NỖI KHỔ, NIỀM VUI

Kim Hoa lưỡng lự, chưa quyết định có nên đi họp bạn với các cựu học sinh Gia Long ở Florida hay không? Thời đi học, nàng có nhiều bạn, sống cuộc đời vui nhộn, tre trung. Cái miệng hay cười và những lời đùa dai ý nhị của nàng làm bạn bè ai cũng mến. Bây giờ ngoài bốn mươi tuôi rồi, con cái đã lớn,vậy mà máu “tếu” vẫn còn, Hoa thèm gặp lại các bạn cũ để cười giỡn cho đã, như thưở nào còn thơ.

Thanh Tân, cô bạn thân của Hoa, đang là chủ tịch “Hội ái Hữu cựu Nữ sinh Gia Long”, ở Florida, đã điện thoại cho nàng mấy lần, lần nào cũng khẩn thiết mời gọi. Thanh Tân kể lại và gửi cả hình ảnh của mấy lần họp bạn vào những năm trước. Hoa xúc động, tâng tiu nhìn ngắm mãi các khuôn mặt thân quen ngày cũ, nghe lòng lâng lâng với những kỷ niệm hồn nhiên, thơ mộng của tuổi học trò.
     
Những kỷ niệm chỉ là những gì thuộc về quá khứ. Hoa biết rằng dù có gặp lại các bạn cũ, Hoa cũng khó cười đùa nhởn nhơ vì tâm hồn Hoa đang chứa đầy mặc cảm tự ti, pha lẫn với sự buồn phiền.
     
Gia đình Kim Hoa mới sang Mỹ chưa đầy bốn năm, theo diện H.O. đầu tiên, định cư tại El Paso thuộc tiểu bang Texas, Hoa cảm thấy lạc lõng vì chung quanh nàng không có người Việt Nam. Gia đình nàng sống trong một chung cư rẻ tiền, lẫn lộn với những người Mễ lao động.
     
Nàng xin được việc làm trong một xưởng may. Chồng nàng, Khánh, nhờ khá tiếng Anh và biết chút đỉnh về kỹ thuật, máy móc trong thời gian ở quân đội, được nhận làm cán sự tại hãng sản xuất máy tính điện tử. Lan, con gái lớn, bấy giờ đã 21 tuổi, quyết định vào Đại học, ngành Dược, thực hiện mộng ước của cô. Riêng thằng con trai của Hoa, thằng Lực, thật đáng thương. Nó là một đứa bé tật nguyền. Nó 20 tuổi rồi mà đối với Hoa, Lực vẫn là một cậu bé con.
     
Lực sinh ra, cái đầu to hơn mọi đứa trẻ sơ sinh khác. Cái trán vồ, cặp mắt to và lộ, cái mũi thì xẹp lép, môi dưới lại trề ra như mếu. Khánh vào thăm vợ, nhìn đứa con trai của mình, nản lắm nhưng không nói ra sợ vợ buồn. Chàng biết nó sẽ là một thằng lùn mà khi trưởng thành, bề cao không tới một thước. Nó sẽ không là một con người bình thường, không thể sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu người khác. Khánh ác cảm với thằng Lực ngay cái nhìn đầu tiên. Chàng tự hỏi: “Không biết nghiệp chướng oan gia gì mà nó sinh vào gia đình này, làm con của mình?”
     
Chàng không muốn thấy mặt nó, như muốn chối bỏ một quá khứ xấu xa nào trong tiền kiếp. Khánh thương vợ nhưng vì đứa con dị hình này, chàng bắt đầu la cà nơi quán rượu, vũ trường sau những giờ làm việc ở Tổng tham mưu. Thiếu tá Khánh bỏ bê gia đình từ đấy.
     
Một năm sau, biến cố 30 tháng 4 xảy ra, Khánh bị đi cải tạo ở tận vùng núi rừng Thượng du Bắc phần. Tuy có biết bao nhiêu người bạn sĩ quan cùng chung số phận nhưng trong thâm tâm, Khánh vẫn cho rằng Lực là một điềm gỡ nên cuộc đời của anh mới thê thảm như vậy.
     
Sau 13 năm chiến đấu với vi trùng sốt rét, với đói lạnh và vất vả vì lao động cưỡng bách, Khánh được trở về nhà, ốm tong teo như bộ xương khô, hàm răng rụng gần hết, tóc bạc trắng cả đầu. Hoa đón chàng bằng đôi tay mở rộng. Lan nhìn cha, ánh mắt lộ vẻ thương xót nhiều hơn tình phụ tử thiêng liêng. Thằng Lực lúc bấy giờ đã 14 tuổi, nó giương “đôi mắt ốc bưu” nhìn “ông già” lạ hoắc này rồi khoanh tay cúi đầu:

- “Thưa ba mới về!”.
      
Nó không đến nỗi đần độn như chàng nghĩ. Nó ngồi bán thuốc lá lẻ trước cửa nhà. Tấm thân bịnh hoạn của Khánh bây giờ trở thành gánh nặng cho gia đình. Trong người chàng đủ thứ bịnh: từ mắt tai mũi họng cho đến bộ đồ lòng; bác sĩ rờ đến đâu là có vấn đề ở đấy. Hoa vất vả hơn và thằng Lực phải bán thuốc lá cả đêm. Nó ngồi từ sáng sớm cho đến nửa đêm, trên chiếc ghế xếp, dưới tàng cây. Khách quen, khách lạ, ai cũng thương tình nên ghé mua giúp; vì vậy trên con đường này, nó là người bán chạy nhất.
     
Hơn hai năm trời thuốc thang tẩm bổ, Khánh bình phục và lấy lại phong độ. Chàng thì trẻ ra còn Hoa cằn cỗi hẳn: mặt nám, da nhăn, bơ phờ, mệt mỏi. Thằng Lực thì chai ngắt, chẳng biết nó có thay đổi gì không? Đôi khi, Khánh cũng tội nghiệp và thầm cảm ơn nó nhưng đối với chàng, dị tướng của nó vẫn là một điều xấu hổ.
     
Ngày đi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn, Khánh hồi hộp lắm, cứ sợ phái đoàn bác bỏ hồ sơ của chàng vì có thằng Lực tật nguyền trong đó. Nhưng sự thật lại không thế. Người Mỹ phỏng vấn gia đình chàng vốn là một người từ tâm. Sau khi tuyên bố hồ sơ của Khánh được chấp nhận, anh ta còn nói thêm về trường họp của Lực, nó sẽ được lãnh Welfare trọn đời.
     
Đối với Hoa, Lực là “con nhờ con cậy”. Nó siêng năng, lễ phép và sẵn sàng giúp mẹ bất cứ việc gì. Nó lại làm ra tiền phụ mẹ lo cho gia đình trong gian đoạn khó khăn. Sang Mỹ, tiền welfare lãnh ra, nó đưa hết cho mẹ. Nó không có gì riêng cho bản thân.
     
Hai năm trời ở El Paso, nó lúc thúc trong nhà, không bạn bè, không giao thiệp vì chẳng biết một chữ Yes, No. Hoa để ý thấy con mình càng ngày càng đờ đẩn, khỏe chẳng ra khỏe, bịnh chẳng ra bịnh.
     
Nàng nói với chồng:

-       Anh à, hay là mình dọn về Houston, ở đó nhiều người Việt cho thằng Lực có bạn bè. Ở đây em thấy nó cô đơn, tội nghiệp quá!

Khánh gạt phắt đi:

-     Ở đây có việc làm tốt, tự nhiên bỏ đi à? Về đấy người đông, khó kiếm việc lắm. Từ từ rồi cũng quen mà! Thì biểu nó học Anh văn hay tiếng Spanish gì đó rồi làm quen với mấy thằng Mễ con ở quanh nhà!

-      Anh nói nghe dễ nghe quá! Anh không chịu nhín thì giờ dạy con thì làm sao nó biết được! Chị nó thì bù đầu với bài vở còn tiếng Anh của em dở quá, nói ra chẳng ai hiểu thì làm sao em dám dạy nó?
     
Hoa cằn nhằn như thế nhưng cũng biết rằng Khánh không muốn ngồi gần thằng nhỏ, nếu không thấy mặt nó lại càng tốt hơn. Thằng Lực biết thân phận mình, nó cam chịu đã quen nên đối với sự ghét bỏ của cha mình, nó coi như điều dĩ nhiên.
     
Đôi khi Khánh cũng tự thẹn thầm vì thiếu bổn phận đối với Lực. Cái mặc cảm đó làm chàng bực bội và lại tìm cách vắng mặt ở nhà. Chàng theo mấy người đồng nghiệp gốc Mễ đi nhậu nhẹt vào cuối tuần, rồi dần dần, vào ngày thường, cũng khuya lơ khuya lắc mới mò về nhà. Một năm sau, Khánh cặp bồ với một cô gái Mễ còn trẻ lắm, chỉ trạc tuổi Lan là cùng. Hai người có con với nhau.
     
Hoa không hề ghen. Tình yêu đã chết trong lòng. Nàng nghĩ dù sao đây cũng là cơ hội nàng thoát ra và sống cuộc đời sáng sủa hơn cho các con nhất là thằng Lực. Khánh và Hoa đồng ý ly dị.
      
Hoa và hai con về Houston với sự giúp đỡ của người chị họ. chị Ngọc chu đáo mướn căn nhà hai phòng, lo sẵn giường niệm, bàn ghế. Căn nhà không mới nhưng rộng rãi, có sân trước sân sau. Ba mẹ con đều vui vẻ phấn khởi. Họ giã từ cái nóng ran gay gắt của El paso không một chút luyến tiếc. Sự đối xử hửng hờ của Khánh cũng không lưu lại trong lòng họ nổi thương nhớ nào.
     
Ba mẹ con sống cuộc đời mới với nhiều hăng say, thoải mái. Hoa được Ngọc giới thiệu vào làm chung  với chị trong hãng điện tử, công việc nhẹ nhàng hơn xưởng may mà lương lại khá hơn. Lan thì ngoài những ngày đi học, làm thêm ở nhà hàng vào cuối tuần. Các con của chị Ngọc, tình nguyện dạy Lực học Anh văn. Hoa hài lòng với cuộc sống mới. Nàng vui lòng khi thấy nụ cười bắt đầu nở trên khuôn mặt chai cằn của Lực.

Một tháng sau, chị Ngọc rủ Hoa đi chùa. Chị nói:

-      Cuộc sống của chúng ta sẽ nhạt nhẽo và vô nghĩa nếu mình không chú trọng việc phát triển tâm linh, cơ thể cần thức ăn, cái mặc, tinh thần cũng có nhu cầu của nó. Quên đáp ứng nhu cầu của tinh thần, con người sẽ trở nên khủng hoảng vì không có sự cân bằng giữa tinh thần và vật chất. Trong xã hội này, người Mỹ quá chú trọng về sự hưởng thụ vật chất mà quên hẳn phần tâm linh nên có nhiều người bịnh hoạn thần kinh, làm những chuyện quái dị, gây nhiều tội ác.
     
Hoa thầm công nhận chị có lý. Thời gian ở El Paso, tuy không dư dã gì, nhưng không còn phải lo lắng vấn đề tiền nong cơm áo, đôi khi Hoa có thì giờ để hỏi: “Chẳng lẽ con người là một cái máy? Cứ diễn đi diễn lại chừng ấy công việc, chừng ấy động tác. Sáng thức dậy, ăn điểm tâm qua loa, rồi hối hả đến sở làm. Chuông reo, nghỉ xả hơi muời phút. Làm tiếp, ăn trưa. Chiều về lo bếp núc. Tối mệt nhoài, lăn ra ngủ để sáng nghe đồng hồ reo lại hối hả thức dậy, bắt đầu một ngày cũng y như thế.....Sống như vậy có gì vui? Hạnh phúc đâu phải là một chuỗi lo âu và hấp tấp như vậy? Vội vã quen rồi, cuối tuần ở nhà lại thấy thời gian sao mà thừa thải, tâm tư trống rỗng, đầu óc bất định, nỗi buồn chán lê thê.....”
      
Hoa dẫn Lực cùng đi chùa với chị Ngọc. Chùa ở ngoại ô. Chùa nhỏ nhưng đất rộng, chung quanh có cây to, tàng che mát rượi
     
Chị Ngọc cho biết chùa do “Hội cư sĩ” lập ra. Trước kia, chùa không có sư nên nơi này là chỗ tụ họp của một nhóm cư sĩ có ý hướng tu học. Họ ngồi lại với nhau vào cuối tuần để nghe băng giảng, đọc sách tụng kinh, tọa Thiền; đôi khi tổ chức thọ bát quan trai. Thỉnh thoảng họ rước thầy về thuyết pháp. Ngày thường, chùa đóng cửa.
     
Tình trạng này kéo dài trong ba năm. Dần dần, họ cảm thấy mái chùa sao lạnh lẽo, tối tăm như ngôi nhà vắng chủ. Họ tìm thỉnh một vị sư về trụ trì. Nhưng ở đất Mỹ, người xuất gia hiếm hoi, dễ gì kiếm được. Sau cùng, nhân duyên đưa đẩy thế nào mà họ bảo lãnh được một nhà sư ở đảo Bidong về.
     
Lần đầu tiên nhìn thấy vị sư, Hoa rất kinh ngạc. Ông thầy trẻ lắm, lùn xịt, mập tròn. Đầu cạo không nhãn nên tóc mọc lốm đốm đen.
     
Thấy chị Ngọc chắp tay chào thầy, Hoa cũng làm theo nhưng lòng nàng không có chút gì cung kính. Đối với nàng, vị sư phải là người cao niên, đạo mạo, uy nghiêm, cốt cách phi phàm; còn ông sư này trông tầm thường quá. Tuy vậy, nàng không nói ra ý nghĩ của mình, sợ phật lòng chị Ngọc.
     
Các cư sĩ khác đã lần lượt kéo đến, mỗi người lo mỗi việc, chuẩn bị cho ngày tu Tịnh Độ.

Chị Ngọc giải thích:

-     Thầy Minh Nghiêm chia ra như vầy: thứ bảy hướng dẫn tu Tịnh Độ, chủ nhật tu Thiền. Ai thích pháp môn nào thì đi ngày ấy. Đi cả hai ngày càng tốt vì Thiền và Tịnh không có gì đối nghịch nhau về cứu cánh. Mọi pháp môn chỉ là phương tiện mà thôi.

     
Hoa vốn chưa hề biết gì về Phật Pháp. Đạo Phật đối với nàng không khác gì đạo thờ ông bà nên nghe chị Ngọc nói, nàng chẳng hiểu ấp giáp gì.
     
Thằng Lực thì trái lại, nó mến nhà sư ngay vì ở thầy, nó như thấy được một cái gì đó, rất bình dị nhưng cũng rất phi thường. lần đầu thầy gặp Lực, ánh mắt thầy không biểu lộ sự thương hại như ánh mắt bao người chung quanh nó. Thầy nhìn Lực một cách bình thường như thầy nhìn dì Ngọc, nhìn mẹ nó. Nó không cảm thấy mình bị tàn tật trong đôi mắt sáng long lanh của thầy. Và ở cạnh thầy, nó như được hưởng lây cái hạnh phúc rạng rỡ của thầy từ giọng nói, tiếng cười. Cả những lúc thầy im lặng, con người thầy cũng tỏa ra niềm vui sống yêu đời.
     
Có lần được ở chùa lại đêm vào tối thứ bảy để chờ tham dự ngày tu Thiền vào hôm sau, nó tò mò hỏi thầy:

-       Sao con thấy lúc nào thầy cũng vui?.

-        Đâu có ai sinh ra để buồn!

Lực cãi lại:

-       Dạ có chứ, những người ra đời dưới vì sao xấu!
     
Thầy cất tiếng cười dòn, chậm rãi bước ra mái hiên. Thấy ngẩng mặt nhìn bầu trời vằng vặc trăng sao rồi hỏi:

-      Đạo hữu chỉ cho tôi coi sao nào xấu đâu? Tôi thấy cái nào cũng vậy.
      
Lực biết thầy đùa, nó cười theo nhưng không chịu bỏ qua:

-      Sao con nói là sao chiếu mệnh kia, không phải sao trên trời!

-       Căn cứ vào đâu mà có sao chiếu mệnh?

-      Dạ, tử vi căn cứ trên ngày sinh.

Thầy lắc đầu:

-      Tôi không biết lãnh vực đó nên không dám lạm bàn. Nhưng nếu căn cứ trên ngày sinh thì bây giờ khoa học tiến bộ, người ta có thể chọn năm để sinh, thậm chí có thể cho đứa bé ra đời sớm hay trễ...Những trường hợp đó, tử vi còn đúng không? Số mệnh do con người sắp đặt à?

Lực lúng túng:

-      Dạ con không biết!

Thầy ngồi xuống cái đôn bằng sành, chỉ Lực ngồi trên cái ghế thấp mà tự tay thầy đã đóng cho nó.

-      Đạo hữu đi chùa cả năm nay rồi, phải nên thấm nhuần Phật pháp. Người Phật tử hiểu sâu luật nhân quả, nhìn thấy việc gì, sự gì cũng bình thường cả. Con người sinh ra, có kẻ giàu người nghèo, có kẻ thông minh người ngu đần, có kẻ xấu người đẹp nhưng không phải vì số mệnh đã định sẵn như vậy. Kinh có nói rằng: Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì, hãy nhìn cái quả hiện tại mình đã thọ lãnh. Muốn biết kiếp sau mình sẽ như thế nào, hãy xem những gì mình đang gây tạo.”
     
Số mệnh, nghiệp chướng, họa, phúc đều do mình tạo tác. Trồng dưa được dưa, trồng lúa được lúa, có gì khó hiểu đâu!

Lực thẳng thắn bày tỏ:

-      Thưa thầy, nói chuyện kiếp trước kiếp sau, kiếp này kiếp nọ, con thấy xa xôi quá! Con chỉ xin thầy dạy cho con bí quyết nào để có thể sống vui trong mọi hoàn cảnh. Như thầy đây, sống ở chùa có một mình trong chỗ quạnh hiu, vắng vẻ, ăn uống thanh đạm, làm việc cả ngày, mà sao con thấy thầy lúc nào cũng vui?

Thầy Minh Nghiêm mỉm cười:

-    Thì đã nói rồi, có ai sinh ra để buồn đâu! Sống, hít thở, ăn uống, đi đứng, làm việc, nói năng, mỗi việc đối với tôi đều là một sự nhiệm mầu. Mỗi hơi thở của tôi, tôi thấy hạnh phúc nhẹ nhàng đi ra đi vào. Nâng một bát cơm đầy, tôi thấy mình tiếp xúc với thế giới vô cùng tận ở chung quanh. Mỗi bước chân đi, tôi thấy mình đang làm phép lạ, mỗi lời nói ra đều là tiếng niệm Phật. Tôi không có thì giờ để buồn. Tâm tôi không có khoảng trống nào để cái buồn chen vào.
     
Lực nhìn thầy. Dưới ánh trăng, cái đầu nhẵn bóng của thầy như tỏa hào quang. Tự nhiên Lực phát sinh ra lòng kính ngưỡng. Ở gần thầy, nó như được bao phủ bởi sự an ổn, dịu dàng.
     
Hoa không có sự nhạy bén như Lực. Nàng không thấy ở ông thầy trẻ có cái gì đặt biệt nếu không nói là quá tầm thường. những lời dạy trong các ngày tu Tịnh độ cũng chẳng có gì cao siêu. Lúc nào gặp Hoa, thầy cũng nói: “đạo hữu nhớ niệm Phật!’
     
Hoa sống hơn nửa đời người, khổ nhiều hơn vui nên nàng cũng ước mong về cõi Cực Lạc để khỏi sầu. Nhưng cái cõi đó, đối với nàng cũng mơ hồ mờ mịt nên tín tâm chẳng mạnh mẽ gì. Nàng đi chùa, làm lễ, tụng kinh, niệm Phật như một cái máy. Tuy nhiên, nàng cũng vui khi thấy Lực tươi tắn nói cười ngày nó đi chùa. Nó như một cây khô bắt đầu hồi sinh...
     
Sau cả tuần lễ phân vân, cuối cùng, thấy khó chối từ trước tấm lòng của bè bạn vì Thanh tân đã gửi vé máy bay cho mình, Hoa hỏi con gái:

-       Nếu mẹ vắng nhà trong một tuần lễ, con có sợ gì không?

Lan cười:

-      Mẹ à, con sắp tốt nghiệp Đại học rồi, con lớn rồi,  mẹ không nhớ sao?

Lực chen vào:

-     Có con ở nhà với chỉ, mẹ đừng lo!

Câu nói đầy tự tin làm Lực mắc cỡ, nó nói sửa lại:

-       Con lo cơm nước được mà!

* * * * *
     
Khi Hoa đặt chân xuống phi trường Florida lúc 8 giờ tối, cả gia đình của Thanh Tân đều có mặt: hai vợ chồng, ba đứa con. Sự đón tiếp thân tình này làm ấm lòng nàng. Thanh tân còn trẻ quá, như mới ngoài 30, vãn đẹp như xưa. Thằng con trai lớn chắc cũng chạc tuổi Lan, nó cao liêu nghêu; cô con gái thì có vẻ đẹp tươi mát, hao hao giống mẹ; cậu trai út trông đạo mạo nghiêm trang.
     
Cả gia đình Thanh Tân đều ăn mặc rất giản dị. Sự đơn giản của họ làm Hoa ngạc nhiên và Hoa biết Thanh Tân giàu lắm. Họ qua Mỹ đã lâu và Tâm – chồng của Thanh Tân – là một bác sĩ giải phẩu nổi tiếng.
     
Tâm vui vẻ chào hỏi Hoa, chờ nàng lấy hành lý xong xuôi, đưa cả nhà ra xe rồi từ giã đi làm.
     
Thanh Tân  nói:

-     Tối nay ảnh trực, chị em mình tha hồ tâm sự.
     
Rồi Thanh Tân tíu tít kể cho Hoa nghe về các bạn, về cuộc sống, hoàn cảnh của mỗi người. Tân vẫn có lối nói chuyện lôi cuốn như xưa. Người nghe không cần phải hỏi han gì cả vì chuyện kể có lớp lang thứ tự hết hồi nọ tới hồi kia. Thưở đi học, Tân có biệt danh là “Tân nhà báo”. Có những chuyện ai cũng biết mà khi Thanh tân kể lại, chúng bạn vẫn thích thú nghe và nhìn cái miệng duyên dáng của nàng.
     
Chẳng mấy chốc xe đã đến nhà. Ngôi biệt thự đồ sộ với hàng rào sắt chung quanh, có bảng đề “Beware of dog” chứng tỏ chủ nhân thuộc hàng rất khá giả.
     
Bên trong trang hoàng đơn giản nhưng sang trọng lắm. Những tấm màn vôn màu kem dịu dàng rũ xuống làm nổi bật mấy tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ màu huyết dụ. Bàn ghế toàn bộ bằng gỗ nâu đỏ bóng loáng. Một bình hoa huệ trắng muốt ở giữa bàn ăn là nét chấm phá xinh xắn. Căn nhà trải ra sự đầm ấm, hạnh phúc.
     
Thanh Tân dành cho Hoa một phòng riêng. Chờ cho Hoa nghỉ ngơi xong. Thanh Tân mời nàng ra ăn cháo. Khi hai người ngồi xuống, cô con gái bưng ra một cái mâm nhỏ, trên đó có hai tô cháo nóng, còn bốc hơi.
    
Cậu con trai cả bước tới, hỏi:

-     Thưa dì uống chi?

Hoa vừa đáp “cho dì tách trà nóng” vừa xuống giọng hỏi Tân:

-     Sao các cháu ngoan quá vậy?
     
Thanh Tân cười, để lộ hàm răng trắng bóng:

-     Gia đình em cái gì cũng chung cả, bạn của ba mẹ là bạn của các con, bạn của các con là bạn của ba mẹ. Thôi mời chị dùng cháo. Cháo chay chị ạ! Chúng em ăn chay trường cả nhà. Con gái em nấu cháo thập cẩm chay ngon lắm, chị ăn thử xem!
     
Hoa im lặng dùng cháo. Quả thật ngon! Nàng ngẫm nghĩ: “Người ta bảo giàu thì khó tu vì mãi lo hưởng thụ, gia đình này thật hiếm có”.
    
Ăn xong, hai người bạn bước ra phòng khách. Hoa có dịp kể cho Thanh Tân nghe về cuộc đời của mình, về người chồng đã ly dị, về đứa con trai tật nguyền.

Thanh Tân mủi lòng thương bạn, nước mắt đầm đìa.

Hoa kết luận:

-      Mỗi người có một số mệnh riêng, tôi nghĩ vậy nên cũng không thấy buồn. Bây giờ thì ổn rồi. Qua đây thấy gia đình Thanh Tân hạnh phúc lại có đạo đức, tôi mừng cho Tâm. Anh Tâm trông hiền lành phúc hậu quá, Thanh Tân có phước lớm lắm đó!

Tân lấy khăn chặm nước mắt, đáp lời bạn:

-     Em cũng nhận thấy em may mắn nhưng có lẽ do nhân lành từ kiếp trước hay sao ấy, chị ạ! Hồi em mới đậu tú tài 1, đã có lắm mối dạm hỏi, người là Tỉnh Trưởng, người Luật sư, ai cũng có sẵn sự nghiệp nhưng em không chịu. Một năm sau em gặp Tâm, lúc đó chỉ là một sinh viên nghèo, học quân y năm thứ hai.
     
Anh ấy sùng đạo và hướng dẫn em đi chùa, học giáo lý, thọ bát..... Đến khi anh ra trường, làm đám cưới, em theo ảnh xuống tận Vĩnh Bình. Ở đấy mấy năm thì “đổi đời, giải phóng” tụi em xuống tàu vượt biên với đứa con đầu lòng. Sang Mỹ, em đi làm nuôi con để anh rảnh rang học lại. Sau 4 năm, ảnh tốt nghiệp ngành giải phẩu. Nhờ mát tay, ảnh mổ ‘ca’ nào cũng thành công nên được tin tưởng lắm.
     
Nhưng ảnh thường nói với em: “Dù giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, chúng ta vẫn nên lo bồi dưỡng tâm địa, phát triển tánh Bồ Đề, đó mới là cái gốc căn bản của mình. Cái gốc có sung mãn thì hoa trái hạnh phúc mới sum xuê, còn hoàn cảnh chung quanh chỉ có tác dụng phụ thuộc thôi”.
     
Em cũng công nhận như vậy nên chúng em siêng năng tu hành và dạy dỗ con cái theo chiều hướng ấy.
     
Thanh Tân vui miệng kể tiếp:

-      Để sáng mai em dẫn chị ra phía sau xem hồ Tĩnh Tâm và am Phương Thảo của chúng em. Tụi em mua cái nhà này chỉ vì cái hồ và vườn sau quá đẹp chứ chúng em đâu thích ở nhà lớn như vầy.
     
Thời tiết ở đây coi như ấm áp quanh năm nên em trồng được nhiều thứ cây ăn trái của Việt Nam mình và hoa thì nở đủ bốn mùa.
     
Hoa càng nghe kể, càng thấy mê. Cuộc sống của gia đình này như ở cõi tiên. Tuy nhiên, Hoa cũng tò mò:

-      Tôi hỏi thiệt, gia đình Thanh Tân có khi nào xảy ra những bất hòa, hờn giận nhau?

Tân thành thật, mau mắn đáp:

-    Có chứ chị, làm sao tránh khỏi! Nhưng chúng em biết cách giải quyết có hiệu quả.
     
Hoa làm thinh, chờ đợi. Thanh Tân mỉm cười, ngẩng nhìn bức ảnh đức Thế Tôn bằng sơn mài treo trước mặt, đức Phật dường như cũng mỉm cười.

-                     Trong nhà này, khi ai có chuyện hờn giận, buồn phiền thì tự động ra Phương Thảo am mà ở. Trong đó có sẵn các thứ. Cứ ở đấy, tự do buồn và quán chiếu về nỗi buồn hay cái giận của mình. Một hoặc hai ba ngày sống đơn độc như thế, cái buồn từ từ vơi đi tan biến. Nhưng cũng có khi cái giận, cái phiền não lớn quá, cần phải được nói ra, cần phải giải tỏa thì đương sự báo cho trong nhà biết, chúng tôi sắp xếp một buổi nói chuyện với sự có mặt đầy đủ người trong gia đình.
     
Gọi là nói chuyện nhưng thật ra chỉ để cho đương sự nói. Muốn nói gì cứ nói, trút ra được càng nhiều càng tốt. Người nghe chỉ im lặng để có cảm thông với nỗi khổ của đương sự, không trả lời, không phê phán đúng sai.

Hoa cảm thấy hay hay, nhưng suy nghĩ một hồi nàng thắc mắc:

-    Chỉ nghe mà không đối đáp, trường hợp đương sự vì hiểu lầm mà giận mình, mình cũng phải làm thinh sao?

Thanh Tân gật đầu:

-      Cũng làm thinh! Làm thinh trong trường hợp đó hơi khó nhưng mà......
                  
Hoa hỏi dồn:

-      Mà sao?

-    Nhưng khi đương sự xả hết ra rồi, cái giận xẹp xuống, tự ái không còn làm chủ tình hình nữa thì đương sự trở nên sáng suốt và nhận ra sự thật.

Hoa chưa tin hẳn, nàng hỏi thêm:

-    Thật vậy sao?

Thanh Tân gật đầu, chắc chắn xác nhận:

-      Em có kinh nghiệm bản thân về việc đó rồi, mới năm ngoái đây chứ đâu!

Và nàng cười tủm tỉm:

-   Chị biết không, tánh em nhẹ dạ lắm; vì hay yếu lòng nên thường bị sự việc chung quanh chi phối. Năm ngoái em xem phim “Man with three wives” trong tivi, chuyện có thật, kể một bác sĩ lần lượt cưới ba vợ trong cùng một thành phố. Giờ giấc ông đi về bất thường, lại có cái “beeper”, hễ bà nào gọi là ổng về ngay nên không ai nghi ngờ chi cả....
     
Em liên tưởng đến trường hợp của anh Tâm, anh cũng cái “beeper”, cũng đi sớm về khuya nên em sinh nghi. Em mướn thám tử theo rình ảnh. Vô tình, ảnh biết được. ảnh về nhà, rầy em một trận nên thân! Em buồn quá, ra Phương Thảo am ở. Em có thì giờ nghiền ngẫm nỗi buồn của mình. Em giận ảnh lắm vì từ xưa tới giờ, chưa khi nào ảnh lớn tiếng với em, bây giờ lại đối xử như thế, chắc là có bà nào rồi nên hất hủi em. Em ở ngoài đó một mình, tha hồ nghĩ bậy, tha hồ khóc lóc. Ba ngày trôi qua, em không tiếp xúc với ai cả, các con xin phép vào thăm, em cũng không cho. Đến ngày thứ tư, em cảm thấy không chịu nổi nữa, em như muốn điên. Em đòi nói chuyện với ảnh.
     
Khi các người thân yêu ngồi đối diện với em, em tha hồ nói vì mình nói có người nghe mà! Họ nghe trong sự im lặng và thông cảm. Tự ái em như được vuốt ve vì em có cảm tưởng Tâm đang hối lỗi ăn năn, còn các con như đứng về phía em cả, vì em có “chánh nghĩa” mà.
     
Sau đó, em trở vào nhà. Buổi ăn chiều dưới ánh nến hồng làm em cảm thấy ấm áp, dễ chịu và sung sướng khi nghĩ rằng hạnh phúc vẫn ở quanh đay, chỉ cần em hỷ xả, quên chuyện cũ thôi.
     
Khi lòng em dịu lại, em không nghĩ về mình nữa, em nghĩ đến Tâm, đến các con. Em biết họ cũng buồn lắm khi em buồn. Lòng em thắt lại, em tự trách mình sao quá ích kỷ, tự ái, đa nghi. Bấy giờ em mới cảm thấy xấu hổ chị ạ!
     
Thanh Tâm kể xong, che miệng cười. Cái thói quen dễ thương ngày xưa vẫn còn. Hoa cũng cười theo và hỏi tiếp:

-        Điều Tân nghi ngờ có đúng không?
             
Thanh Tân lắc đầu:

-      Hoàn toàn sai chị ạ! Lúc đó ảnh phải họp liên miên với hội đồng chuyên môn để chuẩn bị một trường hợp mổ tim rất nguy hiểm. Đầu óc ảnh đang chuẩn bận rộn căng thẳng như thế mà em còn làm bậy, chị thử nghĩ xem, ảnh không tức giận sao được? ảnh la rầy em là phải lắm rồi!

-      Khi biết sự thật, Tân làm gì?

-      Em xin lỗi ảnh và tụng kinh sám hối. Em suy nghiệm ra đa số những phiền não của con người đều do vọng tưởng điên đảo sinh ra, như trông sợi dây tưởng là con rắn, cứ cắm đầu vừa chạy vừa la.....
     
Thấy Hoa có vẻ mệt, Thanh Tân nhìn đồng hồ, giật mình:

-    Chết chửa! 12 giờ khuya rồi, chị đi nghỉ nhé! Chương trình ngày mai, chúng ta cùng đi đón bạn bè......

Hoa nhắc:

-      Phải dậy sớm dẫn tôi ra Phương Thảo am xem cho biết.

Thanh Tân đứng lên:

-     Chắc chắn rồi!

* * *

Buổi sáng mùa xuân, mặt trời dậy sớm. Mới hơn tám giờ, nắng đã vàng tươi sau bức màn cửa sổ. Khi Hoa bước ra khỏi phòng đã thấy vợ chồng Thanh Tân cùng ngồi uống cà phê.
     
Trong khi Tâm đứng lên kéo ghế mời Hoa ngồi, Thanh Tân đon đả:

-     Chúng em tưởng chị còn ngủ nên ngồi đây chờ. Mời chị dùng chút cà phê cho tỉnh người rồi chúng ta cùng ra vườn.

-     Cảm ơn. Tôi không quen dùng cà phê. Thôi mình ra vườn chơi.
     
Họ cùng đứng lên. Tâm mở cửa sau. Hoa nhìn thấy cả một vườn Lan trong nhà kiếng. những chậu Lan tươi tốt đầy sức sống trổ hoa tim tím, hồng hồng, dáng ẻo lả như những tiểu thư khuê các. Những giò Lan treo lại càng đặc sắc hơn với những loài hoa lạ mà hình dáng và màu sắc của chúng cứ khiến mình phải nhìn mãi không thôi.
     
Hoa đứng ngẩn ngơ một lúc rồi theo chân vợ chồng Thanh Tân bước ra vườn. Vườn rộng quá, ước chừng cả mẫu. Màu xanh non của cây cỏ ập vào mắt Hoa cùng lúc với không khí mát dịu và tiếng chim hót vang lừng. chủ nhân có lẽ yêu cỏ lắm nên những lối đi trong vườn đều lót đá vì không muốn đẫm bừa trên thảm cỏ mượt mà, rộng mênh mông và cắt xén rất kỹ.
     
Thanh Tân chỉ tay về phía trái, giới thiệu khu vườn trồng cây ăn trái của mình với vẻ hãnh diện, cái hãnh diện đáng yêu của trẻ con:

-      Chị xem khu vườn của em kìa! Mùa này chưa cây nào có trái nhưng hoa mận, hoa cam đang trổ đầy, chị nghe thơm không? Ngào ngạt cả vườn, chị nhỉ? Em trồng được ổi sá lỵ, na, mãng cầu Xiêm và nhãn nữa.

Tâm xen vào, giọng vui vẻ:

-      Nhưng đâu bằng mấy cây hồng dòn của tôi! Nếu tháng 10 chị có thể về đây, chị sẽ được ăn những trái hồng đặt biệt lấy giống từ Nhật bản, có trái to bằng cái chén vậy.

Hoa cười:

-      Nghe hai ông bà kể, tôi đã thèm rồi.
     
Hoa phóng tầm mắt ra đằng xa, khoảng giữa sân. Tượng đức Quán Thế Âm trắng toát nổi bật trên muôn hồng ngàn tía. Đến gần hơn, Hoa im lặng chiêm ngưỡng. Mãn Đình Hồng nở rộ chung quanh đài sen; màu hồng nhạt của những cánh hoa mong manh tạo vẻ tươi mát, dịu dàng. Sau lưng hình tượng là một giàn hoa Tường vi, hoa nở đỏ cành, rực rỡ. Có mấy con chim xanh đi nhởn nhơ trên đường sỏi quanh co.

-      Còn cái hồ đâu?

-     Chị theo em, nó ở tận cuối vườn.
     
Càng đi về phía sau, khu vườn càng có vẻ tĩnh mịch vì những đám mía um tùm ở hai bên.
     
Hồ đây rồi! Nó to gấp hai căn nhà của Hoa. Hồ đầy nước, im lặng soi hàng liễu rũ và phản chiếu da trời xanh biên biếc. Trên mặt hồ, lưa thưa vài cọng hoa súng, búp còn xanh non. Cách hồ không xa là ngôi nhà lợp tranh, vuông vức, vách ván đơn sơ. Tâm tiến lên trước, mở cửa. Bên trong, sàn gỗ láng bóng. Không có bàn ghế chi ngoài cái bàn thấp bằng mây, trên có sẵn bộ đồ trà.

Thanh Tân nói:

-     Đây là phòng khách, cũng là Thiền đường; phía sau là nhà bếp và hai phòng ngủ nhỏ.

Tự nhiên, Hoa buột miệng:

-      Hai ông bà như đang sống cõi tiên hay cõi Cực Lạc vậy. Cảnh đẹp quá!
      
Trong lúc Thanh Tân đi vào bếp đun nước pha trà, Tâm đáp:

-     Cảm ơn chị! Quả thật cảnh trí ở đây giúp tinh thần chúng tôi trở nên dịu êm sau những giờ làm việc căng thẳng, nhưng chưa phải cảnh Cực lạc đâu vì tâm chúng tôi còn sóng gió, phiền não. Khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh, an ổn, chúng ta mới bước vào thế giới Cực lạc được.

-                     Nhưng anh chị có phước đức lớn. Ít ai sánh kịp!

-                     Chị đã quá khen. Nhưng phước đức hữu vi nay còn mai mất, đâu bằng công đức vô vi. Tu tập chín chắn trong một ngày, như thọ bát quan trai chẳng hạn, công đức có thể vượt qua ba cõi.

Hoa thành thật:

-     Thỉnh thoảng tôi cũng có thọ bát nhưng....

-   Chắc chị gặp trở ngại?

Hoa lắc đầu:

-   Nói trở ngại thì không đúng lắm. Thú thật, tôi chưa đủ tín tâm nên tôi nghĩ rằng việc tu tập của tôi không đi đến đâu.

Tâm ôn tồn giải thích:

-                     Tôi nghe vợ tôi nói chị gặp Phật Pháp đâu chừng hơn một năm nay, phải không? một, hai năm không đủ để mình hiểu rõ Phật pháp, mà khi chưa hiểu, tín tâm không sâu là phải rồi. Nếu chưa hiểu đã vội tin, tôi cho đó là mê tín chứ không phải chánh tín.
     
Nghe Tâm nói, Hoa thấy hay và có lý nhưng lòng nàng vẫn còn uẩn khúc:

-    Anh khách quan nói vậy, tôi nghe hợp lý nhưng riêng chủ quan tôi, tôi nghĩ rằng sở dĩ tín tâm của tôi không vững mạnh chỉ vì tôi chưa gặp đúng thầy. Nói ra anh đừng cười, ông Sư ở chùa tôi còn rất trẻ. Tuổi đáng con cháu của mình, tướng mạo lại thấp lùn nên tôi không có lòng kính trọng, do đó khi nghe thầy giảng, tôi không nhập tâm được. Hồi đi học cũng vậy, tôi không thích thầy nào thì môn đó tôi học dở.

Tâm gật gù:

-     Tôi hiểu chị. Chúng ta đều là người phàm, ai cũng vướng mắc vào hình danh sắc tướng, không nhiều thì ít.
     
Nhưng chị cho phép tôi hỏi một câu: “Nếu chị biết mình đang đi lạc, muốn tìm lối ra. Có em bé kia rành đường, sẵn sàng chỉ cho chị, chị nên cầu hỏi em hay phải chờ đến khi nào gặp một cụ già có tướng mạo đáng kính chị mới hỏi đường?”
     
Tôi cho rằng Tu sĩ xuất gia là người chỉ đường dẫn lối cho mình bằng lời nói và bằng nếp sống thanh tịnh, hợp chánh pháp. Thầy tu không thể cứu được mình, họ chỉ phương cách cho mình tự thoát ra, cho nên thầy trẻ hay già không thành vấn đề, chỉ cần vị thầy hiểu rõ đạo lý và sống hợp đạo lý thôi.
     
Một lần nữa, Hoa thầm công nhận Tâm có lý. Vừa lúc đó, Thanh Tân bưng ra một cái mâm gỗ, trên đó có ấm trà nóng và bình hoa tươi. Vợ chồng nàng hướng dẫn cho Hoa cách thưởng thức trà trong Thiền vị. Lần đầu tiên trong đời, Hoa cảm thấy mình đang sống trọn vẹn. Sự an tĩnh và lòng yêu đời tràn đầy trong tâm hồn, nó tưới mát trái tim khô héo của nàng.
     
Sau đó, hai người còn dạy Hoa pháp Thiền hành, đi thong thả trong chánh niệm, tận hưởng hương hoa và màu sắc của đất trời. Hoa chợt thấy rằng hạnh phúc thật đơn giản. Nó luôn ở bên ta, chỉ tại mình phí bỏ lãng quên thôi.....
     
Ngày hôm đó, bạn bè lần lượt kéo đến. Nhiều người dẫn cả chồng con theo. Tiếng cười nói rộn rã khác thường làm bầy chim ngơ ngác. Ba đứa con của Thanh Tân phụ cha mẹ đón tiếp đãi đằng thật chu đáo. Buổi chiều, sau khi cơm nước xong xuôi, đám bạn gái kéo nhau ra Phương Thảo am tập văn nghệ. Họ họp ca bài “Trường làng tôi” và “cô gái Việt”. Nhóm “rể” Gia Long lo tập hoạt cảnh “Trấn thủ lưu đồn”. Tâm và Thanh Tân vẫn còn phong độ lắm với nhạc cảnh “Em đi chùa hương”. Họ ráo riết tập dợt để thi đua với mấy nhóm Gia Long khác, không cùng lớp, có ban thi đua gồm các thầy cô giáo cũ châm giải đàng hoàng.
     
Bạn gái có tám người mà vui đáo để. Ban đầu còn gọi chị, kêu em, sau đó cứ mầy tao, mi tớ như hồi nhỏ. Không ai nhớ mình đã già, đã có dâu có rể, cháu ngoại cháu nội. Họ cười hể hả, nói chuyện như bắp rang, tiếu lâm vung vít. Hoa lờ mờ cảm nhận cái tâm của con người có thể vượt thời gian; nếu khéo giữ gìn, nó sẽ trẻ mãi không già.
     
Ngày hội được tổ chức ngày hôm sau. Ban tổ chức mướn một tầng lầu của nhà hàng Royal Palace. Người đến đông vầy. Những tà áo dài lại có dịp phấn phới như đàn bướm nhỏ ngày xưa. Tay bắt mặt mừng, chưa quen cũng như đã quen, không quen cũng như quen. Có cái gì đó kéo mọi người lại gần với nhau, lòng ai cũng mở rộng, miệng ai cũng tươi cười.
     
Giới thiệu ăn uống xong, tới phần thi đua văn nghệ sôi động và hào hứng. Phe ta đoạt được giải hợp ca, bài “Cô gái Việt”, cả bọn cười toe toét. Trước khi chia tay với bài ca “Việt Nam, Việt Nam”, ban chấp hành hội, đọc báo cáo công tác, tài chánh và kêu gọi chương trình cứu trợ các bạn cũ ở Việt Nam.
     
Thủ quỹ và thư ký cầm nón lá đi vòng vòng, chẳng mấy chốc, tiền đầy ắp, nhiều em bé cũng bỏ tiền túi của mình vào. Hoa thật sự cảm động. Đây là ngày vui đầy ý nghĩa.

*  *  *
     
Khi Hoa đáp phi cơ trở về Houston, chị Ngọc và Lan đã chờ sẵn. Nhìn quanh không thấy Lực, Hoa hỏi ngay:

-      Còn Lực đâu?

Lan đáp, hơi ngập ngừng:

-     Dạ....nó đang ở chùa!

-      Bộ nó chẳng nhớ mẹ sao không ra đón?

Ngọc cất tiếng:

-                     Em bình tỉnh nghe chị nói. Ở nhà, Lực bị phỏng nước sôi. Thầy bảo đem nó lại chùa cho thầy chăm sóc.

Tim Hoa đau nhói, nàng hốt hoảng:

-       Nó có sao không?

-   Phỏng nhiều nhưng không nặng lắm. Vào phòng cấp cứu xong họ cho về.

Hoa nhìn Lan có vẻ trách móc:

-     Sao con không cho mẹ biết?
Lan nói như mếu:

-      Dạ tại em Lực không cho. Nó nói: “Cả đời mẹ không có mấy ngày vui, để mẹ hưởng cho trọn. Mẹ hay được, về sớm cũng vậy thôi vì chuyện đã xảy ra rồi”.

Nước mắt ràn rụa, Hoa xoay qua Ngọc, nói:

-     Chúng ta đến chùa liền, nghe chị?
     
Hỏi rõ đầu đuôi sự việc, Hoa hiểu Lực. Lúc sau này, nó bớt mặc cảm tự ti nhưng không lượng sức mình. Ở nhà không có ai mà tự cắt lá xả nấu nồi xông. Nó thấp quá, phải đứng lên ghế mới nhấc nồi nước sôi xuống được. Cái ghế trợt, nước đổ, phỏng cả người.
     
Xe vào đến chùa, chưa kịp dừng bánh. Hoa đã mở cửa phóng xuống. Nàng chạy ùa vào, suýt vấp ngã ở ngưỡng cửa. Cùng lúc đó, tiếng chuông công phu chiều thong thả ngân, tiếng chuông khoan thai, trầm tĩnh, nó làm dịu bớt sự căng thẳng và lo âu của nàng. Lấy lại bình tỉnh, Hoa bước vào trong.
     
Lực đang ngồi gọn trong chiếc ghế nệm. Cánh tay trái và nửa người trên quấn băng trắng toát. Hoa rơi nước mắt. Nàng tiến đến nắm tay con, im lặng nghẹn ngào.
     
Thằng Lực thấy mẹ, nó toét miệng cười, ánh mắt nó cười theo, hình như nó không đau đớn gì cả.

-     Mẹ mới về hả? mẹ đi họp bạn vui không?
     
Hoa không trả lời, nàng nhìn kỹ chỗ băng bó như muốn soi thấu bên trong để biết vết thương của con như thế nào.

Lực hiểu ý, lắc đầu:

-      Mẹ đừng lo, con không sao hết! Một tuần nửa thì lành hẳn.

-     Con nói thật không? Có đau thì cho mẹ biết, đừng dấu mẹ.

Lực đổi giọng nghiêm trang, không đùa:

-     Con nói thật, con không còn thấy đau nữa. Có lẽ niềm vui con mới tìm được lớn quá, nó lấn át cái đau của thân thể.

-   Con nói gì mẹ không hiểu?

-                     Mẹ ơi, nguồn hạnh phúc đó không có xấu hay đẹp, giàu hay nghèo, cũng không có tật nguyền, không có số mệnh....Ai cũng như vậy thôi. Bây giờ con mới biết mình may mắn vì được còn thân người, có tri giác sáng suốt, có minh sư chỉ dạy.
     
Con đã nếm được vị cam lồ, tuy chút xíu thôi, nhưng cũng đủ để vui cả đời.....
     
Trong lúc Hoa còn ngơ ngác, thầy Minh Nghiêm từ chánh niệm bước xuống, cái y vàng trên người thầy sáng rỡ. Hoa có cảm tưởng hôm nay tướng mạo thầy đoan nghiêm hơn mọi khi và nét mặt thầy phảng phất hình ảnh Đức Phật.
     
Bất giác, Hoa cung kính đứng dậy, chấp tay cúi đầu chào. Chị Ngọc và Lan nãy giờ ở ngoài sân cũng tiến vào. Thầy mời tất cả ngồi xuống bàn dùng trà.
     
Hoa trở nên tỉnh táo. Nỗi lo lắng không còn xao động. Nàng dùng cả hai tay nâng tách trà nóng lên. Hương trà ướp lài theo hơi thở chậm và sau thấm vào tận buồng phổi. Hoa chăm chú nhìn màu nước trà vàng ánh, trong veo, nằm trong cái tách bằng sứ trắng, chung quanh có chạy đường viền màu nâu. Cả thế giới năm châu, cả đất trời cây cỏ, tinh tú nhật nguyệt, quá khứ hiện tại tương lai, đều nằm trọn trong tách trà. Nàng tiếp xúc được cả vũ trụ. Nàng không còn cô đơn, cũng không còn đau khổ trong ánh sáng kỳ diệu của sự tỉnh thức.
     
Hoa nhắm mắt lại, hớp một ngụm nhỏ, nghe chất trà nóng chầm chậm đi vào cơ thể. Giây phút ngắn ngủi đó, Hoa cảm thông được với Lực, với vợ chồng Thanh Tân và biết rằng từ đây mình có thể sống vui vẻ hồn nhiên như cỏ nội, mây ngàn.....

4/95
 Trở lại CÂY DỪA KIỂNG....                           Xem thêm TRÔI NỔI VỚI TÌNH....