Tôi đang thơ thẩn ở sau vườn nhà để tìm
ý viết bài Vu Lan thì có ông bạn đạo vong niên tới chơi. Người ta thường nói;
tuổi già sinh khó tính và hay quạu quọ nhưng trường hợp của bác Tường thật khác
hẳn. Tính bác vui vẻ yêu đời, hay đùa, thường nói chuyện tiếu. Bác đi tới đâu
là đem sự vui vẻ và tiếng cười dòn giã đến đấy.
Nhưng ai cũng ngại nhìn đôi mắt sáng quắc
ẩn dưới đôi lông mày to và dầy đã đổi thành màu xám tro của bác. Đôi mắt ấy có
thể soi thấu tâm can của người đang có tâm sự gì, đang lo nghĩ gì, buồn vui ra
sao.... Bởi vậy mấy sinh viên Phật tử thường rỉ tai nhau: “Chắc bác Tường có
tha tâm thông rồi; bác tu Thiền cao lắm đó...”
Riêng tôi, tôi cũng sợ bác lắm, sợ mà phục
vì bác thường nửa đùa nửa thật tìm cách đốn bỏ sở chấp của tôi hoài...
- Chào cô giáo, cô đang tìm vần thơ đấy
à?
- Dạ, cháu đang thơ thẩn ấy mà!
- Thế cô giáo chuẩn bị gì cho Vu Lan
chưa?
Tôi ngẩng nhìn bác, hơi mỉm cười:
- Cháu có ý này cũng định hỏi bác xem có
được không.... Theo cháu nghĩ, tháng bảy này ngoài phần chuẩn bị nghi thức cho
lễ Vu Lan như thường lệ, chúng ta sẽ dành tất cả thì giờ để pháp thoại về vấn đề
Giải đảo huyền. Theo cháu nghĩ thì từ ngữ Vu Lan thường không được hiểu tường tận
lắm, nhiều người chỉ đơn giản cho rằng Vu Lan là ngày của mẹ, là ngày được cài
hoa hồng lên áo, thế thôi.
Bác Tường cười, mắt bác nheo lại một
cách tinh nghịch:
- Thế cô giáo định giúp cho người ta hiểu
thêm gì?
Tuy biết bác có ý châm chọc vào sở tri
kiến của mình, tôi vẫn làm ra vẻ thản nhiên đáp:
- Ít ra người Phật tử cũng nên biết rằng
Vu Lan nguyên tiếng Phạn là Ullambara (O-lam-ba-ra) dịch nghĩa là cứu nạn treo
ngược. Chẳng những mình lo cứu nạn treo ngược cho Cửu Huyền thất tổ, cho cha mẹ
quá vãng ở cõi âm mà chúng ta còn phải ý thức rằng chúng ta cũng đang bị treo
ngược ở cõi dương gian này.
Bác Tường cất tiếng cười ha hả, tỏ vẻ
thích thú lắm; bác khen:
- Hay! Hay! Lần đầu tiên tôi nghe cô
giáo nói điều đó! Chúng ta đang bị treo ngược cả mà!
Thừa thắng xông lên, tôi nói tiếp:
- Chứ bác nghĩ xem, mình nhìn vấn đề chi
cũng ngược ngạo vì thiếu chánh kiến và vì thiếu chánh kiến nên sinh ra phiền
não đủ thứ, đau khổ quá nhiều, có khác chi những âm hồn đang bị treo ngược ở
cõi âm ty đâu!
Bác Tường ngồi xuống một khúc cây sồi.
Cây này đã được đốn từ năm ngoái, tôi giữ lại các khúc to để làm ghế ngồi thiên
nhiên ở sân sau. Bác làm ra vẻ nghiêm nghị, nói:
- Cô nói vụ treo ngược làm tôi nhớ lại
hai điềm chiêm bao. Một lần, tôi thấy mình đi tới một cảnh giới lạ lắm, ở đó
con người nhỏ xíu và người ta nhìn cái gì cũng ngược cả. Như khi tôi đưa ra cái
ly bảo họ vẽ, họ vẽ cái ly úp xuống, tôi lại bảo họ vẽ hình tôi, họ vẽ cái đầu ở
dưới đất còn đôi chân lên trời.... Tôi buồn cười quá, cười to lên bèn tỉnh thức
dậy. Chập sau ngủ tiếp, tôi lại thấy mình như bay bổng trên mây, tôi mất thăng
bằng phải tự quay đầu xuống đất để mong dùng sức nặng kéo mình trở xuống thì thấy
có mấy người bay chung quanh tôi, họ nhìn tôi mà cười. Tôi xấu hổ đến nỗi sinh
tức ra giận và cơn giận làm tôi tỉnh giấc mơ kỳ cục đó. Cô thông minh, tôi nhờ
cô giải thích giùm hai chuyện lạ đời ấy.
Nói chuyện với bác Tường, tôi phải luôn
luôn thủ thế, bác hay gài bẫy cho tôi lọt vô tròng rồi bác làm tỉnh để tôi tự
thẹn thầm. Lần này tôi không muốn dính vô chuyện lôi thôi nào cả để đầu óc rảnh
rang lo tính chương trình Vu Lan. Tôi cười nói:
- Bác còn để ý chi đến chuyện trong mộng!
Đời đã là cơn mơ dài mình chưa tỉnh được, sao lại phí thì giờ bàn chuyện trong
mơ!
Bị lên lớp như thế mà bác vẫn tỉnh bơ.
Bác điềm nhiên nói:
- Mới nhờ cô có một chút mà đã bị giảng
rồi, vậy mà tôi gọi cô là cô giáo thì nhiều lúc lại bị cô cự nự.
- Thôi mà bác, cái nghề cô giáo cháu đã
để lại bên Việt Nam rồi, qua đây chữ nghĩa không có, cháu còn dám dạy dỗ ai.
Hay là bác dùng chữ giáo để ám chỉ rằng cháu bị vướng vào giáo pháp ngôn từ nhiều
quá nên còn cách nẻo thiền quá xa?
Bác Tường lắc đầu lia lịa:
- Chả dám, chả dám! Tôi mỗi ngày tự xét
mình còn chưa đủ, nào dám xét nét ai.....
- Mà thôi, chúng ta nói chuyện khác đi!
Tôi trông sắc diện cô mấy lúc gần đây kém tươi. Có phải cô vẫn còn bận tâm vì đứa
cháu cứng đầu cứng cổ của cô chăng?
Quả thật danh bất hư truyền, tôi nhủ thầm
trong bụng như thế rồi nhìn bác với đôi mắt thán phục. Ở vùng này chỉ có bác là
người bạn duy nhất để tôi tâm sự những vui buồn với tất cả sự thành thật.
Tôi nói, giọng chán chường:
- Bác ơi, nó vẫn chứng nào tật nấy, khó
có thể sửa đổi được. Cháu tự hỏi: sự lười biếng, bừa bãi và ham chơi quá độ khiến
nó trở thành ích kỷ vô trách nhiệm vốn đã bẩm sinh? Mỗi ngày, nó chỉ dùng 15
phút để tắm rửa thôi, số thì giờ còn lại là để ăn, ngủ, coi tivi, xem phim, và
đi chơi game. Bác tưởng tượng xem, nó có thể chơi game liên tục 12 tiếng đồng hồ,
vậy mà ăn cơm rồi nhờ rửa chén cũng vờ quên.
Năm nay nó 21 tuổi rồi mà quần áo nó
cháu cũng phải lo. Giặt sấy xong, không có thì giờ xếp, cháu để tạm trên giường
nó, đến tối nó nằm luôn trên đống quần áo mà ngủ, ai thấy cũng lắc đầu.....
Điều cháu lo sợ là tính buông thả ham
chơi như vậy, khi vào Đại học nó sẽ chẳng quen cố gắng, nó sẽ bị đào thải. Má
nó ở Việt nam gửi nó cho cháu lo, cháu cố gắng hết sức mà chả hy vọng gì cho
tương lai của nó cả. Mỗi lần nghĩ tới nó là cháu buồn khổ, tức tối như bị đeo
đá nặng trên lưng.
Có lẽ thấy tôi bị chìm lún vào sự phiền
não, bác đùa:
- Cô thí dụ như thế chưa đúng đâu, phải
nói là như bị treo ngược!
Câu nói đùa đúng lúc của bác làm tôi giật
mình. Phải rồi, mình đang bị treo ngược đây mà!
- Đúng thế! Bác ví rất chính xác. Nhưng
sợi dây nào treo cháu lên vậy, bác làm ơn phân tích giùm cháu đi!
Bác Tường gật gù, ra vẻ đắn đo:
- Mà cô sẵn sàng nghe không nào? Lời thật
mất lòng đấy nhé!
- Cháu là Phật tử mà, đâu lẽ để cho tự
ái vặt nổi lên che lấp trí huệ sao?
- Người xưa nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” nghĩa là đối trước sự việc gì cũng phải
nên tự trách mình trước khi trách người.
Bây giờ dẹp đứa cháu qua một bên, cô hãy
tự nghĩ xem cái gì đã làm cô đau khổ? Có phải khuôn mẫu, nề nếp, mẫu mực của
nhà giáo đã khắc sâu vào tâm não và ảnh hưởng đến tất cả lề lối sinh hoạt của
cô không? Cô muốn cái gì chung quanh cô cũng phải ngăn nắp, thứ tự, mọi người
trong nhà đều phải biết, tôn trọng giờ giấc như cô; ai cũng phải biết trách nhiệm
của mình, biết lo lắng tương lai, biết tôn trọng uy tín danh dự như cô? Phải vậy
không?
Cô đã và đang làm những điều đó, cô lại
muốn những người thân thuộc cũng theo khuôn khổ đó. Họ làm đúng như vậy thì cô
vui, ai làm ngược lại thì cô thất vọng, cô đau khổ, phải vậy không?
- Nhưng những điều cháu mong muốn đó, có
cái gì sai đâu?
Bác Tường lắc đầu:
- Cô đừng luận bàn về sự đúng sai, thiện
ác nữa. Càng phân biệt, cô càng đau khổ nhiều vì khi đã chấp vào cái đúng của
mình rồi cô sẽ khó thoát ra khỏi sở chấp của mình, mà không thoát khỏi sự chấp
trước thì đừng mong thoát khỏi vòng dây oan nghiệt đang treo ngược mình, cô ạ!
Thấy tôi im lặng có vẻ chịu nghe, bác tiếp:
- Tôi hiểu tâm tư và ý nguyện của cô; cô
muốn làm những việc lợi tha, cô muốn giúp đỡ mọi người cùng tiến lên.
Nhưng tôi nhớ lời Phật thuyết rằng: “Nếu tự mình bị trói mà mở trói được cho người
thì chẳng có chỗ đúng. Nếu tự mình chẳng bị trói thì mới có thể mở trói cho người.
Vì thế Bồ Tát chẳng nên có sự trói buộc.”
- Vậy làm sao để thoát khỏi sự trói buộc,
thưa bác?
Bác Tường nhìn lên nhánh cây sồi, bác
giơ tay chỉ tôi xem một con chim chào mào lông đỏ đang đậu trên cành rỉa lông:
- Cô thấy chú chim ấy không? Trông chú
có vẻ thoải mái, tự do quá nhỉ?
- Dạ vâng!
- Cô biết tại sao chú chim ấy được tự do
không?
- Tại vì chú ấy biết bay, chú không bị
nhốt trong lồng, chú không bị ai ràng buột cả.
Bác Tường nheo nheo đôi mắt:
- Cô nói đúng có một nửa thôi! Đâu cô
quan sát kỹ hơn chút nữa xem! Cô thấy cành cây mà chú chim đang đậu đó mát mẽ
không? Ở đầu cành cây lại treo sẵn thức ăn, nước uống. Chú chim ấy có đầy đủ cả
nhưng chú không bị mọi thứ lạc thú cột chân lại trên cành cây này. Chú chỉ dừng
nơi đây trong chốc lát rồi chú bay lượn khắp nơi.....
Tôi bỗng cảm thấy mình như được sáng mắt
ra. Tôi buột miệng nói:
- “Ưng
vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm!
Bác Tường gật đầu:
- Đúng vậy, đừng trụ vào đâu cả, tâm sẽ
được tự tại. Đối với tôi, cái lý ấy không xa lạ gì nhưng cần phải biết áp dụng
vào đời sống thì mới hưởng được sự lợi lạc của nó.
Đa số Phật tử chúng ta hễ gặp đau khổ
thì khóc than, kể lể, phàn nàn mà không nhớ rằng Phật là đấng Y Sư tuyệt luân,
Ngài cho chúng ta không biết bao nhiêu toa thuốc trị bệnh mà có ai nhớ đem ra
dùng đâu! Thuốc có sẵn mà cứ ngồi đó ôm bụng than đau, nếu tôi là Phật chắc tôi
sẽ tức giận lắm đó!
Tôi cười giòn:
- Bác đùa thế chứ đã là Phật thì còn sân
si gì nữa!
Cả hai bác cháu cùng cười to làm chú
chim giật mình, cất cánh bay thẳng lên bầu trời xanh lơ....
Tôi cảm thấy nỗi sầu vơi đi đuợc một nửa
nhưng vẫn còn cái đó vuớng bận trong tâm, tôi thành thật bày tỏ:
- Bác chỉ cho cháu thấy đuợc cái mối gút
của vòng dây phiền não rồi nhưng cháu cũng chưa biết làm sao để tự mở trói cho
mình. Bác đã làm ơn, xin làm ơn cho trót....
Bác Tuờng khiêm tốn nói:
- Chuyện nguời thì sáng, chuyện mình thì
quáng. Tôi tuy thấy chỗ trói buộc của cô nhưng chắc là không thấy được vòng dây
nào đang trói buộc mình.....
Vấn đề của cô, truớc tiên phải tập luyện
sự bình tĩnh, có bình tĩnh cô mới sáng suốt được trong các quyết định của mình.
Đừng vì sự tức giận nhứt thời mà....
Tôi tiếp lời bác:
- Bác nói đúng, có khi giận quá, cháu muốn
đuổi nó ra khỏi nhà để nó tự lo lấy thân may ra nó biết được chút trách nhiệm
nào đối với bản thân. Suốt mùa hè nó như con ve, cứ ăn chơi và ngủ thôi, chúa
lười.
- Ậy, ậy...cô đừng nổi nóng! Cô nghe tôi
hỏi này: cô có còn thương thằng cháu cứng đầu của cô không?
Tôi thành thật đáp:
- Lúc nó còn nhỏ thì thương, bây giờ thì thấy ghét thôi!
- Đó cô thấy không, thương và ghét tuy
là hai trạng thái đối lập nhau vậy mà chúng ta lại có thể hoán đổi cho nhau: thương thành ghét, ghét
thành thương.....
Thiện và ác cũng thế. Cô nghĩ mình là
hoàn hảo, là thiện nhưng cô chấp vào cái tốt cái hay của mình để khinh ghét người
khác vì cho họ xấu xa tệ hại thì điều đó sẽ làm mất thiện tâm của mình. Thiện
tâm không còn thì ác tâm khởi dậy, nó sẽ xui cô làm những điều không đúng, thế
là thiện đổi thành ác lúc nào cô cũng không hay biết được....
Ghét thương, tốt xấu, thiện ác v.v.. đó
chỉ là những sự phân biệt tuơng đối. Phải thoát ra khỏi sự buộc ràng tương đối
đó mình mới tự do, mới sáng suốt.
Tôi sót ruột vì những lý lẽ đó tôi rành
quá rồi, tôi không muốn nghe lập lại nữa. Tôi nói:
- Xin bác dạy cho cháu một cách cụ thể
hơn, làm sao để cháu có thể sống chung hoà bình với nó được?
Bác Tường khoát tay:
- Từ từ thong thả nào.... Này nhé, nếu gạt
bỏ sự đúng sai, tốt xấu ra khỏi vấn đề này, cô có công nhận rằng tất cả chỉ là
thói quen chăng? Cô có thói quen thế này, thế này.... Cháu cô nó có thói quen
thế kia, thế kia.... Cô muốn nó bỏ những thói quen của nó để bắt chước theo cô,
nó không làm hay chưa làm đuợc, cô sinh phiền não....
Cô nên hiểu rằng thói quen rất khó sửa,
như tôi chẳng hạn, muốn bỏ thuốc lá, cai ba, bốn lần rồi rốt cuộc đâu cũng hoàn
đấy.
Nói xong, bác lại chép miệng, từ từ rút
trong túi áo ra bao thuốc lá, lấy một điếu, mồi lửa, rồi đưa lên miệng hít một
hơi dài, ngẩng đầu phà khói lên không ..... Chập sau, bác tiếp:
Công bình mà nói, giữa cô và cháu, tôi
cho rằng cháu bị đau khổ hơn cô nhiều. Cô không bị ai ép buộc làm điều cô không
thích làm, cô không bị ai bắt cô phải sửa đổi thói quen, cách sống này nọ; tức
là cô không bị một áp lực nào từ bên ngoài. Còn cháu nó, nó vừa phải chống trả
thói quen của nó, vừa phải đối phó với những áp lực, những biện pháp của cô đưa
ra.... Nó chịu đựng sự đau khổ gấp hai, gấp ba lần cô ma cô đâu có biết....
Tánh tôi vốn dễ mủi lòng, mới nghe bác
nói vậy mà tôi đã rơm rớm nuớc mắt. Bác nhìn tôi rồi nói, giọng từ tốn, thân
tình như cha dạy con:
- Phải hiểu biết mới thật sự thương yêu.
Đặt mình vào hoàn cảnh của đứa nhỏ, cô sẽ thấy tình thương tràn ngập. Chính
tình thương của cô mới có thể giúp đứa trẻ chuyển hoá lần lần đuợc. Lòng từ ái
có năng lực mầu nhiệm vô cùng, cô thử thí nghiệm xem!
Tôi nhắm mắt lại để cảm nhận một cách rõ
ràng dòng suối từ bi đang tuới mát tâm hồi tôi và ngọn lửa nóng phiền não tự
nhiên tàn rụi từ lúc nào.
Khi tôi mở mắt ra thì bác Tường đã đứng
lên chuẩn bị ra về. Tôi lúng túng định tìm lời để cảm ơn thì bác đã nói:
- Thôi cảm ơn cô nhé! Giờ tôi phải về.
Tôi ngạc nhiên:
- Cháu chưa kịp cảm ơn bác thì bác đã cảm
ơn cháu, tạo sao thế?
- Tôi cảm ơn cô vì hai lý do: thứ nhất,
cô đã chịu khó ngồi nghe ông già lẩm cẩm
này, mình nói mà có nguời nghe thì thú vị lắm chứ; thứ hai, nhờ tâm sự của cô
mà tôi hiểu được ý nghĩa hai giấc mơ lạ lùng của tôi.....
Nói xong bác lẳng lặng ra về. Tôi biết
tánh ông khi nói về là ông về, không ai cầm chân ông đuợc.
Bác Tường về rồi mà tôi còn ngồi im suy
nghĩ: tấm sự mình có dính líu gì đến hai giấc mơ ông đã kể nhỉ?.... Mãi một lúc
sau tôi mới nghiệm ra: phải rồi, đối với thằng cháu thì tôi thấy nó sống ngược
đời, nhưng đối với những bậc cao hơn tôi, người ta lại thấy tôi cũng sống ngược
đời vì cứ khư khư ôm lấy sở chấp của mình để tự chuốc lấy phiền não, khổ đau.
Bất giác tôi mỉm cuời đứng lên, thong thả
vào nhà. Một câu hỏi chợt loé lên trong đầu tôi: “Không biết hai giấc mơ bác Tường
vừa kể là mơ thật hay mơ giả do bác bịa ra?”
Nhưng ngay lúc đó, tôi cũng tự cuời
mình: đã gọi là mơ mà còn phân biệt thật hay giả để làm gì chi nhỉ? Dù thật hay
giả, cũng chỉ là trong mộng nói mộng mà thôi....