Tôi làm việc ở nhà trẻ đã mấy năm nay.
Hàng ngày tiếp xúc với trẻ nhỏ hai, ba tuổi mà thấy vui, lại học được nhiều đức
tính ở trẻ con, mới hiểu vì sao Thiện Tài phải lặn lội đi tìm các đồng tử mà học
đạo.
Nhà tôi ở cách chỗ làm không xa nên tôi
có thể bách bộ đến sở làm. Mùa xuân bước nhẹ trên cỏ non, mùa thu dẫm trên lá
vàng; được dịp nhìn bốn mùa thay đổi mà quán cảnh vô thường, xét đời như giấc mộng.
Tôi còn nhớ một buổi trưa mùa hạ, trời
thật oi bức, tôi rảo buớc trở lại sở làm sau giờ cơm trưa, mồ hôi lấm tấm trên
trán. Khi buớc vào trong, máy điều hoà không khí mát mẻ làm tôi dễ chịu hơn
nhưng cảm giác dễ chịu lại kèm lẫn một chút gì xấu hổ vì tự nghĩ rằng: “Cái
thân này cứ cầu an nhàn sung sướng thì biết đến bao giờ mới có thể vì đạo quên
thân?”.
Giờ nghỉ trưa của trẻ em đã chấm dứt.
Tôi và các bạn đồng nghiệp, mạnh ai nấy lo dẫn đám trẻ của mình về phòng. Nhóm
tôi gồm sáu em, nhỏ nhứt 12 tháng, lớn nhứt hai tuổi rưỡi. Đối với tôi, lứa tuổi
này thật dễ thương. Tâm hồn các em như tấm gương trong, hồn nhiên tiếp nhận thế
giới chung quanh, không phân biệt hay dở, tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn. Sau muời
lăm phút cho trẻ am giải lao với bánh ngọt và nước trái cây, nhóm tôi ngồi
thành vòng tròn để sinh hoạt. Đây là giờ thích thú của các em. Các em đã sẵn
sàng, tất cả đều im lặng chờ đợi những bài ca quen thuộc và vui tươi. Nhưng tôi
chợt nghe một mùi ‘hinh hinh” khó ngửi. Tôi nghĩ thầm: “tụi nhỏ thức dậy, mình
đã lo xong phần vệ sinh cho tụi nó, vậy sao còn có mùi này?” Tôi định bỏ qua
nhưng mùi hăng hăng càng lúc càng trở nên khó chịu và phòng lạnh và kín. Tôi lại
nghĩ: “Hay là giày của đứa nào dẫm phải phân?”. Thế là tôi lật giày của từng đứa
lên để xem; tất cả đều sạch sẽ đàng hoàng, duy chỉ có giày của một cô bé dính
đen đen ở bên hông như dầu hắc. Tôi lột chiếc giày ấy ra, chùi rửa mãi đến sạch
mới thôi.
Yên chí là đã trừ được mùi hôi, tôi ngồi
lại vị trí cũ và bắt đầu mở nhạc. Nhưng mùi khó chịu ấy vẫn còn y nguyên, không
bớt một chút nào. Tôi định đứng lên tìm chai thuốc khử mùi xú uế ấy, tình cờ
nhìn xuống chiếc giày bên chân trái của tôi: Thì ra chính nó là “thủ phạm”.
Quý đạo hữu có thể đoán được cảm giác của
tôi lúc ấy không? Thú thật, tôi xấu hổ vô cùng. Xấu hổ không phải vì vô ý dẫm
bãi phân chó dơ bẩn trên đường đi mà xấu hổ vì không tự xét mình trước khi xét
người. Chuyện gì xấu cứ đổ lỗi cho người tưởng như mình là kẻ không làm điều
sai quấy bao giờ!
Qua sự việc vừa kể trên, tôi nhận ra điều
này: Có những lỗi rất nhỏ nhặt, tầm thường tưởng rằng chỉ trẻ con hay những người
thiếu căn bản mới phạm phải; nhưng thật ra, nếu thành thật xét mình trong mỗi ý
nghĩ, mỗi hành vi. Chúng ta mới thấy rõ con người của mình. Càng tự cho mình
cao cả, tốt đẹp là càng đi vào sự sa đoạ mà không hay bởi vì cái tôi kiêu mạn sẽ
che lấp tất cả những lỗi lầm sai quấy, làm sao tự thấy được để sửa mình?.
Một tuần sau, nhân ngày rằm, như thường
lệ, nhóm học Phật của chúng tôi cùng làm lễ sám hối. Sau buổi lễ, tôi kể lại
câu chuyện này cho các đạo hữu nghe và kết luận:
- Hôm nay, trước bàn thờ Phật và trước mặt
các đạo hữu, tôi xin thành tâm sám hối và nguyện rằng từ nay tôi không dám để ý
đến lỗi lầm của người khác để phê phán, chỉ dám tự soi chiếu lòng mình, lo ngăn
ngừa các lỗi quấy mà thôi. Khi tôi dứt lời, một đạo hữu lớn tuổi khe khẽ đọc:
- “Mình hay chớ nên nói,
Người dở chớ nên chê....”
- Tôi nhớ bài đó dài lắm, đạo hữu có thể
đọc hết được chăng?
- Tôi lớn tuổi rồi, trí nhớ lẩm cẩm lắm
cô ạ, khi nào tôi nhớ ra, tôi sẽ chép cho cô. Để bù lại, sẵn dịp này tôi xin kể
một câu chuyện cổ, rồi sau đó chúng ta sẽ thảo luận.
“Ngày xưa, có một chàng trai trẻ theo thầy
học đạo đã lâu. Chẳng những chàng thông suốt kinh luận mà còn tỏ ra đạo đức hơn
hẳn các bạn đồng môn. Thấy đệ tử tài đức song toàn, vị đạo sư hài lòng, nghĩ rằng
mình có kẻ kế thừa xứng đáng. Để xét nghiệm lại một lần chót, vị đạo sư truyền
cho chàng xuống núi tiếp xúc với người đời và tìm cơ hội hoằng dương chánh
pháp. Trước khi chàng đi, vị đạo sư trao cho một cái gương nhỏ và dặn:
- Đây là các gương kỳ diệu, nó có thể
soi rọi bên trong của mỗi người. Thầy cho phép con tuỳ nghi sử dụng nó trong
hai năm xuống núi.
Vị đệ tử cung kính nhận cái gương rồi đảnh
lễ thầy, từ biệt các bạn đồng môn và lên đường. lòng chàng nôn nao vô cùng với
sứ mạng lớn lao mà thầy giao phó. Nhưng sự nôn nao pha lẫn sự lo sợ vu vơ.
Chàng tự nghĩ: “mình theo thầy xuất gia từ nhỏ, sống cách biệt với đời, nào có
kinh nghiệm chi trong cuộc sống; chẳng biết mình có đủ bản lĩnh để đối phó với
đời và hoàn thành sứ mạng không?”
Ngẫm nghĩ một hồi, chàng ngồi xuống gốc
cây nghỉ mệt, kín đáo lấy gương ra soi mặt. Gương hiện ra hình ảnh của một Bồ tát
sơ phát tâm, lòng đầy nhiệt huyết với trái tim đỏ thắm. Chàng cất gương và tự
nhủ: “dù trải qua tình cảnh nào, mình cứ giữ gìn giới luật cho nghiêm minh thì ắt
sẽ không bị vướng bụi trần”. Kinh có dạy rằng: “Người trì giới luôn luôn được
Thiện thần Hộ pháp theo ủng hộ”, vậy đâu có gì đáng lo!
Chàng trai cắm cúi đi một ngày một đêm
thì gặp một làng nọ. Tại đây dân làng đang xôn xao vì một vụ án mạng mà kẻ tình
nghi bị kết án một mực kêu oan, cứ đập đầu đòi tự tử. Động lòng trắc ẩn, chàng
tìm cách xin gặp quan huyện. Nhờ cái gương, chàng biết được quan huyện là người
chánh trực. Chàng thành thực nói rõ về sự kỳ diệu của cái gương soi, rồi xin
quan huyện xét lại vụ án lần nữa. Sau khi tận mắt nhìn thấy sự công dụng của
cái gương, quan huyện đồng ý. Quả thật, khi dùng gương soi chiếu tù nhân, gương
hiện ra một dòng nước trong veo chứng tỏ bị cáo là người vô tội. Vụ án được
đình lại và chỉ trong vòng hai tuần lễ sau, thủ phạm được tìm ra.
Quan huyện trọng vọng người tài, mời
chàng ở lại phụ lo việc quan đường. chàng lưu lại đấy, vừa phụ việc quan, vừa
truyền bá Phật Pháp, tiếng thơm ngày một thêm lừng.
Trải qua nửa năm, thấy mọi việc điều tiến
triển tốt đẹp, chàng từ giã quan huyện để đi nơi khác. Chàng đi đến một phố chợ
đông đảo tấp nập. Ở đó, đa số thị dân đều sống bằng nghề buôn bán. Ai cũng chạy
theo đồng tiền. Người ta dối trá, gạt gẫm nhau không kể chí tình chí nghĩa.
Trăm người chưa tìm ra một kẻ hiền lương. Chàng trải chiếu làm thầy bói giữa chợ.
Sau vài ba quẻ trúng phong phóc, thân chủ tìm đến ngày càng đông. Chàng dùng
gương soi để biết tâm ý của mỗi người rồi nói điều nhân quả, khuyên bỏ dữ làm
lành, lo tu hành sám hối để tránh tai họa. Những người tin tưởng vâng theo đều
được ứng hiện điềm lành, còn ai ngang ngược chê bai phỉ báng đều bị lâm vào
tình trạng ngặt nghèo hoặc những tai ương đáng sợ.
Chỉ trong vòng năm, ba tháng, dân chúng
đều thức tỉnh, ai cũng lo ăn năn sám hối, sửa đổi lề lối ăn năn, lại còn ngưỡng
vọng Phật pháp, xây chùa đúc tượng, kính trọng ngôi Tam bảo.
Việc này tới tai Tổng trấn. Quan tổng trấn
nghi chàng dùng bùa phép gì để quyến dụ dân chúng nên nhiều lần tra gạn. Khi lục
xét các vật dụng tuỳ thân thì tìm ra cái gương soi lấp lánh ngũ sắc. Sợ bị tịch
thu bảo vật, chàng phải thú thật mọi chuyện với quan. Quan tổng trấn vốn dòng họ
với nhà vua; ông đang lo âu vì trong triều đình hiện có bọn nịnh thần phối hợp
với gian thần âm mưu phản loạn. Ông liền tiến cử chàng vào triều đình để giúp
vua phân định rõ kẻ chánh tà hầu giữ vững cơ đồ vương quốc. Chỉ sau một vài lần
thử tài, vua trọng dụng chàng ngay.
Những khi lâm triều, vua truyền chàng ngồi
sau trướng gấm để soi xét từng người, chẳng những vua mà chính chàng, chàng
cũng thích thú với công việc xem mặt trái của mọi người. Biết rõ mặt trái của họ
rồi nhìn họ đóng kịch mới thật là thú vị. Nhờ tấm gương thần, chàng giúp vua diệt
trừ đám phản loạn trong một thời gian ngắn. Vua lại càng nể trọng, phong cho tước
Hầu. Đi đâu vua cũng muốn có chàng tháp tùng để hai người kín đáo thưởng thức
trò chơi “xem mặt trái” của thiên hạ.
Thấm thoát đã hai năm kể từ ngày chàng
xuống núi. Nhớ lại lời dặn của sư phụ, nhớ lại chí nguyện xuất thế gian, chàng
xin phép vua trở về núi. Nhà vua hết sức van nài mong chàng lưu lại giúp vua và
cùng hưởng vinh hoa phú quý nhưng chàng tự nghĩ: “Công danh là vòng trói buộc;
mạng người ngắn ngủi, nếu không lo dụng công tu tập, cứ mãi chạy theo trần cảnh
thì khi nhắm mắt xuôi tay lại bị lôi cuốn vào vòng quay tít của bánh xe sinh tử
luân hồi, biết bao giờ thoát ra được?”. Thấy ý chàng khăng khăng, vua biết
không nài ép được, chỉ xin chàng cho biết nơi ẩn tu, phòng khi cần kíp, vua sẽ
triệu thỉnh.
Buông bỏ hết cân đai áo gấm, chàng mặc lại
bộ nâu sòng ngày nào, đeo túi vải trên vai rồi lẳng lặng rời cung điện của vua
vào một đêm trăng sáng. Chàng bước đi thật chậm rãi, lòng nghe lâng lâng thoát
tục. Tự nghĩ trong hai năm qua, chàng đã làm biết bao việc ích nước lợi nhà.
Chàng đi đến đâu là những kẻ gian ác phải xếp giáo quy hàng, cải tà quy chánh
vì không thể trá hình lường gạt được nữa.
Một chút gì tự hào dâng lên trong tâm tưởng:
“Chắc sư phụ sẽ khen ngợi chàng không ít”. Nhưng xưa nay sư phụ chưa từng khen
các đệ tử bao giờ. Ai làm sư phụ vừa ý, người chỉ lẳng lặng làm thinh. Ai làm
điều sai quấy, người áp dụng thanh quy thật nghiêm túc. Chàng lại nhớ tới các bạn
đồng môn. Chẳng biết trong hai năm qua, các huynh đệ có ai tiến vượt bực như
chàng trước kia chăng? Tuy chàng trẻ tuổi, hạ lạp lại chẳng thâm niên như các
huynh đã tu học hơn phân nửa đời người, nhưng ai cũng nhận trí tuệ của chàng đã
khai mở một cách lạ kỳ. Chẳng những kinh sách đại thừa đã học qua chàng đều
thông suốt mà các kinh luận Tiểu thừa dù chưa từng được nghe giảng dạy, chàng
cũng có thể trình bày rõ ràng, khúc chiết nếu có ai hỏi đến. Ai cũng ví chàng
như Thần Tú thửơ xưa.
Bây giờ, sau hai năm lập công bồi đức,
va chạm vào cuộc đời mà chẳng nhiễm mùi đời, chàng tự thấy hài lòng: “Chắc mình
đã bước vào một nấc thang nào đó trong Thập địa. Có thể là Ly Cấu địa chăng?”. Ờ
nhỉ, tại sao ta không soi vào gương để biết mình đã tu tiến ra sao? Thế rồi
chàng ngồi xuống phiến đá bên đường, trịnh trọng lấy gương ra. Qua ánh sáng của
vầng trăng rằm, chàng nhìn vào gương. Thật là kỳ quái, tại sao gương lại hiện
ra hình của một con quỷ? Chàng không tin vào mắt mình, sao lại thế nhỉ? Chàng định
thần nhìn lại lần nữa, quả đây là hình ảnh của một con quỷ, nhưng nó được trang
sức lộng lẫy và oai nghiêm như một vị thần, đúng là một loại A-Tu-la. Cái gương
này chàng sử dụng đã hai năm nay, chưa một lần sai sót, chàng không thể phủ nhận
công năng của nó. Thế thì tâm địa chàng là loài quỷ chăng? Chàng đâu đến nỗi tệ
hại như vậy! Chàng tự kiểm điểm lại mình: Từ khi xuống núi, chàng vẫn giữ gìn
giới luật không hề dám buông lung; ý nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng
danh” vẫn đeo đẳng trong lòng, thế thì tại sao chàng lại sa rớt vào đừong dữ? Rồi
chàng nghĩ đến lúc gặp lại thầy bạn, chàng càng bối rối hơn. Chàng nhớ đến đôi
mắt của sư phụ; đôi mắt người sáng quắc, hầu như có thể soi thấu tâm can của kẻ
đối diện, khó ai dám che dấu điều gì khi đứng trứơc mặt người. Nhưng tự xét
mình chưa làm điều gì sai quấy đáng hổ thẹn, chàng lấy lại lòng tự tin và nôn
nóng trở về Thiền môn để ra mắt sư phụ và xin người giải bày cho tỏ tường mọi
việc.
Trải qua năm sáu ngày đường, ngọn núi
thân yêu đã ở trong tầm mắt. Quên mất mệt nhọc, chàng rảo bước nhanh hơn và khi
bước vào cổng tam quan có đề ba chữ “Trích Lâm Tự”, chàng loáng thoáng thấy
bóng dáng sư phụ sau hòn non bộ Lô sơn. Mừng mừng, tủi tủi, chàng tiến đến phủ
phục dưới chân người, kín đáo lau những giọt lệ nóng đang trào tuôn.
Sư phụ xoa đầu chàng rồi dịu dàng nói:
- Khen con khéo trở về! Thôi con hãy vào
nghỉ ngơi cho lại sức. Ngày mai thầy họp chúng, con sẽ có dịp trình bày mọi việc.
Chàng ngần ngừ:
- Nhưng con có một việc quan trọng cần
thỉnh ý thầy, con có thể hầu chuyện với thầy trước được chăng?
Sư phụ nhìn chàng giây lâu rồi chợt hỏi:
- Con vẫn thường soi gương chứ?
Câu hỏi có âm vang hùng dũng như hồi
chuông trống Bát Nhã. Nó vang dội vào tận tâm hồn làm chàng thức tỉnh biết bao!
Chàng nhớ lại trước đây, trong những khi chàng và các huynh đệ sắp sửa tọa Thiền,
sư phụ luôn luôn nhắc nhở: “Phật tại tâm. Tâm mỗi người là tấm gương sáng
soi tỏ hết cả vạn tượng mà không lưu lại
một tỳ vết nào. Mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây, hãy soi mình trong tấm gương ấy,
đừng phóng tâm ra ngoài để rồi quên giác tánh sẵn có của mình. Đừng phán đoán
so đo để rồi bị vướng mắc vào trong sự phân biệt. Hãy tự xét mình, đừng xét người”.
Lĩnh hội ý thầy, chàng im lặng cúi đầu
lui vào trong. Sau khi thăm hỏi, chào mừng các bạn đồng môn, chàng tắm rửa sạch
sẽ rồi đến trước chánh điện thắp nén hương chân thành sám hối:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
trong hai năm xa thầy xuống núi, con ngỡ rằng đã tạo được nhiều công đức lợi
sinh nhưng nào ngờ con đã quên mất nguồn tâm giác tánh đến nỗi sa rớt vào đường
dữ. Mỗi ngày, thay vì tự dụng công hồi quang phản chiếu hầu thể nhập tự tâm,
con lại trở ngược tấm gương thần, ngao du trong thế giới cuồng si ngã mạn. Càng
thấy lỗi của người, tâm con càng chất ngất kiêu căng, sự kiêu căng của loài
A-Tu-La, lúc nào cũng thấy mình hơn kẻ khác. Hôm nay, một dạ chí thành, con đối
trước, đấng Thế Tôn, nguyền xin sám hối.”
Chàng quỳ như thế rất lâu, chẳng biết
bao nhiêu thời khắc đã trôi qua mà không hề cảm thấy mệt mỏi. Mãi đến khi có tiếng
sư phụ cất lên an ủi, như vỗ về:
- Con vẫn còn thức đấy chứ?
- Bạch thầy, con vừa sám hối!
- Tội vốn tánh không, khéo về là được!
Chàng sụp lạy:
- Bạch thầy, may mà kẻ lãng tử kịp thức
tỉnh và biết đường về.....”
Vị đạo hữu dứt tiếng đã lâu mà cả phòng
vẫn còn ngồi im lặng. Câu chuyện đi sâu vào tâm thức của từng người. Hầu như ai
cũng cảm thấy mình đều có phạm vào lỗi chê bai, phỉ báng, không nhiều thì ít.
Chẳng ngờ lỗi lầm nhỏ lại gây tác hại to! Mãi một lát sau mới có tiếng cất lên,
giọng đầy e dè:
- Ở thế gian này kẻ xấu nhiều hơn người
tốt. Nếu thấy người xấu ác mà mình cứ lẳng lặng làm ngơ không góp ý sửa sai thì
xã hội loài người ngày càng sa sút về phương diện đạo đức.
Một người khác tiếp lời:
- Như vậy im lặng làm ngơ có phải là
thái độ thụ động, thiếu trách nhiệm chăng?
Vị đạo hữu lớn tuổi từ tốn trả lời:
- Theo thiển ý, vấn đề là nói hay không
nói, sửa sai hay không sửa sai. Chúng ta rất nên góp ý xây dựng người chung
quanh nhưng cũng phải cẩn thận tự xét mình khi làm việc ấy. Nếu chúng ta chỉ
thích nói xấu người cho thoả mãn lòng ghen ghét hay tìm lỗi chê bai người để củng
cố tánh kiêu mạn thì không nên. Như chàng trẻ tuổi kia dùng cái gương thần để
thấy lỗi người rồi sinh tâm khinh rẻ và tự củng cố tánh kiêu mạn nên lần lần xa
lìa chánh đạo tuy rằng việc làm của chàng ta cũng ích lợi cho đời. Trái lại, nếu
dùng tấm lòng từ bi để quán sát sự sai trái của người rồi tìm phương cách khéo
léo để xây dựng cho người thì thật là tự lợi, lợi tha. Nếu căn cứ vào Tứ Vô Lượng
tâm để phân biệt thì sự phân biệt đó lại trở thành Vô Phân Biệt vì chúng ta
không bị vướng mắc vào sự thấy biết của mình. Hãy cùng nhau chiêm nghiệm thử
xem!
Rồi ông cười cười, pha trò:
- Tôi xin quý vị làm chứ tôi chưa làm được
đâu. Nói thì dễ chứ làm thì khó lắm, phải không các bạn?