ĐỔI ĐỜI

Trời mưa lâm râm. Những cơn mưa tháng bảy dễ gợi buồn. Ra khỏi chiếc xe cà tàng, Quang uể oải bước lên cầu thang, chàng tra ổ khóa, mở vội cửa phòng. Giờ này vợ chàng đã đi làm, con gái đi học. Căn phòng vắng vẻ như sẵn sàng cho giấc ngủ sau ca đêm.

Quang trằn trọc mãi chưa ngủ được. Mùi ẩm mốc làm cho chàng có cảm giác ớn lạnh và khó thở. Cái phòng này cũ quá, cây ván hình như luôn ẩm ướt, trần nhà lấm tấm những vết đen, và vàng ố. Vậy mà cái “ấp” một phòng ngủ này, vợ chồng Quang phải trả một tháng 500 đô, hơn phân nửa số lương của chàng, nghĩ cũng tức. Thật ra cũng khó tìm nơi nào rẻ hơn nữa, đất Cali là đất vàng nên nhà phố mắc kinh khủng!
     
Phòng khách được ngăn ra kê cái giường nhỏ làm chỗ ngủ cho đứa con gái muời chín tuổi. Quang tội nghiệp con quá! Ở Việt Nam, nó nôn nao háo hức chờ ngày đi Mỹ, chừng sang đây thì vỡ mộng.
     
Thấy đói, Quang ngồi dậy lấy một gói mì ăn liền. Cái bếp “microwave” thật tiện dụng, chỉ cần ba phút thôi, chàng có một tô mì nóng, Quang sì sụp húp những muỗng nước lèo cay cay, ăn thật ngon miệng. Tự nhiên, chàng thấy cuộc đời quá ngộ nghĩnh, cứ luôn biến hóa đổi thay như tuồng hát và tâm lý con người cũng theo đó mà thay thay đổi đổi. Mấy mươi năm sống ở Việt nam, có bao giờ Quang thèm đụng tới mấy gói mì ăn liền này đâu! Bây giờ hầu như ngày nào cũng ăn mà lại ngon vô cùng.
     
Trước năm 1975, Quang sống phong lưu như một công tử vì thời đó mẹ chàng làm ăn khá giả: vừa là chủ hãng nước đá, vừa là chủ nhà tắm hơi. Chàng mới đậu Tú Tài, ghi danh Đại học Luật khoa là bà già đã cho chiếc xe  Renanlt, ngày ra trường cưới vợ được tặng chiếc Peuget 505 đời mới nhất. Còn nói gì chuyện ăn uống: nào là tiệc lớn tiệc nhỏ tại nhà, nào cao lầu Chợ Lớn, nào nhà hàng Tây, nhà hàng nổi....ôi thôi...đủ thứ, còn mì Hải Ký nổi tiếng Lacaze ít khi nào thèm ghé đến.
     
Sau biến cố bảy lăm, tuy mẹ chàng mất hết cơ sở làm ăn nhưng may thoát khỏi vụ đánh tư sản nên cũng còn vốn liếng, bà xoay nghề buôn bán tiền đô, Quang thầm phục mẹ, thời nào bà cũng kiếm ra tiền, nhờ vậy vợ chồng chàng cũng được thoải mái do sự chu cấp của bà. Còn chị chàng theo ông chồng Hải quân di tản sang Mỹ từ 30 tháng 4, chưa nếm được mùi giải phóng bao giờ. Những người còn ở lại cứ muốn ra đi. Bà già tìm mối cho vợ chồng chàng vượt biên mấy lần, rốt cuộc tiền mất tật mang, nên cuối cùng cũng đành phải chờ giải pháp đi chánh thức theo diện ODP.
     
Gặp lại nhau sau mười năm cách biệt. Quang thấy chị mình nhiều thay đổi: chị ít nói hơn xưa, mà nói ra là tính toán tiền nong, sòng phẳng như Mỹ.
    
Ngay ngày thứ nhì trên xứ lạ, lúc vợ chồng chàng còn lừ đừ vì những chuyến bay dài, vì giờ giấc thay đổi, vợ chồng chị Hai đã mời ra phòng khách nói chuyện:

Bổn phận tôi đối với gia đình coi như đã xong, từ đây cậu hãy tự lo liệu, tìm việc làm và lo nơi ăn chốn ở. Buổi đầu đừng kén chọn, hễ có người mướn thì cứ làm, rồi sau đó từ từ đổi job thích hợp hơn.

Ông anh rể thấy vợ thẳng thừng quá thì đỡ lời:

- Ở đây nhà nào cũng như cái hộp nên khó sống theo lối đại gia đình. Chị Hai nói vậy không có nghĩa là bắt cậu phải ra riêng liền. Ở Cali phải có job người ta mới cho mướn nhà.

Rồi anh tiếp:

- Xứ này người nào cũng phải tự lực cánh sinh, chẳng ai có khả năng lo cho ai được!

Quang thừa thông minh để hiểu rằng bà chị và ông anh rể đã đánh giá mình quá thấp vì xưa nay ỷ mẹ giàu cứ mãi ăn bám.

Vợ chàng, Xuân, bây giờ mới lên tiếng hỏi:
- Anh chị thấy tụi em có thể xin làm nghề gì?

Chị hai sốt sắng:

- Dân Việt Nam mình đa số làm ở hãng điện tử theo lối dây chuyền. Hai em qua nhằm lúc này kể như hên vì hãng nào cũng cần người liền liền. Họ thích mướn người Việt lắm vì dân mình khéo tay. Hai vợ chồng cùng đi làm thì có thể lo cho cháu Hằng đi học dễ dàng. Hơn nữa, con nhà nghèo vô Đại học được trợ cấp đủ thứ, nếu không đua đòi quần áo thì cháu sẽ dư tiền.

Ba tiếng “con nhà nghèo” xoáy vào tim hai vợ chồng Quang. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, họ bị xếp vào loại này. Ở Việt Nam, Xuân là giáo sư Anh văn, chồng là Luật sư tập sự, hai bên cha mẹ đều khá giả, bù đắp cho hai người đủ thứ nên dù không kiếm ra khá tiền, cuộc sống của họ cũng rất phong lưu. Mười năm sau này, Xuân vẫn còn làm ra tiền nhờ dạy tiếng Anh cho các nhóm tại tư gia và Quang thì chở bà già chạy áp phe chợ đen chợ đỏ, lãnh lương cũng bộn bàng. Nếu không vì tương lai của con, chắc vợ chồng Quang cũng không đi Mỹ làm chi.

Thấy hai người ngồi im lặng, chị Hai an ủi:

- Bước đầu ai cũng gặp khó khăn. Tụi này hồi đó còn khổ hơn hai em nhiều vì không có ai dẫn dắt nhưng từ từ đâu cũng vào đấy. Phần má, tụi này có thể lo được, cậu cứ an tâm.

Quang tự hỏi không biết anh chỉ thương bà già hay biết bà còn của chìm của nổi nên lãnh phần nuôi bà, vừa được tiếng, vừa được miếng.
     
Trước khi đi, mẹ chàng chuyển qua đây 7000 đô gọi là phụ tiền máy bay và định còn dư sẽ mua cho Quang chiếc xe để đi làm. Bà còn căn phố lầu ba tầng có người trả 200 cây, bà không chịu bán vì không biết qua Mỹ sống có thoải mái chăng? Bà ủy quyền cho người cháu kêu bằng dì đứng tên, phòng khi trở về còn sẵn cơ ngơi. Ngoài ra bà còn gửi khá nhiều vàng và tiền đô cho người cháu kêu bằng cô, dặn mỗi tháng chuyển sang Mỹ cho bà 500 để tiêu dùng.
     
Quang cũng mừng cho mẹ vì nhờ còn tiền, bà sẽ được đối đãi tốt đẹp và trong bước đầu, chàng không phải bận tâm lo cho bà.
    
Quang ăn xong tô mì cảm thấy tỉnh người, chàng lục đục đi pha trà. Những ngày ẩm ướt như hôm nay, có được ly trà ướp lài nóng hổi thật không còn gì bằng.
     
Trong lúc chờ đợi, Quang đưa mắt nhìn khắp phòng: tất cả đồ đạt từ cái bàn ăn tới máy nhạc, tivi và thậm chí mấy bộ giường nệm đều được rinh về với giá rẻ mạt từ những “garage sale”. Chỉ có kệ thờ Phật là do tự tay chàng đóng và sơn. Bình hoa huệ là bằng lụa trắng và đĩa trái cây dưới bức ảnh Quan Thế Âm là hình ảnh tươi mát nhất trong nhà.
    
Con gái chàng ao ước có cái máy cassette và CD hiệu Sony, chàng hứa cả năm nay rồi mà cứ đổ thừa “tại nó chưa sale, còn mắc quá” nên cứ phải xài hoài cái máy “cổ lỗ sĩ” này, âm thanh rè rè như ngổng kêu.
     
Thật ra, nếu mọi sự đều êm đẹp như dự tính thì cũng không đến nổi nào. Hai vợ chồng làm assembly, con đi học được làm work study, nếu không xài ngoài dự trù thì mỗi tháng cũng dư được mấy trăm và đến nay, trong quỹ tiết kiệm ít ra cũng có được vài ngàn.
     
Nhưng oái ăm thay! Vợ chồng người em cô cậu của chàng ở Việt Nam, người giữ tiền cho mẹ chàng, sau 6 tháng gửi cho bà với những báo cáo sổ sách rõ ràng, đã đánh fax qua báo tin là nhà bị cướp sạch sành sanh, có báo chí loan tin và công an điều tra đàng hoàng. Dù tin hay không, sự thật có nghĩa là từ đây mẹ chàng cạn nguồn tiếp tế. Thật là cái tin sét đánh cho mọi người trong gia đình.
    
Mẹ chàng, người quen sống thoải mái trên tiền bạc, bà tiêu pha không cần cần tính toán, một tháng 500 chỉ vừa đủ cho bà xài vặt. Nhà ở gần chợ Việt nam, bà có thể đi bộ sang đấy ăn quà vào mỗi buổi trưa rồi mua đủ thứ đem về nhà: khi thịt quay, xá xíu, lúc chả lụa, nem tươi, bánh trái....ôi thôi đủ thứ làm cô cháu ngoại ở chung nhà khoái chí, tha hồ vòi vĩnh ô mai, cốc, ổi, xoài... Cuối tuần, nếu bà không bày ra nấu nướng các món ăn Việt nam (mà mới nghe tên đã bắt thèm) thì cô cháu ngoại xung phong chở bà đi sopping. Bà lớn tuổi rồi mà vẫn quen trang điểm, xài nước hoa và sắm sửa quần áo. Vóc dáng bà cao lớn, mập mạp nên áo quần bên Mỹ này rất vừa vặn với bà. Thích món nào là mua món nấy, không cần chú ý đến giá tiền. Vợ chàng vốn tiện tặn, thấy bà xài như vậy phát ngán; mặc dù đó là tiền của bà:

- Má mới mua bộ đồ 120 đô đó anh, đẹp thì đẹp thiệt nhưng mắc quá! Nếu không gấp, đợi vài tháng nữa họ hạ xuống còn nữa giá cũng đỡ.
     
Quang nghe vợ nói hữu lý, có lần về thăm mẹ anh lựa lời nói xa gần:
Ở Mỹ này nếu mình biết chờ thì mua món gì cũng rẻ hơn giá lúc hàng mới ra.
     
Mẹ Quang nhạy bén lắm, bà hiểu ý Quang ngay. Bà cười nói nữa đùa nữa thật:

Tụi bậy còn có thì giờ chờ, già như tao muốn cái gì cứ sắm cái đó, chờ tới lúc đại hạ giá thì đã xuống lỗ rồi!
     
Có lẽ vì quan niệm ấy mà từ ngày sang Mỹ bà sống hưởng thụ, xa hoa. Nhất là khi gặp lại nhóm bạn buôn bán hột xoàn đô la ngày trước, bà nào cũng tỏ ra mình còn phong độ, giàu sang.
     
Sang Mỹ, có lẽ ai cũng thay đổi không nhiều thì ít, một là để phù hợp với nếp sống bên này, hai là vì tiện nghi vật chất nó quyến rũ quá, dễ dàng quá. Chỉ cần cày thêm một ngày thứ bảy lấy tiền đó mua trả góp thì món chi cũng sắm được, nên cứ thế mà thi nhau đua đòi, mua sắm. Người mắc nợ được xem là công dân tốt. Chị Hai của Quang là một điển hình. Nhà chị cái gì cũng có. Nhiều món sắm để làm kiểng, chẳng bao giờ đụng tới: piano ở phòng khách, máy tập thể dục ở phòng ngủ, máy xoa bóp, máy hát, máy truyền hình, quay phim... Nhà nhỏ, đồ đạt lại quá nhiều nên trông chật cứng, chẳng những không mỹ thuật mà Quang còn có cảm tưởng mọi người không có đủ không khí để thở. Nghe nói mấy năm sau này, chỉ xoay qua sắm hột xoàn trả góp. Hễ trả xong món này thì tha về món khác, ôi thôi đủ bộ đủ kiểu.... bởi vậy thứ bảy  nào không được làm thêm giờ thì than trời như bộng. Bà già vốn sành tâm lý và thích sòng phẳng nên tặng chị trước một năm tiền phòng, chị cười híp cả mắt, rung rinh hai gò má nung núc mỡ.
     
Ở Cali mà mua được nhà là một điều hãnh diện. Anh rể Quang làm thợ hàn lâu năm lên cán sự, cảm thấy thỏa mãn lắm. Anh là người chăm chỉ hạt bột, cuối tuần ở nhà lo sân vườn, săn soc nhà cửa nên ngôi nhà của anh chị sạch như mới dù đã hơn 20 năm xây cất rồi. Anh kỹ lưỡng sạch sẽ quá nên mỗi lần đến nhà, Quang ngại. Thấy nhà bếp anh chị sạch bóng, mà bà già hay bày ra nấu món nọ món kia, Quang nhắc chừng mẹ:
Ảnh chỉ ăn cơm tháng nên nhà bếp sạch trơn mẹ nhỉ?

Ờ tụi nó kỹ lưỡng lắm mà tánh tao hay bày, nhưng thấy vợ chồng nó cũng không phiền.
     
Quang lặng thinh, có tiền thì ở đâu cũng thoải mái dễ dàng thôi.
     
Càng trải đời và có sống trên đất Mỹ, Quang mới thấy rõ thế lực của đồng tiền, chả trách gì bao nhiêu người đảo điên vì nó. Quang thấy cuộc sống ở đây sao mà tẻ nhạt! Ai nấy hùng hục đi cày, người 2 job, người 3 job, chẳng thấy được mặt trời, rốt cuộc kiếm tiền chỉ để trả nợ hoặc là bỏ vào nhà băng đếm số mà chơi.
     
Tuy nhiên, Quang cũng còn được niềm vui vì vợ con chàng vẫn dễ thương. Xuân sẵn giỏi Anh văn, ban ngày đi làm, ban đêm học ngành điện toán, hy vọng sau 4, 5 năm lấy được mảnh bằng Đại học, cuộc đời sẽ khá hơn nên tất cả thì giờ Xuân dành cho sách vở. Dù mệt nhọc với sở làm, với việc học, nàng không hề than thở, lúc nào cũng giữ nụ cười khích lệ an ủi chồng. Hằng, con gái chàng, hồi ở Việt nam cũng thuộc loại sắm sửa ăn diện nhưng chẳng hiểu sao khi sang đây, Hằng chẳng thiết tha gì đến son phấn, quần áo. Cô bé ăn mặc đơn giản nhưng tươm tất. Hằng chăm học lắm. Cô có nhóm bạn học vốn là sinh viên Phật tử. Nhóm trẻ này sống vui tươi lành mạnh và hữu ích, họ đã lôi cuốn Hằng vào những sinh hoạt Phật sự: nhận dạy lớp tiếng Việt cho các trẻ em, học giáo lý, tụng kinh, tọa Thiền, làm công quả.....
     
Nghĩ đến vợ con, Quang cảm thấy vui, những lo nghĩ ưu phiền, những chán chường bực dọc tjam lắng xuống. Quang nằm yên nghe giấc ngủ đến từ từ theo tiếng mưa rơi càng lúc càng nặng hạt.
     
Khi Quang thức dậy, chàng thấy Xuân và Hằng đang sửa soạn bữa cơm chiều. Tuy lấy cơm tháng nhưng ngày nào rảnh, Xuân cũng nấu thêm một món nào cả nhà đều ưa.

Bếp mà không nấu nướng trông lạnh tanh – Xuân nói – Ăn cơm tháng mãi con Hằng không biết nấu nướng gì cả.
     
Quang tắm xong thấy thoải mái, chàng ngồi xuống bàn ăn, nhìn tô canh chua tôm mới nấu còn bốc hơi thơm mùi rau om, ngò gai, chàng mỉm cười:

- Hằng rán học nấu món canh chua của mẹ con ngon tuyệt!

Hằng nũng nịu:

- Con lúc này biết nấu nhiều món chay lắm đó! Tới ngày ăn chay để con trổ tài cho ba xem!

Quang nhìn con âu yếm:

- Con đi chùa có vui không? Chủ nhật nào cũng chỉ có mẹ con ở nhà, sợ mẹ buồn.

Xuân cười:

- Con nó ham đi chùa là tốt lắm, mình nên khuyến khích con. Còn anh, thứ bảy, chủ nhật phải đi làm thêm, em lo ngại sức khỏe của anh, dạo này trông anh ốm.

Quang pha trò: 

- Người ta tốn tiền uống thuốc cho ốm, mình đi làm, vừa được tiền, vừa được ốm, như thế gọi là “nhất cử lưỡng tiện” đấy. Thôi chúng ta ăn cơm kẻo nguội. Nghe mùi canh chua anh đói bụng rồi!
     
Ba người im lặng dùng bữa cơm gia đình đơn giản nhưng ấm cúng. Họ cùng ý thức rằng đây là những giờ phút quý báu. Gia đình họ tuy nghèo nhưng hạnh phúc không thiếu.
     
Chờ cha mẹ ăn xong, Hằng xẻ cam, gọt táo mời. Sẵn dịp cha mẹ đang vui, Hằng lên tiếng:

- Con đi chùa hơn nữa năm nay mà ba mẹ không có dịp viếng chùa. Sư bà hỏi thăm ba mẹ hoài. Lễ Vu Lan sắp đến, sư bà sẽ gửi thư mời. Thế nào ba mẹ cũng rảnh đi nhé!

Quang nhìn vợ như hội ý, gật đầu:

- Ba mẹ sẽ cố gắng. Nhưng con biết rõ ngày nào chưa?

- Dạ vào ngày Chủ nhật tuần sau, khai mạc lúc 10 giờ sáng. Có văn nghệ và cơm chay nữa. Con góp mặt trong màn vũ dân tộc và phụ bếp.
    
Trong lúc Hằng lo dọn bàn, Quang và Xuân cùng đến ngồi trên chiếc sofa duy nhất trong phòng khách, Xuân mở nhạc nho nhỏ và nhìn chồng hỏi:

- Vậy anh có thể xin nghỉ làm vào ngày chủ nhật tới để đi chùa với em không? Đi hai người mới vui.

Quang trầm ngâm:

- Muốn nghỉ thì cứ nói trước thôi. Nhưng em tính xem, mất đi mấy chục bạc uổng lắm chớ! Mỗi tuần chịu khó làm hai ngày, mình có tiền chu cấp cho má xài!

Xuân ngập ngừng:

- Mà em hỏi thiệt, anh đi làm thêm job rửa chén như vậy rủi gặp lại bạn bè, anh có thấy mắc cỡ không?

Quang lắc đầu:

- Ở Mỹ này anh thấy có cái hay, là khi cần tiền người ta có thể làm bất cứ nghề gì, không kể sang hèn. Nếu bạn bè khi dễ anh vì anh không còn là một công tử phong lưu thì anh không tiếc chi những người bạn đó.

Xuân tiếp:

- Hồi đó má xài mỗi tháng còn than thiếu, bây giờ anh đưa 300, chắc cũng chẳng thấm vào đâu! Má xài lớn quá!

Quang công nhận:

- Nghe nói lúc này má bớt đi shopping; nhưng cũng vì vậy mà má thấy buồn bực lắm. Vào tuổi của má có lẽ nên tìm những niềm vui khác như đi chùa, làm việc từ thiện.v.v.. thì tốt hơn.

Quang gật gù:

- Anh cũng nghĩ như vậy nhưng mỗi người một thói quen, biết làm sao bây giờ.

¯  ¯ ¯

     
Hằng đến gặp bà nội từ sáng sớm. Hai bà cháu đều nôn nao.
    
Bà Tân Tân hỏi:

- Tao già rồi, mày có chắc là sư bà mướn tao không?
     
Hằng gật đầu:

- Dạ, chắc mà nội. Sư bà nói người lớn tuổi thường cẩn thận, giữ phòng sách rất tốt. Mà ở đây nội đi làm tiện quá, đi bộ năm phút là tới ngay.

Bà Tân Tân mở tủ áo:

- Con thấy bà nội nên mặc bộ nào?
     
Hằng lục lạo trong mớ đồ màu sắc bông hoa của bà, tìm ra được bộ đồ nâu trơn, hàng dịu mà dày:

- Bộ này đẹp nè nội. Đi chùa người ta ít mặc bông hoặc màu tươi.
     
Hai bà cháu đến chùa đúng 8 giờ sáng. Chùa còn vắng. Chỉ có mấy trẻ em học lớp chữ Việt do Hằng phụ trách đang chạy loanh quanh trong sân. Thấy cô giáo, các em cúi đầu chào rồi im lặng đi vào lớp.
     
Bà Tân Tân đưa mắt quan sát: Khuôn viên chùa rộng quá, bãi đậu xe có thể chứa được mấy chục chiếc. Ngôi chùa mới đang xây thật là đồ sộc, phảng phất hình ảnh chùa Vĩnh Nghiêm ở Việt Nam với những bực thang bằng đá rửa nằm trải rộng ra theo chiều ngang bề thế của ngôi chùa. Mái ngói vừa lợp xong, bốn góc cong cong theo truyền thống.
     
Chùa cũ nằm cạnh đấy, trước kia có lẽ chỉ là một căn nhà, mà vách phòng được phá ra cho rộng. Những giò lan treo ở mái hiên trổ hoa tim tím trong khung cảnh cũ kỹ gây một ấn tượng cổ kính, xa xăm.
     
Bà theo Hằng bước vào phòng. Một ni cô trẻ lễ phép chấp tay chào, mời bà ngồi, rồi nhẹ nhàng rót tách trà nóng cho khách. Cô lui ra chừng đôi phút thì Sư bà bước vào, Hằng nhắc bà nội đứng lên chào Sư bà rồi cô bé xin phép vào lớp dạy.
     
Sư bà không già lắm, chỉ độ ngoài sáu mươi tuổi, người thấp, đẫy đà, nhưng cử chỉ nhanh nhẹn. Dưới cái mũ ni màu xám tro là khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu. Đặt biệt nhất là đôi mắt: tuy nhỏ nhưng sắc và những tia nhìn đầy thị lực như soi thấu tâm can người đối diện.

Sư bà cười thân thiện:

- Mô Phật, chào bà cụ. Bữa nay trở gió Thu rồi, bà có thấy lạnh không?

Bà Tân Tân đáp nho nhỏ:

- Dạ không lạnh lắm!

- Mời bà dùng trà cho ấm.
     
Bà Tân Tân bưng tách trà, hơi luống cuống vì những móng tay sơn đỏ của mình. Xin phép Sư bà
     
Sư bà kín đáo nhìn bà cụ. Tuy tuổi đã cao mà bà vẫn cố giữ lại phần nào vẻ thanh tân ngày trước. Mái tóc bạc được uốn và chải khéo, đôi mày kẻ nhỏ, cong như vòng nguyệt trang điểm cho đôi mắt đã đục màu thời gian, nhuộm lắm nỗi ưu phiền.

Sư bà vào đề:

- Dạo này chùa mới đang xây nên công việc bề bộn quá, bà cụ có thể trông giúp tôi phòng đọc sách vào hai ngày cuối tuần được không? Rồi không chờ bà Tân Tân đáp, Sư bà tiếp:

Bình thường thì khách cũng chẳng đông lắm, ra vào lai rai thôi nên không mấy bận rộn. Vào những ngày lễ lớn tôi sẽ cho người phụ với bà cụ.

Bà Tân Tân thắc mắc:

- Ngày thường, chắc phòng này đóng cửa?
Mở chứ, nhưng có mấy người Phật tử tình nguyện thay phiên nhau trông nom

Bà Tân Tân làm thinh. Sư bà chậm rãi tiếp:

- Nếu bà cụ có thể giúp cho trọn ngày thứ bảy và chủ nhật, chùa sẽ trả thù lao cho bà 300 một tháng. Số tiền này tuy không đáng là bao nhưng khả năng chúng tôi chỉ có thế.
     
Bà Tân Tân tính rất nhanh: “Quang mỗi tháng cấp dưỡng cho bà 300, nay được 300 nữa, vị chi là 600, mình có thể phụ tiền nhà với con gái cho vui vẻ trở lại, mà tiền tiêu xài cũng rộng rãi hơn”.

Bà sốt sắng:

- Dạ vâng, nhà tôi gần đây, đến phụ chùa cũng tiện. Rồi bà đổi giọng phân trần:

Làm việc cho chùa, lẽ ra không tính chuyện tiền nong nhưng Sư bà hiểu cho hoàn cảnh của tôi hiện nay... Thưở nào còn làm ra tiền thì con cái còn tùng phục, kính nể; bây giờ già cả không bạc tiền, không nhà cửa, bất đắc dĩ phải nhờ vả con cái thì thái độ chúng nó khác cả. Thật là “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Nói xong, bà rơm rớm nước mắt.

Sư bà an ủi:

- Sang đây tưởng sướng mà thật ra là khổ, già cũng khổ mà trẻ cũng khổ. Chỉ khi nào biết thoát ra mới hết khổ thôi. Tôi hy vọng những ngày làm việc ở đây, trong khung cảnh êm đềm của tự viện, bà sẽ tìm được sự yên ổn, bớt ưu phiền.

Sư bà đứng lên:

- Mời bà theo tôi đi viếng chùa...à chừng nào bà có thể bắt đầu được?

- Dạ hôm nay cũng tiện.

Sư bà gật đầu:

- Để tôi bảo cô Huệ Chánh chỉ dẫn công việc cho bà. Buổi trưa, mời bà dùng cơm chay, đừng ngại. Khi nào cảm thấy mệt, bà cứ gọi cô Huệ Chánh ra thay, dừng rán sức không tốt.
     
Bà Tân Tân cảm thấy mến Sư bà vì cách đối xử thật tình và tế nhị. Sự mến mộ kèm theo lòng kính nể, không phải vì ngôi chùa to lớn đang xây mà vì mọi thứ, mọi việc trong chùa đều được sắp đặt gọn gàng, sạch sẽ, và các ni cô tuy còn trẻ mà đã có cung cách của người tu hành đàng hoàng.
     
Ngay ngày đầu tiên làm việc trong chùa, bà Tân Tân có cảm tưởng như mình ở trong thế giới khác, thế giới của sự an ổn, dịu dàng. Ở đây không hề có gì để phải đối phó vì mọi người đối với nhau rất cởi mở, thành thật, tự nhiên. Hình như ai cũng sẵn sàng giúp đỡ và nụ cười luôn nở trên môi.
     
Phòng đọc sách vốn là cái nhà xe sử lại. Vách tường cây sơn vẹt ni được trang điểm bằng những dây trầu bà xanh mướt. Những sách quý cất trong tủ kiếng, có khóa cẩn thận. Các loại sách thường bày ở những kệ đặt chung quanh tường, ngoài ra còn có nhiều thứ tạp chí. Ngay chỗ nhân viên ngồi là một tủ kiếng ba mặt bày băng giảng, chuỗi hột, chuông mõ, áo tràng, hình tượng cho Phật tử thỉnh.
     
Bốn dãy bàn đặt song song với nhau theo chiều ngang căn phòng, chỉ còn vừa đủ chỗ ra hai bên. Những chiếc ghế xếp đủ màu, có lẽ do Phật tử mang lại, được sắp ngay ngắn sau những dãy bàn. Sau khi chỉ dẫn mọi việc, cô Huệ Chánh vui vẻ nói:

- Cháu thích làm việc ở phòng này lắm vì đây là chỗ thuận tiện để đọc sách, cháu có cái máy cassette nhỏ, nếu bà thích nghe băng, cháu cho mượn, cháu rất thân với Hằng, bà xem cháu như Hằng vậy nhé!
     
Bà Tân Tân không còn thấy xa lạ, bở ngỡ chi nữa. Người ta thường bảo chùa là một mái nhà, quả đúng như vậy. Dù đây là lần đầu tiên bà bước chân tới, bà đã cảm thấy gần gũi, thân thuộc.

Bà nở nụ cười:

- Cảm ơn cô! Cô có thể giúp tôi tìm một cuốn sách nào dễ hiểu. Thú thật hồi nào đến giờ tôi chưa đọc sách Phật giáo.
     
Huệ Chánh mau mắn tiến đến kệ sách, rút một quyển mỏng đưa cho bà:

- Cháu giới thiệu bà cuốn “Tu là chuyển nghiệp” của Hòa Thượng Thanh Từ. Sách này mỏng, đọc không ngán, lại dễ hiểu, dễ áp dụng. Thực hành được phần nào, được an ổn phần nấy.
     
Hằng dạy xong, đến thăm bà. Cô mang cho bà nội ly nước đá lạnh. Cô bé có nét đẹp đơn sơ, hồn nhiên. Mái tóc mây đen óng ả cắt ngắn, đôi má hây hây ửng hồng, nụ cười luôn chúm chím. Bây giờ bà Tân Tân mới có dịp so sánh hai đứa cháu gái: con Thúy, cháu ngoại, thì rành chuyện ăn diện, shopping, sống đua đòi theo thời trang, mặt mày lúc nào cũng đầy son phấn. Trông thì rực rỡ đấy mà sao nó già trước tuổi. Thú vui của nó là nhảy đầm, hội họp bạn bè, tiệc tùng liên miên làm mẹ nó cũng rầu rĩ. Hai mẹ con hục hặc với nhau về chuyện tiền nong hoài. Nhiều lúc má nó còn đổ thừa: “Tại nó giống bà ngoại!”. Thúy không nói ra nhưng ngầm chê Hằng là quê mùa, nói tiếng Anh còn dở. Hằng không để ý chi cả, cô sống giản dị, yêu đời bên cạnh những người tốt, có đạo đức.
     
Thấy bà nội đang đọc sách, mắt Hằng sáng lên, cô líu lo:

- Hay quá, từ nay nội giúp được con rồi! Nội biết không? Con giữ mục điểm sách cho tờ báo của gia đình Phật tử mà nhiều khi bí quá, không biết giới thiệu cuốn nào cả. Giờ có nội, nội gợi ý cho con, nghe nội!
     
Bà Tân Tân làm thinh mỉm cười. Bà ít có thói quen đọc sách. Chỉ trừ thưở mới lớn, len lén xem những tiểu thuyết tình dịch từ truyện tàu như Hồng Lâu Mộng, Tình Sử Võ Tắc Thiên....Nay cầm tới quyển sách Phật, bà thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên không có việc gì làm, bà đọc cho qua thời gian vậy thôi.
     
Hằng nói ba điều bốn chuyện thì xin phép bà đi sinh hoạt. Phòng sách lác đác có người ra vào. Kẻ mượn sách, người đọc tại chỗ, vài cuốn băng được thỉnh. Bà để ý thấy ai cũng ăn mặc đơn giản. Hình như ở đây, không ai chú trọng hình thức bên ngoài. Bộ đồ côm lê nâu của bà quá sang trọng khiến bà thấy ngượng.
     
Buổi trưa, cô Huệ Chánh mời bà xuống trai đường dùng cơm. Hằng cùng những cô bạn đã dọn sẵn: bàn trên dành cho Sư bà và ni chúng, mỗi người có một bình bát nhỏ đựng cơm, hai dãy bàn dưới, thức ăn và chén đũa được bày theo từng ô vuông, mỗi phần bốn người ăn. Khi mọi người đã an vị, các cô đọc nghi thức thọ trai rồi tất cả lẳng lặng dùng cơm. Có hơn 20 người đang dùng bữa mà bà không nghe một tiếng động nhỏ, cũng không có tiếng muỗng chạm vào tô hay tiếng đũa khua vào chén. Mọi người ăn chậm rãi, trân trọng từng hột cơm, cọng rau, miếng đậu. Chưa bao giờ bà Tân Tân ăn ngon như vậy dù chỉ có mấy món đơn giản: canh cải bẹ xanh nấu đậu hủ non, rau muống xào tương hột, dưa mắm. Hồi xưa, thỉnh thoảng nhớ ngày rằm, bà cũng ăn chay, sai người đi mua các món đặt biệt ở Bồ Đề Duyên, Phật Hữu Duyên, nào mì xào La Hán, cơm chiên Bồ Đề... ôi thôi đủ thứ.... mà sao ăn rồi vẫn thấy bụng còn lưng lửng và đâm ra nhớ thịt. Bữa nay bà ăn một mạch bốn chén cơm đầy, chén nào cũng ngon như chén nấy, no ngất ngưỡng... Bà nói thầm “ăn chay mà thấy ngon miệng như vậy thì ăn hoài cũng được, bác sĩ nói mình máu cao, cứ khuyên ăn chay hoài”.
     
Ngày đầu tiên đi làm về, tuy hơi mỏi mệt nhưng bà Tân Tân cảm thấy vui vẻ, thư thái trong lòng. Bà tắm xong thì con gái mời ra ăn cơm. Bữa ăn mặn chiều nay làm sao ngon bằng bữa cơm chùa vừa rồi – bà nhủ thầm như vậy.
     
Cả nhà, mỗi người đôi câu, hỏi thăm về việc làm khiến bà phấn chấn lắm. Sống hữu ích bao giờ cũng vui. Đêm đó, bà suy nghĩ nhiều. Từ ngày cháu ở Sài Gòn, người giữ tiền cho bà báo là bị cướp, bà chới với, đau khổ, tiếc rằng hồi đi không chuyển hết qua bên này xài cho sướng, lại còn tính chuyện trở về Việt nam. Ở đây quen với tiện nghi và khí hậu rồi, về sống một mình, chịu sao nỗi! Cũng tại tính sai nước cờ mà phải mất hết lúa giống.
     
Biết tánh bà quen ăn xài, Quang phải làm việc thêm vào cuối tuần để cấp dưỡng mẹ. Với 300 đồng bạc, bà gói ghém việc chi tiêu nhưng mấy bà bạn cứ rủ rê hết việc này đến việc kia. Mà tiệc tùng với họ thì phải đánh quần đánh áo, để họ biết bà suy sụy thì tên tuổi, danh tiếng của bà sẽ tiêu tan. Tội nghiệp Quang, mấy tháng nay trông phờ phạc, ốm nhom. Còn con gái bà, thật ra vợ chồng nó làm lương không cao mà ham mua nhà, lại thích sắm món nọ món kia thành thử lúc nào cũng phải lo lắng các mối nợ nằn. Tháng rồi lại mới bị giựt hụi cả mấy ngàn đồng, hai vợ chồng buồn xo. Mỗi lần con Thúy xin tiền đi chơi là bị má sạt cho một hồi. Trong nhà mất vui chỉ vì tiền bạc. Con Thúy phải được như con Hằng thì đỡ biết mấy! Hằng lúc nào cũng trông vui vẻ, yêu đời. Nó đâu cần quần áo đẹp, đâu cần đúng thời trang mà ai cũng thương mến cảm tình. Bây giờ bà mới có dịp nhận thấy tiền bạc làm khổ con người, nếu mình cứ chạy theo nó mãi. Sống giản dị, không tham muốn mới an vui, như ngày vui thanh thản hôm nay của bà.
     
Rồi bà nghĩ tới việc làm của mình ở chùa: cả ngày ngồi không mà tới tháng lãnh lương coi sao được! Ai vô chùa cũng làm công quả, sao mình làm ăn lương, nhất là lúc này, việc xây cất chùa chưa xong, nhứt định là tài chính của chùa rất eo hẹp....
     
Nằm nghĩ loanh quanh hoài, ngủ không được, bà ngồi dậy. Kín đáo kiểm tra lại xem cửa phòng đã khóa kỹ chưa, bà bật đèn lên. Bà lấy kéo cẩn thận cắt đường may của cái gối bà nằm, lôi ra một cái túi vải nhỏ. Bà run tay trút ra: những món nữ trang bằng kim cương lấp lánh dưới ánh đèn. Bà sung sướng kiểm lại từng món: đây là đôi bông 7ly2 mà bà Năm hột xoàn đã bán cho bà mấy chục năm về trước. Bà năm biết bà còn giữ đến bây giờ, nên cứ hỏi thăm hoài, nói xa nói gần nếu bà chịu bán lại, sẽ trả giá gấp đôi.
     
Còn đây là cặp lắc Hồng Kông nhận toàn hột 4ly xen với những miếng cẩm thạch vuông, xanh lý. Hồi xưa, mỗi lần bà đeo cặp lắc này đi ăn tiệc, ai cũng trầm trồ, không phải vì nó nhiều hột mà vì đôi cuờm tay bà tròn trịa, trắng ngần, hai bàn tay búp măng không nổi chút gân xanh, đeo nó vào trông sang trọng đài các lắm. Bà cầm lên, nâng niu, ướm vào cuờm tay. Dưới cặp kiếng viễn thị, những hột xoàn trông to thêm, đôi lắc rực rỡ hơn nhưng da bà giờ đây đã nhăn nheo, lại trổ từng mảng đen, to như đầu đũa, trông chẳng còn xứng với cái đẹp mỹ miều của châu ngọc. Bà đặt xuống, nhìn cặp nhẫn xoàn, nhìn mặt dây chuyền lấm tấm hột nhỏ, hột to, tự nhiên lòng dưng dưng. Bộ này bà phải tuyển chọn lâu lắm mới mua được từng món, từng món, tính để dành làm của gia bảo. Sau 1975, nhiều lúc hụt vốn làm ăn, bà cũng quyết giữ lại không chịu bán. Hồi đi chánh thức, bà phải lo lót hết một cây vàng mới đem qua đây được. Con cháu không đứa nào biết bà có mấy món này. Bà sợ nghèo, sợ hết tiền nên phải thủ giữ, để dành bán ra xài dần. Còn như khỏi phải bán thì trước khi chết coi con cháu đứa nào hiếu đễ thì thưởng cho nó. Nhưng rủi bà chết thình lình thì sao? Ý tưởng đó chợt lóe ra trong đầu làm bà thấy sợ, năm nay bà cũng đã 69 tuổi rồi! Bà chống cằm ngồi đăm chiêu tư lự và cảm thấy buồn ngủ, bà cất nữ trang vào, may miệng gối lại như cũ.
     
Sáng hôm sau bà dậy trễ, gần 9 giờ. Bữa nay thứ hai chẳng có ai ở nhà. Sau khi tắm rửa, ăn điểm tâm xong không biết làm gì, sau cùng bà quyết định đi tới chùa. “Vô chùa làm công quả cũng vui lại có phước, chừng mình chết chỉ đem phước theo chứ tiền bạc, châu báu cái gì cũng bỏ lại hết! Cũng may từng tuổi này mà sức khỏe còn tốt, mình còn làm việc được.
    
Bà sửa soạn qua loa không phấn son chi lại còn rửa sạch mấy móng tay sơn đỏ của mình. Khi bà Tân Tân đến chùa, Sư bà đang xem người ta lót gạch bông. Thấy bà Tân Tân, Sư bà vui lắm, nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, rồi hỏi ý kiến bà về vấn đề trang hoàng, chọn hoa kiểng để chưng trong chùa....Tự nhiên bà Tân Tân có cảm tưởng sư bà như một người bạn thân thiết. Bà nhìn Sư bà rồi nhìn ngôi chùa đồ sộ sắp hoàn thành, chẳng hiểu sao với hai bàn tay trắng, Sư bà có thể dựng nên một cơ sở bạc triệu như thế?
      
Thấy bà Tân Tân đứng nhìn hết bên này tới bên kia, Sư bà nói:
Phật độ cả bà ạ! Cá nhân không tài giỏi gì đâu. Tôi chỉ xướng lên, kêu gọi thì người này phụ một tay, người kia góp một chút...Tôi cũng không ham chùa to Phật lớn, chỉ muốn có cơ sở đàng hoàng để nhiếp thu ni chúng về một nơi tu hành cho dễ thôi. Người nữ mình nghiệp chướng nặng nề lắm, nếu không tu cho chín chắn thì dễ bi sa rớt, phí uổng công phu. Ban đầu, tôi chỉ muốn xây nhỏ chừng phân nửa cái này để thế cho chùa cũ xiêu vẹo nhưng cơ duyên đưa đẩy thành to chuyện, làm 3 năm rồi mà chưa xong.
     
Vốn là người có đầu óc làm ăn, bà Tân Tân hỏi thăm về huê lợi thường xuyên của chùa.

Sư bà đáp:

- Chùa nhận gia công mành trúc và nấu cơm tháng. Số ni chúng trong chùa không bao nhiêu nhưng nhờ Phật tử tới giúp khá đông và khá đều nên lợi tức cũng đủ cho việc chi dùng.

- Thưa Sư bà, tôi muốn đến chùa hằng ngày để làm công quả, Sư bà thấy tôi có thể làm được việc gì, ngoài phòng sách ra?
     
Sư bà gật gù suy nghĩ một chút rồi ôn tồn đáp:

- Bà cụ phát tâm như vậy thật là quý hóa. Tôi biết bà đã từng kinh doanh, bà có thể giúp tôi trông nom, cải tổ hai cơ sở làm ăn của chùa cho phát triển thêm, nếu có tài chánh rộng rãi, chùa sẽ lo về mặt xã hội nhiều hơn nữa. Sư bà đổi giọng tâm sự:

Tôi đa đoan công việc, không thể để ý đến tất cả mọi sự thành ra có nhiều sơ sót. Tụi nó đứa nào cũng khờ quá, nếu có bà chỉ dẫn cho thì tốt lắm.
     
Bà Tân Tân cảm thấy phấn khởi, bà sốt sắng nhưng khiêm nhượng trả lời:

- Ở Việt Nam thì tôi xoay sở biết làm ăn. Qua đây tôi chẳng khác nào kẻ vô dụng, liệu tôi giúp được gì hay chỉ làm hư hoại công việc của Sư bà?
     
Sư bà nhìn bà Tân Tân hiểu rằng những đối đáp xã giao, lịch sự bên ngoài không cần thiết, sư bà hiểu tâm sự và ý nghĩ của mình như nhìn rõ lòng bàn tay.
     
Hai người chầm chậm trở vào chùa. Sư bà gọi sư cô trị sự giới thiệu bà Tân Tân như một người cố vấn đặt biệt. Rồi Sư bà bảo cô Huệ Chánh lấy tặng bà chiếc áo tràng và hai bộ vạt khách. “Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng những bộ đồ lam này từ đây sẽ giúp bà hòa mình trong những sinh hoạt của chùa, không còn cảm thấy lạc lõng cô đơn”.
     
Đêm Trung Thu, bầu trời xanh trong điểm những vì sao bạc lấp lánh. Mặt trăng tròn, vàng tươi như trái thị chín, còn e lệ núp sau dãy nhà bên kia đường. Cả nhà Quang chuẩn bị đón Trung Thu.
     
Xuân vừa chiên chả giò chay vừa đùa:

- Hãng anh điệu nghệ chỉ, đêm nay cho anh ở nhà ăn bánh thưởng trăng!
      
Quang cười:

- Hai tuần trước mà có ngày nào bị nghỉ không ăn lương như vậy anh lo lắm. Bây giờ thì khác!
     
Xuân vụt hỏi:

- À, chừng nào anh định nghỉ công việc rửa chén vào cuối tuần.

- Chờ kiếm được người thay thế, anh chủ đang tìm người.
     
Hằng bưng đĩa trái cây ra đặt giữa bàn, vui vẻ hỏi:

- Sao giờ này cô Hai chưa chở bà nội qua.
     
Quang nhìn đồng hồ:

- Chưa tới giờ mà con, mình hẹn 8 giờ.
     
Xuân nhỏ giọng:

- Anh à! Em không ngờ tình thế biến đổi tốt đẹp như vậy. Hồi em vào chùa trình bày hoàn cảnh gia đình với Sư bà, đề nghị cho má làm ở phòng sách mình trả lương, em chỉ mong má có dịp lui tới chùa chiền để sửa đổi nếp sống từ từ, không ngờ má tiến nhanh như vậy, má bây giờ hoàn toàn khác xưa.
     
Quang tặc lưỡi lắc đầu:

- Em bạo gan thật, anh lo 300 cho má mỗi tháng còn hụt hơi, em tính chuyện trả thêm 300 tiền lương nữa.


Thì có gì em tạm nghỉ học một thời gian, lấy tiền học phí bù vào. Cũng may, má chẳng những không lấy lương mà còn bảo anh ngưng trợ cấp, mình cũng khỏe lo. Mấy lần anh đến thăm, anh thấy má vui thật không? Hay má giận mà anh không biết?
     
Quang cả quyết:

- Bộ anh không hiểu má sao! Má trông vui vẻ, yêu đời và khỏe ra. Má quyết đinh ăn chay luôn.
     
Hằng nãy giờ để ý lắng nghe, giờ có dịp xen vào:

- Mẹ thấy không, nhờ mẹ đi chùa hôm lễ Vu Lan vừa rồi mà mọi chuyện đều trở nên tốt đẹp.
     
Nghe con gái nói, hai vợ chồng nhìn nhau cười. Chặp sau Quang  âu yếm nói với con:

- Ba đã đi dọ giá máy CD cassette mấy chỗ rồi, cuối tháng này chắc chắn ba sẽ mua cho con.
     
Vừa lúc đó có tiếng chuông, Hằng ra mở cửa, cúi đầu chào bà nội, cô Hai.
     
Cô Hai mang theo hộp bánh Trung Thu. Ăn bánh Trung Thu, cô chỉ thích mua hiệu Tân Tân, chắc vì trùng tên với cơ sở kinh doanh của mẹ cô thời xưa. Bà nội cũng cầm một hộp bánh dẻo.
     
Xuân chào mẹ và chị chồng, mau mắn hỏi:

- Còn anh Hai và cháu Thúy đâu chị?
     
Chị Hai cười xua tay:

- Hồi chiều tôi mua về miếng thịt quay, ổng đòi nhậu, uống có hai lon bia là xỉn rồi, mắt mở không lên. Còn con Thúy có dạ vũ gì đó, ôi thôi nó hội hè đình đám tối ngày.
     
Bà nội hôm nay trông hớn hở. Bà mặc bộ đồ lụa nâu, mặt mày không son phấn nhưng tươi tắn, đôi mắt như ánh lên những tia cười. Bà tự động đi lục tủ lấy đĩa sắp bánh dẽo cúng Phật, còn bao nhiêu, bà để ra đĩa lớn trên bàn. Chưa ai kịp hỏi gì bà đã khoe:

Bây ăn thử bánh dẻo của chùa làm xem có ngon không? Làm không đủ bán đó! Bữa nay rằm mà còn cả chục người dặn thêm.
     
Hằng biết bà nội vui lắm với công trình của bà, cô bé chen vào:

- Nội bây giờ là cố vấn kinh tế của chùa, nội bày ra nhiều món ăn mới bán chạy lắm. Làm bánh dẻo bán là ý kiến của nội đó!
     
Quang hỏi:

- Hồi má ăn chay tới giờ có mất sức không?

- Tao bị máu cao, ăn chay khỏe ra chớ mất sức nỗi gì?
     
Xuân mở tung cửa sổ, giữa khuôn cửa là mảng trời xanh ngắt và vầng trăng hiện ra như một người khách thân quen. Cả nhà im lặng ngồi ăn, nghe niềm vui lâng lâng.
     
Quang cất giọng phá tan sự im lặng:

- Chị Hai với con định tết này tổ chức lễ thượng thọ cho má, má nghĩ sao?
     
Bà Tân Tân chớp mắt lộ vẻ cảm động:

- Lễ lộc chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng nếu các con có lòng, má không cản. Tuy nhiên, má thích tổ chức ở chùa hơn, mời những người quen đến tụng thời kinh cầu an, rồi dùng bữa cơm chay là được rồi.
     
Như chợt nhớ ra, bà tiếp:

- À, sẵn hôm nay có đủ mặt các con, má muốn bàn với bây về vấn đề cái nhà ở Việt Nam. Có bà bạn với má chịu mua với giá 320 cây, lúc này nhà cửa ở bên tăng vọt, má đang kỳ kèo thêm 10 cây nữa, thuế má phần bả lo, có lẽ trước sau gì bả cũng đồng ý. Khi bán xong, má cho con Hiền 30 cây, công nó giữ nhà và đứng tên, còn 300 cây má chia làm 3 phần.
     
Mọi nguời hồi hộp lắng nghe, không hiểu tại sao bà chia làm 3 phần như vậy.
     
Bà Tân Tân đưa mắt nhìn con, chậm rãi tiếp;

- Má cho con Hai 100, để trả bớt tiền nhà, nhẹ lo. Vợ chồng nó dính vô nợ nhà thấy khổ sở quá!
     
Chị Hai nghe nói cười tủm tỉm. Bà nót tiếp:

- Phần vợ chồng thằng Quang 100, má muốn tụi con mua cái nhà tiền chế mới cất. Dọn ra khỏi căn nhà này cho rồi, nhà gì ẩm thấp quá đổi, ở lâu sinh bịnh.
     
Quang, Xuân cúi đầu cảm động. Xuân thầm ăn năn trước mình đã hơn một lần trách bà mẹ chồng ích kỷ, ham ăn xài phóng túng.
     
Bà nói xong, bắt sang chuyện khác, không ai dám hỏi phần còn lại bà định làm gì.
     
Những ngày tháng sau đó, bà Tân Tân tiếp tục lo công việc cho chùa, lại còn tham gia những lớp học giáo lý, những buổi tụng kinh, tọa thiền, bà cảm thấy sung sướng quá. Nhớ lại những ngày vàng son cũ, bà không tiếc nuối chi bởi vì để đánh đổi lấy cuộc sống xa hoa ấy, bà đã phải tốn bao nhiêu công sức, vừa lao lực vừa lao tâm và đã tạo nhiều ác nghiệp, bấy giờ nghĩ lại thấy giựt mình. Danh vọng giàu sang, cái gì rồi cũng trải qua, chỉ còn nghiệp tội bám mãi lấy bà như hình với bóng.
     
Ngày lễ Thượng thọ, các con bà vâng theo lời mẹ, tổ chức cúng dường trai tăng. Ngoài phần lễ vật của các con dâng cúng, bà đã kín đáo làm nhiều gói quà khác cho Sư bà, sư cô và cho các con cháu.
     
Khi dâng phẩm vật cúng dường cho Sư bà, bà Tân Tân đã quỳ xuống và tác bạch:

- Kính bạch Sư bà; người xưa có nói: “Sống cả trăm năm được biết đạo một ngày, chết cũng mãn nguyện’. Con nhờ chút phước duyên được gặp ngôi Tam Bảo lúc đã thất tuần. Từ ngày biết đạo con cảm thấy hạnh phúc thật sự. Con nghiệm thấy rằng: Càng buông bỏ càng được an vui. Con đang tập buông xả để giải thoát. Nay con có chút lễ mọn kính dâng cúng dường Tam Bảo, của mọn lòng thành, mong Sư bà nạp thọ và chú nguyện cho con được trọn bổn nguyện.
     
Bà Tân Tân trịnh trọng bưng hộp bánh dâng lên, Sư bà nhẹ nhàng đỡ lấy, Sư bà thầm chú nguyện cho người đệ tử già nua, tuy mới biết đạo nhưng đã phát tâm mạnh mẽ, ít người dám sánh.
     
Sau nghi thức cúng dường, con cháu dâu rể đến trước mặt chúc tụng bà. Mỗi người đều nhận được món quà nhỏ mà bà dặn phải đợi về nhà hãy kín đáo mở ra. Các bà bạn cũ, ai nấy đều ngạc nhiên nhìn bà Tân Tân: con người tài giỏi, không ngoan, đổi khi lạnh lùng như gỗ đá chốn thương trường, giờ trở nên một Phật tử hiền hậu, khiêm cung.
     
Dùng ngọ xong, ai nấy chia tay, bà Tân Tân ở lại chùa dọn dẹp. Thúy hối cha mẹ về nhanh để mở quà, vì cô đoán đây là những món đồ quý giá lắm. Vừa vào phòng khách, ập cửa lại. Thúy hối mẹ mở ra trước. Sau mấy lớp giấy độn là một hộp  nữ trang bọc nhung xanh, bên trong là cặp nhẫn hột xoàn chiếu lấp lánh làm cả ba đều mừng rỡ. Con gái bà Tân Tân không dằn được xúc cảm, tay cô rung rung nâng nhẹ hai món nữ trang lên nhìn ngắm say mê và ước lượng giá trị. Chợt thấy dưới đấy hộp có mảnh giấy nhỏ, cô lẩm bẩm đọc:

- “Mẹ cho con cặp nhẫn này để khỏi thua sút người ta. Từ nay con chẳng phải mua sắm nữ trang, biết đủ thì khỏe thân, khỏi lo lắng, nghe con”
     
Trong lúc mẹ lo đọc thì Thúy đã mở phần quà của mình: miếng mề đay nhận hột xoàn dày đặt. Cô cũng có tờ giấy ghi mấy dòng: “Món này ngoại sẽ tặng con trong ngày con tốt nghiệp Đại học, bây giờ mẹ con giữ hộ”. Thúy tiu nghỉu: “Vậy là bà ngoại biểu mình lo học, bớt việc ăn chơi”.
     
Đêm đó gia đình Quang cũng mở quà: đôi bông hột xoàn 7ly2 cho Xuân có kèm mảnh giấy ghi như sau:

- “Gia bần tri hiếu tử, mẹ cảm động vì lòng hiếu thảo của hai con”.
     
Hằng đặt biệt nhất. Trong cái hộp nhung đỏ hình chữ nhật là đôi lắc cẩm thạch xanh bóng. Chưa bao giờ Hằng được thấy món nữ trang đẹp như vậy. Và dòng chữ của bà nội:

- “ Đây là món trang sức mà bà yêu thích nhất, nay bà tặng cho Hằng. Con xứng đáng nhận món này vì đôi tay của con cũng quý như châu ngọc, con đã làm những việc Phật sự, những công việc từ thiện ích lợi cho nhiều người”.
     
Ngạc nhiên, sung sướng, cả ba đều im lặng ngẩn ngơ. Một lúc sau Quang lắc đầu:

- Không ngờ má bí mật như vậy, anh ở gần mà đâu biết má có những món này.
     
Hằng để ngón tay trỏ lên miệng suỵt ra vẻ quan trọng lắm và chờ cho ba mẹ hỏi mấy lượt cô bé mới bật mí:

- Ba mẹ biết bà nội cúng dường Sư bà cái gì không?

Thì hộp bánh tây, ai cũng thấy mà – Quang đáp.
     
Hằng lắc đầu:

- Ba trúng có phân nữa thôi! Hộp bánh nhưng không phải bánh. Vàng ở trỏng đó!
     
Xuân tò mò:

- Sao con biết?

Thì lúc sửa soạn làm lễ, bà nội phải lăng xăng chạy tới chạy lui, nội biểu con ngồi giữ. Con lén cầm lên thấy nặng, con biết liền. Nếu là bánh, cần gì phải ngồi giữ, mà bánh đâu có nặng như vậy.
     
Quang gật đầu thầm nghĩ:

- “Hèn chi tiền bán nhà má chia là ba phần”
     
Xuân vén màn nhìn ra cửa sổ. Mảnh trăng lưỡi liềm sáng ngời như mỉm cười. Khoảng đất nhà tiền chế rộng rãi nên trăng ở đây được tự do. Mẹ chồng của nàng cũng đang hưởng tự do như vầng trăng này. Bà vừa đi ra khỏi chốn đô thị phồn hoa đầy sự ràng buộc tù túng. Bà sẽ được an vui mãi mãi.