúc ai nấy cặm cụi lo ôn bài để chuẩn bị kỳ thi Tú tài 1 sắp tới thì tôi lo sắp đặt kế hoạch để trị tội con trai của ông Cảnh sát trưởng. Nó học dưới tôi một lớp. Ỷ ba nó có quyền thế nên nó quậy dữ lắm. Nó cũng có một đám lâu la, đệ tử đi theo để cùng nhau chọc gái, phá xóm phá làng. Dân chúng thấp cổ bé họng, ai cũng ráng nhịn cho qua nhưng càng nhịn nó càng nghênh ngang làm tới, thậm chí vào quán ăn không trả tiền, giả say rượu để ôm ai thì ôm. Trong trường, các giám thị cũng chào thua vì ba má nó có ý binh con, không muốn nghe ai mắng vốn.
     
Tôi muốn ra tay càng sớm càng tốt nhưng mấy người bạn trong nhóm cản tôi dữ lắm. Họ nói dầu sao cũng phải lo trước đã, nếu rủi bị bắt không đi thi được, sẽ uổng một năm học. Tôi dằn lòng nhưng trong bụng nóng nảy vô cùng. Có ngờ đâu chuyện này là một khúc quanh trong đời tôi....
     
Nói đến đây, bác Tường ngưng lại. Ông với tay lấy ấm trà từ từ rót vào tách, dáng điệu ung dung. Mọi người hồi hộp, lặng thinh.
     
Hội lấm lét đưa mắt nhìn bác Tường, tự nhủ: “Ông này không phải tay vừa, vậy mà mình cà rỡn với ổng hoài, từ nay nên cẩn thậm hơn”.
     
Sau khi uống vài hớp thấm giọng, bác Tường tiếp tục câu chuyện:
Năm đó tôi thi đậu nhưng đậu vớt! kết quả vừa niêm yết là ngay ngày hôm đó, bọn chúng tôi họp nhau bàn thảo kế hoạch. Nhờ trước đây đã theo dõi một thời gian khá lâu nên tụi tôi biết tối thứ bảy nào thằng Khải cũng dẫn đào đi hóng mát ở công viên Tao Đàn, đó là thời điểm thuận lợi nhất vì không có đám lâu la của nó đi theo.
     
Tụi tôi bốn đứa ra tay hành động: kiếm chuyện giả vờ gây lộn, đánh lộn rồi dí nó vô chỗ tối, cột nó dính vô thân cây, kể tội nó rồi bẻ lọi một cánh tay gọi là cảnh cáo. Trong lúc hăng tiết, tụi tôi không để ý đến con đào của nó, nào hay cô ta chạy ra đường báo cảnh sát. Khi chúng tôi vừa làm xong “sứ mệnh” định tìm đường rút quân thì bị cảnh sát chìm, cảnh sát nổi, bao vây, bắt trọn ổ.
     
Tôi một mình đứng ra chịu tội nên ba người bạn kia được thả ra. Tôi bị giam trong bót để chờ ngày ra tòa. Bị giam khoảng hai tuần thì ba tôi đến lãnh về, do sự can thiệp của ông Quận Trưởng, vốn là bạn cũ của ba tôi.
     
Tôi về nhà hôm trước thì hôm sau ông nội tôi qua đời. Họ hàng có vẻ như đổ lỗi cho tôi, vì tôi gây chuyện xấu xa tác tệ nên ông tôi buồn mà chết. Tôi thì cho rằng cái chết là luật tự nhiên; ông tôi sống hơn 80 tuổi, ông đi là phải rồi, sống thêm chỉ khổ vì bịnh hoạn mà thôi.
     
Quyền huynh thế phụ, bác tôi trở thành người nắm quyền gia tộc, ông không cho phép tôi thọ tang ông nội. Bác nói: “Giòng dõi nhà này không có ai làm giặc cả. Mày không được chường mặt ra trong đám tang này”.
     
Đối với tôi, để tang hay không để tang chả có gì quan trọng vì đó chỉ là hình thức bên ngoài. Nhưng điều làm tôi bất bình là: bác bảo tôi làm giặc. Thế là tôi bỏ nhà ra đi, ghi tên vào trường Trừ bị Thủ đức.
     
Môi trường mới này thích hợp với tôi hơn và tôi đậu Thủ khoa trong khóa ấy. Ra trường, dù có mấy ngày phép tôi cũng không về thăm nhà. Tôi hận bác tôi nhiều hơn là nỗi nhớ mẹ.
     
Thời gian này tôi ở nhà người bạn cùng khóa, tên Hùng. Ba của Hùng rất giỏi về khoa tướng số. Ông nhìn tôi rồi nói:

- Cháu có dị tướng, sau này sẽ làm nên nghiệp lớn.
     
Tôi nghe ông nói vậy thì mát dạ, mát lòng; tự ái được hả hê thỏa mãn. Tôi xin làm đệ tử của ông và bắt đầu học hỏi, nghiên cứu về khoa tướng số từ đó. Càng tin vào tướng số hơn nữa khi nghiệp binh của tôi ngày càng lên. Tôi đánh đâu thắng đó và thường tình nguyện vào những chỗ hiểm nguy nên lập chiến công rất nhiều và lên lon thật nhanh chóng.
     
Năm 32 tuổi, tôi đã nắm một trung đoàn tác chiến trong tay, quyền uy, danh tiếng vang lừng. Bây giờ, tôi nghĩ đến việc trở về thăm gia đình sau 12 năm bặt tin, biệt dạng, tôi muốn về cho ông bác nhìn thấy uy dũng của tôi và nếu cần, sẽ thị oai với ông để rửa hận.
     
Nhưng mọi sự xảy ra không giống như tôi tưởng tượng. Khi tôi về, bác tôi đã qua đời. Cha tôi gặp lại tôi không tỏ vẻ gì mừng rỡ, ông dửng dưng như không. Mẹ tôi thì đã xuất gia đi tu 6,7 năm rồi. Chùa ở ngoại ô, cách nhà không xa lắm; thưở nhỏ tôi vẫn cùng vài đứa bạn đạp xe đến đấy hoài, để lén hái mận, bẻ xoài.
     
Chiều hôm ấy tôi tìm đến thăm mẹ tôi. Lòng tôi như ngẩn ngơ, ngơ ngẩn với bao tình cảm và ý nghĩ lộn xộn trong đầu.
     
Tôi rón rén bước vào chánh điện đang lúc mẹ tôi công phu chiều. Nhìn thấy người lặng lẽ, trang nghiêm trong chiếc y vàng, nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Lần đầu tiên tôi tự hỏi lòng: “Có phải vì tôi gây cho bà ta nhiều đau khổ nên bà đi tu chăng?”. Hồi đó, chưa hiểu đạo, tôi cứ nghĩ rằng ai chán đời hay có tâm sự gì đau khổ mới nương thân cửa Phật.
     
Tôi đứng im nghe lời kinh trầm buồn theo nhịp mõ khoan thai, thỉnh thoảng xen vào một tiếng chuông thanh thoát, dịu dàng. Những sôi nổi, những hận thù như lắng xuống trong tôi.
     
Ngước mắt lên nhìn đức Phật, tôi thấy Ngài nhủ mỉm cười với tôi, nụ cười bao dung, che chở. Cũng như Ngài, tôi không thích đi theo lối mòn có sẵn của người đời, tôi muốn sống hiên ngang, sống tự do nhưng ngài đã hoàn toàn thoát ra khỏi mọi sự buộc ràng còn tôi rốt cuộc rồi cũng lọt vô:
      Cái vòng danh lợi cong cong,
      Kẻ mong ra khỏi, người mong bước vào.
     
Ngài không cần quyền lực nhưng mọi người đều tôn kính ngài với sự thương yêu, còn tôi đi tìm quyền uy nhưng qua ánh mắt của người đối diện, tôi biết người ta ghét tôi nhiều hơn là sợ.
     
Ngài xây dựng sự nghiệp bằng sự chiến thắng lấy mình, bằng lòng yêu thương rộng mở, còn tôi, mỗi chiến công đạt được đều đổi bằng bao nhiêu máu xương và nước mắt của kẻ khác: nhất tướng công thành, vạn cốt khô.
     
Tôi đang miên man suy nghĩ thì thời kinh đã dứt. Mẹ tôi quay lại và nhìn thấy tôi. Đôi mắt của người chớp nhanh, tôi biết người đang xúc động. Trời ơi! Đôi mắt đó, chỉ trong đôi mắt đó tôi mới thấy được một bầu trời thương yêu và tha thứ! Mẹ tôi khóc và tôi không còn là một viên võ tướng hét ra lửa trên chiến trường nữa, tôi cũng cúi đầu dấu những dòng lệ nóng đang tuôn rơi....
      
Từ đó, tôi về thăm nhà thường xuyên hơn và do sự khuyên nhủ của mẹ, tôi không tỏ vẻ ương ngạnh với ba tôi nữa mà tôi còn chăm nom săn sóc người. Ba tôi nghĩ rằng tôi đã ăn năn hối lỗi nên dần dần ông cũng đổi giận làm vui.
     
Mỗi lần đến chùa thăm mẹ là tôi được vị sư trụ trì dành hơn một tiếng đồng hồ để tiếp tôi. Người giảng dạy cho tôi căn bản giáo lý Phật đà để gieo vào lòng tôi hột giống Từ bi. Còn mẹ tôi thì ban cho tôi những lời khuyên êm ái dịu dàng và cách đối nhân xử thế. Lòng tôi mở rộng để đón nhận và tôi từ từ được chuyển hóa.
     
Phải thành thật nói rằng một trong những lý do khiến tôi đến chùa rất thường là vì ở đấy, ngoài mẹ tôi ra, tôi còn xúc động vì đôi mắt bồ câu dịu hiền của một cô Phật tử thuần thành. Đó là lần đầu tiên tôi biết yêu. Nhưng điều làm tôi đau khổ là đôi mắt đó mỗi lần thấy tôi là ánh lên những tia sợ hãi. Tôi làm kinh hãi bao người dưới tay, tôi đã từng thấy những tia nhìn khiếp sợ và tôi tự lấy làm hài lòng vì quyền lực của mình. Nhưng lần này, những tia nhìn sợ hãi của con bồ câu khả ái ấy làm tôi xấu hổ. Tôi biết hình tướng của tôi trong hung bạo lắm và những việc làm hung dữ của tôi lại còn đậm ác khí trên khuôn mặt dữ dằn của tôi.
     
Bây giờ tôi chợt hiểu rằng người săn tìm quyền lực là người tự giam mình trong sa mạc cô đơn....
     
Nghe nhắc lại chuyện xưa, bác gái có vẻ xúc động. Bác nhẹ nhàng đứng lên, với lấy bình trà để có cớ đi vào trong nhà.
     
Bác Tường nhìn theo dáng vợ, không dấu được vẻ trìu mến. Ông hít một hơi thở dài rồi nói tiếp:

- Hai năm sâu, ba tôi mất vì bạo bệnh. Tôi cũng đã chán nghiệp binh nên tôi xin giải ngũ về chăm sóc cơ sở làm ăn của ba tôi. Với quan niệm sống bằng thương yêu, tôi thấy cuộc sống của mình trở nên dễ chịu và có ý nghĩa hơn. Tôi lần lần xóa bỏ được hàng rào ngăn cách giữa tôi và người chung quanh và “ông ba mươi” đã được chuyển hóa dần để trở thành.....
     
Bác Tường nói đến đây bỗng có tiếng “ách xì” thật to, cả bọn cười ồ.

Bác Tường cũng cười nói:

- Ngoài này đã lạnh rồi, thôi chúng ta vào nhà đi!
     
Mỗi người đứng lên, cầm theo cái tách của mình để nhân trà nóng của bác gái vừa pha....
     
Mọi người biết bác Tường đã chấm dứt câu chuyện ở đây nhưng ai cũng có một vài điều thắc mắc. Chờ ai nấy ăn xong miếng bánh. Hội lên tiếng liền:

- Thưa bác, tại sao bác không tiếp tục khoa tướng số nữa, bác còn tin không?
     
Bác Tường đưa tay vuốt mái tóc muối tiêu rồi đảo mắt nhìn những khuôn mặt tươi sáng yêu đời của những người bạn trẻ. Bác cất tiếng nói:

- Tin thì vẫn còn tin nhưng tôi đã quyết tâm tu hành nên không để ý đến tướng số nữa. Bởi vì nhiều lẽ: thứ nhất, nếu chấp vào đấy thì sinh ra định kiến; tướng xấu thì bị mặc cảm, thiếu tự tin, còn tướng tốt thì sinh ra ỷ lại, tự kiêu. Thứ hai, sách tướng cũng có câu rằng: “Tâm sinh tướng” và “đức thắng số” vậy mình nên nắm cái gốc, lo tu sửa tâm tánh chứ chạy theo cái ngọn làm chi!

Hoàn giơ tay xin hỏi:

- Cháu nghe người xưa nói rằng: “Núi sông dễ đổi, tâm tánh khó dời”. Vậy tại sao bác có thể tự sửa đổi đễ trở thành một con người hoàn toàn khác xưa?
     
Bác Tường gật gù tỏ vẻ khen người khéo đặt câu chất vấn, bác ôn tồn nói:

- Tôi không phải là tài giỏi gì mà có thể tự làm được chuyện khó làm ấy, phải công nhận rằng ngoài ý chí ra, tôi còn được nhiều trợ duyên: một là hạt giống Từ Bi mà nhà sư gieo vào tâm não tôi đã bắt đầu nảy mầm; hai là tình thương lai láng của mẹ tôi; ba là sự tha thứ của ba tôi - nói riêng - của bà con chòm xóm-nói chung; bốn là tình yêu. Tình yêu là một động lực mạnh mẽ vô cùng.

Nói đến đây, bác nheo mắt nhìn vợ, pha trò:

- Phải vậy không bà?
     
Bác gái mắc cỡ, nguýt chồng một cái là cả bọn có dịp cười vui vẻ, thoải mái. Hạnh phúc lan tỏa làm ấm cả gian phòng.

Bây giờ Tài, con bác mới cất tiếng hỏi:

- Thưa ba, qua câu chuyện, con thấy ba có vẻ hối hận đã đi vào binh nghiệp và cho rằng vì nghề lính mà ba đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Vậy những người bị động viên đi lính hoặc những người chiến đấu cho lý tưởng thì sao?

- Tội phước, thiện ác đều do một cái tâm này tạo ra, không phải do nơi hành động. Xưa, vào đời Trần, đạo Phật là quốc giáo vậy mà Vua và Nhân dân đều phải cầm gươm đuổi giặc ngoại xâm. Tuy giết hàng ngàn sinh linh mà vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông vẫn có thể tu hành và đạt đạo.
     
Trong bài “hịch tướng sĩ”, Nguyễn Trãi cũng đã xác định lập trường này: “đạo nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì trừ bạo”. Vì cứu dân mà ra tay trừ kẻ bạo tàn thì đó là hành động nhân nghĩa, còn vì háo danh, vì địa vị quyền lợi mà hăng hái xông pha để gây chiến công thì đó là việc làm trái với đạo Từ Bi. Một bên là lòng vị tha, nhân đức, một đằng là sự ích kỷ hiếu chiến tuy rằng hành động thể hiện bên ngoài không khác nhau.

Tài hỏi thêm, có ý binh vực cho cha:

- Thế còn lúc nhỏ, ba đã “trừ gian diệt bạo” thì sao?

Bác Tường cười xòa:

- Thật ra lúc đó ba cũng chỉ muốn làm người hùng, muốn chỉ huy người khác mà thôi!
     
Thấy buổi nói chuyện đã kéo dài, bác Tường kết thúc buổi họp:

- Vô tình mà đêm nay tôi đã sám hối được với tất cả các đạo hữu. Kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với các bạn là: càng sống vị kỷ mình càng khổ đau, càng kiêu căng mình càng dễ làm bậy. Nếu mình không mở rộng cửa lòng, không gieo rắc tình thương thì chung quanh mình không có bóng mát, mình sống trong sa mạc cô đơn. Địa ngục đó coi....vậy mà khủng khiếp lắm; bị nhốt trong đó mình có thể hóa thành điên dại, nhờ kịp thời thức tỉnh và biết cách tự giải thoát nên tôi được hưởng an lạc, hạnh phúc. Tội từ tâm khỏi, đem tâm sám là vậy.
     
Các bạn trẻ đứng lên chuẩn bị ra về, bây giờ bác gái mới lên tiếng:

- Chúng ta hồi hướng chứ!
     
Mọi người đều đứng nghiêm trang, chấp tay sen búp, cất giọng trầm đều:

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.