HÔN NHÂN KHÔNG TÌNH YÊU: NỖI ĐAU KHÔN TẢ

Bạch Thầy, con xây dựng gia đình muộn, khi con đã ngoài 30 tuổi. Chồng con hơn con gần 20 tuổi, anh ấy đã có một đời vợ trước và 2 cô con gái. Chúng con sống với nhau hơn 2 năm rất hạnh phúc nhưng chưa có con chung. Nửa năm trở lại đây chồng con bỗng dưng trở nên lạnh nhạt với con, anh ấy đòi ra thuê nhà ở riêng, con hỏi lý do thì không giải thích chỉ nói là: “Anh rất thương em!”. Con vẫn biết con là người đến sau, con chấp nhận hàng ngày anh ấy vẫn về chăm sóc 2 cô con gái mặc dù chồng con luôn khẳng định là anh ấy căm thù và không muốn nhìn mặt người vợ cũ. Con không muốn ly hôn vì con rất yêu chồng con, yêu hơn bất cứ ai trên đời này.

Hằng ngày khi đi làm bằng xe máy con luôn nghĩ đến anh ấy và con đã bị ngã xe rất nhiều lần, đến nỗi con sợ quá, giờ con nghỉ làm ở công sở về kinh doanh tại nhà cho an toàn tính mạng. Con phải làm gì? Con có nên ly hôn với chồng con không (chúng con đã ly thân 6 tháng từ khi chồng con chuyển ra ngoài ở)? Con mong Thầy giúp con những lời khuyên để con có thể vượt qua thử thách này!
Lê Thị Việt Kim, Kiên Giang

Để giúp chị vượt qua thử thách với chồng của chị hiện tại, chị cần nhận diện bản chất “thử thách” mà chị đang vướng kẹt là gì. Chị nên nhớ rằng ở đâu có ổ khóa, ở đó có chìa khóa. Tương tự, thử thách của chị chắc hẳn phải có nguyên do. Không có gì là không thể giải thích được. Khi người đàn ông không muốn giải thích, lặng lẽ ở riêng, ly thân với vợ, có thể anh ấy đã có quyết định và sự chọn lựa cho riêng mình. Nói ra sự thật vừa khó coi đối với bản thân, vừa làm vợ khổ tâm. Thái độ giữ im lặng của chồng chị trong tình huống này không phải là ứng xử khôn ngoan, do đó, khó có thể chấp nhận được. Trên tinh thần này, chị nên lưu tâm một số điều sau đây:

Tuổi tác và tâm lý vợ chồng

Dẫu không phải là chân lý bất di bất dịch với mọi tình huống, trong quan hệ vợ chồng, người lớn tuổi hơn thường bị lệ thuộc tâm lý, và do đó trở nên phụ thuộc vào người bạn đời nhỏ tuổi hơn mình. Theo thông tin do chị cung cấp, chồng chị hơn chị gần 20 tuổi, đã từng có một đời vợ và hai cô con gái và không hạnh phúc với vợ trước.

Thông thường trong tình huống này, khi lấy được chị, một người đảm đang, hiểu biết và hy sinh là một diễm phúc đối với người chồng, theo đó, chồng chị sẽ nâng niu, gìn giữ, quý trọng chị. Biểu hiện yêu thương thông thường của người chồng lớn tuổi nhiều hơn vợ là anh ấy sẽ sợ mất vợ và do vậy, anh ấy sẽ không muốn rời xa vợ; thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng vợ hết mực. Đằng này, chỉ mới sau hai năm chung sống, anh ấy đã “trở nên lạnh nhạt”, “ra thuê nhà ở riêng” và “ly thân” vợ sáu tháng dài. Nếu anh ấy “rất thương chị” như anh ấy thường nói với chị, thì lối ứng xử của anh ấy không thể hiện tính logic và không hợp lý. Nói cách khác, ứng xử của chồng chị đối với chị là bất bình thường, cần được ghi nhận và đánh giá nghiêm túc để sớm tìm ra giải pháp thích hợp, cứu vãn tình thế bi đát. Theo tôi, chồng chị có thể rơi vào một trong các tình huống sau đây:

Anh ấy “bất bình thường”

Dựa vào nội dung chị mô tả về ứng xử của chồng chị thấy rằng có một khoảng cách rất lớn giữa lời anh ấy nói và việc anh ấy đang làm. Nếu thật sự chồng chị “rất thương” chị thì anh ấy không thể “lạnh nhạt” với chị, một người có ưu điểm hơn anh ấy nhiều mặt. Trong tâm lý thực tiễn, động từ “thương” và thái độ “lạnh nhạt” không thể song hành, huống chi là cùng tồn tại trong quan hệ vợ chồng.

Ngoài sự mâu thuẫn nêu trên, nếu anh ấy còn có những lối ứng xử mâu thuẫn tương tự như giữa ước muốn và hành động, giữa hành động với lời nói… thì anh ấy chắc hẳn có vấn đề bất bình thường về tâm lý, hoặc nếu nặng hơn, có vấn đề tâm thần.

Để xác định bản chất tình huống nếu các ứng xử mâu thuẫn của anh ấy được ghi nhận là nhiều hơn và mang tính thường xuyên, chị nên khuyên anh ấy đến khám chuyên khoa về tâm thần tại bệnh viện tâm thần. Sự điều trị bệnh tâm thần kịp thời và đúng cách trong giai đoạn mới manh nha này sẽ giúp anh ấy sớm bình phục, một việc làm vốn có khả năng tái xây dựng hạnh phúc vợ chồng của chị và anh ấy, biết đâu có thể cứu vãn cuộc hôn nhân đang đứng trước bờ vực thẳm.

Phức cảm tâm lý

Nếu anh ấy không có những biểu hiện mâu thuẫn khác như giả thiết nêu trên, anh ấy có thể thuộc dạng phức cảm tâm lý. Dẫu không phải là một bệnh lý tâm thần, phức cảm tâm lý trong quan hệ vợ chồng có thể trở thành mối đe dọa làm mất dần “lửa” tình yêu giữa hai vợ chồng. Nếu phức cảm tâm lý của chồng chị là một rối loạn tâm lý, dẫn đến rối loạn hành vi ứng xử nhất thời thì công việc chị nên làm là tìm hiểu nguyên do, giúp chồng khắc phục và vượt qua. Thành công từ nỗ lực này là cách mang lại hạnh phúc cho gia đình chị. Nếu phức cảm tâm lý của chồng chị trở thành thói quen ứng xử, chị sẽ khó kiên trì để giữ lửa vợ chồng. Nếu sau khi nỗ lực giúp chồng thay đổi tích cực mà không hiệu quả, chị nên điều chỉnh chính mình để làm quen với tình trạng bất bình thường này. Trên thực tế, sự chịu đựng này sẽ không thể tồn tại dài lâu, trước sau gì cũng phải có hồi kết thúc.

Tâm lý “chóng no sớm chán”

Sau lần đổ vỡ hôn nhân với người vợ trước và cô đơn ở tuổi ngũ tuần, khi gặp chị chồng chị chóng yêu và sớm cưới chị như vớ được chiếc phao cứu sinh.

Sau hai năm sống nương nhờ vào chiếc phao của chị, có thể anh ấy dần dần nhận ra anh ấy có quá nhiều khác biệt với chị và chưa thật sự yêu thương chị, như anh ấy nghĩ. Đây có thể là hiện tượng “chóng no, sớm chán” thường xuất hiện với người sau nỗi đau ly biệt có khuynh hướng lấy người sau lấp vào khoảng trống mất mát với người trước. Như vậy vô hình trung người sau đã trở thành vật thay thế của người trước. Trong trường hợp người đến sau là nạn nhân được sử dụng như một sự thay thế tạm thời cho người trước, nỗi đau ở đây không chỉ là sự trớ trêu mà thực sự là bất nhẫn.

Sau khi tìm hiểu và phân tích, nếu đây thật sự là nguyên nhân thì chị không nên tiếp tục tình trạng sống ly thân với anh ấy trong tiếc nuối và tự dằn vặt bản thân. Nói cách khác, nếu đó là sự thật thì chồng chị chỉ lợi dụng tình thương của chị khi đói thì tìm đến nhưng khi no nê thì cảm thấy chán. Giải pháp ly hôn trong tình huống này không phải là quá đáng.

Bóng hồng cũ hay mới

Giả thiết khác là có thể chồng chị trong sáu tháng qua đã tái hợp với bóng hồng cũ, hay đang đam mê bóng hồng mới, do vậy, có khuynh hướng bỏ rơi chị.

Hành động “hằng ngày vẫn về chăm sóc hai cô con gái” đang ở chung nhà của mẹ chúng, tức vợ trước của anh ấy, mà chị là vợ chính thức theo pháp lý lại không hề biết đến “cõi đi về” của anh ấy là điều thật đáng ngờ. Toàn bộ mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ này. Khả năng trong sáu tháng vừa qua, anh ấy và vợ cũ đang nỗ lực tái hợp. Để chứng minh trái tim mình dành cho vợ cũ, anh ấy ly thân với chị - người vợ hợp pháp. Nếu đây là sự thật thì chị là nạn nhân của tình huống “giận thì giận mà thương thì thương” giữa chồng chị và vợ trước của anh ấy.

Cũng có thể anh ấy đang có “bóng hồng” khác, có sức thu hút mãnh liệt hơn chị, như hai năm trước chị đã từng hấp dẫn anh ấy, so với người vợ đầu. Thử kết nối các thông tin như chồng trải qua một đời vợ với hai con, đang trong tình trạng “căm thù” và không muốn nhìn mặt người vợ cũ, mà chỉ sau hơn hai năm tái giá với vợ trẻ hơn hai thập niên mà bỗng dưng “lạnh nhạt” và “chuyển ra ngoài ở riêng”, không một lý do, không một lời giải thích, ta thấy có nhiều điều vô lý. Nếu thật sự anh ấy thương vợ, anh ấy sẽ không bao giờ làm thế. Ngược lại, xa lìa vợ, anh ấy phải sợ mất vợ mới đúng.

Để làm sáng tỏ giả thiết nào là đúng, chị cần quan tâm với trách nhiệm là vợ hợp pháp của anh ấy để tìm hiểu và biết rõ anh ấy đang quay về ở chung với vợ trước hay ở đang ở với một “bóng hồng” nào khác. Dù là tình huống nào trong hai giả thiết vừa nêu là đúng, chồng chị ở với người khác, bỏ mặc chị và ly thân chị hơn sáu tháng… là điều khó có thể chấp nhận được.

Là vợ kế hợp pháp, không chỉ là cái quyền, chị cần có trách nhiệm tìm hiểu nguồn gốc của sự ở riêng của chồng chị. Sau khi tận tường mọi việc, tôi tin rằng chị sẽ có quyết định sáng suốt, chọn cho mình một hướng đi không còn vướng lụy, kết thúc lưu luyến, bi lụy để hướng tới một tương lai tươi sáng.

Nỗ lực vượt qua bế tắc

Dù bất kỳ giả thiết nào trong những điều trên là đúng, chị không nên tự làm khổ mình, chẳng hạn như: Do tiếc nuối anh ấy, chị “đã bị ngã xe rất nhiều lần”. Trong quan hệ vợ chồng tình yêu tích cực phải là hai chiều như sự hỗ tương. Trò chơi “trốn tìm” hiện tại của chồng chị chỉ làm chị thêm mệt mỏi, thậm chí phải chịu nhiều thiệt thòi và tổn thất.

Dẫu biết vợ yêu chồng theo cách “yêu hơn bất kỳ ai trên đời” là tâm lý thái cực nhưng phổ biến, nhưng yêu một chiều không có giá trị lâu dài trong quan hệ vợ chồng theo đúng nghĩa. Để “an toàn tính mạng”, ngoài quyết định “kinh doanh tại nhà” chị nên có những cân nhắc sáng suốt và mang tính dứt khoát. Trong mọi tình huống chị đừng để con tim lấn át lý trí. Đừng tiếc nuối những gì không còn thuộc về mình.

Sau những nỗ lực tìm hiểu, phát hiện ra nguyên nhân, hiến kế giải pháp tái hợp để vợ chồng được hạnh phúc mà chồng chị vẫn không có những nỗ lực thay đổi tích cực thì không có lý do gì để chị quyết định trì hoãn sự ly hôn. Khi đã biết sự thật phũ phàng, nỗi đau ly biệt dù muộn màng nhưng rất cần thiết, biết đâu lại là điều phúc cho chị, khi không còn tiếp tục là nạn nhân của một cuộc hôn nhân không có tình yêu ở hiện tại và trong tương lai. “Đau một lần để rồi không còn bị đau nữa” đáng giá là một giải pháp lắm chứ.

Chúc chị sớm tìm ra giải pháp và nhanh chóng giải phóng nỗi đau!
Thích Nhật Từ