ĐỐI DIỆN

Hưng tìm mãi mới được cái phòng này. Thành phố New York không phải là nơi dễ thuê nhà, nhứt là ở những khu tương đối an ninh, sạch sẽ. Đây là một tòa nhà không cao lắm, chừng hai mươi lăm tầng lầu, tuy không mới và sang như những kiến trúc tân thời nhưng bộ mặt bên ngoài cũng chưa tệ lắm. Điều làm Hưng vững bụng là nơi đây có nhân viên an ninh canh gác ngày và đêm, bởi vậy tiền phòng cao hơn mấy chỗ khác ở thành phố lớn thì phải trả tiền để mua sự yên ổn.

Nghe nói Hưng nhận sở làm ở New York, bạn bè quen biết mỗi người dặn một câu, vừa dặn vừa dọa:

- Mầy không lo kiếm chỗ trước, lên đấy sáu tháng tìm không ra phòng vừa ý!

- Này ở trên đó đừng ham mua xe mới nghe! Xe cà tàng còn giữ được để đi chứ xe đẹp là của thiên hạ! Bọn ăn cắp trên đó tài lắm, chỉ cần vài phút thôi là xe ông không cánh mà bay. Họ lấy công khai trước mặt ông và chấp cả những xe có alarm bởi vì khi kêu được cảnh sát tới thì họ đã cuỗm xe ông đi mất tiêu rồi!

- Ông đừng có lang thang một mình ngoài phố nhé! Nhất là ban đêm; rủi gặp lúc băng đảng thanh toán nhau, mình lãnh đạn!

- Coi chừng con gái New York bắt cóc đấy, nhất là những người có bộ vó đẹp trai như ông, lại thêm nghề ngỗng ngon lành!
     
Hưng tốt nghiệp Dược khoa với điểm cao, xếp vào hạng danh dự nên nhiều chỗ mời chàng làm việc. Hưng chọn viện bào chế này, tuy nó ở tại một thành phố phức tạp và xô bồ nhưng vì khi vào ngành học này, Hưng nuôi hoài bão nghiên cứu, sáng chế những loại thuốc mới, lấy nguyên liệu từ những cây thuốc Nam của dân tộc mà theo chàng, đó là nguồn dược liệu quý báu.
     
Mẹ Hưng phàn nàn chỗ làm quá xa, chàng an ủi:

- Phương tiện di chuyển ở Mỹ rất nhanh chóng mẹ à! Chỉ cần sáu tiếng đồng hồ thôi. Con sẽ về thăm gia đình thường xuyên.

Rồi chàng gọi em gái, dặn dò:

- Phượng ở nhà chú ý săn sóc ba mẹ giùm anh. Bây giờ anh mới thấy rằng mình chỉ có thể báo hiếu cho cha mẹ lúc còn ở cạnh người. Lớn lên, xa nhà, bận bịu với công việc, chẳng mấy khi mình có dịp lo lắng cho mẹ, cho cha.
     
Sau khi giải quyết được chỗ ở, Hưng lo vấn đề bao tử. Cả tháng nay ở khách sạn, ăn đồ Mỹ hoài, ngán tận cổ. Thức ăn Tàu hạp khẩu vị nhưng dầu mỡ nhiều cũng ớn. Hưng thấy thèm một bữa cơm Việt nam có canh chua, cá kho tộ hoặc cá chiên giầm nước mắm gừng, chấm rau luộc. Chàng loay hoay mở quyển điện thoại tìm khu tiệm ăn Việt nam. Hưng vui mừng thấy có nhiều hàng quán Việt nam: nào cơm, nào phở, bánh cuốn, bún bò....Nhưng thành phố này quá lớn nên các quán ăn rải rác khắp nơi. Tiệm gần Hưng nhất cũng cách ba mươi con đường. Nơi này có nhận nấu cơm tháng, cứ tới thử xem sao! Chàng nhủ thầm như vậy rồi phấn khởi xách xe đi tìm.
     
Đây là một quán cơm bình dân, đông khách. Các món ăn làm sẵn bày sau tủ kiếng khiến Hưng bắt thèm! Trưa thứ bảy mà đông vầy: kẻ ăn tại chỗ, người mua về; bà chủ bận rộn luôn tay, luôn miệng.
     
Hưng đứng xớ rớ chờ tới phiên mình. Chàng đưa mắt nhìn quanh, chợt thấy cô thiếu nữ phía sau quầy thu tiền – có lẽ là con gái bà chủ - đang liếc nhìn Hưng mỉm cười. Bà mẹ đẫy đà phì nộn bao nhiêu thì cô gái ốm yếu mảnh khảnh bấy nhiêu. Cô lại mặc áo thun đen, chắc là để làm nổi bật nước da trắng của mình nhưng đồng thời cái áo cũng làm cô nhỏ bé thêm. Cô gái làm Hưng nhớ tới Phượng, em gái mình rồi nhớ đến những bữa ăn đầm ấm trong gia đình, và nhớ cả những bữa cơm thanh đạm ở chùa Huệ Phước, sao mà ngon miệng lạ lùng.

- Cậu dùng món chi?

- Dạ cháu muốn ăn cơm tháng, giao tại nhà thì tốt cho cháu lắm!

Bây giờ bà chủ mới chú ý nhìn ông khách trẻ:

- Nhà cậu ở đâu?

- Dạ ở 45 Street S.E.

- Xa quá, không được!
     
Bà trả lời ngắn ngủn rồi có ý muốn tiếp người khác vì hàng chờ đợi càng lúc càng dài thêm.
    
Thấy bà vội vã, Hưng cũng nhanh nhẩu:

- Thôi bác cho cháu dĩa cơm sườn nướng và tô canh bí đao ăn tại đây trước.
     
Hưng nhận khay thức ăn, tự rót tách trà nóng rồi đến quầy trả tiền. Cô gái gợi chuyện:

- Chắc anh mới đến vùng này?

Hưng đáp:

- Cô đoán đúng, tôi từ miền Nam, mới di cư đến đây!

- Chắc nhận job?
     
Hưng gật đầu. rồi không muốn kê khai lý lịch cho người lạ, chàng lặng lẽ đưa ra tờ 20 cho cô gái. Cô ta thối tiền lại, kèm theo một nụ cười. Hưng cũng mỉm cười rồi bưng mâm thức ăn đi tìm chỗ ngồi.
     
Chàng cắm cúi ăn, thưởng thức đến muỗng canh cuối cùng, thầm công nhận quán nấu ngon, hèn chi đông khách cũng phải. Chợt có ai đặt dĩa cam trước mặt Hưng. Chàng ngẩng đầu lên, thì ra cô chủ quán.
     
Cô ta tự nhiên, kéo ghế ngồi đối diện:

- Mời anh dùng cam tráng miệng. Cam ngọt đãi khách quý. Em tên Dung.

Hưng lịch sự:

- Cám ơn cô, tôi là Hưng!

Rồi cô vào chuyện:

- Cơm ở đây nấu có vừa ý anh không?

Hưng thành thật:

- Ngon lắm! Tôi ăn như người chết thèm vậy.
     
Nghe khen, Dung cười tươi làm lộ cái đồng tiền nhỏ dưới khóe miệng. Hưng nhìn cái lúm đồng tiền nhỏ xíu ấy một cách sững sờ, cảm thấy bàng hoàng, xao động. Chàng cúi xuống, lấy một miếng cam để tự trấn tỉnh.
      
Dung vô tình tiếp tục câu chuyện:

- Nếu anh còn giữ ý định ăn cơm tháng, Dung có thể giúp anh.
     
Câu nói kéo Hưng về thực tế, chàng nhìn Dung, chờ đợi.
     
Dung tiếp:

- Khu anh ở, người giao cơm không đi tới đó. Nhưng nhà Dung thì cũng gần gần, Dung phụ mẹ từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc về Dung sẽ đem cơm cho anh luôn cũng tiện.
     
Thấy cô gái có vẻ sốt sắng, Hưng đâm ngại:

- Như vậy phiền cô quá, vả lại tôi còn phải ăn chay một tháng bốn ngày, tôi tự nấu cũng được.

Dung ngạc nhiên:

- Anh! Trai tráng thế này mà ngoan đạo nhỉ?

- Đâu đợi tới già mới tu, chắc gì mình sống tới già!

Dung vẫn không bỏ ý định của mình:

- Được rồi, nếu anh ăn chay không khó lắm, chỉ cần tương chao thôi thì Dung cũng làm được.

Rồi Dung đưa giấy bút ra:

- Anh ghi rõ tên họ, địa chỉ, bắt đầu ngày mai, ý quên, thứ hai anh sẽ có phần ăn. Tiệm đóng cửa ngày chủ nhật. Nhớ ghi ngày ăn chay nhé!
     
Dung nói hoài, Hưng khó từ chối, đành miễn cưỡng làm theo.
     
Rời khỏi quán, Hưng lái xe loanh quanh một vòng để làm quen với khu phố. Tiệm Việt Nam, tiệm Tàu và những cửa hàng Đại hàn hay Nhật bản gì đó chen chúc nhau khá nhiều, chắc đây là vùng chợ của người Á Đông. Đường phố không sang trọng như những khu thương mịa của Mỹ nhưng dù sao cũng không tệ lắm.
     
Bỗng nhiên, hình ảnh cái đồng tiền nhỏ xíu của người ta lại hiện ra. Dung đã vô tình gợi lên dù bấy lâu nay Hưng cố tình khỏa lấp.
     
Hưng không dám nghĩ đến người con gái đó, chàng thấy xấu hổ vì những tơ tưởng tội lỗi của mình nhưng tâm lý con người thật là kỳ lạ, càng cố quên, cố trốn chạy thì hình ảnh ấy lại càng rõ nét và chiếm trọng tâm trí chàng.
     
Hưng chọn sở làm nơi miền Bắc xa xôi và xô bồ này là để chạy trốn, để tìm quên, nhưng Hưng đã lầm. Dù đi đâu, chàng cũng mang nó theo, không rứt ra được. Có lúc tỉnh táo, chàng tự giễu:

“Phải chi mình nuôi dưỡng công án Thiền mà được mạnh mẽ, khăng khăng như vầy thì đã ngộ đạo rồi! Đằng này cứ ôm ấp khối tình si, ngày một lớn mà chẳng dám tỏ cùng ai!”
     
Hưng buồn bã lái xe trở về. Bỏ băng nhạc vào máy, vô tình, cô ca sĩ lại tỉ tê tâm sự của chàng:
tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang....”
    
Chịu thua! Bây giờ lý trí không còn chống chỏi được nữa rồi, chàng nằm im, đắm mình trong cơn thác lũ của tình yêu mê dại. Quá khứ ngang nhiên trở về. Hình ảnh chùa Huệ Phước hiện ra trong trí chàng như một cảnh tiên; hoa đào trắng xóa, con đường đất đỏ quanh co dẫn ra suối, đám mía lau ngọt lịm, mấy hàng bắp sai oằn, những giồng khoai, những luống cải xanh rờn... Chàng đến chùa lần đầu tiên cùng với cả gia đình và vợ chồng người bạn. Cũng như cha, chàng mê lắm đám rẫy sau chùa nên đã phụ sư cô đào đất, lên giồng, trồng cây, tia đậu... Chùa có bốn người: sư cô trụ trì và ba ni cô rất trẻ. Sự canh tác giúp chùa đủ sống quanh năm.
      
Hưng rất hứng thú với việc đồng áng. Có lẽ vì trước đây gia đình chàng chuyên nghề nhà hàng, cả ngày bị nhốt trong bốn bức tường kín mà ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn trong phòng ăn làm cho chàng cảm thấy tù túng. Xuống nhà bếp thì lửa nóng hừng hực và mùi dầu mỡ, xào nấu như chiếm hết dưỡng khí khiến chàng ngột ngạt, khó thở.
    
Bây giờ, giữa trời đất bao la, được tiếp xúc với màu xanh của cây cỏ, được hít thở không khí trong lành và nhất là được nhìn ngắm từng nụ hoa bí vàng, từng đọt mía, từng chồi non. Hưng cảm thấy mình như được tự do, được sống trọn vẹn. Hơn nữa, sự lao động nơi nương rẫy giúp cho tâm trí chàng bớt căng thẳng vì những công thức hóa học, những cuốn sách vi sinh dầy cộm, những giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm, những bài thi định kỳ....
     
Thực tình mà nói, Hưng mãi mê làm việc, chẳng chú ý gì đến các cô; chàng thấy cuộc sống của họ hình như cách biệt với đời nên cũng ngại tiếp xúc, sợ có khi lỡ lời vì lối nói chuyện phàm phu tục tử, tiếu ngạng giang hồ của mình.
     
Hưng cũng không phân biệt được cô nào tên chi vì cô nào cũng bắt đầu bằng chữ Diệu. Chàng chỉ nhớ tên sư cô vì cái tên lạ hơn: Như Tường.
     
Một ngày kia, nhân ngồi tách vỏ đậu phộng chung với cả ba cô, Hưng có dịp quan sát để phân biệt cô này khác với cô kia ra sao; hai cô trắng treo, một cô đen đen.
     
Chàng buộc miệng nói đùa:

- Ba cô đều tên Diệu mà sao hai cô trắng một cô đen? Đáng lẽ phải giống nhau hết cả chứ!

Cô đen đen ngẩng đầu lên, nhanh nhẩu đáp:

- Tại hai chị này sáng nào cũng uống sữa còn tôi uống cà phê!
     
Em gái Hưng háy chàng một cái, muốn chàng im nhưng Hưng không dừng được tánh đùa dai:

- Vậy tôi nhớ tên  cô rồi: “cô cà phê”
     
Diệu Tâm không nín cười được, cô cất tiếng cười dòn dã nhưng chợt nhớ gì, cô bụm miệng lại rồi cúi đầu tiếp tục làm việc.
     
Hưng thấy lạ: lúc im lặng, cô này trông rất tầm thường, nhưng khi nói, khi cười, nét mặt cô linh động vô cùng: đôi mắt lá râm như sáng lên và to thêm, cái đồng tiền nhỏ xíu nơi khóe miệng tạo nên sự duyên dáng lạ lùng, lại thêm cái giọng Huế lai Nam rất đặt biệt khiến người đối thoại muốn nghe hoài.
     
Hưng chỉ để ý thấy vậy thôi, đầu óc chàng không nghĩ ngơi gì khác vì không khí ở tu viện rất nghiêm trang và Hưng cũng không có thì giờ phiêu lưu tư tưởng, chàng chỉ chú tâm đến chuyện học hàng, thi cử.
     
Gia đình Hưng đến chùa hai tuần một lần để phụ giúp việc nương rẫy và học giáo lý. Cha mẹ và nhất là em gái chàng rất sùng đạo, còn chàng thì xem đây là thời gian dưỡng thần để đầu óc tỉnh táo khi trở lại trường.
     
Tâm hồn Hưng thảnh thởi và vô tư như vậy trong một khoảng thời gian dài hơn hai năm cho đến khi biến cố lạ lùng xảy ra là đảo lộn cả tâm tư chàng.
     
Hưng nhớ rõ kỳ lễ Phục sinh ấy chàng theo hai người bạn Mỹ đi chơi ở New Orleans, Louisiana. Thành phố này nổi tiếng với khu Feench Quarter, các chàng trai trẻ ai cũng muốn đi qua một lần cho biết. Hưng thì thích quán Càphe Dumont mà cách pha chế cà phê và bánh tiêu của quán đặt biệt đến nỗi ai thử qua một lần cũng nhớ mãi hương vị và tìm cách quay lại, vì vậy quán càng ngày càng đông. Thành phố này cũng có khu thương mại Việt Nam, Hưng hướng dẫn hai bạn vào tiệm phở, họ trầm trồ mãi món ăn ngon này và họ tiếc là không biết sớm hơn.
     
Buổi chiều,  người bạn chở Hưng đến trạm xe buýt để  về nhà vì chàng đã nói trước không thể tháp tùng họ đi Florida. Chàng không muốn bỏ ngày đi chùa với gia đình vào hôm sau. Xe sắp sửa chạy, Hưng bước vội lên. Hành khách đông vầy. Hình như đằng sau còn chỗ trống. Chàng tiến ra sau, ngạc nhiên thấy “cô cà phê” ngồi ở băng ghế ấy và bên cạnh cô là chỗ trống duy nhất trên xe.
     
Hưng gật đầu chào. Cô nghiêm trang đáp lễ.
     
Hưng ngồi xuống, bắt chuyện rất tự nhiên:

- Không ngờ gặp cô ở đây!

- Tôi đi giao đậu phộng da cá cho các tiệm Việt Nam. Mùa này tôi xuống đây thường lắm.

Hưng thấy ngại cho cô:

- Cô đi toàn bằng xe buýt như thế này?

Diệu Tâm lắc đầu:

- Xe chùa mới hư mà mấy mối này cần gấp nên tôi phải đi xe buýt.

Hưng pha trò:

- Vậy cô phải dùng phương tiện Đại thừa!

Diệu Tâm cười:

- Đạo hữu lúc nào cũng vui nhỉ!

Thấy cô vui, Hưng tiếp luôn:

- Cô à, da cá ở đâu có đủ mà cô dùng để bao mấy hột đậu lại vậy?

Diệu Tâm làm nghiêm, chỉnh nhẹ:

- Đạo hữu đừng nói thế không nên. Sư cô dạy phải giữ thân, khẩu, ý cho trong sạch. Một ý tưởng, dù là đùa giỡn, cũng nên hợp chánh pháp.
     
Nói xong, Diệu Tâm nhìn ra cửa sổ. Hưng thẹn thầm, ngồi im, tự nhủ: “Cô này lúc nghiêm trông oai thật!” Xe chạy êm ru. Màn đêm xuống dần. Hành khách đều lim dim, sẵn sàng cho giấc ngủ. Những chuyến xe buýt chạy đường dài thường đem đến giấc ngủ ngon. Hưng cảm thấy mệt mỏi sau một này đi bộ khá nhiều; chàng nhìn đồng hồ tay, rồi sửa thế ngồi cho thoải mái và không mấy chốc, Hưng chìm trong giấc ngủ.
     
Thời gian lặng lẽ trôi như chiếc Greyhound đang lặng lẽ nuốt quãng đường dài. Vài giờ sau, Hưng giật mình thức dậy. Nhìn sang bên cạnh, Hưng thấy “cô cà phê” che mặt bằng cái nón lá, đầu tựa vào cửa sổ. “Chắc cô đang ngủ”, Hưng nghĩ vậy.
     
Hưng lại nhìn đồng hồ: “cô cà phê” còn hai tiếng nữa là tới rồi, mình phải bốn tiếng. Thôi mình thức canh cho cô ấy vậy.
     
Hưng ngồi yên nghĩ ngơi bâng quơ rồi chợt nhớ trong một buổi tập Thiền, Sư cô dạy: “Quý đạo hữu nên biết rằng không phải chỉ những lúc ngồi nơi Thiền đường trong tư thế kiết già, bán già như thế này mới có thể Thiền. Trong lúc đi, đứng, làm việc, lúc ngồi trên xe, lúc tập thể dục v.v.. chúng ta tập trung tư tưởng, chú ý vào chuyện đang làm hoặc chú ý vào hơi thở ra vào đều là thực hành Thiền. Giữ cho tâm ý bên trong không loạn, đối với cảnh bên ngoài không động, đó là mục đích thực tiễn nhứt của người tu niệm.
     
Hưng bắt đầu hít vào hơi thở dài, biết mình đang thở vào một hơi dài, rồi từ từ thở ra, biết mình đang thở ra một hơi dài. Sau ba hơi thở dài, Hưng bắt đầu thở bình thường, đều đặn và chú ý vào nhịp thở của mình. Chàng nhắm mắt lại, giữ cho tư tưởng đừng chạy lăng xăng, từ từ Hưng cảm thấy thần trí nhẹ nhàng, êm dịu. Nhưng Hưng không hề duy trì trạng thái ấy lâu; vì bỗng nhiên Hưng cảm thấy như có làn hơi ấm gần gũi đến nỗi chàng nghe được mùi thơm toái ra từ hơi thở ấy, mùi đồng nội như rễ tranh mía lau đang nấu sôi, tỏa hương thơm ngọt dịu. Hưng mở mắt ra, thấy “cô cà phê” đang say ngủ, cái nón lá đã rớt xuống và đầu cô đang ngoẻo về phía vai chàng như một điểm tựa. Hưng biết phép lịch sự không cho phép chàng nhìn một người con gái đang ngủ, chàng nhắm mắt lại. Nhưng quái ác thay, bây giờ chàng thấy rõ sự rung động kỳ lạ đang len vào và tỏa rộng. Hưng lớn lên, trưởng thành tại Mỹ, lại là người dạn dĩ, không nhát gái, nhưng chưa bao giờ Hưng trải qua tình huống kỳ lạ như thế này: Sự ngất ngây chứa đầy mặc cảm tội lỗi.
     
Hưng kiểm soát ý tưởng, rõ ràng đầu óc chàng không khởi lên một ý niệm bất chính nào nhưng xúc cảm cứ trào dâng như thác lũ.
     
Hưng muốn ngồi xê ra nhưng ngại phá giấc ngủ của “cô cà phê”. Chàng nghĩ thầm: “Chắc đêm qua cô phải thức khuya lắm để vô bao đậu, giờ ngủ ngon quá”! Rồi chàng cố gắng nghĩ sang chuyện khác nhưng dĩ nhiên, đó không phải là việc dễ dàng.
     
Hưng gồng mình như vậy, chới với như vậy gần mười lăm phút thì “cô cà phê” đổi thế ngồi, nghiêng đầu tựa vào cửa sổ. Hưng thở phào nhẹ nhõm.
     
Nhưng kể từ hôm đó, tâm hồn Hưng không còn nhẹ nhõm thảnh thơi như trước. Tình cảm con người vốn phức tạp: trái cấm chẳng biết ngon hay không mà chỉ vì sự cám đoán, khó khăn, nó càng gợi thèm. Tình cảm éo le thường làm cho con người ta bị cuốn hút.
     
Hưng là một thanh niên khôi ngô, hoạt bát nên có lắm cô chú ý, nào Mỹ, nào Việt nhưng chưa cô nào làm Hưng rung động như lần này. Tại sao vậy? Thôi đừng hỏi tại sao, trái tim có lý lẽ của nó! Hưng tự an ủi như thế nhưng khi yếu lòng, buông trôi theo cơn sóng tình trong tâm tưởng.
     
Tình yêu đơn phương này, Hưng chẳng dám chia sẻ cùng ai, đành ôm kín như khối sầu của Trương Chi. May mà Hưng còn có việc học để tìm quên, chàng dồn tất cả tâm trí vào việc học như bám lấy cái phao, hy vọng thoát ra khỏi làn sóng ngầm dữ dội quay quắt, điên cuồng.
     
Từ đó, gặp lại “người ta”, chàng không dám nhìn thẳng, chẳng dám nói cười như xưa. Có cái gì vừa ngượng ngập, vừa hồi hộp, vừa xấu hổ như cậu bé ăn vụng sợ bị người lớn bắt quả tang. Hưng sợ đôi mắt lá răm đen lay láy ấy rọi thấu con tim bịnh hoạn của mình!
     
Gặp thì chẳng dám nhìn, vậy mà tuần nào không gặp thì nhớ không chịu nổi, oái oăm thế!
     
Bây giờ nghìn trùng xa cách, tưởng đâu hoàn cảnh mới có thể làm phai nhạt tình cảm xưa, nhưng than ôi “lửa tâm càng nén càng nồng”. Biết làm sao bây giờ?.

¯ ¯ ¯
     
Dung giao cơm đều đặn, những món ăn vừa miệng, giúp Hưng phục hồi sức khỏe sau hơn một tháng ăn uống qua loa với những đêm mất ngủ. Hưng thầm cảm ơn cô gái mới quen. Hai tuần sau, Dung điện thoại cho Hưng biết sẽ đến thâu tiền cơm.
     
Hưng nói:

- Tôi sẽ đến quán trả, để cô phải đi thâu tận nhà là lạm dụng lòng tốt của cô. Vả lại tôi cũng định đến cảm ơn, nếu không có cô giúp, tôi sẽ không được những món ăn hợp khẩu vị như vậy.

Dung cất giọng nhõng nhẽo:

- Chỉ cảm ơn thôi ấy à? Phải dẫn Dung đi chơi cơ!
     
Hưng suy nghĩ nhanh: “Why not? Mình nên ra ngoài, giao thiệp, giải trí, biết đâu lại nguôi ngoai?”
     
Hưng vui vẻ đáp:

- Dung phải hướng dẫn chứ tôi có biết gì về thành phố này đâu? Dân quê mới ra tỉnh mà !

- Thế bao giờ anh rảnh?

- Chủ nhật nào tôi cũng dư thì giờ.

- Được rồi, chủ nhật này Dung sẽ đến đón anh lúc 10 giờ sáng, chúng ta đi quán Tàu ăn điểm tâm rồi đi chơi lòng vòng.

Và Dung đổi giọng liếng thoắng:

- Dung tính thêm tiền “hướng dẫn viên” đấy nhé!
     
Thế rồi hai người có dịp gặp gỡ nhau: khi dạo phố, khi ra ngoại ô, lúc cùng xem phim chiếu bóng... Có lần Dung cố ý kéo Hưng cùng đi sinh nhật của một cô bạn như ngầm giới thiệu Hưng với bạn bè, đây là người yêu của cô.
     
Dung sốt ruột lắm vì đã giao thiệp với nhau gần ba tháng rồi mà Dung thấy anh chàng này lừng khừng trông không lạnh nhạt nhưng cũng không nồng nhiệt gì cả. Lắm lúc tự ái nổi lên, cô muốn chấm dứt những chuyến đi chơi suông này cho rồi nhưng tình cảm quyến luyến đã phát sinh, vả lại Hưng là mẫu người “có đủ điều kiện” để tính chuyện hôn nhân nên cô cứ bám chặt.
     
Hưng không phải chẳng biết điều ấy nhưng chàng tự nghĩ phải sống thành thật với mình, với người, nhất là trong vấn đề tình cảm. Dung vui vẻ, dễ thương lại khéo chìu chuộng mà sao tiếp xúc với nàng, Hưng không thấy rung động nên chàng luôn luôn giữ khoảng cách chừng mực; không để Dung hiểu lầm sợ sau này sẽ phiền trách lôi thôi.
     
Một hôm Dung mời Hưng cùng đii khiêu vũ với nàng. Vũ trường này mới khai trương, ba mẹ nàng có phần hùn trong ấy. Nàng mặc áo dạ hội màu trắng có đính nhiều hạt trai, tóc cài một chùm hoa nhỏ, xinh xinh. Trong lúc cùng Hưng nhảy bản Tango tình tứ, Dung hỏi nhỏ:

- Anh trông em giống cô dâu không nào?
      
Hưng thấy cái bẫy đang gài sẵn, chàng giở giọng bông đùa:

- Giống cô người mẫu trong tủ kiếng ở mấy tiệm bán đồ cưới! Dung biết không? Thống kê cho biết các dịch vụ về đám cưới ở Mỹ làm ăn phát đạt nhất trên thế giới. Lý do là vì ở đây người ta cưới nhau rất vội nên ly dị nhiều, ly dị xong lại làm đám khác.
     
Dung thấy thất vọng vì câu trả lời không đúng như dự liệu của mình nhưng đồng thời nàng cũng phục sự nhạy bén và sâu sắc của Hưng.
     
Thấy Dung im lìm sau câu nói của mình, Hưng tội nghiệp. Ngay sau đó, chàng mua tặng Dung một lẳng hoa hồng tươi. Hoa làm Dung hãnh diện trước mặt ba mẹ, bà con, bè bạn nhưng trong thâm tâm, Dung cũng biết hoa hồng có nhiều gai. Chàng con trai Nam Kỳ này không dễ xỏ mũi!
     
Đêm ấy, Hưng cảm thấy ray rức trong lòng, cứ băn khoăn trằn trọc mãi. Cuối cùng Hưng thiếp đi với cơn mộng mỵ.
     
Trong giấc mơ, Hưng thấy mình làm lễ cưới với Dung. Cô dâu trong tiệc cưới mặc áo dài gấm đỏ, đầu đội khăn vành dây, tươi cười hớn hở kéo tay Hưng đi chào từng người bạn mình. Những người bạn trẻ đồng lòng gõ muỗng rộn ràng yêu cầu chú rể hôn cô dâu. Hưng thấy luống cuống, nâng nhẹ cằm cô dâu lên thì lạ thay, Dung tan biến nhanh như làn khói mỏng và trong chiếc áo dài gấm đỏ ấy, rõ ràng là “cô cà phê”!
     
Sự xuất hiện của “cô cà phê” làm Hưng sửng sốt, bàng hoàng và ngây ngất. Thần kinh chấn động khiến chàng tỉnh giấc mơ hoa!
     
Hưng thức dậy, đưa tay sờ trán, vầng trán lấm tấm mồ hôi, cả người hâm hấp nóng. Chàng đứng lên tìm thuốc uống. Ly nước lọc giúp chàng đỡ hốc cổ và dễ chịu hơn.
     
“Thật lạ lùng, giấc mơ quái dị!” Hưng lẩm bẩm. Hưng kiểm soát tư tưởng mình, quả thật từ trước đến giờ chưa bao giờ Hưng dám tưởng tượng hình ảnh “cô cà phê” khoác chiếc áo cưới. Có thể những ẩn khúc sâu thẳm trong vô thức đã tạo thành giấc mơ này.
     
Bây giờ Hưng có dịp thẳng thắn nhìn vào chính mình: “trốn chạy chỉ là một biện pháp tiêu cực. Tình cảm bị đè nén, dồn ép sẽ tạo ra những tâm bịnh bất thường. Tạo sao mình không dám đối diện với sự thật? Phải chăng từ đáy sâu của lòng khát vọng, mình đang ấp ủ một hy vọng vu cơ? Chính tia hi vọng quái ác đó đã lôi cuốn mình sống như một kẻ mộng du”.
     
Giấc mơ vừa rồi làm cho niềm hi vọng có dịp bùng tỏa ra. Hưng nhớ những lần gặp lại sau này, hình như “cô cà phê’ gặp chàng thì luống cuống, thẹn thùng chứ không còn tự nhiên như trước. Những khi cùng đào khoai, lặt bắp, đôi khi Hưng trộm nhìn cô thì bắt gặp cặp mắt ấy chớp nhanh, rồi đôi má cô ửng hồng.
     
Nhất là tuần lễ Hưng từ giã ra đi, cô lại cố ý lánh mặt. Có lẽ cô muốn trốn tránh một cuộc chia ly đau lòng.
     
Càng nghĩ ngợi, hy vọng càng dâng cao. “Biết đâu lòng cô cũng ôm một khối tình, nếu mình trốn chạy thì cả hai đều khổ. Người tu vẫn có quyền xả giới hoàn tục, việc đó vẫn thường xảy ra, không có gì tội lỗi”.
     
Suy đi nghĩ lại, Hưng thấy mình có lý. Phải tiến tới, không thể kéo dài tình trạng khó chịu này được nữa. Thà đối đầu với sự thật còn hơn! Rồi tính tới tính lui, Hưng viết một bức thư dài cho cô em gái, hi vọng Phượng sẽ hiểu và giúp mình.

¯  ¯  ¯
     
Phượng ngạc nhiên đến sững sờ sau khi đọc hết bức thư của Hưng. Mặc dù chưa trải qua tình cảm trai gái, chưa biết thế nào là mãnh lực của ái tình nhưng vì thương anh, Phượng cảm thông được nỗi khổ của anh.
     
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản, không dễ dàng, Phượng đồng ý với anh là chuyện này càng giữ kín càng tốt nhưng dù gì Phượng cũng phải qua ý kiến cô Thủy, người bạn chung của gia đình, cũng là người cố vấn cho Phượng mỗi khi gặp chuyện khó khăn.
     
Phượng tìm gặp cô giáo Thủy vào cuối tuần ấy. Phượng ngượng ngùng lắm mới kể được “ chuyện tình oái oăm” của Hưng cho cô nghe. Nhưng Phượng thấy cô rất bình thản. Điều ấy giúp Phượng dễ chịu.
     
Phượng kể xong câu chuyện, bắt đầu hỏi:

- Cô à, như vậy có tội không?

Thủy lặng yên suy nghĩ rồi chậm rãi đáp:

- Đã sinh ra trong cõi trần này thì hầu hết ai cũng ôm nặng lòng ái dục, chỉ trừ những Bồ Tát phát nguyện độ sinh mới không vướng mắc phàm tình. Nhân ái dục khi gặp đủ duyên thì sinh cây sinh trái, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng mối duyên của Hưng hơi éo le vì Hưng đã tơ tưởng người đã xuất gia. Người xuất gia chân chính là người quyết tâm chuyển phàm thành thánh, tức là chuyển tình cảm ái dục si mê thành từ bi trí tuệ. Đối với những người đó, nếu mình quyến rũ họ thì mình có tội.

Phượng đỡ lời:

- Nhưng anh của em chưa hề thố lộ, nói chi là dở trò  quyến rũ.

Thủy gật đầu:

- Tôi hiểu Hưng âm thầm nuôi hi vọng rằng cô Tâm cũng có cảm tình sâu nặng với mình. Và nếu chí xuất trần của cô không mạnh mẽ lắm thì Hưng có thể thuyết phục cô hoàn tục. Nhưng theo tôi, đó là hy vọng hảo huyền.

Phượng đồng ý:

- Em cũng nghĩ vậy vì anh Hưng đi đến nay đã hơn bốn tháng rồi mà em thấy cô ấy vẫn bình thường đâu có vẻ gì nhớ nhung.... Nhưng dù sao, em cũng phải giúp anh ấy tìm ra sự thật chứ kéo dài tình trạng này, ảnh dám điên lắm!

Thủy dặn dò:

- Có lẽ Phượng nên giữ kín chuyện này, đừng cho sư cô và ba mẹ biết gì cả.

- Dạ, em sẽ tìm cách nói chuyện riêng với cô ấy.
     
Thế rồi Phượng xin đi theo cô Tâm nhân một chuyến giao hàng. Trong chùa, ngoài sư cô ra thì cô Tâm là người lanh lẹ, tháo vát nhất. Chuyện gì mà cô cũng làm được: từ giao thiệp bên ngoài đến công việc ruộng rẫy, bếp núc. Cô lại có giọng tụng kinh rất truyền cảm. Phượng thường nói với mẹ: “Cô Tâm mà là ca sĩ chắc sẽ nổi danh. Cô tụng kinh hay quá, con rất thích nghe”. Mẹ cô thì khen khía cạnh khác: “Cô ấy ra đời buôn bán kinh doanh thế nào cũng thành công”.
     
Xe rời khỏi chùa đã khá xa rồi mà Phượng vẫn chưa biết vào đề như thế nào.
     
Phượng nói vu vơ:

- Cô Tâm nè, cô lái xe vững quá, chắc chưa gây tai nạn bao giờ?

Cô gật đầu nhưng khiêm tốn đáp:

- Hồi mới lái đi xa tôi cũng sợ lắm nhưng biết mình yếu thì cứ giữ đúng luật. Luật lái xe bảo vệ mình đấy. Điều đó đơn giản mà ít ai nhận ra.

Phượng tiếp:

- Mẹ em khen cô giỏi lắm, đảm đang. Em nghĩ cô mà ở ngoài đời, ai cưới cô sẽ có phước lắm!
     
Phượng vừa nói xong, vội bịt miệng lại vì thấy mình hơi vội. Nàng giả lả:
- Em nói đùa, cô đừng chấp! Mà nói đùa như thế có sao không cô?

Huệ Tâm cười rất tự nhiên:

Đôi khi mình cũng cần đùa như cây cần có gió. Lúc nào cũng nghiêm trang, cuộc đời mất đẹp!

Thấy cô cởi mở, Phượng xoay chiều câu chuyện:

- Cô à, có điều này em hơi tò mò nhưng là chỗ thân tình, cô có thể nói cho em biết được không? Như là chia sẻ kinh nghiệm.

Huệ Tâm cất giọng Nam pha Huế rất dễ thương:

- Phượng muốn hỏi việc chi, cứ hỏi; hễ đáp được thì tôi đáp, bằng không thì thôi. Rào trước chi mà kỹ rứa?

Phượng ngập ngừng:

- Người trẻ tuổi đi tu làm sao tránh được vấn đề tình  cảm nam nữ? Cô có kinh nghiệm về việc này không?
     
Huệ Tâm liếc nhanh qua Phượng. Cô hít vào một hơi dài, chậm rãi đáp:

- Đó là một vấn đề thực tế, một thử thách mạnh mẽ vô cùng. Nếu không vững lòng, không khéo hộ trì chí nguyện thì dễ sa ngã lắm. Nhiều tu sĩ trẻ bị sa rót vì lý do này.

Phượng nôn nóng:

- Thế cô có trải qua chưa?
     
Huệ Tâm không giấu được vẻ bẽn lẽn. Bây giờ thì cô đoán được ý định của Phượng rồi. Nhưng cô lấy lại sự tự nhiên ngay. Cô trả lời bóng gió xa xôi:

- Giới luật nhà Thiền không cho phép mình phiêu lưu vào phạm vi này, dù chỉ là trong tư tưởng. Nhưng dị lắm Phượng à, mặc dù mình không để ý đến ai nhưng ai để ý mình, mình cũng biết, ai cảm mình, mình cũng hay.

Phượng tinh ý, hỏi dồn:

- Thế cô có rung động không?

Huệ Tâm thành thật:

- Mình đâu phải gỗ đá vô tri. Nhưng phải kịp thời tỉnh thức và biết chuyển hóa tình cảm ấy, xem người khác phái cùng trang lứa với mình như anh em một nhà.

- Tại sao phải làm như vậy?

- Người quyết chí tu hành phải biết dùng lý trí chế ngự tình cảm mới thắng vượt được mà đi lên. Tình cảm ủy mỵ mình càng bị chìm lún như sa vào vũng bùn, không biết ngày náo thoát ra được. Từ thưở nhỏ, tôi đã thấy đường tình lắm chông gai, nhiều đau khổ.

Rồi cô đổi giọng tâm sự:

- Không phải giấu chi Phượng, gia đình tôi, nói rõ hơn là bên nội tôi tuy không thuộc giòng Tôn thất, nhưng ông nội tôi có chức phận, cha tôi là giáo sư trường Trung học lớn nhất ở Huế. Bà nội tôi lại khéo duy trì tài sản nên cảnh nhà cũng sung túc lắm. Cha tôi là con trưởng, ông nội tôi muốn sớm có cháu ẳm bồng nên hối thúc cha tôi lập gia đình hoài nhưng sau bao nhiêu lần mai mối, bao nhiêu cuộc gặp gỡ mà chẳng có kết quả gì. Người đời xấu miệng họ bảo ba tôi kiêu kỳ rồi quở “già kén chọn hom”. Chẳng biết duyên nợ xui khiến thế nào mà đến năm ba mươi tuổi, ba tôi lại yêu cô nữ sinh mới học lớp đệ nhị, nhỏ hơn người một con giáp! Thưở ấy thầy yêu trò là một chuyện lớn. Búa rìu dư luận tha hồ giáng xuống những lời châm chọc không thương xót; ba tôi can đảm chịu đựng. Ngoài ra, người còn phải tranh đấu quyết liêt với gia đình vì ông bà tôi chê cô gái ấy không môn đăng hộ đối, đã nghèo lại mồ côi. Người con gái ấy-mẹ tôi sớm mồ côi cha mẹ, may được người cậu đem về nuôi nấng cho ăn học. Thiếu tình mẫu tử, mẹ tôi không có vẻ tươi tắn hồn nhiên của tuổi hoa niên. Đôi mắt người lúc nào cũng như ướt lệ. Ông tôi dùng tướng số để ngăn cản ba tôi: “Con nhỏ đó hậu vận không tốt. Đôi mắt lại ướt lệ là kẻ đa tình đa khổ. Lấy nó đời con chẳng khá được”. Mặc ai ngăn cản, ai dèm pha, cha tôi cương quyết tự do kết hôn. Và dĩ nhiên, người tách ra sống riêng. Tôi không biết mẹ tôi có yêu ba tôi hay không, hay chỉ xem người như một cái phao đưa bà ra khỏi nỗi cô đơn buồn tẻ của sự mồ côi? Hai năm sau, mẹ tôi sinh ra tôi. Ngày tôi đầy tháng, ba mẹ tôi ẵm tôi đến ra mắt ông bà. Bà tôi ôm cháu nựng nịu mà chẳng nói một lời với mẹ tôi. Mẹ tôi vốn giàu tự ái nên từ đó mẹ tôi không lui tới nhà ông bà tôi nữa. Cha tôi thì vài tháng đem tôi về thăm ông bà một lần.
     
Đến khi tôi lên năm tuổi thì cha tôi qua đời một cách đột ngột vì bịnh tim. Than ôi, những hy sinh, những chịu đựng của cha tôi không bù đắp bằng hạnh phúc lâu dài. Có lẽ người nhắm mắt xuôi tay với nỗi ưu tư nặng trĩu vì không biết rồi đây mẹ tôi sẽ sống như thế nào khi chữ nghĩa không đủ, nghề chuyên môn thì không có, còn tiền bạc bao nhiêu thì đổ vào thuốc men và tang lễ.... Sau đám tang một tuần, bà tôi đến thương lượng với mẹ tôi để bắt tôi về. Bà đề nghị sẽ giúp mẹ tôi một số vốn làm ăn nếu mẹ tôi ưng thuận. Mẹ tôi cương quyết trả lời:

- Ngày nào cháu còn sống, cháu có thể nuôi con được.
     
Thế rồi mẹ tôi bán mọi thứ trong nhà, cái gì có người mua thì bán, để gom góp một số tiền sắm quang gánh đi bán cháo lòng ở đầu chợ. Sáng sáng, mẹ tôi oằn vai gánh nồi cháo nóng, tôi lót tót chạy theo sau. Nhiều người thấy cảnh cũng thương tình nên mua giúp, nhờ đó mẹ tôi đắp đổi qua ngày. Năm sau tôi đi học mẹ tôi bán buôn xong thì đến đón tôi về. Hai mẹ con sống cuộc đời êm đềm không sóng gió. Khi tôi lên lớp hai, ngày tựu trường, mẹ tôi sắm cho tôi một lúc mấy bộ đồ mới và cả con búp bê có thể mở mắt nhắm mắt mà tôi vẫn say mê nhìn ngắm mỗi lần đi qua gian hàng bán đồ chơi. Mẹ tôi cũng không dậy sớm để nấu cháo đi bán. Trưa đón tôi về, tôi thấy bà ăn mặc đẹp, khi áo tơ vàng, khi áo lụa tím, đôi má có thoa phấn hồng trông xinh xắn.

- Sao mẹ không đi bán nữa? Và ăn mặc đẹp, lại cho con nhiều quần áo mới? Mình giàu rồi hỉ?

Mẹ vuốt tóc tôi, mỉm cười:

- Mình không giàu sang nhưng con sắp có ba mới, ba mới sẽ lo cho mẹ con mình đầy đủ, không phải vất vả nữa.

- Sao ba mới không về nhà?

Mẹ giải thích;

- Còn vài tháng nữa mãn tang ba con. Bấy chừ ba mới về với mẹ con mình.
     
Với đầu óc ngây thơ của một đứa trẻ, tôi sung sướng chờ ngày ba mới về. Tôi nghĩ là ông sẽ cho tôi nhiều quà và cho mẹ tôi những ngày sung sướng. Chung quanh tôi, trong trường học, người lớn xầm xì này nọ về mẹ tôi nhưng tôi vô tâm không để ý gì. Hễ mẹ vui là tôi vui.
     
Ngày ba mới về với mẹ tôi, tôi thấy bà hạnh phúc lắm. Ba mới trẻ hơn ba tôi nhiều, ăn vận lịch sự, đẹp trai. Ba mới mang theo hiều món quà: Hai cái áo đầm sang trọng cho tôi, điều mà tôi không dám mơ ước, lại còn nhiều bánh kẹo, có cả chocolate nữa. Dĩ nhiên mẹ tôi cũng có nhiều quà: Quần áo, đồ trang sức... Tôi không biết ba mới của tôi làm nghề gì mà trông ông lúc nào cũng sang trọng, bảnh bao. Giờ giấc đi về thì thất thường, có khi đến nửa đêm mới về, có khi đi biệt hai, ba hôm. Những khi đi vắng nhà lâu như vậy, tôi thấy mẹ tôi buồn rầu và khóc nữa mà vẫn cố giấu tôi. Tôi biết mẹ tôi thương yêu ông ấy lắm vì  mỗi lần ổng về, mẹ tôi mừng tíu tít.
     
Một đêm khuya, tôi chợt tỉnh giấc vì có tiếng la hét và tiếng chén dĩa bể loảng xoảng. Tôi nghe ổng to tiếng:

- Đừng bày cái trò chờ cơm như thế này nữa, đừng hòng buộc chân tôi! Tôi là dân áp phe chứ đâu phải thầy giáo mà phải đúng giờ về đúng khắc. Chán bỏ mẹ! Từ hồi lấy bà về đến giờ toàn gặp chuyện xui xẻo, chẳng vào một mối nào!
     
Tôi không nghe mẹ nói năng chi. Có lẽ người nhẫn chịu, làm thinh dọn dẹp mâm cơm bị hất đổ.
     
Trưa hôm sau, mẹ tôi đón tôi về sau giờ tan học. Tôi thấy ổng còn ở nhà, lẳng lặng cúi đầu ôm cặp đi thẳng xuống bếp. Ổng gọi giật tôi lại, bảo tôi đứng khoanh tay chờ ổng hỏi:

- Mày là con nhà giáo sao đi không thưa về không trình? Tao ngồi giữa nhà mày không thấy sao?
     
Tôi lặng thinh. Ông xáng cho tôi một bạt tai tóe lửa.

Mẹ tôi ôm lấy tôi, vừa khóc vừa nói:

- Ông muốn hành hạ tôi thế nào cũng được, phải để yên con tôi.
     
Thế là ổng xoay qua mẹ tôi, vừa đánh vừa đá không biết bao nhiêu mà nói được. Cơn giận làm ông điên tiết lên, mặt mày như quỷ dữ.
     
Rồi ổng bỏ đi biền biệt. Sau trận đòn đó, mẹ tôi  bị sảy thai. Tôi thương mẹ tôi quá! Tôi mơ sống lại những ngày êm đềm cũ, khi mẹ tôi sáng sáng gánh nồi cháo nóng ra chợ, buổi trưa đón tôi về, cho tôi cái bánh ú, bánh gai. Buổi tối, mẹ dạy tôi học, tập tôi viết và kể chuyện đời xưa cho tôi nghe.... Hạnh phúc biết bao!
     
Khi mẹ tôi bình phục, tôi thỏ thẻ:

- Mẹ à, hay là mẹ đi bán cháo như trước, bây giờ con lớn rồi, con ở nhà phụ mẹ. Con vái ổng đi luôn đừng về đây nữa!
     
Thưở ấy đầu óc tôi ngây thơ quá, làm sao tôi hiểu được sự éo le của ái tình!
     
Mẹ tôi lặng lẽ khóc mãi. Ba tuần sau, ổng trở về. Chao ôi! Mẹ tôi mừng ra mặt, bà không còn nhớ gì đến cơn đòn chí tử vừa qua! ổng về tỏ vẻ ăn năn, đi mua sắm. Tôi được dịp mặc áo đầm sang trọng, đi ăn nhà hàng có bồi bàn tiếp đãi nhưng bấy giờ tôi thấy rõ đó không phải hạnh phúc.
     
Mẹ tôi có dịp phân bua cho ông ấy:

- Cậu con tốt lắm đó! Tại việc làm ăn thất bát, ổng  buồn bực mới sinh chuyện!
     
Tôi không cãi, vì không muốn làm mẹ mất vui nhưng tôi linh cảm mẹ tôi sẽ còn đau khổ nhiều ông ấy.
     
Thật vậy, mẹ tôi như một cành lan yếu ớt bị mưa gió vùi dập. Tánh ổng khi vui lúc buồn làm cho mẹ con tôi luôn luôn sống trong sự hồi hộp, phập phồng. Hôm nào ổng về nhà với vẻ mặt tươi tắn ngày ấy tôi được sống thanh bình. Trái lại, hễ thấy ổng bước về khập khiễn, mặt đỏ vì men rượu là tôi phải trốn không để ổng thấy mặt, còn mẹ tôi chuẩn bị hứng một trận đòn!
     
Ổng càng ngày càng quá quắt, chẳng biết sao mẹ tôi chịu nổi, có khi dẫn cả tình nhân về, đùa cợt với nhau trước mặt mẹ tôi (mà ổng giới thiệu là em gái). Nếu mẹ tôi tỏ vẻ ghen tuông thì roi đòn đổ xuống. Than ôi! Mẹ tôi có tội tình gì?
     
Cô Tâm kể đến đây tự nhiên không cầm được nước mắt, cô khóc sụt sịt. Phượng trao khăn cho cô mà nước mắt cũng nặng mi. Cô im lặng hồi lâu mới lấy lại bình tĩnh. Phượng đề nghị đổi tài. Cô ngừng xe lại, trao tay lái cho Phượng. Hồi lâu cô kể tiếp:

- Sự tàn tệ của ổng đến tai bên nội tôi. Bà nội tôi cảm thương cho hoàn cảnh của mẹ tôi và nhất là nóng ruột vì đứa cháu nội của mình, bà đề nghị mẹ con tôi vô Sài Gòn, bà cho vốn làm ăn. Tôi nghe nói mừng lắm, vì nghĩ sẽ thoát được cảnh đòn roi nhưng mẹ tôi không chịu. Lúc đó tôi giận mẹ tôi lắm! Nhưng sau này tôi mới hiểu bà hơn. Bà sắp có con với ổng, bà không muốn đứa bé sinh ra không cha. Hơn nữa, về sau sư cô giải thích cho tôi biết tình cảnh của mẹ tôi là do nợ nằn oan nghiệt từ những kiếp trước, đến giờ phải trả. Trả chưa xong thì không thể tách ra mà đi được, vì lý do này, tình cảm kia lôi giữ bà ở lại.
      S
au đó, bà sinh một đứa con trai. Lúc mẹ tôi oằn lên trên nhà sinh là lúc ổng vui say cùng các cô vũ nữ. Mẹ tôi hy vọng đứa con trai bụ bẵm sẽ khiến ông hồi tâm và trở thành người chồng tốt, nhưng sự thật không dễ dàng như vậy. Làm ăn càng khó khăn, ổng càng sinh rượu chè, đàng điếm và đày đọa mẹ tôi nhiều hơn. Cứ đổ thừa tại mẹ tôi mà không khá được.
     
Năm 1973, cả gia đình nội tôi sửa soạn dời vô Sài gòn. Bà tôi đến thăm tôi. Tôi chạy ra ôm cứng lấy bà khóc nức nở. Gò má tôi còn in rõ cái bạt tai tối hôm qua. Còn mặt mày mẹ tôi thì sưng vù, một bên mắt bầm tím. Bà tôi thương cảm quá, ôm cả hai mẹ con tôi mà khóc. Những giọt nước mắt của bà tôi làm cho mẹ tôi xúc động, không còn giận hờn, không còn tự ái đối với nội tôi nữa. Mẹ tôi cho phép tôi về ở với nội. Mặc dù rất yêu mẹ nhưng được thoát khỏi cảnh địa ngục, tôi mừng lắm. Trước khi đi, cả gia đình nội tôi đến chùa đảnh lễ sư ông. Tôi còn nhớ rõ bà nội tôi hỏi sư ông về tôi:

- Thưa ông, con bé này giống mẹ nó như khuôn, con sợ đời nó sẽ khổ như mẹ nó! Chưa chi tuổi thơ của nó đã vất vả rồi!

Sư ông vuốt tóc tôi, nhìn tôi một chặp rồi cất giọng từ hòa:

- Trong cái dở có cái hay, trong cái rủi có cái may. Con bé này lớn lên sẽ xuất gia, vào đền vua trốn nợ.
     
Câu nói đó, tôi nhớ rõ mồn một nhưng không hiểu gì cả. Sau này tôi hỏi sư cô, sư cô giải thích: “Tướng của con là tướng khổ vì tình, cũng như mẹ con vậy, nhưng nhờ sớm chứng kiến cảnh khổ của mẹ con, con không muốn bước chân vào tình trường. Đó là trong cái rủi có cái may. Dù nặng nợ trần, nặng nghiệp quả bao nhiêu, nhưng nếu một khi quyết tâm xuất gia thì không phải gánh trả nợ tình, ví như con nợ trốn vào đền vua, chủ nợ sợ oai lực của vua không dám tới đòi. Oai nghi, giới hạnh của người xuất gia cùng sự thanh tịnh chốn Thiền môn khiến cho khách trần không dám tơ tưởng, không dám quyến rũ. Cái nhân tình ái vì đó không đủ duyên phát triển sẽ tự hư hoại.”
     
Thế rồi tôi vào Sài gòn sống cuộc đời êm đềm của một nữ sinh. Thỉnh thoảng tôi thư từ thăm hỏi mẹ tôi. Mỗi lần nhớ tới mẹ, tôi không cầm được nước mắt mà không biết làm sao cứu người. Sau biến cố ba mươi tháng tư, nhiều người tìm cách ra nước ngoài. Năm 1983, tôi cũng theo cô và chú tôi vượt biên, may mà đi một lần thì được tới đảo Bidong, ở cùng trại với sư cô, nhờ đó tôi được học hỏi về giáo lý Phật đà. Sang Mỹ, tôi tìm cách liên lạc với mẹ tôi nhưng bao nhiêu thư đi đều không có hồi âm. Ở Việt Nam, nội tôi cho người ra tận Huế để tìm cũng chẳng biết được gì hơn. Tôi đau xót vô cùng và tưởng tượng ra mọi cảnh khổ của mẹ tôi, nghe như muối xát vào lòng. Tôi vượt biên với mục đích duy nhất là đi làm kiếm ra thật nhiều tiền để bảo bọc mẹ và em; nếu mẹ tôi có nhiều tiền chắc ổng không hành hạ bà nữa. Bây giờ mất liên lạc với mẹ, tôi cho rằng cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa gì. Sư cô hiểu tâm sự của tôi, thường viết thư khuyên lơn, an ủi. Sư cô dạy: “Lòng hiếu thảo của con rất đáng khen, nhưng cô khuyên con đừng quá bi lụy; đã không giải quyết được gì lại làm cho tinh thần ngày càng yếu đuối. Nên biết rằng tuy chưa có cơ hội lo lắng cho mẹ con về vật chất, nhưng nếu con cố gắng tu tập công đức rồi hồi hướng cho mẹ con thì nhờ đấy bà có thể nhẹ nghiệp, đỡ khổ phần nào”.
     
Lời khuyên ấy làm nẩy nở trong tôi ý định xuất gia. Tôi nhớ lại lời sư ông nói trước kia và nghĩ rằng mình có duyên với Phật Pháp. Tôi hứa với sư cô từ đây phấn chấn học hành, đến khi nào sư cô có chùa tôi sẽ về ở với sư cô, xin làm đệ tử xuất gia.
     
Ngày tôi làm lễ thí phát, tôi thành tâm phát nguyện như thế này: ‘Con nguyện dõng mãnh và kiên trì tu hành cho đến khi viên mãn đạo Bồ Đề, vẹn toàn phước trí. Nguyện đem tất cả công đức hồi hướng cho mẹ con và tất cả những bà mẹ đau khổ trên thế gian này”.
     
Cô Tâm kể xong đã lâu mà Phượng còn bồi hồi cảm xúc, Phượng thấy rõ cơn gió tình cảm của Hưng không thể nào lay chuyển được chí nguyện sắt đá, vững vàng như núi cả của cô. Hơn nữa, cuộc đời đau khổ của mẹ cô là một sự cảnh tỉnh mạnh mẽ, giúp cô chẳng bao giờ tơ tưởng tới ái tình. Tuy nhiên, Phượng cũng muốn nhìn thấy khía cạnh khác của đời sống, Phượng lựa lời nói:

- Cuộc đời của mẹ cô có thể viết thành thiên tiểu thuyết, một bi kịch nhiều nước mắt. Nhưng theo em, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nếu  mình có phước, mình sẽ được hưởng hạnh phúc gia đình, như cô Thủy chẳng hạn.

Cô Tâm gật đầu:

- Tôi công nhận như vậy, nhưng Phượng ơi, khi hiểu đạo rồi, phước báu cõi trời còn không màng, huống chi hạnh phúc mong manh của thế gian.
Rồi cô bắt sang chuyện khác:

- Sắp tới thành phố rồi, Phượng để tôi lái cho, ở đây tôi rành hơn Phượng.
     
Phượng tìm chỗ cho xe tấp vào và rồi bước xuống. Gió mát thổi ùa vào mặt khiến nàng thấy khỏe khoắn, dễ chịu.
     
Phượng nói thầm: “Sự thật này tuy làm anh Hưng đau khổ nhưng cũng giúp anh tỉnh giấc mộng tình. Tỉnh mộng rồi, anh sẽ thấy cuộc đời có nhiều thứ đáng yêu, có nhiều việc để làm.... Hãy cắn kén mà chui ra, dù kén của anh được dệt bằng những sợi tơ lòng êm ả. Bay lên đi anh! Anh thấy không? Gió mát! Và trời xanh trong vắt, mây trắng thong dong...”