Trong một buổi mạn đàm về giáo lý, có một
đạo hữu tuổi đang là sinh viên ngành kỹ sư điện tại đại học MSU đưa ra một câu
hỏi rất hay:
- Kinh
Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là mọi
sự việc đều do tâm tạo tác, do tâm biến hiện. Tôi cảm nhận được điều đó, nhưng
thắc mắc của tôi là: nếu thiên đàng hay địa ngục đều do tâm tạo thì tại sao
chúng ta chẳng tạo ra thiên đường mà cứ tạo dựng ra cảnh địa ngục để chịu khổ
đau?
Một đạo hữu trung niên, được coi như trưởng
tràng của nhóm Phật học tại đấy đã đáp rằng:
- Biết
là một chuyện nhưng ít ai thực hiện được cái biết của mình. Ví như ai cũng biết
cõi Cực lạc là an vui. Địa ngục là thống khổ nhưng đâu có ai cũng thẳng đường đến
chỗ an vui? Vì tham sân si sai khiến, người ta sẵn sàng gây tạo ác nghiệp để nhận
lấy hậu quả khổ đau. Chúng ta là kẻ phàm phu thường bị nghiệp lực chi phối nên
không còn tự tại. Vì không còn tự tại nên không thể tùy tâm biến hiện được.
Câu trả lời ngắn gọn rõ ràng hình như
chưa hài lòng người bạn trẻ. Nhưng vì sự giới hạn của thời gian cũng như sự giới
hạn về kiến thức Phật học của cả nhóm, chúng tôi đều nhận thấy không thể đi sâu
vào vần đề này.
Vài tháng sau, tôi được dịp chứng kiến một
câu chuyện tình của đôi thanh niên nam nữ. Câu chuyện này có thể dùng để trả lời
thắc mắc của người bạn trẻ tuổi đã nêu câu hỏi, tuy ngây thơ mà rất thực tế
trên. Tôi xin mạn phép hai nhân vật chính trong chuyện (dĩ nhiên đã được đổi
tên) để được kể ra đây, không phải nhằm mục đích chỉ trích phê bình hay mua vui
cho độc giả mà chính là để giúp cho các đạo hữu có dịp thấy rõ nghiệp lực đã
lôi cuốn con người như thế nào. Như người chiến sĩ ra trận phải biết người biết
ta thì mới có thể chiến đấu dằng dai với nội tâm cũng phải biết “Phật cao nhất
xích, ma cao nhất trượng” để cẩn thận hơn, không vội vàng khinh địch trong khi
công phu, đạo lực của mình vốn còn non kém.
.... Hai người gặp nhau trong tiệc cưới.
Chuyện tình cũng vậy, cái thưở ban đầu vô cùng đẹp đẽ nên thơ. Càng nên thơ hơn
khi nàng làm phù dâu cho cô bạn gái, chàng làm phù rể cho anh bạn thân.
Tuổi đôi mươi là tuổi sẵn sàng để yêu:
Dung đã yêu Văn ngay buổi đầu gặp gỡ. Anh chàng thư sinh có đôi mắt buồn vời vợi
xa xăm ấy như có sức gì thu hút Dung rất mạnh mẽ. Phần Văn thì “thông minh vốn
sẵn tính trời” nên chàng rất nhạy bén trong tình yêu. Bạn bè cấp đôi Văn và
Dung trong tiệc cưới, Văn thấy vui vui “cô ấy cũng xinh”, Văn nghĩ thầm như vậy.
Chỉ vài tuần sau đó, Văn và Dung đã trở
thành đôi tình nhân. Ở xứ Mỹ này tình yêu thường đốt giai đoạn nhưng riêng về
trường hợp của hai người, họ cũng có lý do riêng. Văn vượt biên sang Mỹ chỉ một
mình, dù được ông bố nuôi người Mỹ thương yêu rất mực, Văn cũng thấy thiếu tình
gia đình, trong đó có hình ảnh dịu dàng của người mẹ và sự vui tươi nhí nhảnh của
đàn em. Nay được Dung săn sóc thương yêu, Văn cảm thấy ấm áp cả cõi lòng. Còn
Dung vốn đã mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ thì lại khắc khẩu. Hễ mở miệng ra
thì bị rầy bị mắng, tình chị em lại chẳng ra chi. Bởi vậy, Dung rất khao khát một
tấm chân tình để làm nơi nương tựa tình cảm.
Từ khi hai đàng thố lộ được tâm tư, tình
yêu nồng nhiệt bắt đầu. Hầu như ngày nào họ cũng gặp nhau sau giờ tan học. Thế
rồi hoặc chui vào quán cà phê, hoặc vào rạp cine cho đến mờ mịt tối họ mới chịu
ra về. Sự đi chơi quá độ của hai người làm cho gia đình hai bên đều lo lắng.
Ông bố Mỹ của Văn đêm nào cũng thức chờ
Văn về. Ông nhắc nhở chuyện học hành, tương lai của Văn.
- Năm
thứ nhất ở đại học, con phải cố gắng nhiều để tạo căn bản cho những năm về sau.
Bài vở giáo sư kêu làm, mặc du họ không xét nhưng nếu con không lo làm, con sẽ
không thể làm được các bài kiểm tra trong lớp.
Ban đầu Văn còn chịu ngồi nán lại năm,
ba phút nghe ông nói, nhưng sau đó thì chàng phớt tỉnh Ăng-lê. Tội nghiệp ông bố
già, ông thương Văn thiệt tình như con đẻ nên lắm khi ông phải điêu đứng khổ sở
vì Văn, vì lo cho tương lai của chàng. Thấy Văn cố tình lánh mặt, ông đổi chiến
thuật, viết kể những kỷ niệm ngày nào bố con vui vẻ thân thiết với nhau cùng lo
tính tương lai. Ông nhắc có lần Văn nói với ông “Con muốn sau này sẽ học tới tiến
sĩ”, và ông đã trở lời: “Cha không tiếc gì với con hết, cả gia tài nầy là của
con; con muốn học tới đâu, cha lo tới đó”.
Tội nghiệp những bức thư không tem, chỉ
có cái đầu tiên là được Văn mở ra, còn bao nhiêu đều bị vứt bừa trong xó tủ. Đối
với Văn, lúc này, chỉ có tình yêu là quan trọng. Tánh Văn rất nhạy cảm, Văn tự
thấy mình sinh ra là để yêu, để “sống thác vì tình”. Chỉ có tình yêu thôi, mọi
thứ khác đều không đáng kể. Đôi khi, Văn cũng chợt nghĩ nhớ về Việt Nam, nơi phố
chợ vùng ngoại ô Sàigon đó có hình ảnh mẹ già, đàn em thơ đang đặt cả tin tưởng
và hy vọng vào Văn. Gia đình đang mong chờ ngày Văn tốt nghiệp Đại học để có đủ
điều kiện hoàn tất thủ tục bảo lãnh. Mẹ dẫn các em đi vượt biên bị bắt mấy lần.
Văn viết thư về nói với mẹ rán chờ: “Năm ba năm nữa thôi, khi con ra trường sẽ
có việc làm thì hồ sơ bảo lãnh của mẹ được hoàn tất”.
Sức Văn học rất khá nhưng từ khi “hồn lỡ
sa vào đôi mắt em” thì chuyện học hành bị chểnh mảng sa sút rõ rệt. Văn tự bào
chữa: “Sự học còn dài, cứ từ từ rồi cũng xong”.
Văn đã thế, dĩ nhiên Dung cũng chẳng khá
gì hơn. Thông thường ở tuổi Dung, người ta đã vào đại học trong khi Dung lẹt đẹt
ở lớp 11. Mất căn bản lại thiếu siêng năng nên Dung rất nản học. Bây giờ có
tình nhân, Dung rất hăng hái bỏ lớp để đi chơi với chàng, thật là sung sướng,
thật là thú vị. Trường thông báo về nhà, mẹ và cậu vô cùng tức giận. Dung bị kiểm
soát chặt chẽ hơn, điều đó làm Dung bực bội “Mình đã 20 tuổi đầu, mà cứ xem
mình như con nít. Ở xứ này, 18 là có quyền ra riêng đâu ai cản được”.
Ý nghĩ thoát ly manh nha trong đầu khiến
Dung trở nên bướng bỉnh, đôi khi hỗn láo với mẹ. Mẹ Dung vốn nóng tính, bà
không chịu nổi thái độ của Dung tơi bời. Thế là Dung cảm thấy mình bị bạc đãi ,
bị chèn ép. Ở nhà, hễ chị mở miệng ra xin cái mẹ cũng cho, em xin cái gì chi, mẹ cũng chìu; chỉ có
Dung là người chịu thiệt thòi như con ghẻ. Dung nghĩ: “chỉ có Văn thương mình
thôi, ước gì hai đứa được sống bên nhau”.
¯ ¯
¯
Thuận vừa nhận được cú điện thoại ngắn của
Văn: “Anh đến đây gấp, em cần anh. Bạn gái của em vừa uống thuốc ngủ tự tử”.
Thuận là huynh trưởng Gia đình Phật tử,
đã tốt nghiệp Kỹ sư, hiện đang tiếp tục bằng cao học. Thuận quen biết Văn từ trại
tị nạn ở Bidong, lúc hai người cùng chung sinh hoạt Phật sự. Thuận là người có
lòng hào hiệp, sống có lý tưởng, thích giúp đỡ kẻ khác mà không cần suy nghĩ đắn
đo. Cũng vì không kịp suy nghĩ cân nhắc trước khi hành động mà lắm khi Thuận vướng
vào những chuyện bực mình, cũng như “ách giữa đàng mang vào vướng cổ” vậy.
Lần này, nghe tiếng kêu cứu của Văn, Thuận
cảm thấy nóng lòng vì trong thâm tâm, Thuận xem Văn như người em ruột. Mà dù
không thân thiết đi nữa, Thuận cũng tự thấy có bổn phận phải cứu giúp khi có
người cần đến mình. Không chần chờ một phút giây, Thuận phóng xe sáu tiếng đồng
hồ không nghỉ ngơi để sớm gặp Văn xem sự việc xảy ra thế nào?
Khi Thuận đến nơi thì thấy Văn đang ngồi
bó gối nơi góc nhà. Gặp Thuận, Văn mừng quýnh:
- Anh
cứu tụi em nghe anh!
Thuận đáp, có một chút gì như tự hào
trong lời nói:
- Tao
xuống đây là mày hiểu rồi! Đầu đuôi ra sao mày kể tao nghe coi!
Văn đứng lên:
- Để
em rót nước anh uống rồi em kể hết cho anh nghe.
- Còn
“ông già” đâu? Tao muốn chào ổng!
- Ổng
mới đi dạo vòng vòng chung quanh cư xá, ổng đau tim, bác sĩ bảo mỗi ngày phải
đi bộ một tiếng đồng hồ.
Sẵn dịp, Thuận nó luôn:
- Ổng
thương mày như con ruột, mày phải làm sao cho ổng vui mới xứng đáng với tấm
lòng của ổng. Nhất là người đau tim, phải tránh những chuyện lo buồn.
Uống xong ly nước trà nóng, Thuận bật lửa
châm điếu thuốc rồi ngả người ra ghế dài cho đỡ mỏi. Chặp sau, Thuận hỏi:
- Tình
trạng Dung bây giờ thế nào?
- Sau
khi được cứu tỉnh,Dung đã về nhà nhưng còn yếu lắm.
- Tại
sao nó lại làm chuyện rồ dại đó
Văn cúi đầu:
- Gia
đình đối xử khắt khe với Dung quá! Dung bị cấm đoán đủ điều, bị bạc đãi như con
ghẻ nên không chịu nổi.
- Nó
bị cấm những gì?
Hơi bị lúng túng, Văn ngẫm nghĩ một chút
rồi mới nói:
- Dung
lớn rồi, đâu còn bé bỏng gì mà cậu và má Dung bắt phải đi thưa về trình, không
được đi chơi, không được có bạn trai. Em với Dung đâu phải chuyện qua đường,
chúng em tính chuyện cưới đàng hoàng mà gia đình cũng cấm đoán.
- Tao
muốn gặp Dung để biết rõ hơn, mày thấy có tiện không?
Văn chưa kịp trả lời thì có tiếng chuông
điện thoại reo. Văn nghe xong, có vẻ hấp tấp:
- Anh
đi theo em ngay, Dung lại uống thuốc lần nữa, may mà người nhà ngăn kịp. Dung
đòi gặp em. Có anh theo, em đỡ ngại hơn.
Lúc Thuận và Văn bước vào cửa nhà Dung,
hai người chùn bước trước những khuôn mặt vừa đau khổ, vừa gay gắt của bao
nhiêu người trong nhà. Văn gật đầu chào, không ai đáp lại. Thuận tiến tới bắt
tay người đàn ông trong phòng. Thuận đoán là cậu của Dung rồi tự giới thiệu:
- Thưa
cậu, tôi là Thuận, anh bà con của Văn.
- Chào
anh!
Trên lầu có tiếng la, rồi tiếng ho, tiếng
ụa mửa.
Má Dung nói:
- Khổ
quá, nó lại làm nư nữa rồi, con với cái! Thôi mời hai cậu lên gặp nó.
Khôn chằn chờ, Văn phóng lên trước:
- Em
Dung!
Dung đang nằm thở dốc, nghe tiếng gọi của
tình nhân vội vàng ngồi chàng dậy; ngã vào đôi cánh tay của Văn. Hai người im lặng
thật lâu. Lúc sau, Dung mới thấy sự hiện diện của Thuận. Dung mếu máo:
- Anh
Thuận, em không muốn ở đây nữa, anh cứu em. Anh cho em lên ở nhà anh để đi học
nghe!
- Gia
đình em đây mà đòi bỏ đi đâu?
- Ở đây em khó thở quá, thà chết còn sướng hơn.
- Chết
như vậy không giải quyết được gì cả; hễ so nghiệp thì phải rán trả.
Biết Thuận đã đứng về phe mình. Văn tiếp
luôn:
- Hay
là anh cho Dung lên ở tạm nhà anh một vài tháng cho nguôi ngoai.
Thấy Thuận im lặng, Văn nháy mắt cho
Dung:
- Vậy
em sửa soạn đồ đạc, ngày mai theo ảnh luôn.
Dung mừng húm:
- Anh
Thuận ơi, anh thương tụi em thì thương cho trót. Anh cho Văn theo luôn nghe,
Văn đổi lên đó học, sẵn kèm Toán và Anh văn cho em luôn. Em không thể xa Văn được
anh ơi!
Ngay lúc đó, má Dung bước vào phòng, bà
có vẻ tức giận lắm.
- Xin
lỗi cậu là ai mà tới đây đòi dẫn con gái tôi đi?
- Tôi
không có ý định đó. Con bà đòi đi ra khỏi nhà, chẳng lẽ bỏ nó lang thang ngoài
đường thân gái bơ vơ sao? Nhà tôi, tôi có quyền cho ai ở thì cho. Con bà trên
18 tuổi rồi, đối với pháp luật, nó có quyền muốn ở đâu thì ở.
Bị đuối lý, bà tức lắm, vôi kêu người em
lên:
- Cậu
Tư, cậu lên đây mà coi nè!
Người đàn ông bước vào phòng, đôi mắt
sáng quắc của ông đảo qua một vòng và ông hiểu ngay tự sự.
Ông nói:
- Thôi
mời tất cả xuống phòng khách nói chuyện!
Sau khi mọi người đều an ngồi, ông cất
tiếng hỏi:
- Gia
đình tôi đang có chuyện bối rối, tôi không biết cậu và Văn có hảo ý gì giúp đỡ
chúng tôi?
Câu hỏi quá khéo, Thuận chưa biết trả lời
ra sao thì ông tiếp luôn:
- Con
dại cái mang. Chúng tôi khổ sở vì dạy con không nổi. Ở xứ này đa số trẻ em hư hỏng
chỉ vì hiểu lầm hai chữ “tự do”. Chuyện tình cảm giữa Văn và Dung thật ra chúng
tôi không cấm đoán nhưng chúng tôi phải chịu thiệt thòi, khổ thân. Chúng tôi chỉ
yêu cầu hai đứa lo học hành tới nơi tới chốn, nhứt là Văn, người con trai phải
nên sự nghiệp trước khi tính chuyện hôn nhân.
Vướng vào chuyện vợ con quá sớm, nó sẽ bỏ
dở chuyện học hành, đời tụi nó sẽ chẳng ra gì. Vậy mà hai đứa không chịu nghe,
cứ lén lút bỏ học đi chơi hoài. Nhiều khi đi với nhau khuya lơ khuya lắc mới về.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Gia đình chúng tôi xấu hổ vì bị mang tai
tiếng quá nhiều. Giờ lại xảy ra chuyện này nữa.
Thuận nói, có vẻ bào chữa:
- Giáo
dục là cần thiết nhưng phương pháp giáo dục càng quan trọng hơn. Đôi khi những
biện pháp mềm dẻo lại có hiệu quả hơn sự cứng rắn.
Cậu Tư gật gù:
- Tôi
cũng đồng ý như thế, nhưng con Dung thì cứng đầu còn chị tôi nóng tánh thành ra
trong nhà có chuyện lục đục hoài.
- Hiện
giờ Dung có ý định bỏ nhà ra đi rất mãnh liệt......
Má Dung nổi nóng:
- Hứ!
nó muốn đi đâu thì kệ xác nó, hư lỡ cho hư luôn. Khôn nhờ dại chịu.
Cậu Tư ôn tồn hơn:
- Chị
để yên tôi tính cho! Anh Thuận nè, nếu con Dung xin ở tạm nhà anh vài tháng,
anh nghĩ sao?
Thuận đáp không do dự:
- Tôi
ít khi từ chối khi có người cần tôi giúp đỡ. Trường hợp của Dung, tôi nghĩ là nếu
tôi cho Dung tá túc, tôi sẽ cứu được một mạng người.
Cậu Tư hơi nhếch mép như để dấu nụ cười
khi nghe Thuận dùng từ quá lớn lao: “Cứu một mạng người”. Đối với cậu, đây chỉ
là trò làm nư của cô cháu gái lậm tiểu thuyết tình cảm quá nhiều.
Tuy nhiên cũng cần thời gian vài tháng
cho tình hình lắng dịu lại.
- Cho
tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ Văn là người tốt, còn anh là anh họ của Văn, tư cách
lại đàng hoàng nên tôi tin tưởng anh. Tôi gửi cháu Dung lên anh vài ba tháng,
nhờ anh khuyên giải, khi nào nó biết suy nghĩ phải trái anh cho nó về gia đình,
tôi sẽ không quên ơn anh.
Thuận nhìn đồng hồ rồi nói:
- Xin
cậu đừng nói đến chuyện ơn nghĩa. Gặp chuyện phải là tôi không từ nan. Giờ tôi
phải về nghĩ sớm, sáng mai tôi sẽ đi khoảng 10 giờ.
Thuận và Văn trở về nhà cũng khá khuya.
Ông Richard hãy còn thức. Ông nằm dài trên chiếc ghế sofa, mắt nhìn tivi mà tâm
hồn để tận đâu. Mấy tháng nay ông đau khổ vì sự biến đổi của Văn. Từ một đứa
con hiền lành, hiếu thảo, biết lo cho tương lai, đột nhiên Văn trở nên bướng bỉnh,
cứng đầu cứng cổ. Văn không còn nể nang ông chút nào. Văn kình chống ông mỗi
khi ông nhắc nhở chuyện học hành hoặc nói tới Dung. Lần nào Văn cũng nói những
lời này:
- Tôi
lớn rồi, tôi phải có đời sống riêng. Tôi có quyền tự do riêng của tôi. Tôi muốn
tự lập để khỏi lệ thuộc vào ai cả.
Những đêm Văn đi chơi khuya, ông thức trắng
để chờ. Thấy vậy, Văn tỏ ra bực bội, lại phản ứng bằng cách đi nhiều hơn nữa.
Ông Richard vốn là người giàu tình cảm
và sống nhiều với nội tâm. Ông không lập gia đình nên bao nhiêu tình thương ông
đổ dồn cho Văn, đứa con nuôi mà ông yêu mến vô cùng. Nay Văn trở chứng như vậy
khiến ông nặng mang những nỗi buồn phiền làm bịnh tim tái phát. Ông không biết
mình sống chết ngày nào nên ông làm tờ di chúc ghi tên Văn là người thừa hưởng
tất cả tài sản của ông. Ông đưa Văn xem tờ di chúc, những mong Văn hiểu rõ tấm
lòng của ông và hồi tâm thức tỉnh cho ông được ấm tình phụ tử. Nhưng Văn vẫn dửng
dưng như không.
Nỗi buồn biết tỏ cùng ai? Càng âm thầm
đau khổ, trái tim bệnh hoạn càng héo hơn. Ông không muốn kể lể cái xấu của Văn
cho bất cứ ai vì ông sợ danh dự của Văn bị sứt mẻ, ảnh hưởng không tốt cho
tương lai Văn sau này.
Giờ gặp lại Thuận ông rất vui. Ông biết
Thuận là người tốt, học hành đàng hoàng, lại là người có thể khuyên nhủ Văn.
Nhưng ông chưa kịp nói chi với Thuận thì Văn đã vào đề ngay:
- Thưa
ba, con đã nhiều lần bày tỏ ý định tự lập với ba. Nay sẵn dịp đầu khóa học, lại
có anh Thuận xuống đây, xin ba cho con chuyển trường xuống học chung với ảnh.
Như vậy hợp với nguyện vọng của con hơn, con muốn tự do cho thân con.
Thuận rất ngạc nhiên khi nghe Văn đòi
chuyển trường. Văn đang học ngành Dược. Trường của Thuận lại chuyên về ngành Kỹ
sư mà! Thuận khéo léo cản ngăn:
- Văn
nên suy nghĩ kỹ. Văn đã học qua nửa năm ngành Dược rồi, nếu sang trường anh,
Văn chỉ có thể học một năm rưỡi nữa rồi lại phải chuyển trường khác đó!
- Chuyển
đi đâu cũng được, em cần thoát ly.
Ông Richard muốn chỉ cho Văn thấy thực tế
khó khăn đang chờ đợi, ông nghiêm nghị nói:
- Con
đừng tưởng hễ muốn đi đâu thì đi. Nếu con cãi lời cha, cha không hỗ trợ cho con
về tài chánh đâu.
Thuận thêm vào:
- Anh
cũng không đủ sức nữa. Anh còn đi học, làm trợ giáo trong trường đồng lương ít ỏi,
anh không thể gánh vác nhiều, em hiểu chớ?
Văn vẫn khăng khăng:
- Em
biết. Bước đầu em vay tiền ngân hàng để đống tiền học, sau đó em kiếm việc vừa
học vừa làm. Hồi đó anh chỉ một thân đơn độc mà anh học được, em cũng sẽ làm được
như anh.
Tới lúc ông bố không còn nhịn được nữa,
ông nói:
- Thôi
kệ, nó muốn đi đâu thì đi!
Nói xong ông bỏ vào phòng ngay.
Đó là câu nói lẫy nhưng Văn lại dựa vào
đấy như là sự cho phép. Thế là Văn hăng hái lo sửa soạn hành lý, giấy tờ....
Thuận ngủ được một giấc ngắn thì nghe có
tiếng nói chuyện xì xào, mở mắt ra, anh thấy hai cô cậu Văn Dung đã sẵn sàng
trong tư thế ra đi.
Thuận lờ mờ thấy câu chuyện này có vẻ gì
như sắp đặt sẵn nhưng vốn yếu lòng, Thuận không thể cương quyết từ chối trước sự
năn nỉ tha thiết của hai người. Thuận tự nhủ: “Mình đã hứa cho Dung tá túc vài
tháng thì sau đó mình sẽ bảo nó về”.
Nhưng sự thực lại không như thế! Văn và
Dung đột nhiên được ở chung một nhà, như lửa gặp rơm, như mèo thấy mỡ. Họ xoắn
lấy nhau không rời một bước. Ban đầu, Thuận đem luân lý Á đông ra nhắc nhở hai
người về chuyện nam nữ, Văn miễn cưỡng nghe theo nhưng sau đó thì Văn có đủ
cách để qua mặt Thuận và cuối cùng Thuận đành chịu thua khi thấy Văn mặc nhiên ở
chung phòng với Dung.
Ông bố già nhớ con, lọ mọ lên thăm để hỏi
han chuyện học hành. Ông lụm cụm mang theo những món ăn mà Văn thích, sợ con
thiếu thốn không tiền mua. Được biết Văn học ban ngày, ban đêm làm bồi bàn tới
khuya lơ khuya lắc, ông càng sốt ruộc hơn. Nhưng đến khi gặp lại Văn, ông thấy
Văn dửng dưng quá, lại còn làm ra vẻ lạnh lùng khiến ông đau khổ hết sức. Mới nửa
năm trước đây, cha con còn vui vẻ khắng khít như hình với bóng mà bây giờ Văn
xem ông như người dưng sao? Sự thắc mắc được giải đáp ngay khi ông quan sát
cách sinh hoạt trong nhà.
Nhà chỉ có một phòng ngủ. Văn – Dung chiếm
trọn còn Thuận thì ngủ tại phòng khách. Dù là người Mỹ nhưng vốn xuất thân từ
gia đình nề nếp và làm nghề giáo suốt cả đời nên ông không thể nào chấp nhận sự
sống chung lén lút như vậy. Ông không nói lời gì trách Thuận sao quá dễ dãi
nhưng sự im lặng của ông cũng là một hình thức phản đối. Ông lái xe về liền
ngay chiều hôm ấy.
Hôm sau, cậu của Dung điện thoại cho Thuận
ngay, ông nói:
- Tôi
gửi gắm cháu Dung cho anh vài tháng để nhờ anh giúp nó hồi tâm nhưng tôi không
ngờ cũng cho Văn đi theo luôn. Ở đây, người ta đồn rùm beng; nào là Dung bỏ nhà
theo trai, nào là Dung mang bầu không dám về nhà v.v...cháu tôi hư đốn sẵn, tôi
không đổ lỗi cho anh, nhưng nếu anh giải quyết vấn đề khéo léo hơn, thì có lẽ
gia đình tôi đã không bị tai tiếng nhiều đến thế. Bây giờ chuyện đã lỡ rồi, anh
làm ơn khuyên con Dung trở về với gia đình ngay. Tôi không muốn nó sa lầy thêm
nữa.....
Thật đúng là làm ơn mắc oán! Đây chẳng
biết là lần thứ mấy trong đời, Thuận gặp phải chuyện rắc rối xảy ra cho anh chỉ
vì lòng Từ bi thực hiện không đúng chỗ. Thuận thích giúp người, nhưng vì thiếu
sáng suốt nên hoặc là anh bị lợi dụng, hoặc là anh gây những hậu quả ngoài ý muốn.
Thuận vẫn biết Từ bi mà thiếu trí tuệ thì dễ rơi vào sự sai lầm tai hại, nhưng
anh không hiểu trước một vấn đề, giải quyết như thế nào là đúng, thế nào là
sai? Cùng làm một việc mà khi thì anh thấy mình đúng, khi thì anh thấy mình
sai. Như vậy là sao? Anh đâm ra lúng túng.
Chuyện Văn và Dung, bây giờ anh mới thấy
mình đã sai lầm. Tự trách mình yếu đuối, anh bắt buộc mình phải có thái độ
cương quyết hơn.
Tối hôm đó, anh mời hai cô cậu ra để nói
chuyện quan trọng.
Nghiêm giọng, Thuận nói:
- Trước
đây, anh hứa với cậu Tư của Dung là cho Dung ở tạm vài tháng để khuyên giải em.
Ba tháng đã trôi qua rồi, anh thấy bây giờ là lúc Dung nên trở về nhà. Cậu Tư vừa
mới điện thoại cho anh kêu Dung về.
Dung tỏ vẻ hốt hoảng:
- Em
không dám về đâu. Hễ đi là đi luôn, trở về má em đánh chết.
- Em
nói thế không được. Hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con mà. Cậu Tư kêu em về là cậu
đã mở đường cho em rồi đó. Con gái không nên bỏ nhà đi lang bang, em hãy về nhà
lo học hành, chờ đợi Văn bốn năm nữa, Văn học xong, trở thành Dược sĩ sẽ đi cưới
hỏi em đàng hoàng. Chừng đó chẳng những gia đình được nở mày nở mặt mà tương
lai và hạnh phúc lại bảo đảm vững vàng.
Dung buồn bã nhìn Văn rồi hỏi:
- Còn
Văn thì sao?
- Văn
vẫn có thể ở lại đây để học.
Văn phản đối ngay:
- Dung
đâu thì em đó, chúng em không thể xa nhau!
Thuận bực dọc hỏi:
- Tụi
em khắng khít thương yêu nhau như vậy mà không đứa nào lo cho tương lai của người
mình yêu hết. Tại sao Dung không nghĩ tới tương lai sáng sủa của Văn, nếu Văn
chú tâm lo học hành không vướng vào chuyện yêu đương trai gái? Còn Văn thương
Dung mà sao không nghĩ tới danh dự của Dung và gia đình nó? Chỉ cần giữ tình
yêu trong sạch, lo học hành và chờ đợi ngày thành hôn. Chuyện dễ dàng như vậy
mà hai đứa bây không làm được sao? Con đường sáng sủa trước mặt, được mọi người
khuyến khích hoan nghênh mà không chịu đi, cứ đòi rẽ vào ngõ hẹp, vào bóng tối
si mê, thật là rồ dại.
Rồi Thuận quyết định dứt khoát:
- Nếu
tụi bây không nghe lời tao thì tao dọn ra, để nhà này cho tụi bây ở. Từ đây,
tao kể như không còn trách nhiệm, không còn anh em gì với hai người nữa. Đời ai
nấy lo. Gánh chuyện thiên hạ hoài mệt quá!
Văn và Dung thấy Thuận giận dữ bèn im lặng
rút lui vô phòng. Đó là cách né tránh của hai người mỗi khi Thuận đề cập đến vấn
đề của cả hai.
Lần này, Thuận nhất quyết không để vấn đề
bị trôi qua nữa. Anh làm thủ tục trả nhà, chuẩn bị dọn ra.
Thấy thế, Văn trấn an Dung:
- Em
đừng sợ, anh sẽ đi làm thêm để nuôi em.
- Anh
nuôi anh còn chưa nổi, làm sao nuôi em được?
- Người
ta sống được, mình sống được! Cùng qua anh sẽ nghỉ học.
Hai tiếng “nghỉ học” tác động mạnh vào
tâm trí Dung. Văn nghỉ học để đi làm, hai đứa được sống bên nhau trong cảnh
“túp lều tranh”, hai trái tim vàng.
Nhưng rồi sẽ ra sao? Câu hỏi đó là đầu
tiên xoáy mạnh vào tâm thức Dung khiến cô nghĩ ngợi, đăm chiêu.... Nhìn sự sôi
nổi, si dại của Văn, Dung chợt thấy Văn còn trẻ con quá! Không thể được, không
thể nhắm mắt bước liều như Văn; mọi người thân yêu chung quanh mình đều có lý.
Dung lẩm bẩm lại câu nói của anh Thuận như để tự nhắc nhở mình: “Con đường sáng
sủa trước mặt, được mọi người khuyến khích mà không chịu đi.....”
Hai ngày sau, Dung điện thoại về nhà, nhờ
cậu lên đón về.
Nhìn Dung sửa soạn hành lý, Văn buồn rũ
rượi:
- Em
có biết em làm như vậy khiến anh đau lòng lắm không?
Dung không trả lời. Sự cương quyết làm
cô thấy mình lớn thêm lên.
Rồi ngay tiễn biệt đến. Văn tránh mặt vì
không dám gặp cậu Tư và vì không dám nhìn cảnh Dung bỏ mình ra đi. Chiều tối trở
về, Văn buồn rã rời, kéo bia ra uống, hết lon này đến lon kia.
Hôm sau, Văn ngã bệnh, sốt li bì, mê
man, phải vào bệnh viện cấp cứu mới tỉnh lại. Thuận e ngại quá vội điện thoại
kêu ông già lên gấp.
Ông bố già nhìn con gầy yếu xanh xao
trên giường bệnh mà xót ruột, xót lòng. Ông cầm tay con, âu yếm như thưở nào
Văn còn bé bỏng:
- Con
hãy trở về với cha, cha thương con
Văn im lặng gật đầu.
Thuận không biết Văn chịu trở về với ông
bố già vì Văn cảm động trước tấm tình phụ tử hay là Dung đã trở về đấy nên Văn
phải chạy theo như một kẻ cuồng si?
Thuận chợt nhớ lại lời dạy của Thầy
mình:
- Ở
đời có năm thứ tai hại trói buộc con người gọi là ngũ dục lạc. Đó là tiền bạc,
danh vọng, sắc đẹp, ăn và ngủ (tài, sắc, danh, thực, thùy). Vướng vào một trong
năm thứ đó, con người mất tự do vì không làm chủ được bản thân và trở thành mê
muội khó lòng tu tập được.
Thuận nghĩ tiếp:
-
Quả
thật vậy, Văn vướng vào vòng tình ái (sắc) nên trở thành một người khác hẳn. Bị
tình ái lôi cuốn, Văn dám làm mọi chuyện quấy, dám phụ cả mọi người chung
quanh, phụ cả tương lai mình và quên hẳn sự chờ đợi mỏi mòn của cha mẹ và các
em nơi quê nhà. Văn không còn là Văn của ngày nào! Văn luôn luôn biện minh rằng:
“Tôi lớn rồi, tôi phải được tự do sống cuộc đời của tôi, xin đừng ai ngăn can”.
Tự do chạy theo dục vọng của mình, đó có
phải thực sự là tự do không? Hay chỉ là hình thức của sự yếu hèn và nô lệ?
Trong thâm tâm, hẳn Văn phải hiểu rằng mọi người chung quanh đều khuyên những
điều đúng đắn, hợp lý nhưng tại sao Văn không làm theo được? Sự lôi cuốn của ái
tình mạnh mẽ quá khiến Văn không còn sáng suốt, lý trí không thể khế hợp cùng
lý nghĩa của việc mình làm. Sự cuốn hút của nghiệp lực, của ma vương đưa con
người vào tội lỗi và khổ đau.
Bởi vậy nên kinh Địa tạng nói rằng: “chỉ
có nghiệp lực chiêu cảm mới đưa con người vào địa ngục mà thôi”. Thật thế, nếu
Văn sáng suốt hơn, biết dùng ý chí để thắng nghiệp lực của ái tình thì Văn đâu
chuốc lấy tai hại và khổ đau.
Suy rộng ra, nếu ai cũng thấy được sự
cám dỗ của ngũ dục lạc thì tự mình làm chủ lấy mình; lúc đó sự tu tập không còn
chi trở ngại, dù sống trong cảnh nào cũng thấy an vui đầy đủ, vì tâm bình thì
thế giới bình. Giữ được tâm bình thường không sóng gió, không có sự não loạn của
vọng thức là sống với chân tâm, là tự mình tạo ra cảnh giới cực lạc an vui; còn
ngược lại, sống với vọng tâm đầy tham ái, si mê, sân hận là tự chuốc lấy phiền
não, tự mở cửa địa ngục để bước vào mà không hay. An vui hay đau khổ, giải
thoát hay trói buộc, quả thật đều do một tâm này tạo ra vậy.
Xét người rồi ngẫm lại mình. Thuận tự hỏi:
“Từ khi thọ Bồ tát giới đến nay, do sự phát tâm thực hiện Bồ tát hạnh, mình có
vướng vào danh tướng của Bồ tát không? Nếu vướng vào danh Bồ tát thì không thể
gọi là Bồ tát, bởi vì còn vướng mắc là còn si mê, còn chưa giác ngộ, đâu thể gọi
là Bồ
đề Tát Đỏa (hữu tình giác ngộ) được?
Tự mình còn vướng vào danh, còn chạy
theo danh, còn chưa giác ngộ thì đâu thể có đầy đủ trí tuệ để cứu giúp người?
Bây giờ Thuận cũng tự thức tỉnh và sám hối lỗi lầm, quyết lìa ngôn thuyết
(không nói nhiều) và ly danh tướng (xa rời hình danh sắc tướng).
Thuận lẩm bẩm đọc bài kệ trong kinh Kim
cang:
Nhược dĩ sắc kiến
ngã,
Dĩ âm thanh cầu
ngã.
Thị nhân hành tà
đạo,
Bất năng kiến
Như lai.
Tạm dịch:
Nếu lấy sắc thấy
ta,
Dùng âm thanh cầu
ta,
Người ấy hành đạo
tà,
Không thể thấy
Như Lai.
2/96
Diệu Nga
HẾT
Xem lại NỖI KHỔ NIỀM ĐAU....