Một người đàn ông nọ có hai vợ, cùng ở với
nhau một nhà.
Anh chồng ngày nào cũng ra đi, ăn uống
no say xong mới về. Vợ anh hỏi ăn uống với ai, anh đọc vanh vách những tên,
toàn là hạn công hầu khanh tướng, tai to mặt bự cả.
Hai bà vợ nghe chồng nói cảm thấy hãnh
diện lẫn tò mò nên rủ nhau đi xem những bậc quý nhân đã giao du với chồng mình.
Sáng hôm ấy, họ âm thầm theo dõi, thấy đấng phu quân cứ mãi miết đi… cho đến
khi gặp một đám cúng mã, liền xề vào, nói cười vả lả để xin cơm thừa canh cặn
mà ăn. Chưa được no bụng, lại nghễnh đi tìm đám khác. Hai người vợ vừa khinh vừa
tức, nắm tay nhau bỏ về.
Chiều đến anh chồng bỏ về, ưỡn ngực vênh
váo bảo vợ:
- Ta tính về sớm mà thằng trưởng ty cứ
níu kéo mãi…, mấy cha bộ trưởng cũng vậy… nên đến giờ tôi mới về… mẹ nó!
Hai người vợ nhìn nhau ứa nước mắt.
Ra đường thì lòn cúi, không từ nan một
thủ đoạn nào để kiếm cơm thừa canh cặn, về nhà thì vênh váo, nạt nộ, khoe
khoang với vợ con… chuyện ấy không phải chỉ xảy ra thời xưa mà thời đại, xứ sở
nào cũng có.
Điều lạ lùng nhất, là người nào càng bị
xã hội ruồng rẫy khinh chê bao nhiêu thì về nhà lại vênh váo, phách lối, bắt nạt
những người chung sống với mình bấy nhiêu. Cổ nhân ta tặng họ câu “khôn nhà dại
chợ” là vậy.