TRỞ LẠI THIÊN ĐƯỜNG - TỎA SÁNG

    – Lúc này anh Vũ có thái độ lạ quá! Không vui như mới yêu, không buồn như mới thất tình mà coi điềm đạm bình thản. Ổng đang ở trong tình trạng nào vậy cà?
    – Tao đoán cũng chưa ra.

    Vũ mĩm cười nghe họ thì thầm sau lưng. Chàng thực hiện phép tĩnh tâm đã đến giai đoạn sâu xa. Có những đêm chàng ngồi luyện khí công đến sáng, tâm nhiếp sâu vào hơi thở quên cả thời gian và không gian. Trong đời sống chàng giữ tâm hồn bình thản rỗng rang thường xuyên dù đang bận rộn công việc.
    Như chén nước đã bốc hơi bay vào không gian, cũng vậy, tình yêu Diễm Hương đã thăng hoa thành tình yêu với mọi người. Vũ không còn mục đích tiến đến hôn nhân với Diễm Hương nữa. Chàng tự có một hạnh phúc vĩ đại của nội tâm yên tĩnh và tình cảm riêng tư đã nhường chỗ cho tình yêu tất cả mọi người.
    Lúc trước Vũ cố gắng thương yêu và giúp đỡ họ, nhưng khi gặp thái độ hiềm khích, vô ơn của họ, chàng cảm thấy buồn và mất niềm tin với con người. Bây giờ dù họ có ác cảm với chàng thế nào, chàng vẫn vui vẻ và thương yêu họ chân thành.
    Trực giác của Diễm Hương đã phát hiện ra điều này. Nàng trông thấy Vũ thay đổi hẳn. Anh mắt chàng nhìn nàng không còn nồng nàn tha thiết như ngày xưa nữa, mà có vẻ bao dung, độ lượng như một người anh, người cha đối với đứa con đứa em của mình. Chàng trở nên giống Cha Độ đến kỳ lạ. Chàng ngồi đó mà như thênh thang khắp cả trời đất.
Một lần Diễm Châu buột miệng:
    – Sao lúc này em thấy anh Vũ giống Cha Độ quá!
Vũ mĩm cười, nụ cười đôn hậu hiền lành.
    Một đêm Diễm Hương nằm mơ thấy nàng đi trên đồi thông và gặp Vũ đứng trên đỉnh đồi. Nàng cất tiếng gọi chàng. Chàng quay lại nhìn nàng vẫy tay gọi. Nàng chạy lên toan ôm lấy chàng, nhưng chàng đã bay cao lên trên những tầng mây rực rỡ. Diễm Hương choàng tỉnh giấc và trằn trọc không ngủ được. Nàng cảm thấy đôi tay bé nhỏ của mình không còn giữ được Vũ nữa. Chàng đã trở nên như mây như khói. Nàng có cảm giác như Vũ đã xô cửa Thiên đường bước vào và bỏ nàng lại sau lưng. Nàng biết Vũ đã thực hiện phép tĩnh tâm đến giai đoạn sâu thẳm, và gần như thoát xác. Nàng không biết nên vui hay nên buồn, nhưng đối với người con gái, tình yêu là tất cả. Nàng nhớ đến câu trong Phúc Âm, Chúa bảo:
     “Các ngươi đừng tưởng ta đến để kết hợp thế gian. Ta đến để vợ phải xa chồng, con phải xa cha, người thân mến phải chia cách”
Và ở đây, Cha Độ đến để cho nàng phải xa Vũ.
    Vũ vẫn thỉnh thoảng đến thăm nàng, vẫn trìu mến, âu yếm, săn sóc, ân cần, nhưng đó là sự thương yêu của một người anh, người cha, không phải sự thương yêu của người yêu nữa.
    Một lần khi đưa Vũ ra cổng, Diễm Hương không kềm được thốt lên:
    – Anh đừng bỏ em!
Vũ nhìn nàng có vẻ thương xót, nói:
    – Em đừng nghĩ quẫn, sao anh lại bỏ em.
Nàng ngồi một mình và đánh bài If you go away:
Người yêu nếu ra đi
Một hôm nắng lên cao
Xin hãy mang đi theo
Cả mây trắng trong veo
Cùng tia nắng xôn xao
Ngày ta mới yêu nhau
Tình ta mới dâng cao
Đêm thấy như đi mau
Loài chim hót đêm thâu...
***
Đại ca Thuyên nốc một ly bia rồi nói:
    – Số tiền đợt chót tuy lớn, nhưng không dễ ăn như số tiền đợt này. Lúc này mọi việc còn bình thường, công nhân đi ngủ lúc tám giờ. Còn lúc hết công trình họ thức vui đùa cả đêm. Tiền lãnh về phát ra liền, không còn nguyên vẹn nữa. Thế nên tụi bây cứ theo phương án tao đã vạch ra từng chi tiết đó mà tiến hành. Đánh cú này, tuy nhỏ hơn, nhưng mà ăn chắc.
Sáu tên đàn em ngồi quanh uống bia ăn thịt. Kiên nói:
     – Đại ca nói tụi nó chờ tụi em về, không được ở nhà làm hỗn trước.
Đại ca Thuyên có vẻ rộng lượng:
   – Vậy chớ sao! Có tao, tụi bây khỏi lo. Phải có mặt đông đủ mới nhập cuộc. Tao không cho thằng nào táy máy trước đâu.
Một gã khác nói với Kiên:
    – Nhưng tụi tao không đủ kiên nhẫn chờ quá mười giờ. Tới mười giờ là tao mời đại ca mở hàng.
    – Được, tụi tao sẽ về trước mười giờ – Kiên nói.
    Trực giác của Vũ đã phát triển hơn lúc trước rất nhiều. Chàng đoán được những u uẩn trong lòng của anh em công nhân và giải tỏa cho họ. Bây giờ thì mọi chuyện đã đổi khác, anh em công nhân trở nên cảm phục thương yêu Vũ thực sự trước nhân cách cao cả của chàng. Chàng tận tụy lo lắng cho đời sống của họ, giải quyết những nỗi bất hòa của họ, đi sâu vào giúp đỡ những việc cỏn con nhỏ nhặt của mỗi người. Chàng như một vầng trăng rực rỡ trước đôi mắt họ. Những chuyện giận thương buồn ghét gì trong đời sống, họ đều tâm sự với chàng và nhờ chàng góp ý kiến. Chàng đứng vào vị trí hướng dẫn tâm hồn cho họ tự bao giờ. Chàng uốn nắn tâm hồn họ trở nên cao thượng, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết bỏ đi những hiềm khích lặt vặt với nhau. Có những lúc rãnh rỗi, chàng lấy Harmonica ra thổi cho họ nghe và phân tích về âm nhạc với những sự tao nhã của nó. Chàng muốn đem đến cho họ những trò giải trí thanh bai hơn là ăn nhậu nói năng bừa bãi. Người nghèo bị mất giá trị vì các trò vui tầm thường của họ. Vũ nhận thấy điều đó và muốn nâng cao giá trị của họ bằng cách thay đổi phương pháp giải trí của họ. Chàng cũng kể nhiều mẫu chuyện triết lý cho họ nghe và phân tích chiều sâu của triết học, khiến cho họ biết suy nghĩ về những vấn đề sâu xa cao cả hơn là nghĩ ba cái chuyện tào lao bậy bạ. Những gương đức hạnh của các tiền nhân mà Vũ kể làm lay động tâm hồn họ, đánh thức họ khỏi cơn say của ăn uống và nhục dục.
    Thật sự tâm hồn họ được chuyển hóa, vừa bằng lời nói của Vũ, vừa bằng tấm gương trong đời sống của chàng. Cuộc sống giữa anh chị em công nhân đã bắt đầu ấm cúng, hòa thuận và vui vẻ hơn. Vũ nói:
    – Chúng ta hãy vui mừng vì mỗi ngày chúng ta đem đôi tay khối óc ra xây dựng cho cuộc đời. Chúng ta đừng nghĩ làm việc để lãnh lương tháng cho bản thân và gia đình. Hãy nghĩ rằng làm việc để xây dựng xã hội. Chúng ta đã sống một cuộc sống xứng đáng vì chúng ta đã đóng góp với tất cả mọi khả năng. Chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi mới là những kẻ đáng hổ thẹn.
     Cùng một việc làm, nhưng chúng ta sẽ có hai mục đích. Để lãnh lương hoặc để đóng góp. Chúng ta hãy chọn mục đích thứ hai, làm việc để đóng góp. Mặc dù chúng ta vẫn lãnh lương mỗi tháng nhưng tâm hồn chúng ta cao thượng hơn vì chúng ta không xem nó là mục đích.
    Chúng ta cùng xây dựng những công trình đẹp để lại cho cuộc đời, nhưng chúng ta cũng phải xây dựng công trình đẹp để lại trong trái tim của nhau. Còn sống bên nhau ngày nào, chúng ta hãy cố gắng thương yêu đùm bọc che chở nhau, bỏ đi những hiềm khích lặt vặt.
Một người công nhân lên tiếng:
    – Dạ, em cũng thương thằng Mỹ lắm, mặc dù nó chửi em hoài, nhưng em nghĩ kệ nó, nó bất hiếu với em thì nó mang tội ráng chịu.
Mỹ sừng sộ:
    – Bộ mày là cha tao, hả!
    – Chớ hỏng lẽ tao nói tao là cha mày.
***
    Diễm Hương lái chiếc Sprint từ trường về. Vừa đến ngang vườn hoa, khúc vắng vẻ, chợt một chiếc xe hơi từ trong trườn ra cản đường. Nàng vội vàng đạp thắng. Trong xe hơi hai gã đàn ông lạ bước nhanh ra chụp khăn thuốc mê vào mặt nàng rồi lôi nàng vào xe. Một gã đỡ lấy chiếc xe nàng và cỡi đi tiếp.
    – Ai vậy con, Ông Văn hỏi?
    – Người nào ở trường đến nói chị Hương hôm nay về muộn vì mắc họp. Diễm Châu đáp.
***
    – Hải ơi! Hải à!
Ông Trường ngóc đầu ra khỏi chăn:
    – Ai đấy, bạn Hải à?
    – Vâng, tụi con là bạn của Hải
    – Hải đi đâu từ chiều chưa thấy về.
    – Vâng, bác cho con gửi cái này, bác đưa lại Hải giùm.
Ông Trường vén chăn bước xuống ra mở cửa.
***
    Vũ đi dạo quanh bờ hồ mỗi đêm đến gần chín giờ rưỡi mới vào luyện khí công. Cả công trường yên lặng như tờ. Các công nhân thường đi ngủ từ tám giờ vì cả ngày lao động mệt. Công trình Hotel - Restaurant đang khẩn trương đi vào giai đoạn mới. Tòa nhà năm tầng đứng sừng sững trong bóng đêm. Những giàn giáo còn vây quanh bao kín tòa nhà. Chiếc ròng rọc chuyển vật liệu thòng hai đường dây dài ngút ngàn. Ánh trăng khuyết lấp lánh trên nền trời.
    Vũ cảm thấy mệt, chàng bước về phía văn phòng. Chợt linh tính báo động dữ dội trong lòng chàng là nguy hiểm đang chờ chàng bên trong. Vũ khựng chân đứng lại. Nhưng chàng nhớ đến ông Trường, số tiền hai chục triệu trong tủ sắt, và chiếc xe moto.
    Đành phải gan dạ vào xem tình hình ra sao. Vũ bước đến gần cánh cửa. Linh tính chàng phát hiện rất rõ là có người đang phục kích chàng bên trong. Từ ngày thực hiện phép tĩnh tâm ở trình độ cao, trực giác của Vũ rất bén nhạy. Vũ đưa tay mở chốt cửa nhẹ nhàng như không có chuyện gì, nhưng bất ngờ chàng xô cửa lao vào thật nhanh.
    Ba cây gậy đập mạnh vào chàng theo ba hướng khác nhau. Cây đập trên đầu xuống thì bị trượt ra sau lưng vì Vũ lao vào nhanh quá. Cây đập vào bụng thì không gây được tác dụng vì Vũ đã đến sát tay người đập. Cây gậy đập vào chân thì làm chàng hơi đau nhưng không đáng kể vì chàng cũng lao đến gần người đập. Chỉ cần họ thất bại trong chiêu đầu là đủ cho Vũ đảo ngược tình thế.
    Chàng chụp tay Kiên, người đập vào bụng chàng, chém một phát vào ngực hắn, đồng tung một đá vào Hợp ở sau lưng.
Kiên bật ngửa ra sau. Hợp bị tung vào vách gỗ cái rầm.
    Gã đập chân thì nhanh chớp đập thêm một phát vào mặt Vũ. Vũ nghiêng đầu đưa tay gạt và đá một cú vào bụng hắn. Hắn văng bổng người lên rơi đè trúng ông Trường bị bịt miệng trói gô dưới đất.
    Vũ bước tới quất thêm một đá vào bụng Kiên, Kiên văng bổng lên đập vào vách tường và rơi xuống nằm trên bao tiền đã gói sẵn. Vũ dựng tên đang đè lên ông Trường, vỗ một chưởng vào ngực hắn, hắn bật người ra sau nằm im thở hổn hễn. Hợp nhặt cây lên phóng tới đập vào đầu Vũ, Vũ xoay người né và đá thêm một cú vào ngực hắn, hắn buông rơi cây và văng đập vào cánh cửa cái rầm, rồi rơi xuống đất nằm rên rỉ.
    Vũ bật đèn sáng lên, chàng nhớ mặt hai tên đã từng bị chàng đánh gục gần một năm trước. Nhưng lòng thương người trong lòng chàng vẫn đầy ắp. Vũ đến đỡ từng tên lên ngồi trên ghế, và mở trói cho ông Trường. Ông Trường nổi cơn thịnh nộ la lên đòi kêu bảo vệ lại bắt. Những người công nhân nghe rầm rầm ở văn phòng đã trổi dậy chạy tới đứng đầy cửa. Họ hỏi nhao nhao.
    – Chuyện gì vậy, ăn trộm hả?
Vũ nghiêm mặt ra lệnh cho ông Trường:
    – Bác đứng im đó, đừng la lối gì hết.
    Bỗng nhiên giọng nói của Vũ có uy lực lạ thường khiến ông Trường phải khựng lại đứng im.
Vũ bảo các người công nhân:
    – Các anh về nghỉ, không có ăn trộm gì hết.
    Họ có vẻ làm lạ, đứng yên nhìn chứ không chịu về. Vũ lấy khăn vắt nước lại lau mặt cho từng người. Ba tên bị trúng đòn quá nặng, không còn đủ sức phản ứng gì nữa. Vũ khuấy ba ly nước chanh đến kê vào miệng cho từng người uống.
    Ông Trường đứng yên trố mắt nhìn Vũ đối xử với ba tên ăn cướp như là đối xử với Tuấn ở nhà vậy. Ông vẫn tin vào đạo đức của Vũ, nhưng đạo đức đến cái mức này ngoài sức tưởng tượng của ông.
    Vũ lấy dầu cù là lại, cởi nút áo họ ra, xoa lên những chỗ trúng đòn của chàng, và nói:
    – Các anh đừng giận tôi. Tôi xin lỗi là đã lở đối xử không tốt với các anh. Tôi chỉ muốn chúng ta gặp nhau trên đời để thương yêu chứ không phải để thù hận. Cuộc đời này đau khổ vì chúng ta cứ thù hận nhau mãi. Các anh ngồi nghỉ cho khỏe rồi tôi đưa các anh ra khỏi nơi đây để không ai làm khó dễ các anh.
    Bỗng nhiên Kiên nghe trái tim mình thổn thức xúc động. Cả đời hắn chỉ có tiền, xác thịt và tội ác. Hôm nay hơn ba mươi năm làm người, lần đâu tiên trong lòng Kiên lương tâm chuyển mình động đậy. Hắn nhớ tới lần trước gặp Vũ và bị đánh bất tỉnh. Khi thức dậy thấy nằm ngay ngắn dưới bóng cây, chiếc khăn chùi máu còn vứt gần đấy. Hắn nhớ hình ảnh Đại ca Thuyên mắt long lên như bốc lửa và hai cái tát trời giáng đánh hắn với Hợp. Hai hình ảnh trái ngược tương phản. Và bây giờ chính mắt hắn thấy Vũ đối xử độ lượng tuyệt vời. Hắn ngồi im cúi mặt. Chợt hắn nhìn đồng hồ: mười giờ kém hai mươi. Hắn hốt hoảng kêu lên:
    – Anh mau đến chỗ hôm trước, ngôi biệt thự gần đấy, cứu Diễm Hương kẻo trễ!
Vũ đứng bật dậy nói với ông Trường:
    – Bác sang căn tin gọi điện thoại cho Công an đến tiếp – rồi quay sang Kiên – Anh chỉ địa điểm cho bác Trường nhé!
Kiên gật đầu:
    – Anh đi nhanh đi, để chính tôi gọi chỉ chỗ cho công an. Bác nhờ anh em cõng cháu lại chỗ điện thoại gấp đi, kẻo không kịp.
    Vũ vẹt những người công nhân ra và lao vào rừng trong đêm khuya. Lâu quá chàng không còn đi vào rừng thơ thẩn nữa. Đêm tối khó nhận ra lối đi. Nhưng Vũ có trí nhớ tốt. Chàng chạy băng băng trong rừng thông nhắm hướng cũ lao tới. Đoạn đường dài cả cây số, bụi cây bắt con sóc kia rồi.
Và đây là chỗ Diễm Hương, kêu cứu.
    Vũ đứng lại nhìn xa xa, thấy có ánh đèn thấp thoáng. Chàng nhắm hướng đó chạy tới.
    Ngôi biệt thự nằm im trong rừng cà phê. Hàng rào bao quanh cao hai thước. Vũ tung người lên nhảy qua hàng rào và rơi xuống êm ái. Chàng sợ có chó nên lủi vào đám cây cà phê để men lại ngôi nhà. Chỉ có một căn phòng trên lầu còn đèn. Có tiếng nói chuyện và tiếng cười trong đó. Vũ thót người nhảy lên lan can.
Đại ca Thuyên cười ha hả:
    – Tụi bây phải bắt chước tao, lập kế hoạch phải biết đánh lạc hướng điều tra của tụi công an. Tao dặn tụi thằng Kiên phải đánh bất tỉnh thằng Vũ rồi mang đi, rồi dàn cảnh như là Vũ giết ông Trường. Để lại các dấu tay đâu đó. Sau khi mọi người phát giác ra, họ sẽ nghĩ rằng Vũ giết ông Trường lấy tiền và cùng người yêu trốn đi biệt tích. ha ha.
Ở cuối phòng, Diễm Hương bị trói căng tay chân ra bốn góc giường. Gương mặt nàng đau khổ tột độ.
Một tên lên tiếng:
    – Lát nữa tụi nó đem thằng Vũ về, mình trói nó ngồi ở đây để chứng kiến tụi mình làm thịt người yêu nó suốt đêm nay. Sáng mai, mới tới phiên hai đứa nó yêu nhau dưới hố.
Đại ca Thuyên đưa miếng thịt vào miệng nhai rồi uống một ly bia. Thỉnh thoảng liếc nhìn Diễm Hương với vẻ thèm thuồng cực độ. Nhưng hắn ráng giữ lời để tạo uy tín lâu dài với đàn em. Chúng vừa ăn uống vừa cười nói hả hê.
    – Còn năm phút nữa là mười giờ rồi, Đại ca. Tụi nó làm gì mà lâu quá. Tới mười giờ là đại ca mở hàng cho tụi em nhập cuộc, tụi em chờ hết nổi rồi.
Chiếc kim dài chầm chậm đi dần về số 12.
    – Mười giờ rồi, xin đại ca khai trương.
    Đại ca Thuyên cười híp mắt đứng dậy, cởi áo ra để lộ bộ ngực lông rậm rạp. Hắn bước đến bên giường:
    – Em ráng ngoan ngoãn nhé!
Rồi đưa tay xé toạc áo của Diễm Hương.
RẦM!
    Cánh cửa bật ra và Thái Vũ lao vào. Hai tên nhảy tới chận Vũ lại. Vũ tung người lên thật cao đá hai ức bàn chân vào trán chúng. Chúng choáng váng bật ngửa ra đằng sau. Tên thứ ba cũng vừa sấn tới thì Vũ đã rơi xuống thụp người xuống đất đánh thốc từ dưới lên bụng hắn. Hắn văng bổng người lên bàn lùa tất cả ly chén dĩa xuống đất.
    Diễm Hương mừng rỡ tột độ khi Thái Vũ xuất hiện, nhưng nàng cũng trông thấy Thái Vũ đã quá mệt rồi.
    Đại ca Thuyên buông mảnh vải vừa xé xuống lướt tới tấn công Vũ. Hắn đánh liên tiếp mười mấy thế như vũ bão. Nếu bình thường thì hắn chưa phải là đối thủ của Vũ. Nhưng Vũ đã mệt khi đi dạo, mệt khi hạ bọn Kiên Hợp, mệt khi chạy băng đoạn đường dài cả cây số. Còn Thuyên thì đang nghỉ ngơi bồi dưỡng lấy sức chuẩn bị cho một cuộc truy hoan.
Vũ vừa gạt đỡ vừa đánh trả. Thuyên tấn công tới tấp. Đến hơn hai mươi chiêu thì Thuyên đánh một chỏ trúng vào hông Vũ. Vũ bật ngã vào góc tường. Thuyên lướt tới để kết thúc. Bỗng Vũ bật người vọt lên cao cắm hai gót chân vào ngực Thuyên. Thuyên trúng đòn lảo đảo lui ra đằng sau mấy bước. Vũ sấn tới quét một đá chéo lên hông Thuyên. Thuyên rùn người xuống đưa vai chịu đòn rồi bật một đá vào bụng Vũ. Vũ nghiêng người né và bước sát tới, một tay gạt tay Thuyên một tay đánh một chỏ vào ngực hắn. Thuyên cũng vừa đánh một tay vào mặt Vũ vừa lên đầu gối phản đòn. Hai người cùng trúng hai đòn và bật ra xa nhau.
    Thuyên nhìn thấy mặt Vũ đã trở nên xanh xao, hắn biết chàng đã mệt, liền sấn tới đánh tới tấp. Vũ đỡ được mấy chiêu đầu rồi bị Thuyên đánh trúng vào ngực và đòn của Thuyên rơi xuống như mưa trên người Vũ. Vũ quỵ xuống lịm dần. Nhưng trước khi lịm hẳn, chàng còn nghe văng vẳng tiếng còi xe công an đã đến gần. 
***
Vũ cựa mình rồi bật lên tiếng rên khe khẽ.
    – A! anh tỉnh rồi.
    Vũ mở mắt và thấy gương mặt yêu kiều của Diễm Hương đang mừng rỡ lo lắng cho Chàng. Vũ mĩm cười nhắm mắt lại nhiếp tâm lấy sức. Khắp người chàng đau nhức cực độ.
Tiếng ông Trường vang lên:
    – Sao rồi, tỉnh hẳn chưa?
    Vũ mở mắt và nhìn quanh. Ông bà Văn, ông Trường, người bác sĩ, cô y tá. Chàng mĩm cười chào mọi người và mở mắt nằm yên. Ông Trường bước đến gần hỏi:
    – Vũ có mệt lắm không, cháu?
    – Chắc không sao, thưa bác. Mọi chuyện thế nào rồi
    – Bác nhờ anh em cõng Kiên chạy qua căn tin đập cửa nhờ điện thoại. Kiên tận tình cầm điện thoại chỉ đường kỹ lưỡng. Anh em bảo vệ cũng đến quản lý ba người. Nhưng bác yêu cầu họ đối xử lịch sự vì họ đã trở thành ân nhân. Một lát sau thì công an đến đưa họ về Đà lạt. Còn thằng Hải thì bị bọn chúng phục rượu có pha thuốc mê nằm tới sáng ở ngoài rừng. Mấy tháng nay nó bị tụi đó mua chuộc cho ăn uống nên tiết lộ hết mọi công việc của công trường.
    – Nhưng Hải có biết âm mưu tụi nó không?
    – Không, chỉ bị tụi nó điều tra khéo trong tiệc nhậu thôi. Bác định cho Hải nghỉ việc.
    – Đừng bác ạ, để cháu cảm hóa Hải.
    – Từ sáng đến giờ bác ở bên Ty Công an để nghe sự việc và khai thêm mọi chi tiết cho đầy đủ. Ông bà Văn đây cũng có túc trực ở bên Công an.
    – Bây giờ mấy giờ rồi, bác nhỉ?
    – Bây giờ là ba giờ chiều.
    – Cháu ngất lâu như vậy à?
Diễm Hương nói:
    – Khi anh vừa bị ngất thì công an đã bao vây khu nhà rồi. Bọn đó đều chạy trốn. Ba tên bị bắt ở nhà dưới. Tên đầu đảng bị bắt ở khu rừng phía sau. Xe Công an đưa anh vào bệnh viện liền sau đó. Bác sĩ đây xem xét rồi nói anh không hề hấn gì, chỉ bị bầm tức và mệt quá chứ không bị chấn thương nặng.
    – Kiên được Công an đối xử thế nào, bác Trường?
    – Kiên được các anh em Công an đối xử tốt và sẽ giảm án rất nhiều.
    – Diễm Hương bị bắt bao giờ vậy, em?
    – Em bị bắt cóc khi đi ngang qua vườn hoa lúc học về.
Ông Văn lên tiếng:
    – Chúng nó cho người đến nhà nói Diễm Hương về muộn vì họp. Mãi đến gần chín giờ rưỡi vẫn chưa thấy Hương về, bác sốt ruột đi hỏi thì mới biết trường không có hội họp gì hết. Bác hoảng hốt chạy báo Công an. Ông trung tá Định than:
“Thêm một vụ nữa.”
Không bao lâu thì được điện thoại từ Leva báo động mọi việc và trung tá Định điều đội cơ động đi ngay.
Ông Trường nói:
    – Tụi nó đến gọi cửa bác nhờ gửi đồ cho Hải. Khi bác vừa mở cửa chúng chụp khăn bịt miệng bác và khống chế trói bác nằm dưới đất. Chúng lục chìa khoá mở tủ sắt vét hết tiền cho vào bao và tìm chìa khóa xe, xong rồi cầm cây đứng chờ cháu. Sao cháu giỏi võ như vậy mà bảy năm nay bác mới biết. Phải biết sớm bác nhờ chỉ cho Tuấn và Mai.
Diễm Hương nói:
    – Anh Vũ có tài giấu nghề và nói dối hay lắm bác ạ!
Ông Trường quay sang Diễm Hương:
    – Cháu có diễm phúc hơn con của bác! – Và quay sang ông bà Văn – Ông bà may mắn hơn vợ chồng tôi. Nếu Vũ thích ở lại làm tại Đà Lạt thì để bác giới thiệu. Các công ty xây lắp ở đây thích phong cách làm việc của cháu lắm đấy.
Bà Văn lên tiếng:
    – Vũ hãy nghỉ ngơi cho khoẻ, con đừng lo lắng gì. Nếu con làm việc tại Đà lạt thì về ở với bác, nhà còn rộng con ạ!
Vũ mĩm cười. Nhưng Diễm Hương biến sắc vì thấy đó là nụ cười từ chối.
    Bây giờ thì ông bà Văn đã mặc nhiên chấp nhận cuộc hôn nhân của hai người, nhưng Vũ lại lui ra khi cánh cửa tình ái rộng mở.
Ông Trường nói:
    – Vũ ráng mau phục sức để coi công trường. Không có Vũ bác vất vả quá, mỗi lần điều hành lại phải lật tiến độ ra xem. Cháu quen thuộc công việc nên sắp xếp dễ dàng. Không có cháu, công việc chậm trể hẳn đi.
    Có tiếng mở cửa phòng, cô y tá hướng dẫn một sĩ quan công an đi vào. Người công an chào mọi người rồi kéo ghế ngồi gần Vũ nói:
    – Tôi là Định, Trung tá trưởng phòng hình sự của công an Đà lạt. Tôi xin hết lời khen ngợi anh. Năm nay tôi hơn bốn mươi tuổi và đây là lần đầu tiên tôi gặp một người như anh. Nếu không có đạo đức của anh thì mọi việc còn rắc rối và xảy ra nhiều chuyện không hay cho Diễm Hương. Tôi không thể ngờ rằng trên đời nầy có một người rất vũ dũng nhưng rất nhân từ độ lượng cao cả như anh. Mười mấy vụ án nơi Đà Lạt và xa xa Đà lạt không tìm ra thủ phạm. Bộ nội vụ điều tôi về đây hơn một năm. Tôi nghiên cứu các hồ sơ mà chưa thấy tia sáng nào. Bọn hắn có tài đánh lạc hướng rất giỏi. Tên đại ca Thuyên là con người rất quỷ quyệt và võ nghệ cũng rất cao cường. Hắn cũng có súng, nhưng ỷ mình giỏi võ nên ít sử dụng tới. Tôi có để ý khu vực Đa Thạnh nhưng chúng không có mấu chốt nào để đặt nghi ngờ vào đấy, mặc dù linh tính trong nghề cũng có báo cho tôi phần nào.
    Khi được Kiên báo qua điện thoại – Kiên rất phục thiện vừa chỉ đường cặn kẽ vừa hối thúc dữ dội, chúng tôi sẽ giúp đỡ Kiên–Chúng tôi điều đội cơ động đến ngay. Nhưng tôi đã đi trước với vài người bằng xe mô tô hãm thanh và phục kích phía sau.
    Thuyên nhảy từ lầu xuống chạy ra khu rừng phía sau, liền bị hai nhân viên của tôi dí súng. Hắn quất một đá bay hai khẩu súng rồi chạy luôn xuống thung lũng. Tôi rượt theo bắn vào chân hắn. Tôi bắn không trúng mà hắn giả vờ ngã quỵ, đợi tôi đến gần đá bay khẩu súng của tôi. Thế là tôi phải đấu vơí hắn bằng tay không. Cũng may là hắn ăn mấy đòn của anh cũng khá nặng nên tôi mới hạ hắn nổi. Đây cũng là lần đầu tôi gặp một tay võ nghệ xấp xỉ với tôi.
Vũ hỏi:
    – Lúc các nhân viên công an đến thì bọn đàn em hắn ra sao rồi, thưaTrung tá?
    – Bọn hắn còn đang cạy tủ lấy vàng vì chìa khóa Thuyên cất chúng không biết chỗ. Thuyên khôn hơn, bỏ của chạy lấy người.
Chợt trực giác Vũ lóe lên một tia sáng:
    – Sao Trung tá không nghĩ hắn còn một chỗ cất vàng khác mà bọn đàn em không biết?
Trung tá Định đứng dậy khen:
    – Anh làm công an được đấy. Khi nào khỏe rồi mời anh đến Ty thăm chúng tôi nhé. Tôi phải về vì ý kiến của anh. A, tôi hỏi anh thêm điều nầy – Tại sao anh có vẻ đoán ra được bọn chúng đang phục kích trong phòng mà lao vào nhanh như vậy?
Vũ cười đáp:
    – Có lẽ trực giác, Trung tá ạ.
Trung tá Định gật gù lẩm nhẩm:
    “Trực giác là công cụ quan trọng của ngành công an”.
Ông bắt tay Vu, chào mọi người rồi ra về.
Ông Trường cũng đứng dậy nói:
    – Bây giờ tôi phải trở về Leva, vắng cả ngày hôm nay rồi – Quay sang ông bà Văn – khi nào liên hoan hoàn thành công trình, chúng tôi mời ông bà đến dự để ông bà thấy tài con trai của ông bà.
Ông bà Văn đáp:
    – Vâng, cám ơn ông.
    Ông Trường đi rồi. Ông bà Văn cũng đứng dậy cáo từ về, bảo Diễm Hương ở lại trông Vũ.
    Bác sĩ và y tá khám lại chàng một lần, cho biết khoảng bốn hôm chàng có thể rời viện, rồi đi ra.
    Diễm Hương ngồi lại bên cạnh Vũ, nét mặt buồn buồn. Vũ hỏi:
    – Sao em có vẻ buồn vậy?
Diễm Hương đáp:
    – Anh hỏi anh đó.
    Vũ biết Diễm Hương buồn vì nàng đọc được ý định từ chối hôn nhân của chàng. Vũ nắm tay Diễm Hương an ủi:
    – Em đừng buồn, làm sao anh bỏ em được.
    – Nhưng sao anh từ chối lời mời của mẹ?
    – Vì anh còn phải trở về Vĩnh Long thăm lại gia đình trước khi tính đến những chuyện khác.
    Vũ biết bát nước tình yêu của Diễm Hương chưa bốc hơi vào không gian, nó còn ứ đọng nơi đó với mọi cái buồn thương xao xuyến.
    – Em hát cho anh nghe bài Chân Trời Tím đi.
    – Bài đó đoạn cuối buồn quá.
    – Mình chỉ dùng đoạn đầu thôi.
    – Em biết anh đã vào được thiên quốc, nhưng em không chịu nỗi khi mất anh. Anh bỏ em lại một mình. Em ghét Cha! Cha làm em mất anh.
Vũ cười:
     – Cha làm ơn, mắc oán. Hát đi em!
Diễm Hương từ từ cất giọng:
“Anh hứa đưa em về nơi Chân trời tím.
Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu…
Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta.
Như ánh trăng vời vợi giữa trời xa...”
    Diễm Hương nghỉ học bốn ngày để săn sóc Vũ. Có Diễm Châu, Duy và Dương cũng vào thăm. 
***
    Vũ trở lại công trường và sắp xếp công trình khẩn trương đi vào giai đoạn kết thúc. Anh em công nhân cũng muốn về sớm để ăn tết gần nhà.
    Trời Đà lạt mùa đông mưa lất phất và khá lạnh. Từ hôm đó Hải biết thân phận mình bị cái án treo nên không còn dám công kích Vũ nữa, cứ lủi thủi đi làm theo bổn phận. Vũ biết nên gần gũi chuyện trò để cho Hải bớt mặc cảm. Không ngờ lời tiên đoán của ông Trường biến thành sự thật.
Một hôm anh em công nhân đang đổ bêtông phần consol của mái. Hải dùng máy kiểm tra rồi run tay đánh rơi cái máy xuống dưới đất. Ở độ cao năm tầng, cái máy rơi xuống vỡ toang.
Ông Trường mất bình tĩnh, ngẩng lên hỏi:
    – Ai làm thế?
Hải im lặng chưa kịp nói thì Vũ la lên:
    – Con lỡ đánh rơi máy rồi, xin lỗi bác!
    Hải im lặng và nghe những giọt lệ ăn năn lăn dài trên má. Mưa vẫn lất phất bay và mặt nước hồ lung linh gợn sóng.
Kể từ hôm đó, trái tim chai lì của Hải như bị nhúng vào acid, nó mềm nhũng ra và những tình cảm cao đẹp bắt đầu có chỗ để sinh sôi nảy nở. Hải thức suốt cả tuần, trằn trọc thâu đêm và suy nghĩ mãi về nghĩa cử của Vũ. Hải thấy mình ti tiện, hèn hạ, bẩn thỉu trong khi Vũ thì rực rỡ như vầng trăng giữa trời mùa thu.
    Người Hải phờ phạc hẳn và bắt đầu nhuốm bệnh. Vũ sắp xếp cho Hải nghỉ dưỡng bệnh và thường xuyên có mặt để săn sóc. Vũ biết Hải bệnh vì nỗi hối hận dày vò. Để gột rửa những cái xấu của năm năm, chuyện không phải dễ dàng.
Những người công nhân có mặt khi Hải đánh rơi máy thì cảm phục Vũ và về kể lại cho mọi người nghe. Ai cũng nghe trái tim mình ray rứt.
    – Tao nghe nói hết công trường này anh Vũ nghỉ làm đi về quê.
    – Mày có biết ảnh qua làm ở đâu không?
    – Chưa biết.
    – Coi ảnh làm ở đâu tao xin theo ảnh làm.
    – Bữa ảnh đánh ba thằng ăn cướp đi không nổi rồi ảnh săn sóc nó còn hơn con Liên săn sóc tao.
    – Nhờ vậy mà một thằng nó khai ra sào huyệt của tụi nó cho công an lại cứu người yêu của ảnh kịp thời.
    – Ông Trường nói ai làm mất máy là tám tháng khỏi lãnh lương. Kỳ này anh Vũ lấy tiền đâu mà đền trả? Tiền lương mỗi tháng dư bao nhiêu ảnh cho ráo. Kỳ con Liên bệnh tao tốn tiền quá chừng, ảnh cho tao hơn nửa tháng lương của ảnh.
    – Ông Trường dư biết thằng cha Hải làm rớt mà anh Vũ chịu giùm. Ông Trường đành làm thinh. Hổng lẽ ổng bắt đền anh Vũ. Ổng cưng anh Vũ còn hơn con Liên cưng mày.
    – Chừng nào gỡ giàn giáo ra, mậy?
    – Coi cái ban quét vôi của thằng Tài xong thì gỡ ra.
***
    Và công trình đã kết thúc. Tòa nhà khách sạn – nhà hàng đẹp rực rỡ giữa núi đồi Đà Lạt bên cạnh những công trình khác trong khu vực du lịch mở rộng này. Các công nhân đang dọn dẹp để chuẩn bị bàn giao.
    Người kiến trúc sư của công ty du lịch đến xem xét để nghiệm thu công trình đi chung với ông Trường. Chợt người kiến trúc sư chỉ tay lên phần mái đưa ra hồ nước.
    – Sao phần dưới auvent của mái không sơn mấy đường chỉ theo bản thiết kế.
Ông Trường tròn mắt:
    – Bản thiết kế mấy anh giao tôi có cái nào nói sơn chỉ dưới auvent mái đâu?
Kiến trúc sư yên lặng một lát rồi nói:
    – Chắc họ đưa ông thiếu rồi. Công trình cao như vầy mà không sơn chỉ dưới auvent mái coi trống trải quá. Bây giờ chúng tôi bồi dưỡng thêm cho người thợ nào sơn thêm mấy đường chỉ.
    – Trời ơi! ông nói giỡn, giàn giáo gỡ hết rồi, đứng đâu mà sơn.
    – Cột dây ở các cái móc thép chừa ra đó.
    – Trời ơi! rớt một cái là làm quỷ giữ hồ.
    – Ông cho tôi gặp người thợ sơn để tôi hợp đồng riêng với anh ta.
    – Tài ơi! Tài à! lại đây có chuyện.
    Có lẽ người kiến trúc sư đồng ý trả rất cao nên Tài chịu làm người hùng đu dây sơn thêm mấy đường chỉ dưới mái.
    – Rớt nhằm hồ thì không nói. Rớt nhằm tấm dalle bêtông thì nát xương như cám đấy! Ông Trường cằn nhằn.
    Mọi người đứng xem Tài làm Tarzan đu dây sơn các đường chỉ dưới mái. Tay nghề của Tài cũng khá nên dây đeo tòn teng mà vẽ các đường chỉ cũng rất chuẩn. Nhưng lời tiên đoán của ông Trường lại đúng một lần nữa.
    Khi Tài đeo ngang giữa nhà, chỗ tấm dalle bêtông đưa ra hồ nước năm mét, dây bị sút, cả Tài cùng thùng sơn rơi xuống. Mọi người thét lên kinh hãi.
    Nhưng ngay lúc đó, bóng Thái Vũ từ cửa sổ tầng bốn bay ra ôm lấy Tài. Khi hai người rơi ngang tầng ba, Vũ đạp mạnh vào auvent cửa sổ. Cái đạp của một người đã sử dụng được nội lực từ tấm bé và đã đạt được trình độ tĩnh tâm sâu thẳm, đủ sức bật cả hai người ra xa khỏi phạm vi tấm dalle và rơi tỏm xuống hồ trong tiếng hò reo vang dậy của mọi người. Thùng sơn rơi xuống đổ văng tung tóe cả tấm dalle. 
Tài mất tinh thần đến nỗi bơi không được. Vũ phải cặp Tài bơi vào dalle. Mọi người kéo họ lên.
    Tội nghiệp Tài xanh mặt không còn một chút máu. 
Vũ nhìn mặt Tài và chợt nhớ tới thằng bé năm năm về trước bị Tài đánh và toan lấy cây đập. Gương mặt nó cũng tái xanh như vậy.
    Bây giờ thì Vũ trở thành thần tượng cho mọi người trên mọi lãnh vực. Họ ca ngợi chàng đủ mọi khía cạnh… 

xem tiếp: TRỞ LẠI THIÊN ĐƯỜNG

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...