Thời kinh sáng vừa xong, bác Tám gái chậm
rãi máng chiếc áo tràng lên móc rồi vén màn nhìn ra cửa sổ. Cảnh bình minh tươi
sáng của ngày cuối tuần làm tâm hồn bác cũng reo vui như những chú chim non dàn
ríu rít, như sóc đang gậm hạt dẻ dưới sân nhà, như mấy lá mướp mịn lông tơ đang
rung rinh trong gió sớm.
Bác sung sướng đứng lặng yên như vậy,
không nhớ nghĩ điều gì, kể cả những kỷ niệm đậm nét quê hương mà mỗi khi nhìn
giàn mướp, vườn rau sau nhà, bác không tránh khỏi những xúc động xa xăm. Bác
cũng không quan tâm đến tiếng gõ thong thả của chiếc đồng hồ quả lắc treo trên
trên tường, cái đồng hồ của Pháp giống y như cái mẹ bác treo ở phòng khách ngày xưa, trong căn biệt
thự kiểu xưa ở vùng Phú Lâm, nơi bác đã trải qua quãng đời thơ ấu. Không có việc
gì phải nghĩ ngợi, phải lo toan hay sợ hãi. Tâm hồn bác giãn mở ra, càng lúc
càng rộng lớn, tưởng chừng có thể gói trọn cả căn phòng cảnh quang đãng mùa
xuân trước mặt. Chỉ hôm nay bác mới thấy dãy đất này xinh đẹp và đáng yêu! Những
ngày mới đặt chân lên vùng đất lạ này, bác có cảm giác như mình lạc lỏng vào một
hành trình nào xa xôi mà từ người, vật đến cây cỏ đối với bác đều lạ lùng, lạ
lùng đến dửng dưng.
Bà hàng xóm ngoại quốc vừa bước ra sân tập
thể dục. Cũng cái vẻ mặt kiêu kỳ, cái thân hình mục mịch làm ra dáng đài các
trong mỗi bước chân đi ấy và cả cái thái độ lạnh lùng muôn thưở đối với gia
đình “tóc đen di cư’ như bác.....nhưng hôm nay bác không có cảm giác gì khó chịu.
“Hãy giữ lòng như đất”. Đất bình thản đón nhận mọi thứ, từ những quặng mỏ quý
giá đến rác rến bẩn thỉu, những vật tanh hôi. Đất không phân biệt nên đất được
bình an. Lời Phật dạy quả không sai.
Một bàn tay nhỏ nhắn vừa nhẹ nhàng đặt
lên vai bác. Thúy An. Cô gái hỏi nhỏ:
- Mẹ có sao không?
Khi bác Tám quay lại với vẻ mặt rạng rỡ,
Thúy An biết mình không cần câu trả lời. Cô vui miệng hỏi luôn:
- Mẹ vừa tụng kinh cầu an?
Hai tiếng cầu an làm bác Tám nhớ lại khoảng
thời gian cũ, những ngày đầy nước mắt tủi thân khi bác bắt đầu làm việc ở xưởng
may. Thời gian ấy, đêm nào bác cũng tụng kinh cầu an nhưng tâm chẳng được an
chút nào. Mà làm sao yên ổn được, khi người ta đối xử với bác như thế nhỉ? Bác
vốn là chủ tiệm may áo dài nổi tiếng ở Sài gòn, lại là người điều khiển các lớp
dạy cắt may, đào tạo không biết bao nhiêu tay thợ, thế mà cái xưởng may dây
chuyền này tối ngày chỉ phân công cho bác ráp đường vải, trả lương tối thiểu, lại
còn nặng nhẹ chê bác may chậm, may hư. Về sau, khám phá ra bác là người khéo tay,
họ lại bảo bác làm ở khâu sửa đồ hư. Ôi chao! Cả ngày phải tằn mằn đối phó với
cả trăm món đồ may hỏng, thật là chán phèo! Bác không có một chút hứng thú nào
trong việc làm nhưng bác không thể nghỉ việc. Vì trở ngại ngôn ngữ, vì tuổi
tác, bác khó có thể tìm được việc nào khác. Gia đình bác cần tiền cho các con
tiếp tục việc học. Vì tương lai của các con, bác phải hy sinh, phải chịu đựng.
Nhưng cái buồn trĩu nặng. Không khí gia đình do đó cũng kém vui, nó nhợt nhạt
như chậu kiểng bị thiếu nắng.
Bác trai rất lo âu vì tình trạng này.
Bác tìm đủ cách pha trò, kể chuyện bông lơn nhưng đó chỉ là những tia nắng lẻ
loi của một ngày mùa đông xám ngắt. Cuối cùng, bác trai quyết định một chuyến
đi xa, nhân tuần lễ bác gái được nghỉ phép.
Hai người ghi tên tham dự một chuyến
hành hương. Cảnh chùa, bạn đạo và phong cảnh mùa xuân như đem lại cho bác gái một
niềm vui mới. Nhưng điều quan trọng hơn cả là lời dặn dò của vị sư già nơi Thiền
viện: “Hãy chú tâm vào việc đang làm, đừng lo nghĩ gì khác. Hãy sống với giây
phút hiện tại, đừng nuối tiếc dĩ vãng, đừng sợ hãi tương lai. Sống trong chánh
niệm, chúng ta được an vui.”
Bác gái có cảm tưởng như vị Thiền sư này
thấu suốt cái tim gan của bác nên mới khuyên như thế. Mà thật vậy, đây chính là
cái chìa khóa vàng giúp bác thoát khỏi ngục tù phiền não từ bấy lâu nay.
Ngày trở lại sở làm, bác bắt tay vào
công việc với lòng bình thản hơn trước. Bác cẩn thận tháo từ cái cổ áo lệch, từng
đường may xéo để tỉ mỉ sửa lại cho khéo hơn. Bác quên tất cả, không cần nhớ lại
thưở vàng son của dĩ vãng, nên không bị cái bóng dĩ vãng đè nặng trên tâm hồn.
Bác cũng không có thời giờ để nhớ mình là ai. Chỉ biết rằng mỗi món đồ sửa xong
là bác cảm thấy vui, cái phần thưởng tinh thần sao mà quý lạ!
Từ đấy, những vầng mây u ám cũng tan đi,
nhường chỗ cho ánh sáng mùa xuân vui tươi ấm áp, y như buổi bình minh quang
đãng hôm nay.
Bác Tám chợt nhớ Thúy An đã hỏi mình câu
gì đó, nhưng cô gái không còn đứng đấy. Cô đac nhẹ nhàng đi xuống bếp để tôn trọng
giây phút im lặng, mà cô nghĩ là rất quý báu của người mẹ khả kính. Cô thấy mẹ
của mình hôm nay có cái chi khác lạ. Mắt
mẹ chan chứa niềm vui và những sợi tóc bạc lòa xòa trên trán mẹ lấp lánh như những
sợi hào quang. Mẹ đến gần, sự an lạc lan tỏa rộng tới Thúy An. Cô gái mỉm miệng
cười nhưng vẫn giữ im lặng, cô không muốn phá tan giây phút kỳ lạ đến nhiệm mầu
này.
Ngoài sân, có tiếng chim hót trong trẻo
và cao vút giữa bầu trời lồng lộng......