CHỮ NHẪN

Nhiều gia đình thường treo chữ nhẫn trong nhà, như tự răn mình để giữ được hòa khí trong gia đình. Ôi chao, nhịn đi có một sự, đổi lại được những chín điều lành cơ mà.

Vậy nên, anh em có tranh nhau tí đất đai, vợ chồng có nổi cơn tam bành, ta có “hận” sếp, có xích mích gì với hàng xóm, có bị ai “đì” đi nữa, thôi thì nhẫn đi.

Con tim nhức nhối lắm, khi thấy mình phải chịu đựng thua thiệt, phải kém chị kém em, thành ra hậm hực, tức tối nổ con ngươi con mắt chỉ vì những thứ nhỏ nhặt.

Người ta có cái ví đầm hàng hiệu xịn hơn, thế là phải đua đòi chẳng kém cạnh gì, kẻo mang tiếng “quê”! Hoặc người ta xe nọ xe kia, nếu mình không có, thì đau buồn mà bi luỵ trách móc số sao mãi chả giàu để được làm... đại gia.

Mẹ chồng hủ lậu, lắm lời... cẩn thận đấy! Ra đường, nhẫn á, nhịn á, ganh nhau đến từng chỗ đỗ xe trước đèn xanh đèn đỏ, còi bấm cứ là nhức cả óc. Tông xe vào nhau, là gầm gừ như chuẩn bị xuống cắn xé nhau ngay!

Đến cái chuyện quyền lợi hay tiền nong, ai mà động chạm, thì cứ liệu hồn. Tốt nhất là nên việc ai người đấy làm, tiền ai người ấy hưởng, chứ ức chế quá, là xử lý nhau ngay.

Nhẹ thì bằng bom thư, cao hơn nữa, sẽ được chọn làm đối tượng để buôn dưa lê, nặng thì đơn kiện nặc danh, tệ hơn là thuê xã hội đen dằn mặt...

Thuở phong kiến, chồng có là nông dân thì vợ cũng phải hầu như hầu ông chủ; thời này, chồng mà lười biếng, lại mắc tính loăng quăng bồ bịch, cờ bạc thì dè chừng! Vợ mà đỏng đảnh, hay “không biết đẻ”, hay nọ kia, lơ mơ là ông quăng quần áo ra ngoài đường.

Cho nên, kết hôn cũng nhanh, mà chia tay, ly dị cũng quá lẹ. Chẳng có vấn đề gì phải kéo dài những mấy chục năm. Thời này, chữ nhẫn là chữ gì mà đòi hỏi phải mất thời gian đến vậy?
Thời xưa, vua Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục chỉ để chờ thời cơ làm nên chuyện lớn. Như vậy, cái chữ nhẫn nhục trở thành động cơ sống, thành quái chiêu của một số người nhằm đạt đến mục tiêu cần thiết của họ.

Ngược lại, chữ nhẫn như trái tim bồ tát của Quan Âm Thị Kính khi bị “vu oan” mọi bề, lay động thân tâm của con người, đó là:

Nhẫn quá, thành ra... nhục. Nó là điều sỉ nhục, làm xấu hổ, tổn thương đến lòng tự ái của mình......

Nhục, bởi vì sợ quyền thế, nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được, nhục để mong cầu có người khen, hay được chức trọng, quyền cao, nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào...”, nhiều khi thấy cái sự bất bình ra đấy, nhưng chẳng liên quan đến ta.. Cái sự nhịn ấy, xem phần nó cũng mang tính AQ, rằng thôi, nhịn đi một tí, chết ai!

Hiểu sai chữ nhẫn nhất là khi ghép chữ nhẫn với chữ tâm, để trở thành nhẫn tâm, ác độc. Cũng như hiểu chữ nhẫn với thói quen chịu đựng đến mức hèn yếu, bạc nhược hết ngày này, qua tháng khác, và cơ đồ sự nghiệp, thành quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột đi, thảm hại, nhưng họ vẫn tự ru mình là ta đang... nhẫn một cách chính đáng.

Nhẫn nhục một cách hèn nhát, là mềm yếu, cam chịu vô ích, rồi tự mình chìm trong cái cõi mịt mờ của mình, sẽ thành kẻ chui sâu vào vỏ ốc, và điều này sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và nguy cơ phát triển.

Nhẫn, đừng nên hiểu một cách tiêu cực, là phải gồng mình cam chịu ôm nhục, là luồn cúi để đạt được mục đích. Nếu có chuyện không hay, hãy dùng trí tuệ để thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua với người ta và không cố chấp phiền hận.

Người “chửi” mình, nếu đúng thì nhận, nếu không phải thì xả bỏ. Chứ nếu nhớ hoài suốt đời, thì tự mình chuốc lấy cái khổ cho mình và còn làm cho người khác khổ lây.

Tóm lại, chữ nhẫn ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh còn cần phải có sự tha thứ, phải có từ - bi - hỷ - xả. Nhẫn là độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại... Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.

- sưu tầm -