Chương
30: Cửa Hàm Luông, Nguyễn Huỳnh Đức thua mưu bị bắt. - Đảo Côn Lôn, Nguyễn Phúc
Ánh nhờ bão thoát thân.
Nói
về Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức theo mệnh chúa Nguyễn Phúc Ánh đem quân
đóng ở cửa biển Hàm Luông. Ngày ấy được tin quân Tây Sơn do Đặng Văn Long chỉ
huy tiến vào cửa Hàm Luông, Nguyễn Văn Thành liền hỏi Nguyễn Huỳnh Đức:
-
Quân Tây Sơn thuyền to súng lớn lại rất là thiện chiến, còn quân ta mới mộ chưa
được huấn luyện thuần thục, e rằng không chống nổi với địch ông có kế gì chặn
giặc hay chăng?
Đức
suy nghĩ giây lâu đáp:
-
Nguyễn Huệ sai Đặng Văn Long vào cửa Hàm Luông ý muốn theo sông Tiền Giang tiến
đánh Trường Đồn chặn đường rút quân của chúa ta ở thành Sài Côn. Tôi có nghe Đặng
Văn Long là danh tướng của Nguyễn Huệ, trí dũng song toàn, lầu thông kinh sử.
Nay ta lập tức sai người đem vài cọc gỗ vót nhọn hai đầu, cắm xuống lòng sông.
Ta bảo quân cắm như thế nào để khi nước lên các cọc gỗ này sẽ bị long gốc nổi
lên mặt nước, rồi ta cứ làm như vậy... như vậy... Đặng Văn Long ắt sợ mà phải
lui binh!
Nguyễn
Văn Thành khen:
- Ấy
thật là diệu kế!
Nói
rồi lập tức thi hành.
Khi
ấy tướng Tây Sơn là đô đốc Đặng Văn Long đem chiến thuyền vào cửa biển, thúc
quân tiến đánh thuỷ trại của quân Nguyễn. Nguyễn Huỳnh Đức đem chiến thuyền ra
cự địch, quân Nguyễn đánh không lại xem đã núng thế, Đức liền hạ lệnh lui quân.
Quân Nguyễn giả thua mà chạy, Đặng Văn Long thúc quân đuổi theo, lúc ấy thuỷ
triều đang lớn, nước đang lai láng, Nguyễn Huỳnh Đức hối quân:
-
Truyền lệnh ta chèo gấp khỏi tầm đại bác của giặc. Qua khỏi khúc sông này nước
thuỷ triều rút giặc sẽ rút theo.
Lúc
ấy Đặng Văn Long đang đứng trên mui thuyền cầm đầu quân Tây Sơn đuổi theo quân
Nguyễn, bỗng chốc lại thấy vài cọc gỗ hai đầu vót nhọn từ dưới đáy sông trồi
lên khỏi mặt nước, tất cả được hơn vài mươi cọc gỗ, lại thấy xa xa một đoàn chiến
thuyền cắm cờ quân Nguyễn từ thượng lưu sông Tiền Giang kéo xuống, Đặng Văn
Long liền bảo quân:
-
Mau truyền lệnh ta đánh trống thu binh.
Đặng
Xuân Bảo ngạc nhiên hỏi:
-
Quân ta đang thắng, giặc thua chạy sao đại huynh lại ra lệnh lui quân?
Văn
Long đáp:
-
Ngày xưa Ngô Quyền dùng mưu đóng cọc xuống lòng sông Bạch Đằng rồi thừa lúc nước
lớn cho thuyền ra khiêu chiến nhử quân Nam Hán đến đoạn sông đóng cọc rồi chặn
đánh, đến khi nước cạn thuyền giặc bị đâm thủng đều đắm cả. Quân Nam Hán đại bại,
tướng giặc là Hoàng Thao bị chém. Nay Nguyễn Huỳnh Đức giả thua mà chạy rồi lại
cho thuyền ra tiếp ứng, chẳng phải là dùng mưu Ngô Quyền ngày trước hay sao?
May cho ta là quân Nguyễn nôn nóng đóng cọc dưới lòng sông không được chắc chắn,
nên lúc nước lớn vài mươi cọc bị nhổ mà trồi lên mặt nước, nên ta mới rõ mưu của
Nguyễn Huỳnh Đức mà kịp lui quân.
Đặng
Xuân Bảo khen:
-
Đại huynh thật là rành cả cổ kim binh pháp và Nguyễn Huỳnh Đức quả không hổ danh là một trong Gia Định Tam Hùng.
Nói
rồi anh em họ Đặng rút quân khỏi khúc sông nghi ngờ có cọc, lập thuỷ trại.
Lúc
ấy Nguyễn Văn Thành theo kế Nguyễn Huỳnh Đức đem vài trăm quân chặt tre và chuối
làm bè, trên bè cắm đầy cờ xí khiến Đặng Văn Long ở xa ngỡ là chiến thuyền quân
Nguyễn tiếp ứng sợ lầm mưu cắm cọc phải lui binh. Nguyễn Văn Thành dẫn quân
chèo bè tre đến nói:
-
Đặng Văn Long quả nhiên trúng kế chạy dài. Sao ông không thừa thắng đuổi theo?
Đức
nhíu mày suy nghĩ giây lâu rồi đáp:
-
Ta vì yếu thế mới tạm dùng kế này lui giặc. Để khi nước cạn Đặng Văn Long không
thấy cọc gỗ cắm ở lòng sông, tất biết lầm mưu tức giận lại đem quân đến đánh. Vậy
ta cứ đem bè tre cắm đầy cờ xí làm kế nghi binh đóng thuỷ trại nơi này. Tôi và
ông đem binh mai phục, chờ Đặng Văn Long kéo đến sẽ đổ ra vây đánh. Như vậy có
thể phá được giặc.
Nguyễn
Văn Thành lại khen:
- Ấy
thật là diệu kế!
Nói
về Đặng Văn Long lui ra khỏi khúc sông nghi có cọc, lập thuỷ trại, lúc nước cạn
không thấy cây cọc nào cắm giữa lòng sông cả. Đặng Văn Long khen rằng:
-
Nguyễn Huỳnh Đức thật đa mưu túc trí. Thực lực không bằng quân ta nên mượn chuyện
xưa làm kế nghi binh buộc ta phải lui binh. Đáng khen thay! Đáng khen thay!
Đặng
Xuân Bảo tức giận nói:
-
Anh cứ đề cao địch làm giảm nhuệ khí quân ta. Tôi xin đem quân tiên phong đánh
trại địch, nếu không thắng xin chịu tội theo quân lệnh.
Đặng
Văn Long dắt Bảo ra ngoài thuyền chỉ về hướng thuỷ trại quân Nguyễn nói:
-
Em không thấy thuỷ trại giặc cờ xí rợp trời, chiến thuyền lớp lớp hay sao mà
đòi đem quân đánh địch?
Bảo
đáp:
- Ấy
là Nguyễn Huỳnh Đức dùng kế nghi binh để gạt ta. Nếu thực lực như thế sao còn
giả bày kế cắm cọc lòng sông đuổi đại huynh chạy dài. Nếu không có đại huynh
tôi không cần biết Ngô Quyền nào cả, cứ thúc quân đánh bừa ắt là bắt được Huỳnh
Đức rồi.
Văn
Long nói:
-
Được, đêm nay Bảo đem một ngàn quân đến thuỷ trại của địch, trận này nhất định
phải bắt sống Nguyễn Huỳnh Đức.
Xuân
Bảo hỏi:
-
Còn đại huynh thì thế nào?
Long
đáp:
-
Khi em đến đánh thuỷ binh trại địch, nếu bị vây thì chớ sợ, đã có anh tiếp cứu.
Nói
xong Long kề tai Bảo nói nhỏ. Bảo nghe xong anh em cùng cả cười rồi chia nhau sửa
soạn chờ đến đêm xuất kích.
Đêm
ấy Đặng Xuân Bảo đem chiến thuyền áp sát thuỷ trại quân Nguyễn. Thấy thuỷ trại
địch toàn là bè tre bè chuối cắm cờ, đốt đèn sáng choang, Đặng Xuân Bảo nghĩ thầm
rằng, đại huynh ta liệu việc không sai, thì vừa hay đã thấy hai cánh quân Nguyễn
từ thượng lưu và hạ lưu xông ra vây Xuân Bảo vào giữa. Nguyễn Văn Thành ở thượng
lưu quát lớn:
-
Tướng giặc đã trúng kế quân ta, sao còn chưa quy hàng?
Xuân
Bảo cười ngất đáp:
-
Mẹo vặt của các ngươi sao lừa đại huynh ta được. Hãy nhìn xem ai trúng kế của
ai nào?
Nguyễn
Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức nhìn ra đã thấy quân Tây Sơn lướt thuyền ào ào
xông tới. Nguyễn Huỳnh Đức thất kinh than rằng:
-
Thôi rồi, Đặng Văn Long biết kế của ta mà tương kế tựu kế. Phen này nguy mất.
Than
rồi hối quân quay thuyền phá vòng vây. Đặng Văn Long trông thấy cười to quát:
-
Nguyễn Huỳnh Đức chạy đâu cho thoát!
Quát
xong liền cho thuyền chặn Huỳnh Đức mà đánh. Đặng Xuân Bảo đem quân tấn công
Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Văn Thành nhờ ở thượng lưu vòng vây quân Tây Sơn mỏng
ra sức tả xung hữu đột, phá được vòng vây thừa bóng đêm chạy trốn, quân Nguyễn
bị quân Tây Sơn giết sạch. Cánh quân do Nguyễn Huỳnh Đức chỉ huy cũng bị đánh
tan tác cả. Quân Tây Sơn nhảy sang thuyền Huỳnh Đức, Đức vung đao chém chết cả
mấy chục mạng. Đặng Văn Long thấy vậy nổi giận vác kích nhảy sang đánh cùng Huỳnh
Đức. Đánh một hồi Nguyễn Huỳnh Đức đuối sức bị Đặng Văn Long đánh văng mất đao.
Long liền hô quân trói lại. Đức bảo:
-
Ta đã bại trận sao chẳng giết đi còn trói làm gì?
Long
nói:
-
Khá khen cho người là người trung dũng, ta bắt ngươi đem về chúa ta xử trí.
Nói
rồi liền hô quân thẳng tiến Trường Đồn. Thuyền vừa đi được một đoạn đã thấy Lê
Trung dẫn quân đến. Long hỏi Trung:
-
Long Nhương tướng quân đã chiếm được Trường Đồn rồi chăng?
Trung
đáp:
-
Phải! Long Nhương bảo tướng quân gặp tướng giỏi của Phúc Ánh chặn đường nên
Người sai tôi đem quân tiếp cứu.
Long
nói:
-
Không chiếm được Trường Đồn để Phúc Ánh chạy thoát là tội của tôi vậy!
Nói
rồi tự trói tay mình, vào thành Trường Đồn, Long và Bảo quỳ xuống thưa:
-
Tướng quân giao trọng trách đánh chiếm Trường Đồn, chặn đường lui quân của Phúc
Ánh, tôi không làm tròn sứ mạng. Xin tướng quản trị tội!
Nguyễn
Huệ sai quân mở trói cho Long và Bảo hỏi:
-
Có phải Văn Long gặp tướng giỏi chặn đánh chăng?
Long
liền thuật lại việc đánh nhau với Nguyễn Huỳnh Đức trên sông Tiền Giang rồi
nói:
-
Nguyễn Huỳnh Đức thật là người trí dũng song toàn. Nay tôi đã bắt được Huỳnh Đức
về đây tự tướng quân định liệu.
Nguyễn
Huệ liền sai quân giải Huỳnh Đức vào. Đức vào vẫn đứng trơ trơ giữa điện. Huệ vỗ
án quát:
-
Bại tướng to gan. Trước mặt ta sao dám không quỳ?
Đức
cười to nói:
-
Phận làm tướng thua binh, cam chịu chết. Sao lại quỳ?
Huệ
bảo:
-
Quân lệnh của Tây Sơn là không giết hàng quân. Nếu người chịu hàng cớ gì phải
chết?
Đức
quát lên rằng:
-
Ta là tôi nhà chúa Nguyễn, chỉ có chết chẳng có hàng!
Huệ
thấy Huỳnh Đức diện mạo khôi ngô, hình dung kỳ vĩ, lại mười phần trung dũng
trong lòng rất thích, liền bước xuống tự tay mở trói cho Huỳnh Đức, nói:
-
Bình sanh ta rất mến mộ đấng anh hùng. Nguyễn Phúc Ánh tài đức gì mà tướng quân
quyết một lòng chết vì Phúc Ánh thế?
Đức
lớn giọng bảo:
-
Giặc Tây Sơn các ngươi dấy binh phản chúa. Ta giúp chúa khôi phục cơ đồ, chẳng
may sa cơ bị bắt chỉ có chết mà thôi.
Huệ
dịu giọng hỏi:
-
Tây Sơn ta dấy binh cứu dân thoát cảnh lầm than đói khổ sao lại bảo là giặc?
Đức
hỏi lại Huệ rằng:
-
Đất Gia Định ta từ ngày được chúa Nguyễn vào đuổi người Chân Lạp khai hoang lập
ấp đến nay đời đời no ấm, sao lại bảo là nhân dân đói khổ lầm thân?
Huệ
không biết trả lời thế nào đành lệnh giam Huỳnh Đức vào ngục. Quân dẫn Đức đi
xong, Huệ nói với các tướng:
-
Trong sự nghiệp thống nhất giang san của nhà Tây Sơn ta có hai trở ngại lớn, một
là đất Gia Định được cơm no áo ấm nên bá tánh còn mang ơn chúa Nguyễn, hai là
lòng trung quân mù quáng từ ngàn xưa đến nay đã thấm sâu vào tiềm thức kẻ sĩ
khó mà gột rửa được.
Trương
Văn Đa hỏi:
-
Thưa thúc phụ, vậy không có cách gì bình được đất Gia Định sao?
Huệ
trầm ngâm nói:
-
Muốn bình đất Gia Định phải dùng hai cách một là ta dùng ân mà trị dân để dần dần
trăm họ sẽ quên ơn chúa Nguyễn. Sau này nếu ta rút đại binh về Quy Nhơn, sẽ để
Đặng Văn Long và Trương Văn Đa trấn thủ đất Gia Định, hai người đều có tài văn
võ, biết nghe lời nói phải, kính trên nhường dưới, thương dân như con thì có thể
lấy được lòng dân. Ấy là một trong hai cách vậy!
Văn
Long hỏi:
-
Còn cách thứ hai thì thế nào?
Huệ
lạnh lùng đáp:
-
Cách thứ hai là kẻ sĩ trong thiên hạ còn nặng óc ngu trung. Nay ta không cho họ
có chúa xem họ ngu trung vào đâu.
Rồi
Huệ đứng dậy vỗ tay xuống án nói lớn:
-
Đặng Văn Long, Lê Trung đem bốn ngàn quân tiến đánh Hà Tiên!
Đặng
Văn Long và Lê Trung lãnh mệnh xuất quân. Huệ lại bảo Trương Văn Đa:
-
Quân ta tiến đánh Hà Tiên, Phúc Ánh ắt thu binh mã chạy ra đảo Phú Quốc lánh nạn,
vậy ngươi hãy đem thuỷ binh ra đảo Phú Quốc trước. Ngươi hãy để chiến thuyền vào chỗ
kín đáo giấu hết cả đi, rồi để quân phục sẵn trên đảo chờ có Phúc Ánh đến thì đổ
ra mà đánh. Như thế chắc là diệt được Phúc Ánh.
Trương
Văn Đa lại lãnh lệnh xuất thuỷ binh.
***
Lại
nói Phúc Ánh ở Hà Tiên nói cùng các tướng:
-
Ta đã sai người mật báo cho Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức đánh vào
sau lưng Trường Đồn nếu Nguyễn Huệ tiến đánh Hà Tiên. Đến nay vẫn không thấy
Nguyễn Huệ động bình, và không nghe tin tức gì của Văn Thành và Huỳnh Đức cả là
cớ làm sao?
Ánh
vừa dứt lời nghe quân vào báo:
-
Thưa Chúa thượng, có tướng quân Nguyễn Văn Thành từ Hàm Luông về xin ra mắt.
Ánh
liền bảo:
-
Mau cho vào!
Nguyễn
Văn Thành vào đến quỳ tâu:
-
Thưa Chúa thượng chúng thần vâng lệnh Chúa thượng giữ cửa Hàm Luông. Tướng Tây
Sơn là Đặng Văn Long tiến đánh, chúng thần dùng kế nghi binh lừa được giặc, nhưng
sau đó lại lầm mưu thất trận, Nguyễn Huỳnh Đức bị Đặng Văn Long bắt sống. Thần
may mắn thoát được về đây báo tin cùng Chúa thượng.
Nguyễn
Văn Thành nói xong lại nghe quân thám mã:
-
Thưa Chúa thượng, Nguyễn Huệ kéo đại binh tiến đánh Hà Tiên, hiện còn ở cách
thành năm mươi dặm.
Phúc
Ánh nói:
-
Vậy là Nguyễn Huệ trước là đã cho tướng vào cửa Hàm Luông đánh Văn Thành và Huỳnh
Đức, nay Văn Thành và Huỳnh Đức thua trận, Huệ mới tiến đánh ta ở Hà Tiên. Nguyễn
Huệ thật đáng sợ, không có kế nào của ta có thể che mặt hắn được. Hà Tiên là
nơi cố thủ cuối cùng của ta, nay Huệ lại đem binh tiến đánh, các tướng có cách
gì chặn giặc chăng?
Lê
Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Trương Tấn Bửu, Lê Văn Quân cùng bước ra nói:
-
Xin Chúa thượng chớ lo, chúng thần nguyện liều mình chống giặc.
Các
tướng vừa nói xong quân lại vào báo:
-
Thưa Chúa thượng, quân sĩ của ta nghe tin Nguyễn Huệ kéo đại binh đến đánh sợ
hãi rủ nhau bỏ trốn nửa phần. Xin Chúa thượng định liệu, kéo để chúng trốn hết
thì nguy.
Nguyễn
Văn Thành nói:
-
Xin Chúa thượng hạ lệnh canh phòng cẩn mật, kẻ nào bỏ trốn lập tức chém đầu,
như thế hoạ may quân mới không bỏ trốn.
Ánh
xua tay bảo:
-
Quân bỏ trốn là do lỗi ở ta không chống được giặc để yên lòng quân thì sao lại
chém họ. Vả lại quân đã không còn tinh thần chiến đấu, bắt ở lại cũng chẳng ích
gì.
Ánh
lại gọi Mạc Thiên Tứ hỏi:
-
Lâu nay khanh vốn trấn thủ Hà Tiên ắt rành địa thế sông ngòi. Vậy khanh có chước
gì phá giặc chăng?
Mạc
Thiên Tứ đáp:
-
Thưa Chúa thượng, xưa này chưa từng nghe nói địa thế hiểm trở mà lòng quân tan
rã lại có thể thắng giặc bao giờ!
Ánh
lại hỏi:
-
Vậy theo khanh này nên làm thế nào?
Tứ
đáp:
-
Thưa Chúa thượng, Nguyễn Huệ đã hai lần vào Gia Định đánh ta, lần nào chiếm được
đất xong cũng vội vàng rút quân về vì sợ họ Trịnh xâm phạm mặt Bắc, chỉ để một
lực lượng nhỏ ở lại phòng thủ mà thôi. Lần thứ ba này ắt cũng thế, vậy ta nên tạm
ra đảo Phú Quốc ở phía Tây Hà Tiên lánh nạn, rồi cho người ở lại Hà Tiên phao
lên rằng chúa đã chạy trốn sang Xiêm La quốc. Nghe tin ấy Nguyễn Huệ tất không
dò la tin tức của chúa, mà rút quân về Quy Nhơn. Lúc ấy ta lại tìm kế khôi phục
cơ đồ.
Mạc
Thiên Tứ vừa nói xong, quân hớt hải vào báo:
-
Thưa Chúa thượng, quân Tây Sơn đã kéo đến cách thành chừng năm dặm.
Phúc
Ánh với đứng lên bảo:
-
Nay chỉ còn cách là làm theo lời Mạc Thiên Tứ mà thôi!
Nói
rồi Ánh truyền lệnh bỏ thành Hà Tiên, xuống thuyền ra đảo Phú Quốc. Khi lên
thuyền kiểm quân còn chưa đến ngàn người, Ánh dậm chân chỉ tay lên trời thề rằng:
-
Nguyễn Phúc Ánh ta thề cùng anh em thằng buôn trầu Nhạc, Huệ không đội trời
chung.
Nói
rồi truyền quân nhỏ neo nhằm đảo Phú Quốc trực chỉ. Quân Nguyễn Ánh cập thuyền
vào bờ, chúa tôi tướng sĩ vừa lên đảo bỗng nghe chiêng trống vang trời, quân
Tây Sơn ba bên xông đến. Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa thét lớn:
-
Nguyễn Phúc Ánh chạy đâu cho thoát, ta vâng lệnh Long Nhương tướng quân chờ
ngươi đã lâu!
Phúc
Ánh chẳng còn hồn vía nào hỏi các tướng:
-
Mau quay lại ra thuyền chạy trốn!
Trương
Văn Đa thúc quân đánh giết. Các tướng cố sức chống đỡ bảo vệ Phúc Ánh xuống được
thuyền, còn quân sĩ lớp chết lớp xin hàng hết cả. Trương Văn Đa thúc quân lên
thuyền đuổi theo, Nguyễn Phúc Ánh lên thuyền rồi cứ nhằm ra khơi mà chạy. Nhìn
đi nhìn lại chỉ còn mấy người hầu cận, Lê Văn Quân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn
Thành, Trương Tấn Bửu, Mạc Thiên Tứ và con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sinh người
nào cũng mang thương tích cả, Nguyễn Phúc Ánh than:
-
Nguyễn Huệ thật là lợi hại. Hắn biết ta sẽ chạy ra đảo Phú Quốc nên cho tướng
ra phục sẵn. Nếu không nhờ các khanh hết lòng phò tá, ắt là ta đã bị giặc bắt rồi.
Nay quân sĩ không còn một mạng, cả khanh đều thương tích đầy mình, nếu giặc đuổi
theo kịp biết liệu làm sao?
Mạc
Thiên Tứ nói:
- Ở
phía trước có một hòn đảo tên là đảo Côn Lôn, ta nên ghé thuyền vào đảo ấy lánh
nạn, chớ lênh đênh giữa biển dễ bị giặc nhìn thấy.
Phúc
Ánh khen phải liền ghé vào đảo Côn Lôn. Đến nơi ai này đều đói bụng cồn cào. Lê
Văn Quân nói:
-
Lúc hỗn loạn ở đảo Phú Quốc, ta lên nhằm chiếc thuyền không có lương thực. Giờ
biết lấy gì lót dạ?
Ánh
nói:
-
Trên thuyền có một con ngựa hãy giết thịt mà ăn.
Lê
Văn Quân hỏi:
-
Con ngựa này để cho chúa đi lại đỡ chân, nay giết đi thì làm thế nào?
Trương
Tấn Bửu nói:
-
Lần trước dẫn chúa đi trốn tôi có hái trái bần cho chúa dùng qua bữa. Vậy để
tôi đi tìm xem trên đảo này có trái bần chăng?
Ánh
nhíu mày bảo Trương Tấn Bửu:
-
Ta đã bảo khanh không được gọi là trái bần. Hãy gọi là trái Thuỷ Liễu, khanh đã
quên rồi sao?
Trương
Tấn Bửu tạ tội rồi vội vã đi ngay. Lê Văn Quân hỏi Phúc Ánh:
-
Thưa, sao trái bần lại gọi là trái Thuỷ Liễu?
Ánh
cương quyết đáp:
-
Nhà Nguyễn ta làm chúa thiên hạ đã gần hai trăm năm này, ăn thiếu gì cao lương
mỹ vị, nay vì gặp nạn mới ăn đến quả này, gọi tên bần nghe hèn quá nên ta mới đổi
tên là trái Thuỷ Liễu.
Lê
Văn Quân vô tình hỏi:
-
Nếu Chúa thượng đổi tên như vậy e Trương Tấn Bửu ngại rằng Chúa trọng phú,
khinh bần mà không hết lòng phò tá chăng?
Ánh
phật ý hỏi lại Lê Văn Quân:
-
Ý ngươi muốn bảo ta là người tham sang phụ khó chứ gì?
Quân
vội vàng tạ lỗi nói:
-
Hạ thần vì lo cho chúa thượng, nói thành thực lỡ lời chứ không có ý gì khác.
Xin Chúa thượng tha tội.
Ánh
cau mày xua tay ra hiệu cho Quân lui ra. Một lúc sau Bửu quay lại nói:
-
Thưa Chúa thượng, trên đảo này không có cây Thuỷ Liễu.
Ánh
bảo:
-
Thôi đành làm thịt ngựa ăn tạm vậy!
Phúc
Ánh cùng mẹ, vợ con, em gái và các tướng ăn xong người hầu lại tâu:
-
Thưa Chúa thượng, trên thuyền không còn nước uống.
Lê
Văn Quân nói:
-
Chúa thượng hãy nghỉ tạm dưới bóng cây cùng quốc mẫu và gia quyến, chúng thần
chia nhau mỗi người một ngả đi tìm xem trên đảo này có nước uống chăng.
Nói
rồi các tướng và bọn hầu cận liền đi ngay.
Một
hồi lâu tên hầu quay về mừng rỡ tâu:
-
Thưa Chúa thượng, trên tảng đá đằng kia có một hồ nước cạn, nước trong vắt, tiểu
nhân múc về dâng Chúa thượng.
Phúc
Ánh liền cùng mẹ, em và vợ con chia nhau uống ngay. Uống xong Ánh bảo:
-
Ngươi hãy đem ta đến hồ nước ấy xem sao!
Tên
hầu nói:
-
Ngựa đã giết thịt rồi, chân chúa lại bị đau, tiểu nhân xin cõng Chúa thượng đến
nơi ấy.
Tên
hầu vất vả cõng Phúc Ánh đến hồ nước. Nhìn hồ nước vừa bằng miệng chậu, nước
trong leo lẻo. Ánh bảo:
-
Ngươi hãy tát nước trong hồ ra ngoài xem sao.
Tên
hầu vâng lời, khom mình dùng nón mà tát.
Nước
mạch từ trong đã tuôn ra hoài, tát mãi vẫn không cạn. Ánh lại bảo:
-
Ngươi mau đi tìm một hòn đá vừa miệng hố đậy lên hố nước cho ta.
Tên
hầu vâng lệnh làm theo lời Ánh bảo. Xong việc tên quân hỏi:
-
Xin hỏi Chúa thượng sai tiểu nhân làm thế là có dụng ý gì chăng?
Ánh
cười đáp:
-
Ngươi theo hầu ta đã lâu, âu cũng là người tâm phúc, nên ta cũng không ngại nói
cho ngươi hay. Nay quân ta thực là sức cùng lực kiệt e rằng các tướng nản chí
mà không hết lòng phò tá. Nay ta định là như vậy... như vậy..., các tướng ắt
tin ta có chân mệnh đế vương, tất một dạ tôn thờ.
Tên
hầu kính cẩn khen:
-
Chúa thượng thật là anh minh xưa nay hiếm có.
Chợt
Ánh bảo:
-
Nhưng nếu việc này tiết lộ thì ta làm trò cười cho thiên hạ sao.
Tên
hầu sợ hãi nói:
-
Việc này chỉ có Chúa thượng và tiểu nhân biết. Chúa tôi ta không nói ra thì sao
tiết lộ được.
Ánh
trầm ngâm bảo:
-
Lấy gì làm chắc rằng ngươi sẽ không nói ra? Chỉ có mình ta biết mới bảo toàn bí
mật được mà thôi!
Nói
xong Ánh rút gươm chém tên hầu. Tên này sợ hãi lui ra bị mũi gươm chạm ngực
loạng choạng trượt chân mép vực té nhào xuống biển.
Nguyễn
Phúc Ánh an tâm đi về chỗ cũ. Đến nơi các tướng cũng vừa tới, Lê Văn Quân buồn
rầu tâu:
-
Thưa Chúa thượng, chúng thần đã tìm khắp đảo không thấy nơi nào có nước ngọt cả.
Phúc
Ánh chỉ tay bảo:
-
Các tướng hãy theo ta đến tảng đá cao đằng kia quan sát xem, nếu không thấy
thuyền giặc thì lập tức lên thuyền đi nơi khác tìm nước uống.
Khi
đến tảng đá ấy, nhìn ra biển thấy thuyền quân Tây Sơn thấp thoáng ngoài khơi
xa, Ánh quỳ xuống ngửa mặt lên trời khấn:
-
Nếu trời chưa diệt dòng họ Nguyễn, thì xin cho tôi đâm mũi kiếm xuống tảng đá
này sẽ có nước ngọt mà uống. Bằng không chúa tôi ta đành chết khát nơi đây.
Khấn
rồi đứng lên rút gươm nhằm mép hòn đá dày trên hồ nước mà đâm xuống. Ánh rút
gươm lên thấy mũi gươm có nước, Ánh và mừng rỡ réo lên:
-
Mau cậy tảng đá này lên ắt là có nước uống.
Các
tướng cùng nhau cậy tảng đá lên, quả nhiên thấy cái hố vừa bằng miệng chậu, nước
trong leo lẻo. Mọi người liền lấy tay vốc nước mà uống. Uống xong các tướng quỳ
xuống lậy Phúc Ánh và đồng thanh nói:
-
Chúa thượng thật là có chân mệnh Đế vương nên trời ban cho nước uống. Vậy nghiệp
cả ắt thành.
***
Nói
về Trương Văn Đa đem chiến thuyền đuổi theo Phúc Ánh, nhưng không thấy thuyền
Phúc Ánh đâu cả bên sai quân do thám khắp nơi. Trương Văn Đa đi thuyền đến
gần đảo Côn Lôn bỗng thấy một người ôm khúc cây to lênh đênh trên biển, Đa bèn
sai quân vớt người ấy lên. Cứu chữa cho người ấy xong Văn Đa hỏi:
-
Ta xem y phục của ngươi đúng là quân của Nguyễn Phúc Ánh. Phúc Ánh ở đâu, sao
ngươi một mình trôi nổi giữa biển, trên mình lại mang thương tích là vì đâu?
Người
ấy khóc đáp:
-
Tôi thật là người hầu của chúa Nguyễn vương. Chúa tôi trốn lên đảo Côn Lôn,
không còn nước uống, tôi tìm được một hố nước đem về dâng Nguyễn vương uống. Chẳng
ngờ Nguyễn Vương lại muốn giết tôi. May tôi trượt chân nơi mép vực rơi xuống biển
lại vớ được cây to lênh đênh giữa biển, nhờ tướng quân cưu mang.
Văn
Đa ngạc nhiên hỏi:
-
Vì sao Phúc Ánh lại toan giết người?
Tên
quân kể lại mưu của Phúc Ánh, Đa nghe xong trợn mắt quát:
-
Thật là loại độc ác sâu hiểm, bội nghĩa vong ơn. Lần này ta vây đảo Côn Lôn bắt
nó, xem có trời nào cứu nó được chăng?
Nói
rồi Văn Đa đem toàn chiến thuyền tiến đến chia nhau vây kín đảo. Quân Tây Sơn
dùng thuyền nhỏ sắp sửa đổ bộ vào đảo, các tướng Nguyễn trên đảo trông thấy đều
đưa mắt nhìn nhau. Phúc Ánh thất kinh nói:
-
Trời vừa cho nước uống cứu ta lẽ nào bây giờ trời lại bỏ ta sao?
Ánh
vừa dứt lời trời đang nắng to bỗng mây đến vần vũ, mưa tuôn như trút, giông to
nổi lên. Trương Văn Đa kinh hãi lệnh quân dẫn thuyền về phía kín gió mà núp
bão. Đến lúc gió lặng bão tan, chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh thấy chiến thuyền quân
Tây Sơn dồn về một phía, bèn xuống thuyền phía không có quân Tây Sơn vây chạy
trốn. Khi ấy thuyền nhỏ quân Tây Sơn đều bị sóng đánh đắm cả, chỉ còn lại hai
mươi đại thuyền và một ngàn quân. Trương Văn Đa bèn đem đoàn quân trở về thành
Trường Đồn ra mắt Nguyễn Huệ kể rõ sự tình. Nghe xong Huệ thở dài nói:
-
Lần trước Phúc Ánh bị Bùi Thị Xuân truy đuổi ở cửa biển Hàm Luông cũng nhờ bão
mà thoát nạn, lần này cũng thế. Con người Phúc Ánh thật tiểu nhân đê tiện sao
trời lại giúp cho nó thế.
Nói
xong Huệ lệnh toàn quân theo hai đường thuỷ bộ rút về thành Sài Côn. Đến nơi Huệ
họp các tướng nói:
-
Ta phải rút binh về Quy Nhơn đề phòng quân Trịnh xâm phạm mặt Bắc. Nay phong
Trương Văn Đa làm chánh tướng, Đặng Văn Long làm phó tướng cùng nhau trấn thủ đất
Gia Định. Hai tướng nên dùng lễ mà đãi kẻ sĩ, dùng ân đức mà trị dân, đồng thời
gắng dò thêm Phúc Ánh lẩn trốn nơi đâu, để quân bắt giết tiệt trừ hậu hoạ, như
vậy mới có thể bình được đất Gia Định.
Trương
Văn Đa bước ra nói:
-
Đặng tướng quân văn võ gồm đủ, trí dũng song toàn tôi không sánh được, nên dám
đâu nhận là chánh tướng.
Nguyễn
Huệ nói:
-
Văn Đa là người biết nghe lời nói phải, tánh lễ phép khiêm cung, biết kính trên
nhường dưới nên ta mới để Đa làm chánh tướng. Văn Long là người vì dân vì nước
không màng danh lợi chẳng tranh công quyền, nên ta mới để Văn Long làm phó tướng
trợ giúp Văn Đa thì mọi việc sẽ vẹn toàn.
Văn
Đa lại tâu:
-
Thưa thúc phụ, cháu đang là phò mã, đối với Phụ hoàng và thúc phụ là tình nhà.
Nay không có tài mà thúc phụ cho ở địa vị cao, hoá ra thúc phụ mang tiếng là
thiên vị ư? Như thế lòng người sao phục?
Văn
Long xen vào nói:
-
Trương tướng quân nói thế là còn ngại Văn Long này ư? Những lời tướng quân vừa
nói thật là của người đức độ đáng làm Văn Long tôi kính phục lắm thay.
Nguyễn
Huệ bảo:
-
Việc chánh phó là việc nhỏ, việc nước dân là việc lớn. Hai người lòng chỉ lo việc
lớn mà quên việc nhỏ thường tình ta thật là an tâm lắm. Vả lại ấy là việc của đại
huynh dặn dò ta lúc xuất binh vào Gia Định, Văn Đa chớ có kháng lệnh.
Trương
Văn Đa nghe vậy, bấy giờ mới chịu lui ra.
Mùa
hè năm Quý Mão (1783) niên hiệu Thái Đức thứ sáu. Nguyễn Huệ để Trương Văn Đa
và Đặng Văn Long trấn thủ Gia Định, rồi rút đại binh về Quy Nhơn.
xem tiếp: * Chương 31: Cậy thế Xiêm La, Chu Văn Tiếp báo thù mà bỏ mạng. - Mượn oai Long Nhương, Đặng Văn Long doạ giặc để cứu dân.
xem tiếp: * Chương 31: Cậy thế Xiêm La, Chu Văn Tiếp báo thù mà bỏ mạng. - Mượn oai Long Nhương, Đặng Văn Long doạ giặc để cứu dân.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...