CẦU AN

Chúng tôi có một nguời bạn, Vương, anh là người Việt gốc Hoa, tánh tình rất thẳng thắn và thực tế. Biết nhà ba má anh có thờ Phật, chúng tôi mời anh cùng sinh hoạt tu học với chúng tôi nhưng anh không hưởng ứng hăng hái cho lắm, cứ thối thác vì bận rộn luôn.

Một hôm, tình cờ anh đến chơi gặp lúc chúng tôi sửa soạn làm lễ Cầu an, anh cùng chúng tôi tụng kinh.
    
Sau thời kinh, khi chúng tôi ngồi uống trà sắp sửa Pháp-thoại về một vấn đề đã định trước, đột nhiên Vương hỏi:

- Sao bữa nay tụng kinh cầu an vậy?

Tôi đáp:

- Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tụng kinh Cầu an xen kẽ với những kỳ sám hối, vã lại, như anh đã nghe phục nguyện, hôm nay chúng tôi cầu an cho một người bạn sắp phải vào nhà thương mổ.

Vương hơi nhún vai:

- Khi mình cầu an là lúc mình thiếu tự tin, lúc mình yếu đuối, phải vậy không?

Hoàng xen vào, giọng nhát gừng:

- Cứ cho là vậy đi! Đâu ai tránh khỏi tâm trạng đó!

Thấy mình thắng thế, Vương hỏi tới:

- Cái này tôi hỏi thiệt: Cầu an có hiệu nghiệm không?
- Hiệu nghiệm hay không là tuỳ ở tâm mình - Hoàng đáp lửng lơ.
     
Vương rất thông minh, thay vì hỏi  tiếp, anh nói thay Hoàng:

- Ý anh muốn nói, nếu tâm mình chí thành tha thiết thì được sự cảm ứng của Quán Thế âm Bồ Tát chứ gì? Cái đó tôi hiểu vì tôi là nguời đã ngồi tàu vượt biên, đã gặp sóng dữ sắp chìm vậy mà nhờ cả tàu đồng niệm Quán Thế âm Bồ Tát mà cá ông hiện ra đưa tàu chúng tôi đi. Lạ lắm, khi qua khỏi chỗ nguy hiểm thì cá ông lặn đâu mất tiêu. Tôi là người trong cuộc nên tôi rất tin. Nhưng điều tôi muốn hỏi là; nếu mỗi chút gì cũng lo cầu an thì hoá ra mình yếu đuối sao? Và những cái cầu an lẻ tẻ như vậy có kết quả không?
     
Chúng tôi rán nhịn cuời vì cách dùng chữ “ những cái cầu an lẻ tẻcủa anh.

Liên từ tốn giải thích:

- Anh không muốn dựa vào tha lực, điều đó tốt thôi, nhưng tụng kinh là phương pháp hữu hiệu để tự mình làm cho tâm mình yên ổn. Vì sao? Ví dụ như một người kia đau khổ vì bị phụ tình, thay vì than thở chán chường hay hận đời, hận tình, người ấy mỗi ngày hoặc mỗi tuần siêng năng tụng kinh Cầu an. Tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng khánh hòa hợp với giọng đọc trầm bổng, khi khoan thai nhẹ nhàng, lúc trầm hùng, lúc thiết tha tạo thành một bản nhạc vi diệu. Âm thanh vi diệu này giúp cho lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, dịu bớt những niềm đau.
     
Vương không phải là loại người dễ bị thuyết phục, anh chận lời Liên:

- Cứ mở nhạc lên nghe, cần gì tụng kinh cho mất thì giờ?

Liên cười ẩn nhẫn:

- Tôi chưa nói hết lời, xin anh chịu khó nghe thêm! Tôi chỉ mới vừa đề cập đến âm thanh trong khoá lễ. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác nữa. Trong không khí trang nghiêm có khói hương thơm, có đèn nến lung linh, đối diện trước hình ảnh của đức Thế Tôn, mình có dịp chiêm ngưỡng nét mặt từ ái, an lành của đức Thế Tôn, như thế tâm hồn mình sẽ dễ chịu hơn, như được vỗ về an ủi. Nhưng điều quan trọng hơn cả là được đọc lại những lời Phật dạy, đọc nghiền ngẫm giáo lý. Chính giáo lý Phật đà là môn thần dược chữa nhiều thứ tâm bịnh phiền não của chúng ta.

- Đâu chị nói rõ hơn một chút coi! Thí dụ như bài tụng hồi nãy đó, theo chị thì đoạn nào giúp mình an tâm?
     
Liên nhẹ nhàng đứng lên định đi lấy quyển kinh Nhật tụng, tôi biết ý, vói tay lấy một cuốn trao cho đạo hữu. Liên chậm rãi lật mấy trang rồi ngẩng lên hỏi Vương:

- Anh có thấy trong kinh Cầu an có bốn câu sám hối này không:
Đệ tử vốn tạo các vọng nghiệp,
Đều do vô thỉ tham, sân, si,
Từ thân miệng ý phát sinh ra,
Đệ tử thảy đều xin sam hối.
Theo tôi, bài kệ này giúp mình quán chiếu lý nhân quả, giúp mình hiểu rằng điều đau khổ đang gặp hôm nay là kết quả của những nghiệp xấu mà mình đã gieo trồng trong quá khứ, nhờ vậy mình cam lòng gánh chịu, không trách móc, than vãn, do đó là tu Báo Oán hạnh.

Tôi tiếp lời Liên:

- Pháp tu Báo Oán Hạnh này giúp mình an tâm  trong hoàn cảnh xấu, không may. Câu chuyện này chứng minh điều đó. Tôi có nguời bạn học thời Trung học. Chị sang Mỹ từ năm 1975 với chồng và ba con. Chồng chị bịnh hoạn liên miên, chị phải làm ba jobs để nuôi chồng và lo cho các con ăn học. Ông chồng bịnh hoạn có nhiều mặc cảm nên sinh tật ghen bóng ghen gió, lắm khi làm chị bực mình. Làm việc mệt nhọc, nên chị như muốn điên. Chịu đựng được năm năm thì chị nhất định xin ly dị để được yên ổn tinh thần mà làm việc nuôi con. Con gái lớn của chị lúc đó đã hai muơi tuổi, cô gái kế muời tám và cậu út mới mười lăm. Cô gái giữa thì ở với cha, hai người sống với mẹ. Tuy nói là ly dị và ở riêng nhưng hễ rảnh giờ nào là chị đến thăm chồng, săn sóc nhà cửa, lo cơm nước, thuốc men cho chồng. Bệnh ung thư tới thời kỳ cuối khiến chồng chị nằm liệt giường, chị phải nghỉ bớt một job để có thì giờ chăm nom sức khoẻ và lo vấn đề vệ sinh cá nhân cho chồng.
     
Nuôi bịnh ròng rã hai năm như vậy thì chồng chị mất. Ông mất với mối hận trong lòng vì ông không hiểu chị, cho chị là người thay đổi, không giữ nghĩa tào khang.
     
Đứa con ở với cha cũng bị ảnh hưởng vì những lời phàn nàn và nhất là lời trăn trối của cha, nó đâm ra oán mẹ. Từ đó, nó sinh ra hỗn láo với mẹ và từ chối không về sống chung. Ba năm sau, đứa con gái đầu lòng lập gia đình theo chồng đi tiểu bang khác, thằng con trai cũng đi học xa, chị sống đơn độc một mình; đứa con gái giữa ở gần thì cũng như không. Mỗi lần năn nỉ nó về ở chung là bị nó mắng nhiếc, nó kể tội đủ thứ.
     
Phần thì làm việc vất vả, phần thì buồn khổ trong lòng, chị ngã bịnh nặng. Chị chẳng còn muốn sống nữa nhưng cái chết lại không đến! Bạn bè hay tin thay phiên nhau thăm hỏi, an ủi, vỗ về. Tôi gửi cho chị hai cuốn băng giảng. Cuốn thứ nhất giảng về lý Nhân quả và pháp tu Báo oán hạnh; cuốn thứ hai tựa đề: “Tu trong mọi hoàn cảnh”. Chị buồn quá không có chuyện gì làm trong những ngày nằm trên giừơng bệnh nên cứ nghe đi nghe lại hai cuốn băng đó.
     
Đầu chừng vài ba tháng sau, chị điện thoại cho tôi báo tin là đã hết bịnh.
Tôi hỏi: “H. Hết bịnh hẳn chưa? Chừng nào đi làm lại?”

Bên kia đầu dây có tiếng cuời:

- Tháng sau phải đi mổ đây!

- Mà sao cười nói vui vẻ vậy?

- Vì tâm bệnh hết rồi nên không buồn, không khổ nữa.
     
Tôi vừa mừng thầm vừa ngạc nhiên nhưng chưa tiện hỏi tiếp thì H. nói tiếp:

- Cảm ơn bạn đã gửi cho tôi hai cuốn băng giảng. Tôi càng nghe càng thấy thấm nên tôi phát tâm tu hành. Tôi hiểu rằng những điều bất hạnh của tôi hôm nay là do những nghiệp nhân trong quá khứ mà tôi đã gây ra nên tôi can đảm nhận lấy, tôi không phàn nàn gì cả. Miễn là mình đừng tạo thêm nhân xấu nữa thì tương lai của mình sẽ tốt đẹp hơn, phải vậy không?
     
Tôi biết kiếp trước tôi nợ chồng tôi nhiều lắm nên cả đời tôi khổ vì ổng, tôi muốn trốn nợ sớm nên ly dị, nào ngờ nợ chưa hết, tôi lại phải tiếp tục trả cho con ổng. Mỗi lần con gái tôi nổi cơn bực dọc là nó đem tôi ra đay nghiến, nặng nhẹ đủ điều. Trước kia tôi lấy đó làm buồn nhưng bây giờ nó mắng tôi, tôi mừng thầm, nghĩ là mình có dịp trả nợ; nếu không “siêng năng” đòi nợ thì biết bao giờ mới dứt nghiệp cũ đây?

Chị hiểu đạo và áp dụng vào đời sống như thế, tôi rất thán phục. Đối với mọi việc xảy ra, nếu mình biết quán chiếu theo lý luận Nhân quả thì tâm mình được bình an, phải không chị? Tháng sau chị phải mổ nữa à? Tôi nhớ chị mổ tay, mổ chân rồi, giờ mổ chỗ nào nữa?

H. lại cười:

-  Bây giờ mổ vai! Hễ đau chỗ nào mổ chỗ đó, chừng nào mổ giáp vòng cơ thể thì thôi! Bạn biết tại sao không? Hồi ở Việt Nam, tôi mở quán ăn, mỗi ngày tôi và những người giúp việc xắt hàng thúng thịt, chắc do nghiệp đó bây giờ người tôi đau nhức liên miên, nhất là vào mùa lạnh, cơn nhức hành tôi như có ai cưa xẻ thịt mình, rồi lại phải lên bàn mổ hoài. Nghề sinh nghiệp mà! Hồi đó nếu tôi biết đạo sớm hơn, biết thế nào là chánh nghiệp, chánh mệnh thì bây giờ chắc tôi không bị cơ thể hành hạ như thế này. Mà thôi, mình hiểu đạo nên ‘sợ nhân” chứ không sợ “quả”. Tôi cảm ơn chị đã giúp tôi hiểu đạo, nhờ thế tôi mới được an ổn.
     
Cả nhóm đều giữ yên lặng sau câu chuyện có thật mà tôi vừa kể, ai cũng nghe như mình có rất nhiều điều để sám hối. Chặp sau, Vương lại tiếp tục chất vấn:

- Tôi đồng ý là nếu mình biết lý luận thì mình can đảm đối đầu trước những điều xấu xảy ra cho mình. Nhưng câu chuyện chị vừa kể là trường hợp đặt biệt. Đâu phải ai cũng gặp cảnh quá khổ như vậy! Thí dụ, những người sống trong hoàn cảnh bình thường như chị, như tôi chẳng hạn.... Thôi tôi nói về tôi cho dễ vì tôi không biết trong đầu chị ra sao.
     
Tôi hơi mỉm cười vì cách diễn tả của Vương. Vương cũng cười rồi tiếp:

- Như tôi đây, được sống trong gia đình có cha có mẹ, có anh chị em, được lãnh trợ cấp để đi học ngành kỹ sư, học hành cũng không đến nỗi tệ lắm.... Phương diện nào tôi cũng thấy mình đạt được nếu không nói là có phước hơn bao nhiêu người khác nhưng trong đầu tôi, tôi thấy nó lộn xộn lắm: khi vui khi buồn, khi mừng khi giận, lúc yêu đời lúc chán đời, nó lung tung hết cái này tới cái khác làm tôi mệt quá. Gặp trường hợp này đâu thể quán lý nhân quả cho nó yên được phải không?
      
Hùng nãy giờ  ngồi yên vì anh tự biết mình không phải là “đối thủ” của “chàng Vương lắm lời” này. Bây giờ anh có dịp lên tiếng:

- Trong kinh nói tâm của chúng sanh là “tâm viên ý mã” vì nó chạy lung tung như vượn chuyền cành như ngựa vườn hoang. Tâm này khiến mình không được an ổn, nếu mình thường xuyên tụng kinh thì khung cảnh, âm thanh và lời kinh kệ giúp nó thuần lại.

Vương chặn lại ngay:

- Anh nói thế thì mình tụng kinh gì cũng được, đâu cần phải cầu an!

Hùng lúng túng chưa biết nói sao thì Liên đỡ cho:

- Anh Hùng đúng mà anh Vương cũng đúng. Vì sao? Xét về ngoại cảnh thì Nghi thức tụng niệm nào cũng giúp tâm mình đình chỉ những vọng nghiệp lăng xăng. Còn xét về nội tâm thì những bài được chọn trong buổi lễ cầu an đều là những đề mục để quán. Tuỳ theo bịnh của mình mà tự quán. Nếu đau khổ vì hoàn cảnh xấu, không may thì quán nhan quả như chị bạn trong câu chuyện vừa rồi, nếu sợ hãi thì quán hạnh nguyện của bồ tát Quan âm, nếu lo lắng không yên thì quán “ Sắc tức thị không, không tức thị sắc” v.v....

Vương nhếch miệng cười:

- Xin lỗi chị Liên, tụng kinh thì phải lo tụng cho kịp tiếng mõ, cho kịp mọi người, làm sao quán được? Tụng kinh chứ đâu phải tọa Thiền mà quán?

Liên ôn tồn giải thích:

- Anh nghe không rõ nên nói vậy! Dĩ nhiên là trong lúc tụng mình không thể quán. Tụng chỉ là để nhớ lại những lời dạy của Phật, cũng như có dịp xem lại những toa thuốc, coi toa nào hợp với bịnh mình thì nhặt ra, sau đó tự nghiền ngẫm, tự quán chiếu. Ý của tôi là thế!

Vương nhẹ gật đầu:

- Cũng có lý! Nhưng trong quyển kinh này có đoạn làm tôi thắc mắc. Vương vừa nói vừa lật trang kinh, chặp sau, anh đọc:
Nguyện ngày an lành đêm an lành,
Đêm ngày sau thời đều an lành,
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện từ bi thường gia hộ.
Theo như các bạn nói nãy giờ thì nếu mình được an lành thì phải biết điều phục cái tâm của mình, tại sao lại phải nguyện từ bi thường gia hộ?.

Anh Vương là người thông minh nhạy bén lại có tài biện luận. Nãy giờ chúng tôi đứng về phương tiện tự lực để lý giải ý nghĩa của sự cầu an, đó là chúng tôi theo ý kiến ban đầu của anh. Bây giờ anh dùng lý đó ra mà nạn vấn ngược trở lại. Tôi không muốn sa vào sự biện luận, tranh chấp, lý giải quá nhiều vìđấy không phải là thực chất của đạo Phật nhưng vì sự hiểu lầm của anh, tôi thấy phải cần nói thêm cho sáng tỏ.
     
Tôi mời tất cả uống trà, hy vọng những hớp tra đạo vị sẽ làm lắng yên những ý nghĩ tranh luận, hơn thua với nhau.

Chờ cho những ngụm trà ướp sen thấm vào vị giác của mỗi người, tôi mở lời:

- Kinh điển của mình phần nhiều đều dịch từ Hán văn ra, bốn câu kệ anh đọc vừa rồi, bản chữ hán là như vầy:
Nguyện trú cát tường,dạ cát tường
Trú dạ lục thời hằng cát tường
Nhất thiết thời trung cát tường giả
Duy nguyện từ bi thường gia hộ
     
Cát có nghĩa là điều tốt, tường là điều lành.     
Cát tường là điều tốt lành, phản nghĩa với sự xấu ác.
Nguyện là điều mong mỏi mà ta quyết chí làm cho được. Bài kệ này không có nghĩa là sự cầu xin tiêu cực mà là một sự thệ nguyện, sự quyết tâm xa lánh những điều xấu ác, làm những việc tốt lành. Sự quyết tâm này, nếu muốn thực hiện được, cần phải nương tựa vào đức tính Từ Bi nơi bản tâm của mình.
     
Thí dụ như khi một niệm sân vừa khỏi lên, nếu không biết tu, mình sẽ tìm cách đổ dầu vô lửa cho cơn giận bùng nổ ra mới hả hê. Trái lại khi biết tu rồi, mình phải quán từ bi, dùng tình thương ban rãi lên đối phương. Khi lòng từ xuất hiện thì sân hận không còn, nhờ đó mình có an lành mà người chung quanh mình cũng được an lành.
     
Thửơ xưa, có một ông quan to sửa soạn áo mão để đi chầu vua. Sau khi ăn mặc chỉnh tề, ông ngồi xuống uống trà. Người hầu quỳ dâng chén trà nóng cho ông, lỡ tay làm trà đổ ướt áo của quan. Người hầu sợ hãi phủi lia lịa và cúi đầu chịu tội. Quan dịu dàng đỡ anh đứng lên, cầm tay anh hỏi:

- Con có bị phỏng tay không?
     
Ông quan này quả là người có lòng từ bi, biết thương xót tình cảnh của kẻ khác nên tâm ông được an lành. Cái áo ướt rồi khô chứ khi để cho cơn giận nổi dậy “cả rừng công đức bị thiêu huỷ”, có phải vậy không?
     
Đạo Phật được mệnh danh là đạo Từ bi bởi vì đối trước hoàn cảnh nào cũng lấy lòng từ bi mà đối xử với mọi người. Làm điều tốt thì đương nhiên hưởng quả tốt; nghĩ điều lành thì đương nhiên tâm được an. Đó là ý nghĩa của câu “duy nguyện từ bi thuỳ gia hộ” vậy.

Vương cười nửa miệng, nhìn tôi rồi nói:

- Chị nói vậy nghe hữu lý lắm nhưng trên thực tế, đó không phải là điều dễ làm. Có người sinh ra thì bản tính vốn đã hiền hoà, ít giận hờn lại hay tha thứ, đó là những người có thể áp dụng pháp tu của chị vừa nói, nhưng trái lại, có những người bẩm sinh vốn đã hung dữ, ác độc, những người đó không có lòng từ bi làm sao họ nương tựa nơi lòng từ bi bản tâm của họ được?
     
Bác Tường bãy giờ ngồi yên lặng theo dõi cuộc đối thoại. Bây giờ mới lên tiếng:

- Anh Vương có cái nhìn rất thực tiễn đối với vấn đề tu học. Đúng như anh nói, chuyện tu hành hay nói rõ hơn là vấn đề điều phục tâm là chuyện rất khó làm. Nhưng nếu mình có quyết tâm và có phương pháp thì vẫn có thể làm được. Như người leo núi cao vậy, họ cần có ý chí mạnh mẽ và có sự hỗ trợ từ bên ngoài tức là những phương tiện, dụng cụ v.v....
     
Bây giờ trở lại hai chữ Từ Bi. Đó là hạt giống Bồ đề nơi tâm của mỗi người mà ai cũng có sẵn. Nhưng cũng như sen trong hồ: có cọng thì vùi sâu trong bùn, có cọng vừa trổ hoa, có cọng đã thành gương sen; Bồ đề tâm của con người cũng có những trình độ tăng trưởng khác nhau như vậy. Những người mà anh Vương cho rằng không có lòng từ bi đó, thật ra, Bồ đề tâm của họ vẫn còn y nguyên nhưng bị lún sâu trong bùn vì trải qua nhiều đời nhiều kiếp, họ không có dịp trau dồi tâm linh, lại thường sống trong những hoàn cảnh xấu ác cho nên tự tánh bị vùi lấp. Những  người này không thể quán từ bi, tôi đồng ý với anh Vương chỗ đó. Nhưng nếu họ kịp  thời thức tỉnh, họ có thể tu và chọn một pháp môn thích hợp.
     
Thấy bác Tường đồng ý với mình, Vương cười sung sướng, chân anh nhịp nhịp trên sàn gỗ. Anh chưa biết nói gì thêm thì bác tiếp:

- Tâm phàm phu của chúng ta như con ngựa chứng, lúc vầy, lúc khác. Những ý nghĩ tốt và xấu xen lẫn với nhau như cỏ và mạ. Người tu giãi đãi cũng như nhà nông biếng nhác, nếu không chịu khó nhổ cỏ thì chẳng mấy chốc ruộng mạ biến thành ruộng cỏ.
     
Nhà nông có câu: “nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Người tu cũng phải hội đủ nhiều yếu tố mới thành công. Theo tôi, nước có thể ví như môi trường sống. nếu mình sống trong một hoàn cảnh khô cằn tình cảm ở gia đình hoặc trong một xã hội bịnh hoạn về tâm linh thì chẳng khác nào thiếu nước, mạ non sẽ chết dần.
     
Xã hội Mỹ ngày nay là một xã hôi bệnh hoạn. Cứ nhìn phim ảnh, tivi, sách báo hay các màn ca nhạc là đủ rõ. Tội ác và khiêu dâm, đó là chủ đề chính của các màn giải trí. Trẻ con bị đầu độc từ thuở lên năm lên ba. Tôi thật không ngạc nhiên chút nào khi nghe những chuyện thiếu nhi phạm pháp dẫy đầy trên đất Mỹ. Như mới tháng rồi, báo time đăng tin hai học sinh 12 và 13 tuổi dấu dao nhọn vào lớp để giết cô giáo của mình. Bạn bè chúng cổ võ thách thức bằng một chầu ăn trưa! Phim ảnh và máy truyền hình chẳng những cướp mất tuổi thơ của các em mà còn dạy các em giết người!
     
Bởi vậy, ở xứ này vậy mà khó tu. Nếu không thúc liễm thân tâm, không duy trì chánh niệm thì sớm muộn gì cũng tiêm nhiễm, bị đầu độc!
     
Ban ngày đầu óc bị lấp đầy những hình ảnh xấu xa, kinh hãi thì ban đêm giấc ngủ chẳng an lành. Các bạn có thể để ý thấy rằng ngày nào mà chúng ta thọ bát thì đêm đó chúng ta ngủ ngon không? Ban ngày mà duy trì được chánh niệm thì ban đêm đầu óc cũng rảnh rang lắm.

Vương có vẻ thích thú theo dõi, anh hỏi thêm:

- Nếu nước ví là hoàn cảnh, môi trường sống, thì phân ví như cái gì hả bác?

- Ruộng đủ nước lại được bón phân thì khỏi chê! Phân bón có thể ví như người thiện hữu tri thức, như những người bạn tốt của mình. Những người bạn tốt này có thể hướng dẫn, giúp đỡ hoặc sửa sai cho mình để cùng nhau tiến tu. Tu một mình khó lắm vì có khi mình đi lạc đường mà không biết hoặc là thiếu trợ duyên thì sinh ra biếng nhác.

Hoàng có dịp xen vào câu chuyện:

- Bây giờ tu sao thấy khó quá! Hồi xưa các bậc tiền bối chỉ cần nghe một câu nói của Minh sư là có thể tỏ ngộ được.

Bác Tường lắc đầu:

- Nói vậy chứ không phải vậy đâu cháu! Các bậc đại căn tuy có sẵn trí tuệ nhưng không phải tự nhiên mà nó phát ra một cách dễ dàng. Họ nỗ lực nuôi dưỡng công án, nghi tình, từ năm này qua tháng kia cho đến lúc chín muồi, minh sư chỉ cần nhẹ tay mở chốt thì ánh sáng bùng lên, gọi là hoát nhiên đại ngộ. Ý chí của các vị ấy mạnh mẽ phi thường và công phu của họ miên miên mật mật không hề bị gián đoạn, đời này ít ai dám sánh cùng.
     
Vương như chợt nhớ ra, anh vỗ hai tay vào nhau nghe “bốp” một cái rồi nói:

- Nghe nói tới người xưa, cháu bỗng nhớ tới câu chuyện tổ Huệ Khả cầu đạo.
    
Được gặp tổ Bồ đề Đạt Ma, Huệ Khả chỉ hỏi một câu duy nhất:
Con muốn cầu pháp an tâm!
Tổ Đạt Ma nói:
Đem tâm ra đây ta an cho!
Đứng yên lặng giây lâu, Huệ Khả trả lời:
Con tìm tâm không thấy!
Tổ Đạt ma đáp:
Ta đã an tâm cho ngươi rồi đấy!
     
Vậy cháu xin hỏi:

- Tổ Đạt Ma có dạy gì đâu mà bảo là đã an tâm cho Ngài Huệ khả?

Bác Tường khiêm tốn đáp:

- Tâm phàm phu như chúng ta khó thể nghĩ bàn về đại trí của những bậc tổ cho nên cùng một lời nói, một câu chuyện mà mỗi người có những lý giải khác nhau.
     
Vương nôn nóng như sợ bác Tường tránh câu trả lời, anh hỏi tới:

- Ý của bác thế nào?

Bác Tường từ tốn đáp:

- Mỗi lần nghe nhắc đến cuộc đối thoại này thì tôi liên tưởng đến kinh Thủ Lăng Nghiêm. Bảy lần Phật gạn hỏi Ngài A-Nan về cái tâm, bảy lần Phật đều bác bỏ sở chấp của Ngài A-Nan: tâm suy nghĩ phân biệt, tâm phan duyên đều là khách trần, chợt đến rồi chợt đi, đó không phải là cái tâm chân thật của mình, không phải là chủ.
     
Có lẽ khi được Tổ Đạt Ma bảo đem tâm ra đây ta an cho thì Ngài Huệ Khả có dịp quán chiếu lại tự tâm, thấy những suy nghĩ phân biệt, những cảm thọ, những tư tưởng v.v...đều là hư giả, không phải là tâm chân thật thường hằng nên Ngài đáp rằng: tìm tâm không thấy!
     
Tổ Đạt Ma mới đẩy Ngài tiến thêm một bước: nếu biết tâm phan duyên là hư dối thì phải nên buông bỏ nó, đừng chạy theo những vọng chấp phân biệt do duyên theo cảnh trần mà có vì đó là nguyên do sinh ra phiền não, bất an. Buông bỏ được vọng tâm thì chơn tâm hiển lộ, chân tâm hiện tiền thì tâm tự tại an nhiên. Đấy là pháp an tâm. Thấy anh Vương nhíu đôi lông mày ra vẻ suy nghĩ, tôi nói thêm:

- Tôi nhớ hồi nãy anh bảo rằng: trong đầu anh lộn xộn lắm, khi vui, khi buồn, khi mừng, khi giận, lúc ghét, lúc yêu v.v... nó làm anh mệt quá! Nếu anh biết rằng đấy là những đợt sóng phiền não, là vọng tâm, anh buông bỏ, không để ý tới chúng, không để chúng lôi kéo thì anh làm chủ được tâm của anh. Như thế anh sẽ an ổn vô cùng.

Vương lắc đầu, chân thật đáp:

- Khó lắm chị ơi! Đâu phải hễ khi buồn mình tự nhủ: “thôi đừng buồn nữa, chuyện có gì đâu!” là mình hết buồn ngay được! Những ý nghĩ vẩn vơ, những tình cảm thương ghét, giận hờn nó bám riết lấy mình như đĩa vậy đó. Cũng có khi gỡ ra được trong chốc lát rồi nó đeo lại liền.

Hùng chờ dịp này từ lâu, anh nói luôn một hơi:

- Chúng tôi cũng vậy đó anh Vương ạ! Vì chưa làm chủ được tâm mình nên chúng tôi phải dùng đến phương tiện nào tụng kinh, niệm Phật, tọa Thiền, học giáo lý v.v... để phá bỏ dần những vọng tâm, phiền não. Cũng như một người kia muốn qua sông, họ phải dùng thuyền bè. Khi nào chưa tới được bờ bên kia thì khi đó họ vẫn phải tiếp tục chèo chống luôn.
     
Vương liếc nhìn Hùng. Anh biết có lẽ Hùng chờ cơ hội này để “hạ thủ” mình. Nhưng ngay khi đó, Vương chợt thấy rằng những ý nghĩ hơn thua, những tranh luận, biện tài, rốt cuộc cũng chỉ là những đợt sóng bạc đầu trên đại dương mênh mông.... Chạy theo nó mãi thì chẳng khác nào “dã tràng se cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.
     
Lòng anh như dịu lại, anh cảm thấy nhẹ nhàng, bình yên.
Mọi người đều giữ im lặng.
Một lúc sau, Vương lên tiếng:

- Cảm ơn bác Tường, cảm ơn các bạn, à quên, các đạo hữu! Các đạo hữu giúp tôi nhiều lắm. Tôi biết cách “cầu an” rồi!
     
Mọi người đồng thanh cười rộ lên vì cách nói chuyện của Vương. Lòng anh cũng cởi mở, vui vẻ vì buổi nói chuyện hôm nay vừa lý thú, vừa lợi lạc.
     
Tiếng chuông kết thúc buổi Pháp đàm thong thả ngân lên, lòng tôi thanh thản vô cùng, tôi nắm lấy hơi thở để giữ sự thanh bình, êm ả đang hiện hữu trong tôi....