LỬA DỮ HÓA SEN HỒNG

Hai mẹ con thảnh thơi bước chầm chậm trong nắng ấm mùa xuân. Một lúc sau, Thúy An mới cất tiếng nói:

- Con thấy mẹ dạo này vui luôn và khỏe ra.

- Một khi mình chuyển được cái tâm phiền não, cố chấp thì được an.

Thúy An liếc nhìn mẹ rồi ngập ngừng hỏi:

- Tại sao mẹ đặt tên con là Thúy An?
     
Bác Tám vuốt tóc con, mái tóc óng ả, dài mượt của cô thiếu nữ Việt Nam thuần túy:

- Ở Mỹ này, mẹ không biết mỗi cái tên có ý nghĩa gì không chứ người Việt mình khi đặt tên con thường gửi vào đấy một ước vọng. Vì thế, có người đặt tên cho con là Giàu, là Sang, hoặc Thành Tài, Thành Danh, Phát Đạt v.v... Riêng ba mẹ đặt tên con là An, chỉ mong con luôn được bình yên, tâm hồn không nổi sóng là tốt rồi.

Thúy An vẫn còn thắc mắc:

- Còn chữ Thúy ngụ ý là gì hả mẹ?
     
Bác Tám cười vì biết thế nào con gái cũng hỏi tiếp như vậy:

- Thúy là màu xanh. Xanh là màu dịu mát, tượng trưng cho hoàn cảnh thường ảnh hưởng đến tâm địa của con người nên ba mẹ mong con gặp được những thuận cảnh để tâm hồn được an vui. Đối với các bậc tu hành đạo lực cao thâm thì dù gặp cảnh thuận hay nghịch, tâm của các vị vẫn yên ổn, kể cả khi đối diện với cái chết. Nhưng chúng ta thì không được như vậy, vì chúng ta chưa làm chủ được cái tâm của mình.
     
Thúy An dừng bước, cúi đầu suy nghĩ: “Chúng ta chưa làm chủ được cái tâm của mình. Phải rồi, vì vậy nên tâm này thường hờn giận, sân si”.
     
Thúy An rụt rè nắm lấy tay mẹ:

- Mẹ à, thường thường tên và người ít phù hợp với nhau. Con thấy nhiều tên Tuyết mà đen thui, tên Giàu mà phải chịu nghèo, tên Đủ mà cứ thiếu hụt hoài....còn như con đây, tên An thì ít khi được an vì tính con hay hờn giận.
     
Bác Tám ngồi xuống băng ghế dài dưới bóng cây le, lá non xanh mơn mởn, bà dịu dàng nói:

- Mẹ biết rõ điều đó và luôn luôn tìm cách giúp con; nhưng tánh tình của mỗi người là một cố tật, khó có thể sửa đổi trong một thời gian ngắn. Mẹ nhớ hồi con mới năm, sáu tuổi, tánh sân đã phát khởi rồi. Những lúc lên cơn giận, con dữ lắm, cứ đánh, đấm, cào cấu các em con, không kể gì hết. Ngoại và mẹ vào rầy la can gián thì con lại càng tức tối thêm, những khi ấy, hầu như con không biết phải trái là gì cả. Ngày này sang ngày khác, mẹ đã kiên nhẫn khuyên nhủ con những điều hay lẽ phải và dạy con sự dịu dàng mềm mỏng của thiếu nữ Á Đông. Nước chảy mãi, đá cũng mòn. Con càng lớn lên, tánh nóng giận càng giảm bớt  nhưng thiệt tình mà nói, nó cũng còn gốc rễ, khi có cơ hội thì phát ra ngay. Thúy An im lặng ngồi xuống cạnh mẹ, chăm chú lắng nghe. Bác Tám liếc nhìn con rồi tiếp tục:

- Con phải biết rằng sân hận là một phiền não lớn, do chính mình tạo ra và tự mình phải gánh chịu sự đau khổ cùng hậu quả của nó. Lúc nóng giận, trong tâm như bị lửa thiêu đốt vậy và khi ấy, mình không làm chủ được ý nghĩ cùng hành động của mình nữa; mình nói và làm những điều lố bịch, xằng bậy khiến mọi người muốn lánh xa. Đức Phật có dạy rằng: “lửa sân hận thiêu hủy cả rừng công đức”, con phải nhớ câu kim ngôn ấy.

- Nhưng mà lúc nổi sóng lên rồi, con không còn nhớ gì nữa mẹ à. Trong con hình như có hai con người: một con người bình thường và một con con ma hờn giận.

- Con nói đúng! Khi cơn giận khởi lên, trong tâm con, loại nội ma chế ngự. Mình là con Phật, mình phải thắng ma, đừng để ma sai khiến mình.

Thúy An cúi đầu:

- Con cũng hiểu như vậy nhưng làm sao để ngăn chận một cơn giận?
Nếu để lòng sân khởi lên rồi thì khó ngăn chận vì lúc ấy con không còn bình tĩnh và sáng suốt nữa. Nhưng khi tỉnh táo, sáng suốt, con nên ngồi yên phân tích những nguyên nhân của sự hờn giận. Nói chung, mẹ thấy con thường nổi giận vì bị hiểu lầm, hoặc có người làm sai ý. Những chuyện như thế, đối với người bình thường, họ chỉ phiền hà chút đỉnh thôi, nhưng với con, nó như cây que diêm châm vào xăng dầu vậy. Con phải biết rằng trên đời này có rất nhiều nỗi khổ lớn lao: Nào cảnh chiến tranh gây chết chóc điêu tàn, nào sự tù đày tra tấn, nào cảnh đói khổ cơ hàn, nào thương tích tật nguyện, nào những tai họa do thiên nhiên mang đến như núi lửa, động đất, ngập lụt, hạn hán v.v... Quán xét những sự đau khổ lớn lao ấy của nhân loại cùng tất cả chúng sinh, con mới thấy rằng con là người quá may mắn và những chuyện mà con cho là đau khổ và sinh hờn giận đó là chuyện nhỏ nhặt trẻ con, không đáng để ý tới, đừng ôm giữ nó trong tâm làm gì. Giận hờn là một loại thuốc độc, chẳng những nó làm cho con bị phiền muộn đau khổ trong kiếp này mà còn lưu lại cho những kiếp sau nữa.

- Ồ! Tạo sao vậy mẹ?

- Để mẹ kể cho con nghe chuyện này thì con biết ngay. Đây là một truyện tích có thật, được ghi trong quyển Cao Tăng Truyện:
     
“Thưở xưa, vào đời Đường bên Trung Hoa có ngài An Thế Cao là bậc tu hành đắc đạo. Ngài nhìn thấu chuyện quá khứ, thấy rõ nghiệp báo nhơn quả của mình và người. Ngài nhớ khi xưa có người bạn đồng tu, tánh hay hờn giận, ngài thường khuyên nhủ mà bạn vẫn không thay đổi. Người bạn này, tuy có lòng từ bi, hay giúp đỡ và làm việc bố thí nhưng tanh sân hận rất nặng nề. Tín đồ thập phuong đến chùa, lỡ có ai làm điều gì không phải như mang giày dép vào chánh điện, hoặc trẻ con đùa nghịch quấy phá, hoặc người cố tình lạm dụng của thường trụ thì liền nổi giận, la hét, rượt đuổi hay hờn giận cằn nhằn mãi không thôi. Ngài An Thế Cao thấy rõ tiền căn, rồi nhìn lại hậu kiếp của bạn, thấy người này bị đọa làm con mãng xà lớn nhưng nhờ phước đức trước đây đã tạo nên được làm thần trấn giữ một địa phương, hưởng nhiều phước báu.
     
Mãng xà thần này hình dạng xấu xa lại to lớn lắm, nó thường ẩn mình, không ai thấy được. Người trong vùng đi thuyền ngang qua miếu, nếu ai lấy tay chỉ chỏ hay bàn nói về mãng xà thì lòng sông liền nổi sóng gió lật úp thuyền ngay. Dân địa phương rất sợ hãi, thường đem lụa là, vật báu, thực phẩm, hoa quả dâng cúng thần. Vật phẩm chất đầy cả gian phòng rộng. Nếu ai nhìn thấy của cải trong miếu thần mà sinh lòng tham, trộm lấy một món thì hộc máu chết ngay. Người người càng thêm kiêng nể.
     
Ngày kia, An Thế Cao quá giang thuyền buôn đi đến đây. Thuyền vừa tới nơi thì thần ứng bảo: “Trong thuyền có thầy tu. Thần mời lên”. Ngài An Thế Cao đi vào đền tối om om, không đèn đuốc chi cả. Ngài lên tiếng: “Muốn gặp ta, sao không ra mặt?” “Thưa ngài hình dạng tôi xấu xí, không dám cho ai thấy”.
     
“Ta với người, nào phải xa lạ chi đâu. Trước kia chúng ta cùng tu ở chùa Từ Ân. Ta nhờ tinh tấn tu hành nên liễu sanh thoát tử. Người tu phước cũng nhiều nhưng tánh hay hờn giận nên bị đọa như vầy. Ta đến đây chỉ vì muốn cứu người thôi. Hãy ra cho ta xem”.
     
Nói xong, Ngài thắp đèn lên. Từ dưới án bò ra một con mãng xà đầu xanh, có sừng, mắt lồi, răng tua tủa, lưỡi đỏ như máu; bề ngang to như cái nia, bề dài không biết tới đâu vì nó khoanh tròn thành một chồng cao.
     
Ngài An Thế Cao xoa đầu nó, giảng giải sự lý nhân quả, nói pháp Tứ Vô Lượng Tâm, rồi đọc một bài kệ cảnh tỉnh. Mãng xà buồn khóc như mưa, đầu cúi ba lượt rồi lùi ra, biến mất.
     
Đêm đó, ngài An Thế Cao trở xuống thuyền, chờ hôm sau nhổ neo đi. Lúc ngài nằm nghỉ trong khoang thuyền chợt thấy một thầy tu trẻ tuổi bước vào và cúi mình đảnh lễ. Ngài chưa kịp hỏi gì thì người thiếu niên nói: “Thưa ngài, tôi là mãng xà, nhờ ngài giúp đỡ cho mới dứt được nghiệp chướng. Tôi bỏ xác ở nơi đầm lầy cách đây ba dặm về hướng Tây. Nhờ ngài thương cho thiêu xác tôi và làm lễ an táng theo phép của người xuất gia. Còn bao nhiêu của cải tài sản trong đền, xin ngài vì tôi cúng dường thập tự và lập đàn chẩn tế phát cho kẻ nghèo”. Nói xong, người thiếu niên sụp lạy rồi biến mất.
     
Sáng hôm sau, thuyền nhân theo lịnh ngài, chạy về hướng tây, tới cái đầm rộng, quả thấy xác con mãng xà nằm cả một vùng rộng lớn. Mọi người nhốn nháo bàn tán; Ngài trình bày sự việc cho dân chúng nghe rồi xin phép viên chức địa phương để làm theo lời yêu cầu của mãng xà. Nơi an táng có dựng bia đá, nay còn di tích....
     
Câu chuyện hết rồi mà Thúy An vẫn còn ngồi im suy nghĩ. Chặp sau, cô mới hỏi:

- Người tu hành phước đức nhiều mà vẫn phải bị đọa sao mẹ?

- Phước đức không cứu được mình, nó chỉ giúp chúng ta hưởng một cuộc sống sung túc về vật chất thôi.

- Vậy cái gì có thể cứu được mình?

- Ngoài tha lực và nguyện lực của chư Phật thì chỉ có trí tuệ mới giúp mình thăng hóa thôi.

Thúy An mở to đôi mắt:

- Trí tuệ giúp mình như thế nào hả mẹ?

- Hai chữ Trí tuệ bao hàm ý nghĩa rất rộng lớn, nói ra sợ con chưa hiểu được. Mẹ chỉ phân tích sự việc cho con biết chút đỉnh thôi nhé! Như trường hợp của thần Mãng xà, nhờ gặp nhà sư nhắc nhở nên kịp thời thức tỉnh, sám hối lỗi lầm nên bỏ được thân rắn. Thức tỉnh, ăn năn là sự bắt đầu của trí huệ; bỏ sự cố chấp là hành động của Trí Huệ. Kẻ thù của Trí Huệ là tham, sân, sân vì nó làm mờ ám tâm linh mình. Kẻ trí luôn luôn làm chủ được chính họ vì họ không bị lòng tham thúc đẩy, không bị sự giận dữ sai khiến, không bị sự si mê cố chấp che lấp. Cụ thể hơn cả là người trí có thể chuyển phiền não thành Bồ đề, đổi đâu khổ thành hạnh phúc.

- Thật sao mẹ? Xin mẹ nói rõ hơn.

- Như tánh hay hờn giận của con, nếu là người trí, họ sẽ dùng phép quán Từ Bi để phá trừ.

- Quán Từ bi là sao hả mẹ?

- Đây là phép quán tưởng đứ tánh Từ Bi. Đối với chúng sanh đem lòng thương xót, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ, cứu giúp làm cho người được an vui. Thường quán tưởng hạnh Từ bi sẽ dứt trừ được oán thù và lòng sân hận. Nói cụ thể hơn, khi quán tưởng Từ bi, chúng ta chỉ nghĩ tới người, không nghĩ về mình. Thí dụ như con có người vì hiểu lầm nên dùng lời lẽ không tốt đẹp với con, thay vì nghĩ rằng mình bị xúc phạm, bị chạm tự ái, con hãy quán nghĩ thương người kia vì tánh hồ đồ thiếu sáng suốt mà phạm khẩu nghiệp, nghĩ vậy rồi tìm lời lẽ ôn hòa nhã nhặn để giúp người rõ sự thật mà lòng không chút muộn phiền. Nếu nói mãi mà người không tin, không nghe thì cứ để thời gian phơi bày đen trắng. Chuyện gì còn có đó, hơi sức đâu giận hờn.
     
Còn như có người chọc phá, nếu con tỏ ý giận dữ, người ta còn có hứng thú để chọc thêm. Những khi ấy, con hãy quán Từ Bi, thương người chưa biết huân tập Từ tâm lại thích tạo nghiệp dữ. Có thể sự an nhẫn của con làm người ta hồi tâm hoặc là khi có dịp thuận tiện, con làm lành với người, giúp đỡ người khi họ cần tới con. Như thế đôi bên đều vui vẻ cả. Ngày xưa, khi đức Phật bị ngoại đạo cho voi dữ uống rượu say chạy ùa tới để giết Ngài, đức Phật đã dùng Từ tâm để điều phục được voi say. Thú vật cuồng trí mà Từ tâm còn nhiếp phục được huống chi con người. Con phải biết Từ tâm có sức mạnh không thể nghĩ bàn được. Mẹ thấy con cũng có mối Từ tâm. Con thương tất cả loài vật nhỏ nhít, con săn sóc những con thú lạc đến sân nhà mình, thương những người bịnh hoạn bơ vơ.... Đó là những hạt giống Từ bi, hãy nuôi dưỡng nó, đừng để lửa sân hận thiêu đốt những nhân tố tốt đẹp ấy.
     
Thúy An ngẩng nhìn mẹ bằng đôi mắt biết ơn. Cô nắm tay mẹ rồi thật thà bày tỏ:

- Những lời mẹ khuyên, con rất trân trọng. Nhưng, cái gì khó thì làm sao thực hiện được, mẹ à.

- Chuyện gì cũng vậy, muốn thành công phải vận dụng ý chí mình, ngoài ra, con có thể thầm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, Ngài sẽ gia hộ con.
     
Thúy An chấp hai tay lại như hình búp sen, cô mỉm cười rạng rỡ:

- Dạ con xin hứa!

Bác Tám cũng cười hoan hỉ:

- Nhưng còn một điều này nữa, mẹ muốn con lưu ý kẻo lại vướng vào lỗi lầm khác. Khi quán Từ bi, con phải có trái tim thương yêu và khoan thứ, lại phải quên mình. Vì sao? Vì nếu chỉ dùng lý trí mà xét nét lỗi lầm của người khác thì dễ sinh kiêu mạn. Chỉ có lòng thương yêu thật sự mới cảm hóa được người và sửa đổi được mình. Thôi, trời cũng trưa rồi, mẹ con mình vào sửa soạn bữa cơm.

Thúy An liến thoắng nói đùa:

- Bữa nay con không ăn cũng no rồi mẹ ạ!