HẠNH PHÚC ĐƠN SƠ

Gia đình Hà định cư tại Mỹ gần 15 năm rồi nên họ cũng khá rành về Mỹ, những cái hay cũng như cái dở của xã hội này. Trải qua mấy nơi hai vợ chồng đều sống bằng nghề mở tiệm ăn. Khoảng mười mấy năm về trước, nghề này khá lắm, mỗi tiệm chiếm cứ một vùng nên một mình một chợ, tha hồ hốt bạc.

Khi lác đác đã có một vài tiệm khác mở ra cạnh tranh, hai vợ chồng âm thầm tìm địa điểm mới và lại tiếp tục hái ra tiền. Họ làm việc tận lực mà không xài phí nên chẳng bao lâu, trong tay họ có một món tiền đáng kể. Số tiền này là kết quả của biết bao nhiêu công sức: họ làm việc 12 tiếng đồng hồ một ngày trong suốt 10 năm không nghỉ ngơi, lúc đau yếu trở trời cũng không dám nằm nhà vì sợ thất bác công việc.
     
Có lần mệt mỏi quá, hai vợ chồng tâm sự với nhau:

- Em à! Mình kiếm ra tiền thì cũng ham thiệt nhưng không lẽ mình cứ quần quật suối đời như vậy hoài hay sao? Tội nghiệp hai đứa nhỏ, ngoài giờ học cũng phải bù đầu với công việc. Học hành như vậy đâu thế nào khá được! Phải nghĩ đến tương lai tụi nó chớ!
     
Lan đồng ý ngay:

- Hồi mới vô nghề này tụi mình cũng đâu có tính làm lâu dài. Em nhớ anh nói: “Vợ chồng mình làm rút kiếm số tiền bỏ túi rồi hưu trí non, hưởng nhàn” phải vậy không?
     
Hà có dịp mơ mộng:

- Thưở nhỏ, anh có một ước mơ giản dị: sống cuộc đời thanh bạch nhưng êm đềm của  nhà giáo; mỗi độ hè sang, chở vợ con về quê ngoại hưởng thú điền viên, uống nước dừa xiêm mới hái, ăn cơm với cá lòng tong và tép mòng kho tiêu, trưa trưa giăng võng ngủ ngoài hiên nhà nghe ve kêu chim hót......
     
Lan tiếp lời:

- Sống như vậy mà hay đó anh! Sau bao nhiêu năm vất vả, em mới thấm thía hai câu thơ nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
      Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
      Người khôn, người tìm chốn lao xao.
Hai đứa mình lao tâm lao lực để gây dựng sự nghiệp, ai cũng khen ngợi mình tài giỏi, khôn ngoan. Nhưng đôi khi em tự hỏi: “Mình làm việc đầu tắt, mặt tối như thế này có phải là tự mình đày đọa mình chăng?”. Sống như vậy quả là khôn hóa dại. Đời người tính lại chẳng bao nhiêu năm mà mình chưa biết sống, chỉ biết lo thôi!
    
Hà cầm lấy tay vợ, vuốt ve những ngón tay đã nở to, chai cứng của nàng mà ứa nước mắt. Bất chợt, anh hỏi:

- Thằng Hưng, con Phượng năm nay học lớp mấy rồi?

- Hưng lên lớp 12, bé Phượng lớp 9. Mới tựu trường vài tuần nay.
     
Hà đổi giọng thật nghiêm trang:

- Đã đến lúc chúng ta phải quyết định, em à! Nội trong năm nay, mình phải tìm nơi nào thuận tiện cho các con vào Đại học. Chọn được một chỗ rồi, mình sang tiệm này lại, về đó mua nhà sống dưỡng già. Tiền bạc của mình bây giờ đủ lo cho các con học đến nơi đến chốn, không có gì phải sợ nữa.
     
Lan cười:

- Có gì đâu mà phải sợ! Mình sinh ra với hai bàn tay trắng, rồi sang đây mình cũng trắng tay lập nghiệp mà! Nhưng điều em lo là tụi mình hoạt động đã quen rồi, bây giờ mới ngoài 40 mà hai đứa ngồi không, riết rồi sinh chán.
     
Hà gật gù:

- Em có lý! Hay là mình chọn một nghề nào nhẹ nhàng đi làm cho vui. Mà thôi chuyện đó tính sau, em há!
     
Hai vợ chồng Hà vốn cương quyết, hễ nói là làm, cho nên hè năm sau, gia đình ấy dọn về thành phố này. Đây là một thành phố nhỏ của một tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Nơi đây, dân chúng hiền hòa, cởi mở, có lẽ do ảnh hưởng của trường học và nhà thờ thật quá nhiều và ai cũng đồng lòng duy trì nếp sống lành mạnh sẵn có. Niềm kiêu hãnh của thành phố cũng như của tiểu bang là trường Đại học có truyền thống hơn 100 năm nay, nơi đã đào tạo biết bao nhiêu nhân tài cho nước Mỹ. Những cựu học sinh, sau khi đã gây dựng được sự nghiệp, làm nên danh phận, đều trở về trường trong ngày truyền thống để giúp đỡ đàn em, tặng tiền bạc tu bổ trường ốc hay tái trang bị phòng thí nghiệm, thư viện...Số tiền ủng hộ hàng năm nghe nói hơn triệu bạc.
     
Đó là nét đẹp của văn hóa Mỹ, cái đẹp âm thầm không phô trương nên ít ai biết đến. Hà cảm thấy hài lòng với cuộc sống nơi đây.
     
Chàng nói với vợ:

- Chỗ này thật lý tưởng cho con mình học hành!
     
Họ mua được một căn nhà khang trang với ba phòng rộng rãi, sân trước đầy hoa kiễng, sân sau có hồ bơi và những cây cổ thụ cho tàng mát rượi.
     
Hưng vào Đại học, chọn ngành Dược: Phượng sung sướng hưởng đời sống vô tư của một nữ sinh trung học. Hà ghi tên học lại Anh văn, vợ cũng đi học lớp dạy cắm hoa. Một năm sau, Hà được tuyển vào làm thư ký Bưu điện. Lan cũng có việc làm part-time tại một tiệm bán hoa. Đời sống của họ trở nên êm đềm, nhàn nhã.
     
Ở đây, tình cờ Lan gặp được một người bạn hiền: Thủy, Thủy dạy Toán ở trường của Phượng đang học; cô giáo còn trẻ lắm, mới tốt nghiệp hai năm nay. Chồng cô là kỹ sư, làm việc cho công ty điện lực của thành phố bên cạnh cách đây khoảng một giờ xe. Thủy tuy không có nhan sắc nhưng ai gặp qua một lần cũng đều cảm mến, có lẽ nhờ nụ cười hồn nhiên và tánh tình cởi mở, chân thật của cô.
     
Hà và Lan kết thân với vợ chồng Thủy rất nhanh mặc dù tuổi tác của họ chênh lệch nhau khá nhiều. Đặt biệt phải nói là Phượng mến Thủy vô cùng và quý Thủy như một người chị cả, không có điều gì Thủy khuyên bảo mà Phượng không làm theo. Có lẽ Phượng thấy Thủy thể hiện được câu tục ngữ: “cái nết đánh chết cái đẹp” nên Phượng bám vào đấy như là cái phao giúp cô quên đi mặc cảm mình là cô gái xấu xí. Phượng đã qua lứa tuổi dậy thì nhưng thân hình cô chưa phát triển nên trông như mới mười một, mười hai tuổi.
     
Thân người Phượng đã nhỏ bé mà lưng lại cong nên nhìn cô, người ta có cảm tưởng đây là một trái cây chín héo, không có nét tươi mát chút nào của tuổi thanh xuân. Mẹ cô biết rõ điều ấy nên cố tình chọn mua nhà có sẵn hồ bơi, khuyến khích cô bơi lội hàng ngày và thỉnh thoảng bà mẹ đùa:

- Con gái tôi lưng tôm, ai cưới nó có phước vì người xưa có nói: “gái mà bụng thắt lưng tôm, đã khéo chìu chồng lại khéo nuôi con”.
     
Phượng thành thật cãi lại:

- Con nhớ ca dao nói lưng ong chứ đâu phải lưng tôm!
     
Lan cười xòa, chống chế:

- Thì lưng ong cũng đâu khác lưng tôm mấy!
     
Vào những ngày nắng ấm sau giờ tan trường, Thủy thường đến nhà Phượng và hai người cùng tung tăng bơi lội. Những lúc ấy, Phượng thấy hạnh phúc vô cùng. Phượng tự ngẫm nghĩ: “dù giàu, nghèo, sang, hèn, xấu hay đẹp chắc ai cũng có thể hưởng hạnh phúc nếu họ biết cách sống, biết cách suy nghĩ”.
     
Phượng để ý thấy cô Thủy hầu như không bao giờ bận tâm đến cái chân thật của cô. Cô có chân cao chân thấp mà cô vẫn vui vẻ cười đùa, sống thoải mái yêu đời, được chồng cưng, bạn quý.
     
Càng ở gần Thủy, Phượng càng thấy Thủy đáng yêu và có nhiều điều để học hỏi.

¯¯¯
     
Mùa xuân năm sau, Thủy xin phép Lan để chở Phượng đi chùa cách nhà khoảng hai giờ xe. Phượng chưa dịp đi chùa lần nào vì cô rời Việt Nam lúc còn bé lắm; sang Mỹ thì cha mẹ mãi lo làm ăn đâu nhớ gì đến trời Phật nên cô cũng chẳng biết gì về Phật giáo ngoài hình ảnh bàn thờ Phật ở nhà bà ngoại còn phảng phất trong ký ức.
     
Nay cô Thủy rủ đi chùa, Phượng hưởng ứng, chỉ vì nghĩ là mình được đi chơi với cô Thủy yêu quý, thế thôi.
     
Ngồi trên xe, Phượng ngây thơ hỏi:

- Cô à, em nghe nói Phật linh lắm hả cô? Mình thờ Phật thì mình cầu xin cái gì Phật cũng cho?
     
Thủy cười, để lộ hàm răng đều và trắng:

- Phật không cho mình vàng bạc châu báu hay địa vị danh vọng gì cả. Ai thờ Phật cầu xin là lầm to, Phật dạy mình bỏ mấy thứ đó, khuyên mình đừng để chúng trói buộc thì mới được tự do, an lạc.
     
Rồi cô kể chuyện tích đức Phật Thích Ca từ lúc sơ sinh cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn cho Phượng nghe. Cuộc đời của Đức Phật làm Phượng say mê ngưỡng mộ. Cô nghiệm xét thấy đức Phật có lý vì gia đình cô cũng đã trải qua những năm tháng bị đồng tiền lôi kéo, ràng buộc khiến chẳng có được một ngày thoải mái, một ngày rảnh rỗi. Những năm tháng vất vả ấy, mặc dù còn bé nhưng cô đã biết suy nghĩ: “mọi người chỉ ăn ngày ba bữa, mặc quần áo mỗi lần một bộ là đủ mà sao làm việc quần quật như thế này?”.
     
Bây giờ, nhờ cha mẹ bỏ nghề nhà hàng, cả gia đình mới được sống êm ả, nhàn tản nên khi nghe cô Thủy thuật lại những lời Phật dạy, kể đời sống của đức Phật, Phượng cảm nhận được ngay. Mãi mê chuyện trò, hai người quên đi quãng đường xa. Ngôi chùa hiện ra trong tầm mắt. Mái ngói đỏ sậm của ngôi chùa nhỏ như lẩn khuất dưới những cây đào đang nở hoa trắng xóa tạo ra một khung cảnh siêu phàm, thoát tục.
     
Phượng xuống xe, ngẩn nguời nhìn cổng tam quan sơn đỏ, có ba chữ vàng: “Chùa Huệ Phước” mà hai bụi trúc hai bên đã tạo cho cổng chùa vẻ gì thanh thoát mà cũng vừa gần gũi, quen thuộc.
     
Hai người bước vào trong. Cô Thủy hướng dẫn Phượng vào chánh điện lễ Phật rồi đi tìm sư cô. Sư cô Như Tường đang ở ngoài vườn, loay hoay lên luống đất cùng với ba ni cô khác, rất trẻ. Phượng bắt chước cô Thủy chắp tay, cúi đầu chào. Sư cô ngưng tay làm việc, đưa mắt nhìn Phượng, nở nụ cười hiền hòa rồi cất giọng dịu dàng nói:

- Cô đoán con là Phượng, học trò ngoan của cô Thủy, phải không?
     
Phượng bẻn lẽn cúi đầu dạ nho nhỏ.
     
- Rồi trong lúc sư cô trò chuyện cùng cô Thủy, Phượng mon men đến gần ba ni cô trẻ đang ngồi nhổ cổ, chắp tay chào. Cả ba cô cùng dừng tay, chào trả lễ.
     
Với các ni cô trẻ, Phượng thấy mình dạn hơn, cô bé bắt chuyện ngay:

- Mấy chị đang làm gì vậy?
     
Nghe Phượng kêu mình bằng chị, Diệu Tín che miệng cười. Một cô khác, Diệu Tâm trả lời:

- Chúng tôi nhổ cỏ cho sạch truớc khi gieo hột giống.

- Chùa trồng những gì?

- Chúng tôi trồng nhiều thứ, mỗi thứ một chút như: khoai mỡ, khoai mỳ, đậu nành, đậu xanh, đậu phộng và các loại rau cải, đủ cho chùa dùng quanh năm.
     
Cô Diệu Hảo xen vào, chỉ tay  ra mấy hàng mía phía xa:
Thầy vừa xin được giống mía lau ở Florida, mới giăm chừng tháng nay mà coi bộ bắt rễ rồi.
     
- Phượng quan sát kỹ hơn, thấy đất chùa rộng rãi phì nhiêu và các cô đã bỏ ra lắm công sức nên lên luống, làm giồng cũng khá nhiều. Lại có mấy giàn bầu bí, khổ qua nữa.
     
Tự nhiên Phượng nói:

- Đi tu cực quá, sao đi tu chi vậy?
     
Diệu Tín nãy giờ ngồi im lặng, bây giờ mới lên tiếng:

- Coi vậy chứ không cực đâu, làm việc chung với nhau vui lắm!
     
Phượng nhớ lại thời gia đình cô mở nhà hàng cũng có nhiều người phụ việc lắm mà cô đâu thấy vui gì. Còn mấy cô nầy, làm việc đâu thua gì mình thưở ấy mà sao ai nấy cũng có vẻ tươi tỉnh, hạnh phúc.
     
Diệu Tâm tiếp lời:

- Thầy không cho chúng tôi làm việc quá sức, hễ mệt thì nghỉ.
    
Phượng gật gù, suy nghĩ: “có lẽ là như vậy, làm mà không ràng buộc, không phải cố gắng quá sức nên công việc trở nên nhẹ nhàng”.
     
Đang lúc bốn người còn im lặng chưa biết nói gì thêm thì có tiếng sư cô gọi:

- Diệu Tín à, con ra suối cắt mớ cải về trộn dấm đãi khách; còn Diệu Tâm, Diệu Hảo vào lo cơm nước cúng ngọ là vừa.
     
Nghe nói ra suối, mắt Phượng sáng lên:

- Sư cô cho con đi với, con không dè ở đây có suối, con thích suối lắm.
     
Sư cô giải thích:

- Chùa mình nằm giữa thung lũng còn chung quanh là đồi núi nên có suối. Suối cạnh đây thì nhỏ còn đi chừng nữa giờ có suối lớn lắm.
     
Bây giờ Phượng mới biết “cái chị hay cười” là Diệu Tín. Phượng theo ba cô vào trong. Diệu Tín chuẩn bị hai con dao nhỏ và hai bao rác to. Cô lấy hai cái nón trao cho Phượng một cái, cô đội một cái rồi bước ra ngoài. Nắng đã lên cao. Bóng mấy cây đào in trên mặt đất lấm tấm hoa. Vài chú chim ríu rít trên cành. Gió nhẹ còn vương hơi lạnh.
     
Hai người bước đi thong thả và im lặng, Phượng sung sướng ngắm nhìn mùa xuân tươi mát ở chung quanh, trên những bãi cỏ xanh rì, trên dãy đồi thoai thoải có điểm những cây hoa dại vàng ánh.
     
Tiếng suối róc rách nghe đã rõ dần nhưng Phượng nhìn quanh quất chẳng thấy suối đâu.
      
Diệu Tín cười khúc khích:

- Chị kiếm suối phải không? Suối này phải đến thật gần mới thấy được!
     
Mà thật thế, suối chỉ là một cái lạch nước nhỏ mà hai bên bờ, những cây cải nước mọc xanh um như muốn che kín cả. Diệu Tín đưa cho Phượng một con dao rồi ngồi xuống bắt đầu cắt, bỏ vào bao. Phượng biết loại cây này, ở siêu thị Mỹ gọi là Water cress, họ bán mắc lắm, một bó nhỏ bằng cườm tay giá một đồng. Phượng muốn cắt cho cô Thủy một mớ, mẹ một mớ, nhưng thấy ngại nên không nói ra. Diệu Tín thấy Phượng cắt nhanh chẳng kém gì mình nên ngạc nhiên nhưng cô cũng không hỏi gì. Chẳng mấy chốc, hai bao đã đầy cải, họ cùng ngồi xuống nghỉ mệt.
     
Phượng gợi chuyện:

- Diệu Tín đi tu lâu chưa?

- Mới ba năm.

- Mà tại sao tu vậy?
     
Diệu Tín chớp đôi mắt, cô nói:

- Hồi tôi xin xuất gia, sư cô cũng hỏi lý do. Tôi thưa: “con đi vượt biên, tàu bị mắc cạn ba ngày đêm, trên tàu hết nước uống, mọi người khổ quá tưởng phải chết. Trong lúc tuyệt vọng, chú tài công kêu mọi người đồng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Ai còn sức thì niệm ra tiếng, ai hết hơi thì niệm thầm. Cả tàu đồng lòng niệm Phật. Bỗng nhiên, mây đen kéo đến, sấm chớp liên hồi rồi trời mưa to. Sau khi hứng nước xong thì tự nhiên tàu cũng ra khỏi chỗ cạn. Từ đó con tin có Phật, có Bồ Tát hay cứu khổ. Con muốn tu thành Phật, thành Bồ Tát để giúp chúng sanh’’
     
Phượng nhìn cô Diệu tín với đôi mắt cảm phục:

- Rồi sư cô nói sao?
     
Diệu Tín trang nghiêm đáp:

- Sư cô nói: “Con vì lòng Từ Bi mà phát nguyện đi tu như vậy rất tốt nhưng con nên hiểu rằng không đợi chi đến thành Phật, cũng không cần phải đi tu, con cũng có thể giúp chúng sanh. Giữ tâm tánh hiền lành, sống cuộc đời lành mạnh vui tươi và làm cho người xung quanh cũng vui; vậy cũng tốt rồi”.
     
Diệu Tín thành thật tâm sự:

- Nhưng hồi đó tôi không nghĩ đơn giản như thế, tôi muốn tu sao cho được phép thần thông thì mới có khả năng giúp người một cách hữu hiệu.
     
Phượng cảm thấy phấn khởi, cô tò mò hỏi thêm:

- Hễ tu thì có phép thần phông hả chị?
     
Diệu Tín lắc đầu:

- Đức Phật không bao giờ chú trọng đến thần thông, cũng không cho phép đệ tử dùng thần thông trước mọi người. Có lẽ vì ngài không muốn người ta nghĩ lầm Phật là một thần quyền. Như trái chín thì sinh chất ngọt, người tu Thiền đúng phép, khi đắc đạo, tự có thần thông, không cầu cũng đặng. Nhưng đó chẳng phải là mục đích của người tu. Người tu chỉ cần giải thoát khỏi phiền não, chấm dứt sanh tử luân hồi, độ mình độ người.
     
Phượng nghe nói, nữa hiểu nữa không nhưng Phượng có cảm tưởng nơi này chính là dòng suối mát mẻ, ngọt ngòa mà mình đang tìm và có lẽ cô Thủy cũng nhờ nơi này mà được hồn nhiên vui vẻ yêu đời đến thế!
    
 Hai người trở về chùa. Mùi gạo mới đang sôi tỏa hương thơm thật dễ chịu. Cô Thủy đang ra tài kho đậu, Phượng ngồi xuống lặt cải mới cắt,
     
Diệu Tín nói:

- Phuợng lặt chừng này thôi – cô đổ nữa cái bao cải ra – còn bao nhiêu đem về dưới ăn.
     
Phượng tự hỏi: “chẳng biết cô này có thần thông chưa mà cổ biết mình đang muốn gì?”.
     
Sau bữa cơm trưa, Thủy xin kiếu từ. Thấy phượng còn dùng dằng chưa muốn về, sư cô ôn tồn nói:

- Nhà xa, lại mới đi lần đầu, con nên về kẻo mẹ con trông. Lần sau, con mời cả gia đình cùng đi thì thể ở lại chơi lâu được.
     
Chuyến đi này gây một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn Phượng. Cô về kể cho ba mẹ nghe đầy đủ mọi chi tiết với tất cả sự say sưa. Lan chưa bao giờ thấy con gái mình vui tươi đến thế. Mặt cô rạng rỡ, mắt cô sáng ngời, miệng thì nói cười chẳng ngớt.
     
Tánh Phượng xưa nay vốn trầm lặng, nay bỗng nhiên cởi mở, nhộn nhàng làm Lan cũng vui lây. Trong hai đứa con, hình như Hưng lãnh hết phần tài hoa: thông minh, lịch sự, học hành giỏi giang lại khôi ngô tuấn tú. Phượng thì trông vẻ tối tăm, ít nói ít cười, lại phải tánh hay nổi cộc. Hồi đó những người phụ việc trong nhà hàng ai cũng ngại cô Phượng, mà mến Hưng. Bây giờ về đây, nhờ thay đổi hoàn cảnh sống, lại được giao thiệp với Thủy nên Phượng cũng dần dần đổi tánh, điều đó khiến Lan mừng thầm. Rồi theo lời yêu cầu của Phượng, vợ chồng Thủy hướng dẫn cả nhà Phượng đi chùa Huệ Phước vào mấy tuần lễ sau đó.
     
Lan bị lôi cuốn ngay vì cảnh trí thiên nhiên ở đây quá đẹp: đồi, suối, thung lũng, hoa cỏ.... những cái đẹp mà trước đây Lan không có thì giờ nhìn ngắm. Còn Hà và đứa con trai lại thích miếng rẫy sau chùa. Sau thủ tục chào hỏi, giới thiệu, hai người ra sân quan sát từng luống rau, luống cải đã lên xanh tốt. Hà chợt nảy ra một ý định:

- “Tại sao mình không dùng thì giờ cuối tuần để trồng trọt giúp chùa, lại còn được hưởng thú điền viên?”.
     
Sau khi trao đổi ý kiến với con, Hà xin phép sư cô làm thêm vài luống đất. Hà định đem ớt về trồng còn Hưng trồng xả và gừng, những thứ gia vị cần thiết cũng là những món thuốc Nam quý giá.
     
Thế là họ gắn bó với chùa từ đấy. Vợ chồng Hà cảm thấy hình như một chân trời thênh thang vừa mở ra trước mắt, chân trời tươi sáng với hạnh phúc mới mẽ. Lâu nay chỉ biết lo cho gia đình, lấy gia đình làm điểm tựa, làm niềm vui, họ đã thấy đủ. Giờ đây, được bung ra khỏi bốn bức tường tù túng ấy, tâm hồn họ như được bay bổng nhẹ nhàng.
     
Sư cô Như Tường tiếp họ như đã quen biết từ lâu và khéo léo dạy cho họ những kiến thức căn bản của người Phật tử. Phượng đón nhận với niềm say sưa phấn khởi vì hầu như giáo lý Phật đã đáp ứng được mọi điều thắc mắc, mọi điều suy tư của cô.
    
Cuối năm ấy, cả gia đình Hà quy y Tam bảo, họ trở thành những người Phật tử có kiến thức, có tín tâm và rất mực tinh tấn.
     
Mùa xuân năm sau, Thủy sinh con đầu lòng. Hai cô bé gái sinh đôi, đẹp và giống nhau như hai giọt nước. Vợ chồng Thủy bận bịu với con cái ít có dịp lui tới chùa như xưa. Nhưng gia đình Hà, vào mùa ấm, đều đặn tới chùa hai tuần một lần để phụ lo vườn rẫy, làm tương, ủ chao; vui vẻ trong công việc đồng áng, sống gần gủi với thiên nhiên. Vào mùa lạnh thì mỗi tháng một lần, họ đi chùa thọ bát, học giáo lý, tọa thiền, hưởng niềm vui đạo vị.

¯  ¯ ¯

     
Thế rồi thời gian êm đềm trôi như nước chảy qua cầu. Hưng tốt nghiệp Đại học và may mắn hơn nhiều người cùng lớp, Hưng được việc làm tại một hãng bào chế dược phẩm ở miền Bắc.
     
Lan nghĩ đến việc chia tay con mà cảm thấy buồn dù biết rằng đâu có sự sum hợp nào chẳng có sự chia ly. Lan tự an ủi mình: “dù sao Phượng cũng mới học năm nhì, vả lại nó chọn ngành giáo, có thể xin dạy ở trường gần nhà”
     
Trước khi nhận nhiệm sở, Hưng cùng cả gia đình đến chùa từ giả Sư cô. Hôm nay chùa có một người khách lạ? Hay một chú tiểu? Tóc cậu bé hớt ngắn đến nỗi khi mới nhìn, người ta tưởng chú cạo đầu. Thân hình ốm yếu, mà nươc da lại đen tai tái nên trông có vẻ co ro, bịnh hoạn. Cái cằm nhọn và dài làm cho người ta có cảm giác gương mặt của cậu như chảy xuống, nhức là vì cái môi dưới của cậu, cứ trề sẵn ra như sắp mếu. Chỉ có đôi mắt tròn, to và đen láy của cậu còn giữ nét linh động, ngây thơ của tuổi trẻ, tuy vẫn phảng phất nét buồn.
      
Cậu bé thấy có người tới, từ từ lảng đi nơi khác. Sư cô cũng vừa bước vào:

- Quý đạo hữu đến lâu chưa? Xin mời ngồi uống trà nghỉ mệt.
      
Sau đôi câu về thời tiết, mùa màng. Hà thưa với sư cô về vấn đề tốt nghiệp của Hưng.
      
Sư cô nhìn Hưng cười vui vẻ:

- Cô chúc mừng con nay đã nên danh phận. Dù xa gia đình, xa chùa, con hãy gắng giữ Bồ-Đề tâm kiên cố, duy trì chánh niệm. Lên đó rồi, nhớ liên lạc với cô thường nhé!
     
Hưng nhỏ nhẹ, lễ phép:

- Dạ, con xin nhớ lời cô dạy. Con đi rồi, sư cô thiếu người giúp một tay trong mùa nhổ đậu, làm đất.

Sư cô gật đầu:
- Gia đình con mới đây mà đã quy y được bốn năm rồi, nhanh thật. Cô rất khen ngợi sự tu tập và hộ pháp của cả gia đình con.

Rồi cô nhìn sang Phượng:

- Nhất là Phượng, rất chịu khó nghiên cứu, học hỏi giáo lý. Phượng lúc mới tới chùa còn nhỏ xíu, nay trông lớn hẳn, khác xưa nhiều.

Phượng được dịp xen vào:

- Hồi con mới đến, chắc con bằng chú tiểu hồi nãy!

Sư cô ngạc nhiên:

- Chú tiểu nào?

- Dạ cái chú nhỏ, đen đen.

Cô Như Tường cười:

- À! Thằng lạc đó, đâu phải chú tiểu.

Rồi sư cô nhỏ giọng:
-
 Cô cũng muốn nó phát tâm đi tu cho đời nó được tươi sáng hơn nhưng xem chừng chưa đủ duyên.

Phượng tò mò:

- Chắc nó mồ côi?

Sư cô trầm ngâm nhớ chuyện cũ:

- Cũng tương tợ như vậy! Má nó sinh nó trên đảo Bi Đông lúc mới mười tám tuổi. Cô ta đi Mỹ cùng một chuyến bay và cùng đến Philadelphia với tôi. Một tháng sau, cô năn nỉ tôi nhận nuôi thằng bé giùm vì cô không thể giữ nó. Hỏi cha đứa nhỏ là ai, cô chỉ ôm mặt khóc. Cô giao con cho tôi rồi lánh mặt luôn, chẳng biết bây giờ ở đâu nữa.
    
Sau này, nhiều người thấy da thằng bé ngâm ngâm đen, người ta đồn nó là con của hải tặc Thái lan. Tội nghiệp, nó lớn lên trong mặc cảm đó nên ít khi thấy nó vui cười như bao đứa trẻ khác.
     
Lan hỏi:

- Sao hồi nào đến giờ chúng con không gặp cậu bé lần nào?

- Tôi nuôi Lạc được năm năm, đến khi lập chùa này thì tôi gửi nó lại cho bà chị để nó đi học vì ở đây quá xa trường.

Rồi sư cô lắc đầu:

- Nhưng ở đời, tròn cái hay lại có cái dở. Nó ở đấy đi học thì tiện lắm nhưng khi bắt đầu lên trung học thì có vấn đề. Philadelphia, người Việt mình đông lắm mà chẳng ai thèm chơi với nó, mấy đứa bạn học cùng lớp cứ theo chế diễu, khiêu khích, gọi nó là hải tặc. Đôi khi chúng hè nhau đánh nó u đầu, sặc máu mũi. Ban đầu nó còn nhịn nhưng lúc sau này nó liều mạng đánh trả lại. Mới đậy, nó lận dao vô mình đi học, có người phát giác được đi thưa giám thị, nó bị đuổi học, một tuần để cảnh cáo. Chị tôi sợ để nó ở bển lâu sẽ có ngày xảy ra án mạng nên lật đật gửi trả nó về đây. Tôi cũng chưa biết tính sao. Đây là chùa ni, đâu thể giữ nó lâu được!
     
Hà nãy giờ vẫn yên lặng. Nhưng trong tâm có nhiều suy nghĩ: “thằng bé này cho dù là con của hải tặc đi nữa, nó cũng là một đứa be vô tội. Nếu cộng đồng người Việt khinh khi xua đuổi hay thù hận nó thì thật là tội nghiệp!
     
Hưng thấy mọi người đều im lặng, cậu xin phép đi ra sau vườn. Sư cô cũng đứng lên, nói một cách tự nhiên:

- Sẵn có con, cô muốn nhờ con giúp một tay!
     
Thật ra, sư cô giữ luật chùa rất nghiêm. Sư cô không cho phép các ni cô trẻ trò chuyện một mình với người nam cùng trang lứa. Cô nói với ni chúng: “người còn trẻ mà phát tâm xuất gia là một điều quý báu vô cùng, không phải ai cũng làm được, cho nên cô có bổn phận phải giữ cho các con không bị bụi trần làm hoen ố”.
     
Bữa nay, Diệu Tín (người nữ mới xuất gia, thọ giới sa-di thì đặt pháp danh bằng chữ Diệu. Sau đó, khi được thọ giới Thức-xoa thì chữ Diệu đổi thành Huệ, khi thọ đại giới thì Huệ đổi thành Như) còn đang nhập thất, Huệ Tâm thì xuống chợ mua vài món cần dùng, chỉ có Huệ Hảo đang hái ớt lặt đậu ngoài sau nên sư cô cũng theo Hưng ra sau để tránh sự khó xử cho Huệ Hảo.
     
Còn lại ba người, bây giờ Hà mới lên tiếng:

- Hoàn cảnh của thằng bé thật đáng thương. Em và con nghĩ sao? Gia đình mình có khả năng nuôi nó, gây dựng cho nó một tương lai sáng sủa hơn.

Lan nói như phụ họa thêm:

- Vài hôm nữa thằng Hưng đi rồi, nhà mình dư một phòng.

Phượng thành thật bày tỏ:

- Con nghe sư cô kể mà cảm thấy đau lòng. Ý kiến của ba mẹ cũng là ý muốn của con. Nhưng con thấy vấn đề không đơn giản đâu. Theo tâm lý học, Lạc không phải là một đứa trẻ bình thường, nó đã bị quá nhiều mặc cẩm, uất ức  thiếu tình thương gia đình, con sợ nó bịnh hoạn về thần kinh.

Hà sốt sắng:

- Nó bịnh thì còn có cơ hội nghiên cứu cách chữa trị, nó thiếu tình thương thì mình bù đắp cho nó! Với sự yêu thương, vết thương nào cũng lành được!

Lan thực tế hơn:

- Thì mình cứ lãnh về, nuôi được chừng nào hay chừng nấy. Nếu không xong thì giao lại cho sư cô.
     
Sau khi hội ý với nhau, họ quyết định đem Lạc về nhà ngay hôm đó. Sư cô cảm động dặn dò:

- Cứu với tương lai của một người còn hơn xây một kiểng chùa. Các đạo hữu hãy cố gắng và kiên nhẫn. Không phải việc nghĩa nào cũng dễ làm. Có khó khăn, cứ điện thoại cho cô.

¯ ¯ ¯

     
Không biết Lạc nghĩ gì khi nó xách gói về đây? Vui? Buồn? Chẳng ai biết được, vì vẻ mặt nó lúc nào cũng như lúc nấy! Nó lại lầm lì nói và chẳng ai thấy nó cười.
     
Hưng vốn tốt bụng và lịch sự, ngay đêm đó đã nhường giường cho Lạc rồi hôm sau lo thu góp những vật dụng cá nhân, dọn phòng sạch sẽ. Hưng để lại cái tivi vì nghĩ nhờ đó thằng bé sẽ đỡ buồn khi chưa có bạn bè.
     
Hai hôm sau, cả nhà đưa Hưng ra phi trường, ai nấy đều cảm thấy quyến luyến bịn rịn. Phượng về lo thủ tục nhập học, chuyển trường cho Lạc xong là dẫn Lạc đi trình diện cô Thủy ngay, hy vọng với sự khéo léo của cô, cô sẽ cạy miệng thằng bé này được và mình sẽ hiểu nó hơn.
     
Gặp Lạc, Thủy vồn vã ngay, như đã quen biết sẵn:

- Tôi nghe sư cô nhắc Lạc hoài, giờ mới gặp!

Thủy rót nước mời khách rồi nói tiếp:

- Lạc chơi bóng bàn hay lắm phải khoong? Có thi đấu nữa mà! Kỳ giật giải là đánh đơn hay đánh đôi?

- Đánh đôi, cặp với thằng David.

- Chắc em có nhiều bạn Mỹ phải không? Chơi với Mỹ nhiều nên nói tiếng Anh rất tự nhiên.

- Em không có bạn Việt nam.
     
Điều đó, Thủy biết rất rõ. Tối hôm qua, sư cô điện thoại nói chuyện với Thủy rất lâu về Lạc và cũng như sư cô, Thủy muốn giúp cho Lạc thấy rằng nó không phải là đứa bé bị bỏ rơi, không ai đoái hoài đến.
     
Phượng thì sợ cô Thủy vô tình khơi nỗi đau của Lạc nên lái câu chuyện sang chiều hướng khác:

- Thành phố này chỏ có hai gia đình Việt Nam thôi. Ngoài ra Lạc sẽ gặp nhiều sắc dân trên thế giới, họ đến để học tại Đại học này.
Thủy tiếp tục chiều hướng của mình.

- Lạc biết bơi không?
- Biết, nhưng không giỏi lắm.

Phượng tỏ vẻ vui mừng:

- Vậy thì tốt lắm,  hồ bơi ở nhà thênh thang mà tắm một mình cũng buồn.
     
Chợt có tiếng điện thoại reo. Thủy cầm lên nghe rồi nói:

- Phượng, mẹ em gọi về để đi shopping.

Vừa đứng lên, Phượng vừa nói:
- Chết chửa, em quên rồi. Mẹ và em định dẫn Lạc đi sắm sử vài món, chuẩn bị cho ngày tựu trường. Thôi chúng em xin phép cô!
     
Lan chỉ làm việc buổi sáng, Lan dặn Phượng trưa nay ở nhà để cùng đi mua sắm quần áo, giày dép, tập vở cho Lạc.
     
Thằng bé có vẻ dửng dưng với những bộ quần áo mới nhưng khi đi ngang phòng chơi “game” điện tử, nó dừng lại, mắt sáng lên.
     
Phượng hiểu ý, dúi cho mấy đồng, bảo nó vào đấy chơi, nó cười. Đây là nụ cười đầu tiên của nó. Phượng thấy vui vui.
     
Chợt một ý nghĩ đến với cô: “hay là mình mua tặng nó một bộ game cho nó chơi đỡ buồn”.
     
Và trong lúc thằng bé say sưa trong phòng game, Phượng kéo mẹ đi tìm mua.
    
Cô không rành mấy thứ này nhưng với sự hướng dẫn của người bán hàng, Phượng cũng mua được trọn bộ, giá gần hai trăm. Lan thấy đồ chơi mà phải xuất ra hơn trăm bạc, tỏ ý không hài lòng nhưng Phượng ôn tồn giải thích:

- Con cũng biết như vậy là tốn kém nhưng nghĩ đến những khổ đau mà nó chịu đựng, con muốn bù đắp phần nào. Muốn nó vui, mình phải chìu theo sở thích của nó.

Lan vốn là người thực tế:
- Cái gì cũng từ từ,vừa phải thôi. Bước đầu mà cưng chìu quá, về sau khó dạy.

Phượng nói cho qua:
- Không sao đâu mẹ. Tin con đi!
     
Đã vậy thôi đâu, buổi chiều đó, Hà đi làm về chở sau xe truck của ông một chiếc xe đạp mới tinh: quà cho Lạc.
     
Hai món quà đều ưng ý Lạc. Trong tuần lễ rảnh rỗi chờ tựu trường, nó mải mê chơi Super Nintendo. Chơi chán, nó xách xe đi đâu đến sụp tối mới chạy về, cả nhà đợi cơm.
     
Lan nói với giọng nghiêm nghị:

- Lạc đi chơi đâu tới giờ cơm cũng nhớ về. Nhà này ăn cơm đúng giờ và chỉ ăn khi có đủ mặt mọi người.
     
Thằng bé cúi đầu không nói, lặng lẽ ăn xong chén cơm rồi rút vô phòng.
     
Phượng bào chữa:

- Chắc tại nó chưa có đồng hồ!

Lan lắc đầu:

- Trời sụp nắng là biết tối rồi, cần gì đồng hồ!
     
Hôm sau, Phượng mua ngay cho thằng bé cái đồng hồ, và nó về kịp giờ, Phượng nghĩ mình có lý.
     
Cuối tuần đó, thấy cỏ đã cao, Hà lấy máy ra đẩy, Lan chợt hỏi:

- Sao anh không chỉ cho thằng Lạc nó làm, ngày tối nó chỉ ăn ở không đi chơi thôi!

Hà nhỏ giọng:

- Từ từ anh sẽ bảo nó làm. Nó mới mà sai bảo việc này việc nọ sợ nó hiểu lầm mình nuôi nó để làm công chuyện.

Tự nhiên Lan thấy tức:

- Thằng Hưng, con Phượng đứa nào cũng phụ lo chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa, cực gần chết. Sao tự nhiên anh cưng thằng này như trứng mỏng! Cưng chìu mà không dạy là xúi nó hư đó!
     
Rồi nhớ tới Hưng, Lan rơm rớm nước mắt. Tới giờ này Hưng còn ở tại khách sạn, chưa kiếm được chỗ vừa ý. Rồi cơm nước, ăn uống ra sao? Lan buồn vì không được tiếp tục lo cho con như trước. Nỗi thương con dâng ngập trong lòng.
     
Tuần lễ sau đó, Lạc bắt đầu đi học. Trường gần nhà. Đi bộ chừng mười lăm phút nhưng nó muốn đi xe đạp. Ngay từ hôm đi học đầu tiên cũng như những ngày kế tiếp, Lạc không bao giờ về nhà lúc tan trường. Chẳng biết nó đi đâu, làm gì, mà canh chừng tới giờ cơm thì về. Cơm nước xong lại rút vô phòng. Cả nhà không ai hiểu được tâm sự của nó ra sao vì ít ai có dịp trò chuyện với nó.
      
Phượng nghĩ thằng bé này có gì bí ẩn đây, phải tìm cho ra lẽ.
     
Chiều hôm sau, Phượng âm thầm theo dõi Lạc ở trường, canh nó vừa lên xe thì cũng nổ máy, từ từ chạy theo, cách một khoảng xa. Lạc vô tình không biết gì. Nó chạy tới Mall, khóa xe cẩn thận rồi tiến vào tròn, Phượng chợt hiểu. nàng cũng xuống xe, vào trong Mall và lẳng lặng tới phòng chơi game, Phượng kín đáo nhìn vào tròn. Quả nhiên, chú Lạc nhà ta đang đứng trước một máy game, mặt mày hí hứng, đôi mắt chăm chú say mê, trong nó khác hẳn vẻ lừ đừ, uể oải như khi ở nhà.
     
Phượng thấy không nên phản ứng vội vàng. Nàng thẳng tới nhà Thủy để trao đổi ý kiến.
     
Thấy Phượng bước vào nhà với vẻ mặt nghiêm trọng, Thủy hỏi:

- Có chuyện gì vậy Phượng?

- Em muốn hỏi cô về vấn đề này. Chơi game điện tử có lợi hay có hại?
     
Biết Phượng hơi nóng nảy, Thủy không vội trả lời. Cô rót một ly nước táo cho Phượng rồi chậm rãi đáp:

- Phong trào chơi game bây giờ lan tràn khắp nước Mỹ. Người ta cho rằng trò chơi này giúp cho đứa bé tập trung tư tưởng và nhanh trí giải quyết vấn đề, ở thành phố kém an ninh, có nhiều tội ác xã hội, cha mẹ ngầm khuyến khích con mình chơi game ở nhà để yên trí rằng nó không giao du với những đứa trẻ lạ mà mình không kiểm soát được, nó không bị tụi băng đảng bắn lầm v.v...

Phượng vẫn còn nóng:

- Và cái hại của nó ra sao?

- Trước tiên là bị cận thị và mắt phải điều tiết quá nhiều, cơ thể trở nên mệt mỏi biếng lười vì thiếu hoạt động, thứ ba là mất thì giờ. Buông máy ra là mờ mắt, buồn ngủ, không muốn lật tập sách học bài, làm bài.

- Em chẳng hiểu vì sao tụi nó mê mệt với máy game. Chỉ là mấy cái hình người chạy qua chạy lại, chạy lên chạy xuống.

- Chẳng những tụi nó ham thích mà lớn như sinh viên cũng mê. Bởi vì nó thỏa mãn sự háo thắng của người chơi. Em để ý xem chỉ có nam giới trẻ tuổi thích chơi game. Thắng một trận, họ hưởng được cảm giác thỏa mãn nhu cầu thích chinh phục, thích chiến thắng, thích làm anh hùng.
     
Phượng chú ý chi tiết này và nghĩ tới Lạc. Có lẽ game giải tỏa được uẩn ức bị khinh khi, bị chế giễu, đánh đập thưở trước. Trong trò chơi này, nó được làm người chủ động và thắng nhiều hơn thua. Hơn nữa, là một đứa bé cô đơn, không ai chơi vơi nó, nó phải tìm vui với máy.
     
Phượng tâm sự:

- Cô à! Thằng Lạc mê chơi game, nó đi suốt ngày; có nên cấm không?

- Theo tôi, chỉ cần giảm bớt, đồng thời phải kiểm soát việc học hành và từ từ hướng nó vào các môn thể thao. Để tôi rủ nó lại đây đánh bóng bàn với nhà tôi. Tuần này cả hai cháu bé đều bịnh nên tôi không nhớ tới điều ấy.
     
Phượng vào thăm hai đứa nhỏ con cô Thủy một lát rồi xin phép ra về cho kịp phụ mẹ lo cơm chiều.
     
Cuối tuần đó, cả nhà đi chùa. Mỗi người đến chùa với ý định khác nhau.
     
Hà vừa tìm mua được cái máy ép và chàng đã ra công nghiên cứu cách làm đường phổi. Đường cát bên Mỹ này tuy trắng phau nhưng không ngọt và không bổ như đường ở xứ mình. Hà thường tuyên bố như vậy. Đám mía lau sau chùa đã đúng lứa, chàng sẽ bảo Lạc giúp một tay. Lợi dụng lúc làm việc, chàng gợi chuyện với nó cốt gây tình thân thiện.
     
Chùa hôm nay bận rộn lắm vì đang mùa nhổ đậu, đào khoai. Cô Huệ Tâm lại bịnh. Sư cô lăng xăng với công việc, sức cô làm gấp đôi, gấp ba người thường. Thấy Lạc về, cô vui lắm, lật đật rửa mấy củ khoai từ đem nấu. trong khi Lạc còn đứng xớ rớ. Hà nhắc:

- Con xem có phụ được gì thì phụ. Khi công việc ở đây tạm ổn, theo tôi đi đốn mía nghe!

Nó vẫn đứng đó, lừ đừ, Hà phải ra lịnh:

- Lại đằng kia đào khoai phụ mấy cô kìa!

Lạc bước tới như một người máy.
     
Lan và Phượng vào bếp lãnh phần nấu cơm, rang đậu. mùa này chùa làm đậu phộng dã cá bỏ mối các tiệm Việt Nam. Đây là huê lợi chánh của chùa. Mùa nào đậu không trúng, phải làm thêm nhang. Nhờ tài tháo vát của sư cô, chùa đủ sống quanh năm, không phải trông cậy vào Phật tử mà nói ngay, chùa xa quá, Phật tử đến  không nhiều, không thường xuyên.
     
Sau khi dùng ngọ, mọi người nghỉ ngơi để có sức tiếp tục.
     
Hà không chịu nghỉ, kéo Lạc ra làm tiếp.
     
Sư cô than;

- Thằng Lạc này dở quá, phải chi còn cậu Hưng ở đây, nội sáng này là xong đám đậu đó rồi.

Lan thấy đây là cơ hội thuận tiện, cô hỏi;

- Mấy năm ở với chị cô, chắc Lạc không phải làm gì cả nên không quen với công việc.

Cô Như Tường gật đầu:

- Tôi nghĩ là như vậy. Chị ấy làm hai Job, đi suốt từ sáng sớm đến nửa đêm mới về. Ăn thì lấy cơm tháng. Có thì giờ đâu mà dạy dỗ thằng bé. Chắc đi học về là nó tự do đi rông. Nó được về gia đình đạo hữu là phước lớn cho nó vì con ngựa hoang ấy cần kỹ luật nề nếp gia đình, cần người dạy dỗ.

Phượng hiểu nỗi bực mình của mẹ, nàng hỏi thay bà:

- Con không biết phải dùng kỹ luật như thế nào để có thể dạy dỗ mà không làm nó tủi thân?
     
Sư cô lấy tay xoa xoa cái đầu mới cạo, thói quen khi cô suy nghĩ. Cô nhìn hai Phật tử hảo tâm đang ngồi trước mặt, dịu giọng nói;

- Bồ tát khi hành sự thường áp tứ nhiếp pháp; là bốn phương pháp khéo léo để thu phục, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
     
Bố thí là ban cho người cái mà họ đang cần, có thể là vật chất, có thể là tình cảm, về đạo lý, ái ngữ là dùng lời nói hòa dịu, dễ nghe. Lợi hành là luôn nghĩ và làm những điều có lợi cho người. Đồng sự là cùng làm việc chung với nhau để tạo sự gần gũi thân thiết, nhân đó mà hiểu người. Các đạo hữu thử áp dụng xem sao? Biết đâu nhờ đó mà nó không cảm thấy lạc lõng và bỏ được tật xấu? mà các đạo hữu đã hiểu nó chưa nào?
     
Lan nói:

- Dạ, con biết nó lười!

- Chưa đủ!

Phượng tiếp:
- Nó mê chơi game, chắc là không ham học! Còn nữa! Nó trông hiền nhưng có vẻ lì lắm!

Sư cô gật đầu:

- Đúng vậy! nhưng còn nữa. Đây mới là điều quan trọng: nó chưa biết cách đối nhân xử thế, đầu óc nó đơn giản như đứa trẻ lên năm, cho nên nếu mình xem nó như một người lớn, mình sẽ tức giận. Phải xử nó như một đứa trẻ nhưng là một đứa trẻ đặt biệt vì tự ái của nó lại là tự ái của một người lớn! Khó là khó ở chỗ đó!
     
Cô im lặng giây lâu. Rồi kín đáo quan sát thái độ của Lan và Phượng, cô Như Tường tiếp:

- Gia đình nào cũng dựa trên tình thương yêu làm nền tảng, nhờ thương yêu mà người trong gia đình có thể san bằng mọi sự bất đồng, mọi ý kiến mâu thuẫn.
     
Bồ tát sơ phát tâm, đối với chúng sanh, tuy chưa thể ví như mẹ hiền thương con dại nhưng nhờ sự hiểu biết sâu sắc mà Bồ Tát có thể tha thứ lỗi lầm của họ, không câu chấp, không giân ghét. Cho nên, hiểu biết cũng là thương yêu. Cả Lan và Phượng cảm thấy xấu hổ khi nghe sư cô ngầm ví mình như Bồ tát sơ phát tâm nhưng vốn có kinh nghiệm sống và biết quan sát  nội tâm, họ cùng hiểu rằng độ người tức là độ mình. Lạc là một sự thử thách, một cuộc thể nghiệm về lòng Từ, về tâm Bi mà họ đã được học nhiều lần trong những giờ giáo lý, trong những kinh sách Phật đà. Sư cô trao cho gia đình họ một cơ hội quý báu, nếu không nắm lấy nó, không khắc phục khó khăn chắc đường tu của họ chẳng tới đâu. Vì chỉ toàn là lý thuyết suông.
     
Họ đã thắng những khó khăn trên đường đời nên tạo được sự nghiệp giàu sang. Nhưng sự giàu sang, dưới cái nhìn của người hiểu đạo, chỉ là bọt bèo, vô thường. Muốn tiến đến cái thường còn không đổi thay, họ phải biết mở rộng lòng thương và chiến thắng phiền não.
     
Đêm đó, Hà quyết định cả gia đình cùng ở lại chùa để chàng nấu đường cho xong. Thỉnh thoảng, gia đình chàng cũng ở lại đêm như vậy khi công việc chùa còn quá bề bộn.
     
Hà bảo Lan bắt nồi cháo đậu xanh thật lớn. Khi những tán đường đầu tiên đong lại, nguội dần. Hà mừng rỡ đem lên cho sư cô xem. Sư cô cắt nhỏ ra, bảo mỗi người thử một miếng, ai cũng khen ngon, Hà hí hửng, mừng như trẻ được quà.
     
Thằng Lạc cũng say mê với công việc, nó chạy tới chạy lui, lúc chụm lửa, lúc đổ đường ra khuôn, ánh mắt nó tươi vui và sắc mặt trở nên hồng hào bên ánh  lửa.
     
Khi nồi cháo đã sẵn sàng, mọi người cùng ngồi xuống ăn cháo đậu xanh với đường mới nấu. Thằng bé vừa thổi vừa húp, nó cắn miếng đường, chép miệng để tận hưởng công trình của mình.
     
Nó buột miệng;

- Ngon quá!
     
Rồi nó cười, thoải mái và tự nhiên. Cả nhà cùng cười theo. Những nụ cười phát xuất từ thương yêu, từ hạnh phúc đơn sơ mà không phải ai tìm cũng được.