SỔ TAY CÂN BẰNG NĂNG LƯỢNG


Bắt đầu là “bệnh từ miệng mà vào...”

Con người sống khỏe hay bệnh tật phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống. Nếu biết sớm những lời khuyên "đắt giá" này, sẽ phòng tránh được những hiểm họa đáng tiếc do thực phẩm gây ra.

Đông y có câu nói nổi tiếng: “Bác sĩ tốt nhất của bạn là chính mình, bệnh viện tốt nhất của bạn là nhà bếp”. Điều này là để nhắn nhủ mỗi người hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và đánh giá tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách.

Theo nghiên cứu của Quỹ ung thư Thế giới, có một sự liên hệ mật thiết giữa việc ăn uống với bệnh tật, nhất là bệnh ung thư. Hàng năm, có đến hơn 33% người chết vì ung thư có nguyên nhân xuất phát từ việc ăn uống thiếu lành mạnh. Có hơn 30 loại bệnh thuộc về ung thư đều xuất phát từ việc ăn uống không đúng cách mà ra...

“Nhương tuế đa bệnh, cơ niên thiếu tật” (năm được mùa nhiều bệnh, năm mất mùa ít bệnh)

Dường như đời sống vật chất, thực phẩm dư dã luôn có tỉ lệ nghịch với sức khoẻ. Bởi dư dã chưa chắc đã có chất lượng, và đó là hiện trạng của thị trường thực phẩm hiện nay. Vật chất dư dã, tiện ích cũng đồng nghĩa môi trường, các điều kiện sống còn, khí thở... càng kém hơn. “Mùa nào thức ấy” câu nói này có vẻ hợp lý với ngày xưa hơn, cái thời ông bà ta còn khốn khó hơn là ngày nay. Ngày nay, cứ có tiền thì muốn gì có nấy, còn chất lượng thì miễn bàn, chủ yếu là thoả mãn được cái lưỡi háu ăn, còn chuyện gì thì tính sau. Vì nguồn thực phẩm dồi dào nhưng kém chất lượng như hiện nay (hoá chất, độc tố, kém chất...) đã là yếu tố trở ngại cho việc duy trì sức khoẻ con người.

“Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ, chưa nằm giường bệnh chưa biết thở than”. Cũng vì lẽ đó, việc ăn tạp, uống tạp, sống tạp của con người hiện nay thể hiện đúng nghĩa của câu nói: “bệnh từ miệng mà vào”.

Như một cỗ máy được vận hành hài hoà nhờ vào tính ráp nối và liên kết của nhiều bộ phận và chi tiết khác nhau với những chức năng, chức trách khác nhau mà thành thì thể xác con người cũng không khác gì như thế.

Với con mắt của Đức Phật thì xác thân này được cấu tạo bởi bốn thành phần chính, là: Đất, Nước, Lửa và Gió, thì qua con mắt của Thầy Phạm Kim Tám thể xác này cũng là kết cấu bởi bốn thành tố năng lượng cơ bản: Tinh Bột (Glucid) - Đạm (Protein) - Chất Béo (Lipid) và Đường (Glucose). Muốn thể xác này có được mạnh khoẻ từ sự hoà hợp và cân bằng trong tính tương sinh và tương khắc, chúng ta cần phải biết lắng nghe và ghi nhận (chánh niệm) những biểu hiện do nội sinh bộc lộ ra bên ngoài rồi từ đó biết phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Để làm được điều đó không phải là dễ dàng khi cái biết của chúng ta nào giờ chỉ hướng ra và chỉ ghi nhận được những gì diễn ra trước mắt hơn là biết nhìn vào và lắng nghe bên trong.

Do vậy, bất cứ thứ gì muốn điều chỉnh thì trước hết ta phải biết và hiểu một chút về nó. Trong những lần tìm kiếm những bài viết về y lý trên mạng Internet để nâng cao sức khỏe bản thân, chúng tôi tình cờ bắt gặp những bài viết ngắn và rải rác trong những lần Thầy Phạm Kim Tám tư vấn với các bệnh nhân, tuy nội dung chỉ là những nét phát họa sơ bộ và ngắn gọn nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung, hiểu biết và tự điều chỉnh nơi bản thân mình sao cho cân bằng.

Qua những phân tích và luận giải của Thầy P.K Tám, chúng ta thấy nó có vẻ rất khác và trái ngược với những kiến thức và cái cách mà Tây y can thiệp đang phổ biến hiện nay. Ví dụ theo quan điểm của Tây y thì khuyên phải giảm ăn đường, giảm ăn tinh bột và  kiêng béo, phải biết ăn “2 giàu 1 nghèo”, “hoặc 4 nhiều 3 ít”… nếu như ai đó không muốn bị tăng cân, béo phì, phát sinh bệnh tật hay bị đái tháo đường. Nhưng qua cách phân tích của Thầy P.K Tám, nếu chúng ta chịu lắng nghe và chịu suy nghiệm rồi thử một lần áp dụng cho bản thân, chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực hơn trong việc điều chỉnh lại cách ăn uống của mình.

Cũng như hàng hóa và thực phẩm dồi dào trên thị trường hiện nay, thì những thông tin về y lý, y khoa, các phương pháp, phương thức chữa trị, cũng như những nguyên tắc về dinh dưỡng, những lời khuyên, lời dạy kiêng cử ngăn ngừa nhằm giữ gìn sức khoẻ cho con người cũng dồi dào không kém và ngập tràn trên sách báo, trên các phương tiện thông tin. Phải nói nó như một cái kho vô tận. Xét cho cùng, thông tin nào cũng hay và cũng hữu lý. Ai cũng có thể thấy, nghe, xem tận mắt và nếu muốn, người ta cũng dễ dàng áp dụng cho bản thân mình, nhưng chất lượng sức khoẻ còn tuỳ thuộc cách ứng dụng của mỗi người và không ai dám khẳng định hiệu quả.

Dù sở hữu một nền y học hiện đại với nhiều thiết bị và các phát minh giàu tính công nghệ hiện nay, nhưng hiện trạng bệnh tật càng ngày càng tăng và xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Do đó, hiện đại nhưng không thuận với quy luật của tự nhiên, của tạo hóa thì dẫn đến càng chữa, càng can thiệp, kết quả càng trở nên rối rắm và tồi tệ hơn.

Ngày nay, bệnh viện, phòng khám công – tư - quốc tế tại Việt Nam nói riêng mỗi năm mọc lên như nấm sau mưa, nhưng cứ nhìn vào các khoa nơi bệnh viện, khoa nào cũng đầy ắp bệnh nhân, mà đa phần toàn là người ăn thịt cá, hải sản, đặc sản... Dĩ nhiên người ăn chay và ăn chay trường cũng mắc bệnh, vì với một môi trường thực phẩm ngậm quá nhiều hóa chất độc hại hiện nay, chúng ta khó có thể loại trừ khả năng gây ra tật bệnh từ sự tích trữ độc chất lâu ngày rồi sản sinh…

Sau một thời gian theo dõi các bài viết của Thầy P.K Tám và với cái nhìn của riêng mình, chúng tôi  nhận thấy các bài viết rất hữu ích, đồng thời cũng được sự khuyến khích của Thầy P.K Tám, chúng tôi dành thời gian tổng hợp lại và chuyển ngữ từ văn nói sang văn viết nhưng vẫn giữ lại đúng nội dung, đồng thời sắp xếp lại sao cho câu văn tròn mạch và tạm đặt tên “Sổ Tay CÂN BẰNG NĂNG LƯỢNG” chỉ mong nếu ai đó đọc được thì sẽ dễ hiểu và nắm rõ hơn…

Theo định luật vật chất dù hình thức nào cũng đòi hỏi yếu tố CÂN BẰNG. Do vậy, những nội dung trong cuốn SỔ TAY này cũng chỉ xoay quanh làm sao để CÂN BẰNG NĂNG LƯỢNG trong cách ăn uống và cách sinh hoạt thường ngày, để rồi sẽ có một sức khỏe đẹp và tốt hơn.

Mời mọi người cùng tham khảo!

Trân trọng

----------------------------

Kính chia sẻ đến mọi người

H.K 

tải sách về tại đây: https://drive.google.com/drive/folders/1iXh1rKAuX5-5qZa7Rpnml5nIF0tRTMcp


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...