BÀI HỌC NGÀN VÀNG - CHƯƠNG 05

Ðại tướng Hoàng Cái vẻ mặt giận dữ tiến thẳng vào hậu cung, sau khi ở pháp trường trở về. Vị Ðại thần này muốn biết lý do vì sao vua đã truyền lịnh hoãn việc xử trảm Thạnh Bảo.

Vua biết Hoàng Cái đang bực tức mình nên cố làm ra vẻ vồn vã:

- Ðại thần hãy vào đây uống với trẫm một ly rượu, rồi trẫm sẽ giải thích vì sao trẫm đã truyền tha tội chết cho Thạnh Bảo.

Quan Ðại thần bất chấp cả nghi lễ tấn công ngay:

- Thần không thể ngồi uống rượu được, trong khi thằng giặc nguy hiểm nhất của triều đình đang còn sống. Tại sao Hoàng Thượng lại muốn "nuôi ong tay áo" một lần nữa. Hoàng Thượng đã tin cậy cha nó, để đến nỗi suýt bị nguy đến tánh mạng. Thời may vận nước chưa đến nỗi suy tàn, nên âm mưu lật đổ ngai vàng của cha nó bị khám phá kịp thời. Nhưng Hoàng Thượng đã nhổ cỏ mà không trừ tận gốc, nên đã để cho thằng con là Thạnh Bảo đem quân về làm loạn, ngai vàng bị lật đổ, thần dân bị điêu linh khổ sở. Nay tội trạng của nó đã đành rành, Hoàng Thượng lại vẫn tỏ ra khoan dung độ lượng với nó, làm cho tất cả triều đình, từ trên xuống dưới đều vô cùng phẫn uất, buồn tủi và nhất là lo sợ cho hậu hoạn còn đó.

Vua ngồi lắng nghe, không tỏ vẻ bực tức vì những câu trách móc ấy. Ngài ngập ngừng hồi lâu, trước khi cất tiếng với một vẻ mặt buồn buồn.

- Trẫm xin chịu lỗi với khanh về những việc làm của trẫm. Những lời của khanh nói, trẫm không chối cãi vào đâu được. Tuy thế khanh chưa hiểu rõ nguồn cơn sự việc đã xảy ra trong cung cấm này, nên khanh đã trách trẫm; nếu khanh hiểu rõ mọi việc từ đầu, chắc khanh sẽ có một nhận định khác. Từ lâu, trẫm chôn sâu câu chuyện này trong đáy lòng, nhưng không ngờ sáng hôm nay nghe Thạnh Bảo nhắc lại, làm trẫm vô cùng hối hận và tỉnh ngộ.

Câu chuyện này, khanh là người đầu tiên được biết đến, và trẫm nói ra đây cho khanh rõ, là vì trẫm xem khanh là người thân tín bậc nhất của trẫm....

Hoàng Cái dần dần bị lôi kéo vì những lời nói có vẻ bí mật của vua, đã đổi sắc mặt, không còn bực tức như lúc đầu. Ðại tướng chăm chú lắng nghe vua mở đầu câu chuyện:

- Chắc khanh chưa quên câu chuyện Ông già bán bài học mà trẫm đã mua với giá một ngàn lượng vàng. Sau khi mở bài học ra xem, trẫm nghĩ rằng trẫm đã bị lừa, nên trẫm vô cùng tức giận ...

Hoàng Cái tò mò hỏi:

- Thần có thể biết nội dung bài học nói gì không?

- Không có gì lạ, chỉ vỏn vẹn có một câu: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó". Trẫm tức giận ông già quá, nhưng không dám bộc lộ sự thật cho mọi người biết, vì sợ chê cười. Trẫm đã phao đồn ra là bài học rất qúy giá, và mọi người đều tin là thật. Nhưng một mặt khác, trẫm mật truyền cho quan Ðề Ðốc Thanh Phong phải đi bắt cho được Ông già về cho trẫm. Nhưng quan Ðề Ðốc không làm sao bắt cho được Ông già. Trẫm một phần vì tức giận, một phần vì sợ để quan Ðề Ðốc sống thì sự thật về bài học sẽ bại lộ, nên loan tin rằng quan Ðề Ðốc đã âm mưu lật đổ ngai vàng. Quan Ðề Ðốc bị xử tử bằng độc dược và chết trong ngục thất.

Thạnh Bảo không thể tin được rằng: cha mình đã âm mưu giết vua, vì hơn ai cả Thạnh Bảo biết rằng quan Ðề Ðốc là một trung thần được trẫm vô cùng tin cậy. Nóng lòng vì cha bị giết mà không rõ nguyên nhân và cũng để tự vệ, nó đã đem quân về triều làm loạn. Sự việc diễn tiến sau đó như thế nào, khanh cũng đã rõ. Có một điều quan trọng nhất mà hôm nay nó mới tiết lộ cho trẫm biết là: sau khi nó vào hoàng cung, nó mở cái tủ cẩm thạch mà trẫm đựng châu báu ngọc vàng, nó không thấy gì cả (vì trẫm đã đem đi hết) ngoài cái đãy có bài học của Ông lão. Nó đọc xong rồi bực tức xé mảnh giấy đi. Nó nghĩ rằng đó là một câu nói nhảm. Nhưng chính hôm nay, tại pháp trường, trước khi bị xử trảm, lời nói cuối cùng của nó nói với trẫm là nó đã ân hận: không nghe theo bài học. Nếu từ khi vào cung mà nó làm theo bài học, thì nó vẫn có thể hướng đến một hậu quả tốt đẹp, chứ không phải là cái hậu quả bị xử trảm tại pháp trường. Trẫm có hỏi nó: "Nếu khanh nghe theo bài học thì khanh sẽ làm gì?". Nó trả lời: Thần sẽ chống lại quân của nước Quý Lâm do Tùng Sơn chỉ huy và trả lại ngai vàng cho Hoàng Thượng". Trẫm lại hỏi: "Vậy tại sao khanh không làm như vậy?". Nó bảo: "Vì thần thấy khó mà đoán trúng hậu quả; vả lại trong khi đang có quyền lực trong tay, thần nghĩ rằng mình có thể thay đổi hậu quả theo mình muốn". Nghe Thạnh Bảo trả lời trẫm giựt mình, vì trẫm cũng đã nghĩ như vậy, khi mở bài học ra xem lần đầu tiên, trẫm đã ruồng bỏ bài học của Ông già nên trẫm đã mất ngôi và suýt mất luôn cả tánh mạng. Và chính trẫm là người đã gây nên tội đối với cha con Ðề Ðốc Thanh Phong. Vì nghĩ như vậy, nên trẫm đã truyền tha tội chết cho Thạnh Bảo.

Quan Ðại thần Hoàng Cái nghe xong ngồi trầm ngâm suy nghĩ, và nỗi bực tức lúc đầu tan biến dần mất.

Hoàng Cái và vua Ðột Quyết ngồi nhìn nhau, không ai nói với ai một lời, nhưng đây là một sự im lặng đầy suy tư, rất cần thiết cho mọi hành động. Hồi lâu vua cất tiếng hỏi:

- Theo ý Ðại thần, thì đại thần có nghĩ rằng nên tha tội chết cho Thạnh Bảo chăng?

- Tâu Hoàng Thượng, nếu quả thực sự việc đã xảy ra như vậy thì không những nên tha chết cho Thạnh Bảo mà còn nên tạo cho nó nhiều cơ hội đoái công chuộc tội nữa. Nhưng dù sao đó cũng là công việc nhỏ. Thần nghĩ đến một vấn đề quan trọng hơn, là bài học này hay lắm! Nếu Hoàng Thượng và Thạnh Bảo biết áp dụng bài học này thì chẳng những không có những tai hại lớn lao vừa xảy ra, mà còn đem lại sự ích lợi cho quốc gia dân tộc và cá nhân của Hoàng Thượng, của Thạnh Bảo vô cùng vô tận. Vậy thì bây giờ phải làm thế nào đem bài học quý báu của ông già ra áp dụng ...

Vua Ðột Quyết bỗng như sực nhớ điều gì, vội cắt ngang câu nói của Hoàng Cái:

- Câu nói của Ðại thần nhắc lại làm cho trẫm nhớ lời dặn của ông lão là "phải áp dụng bài học mới rõ giá trị chơn thật của nó". Nhưng làm thế nào để áp dụng bài học này một cách triệt để trong mọi công việc?

- Tâu, nếu thật tình Hoàng Thượng muốn áp dụng một cách triệt để, thì trước tiên phải làm sao luôn luôn nhớ đến bài học ấy.

- Một câu ngắn ngủi như vậy, có khó gì đâu mà không nhớ?

- Tâu, vì ngắn ngủi, vắn tắt và đơn giản quá, cho nên chúng ta khinh thường, không chú ý đến. Thần nghĩ có cách hay nhất để bài học luôn luôn hiện diện trước mắt mọi người là nên ghi khắc nó khắp nơi trên mọi vật dụng.

Mắt vua Ðột Quyết bỗng sáng lên và ngài nhận thấy sáng kiến của Hoàng Cái rất hay. Ngài nói có vẻ mừng rỡ: 

- Ðó là một ý kiến rất quý báu, Trẫm phải truyền lịnh thực hành ngay tại trong hoàng cung này.

Thế là vua truyền lịnh cho quan nội giám tìm các nhà giáo viết chữ thật đẹp, để viết bằng đủ các loại chữ từ lớn đến nhỏ, và tuyển mộ các nhà điêu khắc, các thợ mộc, thợ nề, thợ vẽ, thợ sơn, thợ chạm để tùy theo vị trí, địa điểm, nhà cửa, phòng the, vật dụng mà ghi khắc, chạm trổ bài học của Ông già vào...

Thợ thầy, lính tráng trong cung nổ lực làm việc sau một tháng mới xong.

Ðể đánh dấu ngày phát động phong trào áp dụng bài học và gây một xúc động tâm lý trong triều đình và cung điện, vua truyền tổ chức đại lễ để tạ ơn trời đất thánh thần đã xui khiến cho Ông già đem bán bài học cho vua rồi biến mất.

Trong buổi lễ có sự tham dự của toàn thể bá quan văn võ. Vua Ðột Quyết, trong bộ lễ phục đại trào, đã quỳ lạy một cách vô cùng thành kính trước hương án, để ăn năn sám hối tội lỗi của mình từ trước đã suýt làm cho nước mất nhà tan, cơ đồ sụp đổ. Sau đó, vua quay mặt xuống phía bá quan văn võ, tường thuật tất cả sự thật về bài học của Ông già mà từ trước đến nay vua đã che đậy. Cũng trong dịp này, vua tuyên bố ân xá tội trạng của Thạnh Bảo và cho trở về làm dân dã. Cuối cùng vua long trọng phát nguyện tuân theo bài học của Ông già và khuyên bá quan văn võ nên bắt chước theo ngài mà áp dụng bài học ấy. Buổi lễ chấm dứt sau sự trình bày các loại vật dụng trong hoàng cung có ghi khắc bài học ngàn vàng.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...