Tôi
tên là Sinuhe, câu chuyện tôi kể lại sau đây là chuyện của tôi, một người Ai Cập,
mặc dù hiện nay tôi không còn được sống tại quê hương của tôi nữa.
Tên tuổi tôi đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong các đền đài, lăng tẩm,
văn kiện, bia đá, và có lẽ hiện nay không còn ai nhắc nhở gì đến tôi nữa. Tôi
viết lại chuyện này không phải để phục hồi tên tuổi cho tôi nhưng vì tôi thấy cần
phải ghi lại các biến cố đã xảy ra tại quê hương tôi một cách trung thực, để thế
hệ sau có thể biết rõ về những biến cố trong buổi giao thời lịch sử này. Tôi hy
vọng nhờ thế họ có thể học hỏi, tránh không đi vào các vết xe cũ, những lỗi lầm
xưa.
Người Ai Cập có thành ngữ: "Kẻ nào đã từng uống nước sông
Nile thì không thể uống nước ở đâu được nữa." Quả thế, tuy sống tại Hy Lạp
nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập, quê hương thân yêu của tôi. Mặc
dù hiện nay được giải khát bằng những loại rượu nho thơm ngon nhất của Hy Lạp
nhưng không bao giờ tôi có thể quên được hương vị trong mát, ngọt ngào của những
bình nước được múc lên từ sông Nile, giòng sông mà người Ai Cập thường gọi là
"mẹ Nile", một danh từ tràn đầy thương yêu, không bút mực nào có thể
tả xiết.
Tôi xin bắt đầu câu chuyện của tôi…
° ° °
Tôi là một đứa bé Ai Cập sống tại thành Thebes. Hôm đó đang chạy
nhảy nô đùa cùng những đứa trẻ đồng tuổi ngoài phố thì mẹ tôi gọi:
- Này Sinuhe, cha muốn con trở về nhà ngay.
Cha tôi là Sen Moot, một y sĩ nổi tiếng đã được huấn luyện tại
Abydos, trung tâm giáo dục nổi tiếng nhất tại Ai Cập lúc đó. Mặc dù đỗ thủ
khoa, được coi là một trong những y sĩ giỏi nhất nước, nhưng không như các bạn
đồng nghiệp, chỉ tiếp bệnh nhân thuộc thành phần giàu có, cha tôi lại chọn một
khu xóm bình dân để mở phòng mạch. Ông không đòi hỏi một giá biểu nhất định như
các y sĩ đương thời, mà chỉ đặt một hòm gỗ trước cửa phòng khám bệnh để bệnh
nhân có thể tùy ý, muốn bỏ vào đó bao nhiêu tiền cũng được.
Có hôm sau khi đóng cửa phòng mạch, mẹ tôi mở hòm ra và chỉ thấy
vài đồng xu lẻ, vừa đủ mua một con cá ngoài chợ. Thấy bà có vẻ thất vọng, cha
tôi đã khuyên:
"Chúng ta còn sung sướng chán, ít ra cũng có một con cá để
ăn bữa chiều."
Mẹ tôi nhẹ nhàng giải thích: "Em không cần ăn nhiều nhưng
thằng Sinuhe cũng cần phải có thức ăn bổ dưỡng, nó đang tuổi lớn."
Cha tôi bật cười rồi vỗ mạnh lên vai tôi một cách tự hào:
"Bà đừng lo, nó chỉ cần uống vài thang thuốc bổ của ta bào chế là đủ. Xem
chừng bà không mấy tin công hiệu của các thang thuốc bổ của ta thì phải?"
Mẹ tôi lắc đầu: "Đâu phải em không tin nhưng trẻ con cũng cần
phải ăn chút thịt cá chứ, ăn uống mấy loại rễ cây đó mãi đâu có tốt."
Cha tôi bèn quay qua tôi âu yếm: "Này con trai, người ta ăn
để sống hay sống để ăn?"
Dĩ nhiên đã quá quen thuộc với những lời khuyên bảo này nên tôi
trả lời ngay: "Con chỉ ăn đủ để sống mà thôi."
Cha tôi bật cười sung sướng, nhấc bổng tôi lên quay mấy vòng và
reo lớn: "Thật đúng ý ta. Con ngoan lắm!"
Tuy nhiên không phải ngày nào tình trạng tài chánh cũng bi đát
như thế. Mỗi khi có những đoàn lái buôn từ phương xa ghé qua thành phố thì chiếc
hòm gỗ của cha tôi thường chứa đầy những đồng tiền vàng, tiền bạc. Thấy mẹ tôi
lúi húi đếm tiền, cha tôi ân cần nhắc nhở: "Này em, chúng ta chỉ nên giữ một
món tiền nhỏ, vừa đủ ăn tiêu trong vòng bảy ngày thôi, còn dư ra bao nhiêu em
đem phân phát cho những người nghèo khó hơn chúng ta." Mẹ tôi mỉm cười đồng
ý rồi cúi xuống đống bạc trước mặt, chia ra làm hai phần không đều nhau, phần
nhỏ bà cất đi để dành chi dùng, phần kia sẽ được đem ra phân phát cho người
nghèo trong xóm.
Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc nhưng ngay từ
nhỏ bà đã không thích nếp sống xa hoa phung phí này. Bà thường dành nhiều thì
giờ chăm lo săn sóc những kẻ nô lệ hay người nghèo khó trong xã hội. Tôi nghe kể
có lần ông ngoại tôi mua cho bà một chiếc vòng ngọc rất quí nhưng bà đã đem bán
chiếc vòng đó đi, lấy tiền mua thuốc giúp nhưng kẻ nô lệ đang mắc bệnh thời
khí. Sự kiện này khiến ông ngoại tôi nổi giận lôi đình và có ý trừng phạt bà thật
nặng. May thay, tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm đến cha tôi, người y sĩ mà bà
tìm đến mua thuốc. Cha tôi bèn cầu hôn. Lúc đầu mẹ tôi từ chối vì bà vẫn có ý định
trở nên một nữ tu trong đền thần Isis. Tuy nhiên vì lý do gì đó mà cha tôi đã
thuyết phục được mẹ tôi bỏ ý định này. Sau hôn lễ, cha mẹ tôi rời thủ đô
Memphis dọn đến Thebes, mở phòng khám bệnh tại khu phố bình dân này. Cả hai cha
mẹ tôi đều phát nguyện sống thanh bần để phụng sự nhân loại.
Hôm đó khi vừa về đến nhà thì tôi thấy cha tôi đang cạo tóc cho
một bệnh nhân. Có lẽ đã được uống một thang thuốc mê nên hai mắt y nhắm nghiền
như đang say ngủ. Cha tôi thong thả tuyên bố:
- Này Sinuhe, năm nay con đã lên bảy tuổi rồi, không còn là một
đứa bé nữa. Kể từ nay, con sẽ phụ việc cho ta và ta muốn con quan sát những
phương cách chữa trị hiếm có. Ngày hôm nay, ta sẽ mổ sọ cho bệnh nhân này…
Sống trong căn nhà nhỏ, vỏn vẹn có hai phòng, tôi không lạ gì
công việc chữa trị của cha tôi. Không những tôi rất quen thuộc với những dụng cụ
y khoa mà còn biết cả tên những chậu dược thảo hay các vị thuốc mà ông đích
thân bào chế nữa. Tôi đã chứng kiến cha tôi chẩn bệnh, chữa bệnh, bào chế thuốc,
băng bó cho các bệnh nhân trật tay, gẫy chân. Đã có lần tôi xem cha tôi đỡ đẻ
cho một sản phụ và giải phẫu cho một người có bướu trong ruột, nhưng mổ sọ người
là việc hiếm có chưa từng thấy.
Nhìn vẻ mặt đầy thích thú của tôi, cha tôi gật đầu và nói một
cách hãnh diện:
- Này con trai, mổ sọ người là một việc vô cùng khó khăn mà rất
ít y sĩ có thể làm được. Tuy nhiên đây là môn sở trường của ta, vì thế ta muốn
con phụ giúp ta trong cơ hội hiếm có này.
Ông lấy ra một chiếc hộp lớn chứa đầy những dụng cụ giải phẫu kỳ
lạ và bắt đầu giải thích công dụng của từng cái một. Tôi im lặng theo dõi và đặt
câu hỏi mỗi khi không hiểu rõ. Cha tôi giải thích từng chi tiết cho đến khi cuộc
giải phẫu bắt đầu. Ông đặt những dụng cụ này vào một chiếc đĩa bằng đồng, rắc
lên đó một chút hương liệu và châm lửa đốt. Tôi nín thở theo dõi những ánh lửa
màu xanh liếm quanh những con dao mổ hình thù kỳ lạ. Không khí trong căn phòng
đột nhiên trở nên im lặng khác thường. Cha tôi thong thả làm việc. Vừa làm ông
vừa giải thích và sau cùng ông dừng tay đưa mắt nhìn tôi, chậm rãi nói:
- Này Sinuhe, con có sợ không?
Tôi lắc đầu. Cha tôi mỉm cười đặt lưỡi dao lên sọ bệnh nhân:
- Tốt lắm! Trong nghề này, việc giáp mặt với cái chết là lẽ thường,
không có gì phải sợ hãi. Khi ta khởi sự làm việc này thì thần chết cũng đã lảng
vảng quanh đây rồi. Ta và y sẽ bắt đầu một cuộc so tài và kết quả ra sao khó có
thể biết trước được.
Ông khởi sự bằng những đường mổ quanh đầu bệnh nhân rồi lấy ra một
cái búa nhỏ khẽ gõ quanh đầu bệnh nhân mấy cái. Trước cặp mắt kinh ngạc của
tôi, ông thong thả nhấc hẳn mảng sọ ra khỏi đầu bệnh nhân một cách nhẹ nhàng
như người ta nhắc nắp vung ra khỏi cái nồi. Ông chỉ vào một vết bầm màu xám
trong bộ óc:
- Con hãy xem đây… Bệnh nhân này bị một cái bướu đè lên màng óc
nên y không thể nói năng được nữa. Khi cắt cái bướu này đi thì y sẽ phục hồi và
có thể nói được như thường.
- Tại sao như thế?
- Có lẽ cái bướu này ngăn trở sự lưu thông của huyết mạch liên hệ
đến các giác quan nói trên.
- Nhưng cái bướu đó ở đâu ra? Làm sao nó lại có thể chui vào sọ
của bệnh nhân được?
- Nếu xét về nguyên nhân bệnh trạng thì vô chừng, không thể giải
thích ngay được. Sau này ta sẽ giải thích cho con nhưng hiện nay không phải là
lúc.
Ông hít một hơi dài như để định thần rồi bắt đầu làm việc. Tôi
im lặng theo dõi từng cử chỉ của ông với vẻ thán phục. Thỉnh thoảng ông ra lệnh
cho tôi mang đến cho ông một ít thuốc cầm máu hay vài dụng cụ mà ông không thể
với tay lấy được. Không khí trong phòng dần dần trở nên căng thẳng, tôi thấy
trán của cha tôi lấm tấm mồ hôi nhưng mắt ông vẫn không rời vết thương, hai tay
ông vẫn thoăn thoắt làm việc. Sau cùng ông ngưng lại ngắm nghía công trình của
mình rồi bật lên một tràng cười sảng khoái:
- A ha! Lần này thì ta lại lừa được gã thần chết một lần nữa rồi.
Dĩ nhiên không phải lần nào cha tôi cũng may mắn như vậy. Kể từ
khi trở nên người phụ tá cho ông, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tranh đấu đầy
gay go giữa ông với thần chết. Có khi cha tôi thắng nhưng cũng có lúc ông đành
bó tay sau khi đã tận lực cứu chữa. Nhìn những thể xác nằm bất động, tôi thắc mắc:
- Tại sao người ta lại chết?
Cha tôi thản nhiên trả lời:
- Con hỡi, đã sinh ra ai chẳng phải chết. Điều khác biệt chỉ là
vấn đề thời gian mà thôi. Người chết sớm, kẻ chết muộn nhưng trước sau ai cũng
chết…
- Nếu vậy thì cứu chữa làm gì nếu trước sau ai cũng chết?
Cha tôi nheo mắt nhìn tôi với vẻ thích thú rồi nói:
- Bởi thế mới có cuộc so tài giữa y sĩ và thần chết để kéo dài
thêm thời gian.
- Nhưng rốt cuộc thần chết vẫn thắng vì trước sau ai cũng phải
chết.
- Đúng thế.
- Nếu vậy tại sao cha lại tốn công nhọc sức làm gì?
- Điều này ta không thể nói được mà con phải tự tìm ra.
- Tại sao đã biết, cha lại không thể nói ra được?
Cha tôi dịu dàng nhìn tôi một lúc rồi thong thả nói:
- Con hỡi, cuộc đời là một bài toán hết sức phức tạp mà trong đó
mỗi người phải tự tìm kiếm ra câu giải đáp cho mình. Kẻ nào không biết sử dụng
đời mình để tìm kiếm ra câu giải đáp đó thì thật không đáng sống chút nào. Đời
sống vốn là một sự bí mật, đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng, và đó chính là
ý nghĩa chân thật nhất của đời sống.
- Nhưng sau khi chết, người ta đi về đâu?
Cha tôi im lặng như suy nghĩ rồi nói một cách chậm rãi:
- Này con trai, có một khoa học của sự sống và cũng có một khoa
học của sự chết. Điều ta được truyền dạy là khoa học của sự sống, do đó trọn đời
ta chỉ nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp, cùng các loại dược thảo có công hiệu
chữa trị và kéo dài sự sống mà thôi. Đối với những người nghiên cứu khoa học của
sự chết thì đối tượng của họ là một thế giới khác hẳn với thế giới của ta. Họ
nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp làm cho những sự vật vô hình trở nên hữu
hình, khám phá các định luật huyền bí trong vũ trụ, đi vào các cõi giới xa xăm
để bào chế các chất liệu bí mật rồi sử dụng vào những điều mà ta không biết rõ
vì nó ở ngoài khả năng hiểu biết của ta.
Từ khi trở nên người phụ tá cho cha tôi thì tôi ít có cơ hội ra
phố chạy nhảy, chơi đùa với những đứa bé cùng xóm như trước nữa. Tuổi thơ của
tôi trôi qua rất nhanh. Những trò chạy nhảy, bơi bội, đánh chuyền… đã được thay
thế bằng những phương pháp chẩn bệnh, định bệnh và bào chế các vị thuốc lấy ra
từ những lá cây, rễ cây mà cha tôi gửi mua từ những nơi rất xa. Thỉnh thoảng
cũng có khi cha tôi phải đích thân đi hái thuốc. Những lần như thế, có khi ông
đi cả tháng mới trở về nhà. Khi ông đi vắng, tôi lại có dịp nô đùa với những đứa
bé cùng tuổi trong xóm nhưng các trò chơi này không còn quyến rũ tôi như trước
nữa. Giáp mặt thường xuyên với cái sống và cái chết, tôi trở thành một đứa bé
hay tư lự, suy nghĩ với những điều mà một đứa bé cùng tuổi ít khi nào nghĩ đến.
Một hôm cha tôi đi vắng, mấy đứa bạn cùng xóm rủ tôi đi câu cá ở
một chiếc hồ phía bắc thành phố. Trong lúc chúng tôi đang câu thì có một đám trẻ
khác ở đâu cũng mang cần câu đến. Thấy chúng tôi, một đứa bé to lớn lực lưỡng,
trông có vẻ như tên cầm đầu nhóm kia, đã xông đến quát nạt:
- Mấy thằng kia, ai cho phép chúng mày câu cá ở đây?
Thấy dáng điệu hung hăng của đám trẻ kia, chúng tôi vội thu hồi
cần câu lại, toan bỏ đi nhưng không kịp nữa, đám trẻ kia đã xông đến cướp lấy rổ
cá mà chúng tôi vừa câu được. Thằng bé to lớn quát:
- Hồ này là của chúng ta, cá trong hồ cũng thuộc quyền của chúng
ta. Ai cho phép chúng mày được câu?
Mấy đứa tôi sợ hãi nên tình nguyện đưa hết mấy rổ cá cho chúng
nhưng thằng đầu đảng vẫn ra lệnh:
- Tịch thu luôn cả cần câu của bọn chúng.
Tuy tiếc rẻ nhưng trước vẻ hung hăng của đám trẻ kia, chúng tôi
đành líu ríu đưa cần câu cho chúng. Bọn chúng được thể, xông đến lục soát túi
quần túi áo của chúng tôi, xem chúng tôi còn cất giấu những gì. Chúng tịch thu
thêm được vài chiếc bánh, vài lưỡi câu và mấy món đồ chơi vặt vãnh. Nhìn vẻ mặt
ngơ ngác đầy sợ hãi của chúng tôi, thằng cầm đầu thích thú ra lệnh:
- Mấy đứa mày cởi quần áo ra, ta tịch thu luôn cả quần áo của bọn
mày để trừng phạt tội đã đến câu tại hồ của tao.
Tuy sợ hãi nhưng tôi cũng cố năn nỉ:
- Các anh đã lấy cần câu và cá của chúng tôi rồi thì hãy để cho
chúng tôi đi.
Nghe thấy thế, thằng cầm đầu bèn ra oai bằng cách xông tới đấm
vào mặt tôi khiến tôi loạng choạng, máu mũi tuôn xối xả. Hắn cười lớn:
- Đó là bài học cho những đứa dám cãi lời tao.
Tôi vừa đưa vạt áo lên chùi mặt thì thằng này đã tiện chân đá
tôi thêm một cái nữa khiến tôi ngã lăn ra đất. Trong lúc cố gắng đứng dậy thì
tôi thấy một đứa bé cởi trần, chỉ khoác một cái khố nhỏ, tay xách cần câu ở đâu
đi đến. Đứa bé vừa thả cần câu xuống hồ vừa hỏi:
- Tại sao chúng mày lại đánh nhau vậy?
Một đứa trong bọn kia lên tiếng:
- Này thằng kia! Ai cho phép mày đến câu cá ở đây như thế? Mày
muốn chung số phận với những thằng này hay sao?
Thằng bé mới đến ngạc nhiên:
- Tại sao lại thế được? Tao vẫn thường câu cá ở đây và có ai cấm
đâu?
Đám trẻ bật cười khoái chí, đứng bao quanh thằng bé cởi trần:
- Hồ này là của bọn tao, tất cả tôm cá trong hồ cũng là của bọn
tao và đứa nào đến đây câu cá cũng đều phải nộp hết tôm cá cho bọn tao.
Thằng bé mới đến cười nhạt:
- Thì ra thế! Tao không biết cá trong hồ này là của chúng mày.
- Thì mấy đứa này không biết, dám đến câu nên mới bị trừng phạt
đấy!
Thằng bé nghe xong, gật gù như vừa tìm ra điều gì thích thú lắm:
- May quá! Tao đang muốn biết xem ai làm chủ cái hồ này. Hôm qua
tao câu được mấy con cá ở hồ này mang về ăn thì bị đau bụng nên đang muốn tìm
xem ai là chủ mấy con cá đó để bắt đền đây.
Trước cặp mắt kinh ngạc của đám trẻ kia, thằng bé cởi trần lạnh
lùng:
- Chúng mày phải để mọi thứ lại đây cho tao, nếu không chớ có
trách.
Tình thế trở nên căng thẳng. Đám trẻ kia vội vã bỏ chúng tôi
xoay ra vây quanh thằng bé cởi trần. Thằng bé này không hề sợ hãi, chỉ cười nhạt:
- Tốt lắm! Cả đám cùng đánh thì càng tiện!
Vừa dứt lời, hắn đã xông đến tấn công ngay thằng đầu bọn. Thằng
này cũng không phải tay vừa, hắn vừa đánh đỡ vừa quát tháo om sòm. Đám trẻ đồng
bọn vội vàng xông vào tiếp tay, bụi cát bay mù mịt. Nhóm bạn tôi nhân lúc lộn xộn,
vội kéo tôi bỏ chạy. Tuy không muốn đụng chạm nhưng tôi cũng không muốn thấy thằng
bé mới đến bị ăn đòn nên ngần ngại không chịu đi. Tôi hy vọng có thể làm được một
cái gì đó. Mấy đứa bạn tôi vừa chạy, vừa kêu lớn:
- Sinuhe, chạy mau lên!
Tôi chần chừ:
- Khoan đã, chúng ta không thể bỏ chạy như thế được.
Ngay lúc đó thằng bé cởi trần bị một đứa trong bọn xông đến ôm lấy
chân, quật nó ngã xuống đất. Đám trẻ kia mừng rỡ vội xông đến đấm đá túi bụi.
Nhìn thấy thế, tự nhiên tôi cảm thấy trong người nóng ran lên, không còn tự chủ
được nữa. Tôi hét lên rồi xông vào trợ chiến. Tôi ôm lấy chân thằng đầu đảng,
kéo nó ngã xuống đất, bất chấp những trận mưa đấm đá trút lên người. Không hiểu
sao lúc đó tôi không cảm thấy đau đớn nữa mà chỉ thấy hung hăng kỳ lạ.
Bất ngờ những quả đấm thưa dần rồi những tiếng rên la đau đớn
vang lên. Hình như đang có ai đỡ tôi dậy. Tôi giật mình mở choàng mắt ra thấy
thằng bé cởi trần đang đỡ tôi đứng dậy, còn đám trẻ kia thì đang lăn lộn dưới đất.
Thằng bé cởi trần nhìn tôi mỉm cười:
- Khá lắm! Mày can đảm lắm, nhưng tao không cần có đứa giúp. Tao
có thể tự lo lấy thân được rồi.
Hắn thong thả bước đến bên thằng đầu bọn đang nằm rên la dưới đất:
- Thế nào? Chúng mày còn muốn nằm đó chơi hay sao? Có muốn ăn
thêm mấy quả đấm nữa không?
Thằng bé kia hoảng hốt lồm cồm ngồi dậy kêu đồng bọn bỏ đi nhưng
thằng bé cởi trần đã lạnh lùng:
- Không được, chúng bay phải để lại cần câu và rổ cá lại đây.
Mấy đứa bé tiu nghỉu như mèo cụt đuôi, bỏ lại "chiến lợi phẩm"
rồi dắt díu nhau bỏ đi, nhưng tôi đã quay lại thằng bé cởi trần hỏi:
- Tại sao bạn làm thế?
Thằng bé cởi trần lạnh lùng:
- Chúng lấy cần câu của mày thì nay tao lấy cần câu của chúng chứ
có gì lạ đâu?
- Như thế… không đúng.
- Cái gì? Chúng vừa đánh mày chảy máu mũi mà mày không muốn trả
thù hay sao?
- Không, tôi không muốn như thế.
Thằng bé cởi trần nhếch miệng:
- Thế mày muốn gì?
Tôi do dự một lúc rồi ngập ngừng:
- Tôi nghĩ bạn nên trả lại cần câu cho chúng. Nếu bạn lấy cần
câu của chúng thì bạn… có khác gì chúng đâu?
Thằng bé cởi trần trợn mắt nhìn tôi một lúc rồi quay qua đám trẻ
kia:
- Chúng mày nhặt cần câu và cút ngay đi chỗ khác, tao đổi ý là
có đứa ăn đòn thêm.
Đám trẻ kia vội vã nhặt cần câu và kéo nhau bỏ đi. Thằng bé cởi
trần nhìn tôi từ đầu đến chân rồi thong thả hỏi:
- Tại sao mày lại… khác người như vậy?
Tôi bật cười vì hai chữ "tại sao". Đây vốn là câu quen
thuộc trên đầu môi, chót lưỡi của tôi. Là một đứa bé hay thắc mắc, suốt ngày
tôi thường hỏi cha mẹ tôi "tại sao" lại thế này hay "tại
sao" lại thế kia, nhưng đây là lần đầu tôi bị hỏi "tại sao" và
thấy mình không trả lời được.
Thằng bé cởi trần thong thả nhặt cần câu và rổ cá lên rồi hỏi
tôi:
- Mày tên gì?
- Tôi là Sinuhe. Còn bạn tên gì?
- Tao là Horemheb. Phải chăng mày là con của y sĩ Sen Moot?
- Phải rồi. Thế còn bạn?
Horemheb ngần ngại một lúc rồi nói:
- Tao là con của… Bitha.
- Bitha? Phải chăng… Bitha, người bán bánh ngoài chợ?
Horemheb gật đầu ngượng nghịu:
- Phải rồi, Bitha… người bán bánh.
Thấy hắn có vẻ không sốt sắng khi nói về gia thế của mình nên
tôi hỏi:
- Tại sao bạn lại không được… tự nhiên như thế?
Horemheb bực mình:
- Sao mày cứ hỏi "tại sao" mãi! Bán bánh thì có ra cái
quái gì đâu!
Tôi ngạc nhiên và theo thói quen lại hỏi:
- Tại sao?
Horemheb im lặng như suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng:
- Đáng lẽ ra cha tao phải là một… sĩ quan hay ít ra cũng là một
người lính chứ bán bánh thì có ra gì!
- Nhưng… tại sao? Đó là một nghề lương thiện.
Horemheb giận dữ:
- Lương thiện làm cái quái gì! Tao chỉ muốn cha tao là một người
hùng thôi.
- Tại sao?
Horemheb nhìn tôi một lúc rồi chậm rãi:
- Mày không thể hiểu đâu. Cha mày là một y sĩ, dù không giàu có
gì nhưng ít ra ông ta cũng được mọi người nể vì, kính trọng. Còn cha tao chỉ là
một người bán bánh rong ngoài chợ, một kẻ tầm thường, hèn mọn, không ai thèm để
ý đến.
- Nhưng như thế thì đã sao?
Horemheb trừng mắt vung tay lên đấm mạnh vào không khí:
- Đó là một điều không thể chấp nhận được. Tao không thể làm con
một kẻ hèn mọn, lúc nào cũng khúm núm trước những mụ đàn bà vừa mua bánh vừa
chê ỏng, chê eo. Tao không thể làm con một kẻ cúi rạp mình xuống cám ơn những
tên nô lệ, vừa đi mua bánh cho chủ, vừa kỳ kèo bớt một thêm hai để ăn xén tiền
chợ. Tao không thể làm con một kẻ quì mọp xuống năn nỉ những tên chủ nợ mập ú,
chuyên cho vay lấy lãi cắt cổ. Tao không thể làm con một kẻ nịnh bợ những kẻ đi
thâu thuế chợ vừa tham lam, vừa hống hách. Tao không thể là con của một thằng
bán bánh tầm thường như thế được!
Tôi đứng im không biết phải nói gì để an ủi Horemheb. Đây là lần
đầu tiên tôi biết giữ im lặng thay vì lên tiếng hỏi như thường lệ. Chúng tôi gật
đầu chia tay nhau một cách ngượng nghịu, không ai nói thêm câu gì.
Chiều hôm đó, sau bữa cơm, tôi đã mang câu chuyện này ra kể cho
mẹ tôi. Bà trầm ngâm một lúc rồi chép miệng:
- Tội nghiệp thằng Horemheb!
- Tại sao?
- Nó là một đứa bé đáng thương. Nó chưa biết gì về mình mà đã lo
chạy đuổi theo những ảo tưởng điên rồ.
- Tại sao?
- Dù muốn hay không, nó cũng là một phần của cha mẹ nó. Nó không
thể phủ nhận cha mẹ của nó được. Phủ nhận cha mẹ có khác gì phủ nhận chính
mình.
- Tại sao?
- Này Sinuhe, một ngày nào đó con sẽ hiểu điều ta muốn nói.
Tôi sà vào lòng mẹ:
- Con thì không như thế đâu! Con rất hãnh diện được làm con của
mẹ.
Không hiểu sao mẹ tôi bỗng bật lên khóc, bà tiếp tục khóc và ôm
chặt lấy tôi một lúc rất lâu.
° ° °
Vài hôm sau Horemheb đến rủ tôi đi câu cá. Tôi giữ ý không nhắc
gì đến câu chuyện hôm trước, và từ đó tình bạn giữa hai chúng tôi nảy nở mỗi
ngày một thắm thiết. Từ khi quen Horemheb, tôi đã học hỏi được nhiều điều mới lạ.
Horemheb là một đứa bé từng trải giang hồ, giao thiệp nhiều, quen biết rộng. Hắn
đưa tôi đi dạo chơi khắp thành Thebes, gần như chỗ nào hắn cũng biết, gặp ai hắn
cũng quen, nhưng thường hắn chỉ thích quanh quẩn gần mấy trại lính, xem thao diễn
quân sự hoặc tập luyện võ nghệ mà thôi. Đối với một đứa bé nhút nhát, từ nhỏ chỉ
quanh quẩn ở nhà bên cha mẹ thì việc giao du với Horemheb đã mở ra cho tôi một
khung trời mới lạ với nhiều thích thú. Vì Horemheb đến nhà tôi chơi thường
xuyên nên cha mẹ tôi cũng đối đãi với hắn như một người con trong nhà. Có khi hắn
sống ở nhà tôi cả tuần lễ hay nửa tháng.
Thời gian êm đềm trôi. Một hôm sau bữa cơm chiều, cha tôi lên tiếng:
- Sinuhe, năm nay con đã được mười sáu tuổi rồi. Con đã phụ giúp
ta trong mấy năm qua và đã học hỏi rất nhiều về cách chữa trị của ta, bây giờ đến
lúc con phải đi Abydos để học thêm. Con hãy cố gắng học hỏi và đừng bao giờ
quên rằng sứ mạng thiêng liêng của một y sĩ là phụng sự nhân loại và phụng sự
không ngừng.
Đã được dạy dỗ từ nhỏ về việc này nên tôi không ngần ngại:
- Cha đừng lo! Những điều cha dạy con luôn ghi nhớ.
Cha tôi im lặng quan sát tôi một lúc rồi chậm rãi:
"Này Sinuhe, trước khi con lên đường đi học xa, ta có mấy lời
khuyên và con phải ghi nhớ cho kỹ. Để trở nên một người sở hữu những kiến thức
đặc biệt, con cần phải trau dồi tính kiên nhẫn. Nếu không kiên nhẫn, chịu đựng
thì con không thể đi xa được. Đó là lời khuyên thứ nhất.
Khi vượt qua thử thách này, con sẽ phải học thêm tính khiêm tốn.
Chỉ khi nào biết khiêm tốn, nhũn nhặn thì con mới học hỏi được những điều cao thượng,
quí báu. Đây là lời khuyên thứ hai.
Sau đó, con phải chuyên cần, học hỏi không ngừng và biết rút tỉa
bài học từ những đắng cay cũng như vui sướng mà cuộc sống đem đến. Này Sinuhe,
cuộc đời là một trường học vĩ đại mà trong đó phần lớn con người chỉ học được
các bài học cần thiết qua yếu tố đau khổ. Đó là lời khuyên thứ ba của ta.
Nếu con biết áp dụng cả ba lời khuyên này thì con có thể giải
quyết được câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Đây là một câu hỏi quan trọng mà ít
ai có thể giải đáp được nhưng nếu con thành công thì tất cả mọi chân lý trong
vũ trụ này sẽ phơi bày ra cho con, và con hỡi, lúc đó không có một điều gì là
không tốt đẹp, mỹ lệ hay hoàn hảo cả. Đó chính là ý nghĩa bí mật của "khoa
học của sự sống" mà ta đã được truyền dạy."
- Con xin ghi nhận lời cha khuyên bảo.
- Tốt lắm! Ngày mai chúng ta sẽ lên đường đi Abydos. Ta đã lo mọi
thủ tục nhập học cho con rồi.
- Tại sao lại ngày mai? Như vậy có sớm quá không?
Cha tôi ngạc nhiên:
- Ta đã thu xếp chuyến xe đi Abydos rồi. Con muốn gì nữa?
Tôi ngần ngại một lúc rồi lên tiếng:
- Con không biết cha đã sắp đặt trước như vậy. Nếu ngày mai lên
đường thì con muốn đến từ giã Horemheb.
Mẹ tôi gật đầu:
- Phải rồi, con đến từ giã Horemheb đi. Chắc con đi xa hắn sẽ nhớ
lắm đấy! Mọi hành trang cứ để mẹ thu xếp cho.
Khi nghe nói về việc đi học tại Abydos, Horemheb im lặng một lúc
rồi chua chát nói:
- Tao biết trước sau gì mày cũng đi Abydos. Bọn y sĩ chúng mày đều
như thế cả, cha làm y sĩ thì con cũng làm y sĩ. Rồi mày sẽ trở nên một người có
địa vị trong xã hội, mày sẽ được mọi người kính nể, sẽ có nhiều tiền, ở nhà lớn,
có vợ đẹp con khôn, rồi có rất nhiều nô lệ hầu cận…
- Tao sẽ theo gương cha tao, chỉ làm y sĩ cho người nghèo.
Horemheb nheo mắt nhìn tôi rồi cười nhạt:
- Bây giờ thì mày nói thế nhưng khi tốt nghiệp thành một y sĩ
thì mày sẽ nói khác. Theo thời gian chẳng có ai lại không thay đổi.
- Nhưng tao khác.
- Được lắm! Để xem lúc đó mày còn nhớ đến thằng Horemheb, con
nhà bán bánh nghèo hèn này không!
- Trước sau gì tao vẫn là Sinuhe, thằng bạn của mày.
Horemheb nhún vai, lạnh lùng:
- Rồi đến lúc đó sẽ hay.
Tôi khẳng khái nắm chặt lấy tay hắn:
- Này Horemheb, ngoài mày ra tao chẳng có đứa bạn thân nào. Nếu
không chơi với mày thì tao chơi với ai? Mày có thể nghĩ gì về tao cũng được,
nhưng đừng bao giờ mày nghĩ rằng tao sẽ thay đổi hay coi thường mày. Tao xin thề
trước mặt thần Osiris, lúc nào cũng coi mày như người bạn thân nhất của tao. Thật
ra tao vẫn coi mày như một người anh… phải rồi, một người anh lớn thì đúng hơn.
Horemheb có vẻ cảm động. Hắn im lặng một lúc rồi xiết chặt tay
tôi:
-
Được lắm! Hay lắm! Tao Horemheb, cũng xin thề trước mặt thần Osiris từ nay sẽ
coi mày như một đứa em. Tao thề sẽ hết lòng bảo vệ mày, dù gặp khó khăn trở ngại
thế nào, tao cũng lo cho mày như một đứa em ruột thịt. Mạng sống của mày là mạng
sống của tao, đứa nào đụng chạm đến mày tức là đụng chạm đến tao, và thằng
Horemheb này sẽ không để cho nó yên.
mời xem tiếp: * Chương 2
mời xem tiếp: * Chương 2
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...