Lý tưởng nào cũng hay cũng đẹp, nhưng hiện
thực cuộc sống thì luôn cần có cái ăn cái mặc, cái bỏ vào mồm khi bụng đói, cái
phòng ngủ khi nhíu mắt….. “tiên chiếm giả đắc” nên phải đè đầu cỡi cổ nhau mà sống,
mạnh được yếu thua, cốt nhục tương tàn là chuyện thường tình, nồi da xéo thịt
là chuyện cơm bữa. Anh Kiến ba hoa, chị Ruồi đứt mất cái bụng vẫn mãi đấu khẩu
với nhau. Cho đến, khi một cái chổi đót (nghiệp) đập xuống thì dòng giống nào
cũng toi….
=== <> >< <>
===
Kiến Ðen bò thong dong trên
sàn nhà phòng ăn, bò ngang bò dọc, bò chậm rãi như một kẻ nhàn du. Có kinh nghiệm,
Kiến Ðen biết rằng phòng ăn là nơi đem lại nhiều bất ngờ lý thú cho loài Kiến.
Thỉnh thoảng ngẫu nhiên gặp một món "ăn được" rơi nằm đâu đó.
Kìa, có món gì nằm lù lù
kia! Bay mùi thơm béo. Kiến Ðen bò gấp lại gần. Trời! Một cái xác ruồi mập ú
còn nóng hổi. Kia! một cái xác nữa! Xác này đang còn thở thoi thóp. Uở, còn kia
nữa! Này, phía này cũng có. Kiến đen bắt đầu bấn loạn, chạy quáng quàng, phát
hiện nhiều tử thi, toàn là tử thi, đầy dẫy, ngổn ngang. Mà toàn là ruồi, no ú,
mập béo, có con đã nát bẹp, có con còn rên khừ khừ.
Chiến trường nào đây? - Kiến
Ðen tự hỏi. Giao chiến với ai đây mà không thấy xác địch quân? Sau vài phút ngẩn
ngơ, Kiến Ðen biết mình phải làm gì. Chọn một xác ruồi còn non, thịt mềm, xơi
cho ngon miệng cái đã. Sau đó, bò về ổ, kêu bà con ra khiêng.
Cả ổ rùng rùng chạy ra. Thật
là tấp nập. Vô cùng hào hứng. Thịt ngon và mỡ béo, dẫu chưa bỏ vào miệng, dẫu mới
lởn vởn trong óc, cũng đủ năng lực thổi bùng ngọn lửa hăng hái. Hăng hái nhất vẫn
là Kiến Ðen. Nghĩ mình là có công lớn, Kiến Ðen bắng nhắng luôn miệng:
- Chạy mau lên. Chỉ đi
khiêng miếng ăn bỏ vô miệng mà cũng rề rề.
- Này, không có cái điệu vừa
đi vừa nói chuyện kiểu đó. Làm ra làm, chơi ra chơi.
- Sao cứ đi tụt ra sau? Cái
cẳng cà nhắc chi vậy? Hồi nãy tao thấy mày đi với tốp trước, một lát mày lọt xuống
tốp hai, rồi bây giờ mày lai rai ở tốp ba.
Có phản ứng lại liền:
- Bộ đui không thấy cái cẳng
bị sưng đây sao? Hôm qua con mèo Mướp trời đánh nó làm rớt cái thớt , rớt nhằm
cái cẳng.
- Làm tàng hoài! Lánh nặng
tìm nhẹ là nó, ai còn lạ gì. Hễ thấy công việc là tránh, khai bệnh khai đau, mà
lựa toàn thứ bệnh khó thấy: đau dạ dày, tim nhéo, tắt nghẽn cuống mật...
Cả bọn cười hô hố. Kiến Ðen
tái mặt, nhưng quả bất địch chúng, thôi; nhịn. Ðể tốp đó nó đi qua, mình vo ve
với tốp sau. Phải luôn luôn nhắc cho lũ nhỏ nhớ rằng món bỗng lộc này là do
mình mà có.
- Ê! Chạy lẹ lẹ lên. Tốp trước
người ta sắp về rồi đó.
Một cụ Kiến bướng bỉnh:
- Nó về trước thì nó ăn trước.
Cơm Vua ngày Trời. Tao làm theo kiểu chấm công, kiểu công nhật.
Kiến Ðen nạt:
- A! Thằng già này khéo ăn
nói! Tao tâu lên...
- Thì cứ chạy về mà tâu.
Khi đoàn kiến ra tới bãi chiến
trường thì tất cả đều khiếp đảm! ngổn ngang những xác ruồi. Ý kiến rào rào:
- Trời ơi, khiêng sao cho hết?
- Chớ mắc cái dịch gì mà rủ
nhau tới chết một chỗ vậy, hả ông ruồi?
- Chà! Cái mụ ruồi này mập
quá, thịt thơm lựng. Ðể mình nếm thử một miếng.
Tức thì Kiến Ðen chạy lại
kéo ra:
- Này muốn chết. Chỉ khiêng
về, không được ăn tại trận.
Có vài con ruồi bị thương
chưa chết, hễ thấy Kiến thò thò râu đụng tới là rảy là hất. Nhiều chú Kiến ngã
lăn kềnh. Chúng liền hò nhau nhào vô một lượt. Lại rảy, lại hất. Có anh Kiến lì
lợm cứ đeo chặc chân ruồi, hai bên giằng co, bám nhau mà lăn. Nơi chân ghế có một
tên ruồi chỉ bị thương nơi cánh cố bay lên nhưng bay không nổi. Một chú kiến nhỏ
lại gần, lừa thế xông vào chụp ngay cổ, nhưng ruồi hất mạnh. Kiến ngã bắn ra
xa. Hoảng quá, chú lảo đảo chạy lung tung, chạy thành vòng. Thấy vậy, Kiến Ðen
hét:
- Cứ nhào đại vô! Nhào ào
vô!
Kiến nhỏ đổ khùng:
- Lại đây mà nhào! Chỉ giỏi
cái miệng.
Nhưng Kiến Ðen đã chạy ra
xa, kêu gọi viện trợ. Miệng inh ỏi:
- Có bạn nào vô phụ lực để
triệt con ruồi này. Mau mau. Có bạn nào...
Vừa lúc đó có mấy con kiến
đang lễ mễ khiêng một xác ruồi mà chạy. Kiến Ðen hỏi to:
- Cánh nào đó? Các anh ở từ
đâu đến? Không phải là cánh của bọn tôi mà.
Một tiếng trả lời:
- Ðúng là không phải. Tụi
tôi ở ổ khác. Dưới chân cầu thang.
- Vậy thì không được khiêng
ruồi. Về đi. Ruồi này thuộc quyền sở hữu của ổ chúng tôi.
- Ðưa giấy chứng minh chủ
quyền đây coi. Khéo nói giỡn. Của trời cho, "tiên chiếm giả đắc", ai
chiếm trước thì được.
- Nói vậy mà nghe được hả?
Này anh em, xông vô trị tội bọn này. Bỏ ruồi lại đó, nhào vô trị tội bọn trộm
cướp này trước đã.
Nghe có chuyện đánh nhau, một
tốp kiến trẻ đang chán ngấy cái việc khiêng xác. Liền ùa tới, nhào vào, cắn đám
kiến lạ. Hai bên giao chiến. Ban đầu còn huỡn đãi, một lát hăng máu, nhào lộn cắn
xé như điên. Ban đầu chỉ một đám, một lát nhiều đám xảy ra, nơi này nơi khác,
tùm lum. Bởi chưng có nhiều ổ kiến lạ khác cũng được báo động là có xác ruồi,
mau đến mà khiêng. Mạnh ai nấy khiêng, và bây giờ thì xác ruồi cứ bỏ đó, mạnh
ai nấy đánh cắn nhau cái đã. Một nhà luân lý cỡ nhỏ sẽ than: Cốt nhục tương
tàn!
Kiến đen bỗng nhiên đóng vai
thị sát chiến trường. Do việc tự coi mình là quan trọng và, thầm kín hơn, do
tính nhát gan. Kiến Ðen hùng hỗ bò ngược bò xuôi, miệng không ngớt cổ vũ hò
hét.
Bò đến chân bàn, chợt một cảnh
tượng lạ lùng khiến Kiến Ðen trố mắt ra nhìn: một con ruồi chỉ còn có cái đầu
và cái ức đang mải mê liếm một hột đường. Cái gì lạ vậy? Còn cái bụng đâu? Liền
hỏi:
- Sao mày không có cái bụng?
Trả lời:
- Tao đang nhấm nháp hột cơm
rơi. Ðột nhiên có tiếng "Rầm" như trời giáng. Tối tăm mày mặt. Khi tỉnh
ra, thấy văng mất cái bụng. Bò kiếm hoài không ra.
Nghe giọng quen quen, nhìn kỹ,
thì ra con ruồi này mình đã đụng độ mấy lần. Có mấy lần mình đang liếm miếng
cá, miếng thịt rơi, nó bay vù tới, ỉ mạnh, đá hất mình, chiếm lấy miếng ăn. Bây
giờ nhìn nó tàn tật, thật mát ruột. Hỏi móc:
- Mày liếm đường rồi nuốt vô
đâu, khi mà mày không có cái bụng?
- Thấy ngon miệng thì liếm
cái đã. Còn về đâu, thây kệ. Tao đâu còn được sống lâu nữa, vậy thì tìm hiểu để
làm gì?
- Mày cũng nên sám hối đi
thì vừa. Hồi nào mày hống hách hà hiếp tao.
- Ðó là luật tranh sống, mạnh
được yếu thua. Ðem chi chuyện đạo đức vô đó?
- Ðúng là lý luận của đứa tiểu
nhân. Hèn chi lũ người nó ghét mày.
- Tiểu nhân hay quân tử, lũ
nó cũng đều ghét, khi món ăn của lũ nó mình nhào vô liếm.
- Mày còn đem bệnh truyền
nhiễm cho chúng. Bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lao...
Ruồi cười lạt:
- Còn mày, dễ thường mày đem
hạnh phúc lại cho chúng? Tao thấy chúng nó cũng giết mày, ghét mày, ghê tởm
mày. Rắc bột DDT vào ổ mày, rắc vôi bột, rắc tro... Chắc chắn đó không phải là
lễ vật, là sơn hào hải vị.
- Mày quên rằng loài người
ca tụng tao, lấy họ hàng tao làm tấm gương sáng cho chúng nó noi theo, bắt chước?
Ruồi nghếch mặt không hiểu.
- Trong những cuốn sách dạy
trẻ con, người ta hay vẽ hình tao, Con Kiến, khuân một hột gạo, và dưới hình vẽ
ghi hàng chữ "Gương kiên nhẫn", hoặc "Phải chăm chỉ làm việc".
- Tao có nghe nói.
- Trong khi những cuốn sách
Vệ sinh, người ta vẽ mày, con Ruồi, tay xách va-li trong có chứa những vi trùng
bênh truyền nhiễm.
Ruồi cười:
- Nó nói kệ nó, mình lo việc
mình. Chỉ khi nào nó đút miếng ăn vô miệng mình thì mình mới tin. Khi mày đói,
mày có lấy cái hàng chữ khen mày "Gương kiên nhẫn... siêng năng làm việc"
nhét đút vô miệng cho no, hay cũng phải đi kiếm hột cơm rơi như tao?
Kiến Ðen mắng:
- Ðồ thiển cận. Mắt mày
không thấy xa hơn miếng mỡ. Loài người quí trọng tao rành rành, mày có cố ý
không tin cũng không được. Nó đặt bài thơ "Con Ve và con Kiến", trẻ
em nào cũng thuộc. Trẻ em nào cũng chê Ve, khen Kiến. Lớn lên, làm cha mẹ,
chúng lại dạy con học tính tốt của Kiến. Khắp cả giới Ðộng vật, hàng chục vạn
loài, hàng trăm vạn loài, thử hỏi con người nó quí trọng ai, lấy ai làm gương
giáo dục cho con, cháu nó? Ờ, còn có thêm con Ong, cần cù hút mật. Chỉ có Kiến
và Ong. Mày thấy không? Tao hãnh diện là phải quá, mà quả thật tao đáng hãnh...
Vừa nói tới đó, nói chưa dứt
câu thì chợt từ đâu trên cao, một bàn tay cầm bó chổi đập mạnh xuống, đập liên
tiếp nhiều lần, thật mạnh, thật lực, đập xuống bầy kiến đông đen đang say sưa
giao chiến, đập xuống lũ ruồi bị thương nặng và bị thương nhẹ, đập luôn con Ruồi
bị thất lạc cái bụng tìm mãi không ra, đập luôn cả Kiến Ðen mà loài Người quí
trọng, thế hệ nào cũng nêu cao làm tấm gương kiên nhẫn, dạy cháu dạy con. (V/H)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...