CON RỆP CỦA NGÀI TIẾN SĨ

Có một nhà tiến sĩ Sinh Vật Học, cho rằng loài vật cũng có tánh linh giống người, nếu như chúng được huấn luyện thì cũng làm được những việc như người không khác.

Để chứng minh quan niệm của mình đúng, ông khởi sự huấn luyện rệp, sai con rệp đẩy viên bi. Ông nghĩ: “Nếu như mình huấn luyện rệp thành công, tất sẽ làm xôn xao giới nhân sĩ thuộc ngành sinh vật học cho mà coi!.... rồi biết đâu người ta lại cấp cho mình cái bằng phát minh tối ưu nữa kìa!.....” Nghĩa tới đây, ông khoái chí quá, tủm tỉm cười hoài.

Bằng kiên nhẫn và sự chịu khó cao độ, ngày ngày ông bỏ công huấn luyện rệp, ông thủ thỉ với nó, ra lịnh, bảo ban từng chút một…. có thế nói là cuộc tập dợt của hai thầy trò ông diễn ra hằng trăm lần mỗi ngày. Tất nhiên là thất bại nhiều hơn thành công. Mỗi lần khích lệ hay tưởng thưởng rệp, ông thường cho nó hút máu. Trải qua thời gian khá lâu, con rệp mập tròn, đỏ da thắm thịt, còn ông thì ốm nhom, xanh xao.

Do ông đổ hết công sức, tâm huyết vào dạy rệp nên không còn thời gian để dành cho người thân. Do vậy mà chẳng bao lâu vợ ông chịu hết nổi cảnh “đất với trời chỉ có ông và rệp”, nên nhất quyết bỏ ông, dắt con trẻ về nhà ngoại ở. Ông cũng không rảnh mà chơi với bạn bè, thế là cuối cùng ông rơi vào cảnh cô độc không có lấy một người tri kỷ tri âm. Đấy là nói về người, chứ về loài vật thì ông có nhiều, vì nhà ông giờ thì đầy rệp! (Cái này gọi là: Ngưu tầm ngưu, rệp tầm rệp đây mà!) Quên nữa, ông vẫn còn một bằng hữu duy nhất nữa: Đó là lão chủ quán rượu ở gần nhà. Số là , áp lực “giáo trình” quá lớn, để giải tỏa căng thẳng, ông phải nhờ đến rượu. Vì thế cứ cách vài ngày ông lại mò đến quán rượu làm vài ly và trở thành khách ruột lão chủ quán.

Năm năm sau, tiến sĩ huấn luyện rệp thành công, rệp có thể đẩy viên bi thuần thục. Ông vui mừng tột độ, muốn tìm người để khoe và chia sẻ thành quả tuyệt vời này, ông nghĩ ngay đến lão chủ quán và hớn hở đi nhanh tới quán rượu, không quên mang theo “đồ nghề” và đệ tử “rệp” yêu quý. Vừa đi ông vừa nghĩ: “xem như lão chủ quán sẽ là người đầu tiên thưởng thức cái vinh dự có một không hai này với ta!....”

Khi ông tới quán rượu thì trời đã nhá nhem tối. Như mọi khi, ông gọi một ly rượu, khác chăng là giờ đây ông không ngừng gõ nhịp trên thành bàn với vẻ cao hứng chưa từng có.

Trong lúc chủ quán lo rót rượu, ngài Tiến sĩ muốn tạo bất ngờ cho ông bạn già, len lén đặt “nghệ sĩ xiếc” rệp lên bàn và để viên bi cạnh đấy.

- Này! Tiến sĩ, rượu của ông đây.

Tiến sĩ vờ ra vẻ ngạc nhiên, chỉ vào con rệp, bảo chủ quán:

- Úi chà chà! Anh bạn nhìn xem. Con rệp đang làm gì đây này…..

Tiến sĩ chưa nói dứt câu thì lão chủ quán đã nhanh nhẹn chộp lấy con rệp và bóp dẹp lép. Vừa quăng xác nó ra cái cửa sổ ông vừa phân bua:

- Xin lỗi ngài Tiến sĩ nhé! Bình thường quán tôi không có rệp, con rệp này không phải của tiệm tôi đâu, chắc là nó đeo theo hút máu tên công nhân hồi nãy mới vào đây…..rồi rớt xuống bàn, con rệp này mập hết biết! Tiến sĩ cứ yên tâm uống rượu đi nhé, tôi giết chết nó rồi…..!
*  *  *
Ôi chu choa, chèn đét ơi! Gõ xong phần kết thúc câu chuyện mà cười chảy nước mắt. Chảy vào trang giấy, thấy gương mặt Ngài Tiến Sĩ tái xanh, xám ngắt hiện bày trên khoảng giấy trắng còn lại. Sợ hình ảnh Ngài Tiến Sĩ cắn lưỡi, hộc máu trên trang giấy nên vội gõ thêm vài dòng nữa.

Cứ tưởng Ngài Tiến sĩ “độc nhất vô nhị” mới có ý tưởng cao siêu, nhưng lia mắt một vòng mới thấy Ngài Tiến Sĩ có nhiều đồng minh đấy chứ
.
Khi người ta thất bại trong tham vọng quyền lực, người ta bước vào thế giới game, hóa thân vào các nhân vật trong “võ lâm truyền kỳ”, “tây du ký”, “tam quốc chí”…. để thỏa khát vọng mà bên ngoài người ta không làm được. Hơn 10 năm trước, xã hội dấy lên nhiều Ngài Tiến sĩ “rỗi hơi” chơi trò “nuôi gà ảo” trên cái máy nhỏ nhỏ bỏ túi.

Chốc chốc cho gà ăn, theo thời gian gà lớn lên từng ngày, rồi gà chết, chẳng thể đem xác ra ngoài làm một bữa ra trò. Công nghệ hiện đại tiên tiến hơn, người ta trồng cây ảo, nuôi người yêu ảo, làm vườn ảo…. trên các thiết bị công nghệ. Bên ngoài thì “giặt tả, trông em, thổi cơm, lau sàn nhà….giúp vợ phụ chồng chẳng nên hồn, nhưng bước vào đó thì trở thành Ngài Tiến sĩ ra “chò”.

Cơm đâu ăn, áo đâu mặc, nước đâu uống, tiêu thụ năng lượng điện một cách vô bổ,… người chơi quên khoáy đi, bỏ người thân, bỏ rơi công việc, con khóc đòi bú khỏi quan tâm, cần thì bóp cổ cho chết để khỏi vướng bận tay chân, khỏi tắm, khỏi tiêu tiểu, may là người ta vẫn thở để ngáp ngáp đến lúc sức cùng lực kiệt với game. Tiền thật, người thật, thời gian thật nhưng lại mua bí kíp, đao kiếm,… ảo.

Hình như xã hội hiện đại là xã hội phát huy cái gì cũng ảo cả. “Số đề” sáng ghi xong hồi hộp chờ đợi lồng cầu ra con số ảo. (Công an cũng có số, tu sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, bà vãi gì cũng có số. Lạ thiệt nghe). Quay số, nhận mã số dự thưởng trên tin nhắn điện thoại ảo, rõ là dư hơi. Kèo trên kèo dưới trong bóng đá, khi mà những chiếc chân thoăn thoắt của những nghệ sĩ sân cỏ mới làm chủ thì kết thúc bên ngoài là chuyện tivi, bàn ghế,….. bị đập bể, nhà cửa xe cộ trở thành vật đem ra siết nợ.

Sống dưới mặt đất, hít thở khí lành đất trời nhưng người ta mơ tưởng bềnh bồng cõi Thiên đường – Cực lạc ở ảo ảnh trên chín tầng mây. Gần đây, người ta ồ ạt từ các nơi lên Núi Voi, Núi Tượng, Núi Tà-Pao để tìm “ông Voi Lạc Quốc, bác Tượng Tây Phương” “mơ huyền….mờ hồ” gì đó thật nực cười.

Xung quanh kẻ nghèo người đói. Bên cạnh, người đứng rầu rỉ kẻ ngồi lo âu. Mặc kệ! Chồng (vợ) ốm, con đau, lu hết gạo, dép đứt chưa có tiền mua. Mặc kệ! Ta cứ thỏa ý lãng mãn phiêu du cái đã.

Người ta cứ gom góp cho thỏa mãn hầu bao - tài khoản để rồi bỏ ra mua sự bình an, vái van, xin xỏ điều như ý ở những con “rệp nghệ sĩ” diễn bày trên “sân khấu – khán đài” niềm tin mỗi dịp lễ tết. Khỏe mạnh khù khù, tiền bạc vô số, thời gian dư dã thay vì phát minh, chế tạo, làm nên những giá trị thiết thực xây dựng cuộc sống xã hội này trở thành Thiên Đường – Cực Lạc tại nhân gian thì không làm lại dúi đầu vào những trò nuôi “rệp”.

Giả như con rệp không chết, Ngài Tiến sĩ được ghi danh vào sách kỷ lục Guiness thì có lợi gì cho cộng đồng đâu. Người ta diễn Voi, xiếc Khỉ….. bán vé cho khán giản thưởng thức còn có tiền để dành.

Người ta chế tạo ra dụng cụ vớt rác cải tạo môi trường trên biển, trên sông. Kẻ nghiên cứu dịch tể chống đông máu của con đỉa để áp dụng vào y khoa. Người thì vùi mình trong phòng kỹ thuật cố công tạo ra chiếc điện thoại có thể định bệnh chỉ qua một chút nước bọt… Những phát minh nào đem đến lợi ích cho nhân loại, phát minh ấy được tôn vinh, đồng cảm. Dù học vị bất đồng, tri thức dị biệt, song người ta vẫn chung có một tấm lòng mong muốn đem lợi ích thiết thực cho nhân loại.

Ngược lại, hy sinh cả “quốc thành thê tử”, đổ hết thời gian, tâm huyết vào sự vô bổ như Ngài Tiến sĩ, thì khó kiếm “tri âm”, công lao chưa kịp trình làng đã bị bóp dẹp… quăng ra cửa sổ.

Ngài Tiến Sĩ cắn lưỡi hộc máu thiệt rồi, nên không còn gì để gõ nữa, vì bận đi phúng điếu Ngài ấy!