CÁI BẪY KHỈ - NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU

Ở Trung quốc, những con khỉ bị bắt một cách rất đặc biệt. Thoạt tiên người đánh bẫy lấy một quả dừa. Rồi ông ta đục một cái lỗ bên hông vừa đủ cho tay thò vào khi tay không nắm lại. Rồi ông bỏ ít đậu phọng vào trong trái dừa và đặt trái dừa vào một nơi mà khỉ thường hay tới. Trước khi bỏ trái dừa lại, ông rắc một ít đậu phọng ở chung quanh trái dừa.

Sớm muộn gì một chú khỉ tò mò sẽ mò tới. Thoạt tiên nó sẽ ăn những hột đậu phọng trên mặt đất. Rồi nó sẽ tìm thấy quả dừa và thấy dừa chứa đầy đậu phọng. Khi khỉ thò tay vào lỗ để lấy những hạt đậu, nó sẽ không thể rút tay ra vì tay nó bây giờ đang nắm giữ đầy các hột đậu. Dù cố gắng để xoay xở và rút tay ra nhưng nó không thể thoát được. Nó sẽ kêu gào lớn tiếng và trở nên rất lo lắng.

Điều các con khỉ phải làm là hãy buông bỏ các hạt đậu để được tự do, nhưng nó sẽ không muốn làm điều đó. Trong tình trạng như vậy, khỉ bị người đánh bẫy tóm bắt dễ dàng.

Chúng ta giống như con khỉ. Chúng ta muốn thoát khỏi khổ đau, nhưng chúng ta lại không muốn buông bỏ những ham muốn của chúng ta, những ham muốn đó thường gây cho chúng ta nhiều rắc rối.


Chúng ta cười khi một con khỉ mắc tay vào trái dừa chỉ vì miếng ăn, cố hết sức bình sinh để rút tay ra mà không chịu buông tay để bảo toàn mạng sống. Càng cố sức vùng vẫy để được tự do mà không muốn bỏ miếng thức ăn trên tay trong khi người thợ săn đang đi đến gần, con khỉ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Con khỉ bị nạn chỉ vì nó mong đạt được điều muốn là miếng thức ăn quyến rũ mời gọi ở bên trong, chứ bản thân trái dừa không được thiết kế là cái bẫy mà hễ ai động đến là bị mắc nạn cả.

Xưa cũng như nay, những vụ án liên quan đến tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ với quy mô lớn nhỏ xuất hiện trong xã hội đều vướng tay vào chiếc bẫy tham cả đó thôi. Cứ mỗi lần thấy ai đó tự vùi dập danh dự, sự nghiệp và cuộc sống của mình bằng cách tự nhúng chàm khi không cưỡng được cám dỗ của miếng mồi vật chất, danh lợi, chúng ta lại nghĩ đến chiếc bẫy khỉ này. Quanh ta, không ít người có danh vị trong xã hội, tiền bạc không thiếu, nhiều  người nằm mơ cũng không được như vậy. Thế mà do túi đời không có đáy, nên họ đang nằm trong tay người ‘thợ săn’ chỉ vì miếng thức ăn thơm ngon trong trái dừa kia quyến rũ. 

Đức Phật gọi những miếng mồi ấy là ác ma và những ai tham đắm vật chất đều sa bẫy do ác ma giăng ra (Trung bộ kinh số 25: Kinh bẫy mồi). Ngài mô tả trong kinh rằng “đàn nai xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi này do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Do tham đắm ăn các đồ mồi, nên chúng trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý muốn của người thợ săn bẫy mồi”. Những ai mất tập trung, mờ mắt dính bẫy không khác gì những đàn nai trong bài kinh này hoặc như con khỉ mắc tay vào trái dừa vừa mô tả ở trên.

Cứ mỗi lần có một vụ việc như thế, cả một nhóm người đồng phạm, liên quan và liên đới đều “dính chàm” xâu chuỗi theo kiểu domino và số lượng lớn những người đặc trách từ các cơ quan chức năng nhọc công vào cuộc hàng tháng, có khi mấy năm trời để hoàn tất hồ sơ một vụ án, tốn hao sức người và thiệt hại khá lớn cho ngân sách quốc gia. Chỉ có cánh phóng viên là có đề tài phong phú để khai thác, có nhiều tin nóng tha hồ mà đăng tải. Thế là tốn hao bao giấy mực trên báo giấy, thêm vào đó, hàng chục tờ báo điện tử đưa tin trang nhất trong nhiều ngày liền, còn tin đăng lại ở một số trang khác và diễn đàn thì nhiều vô số, tốc độ lan truyền chóng mặt. 

Nguy cơ ‘mất’ nhiều thứ của những người này đang được bàn dân thiên hạ đưa lên bàn cân mổ xẻ và trở thành ‘câu chuyện trước khi vào ca’ ở hầu hết các cơ quan, công sở. Chắc nạn nhân trong cuộc cảm thấy đau đớn và khổ tâm lắm, nhưng khi thấm thía nỗi ê chề do lòng tham câu dắt, mọi sự ăn năn đã quá muộn màng và cánh cửa cuộc đời của người ấy coi như đã khép chặt lại với bao mất mát không thể lường đến được!

Với những gì tôi vừa mô tả về chiếc bẫy khỉ và cách khỉ mắc nạn, với tâm lý thường tình ở con người là “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, ta có thể dễ dàng mỉa mai chê cười khỉ kém thông minh. Nếu đối mặt trong tình huống đó, ta nghĩ mình dễ dàng buông nắm thức ăn để được an toàn tính mạng. Thế nhưng, mặc dù con người thông minh hơn khỉ nhiều, chúng ta cũng không khá hơn là mấy! 

Đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng, những thứ quá hấp dẫn, lôi cuốn mà những tưởng không cần đổ giọt mồ hôi nào, ta cũng có thể sở hữu dễ dàng thì tội gì không… thò tay vô! Mấy ai chế ngự được tâm mình trước một món ăn bốc mùi thơm ngon hấp dẫn và quyến rũ như thế. Cuối cùng, chúng ta cũng bị mắc bẫy như con khỉ nọ, như đàn nai kia, nhưng ở mức độ vi tế hơn vì cuộc đời là một hàm số phức hợp với nhiều loại ham muốn khi các căn tiếp xúc với trần cảnh thông qua các mối quan hệ xã hội chằng chịt phức tạp hơn mà thôi.

Tâm ham muốn tạo một lực kết dính căn với trần và tạo nên một lực hút làm cho khỉ không rút tay ra khỏi trái dừa được. Con người cũng vậy, chính tâm ham muốn và nắm chặt đã khiến chúng ta sập bẫy. Điều chúng ta cần là buông tay ra để không bị giam cầm và được tự do tự chủ để quyết định cuộc sống của mình. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, cũng như khỉ, ít khi chúng ta ý thức và thực hiện được điều tưởng chừng đơn giản này. Trái dừa ấy trở thành cái bẫy vì khỉ đã nhắm đến việc lấy cho được thức ăn bên trong mà không hề hiểu được cái giá phải trả cho miếng ăn kia là sự mất tự do, là đánh đổi cả danh dự, uy tín xã hội và cả cơ đồ sự nghiệp mình đã nhọc công gầy dựng một đời và giá đắt hơn là trong nhiều trường hợp, phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. 

Người ta đặt thức ăn để nhử những con nai, con khỉ trên đường chúng đi tìm mồi vì con người biết, thỏa mãn miếng ăn để duy trì sự sống là một bản năng của tất cả các sinh vật. Với cái bẫy dừa này, không phải mọi con khỉ đều mắc bẫy. Có con khỉ khôn ngoan không đến gần nơi có thức ăn quyến rũ này vì nó lường được sự nguy hiểm tiềm ẩn nơi ấy. Đôi khi cũng có con khỉ đã thò tay vào bên trong trái dừa rồi, nhưng khi lấy tay ra với nắm thức ăn trong tay, nó liền gặp chướng ngại, nó còn chút khôn ngoan và tỉnh táo để biết buông nắm thức ăn và lấy bàn tay không ra, nó an toàn tính mạng. Chỉ những con khỉ ngu si và tham lam mới tự biến trái dừa thành chiếc bẫy theo ý của người thợ săn mà thôi.

Nguyên nhân sa bẫy

Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều chiếc bẫy đủ hình thù kích thước và thô tế khác nhau mà chỉ vì tham lấn át, thiếu chánh niệm, không thấy hết những nguy hiểm tiềm tàng bên trong hoặc chỉ nhìn thấy lợi trước mắt, mà trong kinh Đức Phật gọi là “tham đắm, mê loạn, phóng dật” mà chúng ta dễ dàng sa bẫy để rồi hành động theo “ý lực của người thợ săn bẫy mồi” (Trung bộ kinh số 25: Kinh Bẫy mồi)

Nếu con khỉ biết suy nghĩ, nếu đàn nai biết thận trọng cân nhắc, rõ ràng nó sẽ lựa chọn cách đi tìm thức ăn ở bên ngoài chứ không đưa tay vào trái dừa hay giẫm vào vùng nguy hiểm có thức ăn hấp dẫn đó. Một con vật khôn ngoan sẽ ý thức rằng một khi được tự do, nó sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong khi con khỉ hay con nai đã bị mắc bẫy, chỉ biết giao nộp tính mạng của mình cho người thợ săn định đoạt, nó vẫn không có quyền lựa chọn nào trong cảnh “cá chậu chim lồng” như là một kết quả thê thảm của hành động mê mờ do tâm tham chi phối mà ra.

Con người, nếu không để tâm tham lam quá nung nấu, thúc bách thì cũng biết dằn lòng trước cám dỗ, bằng lòng với những gì mình có được bằng sức lao động chân chính và nghề nghiệp chân chính của mình, tự đứng vững vàng trên đôi chân tuy thấp bé của mình. Tuy nhiên, chỉ có những người biết chánh niệm tỉnh giác, chế ngự lòng tham, phòng ngự các cửa ngõ giác quan mới biết đó là ‘cái bẫy’ và nơi ấy, sự nguy hiểm và bất an đang rình rập chực chờ vồ chộp lấy mình. Sự mời gọi, cám dỗ của những lợi ích tầm thường trước mắt luôn đánh lừa con người, làm lu mờ lý trí khi mình quyết định nên hay không nên làm làm điều nào đó. Tâm trí con người dễ bị nhiễu loạn với miếng mồi nhởn nhơ trước mắt.

Cuộc đời này đầy dẫy những cạm bẫy mà chỉ cần phóng tâm lơ đễnh một tí, chúng ta sẽ sa hầm rớt hố liền thôi. Có nhiều cái bẫy chực chờ, chỉ cần lóa mắt với những lợi lạc trước mắt, mê man trong trạng thái lâng lâng với những lời ngọt nhạt bùi tai, thiếu chánh niệm quán sát để nhìn thấy bản chất của vấn đề và không làm chủ được tâm tham là tự rước họa vào thân. Người giăng bẫy bao giờ cũng biết cách để những chiếc bẫy được ngụy trang khéo léo mà nếu không sắc bén, thiếu khôn ngoan, non kinh nghiệm và kém trong phán đoán, chúng ta dễ dàng trở thành nạn nhân chỉ vì cái tham làm hạn chế tầm nhìn. Một khi tâm bị “cận thị” và “loạn thị” mà vạn vật không tỏ rõ mà nhập nhòa trong tham dục, lý trí không đủ sáng để thấy bản chất thật của các pháp thì sập bẫy là điều dễ hiểu, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Sống ngoài vòng kiềm tỏa của cạm bẫy

Chúng ta từng chứng kiến nhiều người chỉ vì giành giật miếng mồi danh bã lợi mà lăn xả vào hiểm nguy, coi thường cả tính mạng để rồi phải trả giá cho sự liều lĩnh của mình. Chỉ một lần trót dại, có khi mất cả đời cũng khó có thể khắc phục hết những hậu quả. Cách tốt nhất để nhắc tâm mình tránh được bẫy khỉ là đừng bao giờ vớ tới những miếng mồi ngon khi công sức mình bỏ ra không xứng đáng với những gì nhận được. Cây giữa đường mà xum xuê trái ắt hẳn là cây độc. Những khoản lợi lộc đến với mình dễ dàng quá như thể từ trên trời rơi xuống, như đặt vào tay mình thì nên dè dặt, thận trọng và bình tâm nhìn xuyên suốt vấn đề để lý giải mọi việc trước khi quyết định.

Trở lại trường hợp con khỉ, đứng trước một trái dừa có chứa chút đỉnh thức ăn bên trong, khỉ ít nhất có ba sự lựa chọn. Thứ nhất, nó rất nhát gan và bỏ đi vì không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu thò tay vào đó. Thứ hai, nó đã thò tay vào, chạm được miếng thức ăn thơm ngon nhưng không lấy ra được, nó tỉnh táo buông tay và “bỏ của chạy lấy người”. Cách thứ ba là thò tay vào và cố lấy cho được vì sự quyến rũ của thức ăn để trở thành nạn nhân của những người giăng bẫy. 

Cũng như thế, đứng trước một tình huống, con người thường có nhiều hướng chọn lựa (ngay cả khi người trong cuộc nghĩ rằng chỉ có lựa chọn duy nhất như là cách để biện minh cho sai lầm và giải trình sự việc cho có vẻ hợp lý mà thôi), điều quan trọng là khả năng kềm chế tâm tham dục, khả năng làm chủ bản năng của mình đến đâu mà thôi. Khi còn giữ thế chủ động, quyền quyết định trong tay mình thì ta sáng suốt và hành xử thông minh. 

Thế nhưng, khi bị tham lấn át, ta giao quyền điều khiển cho tâm tham lam và si mê thì ta bị chúng dắt lôi vào cõi lạc lầm để rồi khổ đau nối tiếp khổ đau. Đức Phật dạy một khi tham ái khởi lên trong nội tâm một người nào sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy (Tương ưng bộ kinh, chương III, phẩm I).

Đức Phật dạy để có thể thoát khỏi chiếc bẫy khỉ cuộc đời, ta cần hộ trì các căn (các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) khi tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài, đừng cho nó dính mắc, như con rùa khôn ngoan rút tất cả tay chân vào bên trong chiếc mai để được bảo hộ an toàn trước sự tấn công của thú dữ (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2). Ai xui khiến mình lân la đến chút thức ăn thơm lừng trong trái dừa đầy hấp dẫn kia? Ai trì giữ không cho mình buông tay để an toàn? Nếu có một động lực giữ tay khỉ (cũng như tay chúng ta) nắm kỹ miếng đồ ăn, thì đó chính là lòng tham lam bất chấp hiểm nguy đang ở rất gần. 

Trong nhiều phương pháp để chế ngự tham thì chánh niệm tỉnh giác và hộ trì các căn được Đức Phật nhắc đến thường xuyên trong các bản kinh Nikāya (đơn cử như trong Trung bộ kinh, các pháp này được đề cập đến trong các kinh số 5: Kinh Không uế nhiễm; kinh số 27: Tiểu kinh dụ dấu chân voi; Kinh số 39: Đại kinh xóm ngựa; Kinh số 51: Kinh Kadaraka; Kinh số 53: Kinh Hữu học; Kinh số 107: Kinh Ganaka Moggalana; Kinh số 112: Kinh Sáu thanh tịnh; Kinh số 125: Kinh Điều ngự địa).

Thật không ngoa khi nói rằng tham lam là “tài sản” chung của người chưa giác ngộ và chắc chắn mỗi người chúng ta đều có khối “tài sản” không mong muốn này. Do vậy, nếu không răn tâm nhắc lòng, ta có thể tự tạo thành những chiếc bẫy giăng mắc quanh mình để rồi tự vướng lấy và chuốc bao hệ lụy vào thân. Không ai dám chủ quan cho rằng mình có thể làm chủ tâm ý mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh và thắng phục tham dục nên luôn sống trong chánh niệm, tỉnh giác và hộ trì là điều không bao giờ thừa đối với người biết trân trọng tâm lành ý thiện của mình. Ngay cả với người chọn nếp sống đơn giản, đạm bạc tưởng chừng cách ly dục lạc thế gian cũng chưa chắc thoát khỏi sự kiềm tỏa của ác ma tham dục nếu quá chủ quan mà không canh chừng tâm mình. Bởi vì:

Có tài xế lên đèo nhiều thận trọng,
Lại hững hờ tay lái khúc đường suôn.
Có những người sống đạm bạc thanh lương,
Thiếu chánh niệm thì tâm tham vẫn khởi…

Có khi một chút ân huệ nhỏ cũng có thể trở thành miếng mồi đưa ta vào chiếc bẫy của chính mình lúc nào không hay!
Liên Trí