CÂY DỪA KIỂNG

Buổi sáng mùa xuân thật đẹp. Nắng ấm, trời trong. Cây cỏ vừa thay xong áo mới xanh non, mướt mượt. Hoàng chậm rãi những bước chân hành dọc theo con đường cỏ đầy bông hồng dại. Những cánh hồng múa may trong gió sớm như muốn đùa giỡn với những bước chân của Hoàng.

Những giây phút này thật quý báu. Tâm hồn anh thơ thới nhẹ nhàng, không vướng bận điều chi. Từ ngày quy y đến nay thắm thoát đã mười năm. Trải qua những năm tháng nương thầy học bạn, càng ngày Hoàng càng thấy rõ con đường giải thoát. Giải thoát ư? Có ai trói buộc mình đâu nhỉ? Chỉ cần buông bỏ những cố chấp của mình thôi. Bỏ được bao nhiêu thì an lạc bấy nhiêu. “đạo vi tổn” (đạo ngày càng bớt) là vậy.
     
Con đường mòn dẫn Hoàng đến sân nhà của Quốc, người bạn thân từ thời Trung học, đã cùng chung chuyến tàu vượt biên và những năm tháng dài trong trại tạm cư ở Mã Lai. Quốc được sang Mỹ trước Hoàng hai năm, vậy mà “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” nên rốt cuộc Hoàng cũng đến định cư ở thành phố này và nhà Hoàng cách nhà Quốc chỉ năm phút đi bách bộ.
     
Sân trước nhà Quốc thật đặt biệt Việt nam. Quốc đã tốn nhiều công của để trồng hoa kiểng, cũng cắt xén, uốn cây thành hình con công con phụng, đặt biệt, nhất là  cây dừa trong chậu sứ to, Quốc tâng tiu hết sức.
     
Trồng dừa nơi xứ lạnh là cả một sự khó khăn và tốn kém. Không kể việc khiêng ra khiêng vào trong mùa đông. Quốc còn phải nghiêng cứu loại đất, loại phân thích hợp. Năm đầu tiên, cây dừa lớn như thổi, mập mạp, xinh tươi. Quốc phải thay mấy lần chậu vì rễ cây tăng trưởng làm nức chậu. Nhưng đến năm thứ hai, rồi thứ ba thì sức lớn của cây dừng lại hẳn, cây trở nên còi cọc, già háp thiếu nhựa sống, mặc dù Quốc đã chăm bón bằng đủ cả mọi cách. Khi Hoàng tới nơi, thấy Quốc đang ngồi hút thuốc mà mắt không rời “cây dừa kiểng” của chàng, vẻ mặt đăm chiêu. Hoàng hiểu Quốc là người rất trân trọng kỷ niệm. Quốc yêu quý cây dừa vì nó tuợng trưng cho quê hương đất Việt, cho kỷ niệm ấu thời. Hơn thế nữa, cây dừa còn gợi cho Quốc hình ảnh của người vợ hiền đã khuất: nàng là cô gái xứ dừa.
     
Vợ Quốc qua đời cách đây đã sáu năm, lúc đứa con trai độc nhất chỉ vừa tám tuổi. Tình yêu đối với vợ quá đậm đà, không bao giờ Quốc nghĩ đến việc bước thêm bước nữa. Gà trống nuôi con, Quốc chu toàn cả hai vai trò: vừa làm cha, vừa làm mẹ. Tuy mất mẹ từ nhỏ nhưng Hùng, con Quốc, chẳng thấy thiếu thốn gì cả, từ tinh thần lẫn vật chất. Tình cảm và những sự săn sóc Hùng nhận được của cha thật quá nhiều, nhiều đến mức thừa thãi. Chỉ cần có cha thôi, Hùng thấy cả thế giới sau lưng không cần thiết. Đi học về, Hùng quanh quẩn bên cha, không cần bè bạn. Giải trí thì có màn ảnh tivi. Cuộc đời chỉ có chừng ấy.
     
Không bè bạn, không giao tiếp, Hùng thiếu hẳn vẻ linh hoạt như nhưng đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tuy không kém thông minh nhưng vì trí óc thông minh chẳng được chẳng được sử dụng nên nó không phát triển. Hùng có vẻ khù khờ, chậm chạp và lười biếng. Chẳng những chuyện nhà, cơm nước có cha phục dịch mà ngay cả những vấn đề liên quan đến chuyện học hành cũng có sẵn ông cha để lo giùm. Hễ Hùng có bài vở phải làm hay một bộ sưu tầm, thậm chí một thủ công hoặc một bản đồ phải vẽ, chỉ cần báo cho cha biết thôi thì cha sẽ lo sẵn cho Hùng đủ mọi thứ. Hùng không cần phải nhớ ngày nộp, khỏi phải suy nghĩ tìm cách thực hiện như thế nào vì ký ức; ngay cả óc suy nghĩ của cha tức là của Hùng: cha nhớ giùm Hùng, cha chỉ cách làm từng ly từng tí, cái nào Hùng làm không khéo thì cha bảo để cha làm giùm cho. Riết rồi đầu óc Hùng trở nên trống rỗng. Tuy có cha giúp đỡ tận tình nhưng kết quả học tập của Hùng ngày càng kém vì cha chỉ lo được bài vở đem về nhà chứ những bài kiểm tra trong trường cha đâu làm giùm được, mà tự Hùng, Hùng đâu thể suy nghĩ để làm ra.
     
Kết quả học tập kém, lại vốn có sẵn tính luời, Hùng càng lười biếng thêm, không muốn nghĩ tới chuyện học hành. Hễ về nhà ăn cơm nước xong thì ôm cái truyền hình. Những giờ phút này trong Hùng linh hoạt hẳn lên; cười cười nói theo các tình tiết, nhân vật trên màn ảnh nhỏ. Theo dõi như thế cả ba bốn tiếng đồng hồ không chán, hết chương trình này tới chương trình kia. Xem xong mệt mắt, Hùng leo lên giường đánh một giấc đến sáng, cha phải kêu dậy đi học. Quốc thấy con lười học cũng lên tiếng nhắc chừng nhưng rồi đâu lại vào đó, Quốc thiếu cương quyết để sắp đặt giờ giấc học hành cho Hùng. Quốc không phải là người  nhu nhược nhưng vì sợ làm con buồn nên lúc nào Quốc cũng tôn trọng sở thích của con. Quốc cứ nghĩ rằng mình đã làm con buồn là thiếu bổn phận với người vợ quá cố nên Quốc chiều con mọi thứ, hầu như Hùng muốn gì là được nấy. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con cưng là con hư”. Thật vậy, Hùng dần dần trở thành đứa trẻ ích kỷ chỉ muốn được nuông chìu và tưởng người chung quanh ai cũng phải chìu mình. Bạn bè của Quốc tới chơi, Hùng cũng vòi vỉnh chuyện này chuyện kia, hễ được thì vui, bị từ chối thì tìm cách sau lưng nói xấu. Chưa từng nghe cha rầy rà, hễ bạn bè của cha có ai trực tính sửa dạy thì Hùng ghét cay ghét đắng. thiếu dạy dỗ, không bạn bè, Hùng thường có những điệu bộ, cử chỉ lố bịch, lại không biết cách ăn nói sao cho đúng phép nên dần dần Hùng thành ra vô duyên, nhạt nhẽo.
     
Quốc cũng nhận thấy những điều đó nhưng không lấy làm quan trọng lắm vì nghĩ rằng con mình còn nhỏ dại. Đứa trẻ mười bốn thuổi, cô đơn, vừa mất mẹ của sáu năm về trước. Mà quả vậy, đầu óc và thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ của Hùng không khác nào đứa trẻ vừa lên bảy, tám tuổi.
     
Là bạn thân của Quốc, Hoàng thấy rõ đều này; vì thương con quá độ, tới mức mù quáng, Quốc không còn sáng suốt để giáo dục con nên tâm hồn nó không phát triển được. Thân xác nó ngay càng to lớn, mập phì mà đầu óc thì ngưng trệ, không tăng trưởng. nếu đà này cứ tiếp tục thì tương lai học vấn của nó sẽ ra sao? Đời nó sẽ ra sao nếu không có cha bên cạnh? Quá lệ thuộc vào cha, nó không thể sống tự lập; quá sung sướng đầy đủ, nó trở nên lười biếng; quá được nuông chìu, nó trở thành ích kỷ, cao ngạo. Quốc vướng vào ái chấp si mê nên không thấy được thực tế là như vậy.
     
Hoàng tự thấy có bổn phận phải giúp đỡ Quốc nhưng biết rằng phải thật khéo léo để khỏi chạm vào núm ruột, vào trái tim, vào kho tàng kỷ niệm vô giá của mối tình đầu mà bây giờ đã quy tụ vào đứa con của Quốc.
     
Sáng nay, thấy Quốc im lìm bên cây dừa kiểng yêu dấu, tự dưng Hoàng nhận ra một sự trùng hợp: cây dừa kiểng và Hùng cùng chung một hoàn cảnh. Cả hai được thương yêu quá đáng, được chăm sóc quá nhiều nhưng rốt cuộc kết quả lại trái hẳn kỳ vọng của mọi người.
     
Điếu thuốc vừa tàn, Quốc định trở vào nhà thì chợt nhận ra sự hiện diện của Hoàng.
     
Hoàng bắt chuyện ngay:

-      Cây dừa của anh dạo này èo uột quá, lớn không nổi nữa.

Quốc được dịp phân bua:

-        Thiệt là tức đó anh! Tôi săn sóc nó như cô tiểu thư “cành vàng lá ngọc” mà nó cứ dở dở ương ương hoài. Bữa nay lại héo thêm một tàn lá nữa.
     
Hoàng nhân cơ hội này đưa Quốc vào vấn đề mà Hoàng muốn nói từ lâu nhưng chưa có dịp thuận tiện:

-      Dừa  ở xứ mình trồng rất dễ dàng, có cần chăm sóc gì đâu. Nó đơn sơ và khoẻ mạnh như cô thôn nữ sống giữa ruộng đồng. nay đem nó bỏ vào chậu như thế này đâu đủ đất cho nó phát triển. Anh càng bón phân nhiều, đất càng nóng làm cho nó dễ chết.

Quốc hơi nhăn mặt:

-       Tôi cũng biết vậy nhưng ở đây là xứ lạnh, bắt buộc tôi phải trồng trong chậu để có thể đem vào nhà vào mùa đông.

-       Khoan đề cập đến khí hậu, tôi chỉ muốn phân tích cho anh thấy điều này; cây cỏ cũng như con người, muốn trưởng thành phải có phần tự lực của mình. Cây trồng xuống đất, nó phải tự lo bám rễ sâu để có thể đứng vững; phải lo hấp thụ nắng mưa, nhờ vậy sức sống của nó mới mạnh mẽ. Con người ta cũng vậy, ai có chí tự lập, không chịu ỷ lại vào kẻ khác thì người đó sớm trưởng thành và dễ thành công.
     
Nhân đây, tôi muốn cùng anh thảo luận vấn đề tình thương và trí tuệ để biết hai sự kiện này cần hỗ tương với nhau như thế nào?
     
Quốc im lặng nhìn Hoàng như dò xét. Quốc tinh ý lắm, chàng có thể đoán Hoàng sắp nói gì.
     
Quốc lẳng lặng đi vào nhà rồi trở ra với bình trà và hai cái tách. Hoàng đỡ lấy bình trà và ngồi xuống khúc cây tròn thường dùng làm ghế ngồi khi đánh cờ ngoài sân. Chàng chậm rãi rót trà nóng ra cốc rồi đặt nó trên cái bàn vuông có vẽ sẵn những ô cờ.

Quốc uống một ngụm trà nhỏ và đột ngột vào vấn đề trước:

-       Anh hiểu tình thương như thế nào?

Không dè bị “tấn công” trước, Hoàng hơi bối rối nhưng cũng đáp ngay.

-       Tình thương thật khó định nghĩa, khó dùng ngôn ngữ để diễn đạt nhưng có thể cảm nhận nó một cách dễ dàng. Theo tôi, thương yêu nghĩa là biết mở rộng trái tim, biết giảm bớt sự vị kỷ để lo lắng cho người khác.

Vốn cũng có căn bản giáo lý nhà Phật, Quốc lại “tấn công” thêm:

-        Nếu tình thương là biết quên mình để lo cho người khác thì tình thương, tự nó, đã hàm chứa trí huệ rồi.

Nhờ đã chuẩn bị sẵn, Hoàng bẻ lại ngay:

-     Tôi nghĩ vấn đề không đơn giản như vậy. Không phải tình thương nào cũng mang tính cách cao đẹp và sáng suốt như anh nói. Trên thực tế, có biết bao nhiêu người vì yêu mà sanh hờn oán, ghen tuông và gây tội ác.....

Quốc ngắt lời:

-       Chúng ta nên phân biệt thế nào là lòng yêu thương xả kỷ và tình cảm ái dục vị kỷ. Ái dục vị kỷ bắt nguồn từ lòng tham. Khi thích đối tượng nào rồi thì tìm cách chiếm giữ cho bằng được. Không được thì khổ sở, điên cuồng; được rồi thì hoặc là chán chường hoặc sợ mất mát. Trong 12 nhân duyên thì tình cảm này gọi là ái. Vì ái nên lo thủ (giữ), vì lo thủ giữ nên mới tạo ra nghiệp nhân cho đời sau (Hữu). Đây là một mắc xích của vòng sinh tử luân hồi vậy. Trái lại, những tình thương cao thượng như tình phụ tử, tình mẫu tử thì khác hẳn. Cha mẹ lo cho con, đem hết tâm gây dựng con cái nên người mà không mong mỏi một sự đáp đền nào. Chỉ cần các con nên người hữu dụng, sống cuộc đời hạnh phúc là cha mẹ thoả nguyện rồi. Đây mới là tình thương chân thật và cao cả.
     
Hoàng gật gù tỏ ý tán đồng:

-      Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tình cha nghĩa mẹ là tình cảm thiêng liêng cao cả vô cùng. Chính trong kinh: báo hiếu phụ mẫu ân”, đức Phật đã giảng dạy tỏ tường sự hi sinh to tát của cha mẹ đối với con cái. Khi đức Phật nói xong, tứ chúng đều rơi lệ vì không ngờ bấy lâu nay mình quá vô tâm đối với ân đức sâu dày của cha mẹ:
“Phật lại bảo: A nan nên biết,
Trong chúng sanh tuy thiệt phẩm người,
Muời phần mê muội cả mười,
Không tường ân trọng, đức day song thân.”
     
Chỉ tưởng tượng lúc mình mới sinh ra còn đỏ hỏn, nằm ngo ngoe trong nôi, không tự làm gì được, cha mẹ phải tốn bao công sức để nuôi nấng mình trong bao nhiêu năm trời! Nhưng nuôi dưỡng sức vóc còn dễ chứ cái công dạy dỗ, uốn nắn giáo dục mới là hao tốn nhiều sức đó anh!
     
Quốc thấy Hoàng vừa nói vừa nhăn mặt cũng phì cười:

-       Hồi nhỏ chắc anh cũng bướng lắm hả?

Được dịp, Hoàng xổ luôn một hơi:

-      Nếu cha mẹ tôi không khéo léo dạy dỗ thì tôi hư hỏng rồi, đâu được như ngày nay. Anh biết không? – Hoàng thường mở đầu câu chuyện sắp kể bằng ba tiếng “anh biết không” như thế - Hồi tôi còn nhỏ, tôi cũng được cưng lắm. Tôi là con một, lại là cháu đích tôn mà! Bên nội tôi thuộc về hàng danh gia vọng tộc, cả đại gia đình sống trong một khu vực rộng lớn. Riêng ba mẹ tôi là con trưởng nên ở trong ngôi nhà lớn (gọi là nhà thờ gia tộc) và dĩ nhiên là ở chung với ông bà nội tôi. Anh biết hồi đó tôi được ông bà cưng như thế nào không? Như là cậu ấm vậy đó! Tôi kể ra anh đừng có cười chứ tới năm tuổi rồi mà khi tôi ngồi vào bàn ăn có bà vú đứng sau lưng gắp thức ăn hộ tôi; ăn xong, bà rửa miệng cho tôi. Mỗi chiều bà tắm rửa tôi và dẫn tôi đi dạo trong khuôn viên đại gia đình để gặp gỡ vui đùa vớc các anh em họ. nói vui đùa chứ tôi luôn luôn ỷ mình vai anh, lại được cưng, nên ăn hiếp tụi nó dữ lắm. Đứa nào tức giận, lỡ đánh tôi một cái thì bà nội tôi không tha đâu. Kể cả mẹ tôi mà nạt tôi một tiếng lớn là bà nội tôi phản ứng liền, bằng cách bỏ cơm chiều, mặt mày buồn xo.
     
Lên năm tuổi, tôi bắt đầu đi học. Bữa học đầu tiên, tôi khóc dữ lắm, đòi bà vú phải ngồi kế bên tôi mới chịu. Thầy giáo lắc đầu. Tới ngày thứ hai, khi bà vú vừa ra khỏi cửa, tôi vừa khóc, vừa nằm lăn theo tới cửa, bị va vào thành ghế u đầu, bà phải ẵm tôi và nhà. Thấy tình trạng này, cha tôi phải cứng rắn can thiệp với ông bà nội tôi. Sau này tôi được nghe kể lại thì cha tôi phải “đấu tranh” mạnh mẽ lắm ông bà tôi mới chịu nghe theo ý kiến của cha tôi là đem gửi tôi qua nhà người chú – chú có đứa con cùng tuổi với tôi - để hai anh em đi học cho có bạn. Bà vú không được theo tôi nữa. Tôi buồn bực và phản ứng dữ tợn lắm nhưng ông chú lại còn dữ hơn tôi. Mỗi lần tôi dở chứng hoặc là vô lễ, hoặc là khóc nhè, hoặc là có thái độ hống hách với các em con chú thì ông lẳng lặng đem cây roi mây ra. Ông bắt tôi nằm xuống, ông kể tội, giảng giải rồi quất cho mấy cái đau điếng. nhờ vầy mà lần lần tôi khá hơn. Tuần nào tôi được chú khen thì tuần đó ông cho tôi về nhà nội chơi. Lần đầu được trở về sau hai tháng xa nhà, tôi ôm bà nội khóc ngất, tôi ôm cứng lấy bà không chịu rời xa – mà bà cũng vậy. Mẹ tôi nhẹ gỡ tay tôi ra, lấy khăn lau nước mắt cho tôi, rồi dẫn tôi về phòng. Hai mẹ con thủ thỉ nhỏ to, tôi càng ức lòng, khóc tức tưởi.
     
Cha tôi bước vào. Ông nhìn tôi với đôi mắt nghiêm và buồn – tôi nhớ hoài đôi mắt đó. Ông nói: “Dù cho con là hoàng tử, cha cũng giáo dục con như một đứa trẻ con bình thường. đừng ỷ vào một thế lực nào đó rồi tưởng mình là đặt biệt”.
     
Hồi đó, tôi còn nhỏ quá để hiểu câu nói ấy; tôi chỉ sợ sự cuơng quyết của cha tôi thôi; hễ ông nói là ông làm.
     
Hai năm sau, ông nội tôi qua đời, rồi một năm sau đó, bà tôi cũng khuất núi. Bấy giờ, tôi đã tám tuổi, cha mẹ tôi đem tôi về ở chung. Từ đấy, tuy tôi không còn phải bị roi đòn nữa nhưng đôi mắt nghiêm nghị của cha tôi còn đáng ngại hơn cây roi mây nữa anh ạ. Ông sắm cho tôi một cuốn tập bìa rất đẹp, mỗi trang đều có tô điểm hình vẽ xinh xắn vô cùng. Ông bảo tôi mỗi ngày phải viết nhật ký: ghi chép những điều tôi làm trong ngày hoặc những ý nghĩ của tôi. Việc này đối với tôi quá khó khăn, một là đầu óc tôi rỗng tuếch, hai là tôi viết chữ xấu quá, nguệnh ngoạc như chân muỗi vậy. Cuốn tập nằm trong tủ tôi một tuần rồi hai tuần. Tôi chưa viết được một dòng nào. Thấy hai tuần đã trôi qua, tôi tưởng cha tôi đã quên, nhưng không, ông cho hay tuần sau ông sẽ xem quyển nhật ký của tôi. Thật là đáng lo!
     
Tôi cầu cứu với mẹ tôi. Mẹ tôi hiểu nỗi khó khăn của tôi, ôn tồn giải thích: “Con nên biết, nét chữ thường tượng trưng cho cuộc đời của mình. Người nét chữ cẩu thả, suốt đời làm việc gì cũng chẳng nên thân. Con viết chữ quá xấu là vì thiếu luyện tập, chứng tỏ người lười biếng, không có ý cầu tiến, như thế ra đời khó thành công. Tất cả những người thành công, thành tài đều bắt đầu bằng sự cố gắng nhẫn nại và ý chí tiến thủ. May mắn chỉ là phần ít. Từ nay mẹ sẽ giúp con tập viết cho đàng hoàng. Mỗi tối chỉ cần dành nửa tiếng đồng hồ thôi trong vài tháng con sẽ thấy tiến bộ rõ rệt.
     
Tôi nghe lời mẹ tôi, cố gắng tập viết và tôi bắt đầu quyển nhật ký bằng những dòng chữ sau:
       
Ngày .....tháng......năm.....
    
“Lúc nào tôi cũng nhớ ông bà nội của tôi. Không có ai thương tôi bằng ông bà nội tôi cả....Hồi ông bà còn sống, tôi oai lắm, bây giờ không ai coi tôi ra gì”.
     
Khi đọc những dòng chữ trên, cha tôi mỉm cười. Người vuốt tóc tôi và giảng giải: “con nên biết, mỗi người phải tự đứng bằng hai chân của mình. Đừng tựa vào một thế lực để thấy mình hơn người. Đó là một sai lầm lớn con ạ!”
     
Dưới sự dạy dỗ chu đáo của cha mẹ, tôi lần lần biết suy nghĩ đúng đắn hơn, tôi trở nên chững chạc hơn và qua ánh mắt song thân, tôi biết tôi đang làm cho người hài lòng. Tôi nhớ ngày tôi thi đậu Tú tài toàn phần, cha tôi nói, trong niềm vui chứa chan: “Con trai của ba, bây giờ con đã đứng vững trên hai chân của con rồi đó, cha mẹ đã vì con tháo bỏ ba cái gông cùm, con biết không? Cái gông thứ nhất là tật biếng lười, gông thứ hai là tật ỷ lại, gông thứ ba là tánh tự kiêu”.
     
Tôi chỉ biết cười trừ, cúi đầu xấu hổ mà lòng đầy biết ơn.....
     
Câu chuyện của Hoàng đã dứt mà Quốc vẫn giữ im lặng, nét mặt lộ vẻ ưu tư. Hoàng cũng ngồi im chờ phản ứng của bạn mình.
     
Giây lâu, Quốc nói:

-     Thôi mình vào nhà kiếm gì ăn, tôi đói bụng rồi.
     
Khi hai người bước vào thì thấy Hùng, con Quốc đang nằm ngủ kềnh trong phòng khách, trên sàn thảm, một chân gác trên máy VCR, và tivi hãy còn mở. Trên chiếc bàn ăn cạnh đấy, thức ăn nửa chừng còn để đó, chén đũa ngổn ngang...sách báo, băng nhạc vứt bừa bãi lung tung khắp nhà.
     
Đối với Quốc, cảnh này chàng đã chứng kiến nhiều lần không chút bực bội, chỉ lẳng lặng dọn dẹp, nhưng hôm nay, Quốc thấy gai mắt thật sự. Chàng nói thầm: “Con mình tệ thật, cưng nó riết rồi nó hư”.
     
Hoàng thấu rõ tâm trạng của bạn, lấy giọng bông đùa góp ý:

-     Mùa xuân ấm áp mà anh nhốt nó ru rú trong nhà như vầy buồn chết! Hỏi nó muốn cắt cỏ không tôi giới thiệu cho. Cuối tuần đi làm vừa vui, vừa khỏe người lại có tiền bỏ túi!

Quốc gật gù;

-     Ý kiến hay! Giờ đã đến lúc tôi phải tập cho nó đứng trên đôi chân của nó; nếu không, đời nó sẽ chẳng ra gì. Nhờ bài học thực tiễn của anh, tôi mới biết tôi đã sai lầm. Tình cảm mà không có lý trí hướng dẫn sẽ trở thành mù quáng và tai hại.

Hoàng vừa cười hỏi tiếp:

-     Còn “cây dừa kiểng" của anh?

Quốc cũng cười theo:

- Chút nữa anh giúp tôi cho nó xuống đất nghe! Nó cũng phải tự lực mà sống, như vậy sẽ tốt cho nó hơn.
                 
Hoàng vui miệng, nói luôn:

-   “Hãy thắp đuốc lên mà đi. Ngươi hãy là chỗ nương tựa cho chính ngươi”. Đức Phật từng dạy như vậy, anh còn nhớ không?
     
Quốc hướng mắt về phía bàn thờ Phật trong giây phút rồi cúi đầu tán thán:

-  Đức Phật là người cha đại từ, là nhà giáo dục tuyệt luân anh ạ. Nơi người, Trí và Bi đã kết hợp hài hòa, không còn mâu thuẫn, không còn ngăn ngại nhau. Chỉ những ai biết dung thông Bi Trí mới có thể ban phát tình thương cao cả tuyệt vời và mới không sa rớt vào sự lỗi lầm phải không anh?

Mùa Vu Lan 2534
 Trở lại CHIẾC GƯƠNG KỲ DIỆU....                                                              Xem thêm NỖI KHỔ NIỀM VUI.....