Rishikesh! Một tên gọi
linh thiêng, thành phố của các vị thánh. Từ lâu nay người ta đã coi thành phố
này như một thánh địa mà tất cả những kẻ cầu đạo đều phải đến để đắm mình trong
bầu không khí thiêng liêng.
Rishikesh
nằm ở một vị trí đặc biệt và là cánh cửa vào rặng Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó đi lên
hướng bắc là rặng núi hùng vĩ, chứa đựng những điều huyền bí. Phía nam là con
sông Hằng, dòng sông thiêng của Ấn giáo. Một người Ấn bất kể giai cấp, trí thức,
đều ít nhất một lần trầm mình trong dòng nước này để đón nhận những ân phước mà
dòng sông mang lại.
Đúng như lời người Ấn bí mật thành
Benares đã nói, khắp nơi đâu đâu cũng có các đạo sĩ và tín đồ hành hương. Có những
đạo sĩ mình hạc, xương mai vừa đi vừa tụng niệm các câu thần chú. Có các đạo sĩ
khổ hạnh, chống gậy trầm tư bên dòng nước sông Hằng. Chen chúc bên các tín đồ
huyên náo là các thuật sĩ, quần áo sặc sỡ biểu diễn những trò lạ lùng. Một đạo
sĩ to lớn, lực lưỡng, quấn khố bằng da cọp, uốn mình trong tư thế Yoga. Bên cạnh
một thuật sĩ gầy gò, nằm lăn trên đất, lâm râm cầu nguyện. Có các vị tăng sang
sảng đọc kinh bên cạnh những giáo sĩ vừa đánh trống vừa nhẩy nhót, ca hát tên
các vị thần. Có những tu sĩ thiền định trong những hang đá đục sâu vào núi,
không màng thế sự, bên cạnh những đạo sĩ râu tóc xồm xoàm, quấn mình trong những
mảnh vải rách như một xác ướp. Có các tu sĩ nằm yên lặng, hơi thở thoi thóp như
sắp chết, bên cạnh những thuật sĩ say sưa gọi tên thượng đế một cách ồn ào.
Trong làn khói hương nghi ngút, các tín đồ hành hương chen vai thích cánh, trên
mặt ai cũng một niềm thành kính rõ rệt. Phái đoàn cảm tưởng như đang lạc vào một
thế giới lạ lùng, huyền ảo, với những nhân vật kỳ dị, khác thường.
Bác
sĩ Kavir, giám đốc viện nghiên cứu Phạn ngữ (Sanskrit) của chính phủ là một học
giả nổi tiếng, có một kiến thức rộng và đã sống ở Rishikesh nhiều năm. Theo ông
ta thì Rishikesh không còn là một thành phố của các bậc chân tu đạo hạnh như
xưa, mà là một nơi quy tụ rất nhiều thành phần hỗn tạp. Đa số là các đạo sĩ, tu
sĩ nghèo nàn từ hình thức đến tinh thần. Họ góp nhặt vài phép tu, vài phương
pháp dưỡng sinh, vài câu thần chú, rồi kiếm ăn qua sự mê tín của dân chúng. Phần
lớn những tu sĩ này đều là những kẻ thất bại ngoài đời, lười biếng, không chịu
làm việc. Đối với một quốc gia chậm tiến như Ấn độ, thì hình thức dễ nhất để có
cơm ăn, áo mặc, và một mái nhà, là trở nên một tu sĩ, sống trên lòng sùng tín của
dân chúng. Vì không có một tiêu chuẩn kiểm soát nào, nên bất cứ ai cũng có thể
trở thành tu sĩ; chỉ cần mặc áo tu sĩ, học thuộc vài câu kinh, vài hình thức lễ
nghi, cúng tế là có thể tự xưng đạo sĩ, thánh nhân được rồi. Chính các tu sĩ, đạo
sĩ giả mạo này là những kẻ làm hoen ố danh dự tôn giáo, lợi dụng đức tin để làm
chuyện xằng bậy, ích kỷ cá nhân. Đã thế, họ còn tụ tập phe nhóm, phong chức tước,
ca tụng lẫn nhau và đả kích những tu sĩ không cùng phe nhóm.
Được
tin có phái đoàn ngoại quốc đến nghiên cứu nền minh triết cổ truyền, rất đông đạo
sĩ, giáo sĩ tìm đến để tiết lộ những pháp môn huyền bí, dĩ nhiên, là với một
giá biểu. Khi bị từ chối, lập tức họ sụt giá như người mua bán. Một đạo sĩ đòi
bán một cuốn sách bí truyền với giá 50 đồng tiền vàng, sau nhiều lần sụt giá, y
bằng lòng để lại cuốn sách với giá một bữa ăn. Một nhóm tu sĩ danh xưng trọng vọng,
chức tước đầy người đòi đến thảo luận triết lý với phái đoàn. Khi nghe họ giới
thiệu về thành tích và đạo quả đạt được, phái đoàn cực kỳ ngẩn ngơ, vì toàn các
bậc thần thánh gì đâu, chứ không phải người. Ai cũng tu cả trăm năm, đủ các
phép thuật thần thông biến hoá. Tuy nhiên, khi một viên cảnh sát ở đâu bước vào
thì các bậc “thần tiên” mặt mày lơ láo, kéo nhau bỏ chạy hết.
Quanh
các chợ, có rất nhiều tu sĩ khổ hạnh phô trương thân thể tàn phế bị huỷ hoại
như một công trình vĩ đại. Phái đoàn không hiểu họ có thể đạt đến điều gì,
ngoài ít xu lẻ mà khách bộ hành ném cho. Một số các đạo sĩ sử dụng tà thuật
công khai. Với một giá biểu, họ sẵn sàng làm bùa chú, thư phù, nguyền rủa một kẻ
thù của bạn, đem đến cho bạn một cô gái đẹp hoặc giúp bạn thành công trên
thương trường. Đâu đâu cũng có đạo sĩ rao bán bùa ngãi hoặc xưng là đấng này, đấng
nọ. Một tu sĩ đến gặp phái đoàn xưng là hậu thân của đấng Krishna và đã từng là
Phật Thích Ca trong một tiền kiếp. Bác sĩ Kavir nổi giận ra lệnh tống giam ngay
tu sĩ này. Khi cảnh sát đến còng tay, tu sĩ thú nhận, y chỉ là một học sinh thi
rớt tiểu học, không sao kiếm được việc làm. Y đã lười biếng còn thích làm thầy
kẻ khác, nên làm gì một thời gian cũng gặp khó khăn. Sau cùng, y cạo đầu, mặc
áo tu và tự xưng là Krishna giáng thế, một số dân quê tin những lời tuyên bố của
y. Họ quyên góp, xây cho y một ngôi đền. Y sống trên phẩm vật dâng cúng của tín
đồ, một cách ung dung chẳng tu hành gì hết. Đã thế, y còn đòi hỏi này nọ, chê
ngôi đền quá nhỏ bé không xứng với chức tước của y. Quen thói hống hách, lừa bịp,
khi nghe tin có phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng, y dở trò bịp bợm để mong
kiếm được món tiền nhỏ.
Lịch
sử Ấn độ cho thấy khi xưa Rishikesh là một thánh địa thiêng liêng, một nơi các
tu sĩ thánh thiện đến để tu học. Sau này, khách hành hương quá đông, một số
hành khất kéo nhau đến đây hành nghề. Thấy làm đạo sĩ coi bộ dễ kiếm ăn hơn nên
nhiều hành khất đã “chuyển nghề” trở thành các đạo sư, giáo sĩ chuyên làm tiền
các tín đồ ngây thơ, nhẹ dạ.
Dĩ
nhiên, Rishikesh vẫn còn các tu sĩ học thức, dành trọn đời cho việc đi tìm chân
lý. Họ vẫn tu hành quanh đó không để ý đến sự kiện các tu sĩ giả lợi dụng sự có
mặt của họ để mưu cầu lợi lộc. Đó cũng là một nét đặc thù của nền văn hoá xứ
này. Một người Âu Mỹ chắc chắn không thể chấp nhận sự kiện như thế, họ sẽ nhờ
luật pháp can thiệp hoặc cảnh cáo những tu sĩ bất lương. Nhưng Ấn giáo không có
một tổ chức chặt chẽ như Thiên chúa giáo. Các giáo sĩ quan niệm có nhiều đường
tu khác nhau, ai tu nấy chịu và những kẻ mạo danh, lợi dụng sẽ phải chịu hậu quả
ở một kiếp sau.
Giáo
sư Kavir cho biết, theo thời gian, khi nền văn hoá suy đồi, cuộc sống trở nên
khó khăn, các bậc tu sĩ thánh thiện mỗi ngày một hiếm, thì các đạo sĩ, thuật sĩ
giả mạo nổi lên mỗi ngày một nhiều. Hàng ngàn người dốt nát, vô học đi lang
thang với các chức tước rất lớn như đạo sư, giáo sĩ, thánh nhân. Họ chỉ chờ những
ngày hội, ngày lễ là xuất hiện quanh các đền, chùa lên mặt này nọ để quyên tiền.
Dĩ nhiên họ là gánh nặng của xã hội, vì chỉ thụ hưởng mà không làm lợi ích gì.
Đó cũng là lý do nhiều người Âu Mỹ đã coi thường gia tài văn hoá xứ Ấn. Xét cho
cùng, một phần lỗi cũng là do sự tôn sùng tôn giáo quá mạnh của dân chúng. Họ
không phân biệt một đạo sư tu hành chân chính, gìn giữ giới luật nghiêm minh, với
những kẻ bịp đời. Lòng sùng tín khiến họ trở nên ngây thơ, nhẹ dạ, sẵn sàng làm
theo sự mách bảo của các bậc tu hành. Một lý do nữa là sự ỷ lại vào sức mạnh thần
quyền. Đa số các tín đồ mải mê với sinh kế, không có thì giờ lo việc tinh thần,
nên họ uỷ thác cho các giáo sĩ cầu nguyện dùm, và đồng hoá việc giải thoát với
việc trung thành vào một bậc giáo sĩ. Đa số các giáo sĩ lợi dụng vấn đề này tối
đa, hứa hẹn sẽ chăm lo tinh thần giáo dân bằng cách cầu nguyện cho họ. Các giáo
sĩ này tự hào đã tu hành đắc đạo, đã có thể nói chuyện trực tiếp với thượng đế.
Và là người trung gian giữa trời và người. Họ sống trong các đền đài đẹp đẽ, hưởng
thụ vật dụng được cúng, và nhân danh thượng đế để đòi hỏi này nọ. Người Á châu
bản tính không thích hoài nghi, chấp nhận việc các tu sĩ nói ra ý muốn của thượng
đế, và tuân hành triệt để. Cũng vì thế, các tài liệu tôn giáo Ấn độ đã bị sửa đổi
rất nhiều, không phân biệt được điều có thật với những sự kiện huyền hoặc. Các
tu sĩ tha hồ trích dẫn những câu nói bí ẩn, và giảng ra theo ý nghĩa có lợi nhất
cho họ. Xứ Ấn độ phân biệt giai cấp rõ ràng, tu sĩ luôn đứng hàng đầu trên cả
vua chúa, quý phái. Giai cấp tu sĩ không làm gì, chỉ hưởng thụ và các giai cấp
khác có bổn phận phải cung cấp các nhu cầu đòi hỏi của tu sĩ. Cũng vì không làm
gì, quá nhàn hạ, họ đâm ra chống báng, đả kích lẫn nhau. Mỗi người tự lập một
giáo phái, xưng hùng, xưng bá, giảng kinh điển theo quan niệm của mình từ cụ thể
đến trừu tượng, như Thời gian luận, Phương hướng luận, Đa nguyên luận… Không ai
chịu theo ai, và còn tranh luận lung tung khiến các tín đồ không còn biết đâu
mà lần. Cũng vì xã hội nghèo đói, rối ren, tinh thần lại điên đảo bởi các tà
thuyết, nên từ bao năm nay, Ấn độ không sao trở nên một quốc gia hùng cường, thịnh
vượng như các xứ khác. Tuy thế, với gia tài minh triết lớn lao tiềm ẩn, vẫn có
các bậc chân tu đạo hạnh, sống kín đáo để giữ cho ngọn lửa tâm linh luôn cháy
sáng và vẫn có những người tha thiết mong cầu chân lý, sẵn sàng từ bỏ tất cả để
đi tìm chân lý.
Sự
kiện từ bỏ tất cả để đi tìm đạo cũng là một nét rất đặc biệt của Á châu, vì người
Âu Mỹ khó có thể chấp nhận vấn đề từ bỏ của cải, vật chất, để chạy theo một viễn
ảnh trừu tượng, viễn vông, không thiết thực. Người Âu cả quyết rằng sự tìm kiếm
chân lý là vô ích, hạnh phúc là hưởng thụ tất cả những gì cuộc đời có thể mang
lại vì chết là hết! Nếu như thế, thì mục đích cuộc đời là gì? Tại sao chúng ta
lại sinh ra để chết? Văn hoá Âu tây đã không giải thích được vấn đề này một
cách rốt ráo. Biết bao nhà triết học nổi danh đã nhức óc về đề tài này, nhưng
đa số đều chỉ nói một cách quanh co, không đi đến một kết luận nào chắc chắn. Họ
chỉ nói rằng có thể như thế này, hay cũng có thể như thế khác mà thôi. Cho đến
khi người Âu thật sự giao tiếp với người Á châu, thì họ bỗng bật ngửa, vì tất cả
những gì họ thắc mắc thì người Á châu đã có những câu trả lời từ nhiều ngàn năm
về trước.
Lịch
sử đã ghi nhận có những người Âu đến viếng thăm Á châu và say mê nền minh triết
xứ này, đến nổi quên cả mục đích chính của chuyến đi. Điển hình là đại đế
Alexander xứ Hy Lạp, vị hoàng đế, bách chiến bách thắng đã chinh phục thế giới,
dẹp tan Ai cập, quét sạch Ba tư, mở rộng bờ cỏi đến tận Ấn độ dương. Khi đến Ấn
độ, ông là một kẻ chinh phục, oai danh lừng lẫy nhưng khi trở về nước, ông đã
trở nên một triết gia khiêm tốn, nhã nhặn. Hoàng đế Alexander, học trò của hiền
triết Aristotle đã bị các bậc hiền giả xứ Ấn chinh phục. Khi dẹp tan các đạo
binh của hoàng đế Ấn độ, Alexander cho mang tất cả những tướng chỉ huy xứ Ấn đến
hạch hỏi. Ông vua kiêu căng lớn tiếng, “Thua trận như vậy, các người đã chịu phục
ta chưa?”. Nếu là trường hợp các quốc gia khác, thì vua chúa đều quỳ mọp xin
tha tội, và xin thần phục trước sức mạnh của Hy Lạp. Nhà chỉ huy xứ Ấn đã dõng
dạc trả lời, “Nhà ngươi chỉ là một kẻ vũ phu, tàn ác làm sao ta phục cho được.
Người có thể thắng bằng quân sự, nhưng cai trị thế nào nổi dân của ta?”
Alexander nổi giận, “Ta đã cai trị toàn thế giới, có nước nào không phục tài
ta, nơi nào làm phản, ta giết trọn cả nước. Ngươi không thấy các đại cường quốc
như Ai cập, Ba tư còn xin thần phục huống chi Ấn độ yếu đuối?” Vị chỉ huy xứ Ấn
bật cười, “Chinh phục bằng sức mạnh quân sự thì dễ, chứ chinh phục nhân tâm còn
khó gấp trăm ngàn lần. Một kẻ vũ phu như ngươi, làm sao có thể cai trị được Ấn
độ?” Câu nói bất ngờ làm đại đế Alexander giật mình. Nên nhớ, ông là một hoàng
đế văn võ toàn tài, chứ không phải là một kẻ chỉ ỷ vào sức mạnh. Từ nhỏ, ông đã
được giáo dục bởi các bậc hiền triết Hy Lạp và năm 14 tuổi, ông đã đem quân
chinh phạt khắp Địa trung hải, tạo các chiến công hiển hách. Ông theo học với
triết gia Aristotle và lúc nào cũng có vài chục hiền giả chung quanh để thảo luận.
Câu nói của vị tướng lãnh chỉ huy xứ Ấn, làm ông suy nghĩ. Thay vì ra lệnh giết
ngay viên tướng này để làm gương, ông đã không giận dữ, lại còn mang ngay đề
tài chinh phục nhân tâm ra thảo luận với y. Trong suốt lịch sử Âu châu, chỉ có
Alexander là hoàng đế duy nhất đã tranh luận ôn tồn cho đến khi kẻ thù kính phục
mới thôi.
Chi
tiết cuộc thảo luận này ra sao, không thấy lịch sử ghi chép nhưng chỉ ít lâu
sau, hoàng đế Alexander đã cho mời các bậc hiền triết xứ Ấn đến thảo luận với
các học giả Hy Lạp vẫn tháp tùng theo đoàn viễn chinh. Chỉ một thời gian ngắn,
Alexander nhận thấy các triết gia Hy Lạp không thể sánh kịp với các hiền giả Ấn
độ. Nhà vua bèn đổi thái độ, lấy lễ nghĩa đối xử với các vị này. Thay vì cai trị
bằng sức mạnh như vẫn làm với các quốc gia khác, ông ghi nhận những lời khuyên
của các bậc hiền triết, tôn trọng quyền lợi dân chúng xứ này.
Đoàn
quân viễn chinh ngừng lại, không đi sâu vào nội địa xứ Ấn, để ông có thời gian
học hỏi, đàm đạo với các bậc thánh nhân, hiền triết. Các cuộc thảo luận nhiều
khi kéo dài đến cả tuần lễ, có khi cả tháng. Sau đó, ông đã ra lệnh rút binh trở
về Hy Lạp, vì giấc mộng bá vương không còn nữa. Ông dự định sẽ cải tổ lại guồng
máy cai trị thế giới theo gương Ấn độ. Tiếc thay, nhà vua lại chết sớm khi chưa
đầy 30 tuổi. Một sử gia đã than, “Nếu Alexander sống lâu thêm ít năm nữa, thì
biết đâu lịch sử Tây phương đã khác hẳn.
Trong
các hiền triết nổi danh, Ramakrishna được coi là một vị thánh của Ấn giáo. Danh
tiếng ông này vang sang tận Âu châu. Phái đoàn tìm đến đức Mahayasa, môn đệ của
ông này đang tu ở một ngôi đền gần đó.
Ngang
qua một khoảng sân nhỏ đến một căn phòng kiến trúc kiểu xưa, cổ kính. Mọi người
được mời ngồi xuống thảm. Khoảng vài phút sau, có tiếng chân người chậm rãi bước
lại, đó là một ông lão khoẻ mạnh, râu dài trắng phếu, dung mạo nghiêm trang, và
đôi mắt chói sáng toả ra một cái gì thánh thiện, khiến mọi người có cảm giác
rung động lạ thường.
Giáo
sư Evans-Wentz lên tiếng bày tỏ mục địch của phái đoàn, Mahayasa mỉm cười:
-
Ơn trên đã dẫn dắt các ông đến đây, các ông sẽ có dịp tiếp xúc nhiều với những
bậc hiền triết xứ này. Ơn trên có một mục đích rõ ràng rồi các ông sẽ thấy.
-
Chúng tôi nghe nói nhiều về đạo sư Ramakrishna, ông có thể cho chúng tôi biết
thêm về ngài không?
-
Tôi rất thích nói về ngài. Ngài mất đã nửa thế kỷ rồi, nhưng vẫn còn lưu lại
nhiều kỷ niệm linh động trong lòng tôi. Tôi gặp ngài hồi 27 tuổi, và luôn luôn ở
bên ngài, cho đến những ngày cuối cùng. Nhờ ngài, tôi đã trở thành một con người
mới, và quan niệm của tôi đối với cuộc đời cũng thay đổi hẳn. Ảnh hưởng của
ngài thật sâu đậm, ai đến với ngài cũng được cảm hoá như vậy, kể cả những kẻ
hoài nghi, chế nhạo…
-
Nhưng nếu người ta không tin, làm sao người ta có thể được cảm hoá?
Đức
Mahayasa mỉm cười:
-
Trước ảnh hưởng an lành toả ra từ con người thánh thiện của đức Ramakrishna dù
có hoài nghi thế nào, người ta cũng thấy thanh thoát.
Giáo
sư Allen rụt rè:
-
Chúng tôi được biết ngài rất ít học.
-
Đúng thế, ngài là con người đơn giản, biết ít, học ít, nhưng ngay cả những bậc
học rộng, tài cao của Ấn độ đều ngưỡng mộ ngài. Họ cúi đầu trước hào quang tâm
linh của ngài. Ngài vẫn dạy rằng tiền bạc, chức tước, địa vị chẳng qua chỉ là
phù vân, hư ảo trước các giá trị tâm linh…
-
Nhưng người Âu không thể hiểu tại sao những vua chúa, học giả nổi tiếng lại có
thể cúi đầu trước một người không học hết bậc trung học.
Đức
Mahayasa mỉm cười:
-
Sở dĩ họ không hiểu được, vì họ quan niệm đạo sư phải là người có bằng cấp, tốt
nghiệp những đại học nổi tiếng, có tài ăn nói hấp dẫn. Quan niệm người Ấn không
như vậy. Một đạo sư không nhất thiết phải tốt nghiệp trường học chuyên môn, viết
những sách vở cao siêu, mà ở những điều ngài khêu gợi, thức tỉnh tâm thức được
cho mình. Có gần ngài, mới hiểu thế nào là bình an. Những ngày bên ngài tốt đẹp
biết bao. Ngài thường đắm mình trong những cơn thiền định sâu xa, khiến chúng
tôi có cảm tưởng như tiếp xúc với một vị thánh hơn một người phàm. Tôi xin kể
cho các ông về cảm tưởng của tôi. Tôi được giáo dục theo phương pháp Âu tây,
tôi rất tự đắc được đọc nhiều biết rộng hơn những người chung quanh. Khi đó tôi
là giáo sư dạy Anh ngữ cho trường trung học ở Calcutta. Đức Ramakrishna tu ở đạo
viện Dakshinewar cách đó không xa. Một hôm, tôi theo các bạn đến nghe ngài thuyết
giảng, thực ra tôi có ý muốn biện luận với một vị, được dân chúng coi là thánh
nhân, hơn là muốn nghe giảng. Nhưng một sự lạ lùng đã xảy ra, khi vừa nghe những
lời nói của ngài, tôi thấy trong lòng rộn rã một cảm giác lạ lùng, yên tĩnh.
Ngài không nói bằng ngôn ngữ thông thường, sử dụng các danh từ bóng bẩy như tôi
nghĩ, mà bằng tiếng nói của trái tim. Tôi say mê uống những lời giảng giản dị,
chân thành như người khát nước lâu ngày, sau đó, tuần nào tôi cũng đến nghe giảng.
Một thời gian sau, tôi được ngài thu nhận làm đệ tử, chính ngài khuyên tôi,
“Xem tướng, thầy biết con sẽ trở nên một tu sĩ (Yogi). Con hãy làm tròn công việc
hàng ngày của mình với đời. Nhưng tâm hồn lúc nào cũng tưởng nhớ đến thượng đế.”
-
Chúng tôi nghe nói về Ramakrishna ngay từ khi còn ở Âu châu, nhưng dư luận người
Anh có lẽ không hiểu rõ về ngài, ngoại trừ việc ngài là một người không có học
thức…
Mahayasa
gật đầu mỉm cười:
-
Theo sự hiểu biết của tôi, sở dĩ ngài không thích học vì bản tính ngài thiên hẳn
về vấn đề tâm linh. Một người như thế tất nhiên không để ý đến những từ chương,
bằng cấp hay quyền quí, danh lợi. Năm ngài bắt đầu vào tuổi thanh niên, một sự
lạ xảy ra. Tuổi 16,17 là lúc đứa trẻ thường bị khủng hoảng hoặc thay đổi tâm
tính nhất là trên phương diện tình ái. Đối với người cao thượng, đó là lúc mở
màn cho một đời sống thật sự với sự phát triển các năng khiếu tâm linh siêu việt.
Sự mở màn ấy bắt đầu với sự hoảng hốt trước cái chết. Đa số con người ít nhiều
cũng đã nghĩ đến sự chết nhưng họ chỉ nghĩ một lát rồi quên ngay, ít ai chịu
tìm hiểu sâu xa. Các bậc hiền triết thì khác, họ tận lực tìm hiểu thế nào là sự
chết, đức Ramakrishna cũng phản ứng như vậy, ngài suy ngẫm, “cái gì là chết? Thể
xác này chết nhưng còn tôi, tôi có chết không? Nếu tôi là thể xác này, tôi chết
nhưng tôi có phải là thể xác này không? Nếu tôi không là thể xác này, tôi sẽ
không chết, nhưng làm sao tìm ra điều này? Chỉ có một cách là kinh nghiệm sự chết”.
Sau đó, ngài quyết tâm tham thiền, suy gẫm về đề tài này. Ngài tưởng tượng thân
thể ngài đã chết, không còn thở, không còn cảm xúc. Với một ý chí mãnh liệt,
ngài rút hết sinh lực ra khỏi thể xác và một ngày kia ngài thành công. Thân thể
ngài cứng đơ, bất động như người chết, nhưng ngay lúc đó một quyền lực khôn tả
phát ra từ đáy lòng và tràn ngập tâm tư ngài. Chuyện gì xảy ra sau đó, không thấy
ngài nói đến nhưng chúng ta có thể đoán ra, xuyên qua lời dạy của ngài. Chúng
ta có thể nghĩ rằng quyền lực ấy là cái mà ta gọi là Ân huệ, và khi được mặc khải
đó thì ta tiến sâu vào nguồn sống để hoà hợp với đấng vô cùng. Ngài đã hợp nhất
với Chân Ngã. Từ đó, ngài kinh nghiệm rằng Chân Ngã ngự sâu trong lòng nhưng
ngài chưa kinh nghiệm được một chân lý khác. Chân Ngã là sự thật duy nhất,
ngoài sự thật đó không có gì nữa cả. Khi tiến sâu vào nội tâm, ngài thấy sự
bình an nhưng khi ngài tỉnh dậy, ngài vẫn không thoả mãn vì điều ngài mới đạt đến
chỉ là sự bình an của các vị thánh. Ngài ra tâm suy gẫm về cảm giác thiếu thốn
này, thân thể ngài khi đó thường nóng hực kéo dài trong nhiều tháng. Dĩ nhiên
,những người chung quanh không hiểu, và cho rằng ngài mắc bệnh. Ngài đắm mình
trong trạng thái Vô Ngã rất lâu, không màng đến những việc chung quanh. Chú của
ngài không hiểu, nên thường trách mắng ngài lười biếng, không chịu học hành. Một
hôm, ngài nghe nói đến ngôi đền Dakshiniwar, danh từ này có một sức hấp dẫn lạ
lùng, thế là ngài quyết định đến đó. Đến nơi, ngài bước ngay đến trước tượng
Shiva và nói, “Hỡi cha, cha đã gọi, nay con đến với cha.” Ngay lúc đó các cảm
giác nóng hực, thiếu thốn hoàn toàn biến mất. Ngài chứng nghiệm được một chân
lý mới, cha ta và ta là một. Từ đó ngài không cần tĩnh tâm mới có cảm giác an lạc,
mà lúc nào cũng ở trạng thái này. Ramakrishna bị rất nhiều thử thách. Bị trẻ
con chọc phá và các tu sĩ khác dèm pha, gây hấn, nhưng lòng ngài lúc nào cũng
bình thản, lặng yên, không một chút vọng động. Kinh Gita dạy rằng một khi đã đạt
đến trạng thái Vô Ngã, lòng người không còn bị xao động bởi các sự kiện bên
ngoài, dù khắc khe, đau khổ đến đâu. Một sự an lạc tràn ngập thân ngài lôi cuốn
những người chung quanh khiến họ khâm phục, kính mến và số người này mỗi ngày một
đông. Một điều cần lưu ý là ngài không học hay đọc những sách vở gì về trạng
thái Vô Ngã mà ngài đạt được lúc thanh xuân. Cũng không ai chỉ dẫn ngài về trạng
thái siêu việt này. Nhưng mỗi khi tín đồ nhờ ngài giảng giải một đoạn kinh sách
gì, ngài mới đọc và thông hiểu nó một cách dễ dàng. Các sách vở đó rất ư khó hiểu,
nhưng ngài chỉ đọc lướt qua đã quán triệt được ngay, vì ngài đã chứng nghiệm được
những điều nói trong sách đó. Ngài dạy đạo bằng sự lặng thinh hơn là lời nói,
nhiều người đến với ngài để chất vấn, nhưng khi vừa gặp ngài thì mọi thắc mắc tự
nhiên tiêu tan như đã được phúc đáp. Nếu một câu hỏi đặt ra, ngài thường trả lời
một cách dịu dàng, vắn tắt, dễ hiểu. Ngài không viết sách như những đạo sư
khác, mà chỉ dạy đạo qua cử chỉ yên lặng hay vài câu nói giản dị. Môn đệ của
ngài đến từ khắp xứ và tuỳ theo căn cơ lãnh hội ít hay nhiều. Ý kiến của họ về
ngài tuy khác nhau, nhưng ai cũng nhìn nhận ngài là một đạo sư vào bậc nhất, và
hết sức kính mến ngài. Vì đã đạt trạng thái Vô Ngã, Ramakrishna không phân biệt
giữa ngài và những người khác, giữa người giàu, kẻ nghèo, hay nam nữ, đối với ngài,
tất cả đều bình đẳng tuyệt đối kể cả những loài cầm thú.
-
Vì Ramakrishna không hề để lại sách vở, giáo lý, nên người Âu không hiểu tại
sao ngài lại nổi tiếng như vậy? Ông có thể cho chúng tôi biết một chút về giáo
lý của ngài không?
Mahayasa
mỉm cười:
-
Sau khi ngài qua đời, nhiều đệ tử đã xuất gia để truyền bá giáo lý, riêng tôi vẫn
còn là cư sĩ, hàng ngày tôi vẫn đi làm nhưng sống giữa cõi đời, mà tôi không
còn tuỳ thuộc vào đời. Tôi còn nhớ rõ một lần ngài đã dạy như sau, “chúng ta
xông pha trong cuộc đời với ý niệm cho rằng ta có thể tìm hạnh phúc trong cõi đời.
Cho đến lúc gần đất, xa trời, nhiều người cũng không buồn hỏi rằng ý niệm đó có
đúng không? Thật sự là chúng ta chả bao giờ chịu ngừng lại để suy nghĩ, lúc nào
chúng ta cũng nghĩ rằng mình gần đạt được những điều mình mong mỏi. Chúng ta chỉ
chịu dừng chân khi nào bị cuộc đời hắt hủi, giày vò. Ramakrishna cho rằng đó là
việc dĩ nhiên, và giải thích bằng giấc mộng. Trong giấc mộng, nếu ta chỉ gặp những
điều thích thú, chúng ta vẫn mơ mộng mãi và chỉ giật mình tỉnh giấc khi gặp những
chuyện đau buồn. Một cuộc đời êm đẹp không tiện cho sự suy tư về các vấn đề
quan trọng, nhưng nếu là mộng thì chắc chắn cũng phải có lúc tỉnh. Trong nhiều
năm ròng rã, chúng ta cố tìm hạnh phúc, và nhiều lần tưởng đã đạt được nó để hưởng
một cách lâu bền. Nhưng lần nào ta cũng thất vọng. Sau đó, ta lại tiếp tục chạy
theo ảo ảnh đó như trước. Nếu biết dừng chân suy nghĩ, ta sẽ thấy chúng ta đuổi
theo hạnh phúc nhưng không hề biết đến bản chất thật sự của nó, và không biết
phải dùng phương tiện nào để đạt nó. Hãy thử tìm hiểu thế nào là hạnh phúc. Ai
cũng biết đặc tính của hạnh phúc là “thường hằng”, nghĩa là nó ở mãi với ta; suốt
đời ta lúc nào cũng vui sướng, tươi tắn. Nhưng tất cả những gì cuộc đời mang lại
cho ta đều là vô thường, chỉ có những khoái cảm nhất thời, chứ có gì lâu bền
đâu. Vì khoái cảm nhiều và đến với ta như dòng nước chảy, chúng ta tưởng nó là
hạnh phúc và kết luận rằng bao giờ dòng khoái cảm đó còn tiếp tục đến với ta,
chúng ta được hưởng hạnh phúc. Suy gẫm kỹ thì khoái cảm chẳng qua chỉ là phản ứng
của lòng ta trước sự vật bên ngoài, nó lôi cuốn chúng ta. Các sự vật này khi
thì tạo vui, lúc thì gây khổ. Hơn nữa cùng một sự vật mà có thể tạo vui hay gây
khổ tuỳ lúc, bởi thế ta phải nhận thức rằng “Hạnh phúc” không có ở sự vật bên
ngoài. Nếu nó là sự vật bên ngoài, chúng ta phải càng có hạnh phúc khi càng có
nhiều sự vật mới đúng chứ. Thật sự, người giàu có, lắm sự vật, chưa chắc đã hạnh
phúc hơn kẻ nghèo. Nói cách khác, kẻ nghèo ít của cải, chưa chắc thiếu hạnh
phúc hơn người giàu. Tóm lại, chúng ta thấy rõ ràng mình theo đuổi hạnh phúc
nhưng không biết thế nào là hạnh phúc và cũng chả biết phải dùng cách nào để đạt
hạnh phúc?! Những người tìm hiểu một cách chân thành sớm muộn gì cũng thấy rằng
hạnh phúc nằm ở ngay nội tâm ta. Các khoái cảm không có tính cách tư hữu, mà chỉ
là một tia nhỏ của hạnh phúc chân thật thuộc bản tính tự nhiên của con người ,bị
che lấp bởi vô minh. Một con chó gậm xương bị trầy miệng, chảy máu nó lại tưởng
rằng máu phát xuất từ khúc xương. Chúng ta cũng thế cứ tưởng sẽ được hạnh phúc
khi chạy theo những vật ngoại giới. Có lẽ các ông khó chấp nhận quan niệm này,
nhưng ít ra cũng tin rằng những nỗi vui hay buồn tuỳ ở chúng ta nhiều hơn là sự
vật bên ngoài. Dù sao, sự chấp nhận này cũng chưa đủ đem lại cho ta hạnh phúc,
vì có hai nỗi đe doạ: sự ham muốn và sợ hãi. Chúng ta càng ham muốn thì càng sợ
hãi, và càng sợ hãi lại càng đau khổ. Thay vì diệt trừ những đe doạ này, chúng
ta lại quỳ luỵ chúng. Khi ham muốn lên tiếng, “hãy đạt được vật đó đi, rồi sẽ
sung sướng”, thì chúng ta tin tưởng và tìm mọi cách đạt kỳ được vật đó. Nếu
chúng ta không đạt được, thì chúng ta đau khổ, mà nếu đạt được thì ham muốn lại
thúc dục ta tìm đến một vật khác nữa. Thế mà chúng ta vẫn không thấy mình bị lừa
gạt chút nào mới lạ, quả là ham muốn như lửa đỏ, càng cháy dữ khi càng đổ thêm
dầu. Bao giờ chúng ta là nô lệ của dục vọng, chúng ta không sao đạt được hạnh
phúc. Nếu đạt được lại sợ mất đi, càng có nhiều càng lo sợ nhiều, có đúng thế
không? Tóm lại, muốn có hạnh phúc thật sự, phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn.
Đức
Mahayasa im lặng như đắm chìm vào một quá khứ rồi tiếp tục:
-
Đến đây chúng ta cần được một vị thầy hướng dẫn thêm. Người này phải hiểu rõ hạnh
phúc ở đâu, phải theo đường lối nào. Người này phải thắng được các đe doạ như sợ
hãi, ham muốn, và thật sự đã đạt được niềm hạnh phúc vô biên; như vậy mới có đủ
kinh nghiệm dìu dắt chúng ta. Như con bệnh phải đi tìm danh y thì kẻ cầu đạo cần
một vị thầy. Ramakrishna chính là vị thầy mà tôi gặp. Kinh sách xưa xác nhận sự
minh triết có thể giúp con người thoát khỏi khổ đau, nhưng ta không thể tìm nó
bằng lý luận hay trong sách vở. Trong quá khứ, đã có những bậc đạo sư như đức
Phật, đấng Christ đã tìm được hạnh phúc và hướng dẫn những kẻ khác. Sau khi các
ngài tịch diệt, môn đệ có trình bày giáo lý của các ngài trong kinh sách, nhưng
dù sao đi nữa, kinh sách cũng có những khiếm khuyết, ngôn ngữ làm sao diễn tả hết
được, làm sao bằng lời những vị đạo sư hãy còn sống bên cạnh chúng ta.
Ramakrishna đã dạy rằng, nguyên nhân các đau khổ đều ở trong ta chứ không phải ở
bên ngoài. Có người hỏi thế giới chúng ta đang sống có điều gì xấu xa không?
Thì ngài đã trả lời rằng nó rất tốt đẹp, có xấu xa chăng là lòng người, vì con
người đã hiểu sai nó. Công việc của chúng ta hiện nay là phải đi ngược dòng tìm
cho ra sự sai lầm nguyên thuỷ để diệt trừ nó, thì mọi việc sẽ tốt đẹp… Phát
giác và trừ tuyệt cái sai lầm căn bản là phương thuốc chánh, tất cả phương tiện
khác đều chỉ là tạm bợ. Nhiều lắm là chúng giúp ta tìm ra phương thuốc nói
trên. Đó là giá trị của các tôn giáo, các nghi lễ, tiếc thay tôn giáo hay gây sự
chia rẽ, đôi khi còn làm cho tâm trí suy kém, cản trở bước tiến của tín đồ. Có
người đã hỏi tại sao con người luôn luôn đau khổ, sợ hãi, thì ngài trả lời rằng,
sự kiện đó là do lầm lạc phát sinh, từ sự thiếu hiểu biết chính mình. Có nhiều
người, họ biết mình rất rõ ràng, hoặc lại cho rằng điều này không cần thiết, vì
trong đời sống hàng ngày đầy rẫy những phức tạp, điều ta cần khai thác là làm
gì cho có lợi, kiếm được thật nhiều tiền. Để khai thác, con người gán cho kiến
thức một giá trị quá mức, như bắt mọi người phải đến trường. Từ xưa đến nay
nhân loại thu thập biết bao kiến thức nào là sử ký, địa dư, thiên văn, vật lý,
triết học và siêu hình học nữa… Nếu những kiến thức này là sự hiểu biết đứng đắn
thì nó phải đem lại hạnh phúc cho nhân loại chứ. Sự thật lại khác hẳn, chúng ta
học cách chế ngự quyền lực thiên nhiên, đi ngược luật tạo hoá, khiến cho xã hội
càng ngày càng đau khổ, bất mãn thêm. Sự chế ngự này, con đẻ của khoa học chỉ
đem lại lợi ích cho một thiểu số thôi. Do đó, lắm kẻ giàu sang sung sướng nhưng
vẫn không sao hạnh phúc được trước khổ đau của đa số. Tóm lại, khoa học đã tạo
cho con người nhiều khó khăn hơn là giải quyết các điều kiện căn bản của cuộc sống.
Đức
Mahayasa nhìn mọi người trong phái đoàn, rồi tiếp tục:
-
Đã có một giáo sư đại học hỏi Ramakrishna về bức tường vô minh mà khoa học
không sao vượt qua được. Họ biết các vật vi tế như nguyên tử, điện tử nhưng đó
cũng chỉ qua sự ức đoán mà thôi, không phải biết một cách trực tiếp. Họ cũng biết
các vật vĩ đại như các dãy thiên hà nhưng cũng chỉ ngưng ở đây thôi. Ngài đã trả
lời rằng, ngoại cảnh chỉ đưa con người tới chỗ vô minh mà thôi. Theo ngài, nếu
nhân loại cố tìm tòi những gì khác hơn là bản chất con người thì những kiến thức
ấy không phải sự hiểu biết thật sự. Lời nói này có vẻ làm giảm giá trị của khoa
học, nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta thấy ngài rất có lý. Sự hiểu biết về khoa học hiện
nay còn nhiều điểm đáng nghi. Các khoa học gia vẫn còn bất đồng ý kiến về một
chuyện gì, thì quần chúng đã lên tiếng ủng hộ, do đó những người bất đồng ý kiến
cũng phải im, dù có thể họ rất có lý và số đông đã sai. Trong phạm vi khoa học,
cũng như triết học và tôn giáo, ý kiến thường sai biệt ít nhiều, tuỳ tâm trí
nhà bác học. Sự tìm hiểu chân lý bắt buộc một học giả phải có những đức tính
cao quý vì tâm trí học giả có một ảnh hưởng to lớn trong sự tìm hiểu và sự hiểu
biết chỉ có thể xem như một chánh kiến, khi người tìm kiếm có đủ tư cách. Vì thế
khoa học đã vấp nhiều lỗi lầm khó sửa. Sự thất bại của khoa học phát sinh từ một
lầm lỗi nguyên thuỷ là các bác học tưởng mình đã biết, không cần sự tự biết
mình. Trong cả hai trường hợp, họ bắt đầu cuộc đi tìm với những thành kiến sai
lầm về bản chất của họ. Do đó, những điều họ tìm ra dù có giá trị vẫn bắt đầu từ
những sai lầm căn bản, hậu quả là khoa học ngày nay đã đưa nhân loại đến những
hố thẳm, thay vì chân trời sáng lạng. Một hôm có tín đồ đến hỏi Ramakrishna về
các thần tượng mà họ không thích. Họ muốn ngài chấp nhận ý kiến của họ là không
nên thờ thượng đế dưới hình thức thần tượng.
Một
người hỏi ngài:
-
Thượng đế có sắc tướng không?.
Ngài
đáp:
-
“Ai nói rằng thượng đế có sắc tướng.
-
“Nếu thượng đế không có sắc tướng thì tại sao lại thờ ngài trong các hình tượng
làm gì?
-
Chúng ta hãy để thượng đế sang một bên, và xin anh cho tôi biết anh có sắc tướng
không?
-
Dĩ nhiên là có chứ, hãy nhìn thân thể này…
-
Nhưng anh có phải cái xác thân đen xám, râu tóc xồm xoàm này không?
-
Dĩ nhiên tôi là xác thân này chứ còn gì nữa.
-
Trong lúc ngủ say, không mơ mộng, anh có phải là nó không?
-
Có chứ, vì khi thức dậy tôi thấy tôi đâu thay đổi gì.
-
Và rồi khi anh chết.
-
Thì tôi cũng còn là nó.
-
Vậy thì tại sao khi người ta hoả thiêu nó, nó không nói nó không chịu đi, và muốn
ở lại nhà?
Khi
người này ý thức rằng mình đã sai và đáp rằng:
-
Tôi không phải là thể xác này, mà là sự sống trong nó.
-
Anh hãy suy gẫm kỹ về điều này. Hồi nãy anh nói rằng anh là thể xác này. Bây giờ
anh lại nói rằng không phải. Cho mình là xác thân này là một lỗi lầm nguyên thuỷ.
Bao giờ sự sai lầm này còn, dù anh nói thượng đế có sắc tướng hay không cũng
không ăn thua gì. Khi sự sai lầm này được đánh tan thì mọi việc sẽ sáng tỏ.
Tóm
lại, theo Ramakrishna thì nguyên nhân của sợ hãi, dục vọng, ham muốn là do sai
lầm đầu tiên, tự cho mình là xác thân này, vì sợ hãi hay ham muốn đều bắt đầu từ
thể xác này. Dĩ nhiên, rất nhiều người cũng đồng ý như thế , và tin rằng con
người không phải là thể xác mà là một sự sống trường cửu. Sách vở cũng nói như
thế rất nhiều. Nhưng trong đời sống thực tế, họ có làm gì khác đâu. Lúc đầu họ
nghĩ rằng nhờ kiến thức thu thập, hiểu biết các chân lý cao siêu họ sẽ khác người
thường. Nhưng tại sao họ vẫn hành động y như họ là thể xác này vậy? Nếu xác
thân họ nhỏ bé, họ cho rằng mình bé nhỏ. Nếu xác thân họ to lớn, đẹp đẽ, họ cho
rằng mình lớn đẹp. Nếu xác thân họ ốm đau, họ cho rằng mình bệnh hoạn. Nếu tư
tưởng họ phong phú, họ cho rằng mình thông minh… Tóm lại, sự sợ hãi và dục vọng
vẫn y như xưa, có thể lại còn gia tăng hơn vì họ hãnh diện về sự hiểu biết của
mình hơn xưa. Nói một cách khác, sở dĩ họ làm thế, vì chưa chứng nghiệm được con
người thật của mình, sự sai lầm nguyên thuỷ vẫn còn tác động mạnh mẽ nơi họ. Kiến
thức của họ chưa tạo được một sự biến chuyển thật sự….
Ramakrishna
đã dạy rằng, kiến thức về tâm linh thu thập qua sách vở thường tai hại hơn là một
người thất học, dốt nát. Những người kiến văn quảng bác, lịch thiệp, bằng cấp,
danh vọng thường ích kỷ, lại còn ngạo mạn, họ cho rằng mình biết nhiều, hiểu
nhiều, và không chịu tìm hiểu, thực hành đào sâu vào thêm nữa. Đó là sự hiểu biết
hời hợt qua sách vở, chứ đâu phải là một chứng nghiệm nội tâm. Sách vở chỉ là
la-bàn hướng dẫn, chứ đâu phải minh triết thật sự. Sự thu thập kiến thức kiểu
này, tạo nên tình trạng hỗn độn trong triết lý và thần học. Các triết gia và
nhà thần học đã thảo luận không ngừng về những vấn đề khó khăn, như nguyên nhân
đầu tiên, sự thật cuối cùng, bản chất thời gian, định mệnh con người, tự do, giải
thoát, .v..v… và chả đạt đến một kết quả nào. Các bậc hiền triết đứng bên ngoài
cuộc thảo luận đó, vì họ có lối giải quyết riêng, trái với các giải pháp trí thức.
Thay vì thảo luận, họ cố khám phá lấy sự thật, và khi tìm ra sự thật, các vấn đề
trên sẽ đương nhiên được giải quyết.
Nói
đến đây, đức Mahayasa lặng yên chìm đắm trong một không khí êm đềm nào đó.
Giáo
sư Evans-Wentz cố gắng:
-
Nhưng con người không thể sống bằng đức tin, mà còn phải thoả mãn lý trí nữa, đối
với những người thiên về lý trí, không biết ngài nghĩ sao?
Mahayasa
mỉm cười:
-
Nếu thầy tôi Ramakrishna còn sống có lẽ ngài sẽ khuyên ông nên cầu nguyện.
-
Tại sao như vậy?
-
Cầu nguyện là phương tiện cuối cùng của con người. Khi nào lý luận tỏ ra bất lực
thì sự cầu nguyện sẽ bổ sung, phù trì, cứu độ…
-
Nhưng nếu tôi không thể cầu nguyện thì phải làm sao?
Đức
Mahayasa nhìn giáo sư Wentz, ánh mắt ngài long lanh một niềm ưu ái:
-
Ông nên tiếp xúc với các bậc chân tu, các vị này sẽ hướng dẫn tâm hồn ông lên
cõi thiêng liêng, và thức động các khả năng thiêng liêng nhất của ông. Có lẽ
ông cần một vị thầy.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...